Sáu.
*Lưu ý: Phần này có nhắc đến "người yêu cũ" của cả hai, không chấp nhận được xin hãy mau chóng quay đầu xe. :)))))
Năm mười bảy tuổi tôi từng hỏi, Nam Cực có lạnh không, giáo viên Địa lý đáp mùa hè không lạnh. Hiện tại tôi đang nằm trong chiếc túi ngủ cỡ lớn vào lúc hai giờ sáng, trong lòng thầm nghĩ đúng là không lạnh lắm thật.
Chỉ là mát đến mức không ngủ được mà thôi. Cổ lưng eo và cả mông đều lạnh toát.
Lúc đào hố cắm trại, tôi có cảm giác như đang tự đào mộ cho chính mình, chiếc túi ngủ màu đen nằm ngay ngắn dưới hố. Thế giới tĩnh lặng đến mức chỉ còn lại mỗi tiếng ngáy trong khu cắm trại, tôi nằm cứng đờ một hồi thật lâu, rồi mới từ từ thở phào một hơi.
"Cậu nhóc không ngủ được hả?"
Giọng nói của ông lão đột nhiên vang lên khiến tôi sợ rớt linh hồn, đối phương nằm ngay trong chiếc hố bên cạnh, giữa vùng đất băng tuyết này, tiếng nói chuyện cứ như thể có thêm cả âm vang vậy.
Tôi chê rằng thế giới này không có âm thanh, nặng nề quá.
Ông lão bảo này là thời tiết tốt đấy, không nổi gió.
Nam Cực quả thực là nơi thuần khiết nhất trên thế gian này, hoàn toàn đạt đến ảo tưởng tốt đẹp và lãng mạn của tôi thuở thiếu thời. Thế nhưng nơi này sạch sẽ quá, yên lặng nằm ở đây một hồi mới phát hiện, thì ra chẳng có gì cả.
Trên trời có rất nhiều sao, nhưng chẳng sáng bằng sao ở Tây Tạng. Không có cây cối, không có thông tin, thi thoảng nghe thấy tiếng băng vỡ, chỉ mong chim cánh cụt tới thăm mình, đến cả cơn gió rét buốt cũng phải ngóng chờ mãi. Chỉ có những bông tuyết man mát đáp xuống mặt, lạnh lẽo vô cùng.
"Thế mới nói, Nam Cực là nơi dành cho những người già như chúng tôi, chỉ cần có kí ức là đủ rồi." Ông lão chậm rãi bảo.
Vậy thì phải bao nhiêu kí ức mới có thể giúp con người chống lại được sự cô đơn cơ chứ. Tôi không muốn bầu không khí lại chìm vào im lặng, thế nên cứ nằm trong hố tuyết lạnh lẽo, trò chuyện câu được câu mất với ông lão.
Ông hỏi tôi có người yêu không, tôi bảo không.
Cậu vừa cao ráo lại đẹp trai thế này, người yêu cũ vì sao lại chia tay với cậu?
Tôi đáp rằng cô ấy nấu cơm cho tôi ăn. Chính tôi cũng cảm thấy lý do này rất kì quặc.
Nhưng thực ra bản thân việc tìm lý do cho chuyện chia tay đã khá là kì quặc rồi.
Mỗi lần chia tay quản lí đều căng thẳng hơn tôi gấp tám trăm lần, chị ấy kêu tôi quá mềm lòng, đối xử với người khác quá dịu dàng, cẩn thận có ngày bị cắn ngược một phát. Từ trước đến nay chị ấy luôn cảnh giác một cách bất thường đối với các thể loại yêu ma quỷ quái trong giới giải trí, hệt như người mẹ già nhìn ai cũng cảm thấy người ta muốn hại con mình.
Tôi chẳng tài nào hiểu nổi sự thù địch và bản năng người mẹ quá đỗi dồi dào của chị ấy, nhưng Lưu Diệu Văn lại bảo thế này gọi là chuyên nghiệp.
Hồi đó khi kí với phòng làm việc, chị ấy hỏi tôi có yêu cầu gì không, tôi nghĩ hết nửa ngày cuối cùng chỉ bảo, ngoài lúc làm việc ra tôi muốn được tự do sắp xếp. Chị ấy nhìn tôi bằng ánh mắt rất dịu dàng và thương xót, còn kèm theo cả chút an lòng và tán thưởng, tóm lại là rất phức tạp.
Tôi từng trông thấy chị đọ tửu lượng với người ta trên bàn ăn, mười mấy chai cạn đáy là tôi có thể lấy được vai nam phụ trong phim của một đạo diễn nổi tiếng, diễn xong người ta vỗ vai khen tôi rất nhanh nhạy, tôi cũng chẳng thấy vui vẻ cho cam.
Sau này tôi mới hiểu ra, những thứ như tự do và nhanh nhạy, rồi đều sẽ biến mất theo thời gian.
Tôi cứ hay bảo chị là chị ruột của em, chị ấy bảo đừng, hai ta chỉ là quan hệ lợi ích thôi. Cậu cứ đường đường chính chính mà ca hát, muốn đóng phim thì đóng vài bộ tử tế, không có việc gì thì đi du lịch nhiều vào, tôi cũng đường đường chính chính kiếm tiền, mỗi người đều đạt được thứ mà mình cần. Trong giới này có quá nhiều sự dơ dáy, đường đường chính chính khó hơn nổi tiếng nhiều.
Thế nhưng tôi vẫn tin tưởng chị ấy nhất, chỉ sau mỗi sự tin tưởng dành cho Lưu Diệu Văn mà thôi.
Chị quản lí của em ấy là một người rất tốt bụng, có thể cầm bình giữ nhiệt giảng giải đạo lý với một cô bé đã chia tay rồi còn muốn cọ nhiệt, dùng giọng nói dịu dàng không đi kèm một từ tục tĩu nào mà vẫn khiến người ta phải khóc.
Năng lực làm việc đúng là tốt thật, mỗi tội phải để người ta bám lấy, xem người ta khóc lóc một hồi trước đã, Lưu Diệu Văn cảm thấy phiền đến mức lần nào cũng kêu ca với tôi.
Vậy nên quản lí có cảnh giác thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng chẳng cảm thấy có vấn đề gì, tôi bảo chị có thể toàn quyền xử lí. Thực ra tôi không sợ bị bôi nhọ và hiểu nhầm lắm, một thời gian sau ắt sẽ biết ai là người ngay thẳng. Nhưng tôi lại khá sợ nước mắt.
Tính ra chúng tôi cũng đều đã hơn hai chục tuổi đầu, ở trong giới giải trí này đã được gần mười năm rồi. Người thích chúng tôi khá nhiều, ai cũng từng có một vài người bạn tình.
Tiền nhiệm của tôi là một nhiếp ảnh gia chuyên chụp tạp chí, ít hơn tôi hai tuổi, nhưng cũng khá chừng mực và bằng lòng chăm sóc người khác. Thay vì nói là hẹn hò, chúng tôi giống như những người bạn giúp nhau giải quyết nỗi cô đơn hơn, vậy nên xuống giường rồi vẫn có thể ở bên nhau lâu hơn một chút.
Chúng tôi từng cãi nhau hai lần, lần thứ nhất là vì cô ấy chụp trộm lúc tôi đang tựa vào thành giường nghịch điện thoại, lần thứ hai là khi tôi ngủ đến tận hoàng hôn mới tỉnh giấc, đối phương đang ở trong bếp chuẩn bị nấu mì. Tôi đứng tựa vào thành cửa một hồi, còn chưa đợi cho mì kịp chín thì đã đưa ra lời đề nghị sau này đừng gặp mặt nữa.
Có lẽ đối phương cũng chẳng hề ngạc nhiên, nhưng vào khoảnh khắc nghe thấy câu nói này, nước mắt vẫn lã chã tuôn rơi.
Tôi rất sợ phải đối phó với nước mắt của người khác, chỉ có thể vụng về đưa giấy ăn cho cô ấy, đối phương lễ phép nói lời cảm ơn, lúc đi ngang qua người tôi còn nhẹ nhàng cất tiếng: "Anh biết không Tống Á Hiên, trong buổi phỏng vấn tạp chí lần đầu tiên em gặp anh, anh từng bảo 'Người tôi thích ấy hả, có thể nấu cho tôi một bát mì là được', em vẫn luôn nhớ rõ."
Trong những mối quan hệ cô đơn này, tôi tự biết mình không thể nào cho đi và nhận lại những thứ tình cảm không trọn vẹn ấy được, cho rằng đôi bên đều tự do, trước giờ cũng chưa từng muốn làm tổn thương đối phương. Tôi tưởng rằng mọi người đều có chung nhận thức, cũng giống như tôi và kí ức có chung nhận thức vậy.
Ánh chiều tà phủ lên mặt sàn gạch sứ lạnh lẽo của phòng bếp, tôi chỉ có thể chậm rãi ngồi xuống tại chỗ. Tất cả tế bào trên khắp toàn thân đều đang gào thét đòi chạy về năm mười tám tuổi.
Có lẽ là vì cuộc chia ly vào mùa hè năm đó đau đớn quá, khiến sau này chỉ cần trông thấy nước mắt là tôi lại thấy đau.
Tôi là người áp chót chuyển ra khỏi kí túc xá, dùng dằng tận mấy hôm mới thu dọn hành lí, Lưu Diệu Văn vẫn cứ ngồi im bên giường nhìn tôi tùy tiện nhét bừa.
"Này cái thắt lưng da của anh đâu?" Tôi hỏi.
"Không biết."
Hẳn là bị giấu dưới lớp chăn mà em ấy đang ngồi lên rồi, tôi cũng chẳng buồn lấy nữa.
"Ngoài ban công có phải vẫn còn quần áo của anh không?"
"Không biết."
Lưu Diệu Văn lặp lại như một con robot, nhưng không phải giọng điệu cáu kỉnh hờn dỗi, khiến tôi chẳng những không tức mà còn thấy thương. Tôi thu dọn đồ đạc, em ấy cứ bám theo sau.
Lúc đi ngang qua phòng ăn, em ấy nói: "Tống Á Hiên anh có đói không, em nấu cơm cho anh ăn nhé."
Tôi gật đầu, về phòng xếp tất cả đống áo nỉ đen lẫn lộn với nhau vào trong vali.
Lưu Diệu Văn rửa rau rất chăm chú, tôi tựa vào cửa nhìn nửa ngày trời cũng chẳng thấy em ấy ngước mắt lên. Nước cứ chảy rào rào, tôi còn giúp em ấy tắt vòi nước đi.
Nước bắt đầu sôi sùng sục, Lưu Diệu Văn hỏi mấy giờ bay, tôi đáp bảy giờ. Chúng tôi ăn một bữa mì vào lúc năm giờ chiều, Lưu Diệu Văn còn xào một đĩa đậu que. Thực ra tôi không đói, nhưng vẫn cố gắng ăn hết thức ăn, nuốt xuống miếng cuối cùng mà cảm thấy no đến mức buồn nôn.
Ngon lắm, tôi khen.
Vậy mà Lưu Diệu Văn lại chẳng hề vui chút nào, em ấy đặt đũa xuống, hai mắt đỏ hoe.
"Em sẽ cố gắng học nấu cơm cho thật tử tế, anh đừng đi có được không."
Em ấy nhìn tôi, gọi tôi: "Tống Á Hiên..."
Tôi xoay đầu đi, nhìn chằm chằm vào chiếc sô pha đang chìm trong ánh hoàng hôn.
Trước đây cứ mong lớn lên thật nhanh, để thi bằng lái đi du lịch trở thành đại minh tinh, nhưng lúc này tôi chỉ nghĩ, nếu như con người có thể vĩnh viễn không trưởng thành thì tốt biết mấy.
Trợ lí gọi điện thoại đến nhắc nhở thời gian, một lát nữa là xe tới nơi, tôi đáp rằng mình biết rồi. Đồng hồ đếm ngược lơ lửng trên đầu, những thứ còn sót lại bỗng hiện lên rõ ràng hơn hẳn.
Tôi đứng dậy hỏi: "Vở lý thuyết âm nhạc của tôi có phải vẫn ở chỗ anh không hả anh Văn."
"Không biết," Lưu Diệu Văn vẫn bám theo sau tôi lắc đầu, còn kiếm cớ: "Em cũng phải học lý thuyết âm nhạc mà."
Tôi chẳng buồn nhắc đến nữa, lên tầng ba lấy cây đàn ghi ta đang đặt trên thảm tatami, Lưu Diệu Văn ngồi thụp xuống bên thềm cửa sổ.
Lúc chiếc bao đựng đàn ghi ta được kéo khóa đến cùng, em ấy bảo, Tống Á Hiên anh chơi nốt một bài nữa đi.
Tôi lại lấy ghi ta ra, hát một bài "Chu du", có lẽ Lưu Diệu Văn cũng chẳng còn nhớ nữa rồi.
"Anh hướng đến cuộc sống tốt đẹp của anh, em hướng đến cuộc sống tốt đẹp của em / Tạo nên một cuộc gặp gỡ, chia xa, rồi lại hội ngộ / ... Anh tiến về phía điều mà anh đam mê, em tiến về phía điều mà em đam mê / Đánh mất rồi tìm lại, vận mệnh, tài năng, tình yêu(*)..."
Còn chưa hát hết bài, tiếng chuông điện thoại đã vang lên tựa như tiếng còi xe.
Âm cuối ngưng bặt, tôi xách ghi ta đi xuống lầu, cầu thang vừa hẹp vừa thấp, lúc đến góc ngoặt đầu tôi va mạnh một cái, tôi mới đau đớn quay đầu lại.
Lưu Diệu Văn vẫn ngẩn ngơ ngồi đó, muốn vùi mặt vào lòng bàn tay, nhưng dường như lại muốn nhìn tôi, hai tay cứ bối rối giơ lên trước ngực. Đôi mắt chìm trong nước biển mặn chát chẳng tài nào mở ra nổi, em ấy ngồi dưới ánh mặt trời lặng lẽ rơi nước mắt.
Xuống lầu rồi trợ lí hỏi còn sót thứ gì à, tôi ra sức kéo vành mũ xuống, bấy giờ mới nhận ra mặt mình lành lạnh.
Trước khi lên máy bay Lưu Diệu Văn gửi tin nhắn cho tôi, trong ảnh là tiêu bản bươm bướm nằm trên vải trắng, Tống Á Hiên anh còn chưa nói lời tạm biệt với em.
Em cũng đã nói đâu, tôi trả lời.
Thế là chúng mình hòa nhau rồi. Em ấy lại nói, anh bay cao một chút, để em ngồi bên cửa sổ là có thể nhìn thấy.
__________
Chú thích:
*Chu du – Trần Lạp:
https://youtu.be/fAQqyF5KzKk
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com