Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

[Chu Diệp] Mơ rụng (cổ đại)


Tựa gốc: 摽有梅 – Phiếu hữu mai, cũng là tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về việc hôn nhân nên đúng thời đúng lúc, chớ để quá lứa lỡ thì.

***

(1)

Mấy ngày trời đất tạnh ráo, chỉ có gió quẩn tường thành, đối với thời tiết tháng năm ở thành Gia Thế, chuyện này quả thực hiếm có.

Buổi ấy, chừng như ông trời vừa tỉnh giấc mê, lơ mơ nhận ra khí hậu có phần bất ổn, bèn vung tay áo thần tiên, trút xuống nhân gian một trận mưa lớn. Cơn mưa xối xả suốt ba ngày đêm chưa dứt, khiến cho đất đai ẩm ướt, tiết trời mát mẻ, trong thành ngoài thành đều vui. Khu thành Nam nhiều kênh mương, ruộng vườn, phần lớn các nông hộ cũng tụ tập ở đây. Dù mưa nặng hạt khiến việc xuất hành bất tiện, nhưng nghĩ đến vụ thu hoạch, ai nấy lại vui vẻ chờ ở nhà, nhen lửa thổi cơm.

Cạnh nhà, uốn theo thế đất, là những bờ vùng bờ thửa quanh co ngang dọc, giống hệt thú nuôi không người quản dưỡng.

Vậy mà trên những bờ ruộng ngày mưa vắng heo vắng hút, vẫn có người cầm dù đi.

Sang ngày thứ ba, mưa nhỏ hạt dần rồi bắt đầu ngớt. Hạt mưa lung lay đọng trên tán dù trúc mộc mạc không hoa văn.

Nếu có kẻ nào tinh mắt đi qua, ắt sẽ cả kinh mà rằng, "Đây chẳng phải là tân khoa Trạng Nguyên vừa được sắc phong đó ư!" Đáng tiếc, đang lúc trời mưa, nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài, thế nên không ai có duyên gặp mặt.

Tân khoa Trạng Nguyên tên Chu Trạch Khải, dẫu không xuất thân phú quý, lại ghi danh trên bảng vàng, hệt như một cơn mộng đẹp, khổ tận cam lai. Câu chuyện của tân Trạng Nguyên họ Chu cũng xem như chuyện hi hữu trong mấy năm này. Kì thi mùa xuân, cậu viết một thiên can gián, văn phong hùng hồn, sắc bén, Thánh thượng đích thân chấm cậu đỗ đầu vi Giáp. Khi tòng quan (*) đọc danh sách mới biết, tân khoa Trạng Nguyên năm ấy vừa mười tám tuổi, kinh tài tuyệt thế, tướng mạo rất mực khôi ngôi tuấn tú. Đến cả quan chủ khảo Trương Ích Vĩ nổi danh khe khắt cay nghiệt cũng không kìm được ngợi khen, "Lúc im lặng đã hiểu rõ lợi hại, một lời nói ra xoay chuyển Càn Khôn." Hoàng đế nghe thế càng thêm vừa lòng, bèn phong cho chức Hình bộ Thị lang. (*) Nhất thời, triều dã chấn động, từ quan đến dân sôi nổi luận bàn.

(*) Tòng quan: Cận thần túc trực bên vua; Hình bộ Thị Lang: chức quan xếp sau Hình bộ Thượng Thư, hàm chánh tứ phẩm.

Tân khoa Trạng Nguyên cưỡi ngựa ra phố, từ các lầu son trướng ngọc, bay ra không biết bao nhiêu khăn lụa túi gấm, tới nỗi vó ngựa không chỗ đặt chân, đám rước rập rình không tiến lên được. Có người lớn gan hô hào sẽ không lấy ai ngoài Chu Thị lang, càng gào càng hăng. Tiếng thét chói ta chửa dứt, lại có một trái tú cầu xé gió bay tới, rơi thỏm vào lòng Chu Trạch Khải, mọi người lập tức vỗ tay reo hò. Nhưng người nhận được tú cầu chỉ biết đỏ mặt luống cuống. Lâu sau, cậu mới khẽ gọi tuỳ tùng bên cạnh, dặn dò, "Nhớ phải trả lại."

Dĩ nhiên, ấy chỉ là chuyện vui đùa mỗi lúc trà dư tửu hậu, hôn sự của Chu Thị lang, phải do đương kim Thánh thượng làm chủ. Bởi Chu Trạch Khải còn trẻ, hôn sự được dời lại thêm vài năm, thời gian có phần dư dả, thế là quần thần trong triều ra sức tiến cử nữ nhi nhà mình. Chu Trạch Khải không sốt ruột, người sốt ruột là kẻ toạ trên long ỷ kia, ngài giận mình sinh quá muộn, công chúa chưa đẫy trăng tròn, thành thử chỉ bở cho đám thần tử.

Từ ngày Chu Trạch Khải nhậm chức Hình bộ Thị lang, phủ Trạng nguyên không khi nào ngơi việc, cả vụ trời mưa cầm dù ra ngoài tản bộ cũng là bất đắc dĩ thôi. Chẳng là dạo này, lễ vật mừng quan Thị lang nhậm chức cứ tới ùn ùn, vàng ngọc lụa là rương này hộp nọ chồng chất hơn nửa gian phòng. Chu Trạch Khải lại không ưa những của biếu xén, ngại rằng bây giờ nhận lễ, ngày sau làm việc sẽ bị bó tay buộc chân, bèn dặn người nhà: phàm là lễ vật, bất kể loại nào, đều phải chiếu theo danh mục quà tặng gửi trả chủ nhân. Lại sợ đắc tội với người có lòng, liền viết một bức tranh chữ kèm thêm, dẫu không đáng tiền, song cũng xem như không phụ tấc lòng người tặng.

Hiển nhiên, làm việc như thế mặc dầu không phật lòng ai, nhưng lại nhọc thân vô cùng. Tinh mơ mờ đất, Chu Trạch Khải đã bắt đầu viết, mãi quá trưa mới gắng gượng viết xong, đầu óc choáng váng, cánh tay mỏi dừ. Không từ chối được lời khuyên của Giang tổng quản, Chu Trạch Khải liền thay đổi y phục, bung dù, rời phủ tìm đường giải sầu.

Thành Nam cách xa phố chợ, hút tầm mắt là núi đồi, nông trang, ngày thường hiếm người qua lại, ngày mưa lại càng vắng dấu chân người. Điều này khiến Chu Trạch Khải an lòng, chậm rãi thả bước. Cậu không nhớ mình đã đi bao xa, có lẽ cách chừng mấy thửa ruộng cấy, và một vườn mơ.

Bấy giờ, nắng lấp ló vén rèm mây, nước mưa giọt qua lá cành xanh ngắt, vòm trời sáng ửng. Bên dưới vòm lá, lúc lỉu một chùm mơ xanh căng mọng, thi thoảng có nước lăn khỏi tàn lá, trong như ngọc lộ quỳnh tương.

Trông hệt bức hoạ do một văn nhân tài hoa tạo tác.

Chu Trạch Khải ngừng chân một lát, đợi mưa ngừng rồi thu dù, tiếp tục đi.

Bỗng nhiên, trong vườn mơ chợt có tiếng sột soạt. Cậu vốn tưởng rằng chủ vườn tới thăm, vậy mà hoàn toàn không phải.

Khi Chu Trạch Khải ngoảnh cổ nhìn lại, cậu thấy một người mặc áo tơi trùm nón lá, phi lên một cây mơ, hình như định hái quả. Cậu hơi nhíu mày, thầm nghĩ: Bọn tiểu nhị ở vườn mơ đều hái quả như thế sao?

Cậu vừa sửng sốt vừa thích thú ngó lên chỗ cũ, lại thấy người nọ nhón một trái mơ, cọ cọ qua loa mấy cái xong bỏ vào miệng.

Ban ngày ban mặt mà tên kia dám lẻn vào vườn hái trộm mơ?

Chu Trạch Khải vội định thần, nhún người nhảy qua tường rào, nấp ở chỗ khuất. Cậu bước rất nhẹ, gót giày không một tiếng vang. Kẻ trộm chừng như không biết có người theo dõi, vẫn núp trên cây mải mốt hái mơ.

Đến khi khoảng cách thu hẹp còn hơn nửa bước, người nọ mới khẽ chép miệng, ném nốt trái mơ vừa hái vào túi, nhảy sang cây mơ bên cạnh, nhanh như én liệng.

... Bị phát hiện rồi.

Kẻ trộm ắt hẳn thân thủ bất phàm, chưa bàn tới những mặt khác, xét riêng khinh công, người nọ đã đứng trên đỉnh võ lâm. Chu Trạch Khải ngây người một thoáng, dời tầm mắt về phía kẻ trộm.

Người nọ khuất sau bóng lá, cậu không trông rõ gương mặt đối phương, song đôi mắt kia rõ ràng cũng đang nhìn cậu. Ánh mắt đong đầy ẩn ý, không bình thản trầm tĩnh như Chu Trạch Khải, tưởng đơn giản mà thật khó để hình dung.

Chu Trạch Khải chưa từng gặp gỡ đôi mắt nào như thế, thấp thoáng ý cười, lại lặng như đáy hồ sâu. Thời gian cơ hồ ngưng đọng, cậu chưa kịp nhìn thấu đối phương thì bản thân đã hoàn toàn bại lộ.

Người nọ đứng đó, im lặng quan sát cậu.

Chu Trạch Khải nói, vẫn giữ phong cách kiệm lời thường ngày, "Vào vườn hái mơ, trả tiền." Cậu chưa trực tiếp vạch trần hành vi trộm đạo của đối phương, chỉ bóng gió gợi ý hắn nên làm gì.

"Cậu và chủ vườn quan hệ thế nào?" Người nọ nghe cậu nói xong, không giận không bực cũng không tìm cách lấp liếm, còn cười cười chất vấn cậu.

"Không quen không biết." Chu Trạch Khải lắc đầu, thấy đối phương không có ý hối cải, bèn vươn tay, nói, "Quả mơ."

Không rõ người nọ hiểu nhầm hay là giả ngốc, hắn vỗ tay bảo, "Muốn ăn mơ phỏng? Thế thì phải nói sớm chứ! Nè, chia cậu chút, mưa thêm mấy ngày là ăn không ngon nữa đâu."

"Không phải." Chu Trạch Khải thấy phương pháp bóng gió vô tác dụng, đành nói toạc ra, "Tiền."

Vẻ mặt kẻ trộm thoắt cái thay đổi, Chu Trạch Khải nghĩ cuối cùng hắn cũng bỏ ác hướng thiện, nào dè người nọ hiên ngang lẫm liệt trả lời, "Tui không có tiền, chết cũng không có!" Nói rồi, hắn nhảy lên, đánh bài chuồn.

Tiếc thay, hôm nay số hắn hơi xui, đụng trúng Chu Trạch Khải chưa đạt mục đích thì chưa từ bỏ, cả hai rượt nhau qua mấy mảnh rừng.

Cuối cùng, hai người một trước một sau dừng lại giữa một đồi trà.

"Chi mà dai dữ vậy Chu Thị lang? Năm sau cậu mà khảo võ chắc lại chiếm ngôi Trạng Nguyên luôn mất." Tên trộm vác một bịch mơ bự xự chạy trốn, dĩ nhiên mệt đừ cả người, vừa thở hổn hển vừa không quên chế nhạo.

Chu Trạch Khải cách xa năm bước chợt giật mình, đang định hỏi anh biết tôi ư, người nọ đã thừa dịp cậu phân tâm, chuồn thẳng.

Hoá ra bộ dạng mệt đứt hơi kia chỉ là giả vờ. Thật quá giảo hoạt.

Trong cơn kinh ngạc, một trái mơ xanh còn óng nước mưa bay vụt qua, rơi tọt vào tay Chu Trạch Khải.

Cậu nhìn trái mơ hồi lâu, quyết định không truy cứu nữa, rồi cậu thở dài, đưa trái mơ lên miệng, cắn khẽ.

Ngọt, và phảng phất chút vị chua.

Hôm ấy, Chu Trạch Khải ra ngoài không mang theo tiền, sau khi về phủ, bèn sai người giấu thân phận, lén lút trả đủ cả vốn lẫn lãi cho chủ vườn mơ.

(2)

Tháng năm, trăng tròn lại khuyết. Bấy giờ, hươu mới thay sừng, nhạc ve inh ỏi.

Lầu Dung Dữ trong thành treo một tấm biển mới toanh, khiến người qua đường thi nhau chỉ trỏ.

"Bình tĩnh đi người anh em, huých phải tôi rồi." Đó là một người muốn xem song lại nhún nhường.

"A ha! Hẳn là cuộc thi thơ hàng năm đây mà! Mọi người nhìn những dải lụa thắt trên lầu xem." Có cụ già chống gậy lê đi ngang qua, cao giọng giảng giải.

Thì ra lầu Dung Dữ không chỉ là trạm quán bình thường, mà còn là nơi được các nhân sĩ phong nhã trong thành quyên tiền gây dựng. Bọn họ phần lớn làm qua, hoặc cũng xuất thân phú quý, nên hầu như chỉ bỏ tiền, buôn bán vài món lặt vặt, không quá để ý lời lãi. Năm nào ở đây cũng tổ chức vài hội thi, đề tài mỗi lần mỗi khác, bất kì ai có hứng thú đều được tham dự. Thứ nhất, có thể làm quen với nhân tài còn ẩn náu trong dân gian, thứ hai, có thể kết giao với bạn bè chung chí hướng. Đối với những quý công tử quyền cao chức trọng, hội thơ này mới là chuyện chính yếu.

Ban đầu, hội thơ mùa hạ lấy tên "Mùa sen", vừa hợp thời vừa hợp cảnh. Chủ nhân cho người cột các dải lụa khác màu mang chữ đề vào lan can mỗi tầng lầu, để người tham gia tuỳ nghi chọn lựa. Nếu may mắn, sẽ chọn được đề tài hợp sở trường, nếu xui rủi, vô duyên với ngôi đầu bảng, thì cũng cứ làm một bài để mua cười vậy.

Năm ngoái, người giành được trản hoa sen ở đại đường, là môn khách của lão gia gia Đào Hiên, Diệp Thu. Hắn bắt thăm trúng chữ "Tùng", chưa đầy nửa tuần hương đã hoàn thành bài thơ. Thơ hắn tinh hoa hơn người, mọi người dù bực hắn thà nhờ người mang hoa sen đi hộ cũng không chịu lộ diện, nhưng cũng hận Diệp Thu hữu danh hữu thực, làm người ta không thể không ngưỡng vọng. Một câu "Phong núi nhuôm nhuốm đỏ, Tùng già vẫn xanh cây" được chủ nhân tấm tắc ngâm đi ngâm lại, khen là thần bút, rồi lấy hai chữ "Tùng già" đặt tên cho hội thơ mùa hạ, ấy là nguyên do hội thơ năm nay đổi tên thành "Hội Tùng Già".

Chẳng biết năm nay vị thi gia kia có thể bưng trản hoa đăng đi chăng?

Ai nấy âm thầm nghi hoặc, văn nhân nhã khách lục tục lên lầu. Cũng có vài kẻ tò mò rảnh rỗi, lên lầu chiếm chỗ.

Ánh ngày chửa tắt, hội thi còn khá lâu nữa mới bắt đầu. Người thắng cuối cùng, là ai trong số những người lui tới, chưa vào đêm thì chưa thể xác định.

Lúc bóng trăng chênh chếch mái lầu, nén hương ở đại đường đã tàn non nửa, mọi người mới tìm đề, đặt bút.

Trên lầu, Chu Trạch Khải đứng một mình, nhìn dòng người xe lại qua trên phố muộn. Cậu bận một chiếc áo đơn màu xám, ánh trăng vây phủ, tựa người ngọc trong tranh vẽ. Từ nhỏ, cậu đã thích ngồi một chỗ, im lặng ngắm nhìn mọi vật, dẫu là một viên đá, một phong thư, thứ nào khiến cậu hứng thú, cậu đều vui vẻ, tỉ mẩn xem xét một phen. Cũng như bây giờ, khi cậu chăm chú quan sát nhà nhà lên đèn, mặc dù lặng lẽ, nhưng không có nghĩa là cậu không suy nghĩ.

Và luôn có người kéo cậu trở lại thế tục.

"Tính tìm một chỗ không người, ai dè lại gặp cậu chứ."

Chu Trạch Khải cảm thấy âm giọng này rất quen, cậu bèn quay đầu ngó thử, nhận ra người tới là tên trộm mơ mình truy đuổi hơn một tháng trước.

Người nọ đã trút bỏ lớp nguỵ trang áo tơi nón lá, thay bằng một bộ áo gấm thêu hoa, trông bỗng cao quý xuất trần đến lạ.

"Tôi tên Diệp Tu." Người nọ giành phần lên tiếng trước Chu Trạch Khải, đưa thiếp danh qua, chứng minh thân phận thực sự.

Hội thơ ở lầu Dung Dữ, tuy người ra vào tuỳ ý, nhưng người nhận được thiếp mời lại khác, hoặc là bạn của chủ nhân, hoặc là văn quan nhã sĩ nổi danh bên ngoài. Tóm gọn lại là, giỏi về thơ từ, làm người đoan chính.

Chưa bàn tới vụ giỏi về thơ từ, chứ vụ làm người đoan chính thì Chu Trạch Khải hơi bị nghi ngờ.

Dường như nhìn thấu tâm tư cậu, Diệp Tu bèn phân trần, "Cậu đừng để ý, năm nào tôi chả qua vườn mơ kia vài lần."

Năm nào cũng qua? Chẳng lẽ chủ vườn không biết rút kinh nghiệm, bỏ chút tiền thuê người canh vườn phòng trộm? Dĩ nhiên, điều kiện tiên quyết là phải thắng được người ta.

Chu Trạch Khải mở to mắt nhìn hắn.

"À nè, hôm đấy cậu ăn ngon không? Nếu ngon thì nói anh nha, để anh còn biết cây nào ngon nhất."

Một tên trộm mơ, thừa rõ Hình bộ Thị lang là ai mà còn điềm nhiên nói vậy. Giá là người khác, có khi đã tống hắn vào đại lao từ khuya.

"Suýt nữa quên nói, vườn mơ ấy do em trai tôi mở."

"..." Chuyện đó bảo quên là quên được sao?

Nhưng Chu Thị lang làm quan cũng lâu lâu rồi, chuyện hoang đường gì cũng gặp cả rồi, đạt thành cảnh giới gặp biến vẫn tỉnh như ruồi rồi, cho nên cậu không hỏi thêm, chỉ nghe Diệp Tu nói tiếp.

Diệp Tu ngả vào lan can, giọng điệu có phần hoài niệm, "Hồi bé, tôi và em trai rất thích ăn mơ, bèn trèo tường qua nhà bên trộm một túi to. Cha tôi giận lắm, lôi gia pháp ra, đánh cho một trận tơi bời. Sau đó bị bắt quỳ ở hành lang, em trai tôi bảo lớn lên em sẽ trồng mơ, tôi nói em trồng sao ngon bằng anh, hai đứa cãi nhau ầm ĩ, kết quả cha tôi nghe thấy, lại đánh cho một trận nữa. Cha tôi cũng giống những người cha khác, luôn mong chúng tôi học hành đỗ đạt, chỉ là hơi nghiêm khắc chút..."

Diệp Tu chậm rãi kể lại quãng ngày niên thiếu, khoé miệng hơi cong, hệt như vành trăng dịu dàng chếch phía mái lầu. Hắn nói, chẳng hề giấu diếm, tưởng như người trước mặt kia, không phải người hắn chỉ mới đụng mặt một lần, mà là bạn cũ lâu ngày gặp lại.

"Giờ em trai tôi lớn rồi, buôn bán khá lắm, còn trồng cả một vườn mơ, xem báo đáp công ơn anh hai nuôi nấng..."

Phỏng chừng ông trời nghe chối tai quá, Diệp Tu nói chưa dứt miệng, tiếng đàn dưới lầu đã dồn dập vang, y chang mưa rơi vô bát, gió lùa vô chén. Kẻ biết quy tắc, tức thì hiểu ngay giờ thi đã hết, giờ này là giờ bình thơ chấm điểm.

Người ở các phòng, bất kể xong hay chưa xong, đều kéo xuống lầu tụ hội, số còn lại dựa ở lan can lầu hai ba trông xuống.

Lâu sau, chủ lầu Dung Dữ nâng một tờ thơ, chỉ vào trản hoa sen bên cạnh, nói, "Năm nay, người thắng, vẫn là Diệp Thu." Rồi trải tờ thơ ra bàn, để mọi người cùng thưởng thức.

Tờ thơ quả thực ghi tên Diệp Thu, đọc rồi mới thấy tâm phục khẩu phục, trầm trồ tán thán.

"Câu buông, tơi khoác trên bờ, Tiếng tiêu văng vẳng vọng qua rừng nào, Vẻ buồn che kín lầu hồng, Nhà nghèo xơ xác đan bầu mà chi." (*)

"Cậu thấy thế nào?" Diệp Tu ngửa đầu nhìn mảnh trăng cong vắt nơi mái lầu, lại hỏi chuyện thơ trong lầu. Ánh trăng soi vào mắt hắn, hoá ra một hồ trăng trong.

"Rất hay." Chu Trạch Khải dù không hay tuỳ tiện làm thơ, nhưng người quen cậu đều biết trình độ văn vẻ thơ từ của cậu ra sao.

Diệp Tu mỉm cười, mảnh trăng vỡ thành muôn vàn hạt sáng, tựa ánh sao chấp chới nơi đáy mắt.

"Hay mà, tôi cũng thấy hay."

(*) Thơ trích từ Hồng Lâu Mộng, bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng.

"Giờ anh nào muốn cưới ta

Một lời ướm hỏi vậy là xong ngay."

(3)

Mùng tám tháng chín, ở thành Gia Thế xảy ra một vụ kì án.

Nói là kì án, nhưng thoạt đầu sự việc không đến nỗi li kì, chẳng qua một đồn mười mười đồn trăm, tam sao thất bản nên thành lệch lạc, lại có người đem chuyện viết thành văn, nên khi tới tai dân chúng, liền thành kì văn.

"Ông có nghe chưa? Đâu như mấy đêm trước thì phải, Đào Hiên Đào lão gia bị môn khách Diệp Thu ám sát! Phước tổ là không bị thương vào chỗ yếu hại, chứ lúc tụi gia nhân tới cứu viện, Diệp Thu đã chuồn từ đời nào rồi! Mấy nay quan phủ cũng động nhân thủ, lật từng thước đất tìm người mà tìm không ra, hôm qua có tay hộ viện họ Lưu chả biết ăn may cách nào mà lại tóm được Diệp Thu ở một dịch quán..."

"Nghe rồi nghe rồi, vụ này xôn xao như thế kia mà, phu quân A Hồng bảo là đám lính canh mới giải người vào lao chiều qua."

"Nói thiệt, có chết tui cũng không tin Diệp Thu là người như vậy. Các ông xem đó, anh ta chưa từng lộ diện, đâu có huênh hoang vênh váo như bọn mộ khách nhà khác, dân chúng không ai không biết anh ta tuy là quân nhân song cực am hiểu thơ phú, tui nghĩ... Hẳn chuyện này có hiểu lầm chi đây."

"Trời ạ, coi nó mơ mộng kìa bây! Nếu Diệp Thu thực sự là nhân tài, Đào lão gia lại chẳng nâng thằng chả tới giời rồi sao? Đổi thành người bình thường coi, có ai lại đi phản chủ bao giờ? Ai dà, thích khách trên đời này á, ai không đao vung kiếm chém, tay nhuộm máu tươi, bất kể thân tình!"

...

Những lời như thế, trong mấy ngày nay, không biết đã truyền tới truyền lui bao nhiêu lần.

Chuyện có thể khiến dân chúng bình dân sôi nổi bình luận, tới tay Hình bộ, muốn tra xét kĩ lại hơi khó khăn.

"Sáng nay Đào Hàn lâm cho người lén lút tới gửi thư, đại nhân có muốn xem không? Giang Ba Đào cầm một phong thư, đến bên bàn Chu Trạch Khải, nhẹ giọng hỏi.

"Ừ." Chu Trạch Khải biết là chuyện gì nên không hỏi thêm, hạ bút, mở thư ra đọc.

Trước giờ, Chu Trạch Khải vốn không thân với giới quan viên, Đào Hiên dù ở ngôi cao, song ngày thường hiếm khi qua lại. Thư mở đầu bằng tình nghĩa quan trường, câu từ dài dòng, khách sáo, mãi sau mới đi vào vấn đề chính: mong cậu có thể phán tội Diệp Thu thật nặng.

Quốc có quốc pháp, phàm là giết người không thành, đều phải chặt chân. Nặng hơn thì sẽ thế nào? Phế bỏ hai tay, hay là xử trảm? Tội của Diệp Thu nặng nhẹ ra sao, sau khi Hình bộ luận tội, tất không thể như Đào Hiên mong muốn. Thế nhưng Đào Hiên là kẻ thông minh, phong thư của gã, chỉ đơn giản là... Muốn Chu Trạch Khải dùng hình trong lao, để Diệp Thu không gượng nổi tới ngày xét xử.

Hai người quen biết nhiều năm, Diệp Thu đã bán mạng vì Đào Hiên nhiều năm, sự tình gì có thể khiến Diệp Thu trở mặt phản bội trong một đêm, thâm thù gì có thể khiến Đào Hiên nóng lòng đưa Diệp Thu vào chỗ chết? Chu Trạch Khải không biết. Cậu chỉ nhạy bén nhận ra, tội Diệp Thu không đáng chết.

Chu Trạch Khải không lộng quyền cậy thế, nhưng không có nghĩa là cậu không hiểu. Phong thư tới trong âm thầm, có ý lấy lòng mượn sức, ngôn từ bảy phần ngon ngọt, ba phần bức ép. Đạo lí trong đó, tự cậu hiểu rất rõ ràng.

Chu Trạch Khải cất thư, vừa lúc có sai dịch mang đơn kiện tới. Giang Ba Đào nhận đơn, trải ra bàn để Chu Trạch Khải xem kĩ hơn.

"Đây là vụ án do Đào đại nhân thẩm tra, trong ngục sinh chuyện, Diệp Thu lại không đồng ý..." Sai dịch rủ rỉ nói tới nói lui, chẳng qua là việc Diệp Thu không chịu nhận tội.

Danh sách tội trạng dài đằng đẵng, còn tăng thêm vài mục so với lệnh truy nã lúc trước, theo lời sai dịch, thì ấy là những tội danh Đào Hàn lâm mới phát hiện khi sai người lục soát nơi ở của Diệp Thu.

Chu Trạch Khải cẩn thận lật giở từng tờ, tiếng giấy sột soạt vang rõ trong gian phòng tĩnh lặng.

Rồi ngón tay cậu ngưng lại ở một trang giấy.

Đó là bức hoạ chân dung phạm nhân.

Hiện trên mặt giấy, là thích khách đệ nhất thành Gia Thế người người nghe danh, là kẻ giành được trản hoa sen ở lầu Dung Dữ song chưa một lần lộ diện, và bây giờ, là tù nhân.

Một gương mặt thật quen thuộc. Gương mặt cậu hằng nhớ nhung từ đầu mùa hạ tới giờ.

Sau đó, thảy đều sáng tỏ.

Vì sao Diệp Tu lại có khinh công tuyệt diệu.

Vì sao lần đầu gặp gỡ, Diệp Tu lại gọi cậu là Chu Thị lang.

Và cả, vì sao, trản hoa sen đêm đó, lại chẳng có ai bưng về.

...

"Đại... Đại nhân." Sai dịch nhìn Chu Trạch Khải trầm tư, bèn cố ý đè thấp giọng, "Đây là vật thu được khi tróc nã phạm nhân hôm qua, thỉnh đại nhân xem xét."

Vật kia là một thanh kiếm, thân kiếm đen bóng tựa lông quạ, chuôi kiếm treo một đoạn tua bông đỏ, ngoài ra không còn gì khác.

Nếu cậu không nhầm, thì đây chính là danh kiếm "Khước Tà" lừng lẫy mà người đời chỉ được nghe tên.

Chu Trạch Khải hơi giãn đôi mày nãy giờ nhíu chặt, trầm giọng bảo, "Đưa ta."

Sai dịch đi rồi, Giang Ba Đào mới thử thăm dò hỏi, "Đại nhân ổn chứ?"

Giang Ba Đào không hề hỏi bâng quơ cho có, y đi theo Chu Trạch Khải đã lâu, mọi thần sắc cử chỉ của đối phương y đều đoán biết. Thấy Chu Trạch Khải muốn nói lại thôi, chừng như trong lòng có điều khó nói, bèn lựa lời hỏi thăm.

Chu Trạch Khải vốn định nói mình vẫn ổn, nhưng chẳng biết vì cớ gì, khoé cười vừa hé trên môi đã chuyển thành vẻ ngậm ngùi, cậu không phát giác, ngón tay đặt trên vỏ kiếm đã bị ấn đến tái bệch.

Lâu sau, như đã nghĩ thông, cậu nói, "Dẫn tôi... Đi gặp ảnh."

Dân chúng thường bảo, trong ngục lắm kẻ uổng mạng, chết rồi không thể đầu thai, cho nên bất kể xuân hạ thu đông, nhà ngục luôn luôn ẩm ướt lạnh lẽo không ánh mặt trời.

Sau chấn song gỗ, Diệp Tu dựa vào vách tường xám màu than chì, hai mắt khép hờ. Hắn cũng không bạc đãi mình, dồn hết cỏ khô làm đệm lót lưng xong ngủ ngon lành, rõ ràng bộ dạng y chang ăn mày đầu đường, lại như đang ở nhà mình, thoải mái, an nhàn tự tại.

"Diệp Tu."

Tựa mộng mà chẳng phải mộng, Diệp Tu nghe có người gọi tên mình, thanh âm nhẹ mà rõ ràng, luồn vào tai hắn. Nhiều năm hành tẩu giang hồ khiến hắn cực kì cảnh giác, nghe người kia gọi tên thật, hắn liền lập tức tỉnh lại, xem xem người tới là ai.

Phòng giam tối om tối mù, hắn nheo mắt nhìn mấy lần mới rõ.

Diệp Tu không biết Chu Trạch Khải tới nơi này làm gì, diệt khẩu, tra khảo, hay là ôn chuyện? Thảy đều có thể, nhưng không chắc chắn.

"Cậu tới rồi à." Diệp Tu nhếch môi, nói rất bình thản, hệt một ông chủ trang viên rảnh rỗi ngồi chờ người bạn tâm giao.

"Tới rồi." Nếu Diệp Tu muốn diễn kịch lâu ngày gặp lại, Chu Trạch Khải nguyện lòng diễn với hắn. Cậu nghiêm túc nhìn Diệp Tu, ánh mắt chưa từng dời qua chỗ khác.

"Cậu không tính hỏi gì ư?" Diệp Tu nhíu mày, khoé môi hơi cong, vạn lời định nói bị vẻ mặt Chu Trạch Khải ép thành một nụ cười xuất phát tự đáy lòng.

Dưới làn ánh sáng mờ mờ, cánh môi Diệp Tu khô ráp, trắng nhợt, nét cười nửa hư nửa thực, xinh đẹp vô ngần, khiến cho người ta nảy sinh ảo giác lao tù vạn trượng không cản được hắn, không trói được hắn.

Chu Trạch Khải nhìn hắn, chợt nhiên rất muốn tới gần thêm chút nữa, lại nhận ra hai người bị song gỗ chắn ngang. Như Diệp Tu nói, cậu vốn ôm ấp ngàn nghi vạn hoặc, cậu từng muốn tìm Diệp Tu hỏi rõ một lần, song khi Diệp Tu nói ra, bao nhiêu câu hỏi bỗng chốc tan ra khói mây. Cậu do dự nghĩ, điều cậu thực sự muốn hỏi, thực sự là gì?

Cậu bèn lui lại một bước, hỏi lại, "Như là?"

"Như là thân phận của tôi, như là vì sao tôi phải dùng hai cái tên?" Diệp Tu dứt lời, thích thú quan sát sắc mặt Chu Trạch Khải.

"Không quan trọng." Nào ngờ, Chu Trạch Khải đáp lời hắn như thế.

Chu Trạch Khải nói, ngữ điệu nhẹ tựa mây trôi gió thoảng. Nếu Diệp Tu bằng lòng nói với cậu, cậu sẽ lắng nghe, nếu không bằng lòng, cậu cũng sẽ không hỏi nhiều. Áp lực bên ngoài không bức bách nổi Diệp Tu.

Huống chi, phần trẻ nít bên trong Chu Trạch Khải lại đang âm thầm nhen nhóm. Cậu có cảm giác, Diệp Tu sẽ không gạt cậu, dù niềm tin ấy chẳng gốc chẳng rễ, chẳng rõ từ đâu bay tới, ghim vào tim cậu.

"Vậy cậu nói xem, điều gì mới là quan trọng." Diệp Tu cười lớn, tò mò hỏi.

"Anh." Đáp án chỉ có một chữ, đơn giản, rõ ràng.

Diệp Tu dĩ nhiên không dự liệu được đáp án của Chu Trạch Khải, hết sức kinh ngạc. Rồi hắn lẩm nhẩm giải thích, "Đúng thôi, vụ án giao cho cậu mà, tôi đương nhiên phải quan trọng, thả ra là coi như xong."

Nhưng Chu Trạch Khải chỉ khẽ lắc đầu, chẳng rõ cậu đang phủ nhận hay không muốn bàn thêm. Cậu lôi ra một vật dài bọc vải thô xám, hình như là một thanh kiếm.

Diệp Tu có lẽ hiểu lầm ý cậu, biểu cảm trêu giỡn vừa rồi lập tức cứng đờ, hắn thở dài bảo, "Nếu ông ta muốn giết tôi, hà tất phải phái cậu tới?"

"Không phải." Diệp Tu bấy giờ mới biết, thứ Chu Trạch Khải muốn lấy, không phải tính mạng của hắn, "Kiếm này, cho anh."

Sáng sớm mùng bốn tháng mười, nhà lao truyền ra tin tức Diệp Tu bỏ trốn. Giữa trưa, quan phủ xác nhận, hạ lệnh tiếp tục truy bắt, lục soát toàn thành.

"Đại nhân hành xử thế này, sợ là sẽ khó ăn nói... với Đào hàn lâm." Giang Ba Đào vừa thu dọn sách vở, vừa nói với Chu Trạch Khải.

"Không sao." Chu Trạch Khải vẫn viết luôn tay.

Vụ việc Diệp Tu bỏ trốn, nhìn từ bên ngoài, Chu Trạch Khải không hề liên quan. Thời gian bỏ trốn, phương thức bỏ trốn, tất thảy đều được Chu Trạch Khải công khai. Song khi quan phủ dán lệnh truy nã, có hỏi cậu về bức chân dung duy nhất của Chu Trạch Khải, Chu Trạch Khải lại nói mình vô ý làm mất. Chuyện này chắc chắc sẽ truyền đến tai Đào Hiên, không ai không biết Chu Trạch Khải làm việc tỉ mỉ cẩn trọng, nói như thế thật không sao tin nổi.

"Cũng may ổng nghi thì nghi vậy thôi, chứ trong tay ổng không có chứng cứ xác thực." Giang Ba Đào có phần yên bụng thở dài, vô tình liếc nhìn tấu sớ Chu Trạch Khải đang viết, sửng sốt hỏi, "Đại nhân?"

"Tôi sẽ tự gửi." Tấu sớ của Chu Trạch Khải, chữ viết ngay ngắn, không hề vấp váp.

Rời xa hoàng thành, rời xa nơi chốn thị phi, khoảng cách xa xôi giữa cậu và Diệp Tu sẽ xích lại gần.

Mùng mười tháng mười, sau nhiều lần trình lên Thánh thượng, bản tấu cuối cùng cũng được phê chuẩn. Chu Trạch Khải bị điều về làm Tri phủ Luân Hồi, khởi hành ngay hôm đó. khởi hành ngay hôm đó. Cũng như ngày cậu phong hàm Thị lang, cả triều sôi nổi bàn luận, mà Chu Trạch Khải, trước sau không nói một lời.

Hôm ấy, Chu Trạch Khải nhận được một phong thư và một nhành mơ do trang chủ Mai trang ở thành Nam phái người đưa tới.

Lá thư viết về quãng ngày Diệp Tu trải qua từ khi rời nhà, giấu tên, quãng ngày sống cùng gió tanh mưa máu, nét chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, lại dễ dàng nhận ra ý niệm oán trách và cảm thương cho huynh đệ. Bức thư còn viết, nhánh mai kia chỉ nên dùng để tưởng nhớ, lại kèm thêm một bài thơ, lạc khoản có đề hai chữ Diệp Tu.

Giờ Mùi, Chu Trạch Khải giải tán gia nhân trong phủ, mang theo vài rương hành lí và một nhánh mai, bước lên xe ngựa, cỗ xe lao đi thật nhanh.

(4)

Tiếng chiêng tiếng trống rộn ràng ồn ã, hai bên đường cái quan chật ních người. Rải hoa, dọn chỗ, chen lấn, xô đẩy, ai cũng tò mò muốn biết đây là lễ rước nhà nào.

"Chậc chậc, nhà ai thế nhỉ? Người đông thế mạnh như này, có khi so được với lễ đón Chu Tri phủ năm ngoái không chừng!" Tiểu nhị ca vắt mảnh khăn lau bàn lên vai, hỏi to.

"Còn ai trồng khoai đất này! Cháu đích tôn của Phàn lão gia gia đầu ngõ kìa, tân nương là trưởng nữ của Tần viên ngoại." Một người biết chuyện lên tiếng, "Hai nhà lắm tiền lắm của có khác, Vương gia đón dâu cũng chả linh đình vậy đâu!"

"Nghe nói nhà họ Phàn mấy đời buôn may bán đắt, giàu nứt đố đổ vách, hôm nay mới biết lời đồn không sai tị nào. Bọn phàm tục tụi mình sao với nổi!" Cũng có người tới xem náo nhiệt, ngưỡng mộ bình luận vài câu rồi thở dài bỏ đi.

Quán trà ven đường vắng ngắt, trên bàn lại để một chén trà uống dở. Nước trà xanh lục nguội tanh đọng trong lòng chén loang loáng bóng nắng.

Đoàn rước dâu đang tưng bừng dồn bước, bỗng nghe tiếng thét chói tai vọng ra từ cỗ kiệu hoa.

Cả đoàn nhất thời hoảng loạn, bỏ gánh gỡ ách, bàn tán xôn xao, cùng ngoảnh đầu nhìn kiệu hoa.

Dân chúng xung quanh không ai bước lên giúp đỡ. Thứ nhất, người ta là nhà phú quý, lỡ mình làm hỏng cái gì thì vạ vào thân, thứ hai, hai nhà thuê dân giang hồ khiêng kiệu, chứng tỏ ngày thường bọn họ hoành hành ngang ngược, nhân phẩm bại hoại, cũng là báo ứng mà thôi.

Đại tiểu thư nhà họ Tần vẫn ngồi trong kiệu, thị nữ đi bên sắc mặt tái nhợt, bèn vươn tay vén rèm kiệu xem thử. Không xem thì còn đỡ lo, xem rồi lại hoảng, tiểu thư nhà cô không xây không xước, thế nhưng đầu tóc rối bời, khăn đỏ và trâm cài tóc đã mất.

Thị nữ chưa kịp hô hào bắt trộm, chỉ thấy bóng người vụt qua cực nhanh. Khi mọi người tròn mắt nhìn, người kia đã đi chạy được một đoạn xa.

"Hình như là Chu Tri phủ! Công phu tuyệt quá!" Có người đứng trên lầu cao trông rõ, la lên.

"Chu Tri phủ?" Mọi người nháo nhào nghển trông, đáng tiếc đằng xa chỉ có mây trôi chim liệng, không một bóng người.

"Tri phủ tất nhiên phải đi bắt trộm rồi!" Ai đó hoan hỉ trêu đùa.

"Đúng lắm! Chu Tri phủ quả nhiên là một vị quan tốt!" Cả bọn đồng thanh hưởng ứng.

Thực ra, hôm ấy, Chu Trạch Khải chỉ đơn thuần tìm chỗ thưởng trà, tình cờ gặp đám rước dâu, đành ngồi đó chờ đoàn người đi qua.

Khi cậu bưng trà, chợt có bóng người lướt qua như gió. Cậu chưa hiểu mô tê gì, liền nghe tiếng thét vọng ra từ trong kiệu hoa.

Kẻ trộm nếu không cướp người, thì là cướp của.

Chu Trạch Khải móc tiền đặt lên bàn, rồi phi thân đuổi theo.

Đối phương dù chạy rất lẹ, nhưng hình như không quen đường, nên chưa cắt đuôi được Chu Trạch Khải.

Hai người cứ thế chơi trò rượt bắt, băng qua bốn năm nóc nhà, vài ngã tư đường, cậu nghe tiếng cười bay khỏi tường viện, nghe tiếng chim sẻ lích chích.

Người nọ dừng trước một toà phủ đệ, nhún người nhảy vào trong.

Chu Trạch Khải đương đuổi gấp, bỗng thấy người nọ trèo tường, thế là đâm lao đành phải theo lao. Lòng cậu bất chợt nảy sinh một nỗi hoài nghi kì dị mà cậu không sao gọi nổi thành tên.

Tới khi chân chạm đất rồi, cậu mới sáng tỏ.

Đình viện vào đông, cỏ cây héo hắt, khô cằn, bởi có đường mòn trải sỏi đủ màu mới không tới nỗi tiêu điều hiu quạnh. Xa xa, một gốc mơ gầy sã tán, cành lá lưa thưa, một mình một chỗ.

Nếu hỏi tổng quản, tổng quản sẽ đáp, cây này, là Chu Tri phủ mang từ đô thành tới đây.

Nếu hỏi gian nhân, gia nhân sẽ đáp, cây này, là Chu Tri phủ mỗi ngày ra công tưới bón, không để người ngoài đụng tới.

Chu Trạch Khải nhìn người nọ trốn vào viện xong không ló mặt ra nữa, tức thì sáng tỏ.

Thảo nào vừa rồi cậu thấy quái quái, bởi đây chính là viện phủ của cậu.

"Tiểu Chu, đã lâu không gặp."

Người cậu ngày nhớ đêm mong, đi khắp nhân gian rộng lớn, cuối cùng cũng gặp lại nhau.

"Diệp Tu." Chu Trạch Khải khẽ mỉm cười, nét cười phấp phỏng, tựa đứa trẻ vừa tìm về món đồ trân quý nhất, nửa vui sướng khôn cùng, nửa lại sợ mất đi.

"Hỏng hết mơ của anh rồi, em bảo năm sau anh biết ăn gì được đây?" Diệp Tu vuốt nhẹ cành mơ, ra vẻ giận dỗi hỏi cậu.

"Năm sau, sẽ có." Cậu đã hỏi thợ làm vườn mấy lần, đảm bảo gốc mơ có thể ra trái, "Không có, đền anh một vườn."

"Nợ này để sau tính đi," Diệp Tu hiển nhiên không định so đó với Chu Trạch Khải, hắn ghé lại gần, cười nói, "Hôm nay là sinh nhật em, sao em không kêu nhà bếp làm mì trường thọ?"

Sinh nhật năm ngoái trùng với ngày cậu phong quan, trải qua một năm, sự nghiệp yên ổn vững vàng, cậu lại vô tình quên mất. Nghe Diệp Tu hỏi, Chu Trạch Khải xấu hổ cúi thấp đầu.

"Em... Quên."

Diệp Tu khoát tay làm bộ thoái thác, nói, "Nếu em quên rồi thì anh đây không tặng quà nữa nha."

"Không được." Chu Trạch Khải vội phản bác, kiểu gì cậu cũng phải có quà chứ. Thế là cậu túm luôn vụ Diệp Tu cướp đồ hồi nãy vô làm cớ, "Em sẽ thứ tội cho anh."

Diệp Tu đành phải thoả hiệp, dỗ dành bảo, "Được rồi, ở đây có một thứ nè, em có nhận không?"

"Nhận." Chu Trạch Khải xúc động đáp.

Diệp Tu nhẹ cười, chìa thứ đang giấu đằng sau cho Chu Trạch Khải.

Là tấm khăn đỏ hắn mới cướp đi ban nãy.

"Em thích tự mình đội lên, hay là để anh giúp em?"

-End-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com