13
- Uyên Lâm, Nhược Thủy, hai con ở nhà ngoan. Phụ thân ra chợ phiên mua chút đồ, lát về sẽ nấu canh.
Hai anh em lập tức liếc nhìn nhau. Một khắc sau, Nhược Thủy đã bám lấy vạt áo y, giọng non nớt vang lên lanh lảnh:
- Phụ thân~! Cho con đi phiên cùng người đi mà ~
Đôi mắt cô bé tròn xoe, giọng nói trong veo, hai tay nắm chặt khiến Thôi Phạm Khuê không sao khước từ nổi. Y khẽ mỉm cười, rồi xoay người nhìn sang Uyên Lâm:
- Uyên Lâm, con cũng muốn đi không? Tổ mẫu còn chưa về, phụ thân cũng chẳng yên tâm để hai con ở nhà một mình.
Cậu bé bắt gặp ánh mắt của y, thoáng do dự nhưng rồi gật đầu nhẹ.
Vậy là cả ba cùng rảo bước. Gió đầu giờ Thìn mát rười rượi, trời chưa nắng gắt lắm, hai đứa trẻ đi hai bên nắm lấy áo cha, miệng ríu rít líu lo không ngừng.
Tới phiên, chợ đã đông người. Tiếng rao, tiếng mặc cả lẫn tiếng gõ chày giã cốm đều đều rải rác khắp nơi.
Chỉ lát sau, Uyên Lâm và Nhược Thủy đã chinh phục được một nhóm các bà đang bán đậu phụ, bánh màn thầu, hoa khô. Ai nấy vừa rao hàng vừa trêu đùa:
- Hai đứa này ngoan quá trời! Con nhà ai mà trắng trẻo lại biết dạ thưa thế này?
Một bà lão cười, liếc về phía Phạm Khuê:
- Ủa, là con của cái cậu bán thảo dược thôn bên phải không? Vừa nãy còn tưởng mượn con nhà ai... chớ nhìn tướng thì chẳng giống đứa nào quanh vùng cả.
Phạm Khuê khẽ cúi đầu, chỉ mỉm cười đáp lễ.
Ngôi chợ kia vốn thuộc thôn bên, cách nhà ba cha con hơn một dặm rưỡi đường. Mỗi lần đi phiên đều phải dắt díu qua một triền dốc, qua cánh đồng hoang và một cây cầu nhỏ.
Nhưng Phạm Khuê vẫn đưa con sang đó, chẳng quản đường xa. Bởi nơi ấy, người ta niềm nở, không nhìn ba cha con như dị loại, cũng chẳng cười nửa miệng sau lưng y.
Các bà bán váng đậu hay rau dưa ngoài phiên đều quen mặt tụi nhỏ. Có khi còn dúi thêm một quả trứng muối, hôm thì một túi hạt dẻ rang, rồi thì thầm:
- Cho tiểu ca và tiểu muội mang về nhấm chơi ấy mà. Suỵt! không được nói với phụ thân nhớ chưa.
Y đã nghĩ,nếu mai sau gom đủ bạc, kiếm được nơi ổn áp hơn, nhất định sẽ dắt hai đứa rời khỏi chốn cũ.
Không cần cao sang, y chỉ cần yên ổn. Để Uyên Lâm và Nhược Thuỷ không phải cúi đầu trước nhũng lời dè bỉu ấy. Để y thôi phải nhân nhượng cúi mình.
.
Tại Điện Dưỡng Tâm
- Khương Thái Hiền, con nay đã ba mươi tuổi, dưới gối còn chẳng có lấy một mụn con. Hoàng gia là gốc nước, chẳng lẽ lại để tuyệt hậu?
Thái hậu nói dứt lời, tay đã khẽ lật thiếp vàng trong tay.
- Ngày mười lăm tới đây, ta sẽ mở một buổi Bách Đồng Yến. Gọi đủ một trăm đứa trẻ vào cung dự tiệc, vừa cầu phúc cho quốc gia, vừa gieo duyên cho Hoàng thượng với mệnh trẻ thơ.
Thái hậu gạt tay áo, gương mặt vẫn ung dung nhưng ánh mắt rực lên một tia lo lắng.
- Có cấm... ai gia cũng làm.
- Mẫu hậu cứ làm theo ý người đi. - Khương Thái Hiền nhàn nhạt đáp.
Bà xoay đầu, liếc sang phía sau:
- Lý công công, mau truyền chỉ xuống tất cả các thôn lân cận. Bất luận sang hèn, chỉ cần trẻ dưới mười tuổi đều có thể đăng danh vào yến.
- Yến tiệc lần này, gọi là Bách Đồng Yến.
- Cầu phúc cho long mạch thiên gia, cũng là để xem... thiên ý ở đâu.
- Nô tài tuân chỉ!
Lý công công cúi đầu, ngay lập tức phân phó thị vệ chia nhau xuống các thôn trấn.
.
"Thùng... thùng... thùng"
Ba hồi trống truyền chỉ vừa dứt, cả thôn đã náo động.
Lý công công bước xuống từ xe ngựa, vạt áo lụa xám phủ phất phơ trên bậc đá tam cấp. Trên tay lão là hộp gỗ vàng khảm ngọc, lệnh bài cẩn rồng nằm gọn ghẽ bên trong.
Phía sau, hai thị vệ áo bạc vẫn đứng nghiêm trang, không ai hé răng nửa lời.
Dân làng tụ tập đông dần dưới sân đình. Người bán hàng quăng cả thúng rau, đứa trẻ bị kéo theo còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã đứng nép vào sau lưng mẹ. Không khí vốn náo nhiệt của chợ phiên phút chốc lặng như tờ.
Lý công công đảo mắt một vòng. Rồi ông dứt khoát mở hộp, rút chỉ dụ được cuộn bằng lụa trắng ra, lệnh bài dập sáp đỏ ngay ngắn niêm phong rõ ràng.
- Phụng Thiên thừa vận, Hoàng Thượng chiếu viết:
"Nay nước nhà yên ổn, thiên hạ an cư, duy chỉ hoàng thất còn sơ khí hậu bối, chưa thịnh vượng đường cháu con.
Trẫm kính nghĩ, hưng vong của gia môn cũng là cốt rễ của quốc gia. Bởi vậy nay đặc chuẩn tổ chức Bách Đồng Yến, mở yến tiệc đón trăm đồng nhi vào cung, cầu phúc cho long mạch trường cửu, tứ hải xuân hòa.
Truyền xuống các thôn trấn lân cận: mọi hài tử dưới mười tuổi, bất luận xuất thân sang hèn, nếu thuận lòng cha mẹ, đều có thể ghi danh dự yến.
Hạn trong bảy ngày, dẫn trình về Đại An Môn.
Khâm thử!"
Lý công công cuộn chỉ, vừa định xoay người thì ánh mắt chợt khựng lại.
Giữa đám đông chen lấn, một đứa trẻ đứng lẫn sau vạt áo vải thô bạc màu, mái tóc rối xù nhẹ, đôi mắt đen to tròn sâu thăm thẳm, sống mũi nhỏ và thẳng tắp.
Giống! Giống đến kinh người!
Y chang Hoàng thượng thuở còn thơ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com