{ LỜI KẾT }
* Editor: Phần này dịch chỉ để hiểu rõ hơn quan điểm của tác giả khi tạo ra fic này, còn việc đồng ý với quan điểm đó hay không thì tùy theo mỗi người.
🐾🐾🐾
【Lời kết】Nữ nhân không hoàn mỹ nhưng thật đáng yêu
Lý do lời kết bị trì hoãn mãi mới viết là vì từ trước đến nay có rất nhiều điều muốn nói, nhưng trong đầu lăn tăn quá nhiều ý nghĩ lộn xộn, viết ra sẽ dài dòng, rườm rà, đến nỗi chẳng buồn động bút. Tuy nhiên, nghĩ lại thì ít nhất cũng nên liệt kê những cuốn sách mình đã tham khảo, vậy là nhân tiện sắp xếp lại các ý tưởng, viết cho tử tế một lời kết.
Nội dung dưới đây một phần được tổng hợp trực tiếp từ các bình luận, weibo, nhóm chat của tôi. Toàn bộ dựa trên những giải thích, diễn giải quá mức, hiểu lệch và bịa đặt của tác giả về bộ ba bản gốc, bản chỉnh sửa, bản phim 2003 của Ỷ Thiên. Đồng thời, những ý tưởng chỉ là ý tưởng, chưa chắc đã được thực hiện trong quá trình viết thực tế.
Về tên tiểu thuyết
Xuất phát từ sự phản đối của tôi với mô típ cũ trong tiểu thuyết võ hiệp, nơi nhân vật chính một mình dựa vào võ công tuyệt thế để giải quyết mọi mâu thuẫn và khó khăn của thế gian, tôi đã lấy nửa câu đầu của bài thơ 'Kiếm phi vạn nhân địch, văn thâu tứ hải thanh' [1].
[1] Nghĩa là kiếm không thể chống lại vạn người (đây là ý nghĩa của tên fic), văn chương cũng chỉ là vay mượn ý tưởng của những bậc anh tài bốn phương.
Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ rằng câu chuyện này sẽ không đi theo mô típ nhân vật chính một mình dùng 'bàn tay vàng' để giải quyết vấn đề, thậm chí võ công cũng không giải quyết được vấn đề gì, thường cần có bạn đồng hành, quần chúng cùng sự tham gia về trí tuệ và sức mạnh của nhiều người hơn (ví dụ như khi chống lại quân nổi loạn cần sự chung sức của các môn phái và thường dân, giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ích Đô cần một đội ba người). Mặc dù cuối cùng để chưởng môn một mình dũng cảm, nhưng cũng không thể giải quyết mâu thuẫn, ngược lại còn gây ra nhiều mâu thuẫn hơn với người mình yêu, và với chính mình. Nhưng điều đó không ngăn cản nhóm nhân vật chính nhận được sự tôn trọng và yêu mến.
Về cốt truyện và tuyến tình cảm
Có thể nói, cốt truyện của Kiếm Phi hoàn toàn xoay quanh việc thể hiện tính cách đặc trưng của Mẫn Nhược. Theo nguyên tác: 'Thiếu nữ họ Chu này bề ngoài hiền thục tao nhã, nhưng mưu kế sâu xa, hành sự tàn nhẫn thì chẳng kém gì Triệu Mẫn', nên tôi muốn viết về hai nữ nhân 'xấu xa' ngang tài ngang sức về trí thông minh, đồng thời thể hiện sự khác biệt về tính cách và thân phận của họ, để họ lộ ra sự 'xấu xa' theo những cách khác nhau. Tất nhiên, sự 'xấu xa' này không phải là kiểu xấu xa vô độ, tàn ác vô nhân tính, viết như vậy chẳng có nghĩa lý gì. Tôi chỉ để họ thoát khỏi những định nghĩa truyền thống về 'người tốt' và 'cô gái tốt', cố gắng để họ có thể được hiểu từ nhiều góc độ hơn. Do đó, hai người như vậy phù hợp hơn khi được đặt trong một câu chuyện phức tạp hơn, xung đột đa dạng hơn và luôn khó giải quyết hơn so với nguyên tác. Điểm thú vị nhất của Mẫn Nhược là sự yêu hận đan xen, lẽ đó cần có một số mâu thuẫn để họ đối đầu, và một số mâu thuẫn khác để họ hợp tác. Phần liên quan đến triều chính và phần đối đầu về lập trường rõ ràng là để hoàn thiện thêm nhân vật Triệu Mẫn, thể hiện trí tuệ và lương tâm vượt qua giai cấp của nàng nhưng cũng có mặt tiếp tay cho kẻ ác. Việc sắp xếp một số plot twist then chốt là để thể hiện sự thâm sâu khó lường, khó nắm bắt, thậm chí là đáng sợ của Chu Chỉ Nhược.
Thật ra tôi không có chấp niệm quá mạnh về việc gán ghép Mẫn Nhược thành một cặp, để tôi thưởng thức các cp ngoài bg của họ cũng được, nhưng Mẫn Nhược quá phù hợp để viết truyện, khiến người ta ngợp trong cảm hứng sáng tác, thù nhà, hận nước, ân oán cá nhân đều được đẩy lên mức cao nhất, trước những mâu thuẫn này, viết gl có vấn đề gì đâu?
Vì cả Mẫn Nhược đều được viết như những chủ thể, chứ không phải là đối tượng khách thể để thỏa mãn ảo tưởng trong nguyên tác, nên họ chắc chắn sẽ có đủ loại tật xấu cá nhân, ý tưởng viết về chuyện tình yêu của họ cũng là: nên như thế nào thì vẫn cứ như thế ấy, sẽ có những lời nói dối theo thói quen, sự giấu giếm, thích so đo, thỉnh thoảng nghĩ đến chuyện thể xác, thường xuyên lật lại chuyện cũ, mấy chương đầu đối với bạn trai cũ cũng có ý chiếm hữu độc đoán, sự thỏa hiệp với những điều tầm thường, và sự đối lập không bao giờ có thể xóa bỏ.
Triệu Mẫn rất tùy hứng, nhiệt tình có thừa mà trang nghiêm chưa đủ, những lời ngon ngọt dễ nghe tuôn ra như suối, nhưng không sao, Chu Chỉ Nhược thiếu tình thương lại thích nghe (xét thấy Chu Chỉ Nhược trong nguyên tác rất thích những lời tỏ tình sến súa của Trương Vô Kỵ). Chu Chỉ Nhược hay thay đổi thất thường, nguy hiểm và bụng dạ đen tối, cũng không sao, Triệu Mẫn thích sự mới mẻ và kích thích, điều nàng không chịu nổi nhất luôn là sự nhàm chán. Vì vậy, hai người này lại hoàn toàn ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Bởi sự đối lập và hấp dẫn cùng tồn tại, hai người sẽ mãi mãi ở trong trạng thái dây dưa, còn cuối cùng là đối lập lấn át hấp dẫn, hay hấp dẫn lấn át đối lập, thì thuộc về không gian mở. Tình yêu không thể xóa bỏ mâu thuẫn, nhưng tình cảm của con người vừa phức tạp vừa cụ thể.
Về Triệu Mẫn
Trong nguyên tác Triệu Mẫn chắc chắn là đáng yêu hơn Chu Chỉ Nhược, cũng có sức hút trong tình yêu hơn, là bạn đời lý tưởng nhất, nhưng đồng thời cũng là người được xây dựng đơn giản hơn. Rất tiếc là nàng càng về sau càng có nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng lại càng ít đi cái tôi. Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, tôi phát hiện ra rằng những người đu Mẫn Nhược chúng ta dường như thường thích tiểu quận chúa kiêu căng, ngạo mạn, luôn đòi chặt ngón tay của người khác ở giai đoạn đầu hơn, và Giả Tịnh Văn ở bản 2003 càng khiến nàng mang thêm vẻ tà ác ngây thơ.
Một điều khiến việc viết về Mẫn Nhược trở nên khó khăn là phải bổ sung thêm phần sự nghiệp quốc gia của Triệu Mẫn. Tất nhiên, việc tham gia chính trị không đáng yêu, dù là nam hay nữ. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn không quan tâm đến nó thì sẽ khiến Triệu Mẫn có vẻ rất vô lương tâm, điều này không phù hợp với logic tình cảm. Hơn nữa, những điểm sáng về trí tuệ và sự nhanh trí của Triệu Mẫn trong tác phẩm gốc cũng cần được thể hiện thông qua những tình tiết này. Cho nên nói, truyện về Mẫn Nhược thường là phải vắt óc suy nghĩ về vấn đề của Triệu Mẫn. Kiếm Phi cũng cần thiết kế một số tình tiết liên quan đến sự nghiệp của Triệu Mẫn, cả công khai lẫn bí mật.
Tất nhiên, việc thiết kế tài hoa của Triệu Mẫn không chỉ dừng lại ở đó. Tôi còn cố tình để nàng nói chuyện một cách uyên bác và văn vẻ hơn những người khác, đồng thời tham khảo một số tư tưởng của Tocqueville, một quý tộc tiến bộ, để nàng có những nhận thức vượt thời đại và vượt giai cấp.
Triệu Mẫn trong tác phẩm gốc cũng là một người lãng mạn và lạc quan. Nàng không bao giờ gây áp lực cho nam chính vì bất kỳ điều gì, và khi ở bên nàng, người ta luôn cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Tôi nghĩ đây là phẩm chất đáng quý nhất của Triệu Mẫn, và cũng là lý do tại sao tôi thích nàng nhất trong số bốn người đẹp của Ỷ Thiên khi còn nhỏ. Do đó, tôi đương nhiên sẽ cố gắng tái hiện điều này trong fic của mình.
Sự kết hợp giữa sự lãng mạn và tài hoa chắc chắn sẽ mang đến cho Triệu Mẫn nhiều ý tưởng bay bổng. Bởi vậy, nàng sẽ là động lực cốt lõi trong hai chương lãng mạn nhất là Đăng hạ thảo trùng và Ỷ Thiên Đồ Long, đồng thời cũng là người tạo ra những khoảnh khắc ngọt ngào nhất trong tình yêu của Mẫn Nhược.
Về vấn đề 'não yêu đương', tôi cho rằng 'não yêu đương' và 'trong đầu chỉ có yêu đương' là hai chuyện khác nhau. "Trong đầu chỉ có yêu đương" là tinh thần cằn cỗi, đơn điệu và vô vị, giống như là để cứu vãn một cuộc sống thất bại. Trong khi đó, 'não yêu đương' với những đặc điểm đã nói ở trên là đáng yêu, chân thành và luôn đáng quý.
Vài chương đầu của Kiếm Phi có vẻ như tập trung vào quận chúa, gợi ý về một câu chuyện Mẫn Mẫn mạnh mẽ, sau khi bị 'cải tạo lao động' trên Băng Hỏa Đảo, đã từ bỏ não yêu đương và lương tâm, sẵn sàng vực dậy cơ đồ đang sụp đổ. Trên thực tế, đoạn đầu để quận chúa học nội công không nhằm mục đích tăng cường sức mạnh võ thuật, mà chỉ để sau này chịu đòn tốt hơn.
Càng viết, tôi càng thay đổi suy nghĩ về việc quận chúa dấn thân vào sự nghiệp. Nàng làm vậy chủ yếu vì tình yêu dành cho gia đình. Dù bản thân thấy việc này có chút thú vị, nhưng đó chỉ là một trò chơi, không phải đam mê thực sự, bởi nàng chưa bao giờ thiếu thốn những thứ mà sự nghiệp mang lại. Mẫn Mẫn vẫn là người lấy tình yêu làm động lực cốt lõi. Yêu gia đình, nàng sẽ dốc sức cho sự nghiệp. Yêu người yêu, nàng vẫn như cũ vận dụng 'não yêu đương', sẵn sàng từ bỏ tất cả để chạy theo tình yêu. Tình yêu của nàng nghiêng về bên nào có lẽ phụ thuộc vào bên nào thú vị hơn.
Khi viết, hình ảnh Giả Tịnh Văn luôn hiện trong đầu tôi. Cô ấy phe phẩy chiếc quạt, vẻ mặt chán ghét nói: 'Không vui, ta không chơi nữa!'. Sự đam mê theo đuổi những điều thú vị này, theo tôi, khá phù hợp với thân phận vốn có của Triệu Mẫn - một quý tộc không phải lao động tay chân.
Về Chu Chỉ Nhược
Thành thật mà nói, khi lớn, giữa Mẫn và Nhược, tôi có chút thiên vị hơn về phía Chu Chỉ Nhược, vì cách xây dựng nhân vật trong nguyên tác và phim khiến tôi thấy thú vị hơn. Nhưng sự thiên vị này không khiến tôi viết nàng theo hướng hoàn hảo hơn, mà khiến tôi cố gắng khôi phục lại phần 'xám' của nàng, cũng là phần khiến tôi thấy thú vị. Thậm chí ngay từ đầu tôi đã nghĩ, nếu tôi viết về một Chu Chỉ Nhược ích kỷ, đầy mưu mô, nhỏ nhen, tác oai tác quái, đôi khi còn giả tạo, nếu có độc giả bình luận rằng họ ghét nàng, thì điều đó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cho đến nay, bình luận mà tôi nhận được nhiều nhất về Chu Chỉ Nhược trong Kiếm Phi lại là: đáng yêu. Tôi nghĩ đây là hiệu quả của việc miêu tả bối cảnh phức tạp và thiết kế cốt truyện luôn khiến nàng gặp xui xẻo. Tất nhiên, Chu Chỉ Nhược trong nguyên tác vốn đã luôn gặp xui xẻo.
Xem bình luận trên mạng, một số người dường như dựa trên ấn tượng khuôn mẫu về hoa hồng trắng trong 'Hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng', cho rằng Chu Chỉ Nhược luôn lạnh lùng, thoát tục, dịu dàng, thâm tình và u sầu. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại, tôi cho rằng nàng rất trần tục. Tôi cũng không cho rằng trần tục là một từ mang nghĩa xấu, trần tục gắn liền với sự thực dụng, đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm xã hội. Tôi cho rằng nàng là một nhân vật phức tạp và sống động, cá nhân tôi khá thích những chương miêu tả về nàng ở Đại Đô trong nguyên tác, Chu Chỉ Nhược lúc đó nằm giữa ranh giới đen và trắng, chiếc hộp Pandora của dục vọng đã mở ra, nhưng vẫn chưa đến trạng thái hắc hóa, phát điên quá mức như ở giai đoạn sau, vì vậy chúng ta có thể thấy nàng như một tiểu cô nương thích xem náo nhiệt, tự biết mình đẹp và vui vẻ chấp nhận sự nịnh nọt của người khác, tận hưởng sự chào đón long trọng của nghĩa quân, thậm chí khi có người nêu nàng làm hoàng hậu, nàng đã nghĩ một giây, hừm, thật sự có chút muốn làm. So với Triệu Mẫn, Chu Chỉ Nhược trong tình yêu không chỉ luôn có cảm giác áy náy kiểu 'tự vấn lòng có hổ thẹn' dưới thanh đăng cổ phật, mà còn có tính cáu kỉnh cá nhân 'nên tức giận thì tức giận, không nên tức giận thì không tức giận'.
Cũng có nhận xét rằng tôi đã miêu tả Chu Chỉ Nhược quá tà ác, nhưng trước khi bắt đầu viết, tôi lại lo lắng mình không thể tái hiện được sự tà ác của Chu Chỉ Nhược trong nguyên tác. Tất nhiên, về độ tà ác, Chu Chỉ Nhược ở giai đoạn sau của nguyên tác còn tà ác hơn, và việc tôi đưa Chu Chỉ Nhược làm nhân vật chính sẽ khiến sự tà ác của nàng hợp lý hơn nhiều. Sau khi chắt lọc từ nguyên tác và phim, tôi luôn thể hiện Chu Chỉ Nhược của Kiếm Phi có một loại lý tính thực dụng Nho giáo và truyền thống Khuất Tao, phù hợp với thẩm mỹ của người Trung Quốc. Nàng 'không có tư duy trừu tượng cũng không có tín ngưỡng cuồng nhiệt, đầy lo âu, buồn thương và đau đớn của nhân gian, và gắn liền với nỗi sợ hãi, suy tư về sự sống còn'. Gia tộc, tôn giáo, mệnh lệnh của sư phụ, chủ nghĩa dân tộc, đạo đức hiệp nghĩa, lời thề thậm chí cả tình yêu đều không thể trói buộc nàng, nhưng điều đó không có nghĩa là nàng không quan tâm đến những điều này, thậm chí có thể nói nàng rất quan tâm đến hầu hết chúng, và trong nàng luôn có một chút nghiêm túc về lịch sử và sứ mệnh, vì vậy nàng luôn lo lắng, bất an và nghi ngờ bản thân. Tôi đặc biệt thích một câu thoại của Chu Chỉ Nhược trong bản phim 2003: 'Ngay cả bản thân ta còn không hiểu rõ mình, làm sao ngươi có thể hiểu ta?'. Nhưng cũng 'chính vì khát khao và lưu luyến mãnh liệt đối với cuộc sống, sinh mệnh, số phận, chính vì sự nghi ngờ và phủ định đối với quyền uy bên ngoài, mới có sự thức tỉnh và theo đuổi của nhân cách bên trong, nhân tính mới có thể được đào sâu trong mâu thuẫn nội tâm dữ dội'. Con người trong cuộc sống thực của chúng ta chẳng phải cũng như vậy sao?
Chu Chỉ Nhược, dù chỉ là một nhân vật hư cấu, lại mang trong mình sức mạnh vượt xa con người thực. Đối mặt với hận thù, bất công, áp lực chồng chất và những mâu thuẫn không thể dung hòa, nàng có khả năng 'hắc hóa' - biến thành một nhân vật phản diện. Và chính sức mạnh hắc hóa này lại là điều tôi thưởng thức nhất ở nàng.
Tại sao trong các tác phẩm hư cấu, chúng ta thường bị thu hút bởi những nhân vật 'xấu xa'? Bởi vì trong cuộc sống thực, chúng ta không hề thiếu những phẩm chất như nhẫn nhịn, thỏa hiệp, tuân phục, chịu đựng, tha thứ và tuân thủ quy tắc - những phẩm chất thường thấy ở các nhân vật chính diện. Thậm chí, chúng ta có quá nhiều những phẩm chất này, nếu không, cuộc sống đã không thể tiếp diễn. Những quan niệm 'đúng đắn' được đề cao bởi sự kết hợp của Nho, Phật, Đạo luôn cố gắng hướng con người lờ đi quyền lợi của bản thân, phủ nhận những mục tiêu cá nhân, kìm nén cá tính để tránh né những xung đột trong thực tế. Chúng ta bị ru ngủ bởi sự hòa hợp, che đậy những đau khổ và đổ máu cá nhân trong một bầu không khí hòa thuận, từ đó chúng ta càng thêm nhẫn nhịn, thỏa hiệp, tuân phục, chịu đựng, tha thứ và tuân thủ những quy tắc đã được đặt ra từ trước khi chúng ta sinh ra.
Tài liệu tham khảo của tác phẩm chính và lời kết
Bài viết này sử dụng một số tư liệu lịch sử làm chất liệu, nhưng không phải là tiểu thuyết lịch sử nên không hoàn toàn chuẩn với lịch sử. Có rất nhiều thay đổi về dòng thời gian, sự kiện, nhân vật. Một số tài liệu tham khảo chính bao gồm:
Xạ điêu tam bộ khúc bản mới (chỉ có Ỷ Thiên chủ yếu xem của NXB Tam Liên)
Nguyên sử (Châu Lương Tiêu)
Bắc Nguyên sử
Thành Cát Tư Hãn (mô tả môi trường và câu chuyện về Thiết Mộc Chân cùng Trát Mộc Hợp trong hai chương 'Thương lang bạch lộc' chủ yếu dựa trên cuốn sách này)
"Cuộc chinh phục của người Mông Cổ trong lịch sử thế giới"
Ba cuốn về mỹ học của Lý Trạch Hậu, v.v.
🐾🐾🐾
💬 Bình luận:
▪️Tôi cũng rất thích mặt tà ác của chưởng môn, nữ nhân xấu xa giết giết giết mới là sảng khoái nhất, còn có chưởng môn chơi gian lận, chưởng môn giả vờ yếu đuối, chưởng môn thường xuyên xuất gia, những điều này đều khiến Chu Chỉ Nhược trở nên rất hấp dẫn, bởi vì có thể cảm nhận được nàng rất có trí tuệ thế tục, có thể cảm nhận được chưởng môn đang nỗ lực nắm bắt cuộc sống của chính mình, Chu Chỉ Nhược chính là không phục! Chu Chỉ Nhược nếu không phục thì sẽ có một ngày khiến người khác phải phục, Chu Chỉ Nhược cứ yên tâm, Triệu Mẫn tuyệt đối sẽ không cảm thấy cuộc sống với Chu Chỉ Nhược nhạt nhẽo, bởi vì tính cách của Chu Chỉ Nhược đã định sẵn nàng sẽ luôn thú vị và không bao giờ yên tĩnh, mà người mình từng ghen tị lại dịu dàng dỗ dành mình, cái này thật là sảng khoái biết bao, hai người này thật sự là một cặp trời sinh
▪️Rất thích phần đầu khi Mẫn Nhược dần phai nhạt tình cảm với Trương Vô Kỵ, nối tiếp mạch truyện gốc, trong quá trình đọc tôi hoàn toàn không tưởng tượng ra hình tượng Mẫn Nhược khác, cứ như thể họ đã trưởng thành như vậy.
Thích Ân Ly và Tiểu Chiêu sau khi trưởng thành về tư tưởng cũng không còn chấp niệm với mối tình đầu thời niên thiếu, có tầm nhìn rộng mở hơn và cũng trung thành với bản thân hơn. Dương cô nương vốn siêu phàm thoát tục, cũng vì mỗi lần xuất hiện đều khăng khăng mang theo đội nhạc tấu nhạc nền, trong tiếng lẩm bẩm chán ghét của chưởng môn mà trở nên ngờ nghệch lố bịch.
Rất cảm động, những nhân vật nữ vốn được xem là 'phần thưởng' cho nam chính, từ xoay quanh nam chính, đến chỉ sống vì bản thân, có khuyết điểm cũng có máu thịt, có tự chủ về suy nghĩ và biểu đạt, trở nên rực rỡ chói lọi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com