Chiếc Lá Vàng Của Mùa Thu Năm Ấy
“Hình như họ chỉ yêu thương đứa trẻ nào thông minh và ngoãn ngoãn mà thôi.”
Mùa thu năm ấy vốn đẹp đẽ giống như bao năm qua, lá vàng vẫn bay trong gió, gió vẫn chơi đùa cùng nắng vàng. Những tốp học sinh cấp ba mặc áo dài trắng vui vẻ đạp xe đi qua trước cửa nhà bà Hoan, chúng nói cười ríu rít như thể lâu lắm rồi chẳng được gặp mặt nhau vậy. Bà Hoan tay cầm chổi quét sân đột nhiên lại khuỵu xuống, chính bà cũng không ngờ cái ngày này lại nhanh đến thế. Đôi mắt của bà ứa lệ, mí mắt bỗng run lên vài cái, ánh nhìn vẫn hướng ra phía xa xa ngoài kia theo từng vòng quay của xe đạp. Nếu như con gái bà còn sống thì cũng phải lớn bằng thế rồi.
Vẫn là mùa thu nhưng của nhiều năm trước, trong vòng tay bà là đứa trẻ mới lên lớp sáu với đôi mắt to tròn hồn nhiên, con bé ngước lên nhìn bà rồi bắt đầu ba hoa về một ngày đến trường của mình.
“Mẹ ơi, hôm nay lớp con có một bạn mới chuyển vào, nhà bạn ấy ở xa lắm nên phải ăn cơm ở trường mẹ ạ.”
“Bạn ấy có học giỏi không?”
Con bé vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi rồi gật gù như bà cụ non: “Con cũng không biết nhưng mà chắc là không giỏi bằng con đâu, con gái của mẹ là lớp trưởng cơ mà!”
Bà Hoan cắm đầu vào đống tài liệu trên bàn, bận bịu đến mức không dành nổi một giây để quay qua nhìn con gái. Bà chỉ gật đầu rồi cười nhẹ, còn cố ý đuổi khéo cô con gái ra ngoài chơi với bố.
“Con gái mẹ phải học thật giỏi, sau này còn chăm sóc cho mẹ nữa. Khi nãy mẹ thấy bố mua gà rán đấy, con ra ngoài ăn đi.”
Con bé biết mẹ đang bận nên cũng không mè nheo gì nữa, lẳng lặng đi ra khỏi phòng làm việc của mẹ rồi còn ngoan ngoãn mà đóng cửa phòng lại. Ra đến phòng khách, đúng là bố có mua gà rán nhưng mà lúc nó đi đến thì chỉ còn lại toàn xương. Mặt mũi con bé không kìm chế được mà bắt đầu mếu máo, nó cứ đứng như trời trồng ở đó chẳng chịu nói lời nào, cũng không phá lên khóc hay ăn vạ.
Bố con bé ngồi gần đó đang xem dở trận bóng đá nên chẳng có tâm trí đâu mà nhìn xem nó đang cảm thấy thế nào. Hai mắt cứ dán chặt vào ti vi không rời, em trai ngồi ở dưới cũng chẳng kém phần, hai mắt giống như sắp rơi vào màn hình điện thoại luôn rồi. Con bé đứng mãi cũng chán nên ngồi thụp xuống, vơ lấy đống xương gà bỏ vào hộp rồi mang vào trong bếp. Vào đến bếp rồi mới òa lên khóc, nó đưa mắt nhìn đống xương gà ngổn ngang trên bàn rồi lại lật đật tới gần xem còn xót chút thịt nào không. Nhưng mà đến tí sụn cũng chẳng còn chứ nói gì thịt.
Nước mắt của con bé vẫn rơi lã chã, nó không biết làm cách nào để ngừng khóc nữa. Trong lòng nó dâng lên một sự tủi thân vô cùng, từ lúc bố mẹ có thêm em trai là không còn quan tâm đến nó như ngày trước nữa. Con bé bước vào phòng của mình, vừa vào đã thấy đống búp bê vốn được để ngay ngắn trên giá sách nay mỗi con một nơi, quần áo mũ mã văng tứ tung. Đến lúc này nó chẳng thể chịu đựng thêm được nữa, nó hét toáng lên đầy giận giữ rồi lao thẳng ra ngoài khóc lóc ỉ ôi. Cả khuôn mặt nhỏ bé cũng đỏ bừng cả lên, nước mắt nước mũi lẫn lộn vào nhau, lồng ngực con bé như thể muốn nổ tung lên vậy. Nó chỉ thẳng tay vào thằng em trai vẫn cắm cúi chơi trò chơi điện tử mà hét lớn:
“Là Bin phải không? Là Bin vào phòng nghịch búp bê của chị đúng không?!”
Bố thấy con bé khóc to quá nên phải giảm âm lượng ti vi lại, mặt mày cau có ra quát thẳng vào con bé đang đứng giữa nhà: “Làm sao ấy nhỉ? Con học đâu ra cái thói quát em như thế?”
“Nhưng mà nó nghịch đồ chơi của con…” Con bé tức giận đến mức nói cũng khó khăn, cổ họng nó cứ như bị vật gì đó chặn lại.
“Thế đồ chơi không để nghịch thì để làm gì? Có thế mà cũng phải khóc, vớ va vớ vẩn! Im mồm rồi vào học đi! Mất thì giờ quá đi thôi.”
Nói rồi ông bố còn lườm nguýt con bé, khiến nó sợ, mặt cũng cúi gằm xuống. Đợi thêm vài phút nữa, tiếng khóc của nó cũng nhỏ dần lại, cuối cùng chỉ còn vài tiếng thút thít đầy ấm ức. Con bé ngoái đầu nhìn vào căn phòng ở gần đó, mẹ ở bên trong có lẽ là nghe thấy những không chịu bước ra ngoài an ủi hay bênh vực nó được một lời nào. Nó tuyệt vọng mà cắn chặt lấy môi của mình để kìm cho tiếng khóc không bật ra rồi lại lủi thủi trở về phòng của mình.
Nhìn bãi chiến trường ngổn ngang ấy càng khiến nó bực bội hơn nữa, những con búp bê mà nó yêu thương nhất, là bạn bè duy nhất của nó nay lại bị phá hoại ra như thế. Cho dù trong lòng tủi thân nhưng nó cũng phải tự mình dọn dẹp lại hết, vừa vuốt ve từng con búp bê vừa dùng nước mắt để lau mặt cho chúng.
Ngày hôm đó quả thật rất tồi tệ với nó.
Vài tháng sau, ngày nào trôi qua nó cũng bị bố mẹ mắng nhưng lâu rồi cũng thành quen. Tối hôm ấy, bố mẹ đều phải tăng ca nên ở nhà chỉ còn hai chị em. Nó chưa bao giờ phải nấu nương nên chẳng biết phải làm cái gì, phải làm từ đâu, muốn gọi cho mẹ, mẹ lại không nghe máy.
Em trai học lớp ba tay cầm điện thoại lững thững bước vào phòng con bé rồi cau có: “Em đói rồi, chị nấu đồ ăn đi!”
Nó liếc qua đồng hồ để bàn rồi lại nhìn em trai, nó cũng đang đói nhưng mà không biết phải ăn gì cả. Ra bếp mở tủ cũng toàn thịt sống, cá sống, còn mỗi hộp kem là ăn được. Vừa lôi hộp kem ra thì thằng em đã giằng lấy rồi chạy đi ăn một mình. Nó được bố mẹ dạy cái gì cũng phải nhường cho em trước nên thấy chuyện này cũng không lấy làm lạ, chỉ lục đục tìm kiếm thêm thứ gì đó có thể làm no bụng. Mở hết tủ này tủ kia cuối cùng cũng thấy một thùng mì tôm, con bé vừa thấy đã cười tươi rói. Còn vui vẻ chạy ra ngoài hỏi em trai là có muốn ăn mì tôm không rồi mới vào pha.
Nó bắt chước mẹ, đổ nước vào bình siêu tốc rồi cắm điện, đợi mãi cuối cùng nước cũng sôi. Thằng em nó cũng đúng lúc đấy ăn xong hộp kem, nghe thấy tiếng ùng ục từ trong bếp tưởng chị đang làm món gì đó ăn mảnh nên lao thẳng đến.
Con bé đứng đợi ấm siêu tốc tắt đèn thì vội vã nhấc lên, vừa định đổ vào hai bát mì phía trước thì thằng em từ đâu lao tới khiến nó ngã ngửa ra sau, cả ấm nước nóng sôi sùng sục đổ thẳng lên người nó. Em trai cũng bị nước bắn vào cổ, mặt với tay cũng dính nước nên bắt đầu la ó om sòm, khóc loạn cả nhà lên.
Con bé đau đến mức không thể ngồi lên được, cảm giác như từng thớ thịt đang bị luộc chín vậy, bỏng rát và đau đớn vô cùng. Nó còn chẳng khóc nổi vì nước đổ cả lên phần cổ và cằm nó, bây giờ chỉ cần chạm nhẹ cũng đau như thể bị ai cắt da cắt thịt. Con bé thấy thằng em đang lăn lộn trên ghế sô pha thì yếu ớt gọi tên, mong rằng có thể tìm người đến cứu.
“Bin ơi, Bin lấy điện thoại của chị gọi cho bố, bảo bố về nhà đi, chị bị bỏng rồi.”
Nhưng dường như thằng bé chẳng nghe thấy gì cả, tiếng gào rú của nó còn át đi cả âm thanh thều thào của con bé. Nhìn thấy em trai vật vã như vậy, nó cũng không nỡ nên cố gắng gồng người dậy. Mặc cho vết thương bị quần áo cọ xát vào đau điếng vẫn cố đứng lên cho kì được. Nó lê lết bước vào trong phòng, đến ngón tay của nó bây giờ cũng đỏ ửng như mấy con tôm luộc, nó sợ hãi mà mếu máo cả đi, càng khóc thì vết thương trên mặt lại càng đau đớn hơn làm nó thống khổ vô cùng.
Ngón tay đã chẳng còn vân tay nữa khiến nó mở điện thoại cũng khó khăn, mãi mới mò được vào danh bạ thì gọi bố lại không chịu nghe, mẹ vừa bắt máy đã quát: “Gọi gì lắm thế? Tí mẹ về mua bún cá cho!”
Rồi cứ thế mà tắt máy chẳng để cho nó kịp kêu cứu, giống như mặc nó tự sinh tự diệt. Nó đành phải gọi cho bà nội, nhưng bà nội già quá rồi, chẳng thể làm gì cho nó, nghe nó nói bản thân bị bỏng, bà cũng chỉ bảo bôi thuốc vào là khỏi. Con bé tuyệt vọng trượt dài trên mặt đất, nước mắt chảy vào vết thương khiến nó đau nhói, nhưng bây giờ nó lại thấy lồng ngực của mình đau hơn, hình như không ai chịu quan tâm nó sống chết thế nào, ai cũng bận, ai cũng nói là lo cho nó, nhưng cuối cùng lại chẳng có ai.
Em trai ở bên ngoài khóc chán chê nên đã im lặng ngồi giữ chặt lấy vết bỏng nhỏ xíu trên tay rồi xem hoạt hình. Chỉ còn một mạng sống đang thoi thóp nằm ở trong phòng là chẳng ai chịu để tâm đến. Con bé nhìn lên trần nhà lạnh toát mà rùng mình, nó không thể cứ thế này mà chết đi được. Nên dùng sức cố gọi đứa em ở ngoài chạy ra nhờ hàng xóm vào giúp, gọi đến khản cả tiếng thằng bé mới nghe thấy. Em trai chạy vào phòng thấy chị gái cả người toàn máu thì hoảng sợ, tay chân luống cuống, lúc chạy còn vấp ngã, nó vội mở cửa rồi lao ra ngoài đập cửa hàng xóm liên hồi. Chưa bao giờ con bé thấy em trai mình hoảng sợ như vậy, nó chợt thấy ấm lòng, đúng như bố từng nói “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Không lâu sau đó những bước chân dồn dập cũng tiến đến chỗ con bé đang nằm, trước mắt nó mọi thứ đang nhòe dần đi, nó chẳng còn thấy gì cả, đến tiếng người khác nói chuyện cũng không nghe được nữa. Bát bún cá của mẹ hình như là được đưa đến quá muộn rồi thì phải. Thế là hết rồi sao? Nó chết rồi đấy à?
Không biết là bao nhiêu lâu đã trôi qua, nó thấy người mình cứng đờ, tay chân cũng chẳng thể điều khiển được nữa. Đầu óc nó trống rỗng, mọi vật trước mắt từ từ lại xuất hiện. Nó nhìn thấy mẹ đang gục đầu ngủ quên bên giường bệnh, bố thì đang gõ gõ gì đó trên máy tính. Nó muốn mở miệng nói lời chào bố mẹ, nó muốn bảo nó đói quá mà chẳng cách nào hé răng ra được. Cả người nó đau ê ẩm, lại có chút ngứa ngáy khiến nó khó chịu.
Bà Hoan như thể có linh cảm mà đột nhiên lại vùng dậy, thấy con gái đang mở mắt nhìn mình thì vui mừng khôn xiết. Đầu lông mày của bà nhăn lại, nước trong tròng mắt cũng chuẩn bị trào ra ngoài.
“Con cuối cùng cũng tỉnh lại rồi.”
Con bé không nói được lời nào, thấy mẹ khóc cũng khóc theo, lúc bị nước sôi đổ vào người nó còn đủ kiên cường để đứng dậy nhưng lại chỉ cần nghe thấy giọng nói mềm mại của mẹ thì lại tủi thân vô cùng. Nước mắt cứ thế rơi xuống, nó mặc kệ cơn đau đang từ từ truyền đến mà với tay lên chạm vào mặt mẹ, khẽ cười.
“Con đã sợ lắm phải không? Mẹ xin lỗi, mẹ đã đến muộn…”
Nó nghe xong lại càng không kìm được nước mắt, trong lồng ngực đẩy lên một nỗi uất nghẹn không thành tiếng. Nó chỉ biết lắc đầu, hiện tại còn chẳng đủ sức để thốt ra một tiếng “Mẹ ơi” nữa.
Nhiều tháng trôi qua, nó cũng đã khôi phục nhưng kí ức kinh hoàng ấy vẫn bám riết lấy con bé bằng những vết sẹo lồi lõm đáng sợ. Nó năm nay đã mười ba, cũng bắt đầu biết thế nào là đẹp là xấu. Nhìn thấy làn da sần sùi, sạm màu của mình qua gương nó chẳng thể làm được gì ngoài âm thầm khóc than với chính mình. Từ nhỏ con bé đã được dạy rằng, là con gái thì phải biết tha thứ, biết nhu mì và khoan dung. Nhưng nó thấy những gì bản thân phải chịu đựng đã quá nhiều rồi, đột nhiên trong mắt con bé thì em trai lại thành kẻ đáng ghét.
Tưởng như mọi chuyện rồi sẽ đối xử với nó dịu dàng hơn một chút nhưng sự thật lại nghiệt ngã quá. Các bạn trên lớp hễ khi thấy nó xuất hiện là bắt đầu bàn tán và chỉ trỏ. Từ sau khi có những vết sẹo xấu xí này, nó có thêm không biết bao nhiêu là biệt danh đầy mỉa mai. Đối diện với những lời châm biếm ấy của bạn bẻ nó cũng chẳng đủ dũng cảm để đứng lên đòi lại công bằng cho mình. Con bé chỉ nhẫn nhịn rồi lại mỉm cười cho qua chuyện.
Nhưng trong số những bạn học đáng ghét ấy lại có một người đối xử với nó rất tốt, luôn nhẹ nhàng và mỉm cười với nó. Khiến cho nó có thêm chút hy vọng vào một ngày mai tuyệt đẹp. Can đảm để nó bước qua tiếng đời mỗi ngày mà đến trường học tập chăm chỉ cũng chỉ có cậu bạn thân thiện ấy. Hai người bắt đầu trở nên thân thiết hơn, trải qua một năm học cùng nhau cũng để lại không ít kỉ niệm. Ở cái tuổi đang tò mò về thế giới như nó thì thứ hấp dẫn nhất chính là tình yêu. Nó rất muốn biết tình yêu thật ra là cái gì? Liệu có đẹp đẽ như những bộ phim truyền hình mà nó thường hay xem hay không? Thế là nó đem lòng thầm thương người bạn duy nhất của mình, thầm mong tưởng vào một ngày có thể sánh bước bên nhau.
Bước lên lớp chín là bước vào một cuộc chiến sống còn đối với nó, thời gian vốn dĩ hạn hẹp nay lại càng khó thở hơn. Ở nhà thì cả mẹ và bố ngày nào cũng nói chuyện về việc thi cử khiến cho nó đã áp lực còn thêm phần áp lực. Đến một bữa cơm đoàng hoàng cũng không có làm cho nó dần thấy chán ghét việc học và tự đặt câu hỏi cho bản thân mình “Cuối cùng thì học để làm gì nhỉ?”
Nó cầm điện thoại lên than thở với cậu bạn đã bên nó suốt những năm tháng khó khăn nhất, nó nói mãi về những gì bố mẹ đã quở trách, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể nhưng lại không thể nói về tình cảm đã giữ ở trong lòng bấy lâu nay.
Mùa thu vừa qua thì cũng chỉ còn vài ngày nữa là tới sinh nhật của nó, bố mẹ vẫn như mọi năm dẫn nó và em trai đến một nhà hàng sang trọng, mặc cho nó tùy ý chọn món. Nhưng lần này nó chẳng còn háo hức để đi ăn tối với bố nữa, trong lòng con bé đang bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Chỉ mong sao bữa tiệc có thể kết thúc sớm một chút vì nó còn có người đang đợi. Bà Hoan thấy con gái cứ vội vàng, khác hẳn với tác phong ngày thường thì lấy làm lạ mà hỏi han.
“Hôm nay con làm sao thế?”
Con bé không biết phải trả lời thế nào cho phải phép nên đành lắc đầu miệng nói không sao rồi lại cố gắng điều chỉnh tâm trạng. Nhưng trái tim ở bên trong lồng ngực lại không chịu để yên khiến nó cứ mười phút lại lén nhìn đồng hồ một lần. Mãi cho đến gần mười giờ cả nhà mới bắt đầu đứng dậy, con bé cũng chẳng ngại ngùng gì mà lộ rõ vẻ hấp tấp của bản thân. Nó chạy thẳng xuống sảnh bắt xe rồi nói có việc gấp nên phải đi trước.
Bánh xe dừng lại trước cửa một công viên đã đóng cửa từ lâu, con bé vội vã bước xuống xe rồi nháo nhác tìm kiếm khắp nơi. Tìm mãi cũng chẳng thấy bóng hình mà mình muốn thấy đâu cả. Đang trong lúc tuyệt vọng thì từ đâu đó có giọng nói truyền tới khiến con bé cười thật tươi.
“Cậu nhớ đến tớ rồi sao?”
Đối diện với con bé chính là người mà nó thầm thương trộm nhớ bấy lâu nay trong một không gian chỉ có hai đứa như vậy khiến cho nó đột nhiên lại thấy ngại ngùng. Hai má cũng vì thế mà đỏ ửng cả lên, con bé ngại ngùng mỉm cười rồi lại vội cúi mặt xuống. Chỉ sợ người ta nhìn thấy gương mặt thẹn thùng của mình mà đoán được tâm tư.
“Hôm nay là sinh nhật cậu, chúc cậu luôn là một cô gái vui vẻ và hạnh phúc.”
Cậu bạn đưa ra phía trước một món quà, khuôn mặt không giấu nổi nỗi bồn chồn. Hình như chính anh chàng này cũng có lời muốn nói thêm nhưng lại ậm ừ không dám lên tiếng. Bờ môi cứ mím chặt rồi hướng mắt về nàng thiếu nữ trước mắt mình.
Con bé nhận lấy món quà, tự nhiên hai đứa lại rơi vào im lặng, mỗi người tự theo đuổi suy nghĩ của riêng mình. Con bé thấy không khí trầm tư này thật khó chịu, khiến nó bức bách vô cùng. Phải mất đến một lúc, dường như sau khi gom đủ dũng khí mới có thể mở lời.
“Cậu còn lời nào muốn nói với tớ không?”
Chàng trai kia chợt đổi sắc mặt, khóe môi khẽ run lên rồi mỉm cười mà lắc đầu. Đợi khi con bé nhận lấy món quà thì ngay lập tức thu tay về. Trước khi rời đi cũng chỉ vội vàng để lại một câu: “Cậu nhớ phải mở hộp quà một mình đó!”
Con bé đứng lại một mình trong ánh đèn mập mờ từ công viên hắt ra, khẽ vuốt hộp quà được trang trí đơn giản rồi đưa mắt theo bóng lưng đang dần biến mất trong màn đêm. Vừa về đến nhà, con bé đã chạy thẳng vào phòng, trong phòng có không biết bao nhiêu là quần áo, có lẽ là mẹ mua tặng. Cạnh đó còn có thêm một bộ sách ôn luyện toán, văn và một chiếc máy tính bảng còn mới tinh. Nhưng nó chẳng để ý đến những thứ xa xỉ ấy, đối với con bé thứ đáng trân quý nhất phải là tình cảm. Bố mẹ ngoài mặt tổ chức cho nó một bữa tiệc linh đình nhưng lại không cho con bé tự mình làm sinh nhật, mời bạn bè hay thậm chí là cả người thân trong họ hàng cũng không được mời giống như em trai. Nó cũng chẳng biết lí do là vì sao, chỉ là cảm thấy bố mẹ không thật lòng đón mừng những ngày sinh nhật của nó.
Con bé từ từ mở hộp quà, bên trong vỏn vẹn chỉ có một chiếc móc chìa khóa và một mẩu giấy xé vội “Tớ thích cậu”.
Chỉ cần vậy thôi thì ngày hôm ấy là ngày hoàn hảo dành cho trái tim bé nhỏ của nó.
Ngày tháng dài rộng trôi qua như gió thổi, mới chớp mắt một cái đã học hết học kì một của lớp chín. Tưởng chừng như dịp lễ tết nó sẽ được nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho kì học đầy khắc nghiệt tiếp theo nhưng cuộc đời mấy khi giống mộng tưởng. Bài tập giáo viên giao về nhà làm thì cũng chẳng nói làm gì nhưng vừa nghe tin con bé được nghỉ tết là bà Hoan lại mua về không biết bao nhiêu sách bổ trợ Toán, Văn, Anh cho nó học.
Con bé nhìn tệp đề cương mới in còn nóng hổi rồi lại đảo mắt qua những quyển sách dày bịch ở trên kệ. Nó bất lực nằm dài lên giường mà nghĩ ngợi, vẫn chỉ là câu hỏi mà nó đã thắc mắc bấy lâu “Rốt cuộc thì học để làm gì chứ?”
Đêm ba mươi tết, trong khi mọi người quây quần bên nhau, cùng ăn uống và chuyện trò thì trong nhà nó không vang lên bất kì tiếng động nào. Cả căn nhà vắng lặng như không có người khiến nó thấy tủi thân và cô quạnh vô cùng. Nó thật sự rất muốn biết những bạn bè khác liệu có phải trải qua cuộc sống giống nó hay không, liệu có cô đơn trong chính căn nhà của mình hay không?
Tiếng xột soạt của sách vở ngày càng làm cho con bé cảm thấy chán trường và mệt mỏi, lưng của nó, mắt của nó đều sắp không thể trụ nổi nữa rồi. Đánh mắt qua đồng hồ treo tường khiến nó giật mình, mới đó mà đã gần mười hai giờ đêm rồi. Ở ngoài phòng khách cũng bắt đầu có tiếng dép loẹt quẹt của mẹ, có lẽ bà ấy đang quét nhà để đón tết. Bữa cơm tất niên cũng không được chuẩn bị đầy đủ, chỉ có con gà, đĩa nem rán và vài món ăn được mua sẵn khác. Trong căn nhà tưởng như tráng lệ này hóa ra lại nghèo nàn đến thế.
Nó thở dài một hơi rồi ngả người ra sau, tiếng xương khớp kêu lên răng rắc khiến nó thích thú mà mỉm cười. Điện thoại ở trên bàn bỗng reo vang, hóa ra là người nó thích nhắn tin tới, là một tin nhắn chúc mừng năm mới sớm mất mấy phút. Nhưng như vậy cũng đủ làm cho nụ cười của nó tươi tắn hơn hẳn, ít ra nó còn có cậu, có người để hướng đến và yêu thương.
Mùng ba tết, cả lớp nó kéo nhau đi chúc tết thầy cô, con bé cố gắng chọn ra một bộ váy thật đẹp nhưng lại vô tình nhìn thấy vết bỏng năm nào làm tâm trạng nó dần trở nên tồi tệ đi. Ngày đó nếu nó không giữ khư khư ấm nước vì sợ đổ vào người em trai thì có lẽ vết thương cũng chẳng nặng đến mức này.
Đoạn đường đến nhà cô phải đi ngang qua nhà cậu bạn, con bé dự định ghé qua tặng cậu ấy chút quà tết. Vừa đến đã nhìn thấy cậu ấy đứng ở trước cửa, ăn mặc rất chỉn chu, có lẽ là định đi đâu đó. Con bé mới bước một bước lên phía trước lại vô tình thấy có cô gái hàng xóm chạy thẳng ra ôm chầm lấy cậu ấy. Con bé như chết lặng, gần như không thể tin vào mắt mình, không thể tin vào những gì đang diễn ra. Những hành động thân thiết không phù hợp với độ tuổi ấy, những ánh mắt trìu mến, những tiếng cười rộn rã đều biến thành một con dao sắc lẹm găm thẳng vào nơi sâu nhất của trái tim nó. Con bé xoay người giấu đi nước mắt đã lăn dài trên má rồi vội vã trốn chạy, nó không đủ dũng cảm để xem tiếp vở kịch này, quả thật quá tàn nhẫn.
Nhiều ngày sau đó, hai người chẳng liên lạc gì với nhau nữa, cứ thế, một con đường nay lại thành hai ngả. Tinh thần của con bé sa sút tột độ, việc ăn uống, học hành đều rơi vào bế tắc, điểm số tụt dốc không phanh. Đến mức giáo viên phải gọi điện về nhà hỏi thăm phụ huynh về tình hình sức khỏe của nó. Mặc kệ bố mẹ đòn roi, mắng chửi nó cũng không phát ra một tiếng động gì, chỉ có nước mắt vẫn nặng trĩu mà rơi xuống từng giọt rồi vỡ tan.
Chuyện gì đến rồi cũng phải đến, con bé không đủ điểm để vào trường cấp ba mà bố mẹ nó muốn, cánh cửa của sự đau khổ bây giờ mới chính thức mở ra. Cả bố và mẹ nó như thể phát điên lên mà la hét và đập phá đồ đạc trong nhà. Khuôn mặt mẹ nó đỏ bừng, tiếng quát mắng cũng khản đặc cả đi, đến cả gân cổ cũng nổi hết lên. Con bé quỳ ở giữa phòng khách cũng chẳng có phản ứng gì, ánh mắt nó trở nên đờ đẫn và dần mất đi sự trong trẻo vốn có.
Tay bố nó lăm lăm một cái roi da, ngày trước cứ nhìn thấy thứ này là nó sẽ khóc lóc năn nỉ, xin bố đừng đánh nó bằng sợi dây đáng sợ này. Nhưng đến hôm nay thì một cái chớp mắt nó cũng không chớp, giống như trên thế giới này chẳng còn gì có thể làm cho nó sợ hãi được nữa. Những tiếng vụt xuống da thịt vang lên đầy tàn nhẫn, nhưng thể xác cho dù có chảy máu, có đau đớn như thế nào cũng không thể nào đau bằng những vết thương đã chồng chéo trong trái tim nó suốt năm tháng qua.
Trên lưng nó máu đỏ đã thấm qua cả áo, từng vết hằn chằng chịt khiến cho em trai nó đứng ngoài vốn không muốn quan tâm nay cũng không chịu nổi nữa mà quỳ xuống xin bố tha cho chị gái. Nhưng người bố ác độc ấy vẫn không dừng lại, lần này xuống tay còn nặng hơn lần trước. Điều đáng sợ hơn tất cả chính là cả bố và mẹ khi thấy con gái mình như thế, đau đớn đến thế nhưng không rơi một giọt nước mắt nào, giống như con bé xứng đáng phải nhận hình phạt thế này.
Mọi chuyện không dừng lại ở đó, ngày này qua tháng khác họ đay nghiến, xỉ nhục và đánh đập con bé không thương tiếc. Cho đến tận khi thông báo nhập học của một ngôi trường cấp ba không chuyên khác gửi đến, mẹ nó lại nhẫn tâm xé thành trăm mảnh. Giọng nói đanh thép vang lên như một lần nữa dùng chính thứ tình cảm thiêng liêng nhất biến thành một viên đạn xuyên qua tâm thức của con bé. Không một lời oán thán nào, con bé mỉm cười và chấp nhận sự thật, nó cũng chẳng còn tha thiết gì nữa rồi.
Bữa tối hôm đó, nó ngồi một góc trong bếp ăn lấy ăn để, ăn như thể chưa bao giờ được ăn. Con bé ăn được bao nhiêu thìa cơm là bấy nhiêu nước mắt, ăn xong còn đợi bố mẹ ở ngoài dừng đũa còn chạy ra dọn dẹp. Con bé cố tình sắp xếp từng cái bát, từng cái thìa thật ngăn nắp rồi mới về phòng. Nó thấy em trai đang ngồi chơi điện tử ở phòng khách thì bất ngờ chạy đến ôm chầm lấy, con bé không nói lời nào chỉ ôm chặt lấy em trai rồi khóc, nước mắt thấm qua cả lớp áo dày của thằng bé.
“Bin phải sống hạnh phúc hơn chị nhé!”
Nói rồi còn không để thằng bé phản ứng đã buông tay và chạy thẳng về phòng khóa chặt cửa lại. Con bé ngồi trong đêm tối vuốt ve lấy những nàng công chúa bằng nhựa kiêu kì và xinh đẹp đó. Nước mắt nó không rơi nữa, con bé đưa đôi tay đầy những vết sẹo lớn nhỏ ra cầm lấy cây bút rồi nắn nót viết từng chữ. Đến những chữ cuối cùng bỗng tay nó run lên không kiểm soát nổi, lồng ngực cũng như thể bị trăm nghìn con kiến cắn xé, đau đớn đến chẳng thể hét lên. Đầu óc con bé trở nên mơ hồ, trước mắt nó là ánh sáng chói lóa, nơi có bầu trời trong xanh, có ánh mặt trời ấm áp và có cả hạnh phúc dành cho nó.
Cây bút mà nó cố giữ trong tay bỗng rơi xuống đất, âm thanh ấy nhỏ ấy là âm thanh của một trái tim đã vụn vỡ. Là tiếng cầu cứu cuối cùng của nó đối với thế gian này nhưng dường như chẳng ai nghe thấy được nỗi lòng ấy cả.
Ở trên trang giấy loang lổ màu đỏ đen là vài dòng chữ run rẩy.
“Bố mẹ biết không, đau nhất không phải là vết bỏng cũng không phải là đòn roi mà đau nhất là vết sẹo trong tim con. Con đã từng mơ ước có một cuộc sống đầy hào quang nên đã chăm chỉ, nhưng hình như vì con quá chăm chỉ nên bố mẹ lại càng đặt nhiều kì vọng vào con. Con xin lỗi, lần này đã làm cho hai người thất vọng rồi. Trước mặt mọi người con là đứa bé ưu tú và hạnh phúc nhưng sau lưng người khác con lại phải gánh chịu đủ thứ tra tấn về cả thể xác và tinh thần. Bố mẹ có bao giờ yêu thương con không? Bố mẹ có còn là người con biết không? Chứ hai người mấy năm nay đứng trước mặt con hình như chỉ yêu thương những đứa trẻ ngoan ngoãn và thông minh mà thôi. Con biến đi theo đúng ý của hai người, nhưng mong rằng hai người đừng biến em trai còn thành một con thứ hai, có một người bất hạnh như con là quá đủ rồi”
Bức thư của con bé không có dấu chấm kết thúc, nó kết thúc lá thư bằng cả tính mạng của mình. Mùa thu năm ấy lá vẫn rơi, trời vẫn cao xanh trong trẻo nhưng không còn nó nữa rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com