Chap 2
Sáng thứ hai đầu tuần, sinh viên lại quay trở lại trường học.
Con đường lát đá dẫn từ cổng vào vẫn còn vương lại vài chiếc lá rụng sau cơn gió lớn cuối tuần. Hàng bạch đàn già dọc lối đi thở ra thứ mùi ngai ngái đặc trưng của mùa đông Hà Nội: hơi ẩm, khói sương và mùi đất lạnh.
Từng nhóm sinh viên mặc áo khoác dày, vai đeo bảng vẽ, tay cầm giá gỗ, bước nhanh qua sân trường trong tiết trời lạnh cắt da. Tiếng nói cười vang lên loáng thoáng xen giữa tiếng chuông cũ kỹ vọng từ dãy nhà chính, như một bản nhạc quen thuộc mở đầu tuần mới.
Chí đi một mình, vẫn như mọi khi. Tay đút túi áo, chiếc khăn len xám quấn qua cổ, mắt nhìn về phía trước nhưng đầu lại nghĩ về ngày hôm trước.
Không, là người hôm trước.
Không có dấu hiệu rõ ràng nào, nhưng Chí biết - có ai đó đã ở đó. Đã thấy cậu lúc ngủ. Đã vẽ cậu. Và rồi lặng lẽ rời đi, không để lại một lời.
Bức vẽ vẫn nằm trong ngăn sổ của Chí, được cậu gấp gọn, kẹp vào giữa hai trang giấy dày.
Không hiểu vì sao, Chí chưa kể với ai. Thậm chí đến lúc này, vẫn chưa thật sự biết nên gọi điều đó là gì. Một sự tò mò, một cảm kích, hay là... chút bối rối không tên.
(...)
"Tháng này, trường chúng ta rất vinh dự được chào đón ba bạn sinh viên từ Hong Kong sang nghiên cứu về mỹ thuật ĐD, có thể tham gia một số tiết thực hành. Các em hãy cùng nhau đón tiếp các bạn thật nồng hậu nhé."
Giáo sư vừa giảng xong tiết Lý thuyết về Giải phẫu tạo hình vừa khó vừa khô. Sinh viên ai nấy thở dài, người ngáp, kẻ đã gục xuống bàn như cạn năng lượng. Nhưng khi nghe giáo sư dứt lời, cả lớp liền như gắn cùng một công tắc, đồng bộ hóng hớt.
Cánh cửa lớp mở ra, ba sinh viên ngoại quốc bước vào, hai nam một nữ. Cả ba đều cao nổi bật - cao hơn hẳn mặt bằng chung sinh viên Việt bấy giờ. Trong đó, có một cô gái có vẻ là con lai, với đường nét Tây phương sắc sảo đến lạ. Mắt to, mũi cao, làn da trắng như sứ và mái tóc đen nhánh buộc gọn sau gáy, cô bước đi với khí chất khiến cả lớp gần như nín thở.
Hai chàng trai đi cạnh cô, tuy trầm lặng hơn nhưng lại thu hút không kém. Vóc dáng nam tính, gương mặt thanh tú, đậm chất Á Đông, ánh mắt vừa sáng vừa dịu khiến mấy đứa con gái trong lớp không thể không liếc nhìn.
Cả ba sinh viên nước ngoài lần lượt giới thiệu bằng tiếng Việt. Tuy phát âm còn lạ, nhưng vẫn nghe được.
Cô gái xinh đẹp lai Tây kia tên là Xu Xia Yu (徐夏雨) - như một cơn mưa mùa hạ tươi mát. Hai chàng trai đi cùng: một là Cheng Xi Guang (程熙光), một là Yao Zhen Heng (姚震恒).
Guang đã tranh thủ luyện lại tiếng Việt sau sự lúng túng vào thứ bảy vừa rồi, nên bây giờ đã không quên nữa. Nhưng thực ra cũng chỉ đủ để tự giới thiệu vài câu đã học thuộc lòng. Giao tiếp hàng ngày vẫn cần thông dịch. Khi bước vào các dự án nghiên cứu hoặc học thuật, ắt sẽ có sinh viên Việt Nam biết tiếng Anh hoặc phiên dịch viên được thuê đến hỗ trợ làm cầu nối.
(Sinh viên Việt Nam đâu ai học tiếng Quảng (Hong Kong) hay tiếng Trung. Ở Hồng Kông, dẫu là những năm cuối thế kỷ trước, bảng hiệu trên đường phố cũng đã song ngữ Anh - Hoa, học sinh từ tiểu học đã được dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ chính.
Thế nên, dù không trôi chảy, dù chỉ bập bẹ, tiếng Anh vẫn là cây cầu duy nhất giữa những con người chẳng cùng ngôn ngữ)
Vậy nên cả ba vốn cũng không nhất thiết phải học tiếng Việt làm gì, chỉ cần vài câu sinh tồn cơ bản - như hỏi giá, mua đồ là đủ. Duy chỉ có Xu Xia Yu là hình như biết kha khá. Đúng là vừa xinh đẹp, lại vừa giỏi ngoại ngữ. Biết một chút vẫn là biết - và thế là đã nổi bật hơn hẳn rồi.
Sau phần giới thiệu ngắn gọn của sinh viên ngoại quốc, trong lớp bắt đầu rộ lên những tiếng xì xào khe khẽ. Mấy bạn nữ ghé tai nhau thì thầm, người che miệng cười, người đánh mắt ra hiệu về phía hai anh chàng ngoại quốc. Có người gật đầu lia lịa, có người thì mặt đỏ ửng như thể vừa bị gọi tên lên bảng. Phía các bạn nam thì cũng không chịu kém phần, vài cậu bạn hú lên một tiếng to như để thể hiện... sự "nồng hậu".
Một cô bạn ngồi bàn giữa thấy vậy nhăn mặt, khẽ nhéo cậu bạn bên cạnh - cái người vừa hú to nhất:
"Ê! Mấy ông làm thế mà coi được à? Người ta từ tận bển sang, lỡ người ta đánh giá cả lớp thì sao?"
Anh chàng bị nhéo ré lên, xoa lưng nhăn nhó:
"Ơ hay! Thế còn ai kia thấy ai kia là cười tủm tỉm, mắt sáng như diều hâu gặp mồi thì sao?"
Một cậu bạn khác nhanh mồm tiếp lời:
"Sai rồi! Phải là sư tử gặp mồi mới đúng. Cẩn thận nhé mấy ông, bọn này nó ăn thịt người đấy!"
"NÀY! Nói gì đấy hả?! THÍCH CHẾT À???"
Cả lớp phá lên cười, xen tiếng cãi cọ không chịu thiệt. Guang và Heng không hiểu họ nói gì, nhíu mày ngơ ngác. Riêng Xia Yu nghe hiểu chút chút, khẽ cười ngại ngùng.
Không khí nhộn nhịp hẳn. Có lẽ hiếm khi lớp học môn Lý thuyết khô khan này lại sôi động như thế.
"Thôi được rồi" - Giọng Giáo sư vang lên - "Đến giờ ăn trưa rồi, anh chị nào giỏi tiếng Anh thì dẫn các bạn đi ăn. Chiều nay trống tiết, dẫn các bạn tiện thể thăm trường một chút nhé. Có ai đi được không?"
"Dạ có ạ! Đều được ạ!"
Bấy giờ, sinh viên giỏi tiếng Anh không nhiều, phải nói là còn rất hiếm, nhưng tinh thần hiếu khách thì không thể thiếu được.
Bạn nào giỏi thì không cần nói, trò chuyện rôm rả ngay. Nhưng những bạn tiếng Anh còn bập bẹ cũng nồng nhiệt không kém - vừa cười, vừa lắp ghép từng chữ một, tay chân vung vẩy phụ hoạ như đang vẽ tranh giữa không trung.
Chí cũng chẳng giỏi tiếng Anh. Nói cho đúng, là... cậu rất tệ. Tiếng Anh đúng là nỗi ám ảnh dài dằng dặc. Cậu phải chật vật lắm mới đủ điểm qua môn, chỉ mong đủ để đậu, chưa từng mơ đến chuyện "giao tiếp" hay "nói chuyện với người nước ngoài". Đối với Chí, cậu học Mỹ thuật, cũng không nghĩ đến chuyện cần tiếng Anh làm gì.
Có điều, Chí lại cũng không phải người hướng ngoại, gặp tình huống khó xử như lúc này, bảo cậu múa tay múa chân, body language, cậu thực sự cũng không làm được. Lớp 20 người, không nhiều nhưng cũng không ít, một mình cậu không thể bắt chuyện chắc cũng không sao đâu.
Nhưng Guang nhận ra Chí rồi.
Ánh mắt cậu khẽ hướng về phía cuối dãy bàn - nơi Chí đang ngồi hơi khuất, cố làm mình nhỏ lại như thể hy vọng người ta không để ý. Lần này, ngay chính diện, Guang nhìn rõ Chí hơn.
Chí có vóc người mảnh khảnh, cao khoảng mét bảy - chiều cao hiếm thấy trong lứa sinh viên cùng thời. Gương mặt dài, xương hàm rõ nhưng không gắt, sống mũi thẳng, lông mày đen dài, đôi mắt hạnh to tròn - sâu và đượm, ánh nhìn như thường hay lạc về một nơi rất xa.
Cũng vẫn là hàng mi dài ấy rũ nhẹ xuống, không phải kiểu cong vút dễ khiến người ta khen là "đẹp", mà là dáng mi rũ khiến người ta liên tưởng tới những đêm thức khuya trước khung vẽ.
Môi cậu mím lại, không mỏng nhưng cũng chẳng đầy đặn - có gì đó hơi cứng đầu.
Chí có lẽ không thuộc kiểu nam tính theo nghĩa thông thường: mày rậm hàm vuông, cơ bắp rắn chắc... nhưng cũng không phải kiểu quá là xinh xắn phi giới tính. Gương mặt cậu có chút lặng lẽ, có chút nghiêm nghị, không góc cạnh sắc sảo, nhưng có gì đó khiến người ta nhớ lâu.
Cậu như một nét chì đậm vẽ trên giấy xám, không rực rỡ nhưng bền bỉ.
Guang nhìn cậu một lúc, hỏi bằng tiếng Anh:
"What's your name?"
Chí giật mình. Chàng trai cao lớn, da trắng, đôi mắt thụy phụng đầy vẻ lãnh đạm, đôi lông mày rậm nhíu lại đầy nghi hoặc đang hướng về phía cậu.
Một thoáng như điện giật chạy dọc sống lưng. Chí bất chợt đông cứng người, đôi mắt tròn lên như bị bắt quả tang. Thực ra kẻ ngốc cũng hiểu được mấy câu ấy - hỏi tên, dăm ba câu xã giao kiểu đó, ôn thi cả hơn chục năm, ai mà không biết.
Nhưng cái cảm giác ấy mới là thứ khiến người ta cứng họng. Tưởng chẳng ai để ý, vậy mà đột nhiên, có người quay sang, nhìn thẳng vào mắt, hỏi tên mình - thản nhiên, tử tế, tự nhiên như thế... bất giác cậu không thốt ra được chữ nào.
Chí không nói được. Miệng như dán keo. Lưỡi cứng lại, đầu óc trống rỗng. Cậu không biết phải trả lời bằng tiếng Anh hay tiếng Việt. Không biết có nên mỉm cười hay cúi đầu.
Guang vẫn kiên nhẫn nhìn cậu, ánh mắt chẳng có gì thúc ép.
"Ờ.. ừm... ờ..."
"..."
"Này hỏi tên cậu đấy!" - Một bạn nữ trong lớp nhắc Chí.
"Chào cậu, cậu tên là gì?" - Lần này là Xia Yu, nhẹ nhàng và chậm rãi, hỏi bằng tiếng Việt. Giọng cô mềm như sương sớm, nhẹ đến mức không làm người ta tổn thương dù đang lỡ tay vấp ngã giữa đám đông.
Nghe âm thanh tiếng Việt được nói ra từ giọng nói ngọt ngào ấy, Chí như được giải cứu. Cậu ngẩng lên, gật đầu nhẹ, cố nặn ra một câu tròn chịa:
"...I am ... Chí."
Rồi như sực nhớ ra điều gì, cậu vội nói thêm:
"C H I... CHÍ"
Cậu đánh vần chậm rãi bằng tiếng Anh bập bẽ. Xia Yu liền cười tươi:
"Rất vui được làm quen, Chí"
Tên của Chí phát âm không quá khó, nhưng các bạn người Hồng Kông phát âm nghe hơi giống gần giống "chứ" bật hơi trong tiếng Trung.
Guang khẽ gật đầu vừa ý. Cậu lặp lại cái tên ấy, lần đầu tiên vang lên bằng chất giọng ngoại quốc trầm ấm:
"Chí"
Chí quay đi, giấu vội một hơi thở phả ra giữa trời Hà Nội mát lạnh đầu đông. Tình huống này quá là mất mặt rồi.
(...)
Chiều nay trống tiết, nhưng không cần đoán cũng biết Chí sẽ không tham gia dẫn các bạn sinh viên Hồng Kông đi tham quan. Cậu không bận gì, nhưng lại lặng lẽ lẩn đi, rẽ hướng về ký túc xá. Lẽ ra cậu định tới xưởng vẽ như mọi lần - nơi góc bàn cạnh cửa sổ vẫn hay ngồi - nhưng lại sợ bị bắt gặp nên thôi. Nhỡ đâu lại bị đánh giá là không hiếu khách. Trốn đi vẫn hơn.
Chí thực chất không phải người Hà Nội. Nhà cậu ở một tỉnh xa, đường về mất mấy chặng xe. Vì thế, cậu chọn ở ký túc xá trong trường. Mỗi năm chỉ về vài lần, chủ yếu vào những dịp lễ lớn.
Chí đam mê hội hoạ từ nhỏ - cái loại đam mê tự nhiên như hơi thở, không cần ai dạy, không cần ai bảo. Cậu cầm bút chì là vẽ, vẽ bất cứ thứ gì thấy đẹp, vẽ bằng trí nhớ, bằng tưởng tượng. Những bức tranh cậu vẽ, ai nhìn cũng trầm trồ. Đam mê là một chuyện, Chí thực sự là có tài.
Nhưng bố cậu không ủng hộ cậu trong việc này. Ông là người cứng nhắc, luôn cho rằng con trai thì phải học kỹ thuật mới có tương lai. Hội họa - với ông - là thứ chỉ dành cho con gái hoặc những kẻ mộng mơ không thực tế. Đã thấy họa sĩ nào mà giàu lên nổi chưa?
Rất nhiều lần, những bức tranh cậu vẽ đều bị ông đem đốt hết, hoạ cũ cũng vứt vào đốt cùng. Nhìn ước mơ của mình vụn vỡ ngay trước mắt, cậu bé năm ấy đã trốn trong phòng khóc rất lâu. Nước mắt rơi trên những bức tranh đã bị cháy xém gần hết.
Cũng vì điều đó mà cậu từng cãi nhau rất nhiều với bố, có những tháng ngày trong nhà chẳng ai nói với ai câu nào.
Cậu lén ba thi Mỹ thuật. Sau này, khi đỗ vào trường Mỹ thuật ở Hà Nội, cậu biết mình vừa thắng vừa thua. Đúng là học Mỹ thuật, cuộc sống sau này có thể sẽ gian truân, nhưng nếu điều đó khiến con mình hạnh phúc, không ủng hộ, tại sao phải chà đạp nó? Hạnh phúc của con không thể là niềm tự hào của bố mẹ hay sao?
Cậu bị bố tức đến đỏ mặt, nhốt vào phòng không cho đi học. May mắn mẹ cậu thương cậu, tìm cách cho con trai trốn đi. Lúc ấy thực sự cũng không dễ dàng gì.
Suốt năm nhất đại học, bố từ mặt, cậu cũng không dám về nhà. Vài lần chỉ lén về chút, rồi ngay lập tức rời đi khi bố vắng nhà. Cậu có mua chút quà cho bố nhưng không biết ông có nhận nó không.
Gia đình Chí, so với Hà Nội thì không thể gọi là khá giả, nhưng ở tỉnh nhà, không phải nghèo khó. Dù vậy, trong tình cảnh đó, không được ủng hộ, giữa lòng thủ đô, cậu vẫn phải tự bươn chải từng đồng học phí, tiền trọ, bữa ăn. Mẹ cậu lén đưa tiền, nhưng khó mà nhận được - nếu để bố biết, thể nào cũng lớn chuyện.
Năm hai đại học, bố không ngăn cấm kịch liệt như trước nữa, nhưng để mặc. Muốn cậu tự cảm thấy khổ sở mà từ bỏ thứ "nghệ thuật phù phiếm" kia, quay về nhà, học Kỹ thuật theo ý ông.
Có lẽ vì thế mà cậu trầm tính hơn bạn bè, và ánh mắt cậu - dù đang cười - vẫn thường như phủ một lớp sương mỏng man mác. Một nỗi buồn không thể gọi tên, nhưng ở mãi trong đáy mắt.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com