Pháp cú 32: Truyện tu sỹ sống biết đủ
"Vui thích không phóng dật
Tỷ kheo sợ phóng dật
Không thể bị thối đọa
Nhất định gần Niết Bàn"
(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 32)
Tích Pháp Cú: Có một Tỳ kheo tên là Ni-ga-ma-va-si-ti-sa. Gia đình Ngài giàu có sống gần kinh đô Xá Vệ. Ngài xuất gia nhưng không sống trong Tinh xá Đức Phật. Ngài sống cùng nhóm tu sỹ gần nhà của Ngài ngoài thành. Hàng ngày Ngài khất thực nhưng chỉ đi được vài bước thì họ hàng giàu có đã cho Ngài đầy đồ ăn và Ngài về.
Có nhiều Tỳ kheo nghĩ xấu về Ngài: "Người đó xuất gia rồi mà vẫn luyến ái bà con họ hàng. Người đó không dám đi xa mà chỉ thích gần nhà để họ hàng cúng đồ ăn cho ngon". Và họ đi mách Phật:
- Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo Ni-ga-ma-va-si-ti-sa ỷ mình là con nhà giàu. Vị đó xuất gia rồi không sống hạnh viễn ly từ bỏ gia đình. Vị đó vẫn sống gần gia đình để hưởng đồ ăn vật thực do gia đình cung tiến. Vị đó không theo chúng con vào thành Xá Vệ khất thực như mọi người.
Phật bèn cho mời Tỳ kheo Ni-ga-ma-va-si-ti-sa đến trước mặt đại chúng giải thích. Phật hỏi:
- Như Lai nghe rằng, ông là người xuất gia mà không sống hạnh viễn ly vẫn còn luyến ái bà con. Ông không chịu đi vào thành Xá Vệ mà cứ mãi ở trong thị trấn gần nhà để được đồ ăn ngon. Điều này có đúng chăng?
Tỳ kheo Ni-ga-ma-va-si-ti-sa thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, con sống đơn giản thanh đạm. Con không mong cầu vật chất. Theo giới luật khi khất thực bát đầy thì phải đi về nơi an trú. Mà con khất thực chỉ đi vài bước đã đầy bát nên con phải quay về. Con cảm thấy vậy là đủ chứ không mong cầu gì thêm.
Đức Phật khen:
- Ni-ga-ma-va-si-ti-sa thật là đệ tử của ta và cũng giống như ta...
Sau đó Phật kể lại câu chuyện tiền thân của Phật:
"Vào thủa xa xưa Như Lai là một con vẹt đậu trên cành cây và sống thanh đạm. Khi đó vua Trời Đế Thích biết con vẹt này không phải là vẹt thường. Đế Thích thử thách Vẹt. Đế Thích dùng sét đánh cháy cành cây mà vẹt đậu. Vẹt bước sang cành bên cạnh và đứng yên ổn không sợ hãi, không lo lắng, không lựa chọn tìm cành khác đâu xa."
Và Phật nói:
Tỳ kheo Ni-ga-ma-va-si-ti-sa đã đi theo con đường của ta và có cuộc sống không ham muốn nhiều. Ai sống được vậy sẽ không bị đọa Tam ác đạo và chắc chắn sẽ đắc đạo Niết Bàn. Sau đó Phật đọc bài kệ chấm dứt lời rèm pha nói xấu:
"Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn."
(II-Phẩm Không Phóng Dật, Pháp Cú 32)
Bài học kinh nghiệm:
Bài học 1: Không phóng dật sẽ gần Niết Bàn
"Phóng dật" là sống buông thả, lười biếng, tham đắm thế gian, vui thích hưởng thụ dục lạc thế gian. "Tỳ kheo sợ phóng dật, vui thích không phóng dật" Tức vị Tỳ kheo từ bỏ vật chất thế gian, sống hạnh viễn ly, chuyên tâm tu hành Giới hạnh, Thiền định, Tuệ giác (Giới-Định-Tuệ). Vị đó được Phật ấn chứng là sẽ mãi mãi không thể bị đọa vào 3 ác đạo và tương lai nhất định đạt tối thượng Niết Bàn.
Bài học 2: Tâm lý suy bụng ta ra bụng người
Đây là tâm lý thường tình của mọi con người. Tâm ta thế nào thì ta nghĩ tâm người khác cũng giống vậy. Do đó người cả tin, thật thà bản chất là lương thiện. Do họ lương thiện nên họ nghĩ rằng ai ai cũng lương thiện giống họ. Người quá cẩn thận đề phòng trộm cắp lừa đảo bản chất là bất lương. Do họ bất lương nên họ nghĩ rằng ai cũng bất lương như họ. Đó là tâm lý chung của mọi con người.
Tục ngữ có câu: "Dùng bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử". Bản chất kẻ tiểu nhân là luôn nghĩ ai ai cũng tiểu nhân như họ. Rồi họ kết tội người, nghĩ xấu về người. Xã hội loạn chỉ bởi xã hội nhiều tiểu nhân. Xã hội đó luôn kết tội người gây chia rẽ thù hận thành ra loạn. Trong nghệ thuật giao tiếp. Khi bạn thấy một kẻ suốt ngày nói xấu người khác hay nói xấu xã hội thì 100% đó là kẻ xấu.
Bài học 3: Thanh đạm là cần đủ không cần nhiều
Ngày nay xã hội đề cao "Chủ nghĩa tiêu dùng". Nó kích thích mọi người mua sắm của cải vật chất nhiều quá nhu cầu thật của họ. Có người có tủ quần áo 200 bộ mà sự thật chỉ mặc có 10 bộ. Có người có hầm rượu hàng ngàn chai các loại các kiểu chỉ để khoe. Sự thật họ đi công tác suốt chẳng khi nào ở nhà uống rượu. Rồi có người có 5-6 cái nhà, 3-4 cái ôtô, một kho giầy dép, một phòng chứa đầy quần áo...
Chính vì vậy đời sống hiện đại ngày nay không thanh đạm, không bình an. Mọi người lao vào kiếm tiền, lừa đảo, mánh lới, thủ đoạn, nói điêu, nói dối, quảng cáo sai sự thật... cốt kiếm thật nhiều tiền mua thật nhiều đồ. Còn thực tế họ chỉ sử dụng 1/10 các cái họ có.
Đạo Phật gọi đây là "Ngã Sở Hữu" hay "Ngã Sở". Đạo Phật dạy tu là để buông bỏ, giảm bớt, biết đủ thì dừng, hướng đến "Vô ngã". Thời Đức Phật, một vị Tỳ kheo tài sản chỉ có 3 bộ đồ và 1 cái bát xin ăn. Vị đó sẽ tu "Vô ngã, Thanh tịnh". Tức là giảm tối ta sở hữu và tu tâm hồn trong vắt (thanh) tĩnh lặng như mặt nước hồ thu trên đỉnh núi cao (tịnh).
Vậy tu sỹ "Vô ngã, Thanh tịnh" đó có ham muốn gì không? Nếu ai nói rằng "Không" là sai lầm nghiêm trọng. Vị đó có ham muốn cháy bỏng là giúp loài người có đạo đức, tin sâu nhân quả, có lòng bi yêu thương giúp đỡ nhau. Mọi người biết làm lành tích thiện để tích phúc. Khi phúc to lớn sẽ sinh cõi Thần Tiên sung sướng tột cùng. Rồi vị phúc lớn đó từ bỏ phúc thế gian đi xuất gia. Vị đó hướng phúc báu vào tu hành đắc đạo giải thoát khỏi Luân Hồi đau khổ.
Đó là ham muốn cháy bỏng của Tỳ kheo chân chính. Ai làm được vậy sẽ được gọi là Đại Bồ Tát.
Bài học 4: Tâm lý luôn ủng hộ người thân
Ngài Ni-ga-ma-va-si-ti-sa xuất gia tu hành. Vậy tức Ngài từ bỏ gia đình sống không gia đình. Nhưng Ngài đi khất thực lúc nào người thân cũng ưu tiên cúng dường Ngài. Đó là tâm lý thường tình. Đối với người trong gia đình thì Ngài vẫn là người thân yêu và là thành viên gia đình. Đó là tình cảm đáng quý, đáng trân trọng. Phật gọi là duyên quyến thuộc họ hàng.
Một người sinh ra trong gia đình là có duyên với nhau từ nhiều đời. Nếu duyên sâu đậm thì tình cảm gắn bó bền chặt yêu thương khăng khít "đầu bạc răng long". Nếu duyên nhạt thì tình cảm cũng nhạt.
Cũng có trường vì thù hận và muốn trả thù, vì nợ và muốn đòi nợ... mà kẻ đó nguyện sinh vào gia đình đó. Đây là nỗi bất hạnh cho gia đình đó vì họ sẽ đối xử với nhau như kẻ thù. Con thiêu sống mẹ, mẹ giết con, bố đóng đinh vào đầu con... Vậy nên xin đừng thù hận mà thành "oan oan tương báo" khổ lắm.
Bài học 5: Sao tiền thân Đức Phật lại là con Vẹt?
Ta biết Phật ấn chứng một vị thánh đắc đạo Sơ Quả Dự Lưu sẽ vĩnh viễn không đọa 3 ác đạo: địa ngục, súc sinh, ngã quỷ. Vậy sao tiền thân của Phật lại là con vẹt? Đơn giản là kiếp xưa đó Phật chưa đắc đạo gì dù là Sơ quả Dự lưu.
Vậy nên trong triết lý Phật Giáo thì mọi chúng sinh trong Luân hồi dù là địa ngục, súc sinh, ngã quỷ hay người, thần, trời đều có thể tu thành Phật. Quan trọng là: "Chúng sinh đó đang đi về nơi ánh sáng hay đang đi về nơi bóng tối".
Nếu chúng sinh đó đã và đang "đi về nơi ánh sáng", giữ giới, tu đạo đức, làm lành tích thiện, tăng phúc giảm tội... thì tương lai chắc chắn thành Phật. Còn dù vị đó đang quyền lực vĩ đại làm vua trời mà ăn chơi hưởng lạc tiêu phúc. Hoặc vị đó làm điều tội lỗi ác độc tích tụ ác nghiệp sâu dày là "đang đi về nơi bóng tối". Đích đến cuối cùng chính là ngục A-Tỳ.
Nên trong các truyện về tiền thân Đức Phật ta hay thấy nhiều kiếp Phật là các con vật. Thế nhưng các con vật đó luôn biết tu hành hướng thiện tích phúc, cứu giúp đồng loại như Khỉ chúa, Voi chúa... Đó chính là "Chúng sinh đang đi về nơi ánh sáng".
Ở đây con vẹt tiền thân Đức Phật tu hạnh "sống biết đủ và tự tại bình an".
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com