Chương 12: Đối đầu trên cửa Đại Than
Rời khỏi đại trại giữa sông núi Quảng Yên, Quốc Tuấn ra lệnh cho đoàn binh thuyền đi miết, bỏ mặc đám quân trên bộ của Dã Tượng cũng đang hành quân trên bờ sông bên tả. Ông quyết định phải hành quân thật khẩn trương mau lẹ vì Vạn Kiếp đang gần như bị bỏ trống hoàn toàn.
- Nếu để giặc chiếm được Vạn Kiếp thì…!
Ông khẽ tặc lưỡi mà không dám nghĩ tiếp vì quả thật nếu để cho Thoát Hoan nhanh chân chiếm được Vạn Kiếp thì bọn giặc có thể khống chế được toàn bộ vùng sông nước Lục Đầu Giang… và như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu của thủy quân Đại Việt. Chưa kể chúng sẽ dùng Vạn Kiếp như một căn cứ để tiến đánh Thăng Long. Quốc Tuấn biết rõ như vậy nên ông liên tục thúc giục các tướng thủy binh cho đoàn thuyền đi gấp cả ngày lẫn đêm.
Trên đường về Vạn Kiếp, Quốc Tuấn lại nhận được thêm một mật tin từ chỗ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chuyển về. Nét mặt vị tướng già cau có hẳn lại sau khi đọc thư, theo như tin báo thì Trần Nhật Duật cũng đã kịp lập xong phòng tuyến trên ngã ba sông Bạch Hạc, tuy nhiên tình thế đang ngày một nguy cấp. Hai tướng của Đại Việt là Hà Anh và Lê Thạch đã bị tử trận. Trần Nhật Duật cũng đang phải cố tử thủ để giữ gìn phòng tuyến nhưng thương vong rất nhiều nên khó có thể giữ được lâu. Trần Nhật Duật vội gửi thư cho ông là để xin chuyển sang phương án lui binh.
Thật là nan giải… nếu phòng tuyến Bạch Hạc mà cũng bị vỡ thì chỉ nội trong hai ngày quân giặc kia sẽ thuận dòng sông Cái(1) mà tới được kinh thành Thăng Long. Không thể ngờ được là một cánh quân phụ của giặc Hồ do tên Ái Lỗ chỉ huy mà lại có thể lợi hại đến như vậy…! Nhưng không thể buông tay ngay được… Ta phải đánh một trận xem thắng thua thế nào đã rồi mới quyết định. Quốc Tuấn nghĩ như vậy nên vội viết thư trả lời Trần Nhật Duật, dặn phải cố giữ vững phòng tuyến Bạch Hạc thêm một thời gian nữa chờ ông đánh một trận đối đầu với Thoát Hoan tại Vạn Kiếp xem thắng thua ra sao rồi mới quyết định lui binh hay không.
Tuy nhiên, Quốc Tuấn đã tính sai và đi chậm hơn Thoát Hoan một nước cờ. Tên tướng giặc đã sớm rút ra được kinh nghiệm từ trận thua năm trước, y biết rõ Vạn Kiếp là một nơi có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nếu chiếm được nơi đó thì có thể kiểm soát được mọi ngả đường thủy bộ của quân Đại Việt. Chính vì vậy nên ngay sau khi nghe quân thám mã về báo tin tướng Đại Việt là Trần Nhật Duật đã dẫn thủy binh dời bỏ Vạn Kiếp để lên lập phòng tuyến cố thủ ở Bạch Hạc, Thoát Hoan vô cùng mừng rỡ, y chia ngay quân bộ của mình làm hai ngả rồi truyền lệnh cấp tốc tiến đánh Vạn Kiếp. Quân Thoát Hoan sức như chẻ tre, chúng đánh đến đâu, quan quân Đại Việt thua chạy tan tác đến đó. Y nhanh chóng đến đích trước Quốc Tuấn chỉ đúng một ngày đường.
Khi đã chiến được Vạn Kiếp, Thoát Hoan vô cùng đắc ý, hắn cho rằng trời đã ủng hộ hắn trong việc thôn tính Đại Việt lần này. Y đoán biết thế nào quân Đại Việt cũng tìm cách tái chiếm lại Vạn Kiếp nên vội vàng ra lệnh ngay cho các tướng dưới trướng phải nhanh chóng lập trại bố phòng, xây dựng Vạn Kiếp thành một trại lớn nhằm mục đích lấy đó làm căn cứ đầu não để từ đây đối địch lại với quan quân nhà Trần và đánh chiếm Thăng Long.
*
* *
Khi Quốc Tuấn dẫn binh thuyền gần đến được Vạn Kiếp thì chợt thấy một đoàn thuyền mang cờ hiệu Đại Việt từ trên thượng lưu sông Bình Than đi xuống. Khi hai đoàn thuyền gặp nhau, Quốc Tuấn mới biết đó là đoàn bại binh thuyền của tướng Nguyễn Khoái bị Thoát Hoan đánh đuổi chạy qua cả Vạn Kiếp mà về đến đó. Nguyễn Khoái biết binh thuyền của Quốc Tuấn đi đến vội vã sang thuyền Tiết chế cúi đầu xin chịu tội. Quốc Tuấn giật thót mình khi nghe tin giặc Hồ đã chiếm được Vạn Kiếp. Ông hết trách Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão đã không cố cầm được chân giặc như lời ông căn dặn thì lại quay sang tự trách mình vì đã không tính được hết sức mạnh của Thoát Hoan nên đã chậm chân hơn hắn. Quốc Tuấn nói:
- Ta chậm chân mất rồi…!
Nguyễn Khoái tỏ vẻ biết lỗi nên quỳ xuống nhận tội:
- Tôi quả thực là tướng bất tài…, vô dụng… xin Tiết chế xử tội!
- Ngươi đứng lên mau đi… - Quốc Tuấn lấy lại bình tĩnh nói với viên bại tướng - Dù sao sự việc đã rồi…!
- Đội ơn Tiết chế tha tội - Nguyễn Khoái vừa đứng lên vừa nói.
- Thắng thua cũng là việc thường của tướng lâm trận! Ngươi đừng nhắc đến việc đó nữa.
- Đa tạ Tiết chế đã thấu hiểu cho…!
- Ta bảo đừng nói nữa mà…! Ngươi hãy mau nói lại cho ta nghe xem tình hình ở mặt trận phía bắc thế nào rồi?
- Bọn giặc đánh xuống rất nhanh và mạnh, chúng tôi quân mỏng nên cũng đã cố hết sức nhưng không cách gì ngăn nổi. Chúng tôi đành phải hạ lệnh lui quân để bảo toàn lực lượng và đợi Tiết chế đến sẽ đánh phục thù chúng nó.
- Được rồi… cứ để ta đưa quân đến đó xem thế nào đã rồi quyết định!
*
* *
Quốc Tuấn đến sát Vạn Kiếp thì phái tiêu thuyền đi thám thính tình hình quân giặc, khi nghe quân do thám báo về là Thoát Hoan đã cho lập xong doanh trại ở đó rồi thì ông lại cảm thấy vô cùng hối hận. Ông hối hận vì chỉ chậm hơn Thoát Hoan đúng một ngày đường mà đành bị rơi vào cảnh yếu thế… Nhưng không thể dễ dàng mà từ bỏ Vạn Kiếp ngay được, cần phải nghĩ cách để đánh chiếm lại. Quốc Tuấn nghĩ vậy bèn gọi đám lính cận vệ cùng tìm đường trèo lên một ngọn núi cao. Đến nơi ông đứng nhìn chăm chú để xem xét kỹ nội tình bên trong trại giặc. Nhìn ngắm một lúc, Quốc Tuấn nhận thấy trại giặc được lập rất kiên cố và được canh gác bố phòng đâu ra đấy. Ông than lên:
- Kiên cố và chắc chắn quá…!
Quốc Tuấn xem kỹ xong chỉ biết đứng nhìn và than thở mãi không thôi. Ông không trách đến Chiêu Văn vương vì nếu Chiêu Văn vương không nhanh chóng lui về lập phòng tuyến trên ngã ba sông Bạch Hạc kia thì chắc giờ này lũ giặc cũng đã tiến đến chân thành Thăng Long rồi. Ông chỉ thầm trách bản thân mình chỉ vì mải mê theo đuổi thế trận cọc Bạch Đằng kia để đến nỗi Vạn Kiếp bị mất, Vân Đồn bị thất thủ, Bạch Hạc cũng sắp vỡ…
Nhưng có tự trách mình đến mấy đi nữa thì cũng không thể lấy lại được những gì đã mất, không thể đứng đây để mà than thở được, cứ phải đánh một trận đối đầu để xem thế giặc mạnh yếu ra sao đã. Quốc Tuấn nghĩ đi lại nghĩ lại là quân bộ của mình vẫn còn đang bị tụt lại phía sau. Chưa thể làm gì được lũ giặc, Quốc Tuấn buồn bã giục quân xuống núi.
Các tướng thấy Quốc Tuấn đi xem xét trại giặc về thì bảo nhau kéo tới hỏi han xem có đánh được ngay không. Ông chỉ lắc đầu nói:
- Cứ chờ Dã Tượng đưa bộ quân đến đây đã rồi sẽ tính!
Quốc Tuấn ra lệnh cho thủy quân lui về cửa Đại Than lập thủy trại để đợi Dã Tượng. Hai hôm sau, Dã Tượng mới đưa quân tới được Đại Than. Quốc Tuấn bèn cho gọi tất cả các tướng đến để cùng bàn bạc việc quân cơ, khi mọi người đã tề tựu đông đủ, ông nói:
- Chúng ta đã bị thua Thoát Hoan vì đã chậm chân để hắn chiếm được chỗ địa thế hiểm. Nay ta có ý định cho quân sĩ đánh chiếm lại căn cứ Vạn Kiếp một là muốn chiếm lại thế đất tốt và hai là cũng muốn đối đầu với lũ giặc kia một trận để xem chúng thực sự mạnh yếu ra sao… Vậy các tướng có chủ ý gì thì nói ra để chúng ta cùng bàn.
Yết Kiêu hăng hái nói ngay:
- Tiết chế cứ cho tôi lĩnh cờ tiên phong đánh thẳng vào trại giặc một phen… ai sợ chứ tôi sợ gì chúng nó?
Quốc Tuấn nói:
- Ta đã xem xét kỹ trại giặc rồi! Thủy quân của giặc lần này đã có nhiều tiến bộ, chúng bố trí rất hợp lý chứ không bát nháo như lần trước đâu.
- Chẳng qua chúng chưa gặp Yết Kiêu này thôi! Cứ để tôi đánh một trận cho chúng sáng mắt ra…!
Quốc Tuấn thấy Yết Kiêu cứ mở miệng là nói đến đánh thì vội gạt đi:
- Đánh hay không đánh… đánh như thế nào thì ngươi cứ bình tĩnh để mọi người cùng bàn đã! - Quay sang các tướng khác ông hỏi - Thế ý các tướng khác thế nào?
Dã Tượng lúc đó đang nghĩ nếu đánh bằng thủy quân thì mình chỉ có nước ngồi mà ngắm nên vội đứng lên nói:
- Tôi thấy như mọi khi trước giặc mạnh trên bộ thì ta đánh mạnh đường thủy. Nay nếu Tiết chế thấy chúng mạnh hơn về đường thủy thì ta lại nên đánh mạnh về đường bộ thì hơn.
Quốc Tuấn quay sang Nguyễn Khoái hỏi:
- Tướng quân vừa rồi đã từng có mấy trận đối đầu với giặc rồi nên cũng biết được phần nào thế mạnh yếu của chúng, vậy tướng quân có cao kiến gì không?
- Theo ý tôi ta vừa đánh thủy binh kết hợp với trên bộ để quân thủy bộ của chúng không hỗ trợ được cho nhau. Nhưng xin lưu ý là vừa rồi không phải chúng tôi không cố sức mà thế giặc hiện nay đang rất hăng… - Nói đến đây, Nguyễn Khoái dừng lại quay sang nhìn khắp lượt mọi người rồi mới nhấn mạnh - Xin mọi người cẩn thận cho, đừng nên quá khinh địch.
Đang khi các tướng nhà Trần cùng nhau bàn bạc thì có người vào báo là có một tên lính viễn thám vừa ở cửa Nam Triệu về xin được vào bẩm báo gấp. Quốc Tuấn muốn biết tin tức cập nhật để cùng bàn bạc luôn thể bèn cho gọi tên lính viễn thám vào báo cáo ngay trước mặt mọi người. Tên lính bước lên thuyền vội quỳ xuống giọng hớt hải:
- Thưa… Tiết chế…!
- Có gì cứ nói mau đi!
- Đoàn chiến thuyền… của Ô Mã Nhi đã vào đến cửa sông Bạch Đằng rồi!
- Vậy sao? - Quốc Tuấn đón nhận tin này với vẻ bình tĩnh, ông hỏi lại - Đoàn chiến thuyền của chúng nhiều hay ít?
- Chúng con không đến được gần… nhưng thấy thuyền chúng đi san sát với nhau ken đặc cả một đoạn sông. Áng chừng cũng phải trên sáu trăm chiếc trong đó có hơn hai trăm thuyền cỡ lớn.
- Thôi được rồi… các ngươi nhớ theo dõi tốc độ hành quân của chúng rồi thường xuyên về báo ngay cho ta biết!
- Dạ!
- Thôi cho ngươi lui ra đi!
Đợi cho tên lính ra hẳn ngoài Quốc Tuấn mới quay lại nói:
- Vậy là bây giờ tình thế đã thay đổi! Ta không chỉ có Thoát Hoan mà còn phải đối phó với cả tên Ô Mã Nhi kia nữa!
Nguyễn Khoái nêu ra ý kiến:
- Theo ý tôi thì Thoát Hoan nay đã lập trại dưới sông, trên bờ đều rất kiên cố rồi thì ta không nên cố để mà đánh chiếm lại nữa vì nếu có đánh cũng không thể được ngay trong ngày một ngày hai. Hiện nay thủy binh của Ô Mã Nhi cũng đang gấp rút trên đường tiến đến Vạn Kiếp, vậy giả sử nếu đương khi chúng ta mải đánh Vạn Kiếp chưa được mà Ô Mã Nhi lại kéo đến bịt mất cửa Đại Than này thì quân ta sẽ bị kẹp vào giữa… Như vậy sẽ rất nguy hiểm cho thủy quân, vậy theo tôi ta nên rút quân về Thăng Long để bảo toàn lực lượng là hơn.
- Đúng vậy! - Quốc Tuấn đồng tình với Nguyễn Khoái và nhanh chóng quyết định - Cái chính là thủy binh của Ô Mã Nhi cũng đang trên đường đến đây để hội quân với Thoát Hoan. Nếu ta mải đánh Vạn Kiếp thì Ô Mã Nhi có thể đánh ập lại từ mặt sau giống như tướng Nguyễn Khoái đây vừa nói… nhưng cũng có thể Ô Mã Nhi sẽ không đánh chúng ta mà đưa quân vào sông Thiên Đức tiến thẳng đến đánh chiếm kinh thành Thăng Long… Việc bảo vệ Thăng Long là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nên chúng ta đành phải chấp nhận cho giặc chiếm giữ Vạn Kiếp trong một thời gian đã.
Dã Tượng nghe Quốc Tuấn đã quyết như vậy thì hỏi:
- Vậy giờ Tiết chế có đối sách gì chưa?
- Nay ta quyết định thế này… chúng ta sẽ không cố sức đánh chiếm lại Vạn Kiếp nữa, tạm thời cứ cho quân giặc trú tạm ở đó một thời gian… Các tướng mau về cho quân sĩ lập trại vững chắc ngay tại cửa Đại Than để vừa án ngữ đường về Thăng Long vừa ngăn không cho bọn Ô Mã Nhi có thể đến Vạn Kiếp để hợp binh cùng với chủ tướng của hắn.
Nguyễn Khoái đã đối đầu mấy trận với giặc nên biết thế giặc năm nay rất mạnh và hung hãn nên vẫn có ý lo ngại:
- Nếu Ô Mã Nhi từ phía đông đánh tới mà Thoát Hoan lại từ mặt bắc đánh xuống, hai mặt cùng đánh kẹp lại thì quân ta chiến thuyền vừa nhỏ vừa ít… tất sẽ bị nguy mất! Mong Tiết chế phải đề phòng cho mới được!
Quốc Tuấn thấy Nguyễn Khoái cẩn thận như vậy cũng có lý thì nói:
- Được…! Lời của Nguyễn tướng quân chúng ta rất nên lưu ý. Vậy ta sẽ viết ngay một bức thư rồi sai người chạy gấp về Thăng Long cấp báo cho Quan gia biết tình hình và xin triều đình gửi xuống tăng cường cho vài chục chiến thuyền và mấy ngàn quân Thánh Dực để quyết giữ bằng được cửa Đại Than đây.
Nguyễn Khoái nói:
- Quân Thánh Dực nổi tiếng vũ dũng, nếu được như thế thì chúng ta có phần yên tâm hơn rồi!
Quốc Tuấn gật đầu đồng tình rồi gọi:
- Dã Tượng đâu!
- Dạ!
- Ngươi hãy cho quân vào rừng chặt hạ thật nhiều cây to, chặt được cây nào thì phải kéo ngay cây đó ra sông để giao cho quân của Yết Kiêu. - Quốc Tuấn dặn Dã Tượng xong lại quay sang Yết Kiêu - Yết Kiêu khi nhận được cây của Dã Tượng thì phải cho cắm ngay xuống hai bên đáy sông kia để bắt các chiến thuyền lớn của giặc phải đi thành hàng dài chứ không được đi thành hàng ngang… Tất cả các tướng nhớ dặn quân sĩ của mình phải chuẩn bị thật nhiều cung nỏ và tên đạn vào…! Tới đây chúng ta sẽ dùng đến chúng nhiều đấy!
- Dạ!
- Thôi cho các ngươi lui ra… Ta phải viết thư cấp báo lên Thượng hoàng và Quan gia đã.
*
* *
Đợi các tướng ra khỏi thuyền, Quốc Tuấn lấy giấy bút ra rồi viết liên tục không dừng lại. Trong thư ông báo cáo sơ qua tình hình các mặt trận, ông cũng xin Thượng hoàng mau chóng cho gọi Lê Phụ Trần ra bắc vì Ô Mã Nhi đã vào sông Bạch Đằng thì sẽ không vào Hoan Ái như lần trước nữa. Cuối cùng ông xin triều đình cho một đội quân Thánh Dực và vài chục chiến thuyền xuống tăng cường cho phòng tuyến ở cửa Đại Than. Sau khi viết xong thư, ông buông bút đọc kỹ lại một lượt rồi mới niêm phong và cho gọi người vào giao chuyển gấp về Thăng Long.
Các tướng phấn khởi chia nhau đi thực hiện mệnh lệnh lập trại. Một ngày sau thì khu thủy trại kiên cố cũng cơ bản đã được lập xong, Quốc Tuấn đích thân đi kiểm tra thấy hài lòng, lệnh cho các tướng phải ra sức canh phòng cho thật cẩn thận. Sau đó lại phái các tiêu thuyền đi dò la tình hình bên phía Thoát Hoan và Ô Mã Nhi.
Buổi sáng hôm sau, quân canh phòng báo lên là đêm hôm qua đã phát hiện và bắt được một nhóm dân vạn chài mấy chục người đang rình nấp ở trong bãi lau sậy ven sông gần nơi thủy trại. Quốc Tuấn muốn trực tiếp hỏi rõ thực hư bèn bảo dẫn đám người vạn chài tới để trực tiếp xét hỏi. Khi đám dân vạn chài tới chỉ thấy trong đám có vài người đàn ông là trung niên còn lại toàn là các ông già trên dưới sáu mươi tuổi và một lũ đàn bà, con gái lau nhau dắt díu nhau đi tới. Vừa trông thấy Quốc công, cả đám vạn chài vội quỳ mọp xuống cúi lạy xin tha tội. Quốc Tuấn thấy vậy vội chạy lại bảo mọi người cùng đứng dậy.
- Các người đứng dậy cả đi…! Các người có làm gì đâu mà nên tội?
Một ông thay mặt đám người đứng ra chắp tay nói:
- Do chúng tôi không biết được đây là đoàn binh thuyền của triều đình mà lại tưởng là thuyền của bọn giặc đã kéo đến đây nên phải rủ nhau đi trốn. Nhưng không may lại làm kinh động đến quan quân… Kính mong Quốc công tha tội cho lũ chúng tôi!
- Thế thì có làm sao đâu mà gọi là có tội..? Đất nước đang bị nạn binh đao, sao các người không lên bờ mà tạm lánh nạn một thời gian đi đã, đợi khi hết nạn can qua rồi hãy quay lại làm nghề chài lưới?
- Dạ! Bẩm Quốc công… dân vạn chài bọn con quanh năm sống chết ở trên thuyền… lên bờ thì làm gì có nhà mà ở, làm gì có ruộng vườn để mà cày cấy! Thôi thì cứ bám vào mấy khúc sông mà kiếm ăn, giặc đến thì trốn tạm đi, giặc đi qua lại ra sông để bắt tôm bắt cá đổi lấy thức ăn sống tạm cho qua ngày đoạn tháng!
Quốc Tuấn để ý trong cả đám người không thấy có một thanh niên nào cả thì hỏi:
- Thế đám trai tráng đi đâu hết rồi mà không thấy có ai ở đây vậy?
- Dạ! Đám trai làng đã đăng lính vào các đội quân của triều đình hết rồi. Chúng con cũng xin đăng lính đấy nhưng vì tuổi cao nên không được thu nhận… Nay may có phúc nên được diện kiến Quốc công ở đây kính mong Quốc công phá luật cho chúng con được đăng lính theo với?
Mấy ông già khác cũng nhao nhao cả lên:
- Phải đấy! Xin Quốc công thương tình cho tụi con đi đánh giặc?
Quốc Tuấn cảm thấy hơi buồn cười vì sự hăng hái của mấy ông già nhưng ông cố kìm lại vì không nỡ cười cợt sự nhiệt tình của họ. Chính ông là người đã đưa ra chủ trương chỉ lựa chọn trai tráng khỏe mạnh để sung lính. Ông đã từng nói với Thượng hoàng rằng “Quân đội cốt tinh bất cốt đa”. Ông không muốn để những người già phải đi đánh giặc. Vậy nên ông lảng tránh lời cầu xin của mấy ông già bằng một câu hỏi:
- Vừa rồi trông cờ hiệu của ta mà các ông không biết đây là đoàn binh thuyền của triều đình à?
- Dạ! Chúng con có biết ạ!
- Vậy hà cớ làm sao lại vẫn phải trốn đi như vậy?
Ông già giọng run run ngập ngừng:
- Dạ! Bẩm… tại… tại vì…
- Có gì ông cứ nói đi… đừng ngại! - Quốc Tuấn thấy ông già có vẻ e ngại không dám nói bèn động viên.
- Bẩm… vì cách đây hai hôm cũng có một đoàn thuyền mang cờ hiệu của quan quân triều đình đi ngang qua chỗ chúng con. Vậy nên chúng con cứ bảo nhau không phải trốn chạy đi đâu hết…! Không ngờ quân sĩ trên các thuyền kia xông đến chẳng nói chẳng rằng bắt ngay mấy đứa đàn bà, con gái lên thuyền mà mang đi mất.
- Bọn khốn kiếp nào dám làm như vậy được nhỉ? - Yết Kiêu đứng bên không kìm được vẻ tức giận.
Quốc Tuấn hỏi:
- Thế quần áo chúng ăn mặc thế nào… có giống quân sĩ ta không?
- Dạ, - Ông già quay qua nhìn lại mấy người lính xung quanh rồi mới trả lời - đám quân lính đó cũng ăn mặc y hệt như mấy chú lính đây.
- Thế mấy người con gái kia đã được thả về chưa?
- Dạ bẩm! Đến giờ vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả!
Quốc Tuấn trầm ngâm suy nghĩ, không hiểu bọn này là người nào mà lại có hành động kỳ quặc như vậy…? Không có lẽ là bọn Hồ gian đã xuất hiện ở gần đây rồi chăng…? Nghĩ đến Hồ gian, Quốc Tuấn vội hỏi:
- Thế bọn chúng có lấy đi cái gì nữa không?
- Dạ, Chúng còn lấy đi mấy chiếc thuyền đánh cá, cả mấy tay lưới và vài bộ quần áo cũ nữa!
- Vậy là ta rõ rồi! - Quốc Tuấn khẳng định - Chắc chắn bọn này là quân Hồ gian đấy!
- Dạ! Chúng con cũng nghĩ như vậy vì quân triều đình chưa bao giờ đối xử với chúng con như vậy cả!
- Thế từ chỗ các ngươi bị đám thuyền kia đánh cướp về đến đây cách nhau khoảng bao xa?
- Dạ, khoảng chừng hơn ba chục dặm thôi ạ… Chúng con không dám ở đó nữa nên đang trên đường lui về Vạn Kiếp, nhờ quan quân bảo vệ để mà kiếm sống.
Quốc Tuấn nghĩ ngợi một lát rồi bảo với Yết Kiêu:
- Không thể để bọn Hồ gian thâm nhập vào đất ta để dò la tin tức! Ngươi mau cho người tỏa đi khắp các bến sông, truyền cho tất cả các xóm vạn chài nội trong ba ngày phải lên bờ hết cấm ai được trái lệnh. Thuyền đánh cá cho trưng dụng vào thủy quân đổi lại mỗi chủ thuyền được cấp phát ba mươi đấu gạo… Nhớ truyền cho toàn quân sĩ rằng nếu thấy có hai thuyền đánh cá đi riêng lẻ thì phải bắt giữ và tra xét cho thật kỹ.
- Dạ! Con sẽ cho làm ngay.
Quay sang chỗ đám dân vạn chài, Quốc Tuấn nói:
- Đám vạn chài các người cũng vậy, vì sự an toàn tính mạng của chính các ngươi cũng như vì sự an nguy của đất nước, các ngươi phải mau mau lên bờ.
- Đức ông dạy thế bọn chúng con đâu dám trái lệnh nhưng… nhưng xin Đức ông cho chúng con được… theo hầu để đánh đuổi lũ giặc Hồ kia.
Không thể lảng tránh mãi câu hỏi của mấy ông già, Quốc Tuấn đành nói:
- Việc đánh giặc giữ nước là việc của lũ trai tráng… Vả lại các ông cũng phải ở lại để làm chỗ dựa cho đám đàn bà con nít nữa chứ?
Nghe Quốc công nói vậy, lũ đàn bà con gái nhao nhao cả lên:
- Thưa Đức ông…! Đàn bà con gái chúng con… chúng con tự lo được!
- Vâng…! Chúng con tự lo được!
- Tự lo được…
Đám đàn bà tranh nhau nói, Quốc Tuấn giơ tay ra hiệu cho đám vạn chài trật tự, ông nhìn thẳng vào mấy ông già rồi hỏi lại:
- Các ông có biết việc đánh giặc là vô cùng khó khăn gian khổ… thậm chí là đổ máu và hy sinh tính mạng không?
- Chúng con biết là như vậy nhưng… thà một lần sống chết với lũ giặc Hồ này còn hơn là hết đời này đến đời khác cứ phải sống trong nỗi lo chạy giặc. Mấy năm trước, khi bọn chúng đi qua đây cũng đã cướp hết tài sản của chúng con, hãm hiếp lũ đàn bà con gái, chúng còn đốt hết cả thuyền bè làm chúng con khốn đốn mãi... Chúng con căm giận bọn giặc Hồ kia đến tận xương tận tủy…! Nay đám đàn bà đã phải lên bờ rồi thì xin Đức ông cho chúng con đi theo để đánh giặc… chúng con tuy là dân vạn chài nhưng cũng có một vài món võ nhỏ mong giúp ích được ít nhiều cho Đức ông!
- Vậy… các ông cũng biết chút võ vẽ ư?
- Giỏi thì chúng con không dám nhận xằng, nhưng… chắc cũng đủ để theo hầu Đức ông ạ…! Xin Đức ông cho anh em chúng con biểu diễn, nếu thấy được xin Đức ông cho tụi con theo hầu…?
- Biểu diễn…? Vậy các ngươi thử biểu diễn ta xem… nếu thấy được ta sẽ đồng ý cho các ông đi theo đánh giặc!
- Vâng ạ…! - Mấy ông già tỏ vẻ vui mừng - Xin Đức ông và các tướng đừng có cười tụi con…!
*
* *
Một chiếc thuyền chài được mang đến neo ở giữa sông. Trên thuyền dựng lên mấy tấm bia cỏ để giả làm mục tiêu. Gần chục ông già, mỗi người ngồi trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, tay cầm cung, vai đeo tên chờ lệnh. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong, một ông già có vẻ là thủ lĩnh khẽ hô “tấn công”. Tức thì mấy ông đang ngồi trên thuyền đưa hai chân lên đặt vào hai tay chèo rồi dùng chân chèo thuyền bơi phăng phăng ra ngoài. Khi đến gần chiếc thuyền giặc giả định, các ông già nằm ngửa người xuống sát lòng thuyền, hai chân vẫn đều đều khua hai mái chèo. Ở trên bờ không ai có thể nhìn thấy người đâu cả nhưng chục chiếc thuyền chài vẫn bơi đi bơi lại lượn vờn xung quanh mục tiêu.
- Hay quá…! Hay quá…! - Yết Kiêu vừa đi thực hiện mệnh lệnh của Quốc Tuấn về, trông thấy các ông già trổ tài biểu diễn thì không khỏi ngỡ ngàng, anh vỗ tay khen lấy khen để. Quốc Tuấn thấy vậy vội ra hiệu im lặng để theo dõi tiếp.
Ông già thủ lĩnh lại hô “bắn”, lập tức các ông già đang nằm dưới thuyền khẽ nhấc tay lên khỏi mạn thuyền, chưa kịp nhìn rõ họ vừa làm gì thì đã thấy tiếng dây cung bật lên tanh tách, loạt tên bay ra trúng gần hết vào các tấm bia. Thêm hai đợt cung nữa thì tên đã dính chi chít trên các tấm bia cỏ. Quân sĩ của Quốc Tuấn có mặt ở đó tỏ ra rất phấn khích, chúng nhất loạt vỗ tay để cổ vũ cho mấy ông già.
- Lật thuyền!
Tiếng ông già cầm đầu vừa hô lên, lập tức cả chục chiếc thuyền cùng khẽ nghiêng ra phía ngoài. Chỉ nghe thấy tõm một tiếng rồi không thấy bóng dáng người nào còn ở trên thuyền nữa. Trong khi mọi người đang chăm chú theo dõi xem mấy ông già lặn biến đi đâu mất thì đột ngột cả chục cánh tay cùng thò lên khỏi mặt nước phía mạn bên phải của chiếc thuyền kia. Gần như cùng một lúc tất cả các cánh tay kia cùng giật mạnh một cái. Trong chớp mắt, chiếc thuyền giả làm thuyền giặc đã bị lật nhào xuống nước. Mọi người lại vỗ tay rào rào, đám lính thủy tỏ vẻ rất phấn khích trước màn biểu diễn ngẫu hứng của mấy ông già. Ông già cầm đầu lúc này bước tới chỗ Quốc Tuấn nói:
- Tài của chúng con chỉ làm được như vậy thôi… kính mong Quốc công cho chúng con theo hầu đánh giặc!
- Tài năng của các ông có được như vậy kể cũng đáng khen đấy…! Nhưng để đánh được bọn giặc Mông Thát không phải dễ dàng như vậy đâu… Thuyền của chúng to bằng mấy cái nhà ba gian hai chái cộng lại… làm sao mà các ông có thể lật được?
- Dạ! - Ông già gãi đầu gãi tai - Chúng con biết là như vậy cũng chỉ đủ đối phó với mấy thằng cướp sông, cướp biển thôi chứ không thể địch lại được với giặc Hồ… Nhưng xin Quốc công cứ thu nhận chúng con đi! Ít nhất thì chúng con cũng có thể làm lính chèo thuyền cũng được.
- Ta không thể…! Ta không muốn những người già phải lâm trận…! Thôi các ngươi lên bờ đi! Ta đang có việc quân phải đi gấp…!
Mấy ông già đang không biết cách nào để có thể thuyết phục được vị tướng già kia đồng ý cho theo đánh giặc thì một người trạc tuổi trung niên chạy đến níu chân Quốc Tuấn lại:
- Bẩm… Quốc công! Chúng con chỉ có một lời này nữa thôi… xin quốc công xem xét cho?
- Được…! Ngươi nói đi…!
- Quốc công cũng… cũng già cả như chúng con… Vậy mà Quốc công vẫn đủ sức để đi đánh giặc… vậy sao… lại bảo là chúng con không có sức?
- A…! Ngươi… - Quốc Tuấn ngớ người ra không biết đối đáp thế nào cho phải, ông chỉ biết cười trừ mà nói - ngươi… thật là láu cá!
Người trung niên vội chắp tay lại:
- Con xin lỗi Quốc công!
- Thôi được! Vậy thì ta thống nhất thế này nhé: Năm nay ta vừa tròn sáu mươi tuổi, ai bằng hoặc kém tuổi ta thì ta cho đi theo đánh giặc… Còn ai nhiều tuổi hơn ta thì bắt buộc phải ở lại... Ta quyết định như vậy đã được chưa nào…?
Mấy ông già có vẻ mừng lắm:
- Vâng ạ!
- Vâng ạ!
Quốc Tuấn nhắc:
- Nhưng hãy nhớ cho một điều, các người phải rất trung thực đấy nhé! Không ai được phép khai man tuổi tác!
- Vâng…! Chúng con sẽ trung thực!
- Thôi… ta cho các người lui ra để sửa soạn và chia tay nhau rồi đến gặp tướng quân Yết Kiêu đây để mà nhận việc.
Mấy ông già vui mừng lui ra, Quốc Tuấn quay sang nhìn Yết Kiêu dặn:
- Ngươi chia đều họ vào các đô lính thủy… họ đã quyết chí như vậy thì ta nghĩ chắc họ cũng không phải là loại vô dụng đâu!
- Vâng! Ai cũng có tinh thần chống giặc như vậy thì bọn giặc Hồ kia chắc sẽ sớm phải cút xéo về nước!
- Người nói phải…! Ta thấy thật xấu hổ là trong gia tộc nhà Trần lại có một số kẻ hèn nhát như lũ Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc.
*
* *
Quốc Tuấn mừng rỡ khi trông thấy một đoàn thuyền chừng năm chục chiếc mang cờ hiệu Đại Việt đang xuôi dòng Thiên Đức đi xuống. Khi đoàn thuyền đến gần, một viên tướng trong trang phục áo giáp của đội quân Thánh Dực vòng tay cúi chào. Quốc Tuấn nheo mắt nhìn kỹ hóa ra vị tướng quân kia chính là Nguyễn Thức, chỉ huy đội quân Thánh Dực tại kinh thành Thăng Long.
- Tôi là Nguyễn Thức…! - Viên tướng quân Thánh Dực kia không đợi phải hỏi mà nói lớn - Vâng lệnh Quan gia đến nhận lệnh của Tiết chế!
- Hay lắm! - Quốc Tuấn vui mừng gọi với sang - Tướng quân mau sang đây chúng ta cùng bàn việc!
Viên tướng của đội quân Thánh Dực khẽ dạ một tiếng rồi cho thuyền áp sát thuyền của Tiết chế. Khi hai thuyền sát nhau, Nguyễn Thức khẽ nhún người rồi nhảy vọt một nhát qua cả hai thành chắn mà sang thuyền bên kia.
- Thưa Tiết chế! Tôi vâng lệnh của Quan gia mang tới đây năm chục chiến thuyền và ba ngàn lính Thánh Dực tinh nhuệ. Giờ đã đến đây xin được đứng dưới trướng Tiết chế chờ lệnh.
- Tướng quân đến thật vừa kịp lúc! Ta vừa nhận được tin báo của quân do thám báo về là đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi chỉ còn cách đây chừng một ngày đường. Như vậy chiều mai hoặc cùng lắm là đến sáng ngày kia thì chúng sẽ đến được chỗ chúng ta…
- Thưa Tiết chế…! Tôi nghe nói Vạn Kiếp đã bị Thoát Hoan chiếm mất rồi có phải không ạ?
- Rất tiếc… điều mà tướng quân nghe nói đó lại đúng là sự thực.
- Vậy nếu chúng ta không giữ được cửa Đại Than này thì kinh thành Thăng Long nguy mất!
- Tướng quân hiểu nhanh sự việc như vậy là tốt! Chúng ta sẽ phải phòng thủ ở nơi đây!
- Tôi sẽ phải làm gì?
- Thực ra nếu có một mình Thoát Hoan hoặc Ô Mã Nhi thì không đáng lo, nhưng đằng này… nếu cả hai cánh quân của chúng cùng đánh ập lại một lúc thì chúng ta tất nguy mất. Nay Ô Mã Nhi thì đã sắp tới, Thoát Hoan thì vẫn chưa thấy có động tĩnh gì, vậy tôi sẽ cho quân ra chặn bọn Ô Mã Nhi lại, còn tướng quân ở đây vừa giữ lấy thủy trại vừa đề phòng Thoát Hoan từ trên Vạn Kiếp đánh xuống.
- Tôi rõ cả rồi…! Vậy cho tôi xin phép đi một vòng để nắm bắt địa thế và bố phòng của thủy trại.
- Được! - Quốc Tuấn đứng dậy trước - Mời tướng quân đi xem!
Hai người bước ra ngoài sàn thuyền, Quốc Tuấn ra lệnh cho thuyền đi vòng khắp một lượt trong thủy trại. Trên đường đi, Quốc Tuấn đưa tay chỉ trỏ, dặn dò cặn kẽ từng ngóc ngách của trại cho Nguyễn Thức biết. Sau khi xem xét đủ một vòng, Nguyễn Thức quay sang hỏi:
- Thưa Tiết chế! Vậy Tiết chế định đánh bọn Ô Mã Nhi theo cách nào?
- Chúng có rất nhiều chiến thuyền to… như vậy nếu đánh đối đầu để thuyền áp thuyền thì chúng ta sẽ bị bất lợi… nên quân ta phải dùng thật nhiều cung nỏ mới có thể hạn chế được thiệt hại cho binh sĩ.
- Vâng, tôi cũng đã nghĩ như vậy nên đã cho quân lính chuẩn bị rất nhiều cung tên trên các thuyền rồi!
*
* *
Đúng như Quốc Tuấn dự đoán, chiều hôm sau Ô Mã Nhi dẫn đoàn chiến thuyền hơn sáu trăm chiếc hùng hổ tiến đến cửa Đại Than. Y giương mắt nhìn sang thủy trại quân Trần rồi nhếch mép cười tỏ ý coi thường quân Đại Việt.
- Vân Đồn quân đông như kiến, phòng thủ lại chắc chắn như vậy mà bị ta đánh cho có một trận mà đã tan ra như cám… nay cái thủy trại con con kia thì có nghĩa lý gì?
Đám tướng lĩnh đứng cạnh thấy chủ tướng tự tin như vậy thì cũng cười theo. Phàn Tiếp nhìn thấy có cờ Tiết chế trên một chiếc thuyền Đại Việt thì đưa tay chỉ rồi nói:
- Tướng quân nhìn xem! Kia có phải là thuyền của Hưng Đạo vương không?
- Đâu? À…! Ta thấy rồi… - Ô Mã Nhi có vẻ chùn hẳn lại khi nhìn thấy có thuyền của Quốc Tuấn - Không lẽ Hưng Đạo vương lại có mặt ở đây?
Lưu Khuê nói xen vào:
- Chắc chắn là ông ta đấy…!
- Sao ngươi biết chắc vậy? - Ô Mã Nhi hỏi lại - Nhỡ quân Trần nghi binh thì sao?
Lưu Khuê giải thích:
- Nếu chúng ta vượt qua được cửa Đại Than đây thì sẽ đến ngay được Thăng Long, vì vậy quân Trần phải lập ra một phòng tuyến này để ngăn cản chúng ta lại… Vị trí quan trọng như vậy thì Hưng Đạo vương tất phải có mặt ở đây để chỉ huy cũng là điều dễ hiểu.
- Ngươi nói đúng! - Ô Mã Nhi đồng tình - Nếu Hưng Đạo vương còn đang ở đây thì chắc Trấn Nam vương(1) của chúng ta vẫn chưa đến được Thăng Long rồi!
Phàn Tiếp nói:
- Hưng Đạo vương là người có nhiều quỷ kế, nay hắn đang có ở đây thì tướng quân cứ phải thận trọng mới được!
Ô Mã Nhi tuy trong lòng cũng có suy nghĩ như Phàn Tiếp, song hắn không muốn quân sĩ của mình bị mất nhuệ khí, y lớn giọng:
- Các ngươi không phải sợ tên Hưng Đạo vương đó đâu! Để sáng mai thủy quân ta sẽ đánh cho chúng một trận tan tành… Còn bây giờ cho quân hạ buồm, thả neo để nghỉ ngơi một đêm đã… nhưng mà nhớ phải cắt cử người canh phòng cho thật cẩn thận, quân Trần là chúa hay lợi dụng đêm tối để tấn công bất ngờ lắm đấy, hãy cho quân đốt thật nhiều đuốc lên…!
*
* *
Ô Mã Nhi đã nhận định đúng, Quốc Tuấn thấy thủy binh của giặc vừa mới tới cũng định cho quân đánh úp, song sau khi cho tiêu thuyền đi thám thính thấy quân giặc canh phòng rất cẩn thận nên đành cho quân lui về để chuẩn bị cho trận quyết chiến vào sáng mai.
Hôm sau, trời chưa sáng rõ hẳn, Ô Mã Nhi đã lệnh cho các chiến thuyền tấn công thẳng vào thủy trại quân Trần. Quân sĩ Ô Mã Nhi vừa thắng một trận lớn ở Vân Đồn thì tinh thần còn đang rất hăng hái, chúng lại cậy thế có quân đông, thuyền lớn nên cứ lao thẳng vào thủy trại quân Trần. Tuy nhiên những hàng cây đóng sâu lút xuống đáy sông bắt các chiến thuyền lớn của chúng chỉ tiến được theo một dải hẹp ở giữa sông. Quân Trần cứ dùng các thuyền nhỏ áp sát hai bên để bắn tên sang như mưa làm quân giặc bị thiệt hại khá nhiều. Ô Mã Nhi cậy có thuyền lớn những tưởng có thể ăn tươi nuốt sống ngay được quan quân nhà Trần, không ngờ nay lại bị Quốc Tuấn bắt bài như vậy bèn lệnh cho tất cả các thuyền nhỏ phía sau xông lên đánh đuổi các thuyền nhỏ của Đại Việt. Quân hai bên cứ xa thì dùng tên, gần thì dùng gươm dùng giáo để mà đâm chém. Quân sĩ hai bên vừa đánh vừa hò hét vang sông.
Lúc này các thuyền lớn của quân giặc đã thoát khỏi được sự đeo bám của các thuyền nhỏ Đại Việt nên cứ việc nhắm thẳng thủy trại trước mặt để mà đánh tới. Một lát sau các thuyền tiên phong đã xông đến sát cửa trại. Bên Đại Việt bất ngờ lại có một đám chiến thuyền xông đến chặn đầu các thuyền giặc. Hai bên bắn tên qua lại một hồi rồi áp sát mạn thuyền vào nhau để cho quân sĩ hai bên nhảy sang giáp chiến. Những người lính quân Trần này chính là đội quân Thánh Dực dũng nghĩa do tướng Nguyễn Thức chỉ huy, họ toàn là những cấm quân có sức khỏe vô địch, lại được đào tạo võ nghệ rất tinh thông nên một người có thể đối địch được với ba, bốn tên giặc.
Nguyễn Thức cùng đội quân của mình nhanh chóng đẩy lui và lại chiếm được mấy chiến thuyền lớn của Ô Mã Nhi. Các chiến thuyền khác thấy thuyền lớn đã phải rút chạy thì cũng vội vàng lui theo. Yết Kiêu đốc quân đuổi theo một đoạn đến hết chỗ cắm cọc thì vội vã thu quân vì thấy giặc đang cho sắp xếp lại đội hình chuẩn bị tái chiến.
Ô Mã Nhi thấy đánh lần đầu thất bại bèn họp nhanh các tướng dưới trướng để bàn kế phá trại quân Trần. Phàn Tiếp nêu ra kế sách:
- Quân Trần có một đội quân rất vũ dũng, nếu đánh áp mạn thì chúng ta thua mất. Nay một mặt ta cứ dùng cung tên để đối chọi lại chúng, mặt khác ta phải tập trung để tiêu diệt hết các thuyền khác đã, rồi sau đó mới quay lại tính sổ bọn kia.
- Phải đấy! - Lưu Khuê đưa ra nhận định - Bọn lính vũ dũng kia được trang bị, ăn mặc đàng hoàng khác hẳn các tốp lính khác… hình như chúng là cấm vệ quân thì phải?
- Nếu là cấm vệ quân thì đúng là chúng ta không thể để cho chúng lên được thuyền mình… Nếu làm được như vậy thì bọn chúng cũng chỉ như đám lính tốt mà thôi!
Bàn bạc xong, Ô Mã Nhi lại hô quân ào ạt xông lên. Đúng như nhận định của Phàn Tiếp, đội quân Thánh Dực của Nguyễn Thức một khi không áp sát được giặc thì không thể phát huy được lợi hại. Nguyễn Thức cũng biết quân giặc đang cố tình tránh đội quân Thánh Dực của mình thì chỉ còn biết cho quân sang các chiến thuyền lớn vừa bắt được của giặc chạy ra chắn trước cửa trại thành một tòa thành án ngữ để ngăn không cho một chiến thuyền nào của giặc có thể đi lọt qua.
Bị đám quân cấm vệ Đại Việt chặn mất cửa trại, Ô Mã Nhi bực tức cho quân liều chết xông đến nhưng tất cả các thuyền đó đều bị đánh cho thua chạy tan tác. Biết không thể chiếm được ngay thủy trại của Đại Việt, Ô Mã Nhi bèn hạ lệnh lui quân. Thấy chủ tướng có vẻ buồn, Hoàng thân Tích Lệ Cơ bước đến nói:
- Xem ra quân Đại Việt chỉ có sức chặn không cho chúng ta đi vào sông Thiên Đức còn bỏ ngỏ hướng bắc lên Vạn Kiếp. Vậy chắc Trấn nam vương đang ở mạn trên đó! Tướng quân ngày mai nên giả đánh vào trại giặc xong cho Phàn Tiếp dẫn một đoàn chiến thuyền đi thẳng lên phía bắc tìm Trấn nam vương. Sau đó hai bên hợp binh trên dưới cùng đánh lại thì may ra mới phá được ải này.
Ô Mã Nhi nghe xong thì gật đầu khen phải:
- Hoàng thân nói rất phải… Vậy sáng mai ta sẽ cho làm như vậy.
Ô Mã Nhi đồng ý với kế sách của Tích Lệ Cơ đưa ra, y vội gọi Phàn Tiếp tới nhận lệnh rồi dặn hễ gặp được Trấn nam vương thì phải giục ông ta mau mau cất quân về cùng phá ải Đại Than và tiến đánh Thăng Long.
Sáng hôm sau, Ô Mã Nhi lại cho quân tập trung đánh phá thủy trại Đại Việt. Trong lúc quân Trần đang mải đánh chặn các chiến thuyền của Ô Mã Nhi và Lưu Khuê thì Phàn Tiếp đã dẫn một đoàn chiến thuyền vừa đánh vừa tách riêng ra đi lên phía bắc. Quốc Tuấn lúc đó mới biết được kế của giặc bèn lệnh cho Yết Kiêu đuổi theo để chặn lại song không tài nào đuổi được, Yết Kiêu chỉ bắt được mấy thuyền đi chậm phía sau mang về nộp cho Quốc Tuấn.
Bên kia Ô Mã Nhi sau khi thấy Phàn Tiếp thoát đi được rồi thì lệnh cho lui quân lại năm dặm thả neo để chờ tin tức của Thoát Hoan mà không đến đánh nữa.
Quốc Tuấn thấy vậy thì vô cùng lo lắng, ông bèn cho gọi các tướng đến để cùng nhau thương nghị. Chờ cho các tướng đến đông đủ, Quốc Tuấn mới mở lời:
- Nay một đoàn thuyền của giặc đã lọt được lên phía bắc, như vậy Thoát Hoan trong ngày một ngày hai sẽ kéo đại binh của hắn xuống đến đây… Khi đó chúng ta sẽ bị cả hai cánh quân của giặc cùng đánh ập lại. Tình thế lúc này hết sức nguy cấp, có lẽ chúng ta phải lui binh để bảo toàn lực lượng rồi sau đó sẽ tìm kế lâu dài để mà chống giặc... Ý ta như vậy, các tướng quân nghĩ sao?
Nguyễn Khoái nói:
- Đúng là nếu Thoát Hoan đưa đại binh xuống thì ta sẽ bị nguy mất…! Có lẽ cứ phải làm theo cách của Tiết chế thôi!
Dã Tượng cũng đồng tình:
- Nếu thế thì phải làm ngay… Một khi Thoát Hoan đã đánh xuống thì quân ta rút lui cũng hơi khó.
Quốc Tuấn không thấy các tướng có ý khác thì nói:
- Đúng thế…! Nếu các tướng quân đã đồng ý như vậy thì nay ta quyết định thế này: Các tướng quân ở lại đây phải cùng binh sĩ ra sức giữ gìn phòng tuyến trên cửa Đại Than ít nhất là trong mười ngày nữa. Sau đó tùy vào tình hình lúc đó mà quyết định, nếu có thể giữ được thì cứ giữ tiếp… còn nếu cảm thấy không thể giữ được nữa thì cho phép các tướng rút lui để bảo toàn lực lượng… nhưng không phải rút hết về Thăng Long đâu nhé…! - Nói đến đây Quốc Tuấn dừng lại đưa mắt nhìn khắp một lượt các tướng để tăng thêm mức độ tập trung của họ rồi mới nói tiếp - Khi rút lui thì tướng quân Nguyễn Khoái phải dẫn thủy quân của mình chia ra phục kích trên các nhánh sông ngòi gần Vạn Kiếp…, Dã Tượng thì phải đưa quân bộ của mình lên núi sau đó chia quân bao vây căn cứ Vạn Kiếp, cả hai tướng Nguyễn Khoái và Dã Tượng phải chủ động đánh giặc, hễ thấy quân giặc đi lẻ đội hình nếu thấy có khả năng đánh được thì phải chặn đánh ngay để tiêu diệt bọn chúng… Nếu giặc đi đông và mạnh thì cho phép lui để đảm bảo lực lượng chờ thời cơ phản công... Còn Yết Kiêu khi đó cũng phải chia quân ra làm đôi, một nửa do ngươi chỉ huy phải cùng đội quân Thánh Dực của tướng Nguyễn Thức vừa cản giặc vừa lui về để bảo vệ Thăng Long, một nửa số quân còn lại phải kéo hết các thuyền nhỏ lên giấu ở trên núi Phượng Hoàng kia chờ sau này sẽ có dịp dùng tới.
Quốc Tuấn cuối cùng mới quay sang Nguyễn Thức nói:
- Tướng quân Nguyễn Thức xin nhớ cho ta một việc này, ta đã chuẩn bị sẵn một bức thư gửi cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, nên khi các tướng ở đây có quyết định rút lui thì phải lập tức cho người gửi ngay bức thư này cho Chiêu Văn vương ở phòng tuyến Bạch Hạc để Chiêu Văn vương biết và cùng rút lui tránh việc một bên đã rút mà một bên vẫn cứ ra sức tử thủ mà giữ…
- Vâng… tôi hiểu rồi. - Nguyễn Thức nhìn chằm chằm vào vị tướng già hứa - tôi xin ghi nhớ lời dặn của Tiết chế!
- Được… tướng quân cùng với Yết Kiêu khi đó được phép rút quân về Thăng Long nhưng đừng chạy ngay một mạch mà phải vừa đánh vừa lui sao cho năm ngày sau mới về đến Thăng Long là được… - Sợ các tướng chưa hiểu lý do phải cầm chân giặc thêm năm ngày nữa nên Quốc Tuấn giải thích luôn - vì từ đây đến Bạch Hạc mất một ngày rưỡi, Chiêu Văn vương chuẩn bị mất nửa ngày và từ Bạch Hạc về đến Thăng Long cũng mất hai ngày rưỡi nữa…
- Chúng tôi nhớ cả rồi!
- Thế còn Tiết chế! - Yết Kiêu lo lắng cho chủ tướng bèn hỏi.
- Còn ta… ngay đêm nay… ta sẽ sẽ phải về Thăng Long để chuẩn bị kế sách lâu dài.
- Để con đi theo hộ vệ Tiết chế?
- Không được, ta chỉ cần mấy tên cận vệ đây là đủ rồi… Ngươi còn phải ở đây để cùng tướng Nguyễn Thức cản giặc… Thôi ta đã quyết như vậy, các ngươi mau đi thực hiện đi…!
Các tướng nhận lệnh xong vội vã chia nhau đi lo việc, riêng Yết Kiêu nán lại nói với Quốc Tuấn:
- Bẩm Tiết chế!
- Gì vậy?
- Vừa rồi khi đuổi theo Phàn Tiếp, con có bắt được mấy chiếc thuyền giặc đi sau, trên một thuyền có một cô gái trẻ đang bị giam ở trong hầm.
- Cô gái trẻ à…? Người Đại Việt hay người Hán?
- Dạ! Người Đại Việt.
- Vậy gọi cô ta lên đây ta hỏi xem… biết đâu lại là Hồ gian… chúng cố tình cho ta bắt được cũng nên?
- Con đã xét hỏi bọn tù binh, bọn chúng bảo đây là cô gái mà Phàn Tiếp bắt được ở một thôn nhỏ bên bờ sông Bạch Đằng, Phàn Tiếp thấy cô ta có nhan sắc thì giấu không cho Ô Mã Nhi biết định để lén đem dâng lên Thoát Hoan nhằm lấy lòng chủ tướng.
Khi Yết Kiêu cho gọi cô gái đến thì Quốc Tuấn nhận ngay ra đó chính là con gái bà bán nước ở gốc cây gạo bữa trước. Cô gái nhìn thấy Quốc Tuấn chính là vị Quốc công của Đại Việt thì sụp xuống khóc nức nở. Quốc Tuấn động viên cô gái đừng khóc nữa rồi hỏi:
- Thế mẹ ngươi đâu…? Sao lại bị Phàn Tiếp bắt như vậy?
- Mẹ con… - Cô gái lại khóc nấc lên một hồi mới nói tiếp được - Mẹ con đã bị giặc chặt đầu rồi, hu… hu…
- Sao mẹ con ngươi thấy giặc đến không chạy trước đi?
- Dạ… hôm đó chúng con cũng có chạy trốn đấy chứ, nhưng… đến chiều tối thì có một tốp lính ăn mặc giống hệt như quan quân đây đi vào làng, mấy cụ già trống thấy vậy lại cứ nghĩ là người của quan quân triều đình nên mời chúng đến chỗ dân làng đang trốn để ăn nghỉ… ăn xong chúng lại nói là quân triều đình hiện đang rất đói vì bị thiếu thốn lương thực, chúng hỏi xem có lương thực cất giấu ở đâu thì mang ra trợ giúp cho quan quân… Mấy cụ già hăng hái dẫn đi chỉ hết những chỗ cất giấu lương thực cho chúng biết… Sáng hôm sau tên Phàn Tiếp kia lại kéo quân đến, cả làng lúc đó mới ngẩn người ra vì đám quân kia đã hiện nguyên hình là đồng bọn của lũ giặc.
- Lại còn như vậy nữa! - Quốc Tuấn nhớ lại câu chuyện của mấy ông già vạn chài kể lại bữa trước mà cảm thấy bực tức trong lòng. Như vậy là lũ giặc kia năm nay đã sử dụng đến một cách xấu xa đê tiện, chúng đã biết khai thác và lợi dụng sự tin tưởng của nhân dân đối với quan quân nhà Trần để lừa gạt mọi người, giúp chúng đạt được những mục đích cần thiết.
Cô gái vẫn nức nở kể tiếp:
- Bọn chúng đã biết hết nơi ẩn nấp cũng như chỗ cất giấu lương thực nên kéo vào làng cướp lấy lương thực rồi giết bỏ đàn ông, hãm hiếp đàn bà, con gái… Con thì bị chúng bắt nhốt xuống khoang thuyền đã mấy ngày rồi.
Kể đến đó cô gái lại khóc nấc lên, Quốc Tuấn không giữ được bình tĩnh, ông vằn mắt lên:
- Quân chó má…! Chúng bay sẽ phải đền tội…
Yết Kiêu thấy vậy nói:
- Xin Đức ông bình tĩnh… có lẽ phải cho người đi thông báo cho tất cả các hương xã ven sông được biết, nếu không lại mắc gian kế của bọn chúng…
- Đúng vậy! - Quốc Tuấn lấy lại bình tĩnh - Yết Kiêu này!
- Dạ!
- Ngươi hãy cho người đi thực hiện đúng như vậy đi…! Nhưng nhớ dặn kỹ nhân dân các hương xã ven sông là chỉ khi nào có giấy của triều đình sức về thì mới được cung cấp lương thực… còn thì không tin một ai cả.
- Dạ, để con cho người đi ngay.
*
* *
Yết Kiêu bước ra ngoài, Quốc Tuấn quay lại nhìn cô gái vẫn đang quỳ mà khóc… Quốc Tuấn cảm thấy thương cho cô gái trẻ đã sớm bị mồ côi cả cha lẫn mẹ… Bất chợt, ông nhớ đến viên tướng trẻ Vũ Trí Thắng, đúng rồi…! Chính hôm ở quán nước gốc cây gạo cổ thụ, chính cô gái này đã từng nói với ông là cô ta đã có lời hẹn thề với một chàng trai tên là Vũ Trí Thắng… Thế chẳng phải vị hôn phu tương lai của cô gái này chính là viên tướng trẻ của ông đó hay sao? Nếu như vậy thì mình sẽ nhận cô gái này làm con nuôi để dành cho tên Trí Thắng kia một sự bất ngờ nho nhỏ… đúng vậy… hay lắm! Nghĩ xong như vậy, Quốc Tuấn nói:
- Ngươi nay đã không còn cả cha lẫn mẹ, vậy ta có ý định nhận ngươi làm con nuôi… chẳng hay ngươi có bằng lòng không?
Cô gái đang khóc nhưng cũng phải khẽ giật mình vì lời đề nghị bất ngờ của Quốc công. Cô nhìn ông mắt rưng rưng:
- Con nay đã mất cả cha lẫn mẹ… lại được Quốc công thương tình nhận làm con nuôi thì còn phúc nào to hơn nữa! - Cô gái sụp xuống lạy Quốc Tuấn - Con xin đội ơn dày của Quốc công!
Quốc Tuấn cười nói:
- Đã đồng ý như thế thì phải gọi ta là nghĩa phụ chứ?
- Vâng! - Cô gái gập người xuống lạy - Con xin đội ơn nghĩa phụ!
- Được rồi mau đứng lên đi! Con gái… thôi đừng khóc nữa…
Đợi cho cô gái đứng hẳn lên, Quốc Tuấn đưa tay chỉ sang Yết Kiêu nói:
- Ngươi thật may mắn đã được tướng quân Yết Kiêu đây cứu thoát, vậy hãy mau tạ ơn thúc phụ đi?
Cô gái lại quay sang phía Yết Kiêu:
- Con tạ ơn cứu mạng của thúc phụ!
Viên gia tướng vội vàng đáp lại:
- Cô… Quận chúa không phải làm thế…! Tất cả đều là nhờ công của Tiết chế đây thôi.
- Ngươi cứ để con gái ta cảm ơn công cứu mạng đã - Quốc Tuấn nói với Yết Kiêu xong lại quay sang cô gái:
- Mộc Miên à…!
- Dạ! Nghĩa phụ dạy gì con ạ?
- Hôm nay ta phải quay về Thăng Long gấp không thể đưa con đi cùng được… mà ở lại đây thì cũng rất là nguy hiểm… vậy ta sẽ cho con đi theo đội quân bộ của tướng quân Dã Tượng… Sau này cha con ta sẽ gặp lại nhau sau nhé!
Cô gái hoảng hốt:
- Nghĩa phụ phải đi ngay ạ?
- Ta phải đi ngay trong đêm nay… con yên tâm! Tướng quân Dã Tượng với ta cũng đều là anh em như tướng quân Yết Kiêu đây mà.
- Vâng, con xin nghe lời của nghĩa phụ!
- Vậy để ta cho gọi tướng quân Dã Tượng tới dẫn con cùng đi!
- Vâng ạ!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com