Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 13: Chiến thắng Vân Đồn

Hôm đó, ngay sau khi chia tay vị tướng già để ông lên đường lui về Vạn Kiếp, Trí Thắng cũng vội vàng về trại thu xếp hành lý để gấp rút đưa các bè cọc gỗ ra biển cất giấu. Đoán rằng tiền quân của bọn giặc kia có thể đã đến được cửa Nam Triệu nên để đảm bảo an toàn và bí mật, Trí Thắng đích thân dẫn hai chục chiến thuyền và hai ngàn lính đi trước dò đường. Lý Văn Nhạ cùng một chục chiếc thuyền và một ngàn lính còn lại thì có nhiệm vụ lai dắt các bè gỗ đi ngay đằng sau.

Đúng như Trí Thắng nhận định, khi đoàn thuyền ra đến cửa Nam Triệu thì đã thấy một đoàn chiến thuyền khoảng ba bốn chục chiếc đang lởn vởn bên ngoài có vẻ như còn đang dò la trước khi tiến vào. Trí Thắng đã tính toán hết từ trước, trong trường hợp có nhiều thuyền giặc thì phải quay trở lại còn nếu có ít thuyền thì sẽ phải đuổi đánh chúng đi để các bè thoát hẳn ra biển. Nay thấy giặc chỉ có ba, bốn chục chiếc thuyền nhỏ thì thúc quân đuổi theo.

Đám thuyền kia thấy hai chục chiến thuyền của Đại Việt đang lao tới thì nháo nhào bỏ chạy về phía cửa Lục. Trí Thắng thúc quân đuổi miết để cố tình đuổi chúng đi thật xa. Khi đuổi gần tới đám thuyền kia, Trí Thắng chợt giật mình vì thấy lẫn trong đám thuyền mang cờ hiệu quân Hồ có cả mấy chiếc lại cắm cờ hiệu của Đại Việt. Trí Thắng đoán chắc mấy thuyền cắm cờ hiệu Đại Việt kia là của một cánh quân nào đó mới bị giặc bắt được nên càng cố sức đuổi theo. Đến gần hơn thì thấy các lính chèo thuyền trên các thuyền kia cũng đang ra sức chèo miết như cố tình chạy trốn. Trí Thắng rất ngạc nhiên song không dám đuổi theo nữa vì sợ bị trúng kế gì đó, anh cho các thuyền của mình quay lại.

Lý Văn Nhạ lợi dụng lúc Trí Thắng đuổi theo các thuyền giặc thì đã đưa hết được các bè gỗ ra đến ngoài biển. Viên đô tướng chỉ để lại một thuyền chờ để báo cho Trí Thắng biết. Trí Thắng sợ các thuyền của giặc sẽ quay lại để bám theo nên không vội đi ngay, anh chờ cho đến khi các thuyền của chúng mất hút phía cửa Lục thì mới hạ lệnh cho thuyền đi theo hướng các thuyền của Lý Văn Nhạ.

*

*     *

Trần Khánh Dư từ hôm bị thua trận để mất Vân Đồn thì trong lòng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng buồn bực, ăn không ngon, ngủ không yên, suốt ngày chỉ bần thần suy nghĩ. Hôm đó, Khánh Dư đang ngồi một mình nghĩ ngợi thì có lính vào bẩm báo là có một tướng của Tiết chế dẫn theo ba mươi chiến thuyền cùng ba ngàn lính thủy đã đến nơi hiện đang cất giấu cọc gỗ ở trong vịnh. Khánh Dư vội mặc quần áo để ra đón xem Quốc công cử tướng nào đến giúp. Đến nơi, Khánh Dư sai người cho gọi tướng của Quốc công cử tới lên bến tiếp chuyện. Một lúc sau thấy có một người trẻ tuổi lạ hoắc bước đến gần cúi chào nói:

-        Dạ! Con là Trí Thắng… xin có lời chào Đức vương!

Khánh Dư ậm ừ cho qua rồi hỏi:

-        Ừ… thế tướng của các ngươi đâu rồi?

Trí Thắng ngẩn người ra, anh cảm thấy hơi xấu hổ, mặt mũi đỏ bừng lên. Song anh vội trấn tĩnh lại và bình tĩnh trả lời:

-        Thưa Đức vương! Con là Trí Thắng, được Tiết chế cử tới đây hỗ trợ cho Đức vương cướp đoàn thuyền lương của giặc.

-        Anh… - Trần Khánh Dư ngớ người ra vì ngạc nhiên - Anh là tướng… đến hỗ trợ ta….

-        Vâng! Chính là con đây ạ!

-        Tiết chế ơi là Tiết chế… ngài…

Khánh Dư tỏ vẻ thất vọng, ông đang định nói là ngài giúp tôi như thế này thì bằng giết tôi rồi! Song chưa kịp nói hết câu thì tên lính dẫn đường cho Trí Thắng cũng vừa đi tới, nhìn nét mặt của Nhân Huệ vương hắn đã kịp hiểu ngay ra ý tứ bèn kéo tay Khánh Dư rồi ghé tai nói nhỏ:

-        Xin Đức ông bình tĩnh - Tên lính đưa mắt nhìn sang Trí Thắng - Người này tuy trẻ tuổi nhưng chắc không phải vừa đâu… anh ta vừa được Tiết chế ban cho thanh Trấn bắc bảo kiếm trước mặt ba quân tướng sĩ đó.

Khánh Dư nghe thấy tên lính nói vậy vội liếc nhìn xuống thanh kiếm mà Trí Thắng đang đeo bên mình, tuy không được nhìn thanh kiếm nhưng ông nhận ra chuôi và vỏ kiếm đúng là của thanh Trấn bắc nổi tiếng mà mình đã có lần được xem ở phủ Quốc công. Nhân Huệ vương gật gù rồi đổi ngay nét mặt:

-        Ta xin lỗi vì ban nãy…

-        Dạ, không có gì… chẳng qua cũng do con còn ít tuổi quá…

Khánh Dư ngắt lời:

-        Thôi mời tướng quân lên trại ngay… chúng ta cùng bàn việc.

-        Vâng! Mời Đức vương.

Hai người cùng rảo bước về trại, Khánh Dư vừa đi vừa nói chuyện hỏi han tên tuổi, quê quán của Trí Thắng. Khi vào đến trại, Trí Thắng rút trong người ra một phong thư hai tay đưa lên Trần Khách Dư nói:

-        Thưa Đức vương! Tiết chế có gửi thư cho Đức vương đây ạ.

-        Để ta xem! - Khánh Dư tay nhận thư, tay chỉ vào một chiếc ghế bên tả - Mời tướng quân ngồi!

Khánh Dư vội giở ngay thư ra đọc, thư viết:

Gửi: Nhân Huệ vương, Trần Khánh Dư!

Nghe tin hiền đệ để thất thủ Vân Đồn tôi cũng lấy làm buồn bực. Song xét lại gốc rễ thì thấy lỗi không phải hoàn toàn là do hiền đệ mà chẳng qua chỉ vì lũ giặc Hồ kia quá đông và có nhiều thuyền lớn.

Nay tôi được biết hiền đệ đã có chủ ý đánh chiếm đoàn thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ, tôi thấy đó là việc nên làm vừa là để lập công đáo tội vừa làm cho bọn giặc kia bị suy yếu đi. Đây là một việc khó nên tôi cho một tướng trẻ của mình là Vũ Trí Thắng cùng ba chục chiến thuyền và ba ngàn thủy binh tinh nhuệ tới để giúp hiền đệ.

Xin hiền đệ lưu ý: Việc để thất thủ Vân Đồn là rất nghiêm trọng, nếu tin về đến triều đình thì tôi tin Thượng hoàng chắc chắn sẽ sai người đến bắt hiền đệ về kinh trị tội. Vậy nên khi có người từ triều đình tới đòi thì hiền đệ cứ liệu kế “tướng tại trận tiền bất tuân quân lệnh” để mà hoãn lại. Chớ có vội vàng vâng lệnh mà để lỡ mất đại sự.

Mấy lời tâm sự, mong hiền đệ lưu ý cho

                   Kính thư:

Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn

           Khánh Dư bần thần cả người ra mất một lúc sau khi đọc thư của Quốc Tuấn. Đúng là mấy ngày qua ông đã bị mất ăn mất ngủ cũng chỉ vì việc này, lúc nào cũng chỉ lo sợ có người từ triều đình đến gọi ông về kinh để Thượng hoàng trị tội. Mà một khi đã về kinh thì mạng sống của ông khó mà toàn được vì cái tội để thất thủ Vân Đồn kia có thể nói là trọng tội… Ông cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc chống lệnh của triều đình… nay Quốc Tuấn không những đã giúp ông cả chiến thuyền và quân tướng mà lại còn bày ra cho ông kế “tướng tại trận tiền bất tuân quân lệnh” kia thực đúng là cứu mạng cho ông thêm một lần nữa…

Trí Thắng thấy Khánh Dư ngửa người ra sau ghế mắt lim dim không nói năng gì trong một lúc lâu như vậy tưởng ông bị làm sao nên hoảng hốt gọi:

-        Nhân Huệ vương…! Ngài làm sao thế…? Có chuyện gì vậy…?

Khánh Dư nghe gọi mới tỉnh ra mà nhỏm người ngồi dậy:

-        Ta không sao…! Cảm ơn Tiết chế…! Như vậy là ngài lại cứu mạng cho Khánh Dư này thêm một lần nữa rồi!

Quay sang Trí Thắng, Khánh Dư nói:

-        Việc này quả thực rất cấp bách! Nay có thêm tướng quân đến giúp thì đại sự chắc sẽ thành… chúng ta bàn việc ngay nhé!

-        Vâng! Con đến đây còn lạ nước lạ cái, chưa nắm rõ tình hình… mọi việc xin Đức vương cứ cắt đặt cho.

-        Ta đã có chủ định làm việc này nên đã cho người đi dò la khá kỹ càng…! Hiện nay Ô Mã Nhi chỉ cắt đặt lại một số quân để đóng giữ Vân Đồn nhằm đề phòng quân ta tái chiếm. Bọn này chắc đang chờ đoàn thuyền lương đi qua rồi mới đi theo… Đoàn thuyền lương đi sau kia gồm khoảng hơn hai trăm chiếc chở lương thực và gần một trăm chiến thuyền đi theo áp tải. Nội trong dăm hôm nữa bọn này sẽ đến được Vân Đồn.

Trí Thắng đưa ra nhận xét:

-        Nếu Đức vương mà để chúng tới được Vân Đồn thì chúng ta sẽ không thể làm gì được chúng nữa!

-        Đúng thế…! Vậy nên chúng ta phải chặn đánh ngay trước khi chúng đến được Vân Đồn… - Khánh Dư quay sang chăm chú nhìn Trí Thắng hỏi - Này… ta nghe nói thủy quân của tướng quân có thể lặn sâu được dưới nước cả mấy canh giờ có phải vậy không?

Trí Thắng không nín được phải bật cười khi nghe thấy Khánh Dư hỏi vậy, anh hỏi lại Khánh Dư:

-        Đức vương hỏi thật hay là có ý đùa ghẹo con vậy?

-        Ta hỏi thật mà… vì ta có nghe thấy binh sĩ đồn đại là quân thủy của Tiết chế có thể ngủ được cả đêm ở dưới đáy sông.

-        Ngài bị họ lừa rồi, chúng con cũng chỉ là những con người bình thường bằng xương, bằng thịt chứ có phải là thần thánh gì đâu mà có tài được như thế chứ!

-        Vậy mà ta vẫn bán tín bán nghi đấy!

-        Chúng con không có được tài như vậy nhưng chúng con có thể ngậm ống sậy để thở mà làm việc được dưới nước chừng một vài canh giờ. Đám lính thủy mà con đưa tới đây để giúp Đức vương… ai cũng đều có thể làm được như vậy cả.

-        Ồ… thế thì hay quá! - Khánh Dư tỏ ra phấn khích nói - Phen này thì Trương Văn Hổ có mà chạy đằng trời!

Trí Thắng vẫn chưa biết mình sẽ phải làm gì thì vội hỏi:

-        Vậy bây giờ kế hoạch của Đức vương ra sao… Có gì xin giao việc luôn để chúng con còn lo chuẩn bị cho kịp!

-        Phải rồi…! - Khánh Dư quay trở lại với công việc trước mắt - Không thể chậm hơn được nữa! Thôi đành phải nhờ người của tướng quân chịu mưa chịu rét cho mấy đêm vậy! Ta đã suy tính kỹ rồi! Bọn chúng có thuyền chiến rất to và chắc chắn, nếu ta cứ dùng thủy binh đánh trực diện thì chỉ có nước thua sớm. Muốn chắc thắng được thì chúng ta phải dùng bằng cách khác.

-        Đức vương nói chí phải…! Chẳng hay Đức vương định…?

-        Người của tướng quân sẽ dùng các thuyền nhỏ chèo đến gần đoàn thuyền lương kia rồi rời bỏ thuyền mà bơi bộ đến sát các thuyền chiến. Sau đó bọn họ sẽ phải lặn xuống nước và đục cho mỗi thuyền thủng đi một vài lỗ... Chỉ cần tướng quân xử lý được một nửa trong số gần trăm chiếc thuyền chiến kia thì số còn lại thủy quân của ta mới có thể làm thịt nốt được.

-        Việc này cũng khó đấy…! - Trí Thắng ngẫm nghĩ - Chúng con quả thực chưa làm việc này bao giờ cả…!

-        Tướng quân thử nghĩ cách xem…! Nếu không làm như vậy thì khó mà có thể cướp được đoàn thuyền lương này…! Người của tướng quân đã lặn được lâu như thế thì…

-        Thì con mới bảo là khó chứ có phải bảo là không không làm được đâu…?

-        Tức là tướng quân đã có cách rồi đúng không…? Phải thế chứ…!

-        Xin Đức vương cấp cho chúng con hai thùng nước mắm và một chục bộ rùi đục của thợ mộc…. Chúng con sẽ phải thử xem sao đã!

-        Nước mắm…? - Khánh Dư ngạc nhiên hỏi lại - Tướng quân định dùng nước mắm để làm gì?

Trí Thắng nhẹ nhàng giải thích:

-        Nước mắm sẽ giúp cho chúng con sống được ở dưới nước trong thời tiết mùa đông giá rét như thế này!

-        À ra vậy…! Nghề của tướng quân cũng lắm bí quyết nhỉ! 

-        Còn nữa, xin Đức vương cho con mượn một chiếc thuyền để đục thử xem phải mất thời gian bao lâu mới có thể hạ chìm được nó? Vì thời gian rất gấp nên con muốn cho quân sĩ làm thử ngay bây giờ.

-        Ta sẽ cho người đi lo ngay việc này!

Khánh Dư cho gọi người vào sai đi chuẩn bị tất cả những thứ mà Trí Thắng vừa yêu cầu rồi quay lại bảo:

-        Chỉ một lát nữa mời tướng quân ra bến nước trước trại, mọi thứ sẽ có đủ ở đó!

-        Vâng! Vậy con xin phép ra ngoài để chọn người làm và dặn dò chúng trước khi hành sự.

-        Được! Ta cũng ra bến nước đây!

*

*     *

Ngoài bến nước trước cửa trại, một con thuyền cũ khá lớn đã được kéo đến. Mấy chục lính đang hò nhau chuyển đất đá từ các thuyền nhỏ lên trên thuyền lớn để cho thuyền có độ nặng giống tựa như thuyền đang được chở đủ người trên đó. Trí Thắng đang đứng dặn dò tỉ mỉ cho đám lính thủy của mình biết nội dung những công việc sẽ phải làm. Mấy người lính ai nấy đều to khỏe tựa như con trâu mộng! Đúng là nếu không khỏe thì không thể làm những việc như thế này được! Trong lúc chờ xếp đủ đất đá xuống thuyền, mấy người lính chia nhau mỗi người uống đủ một bát nước mắm. Mước mắm mặn chát là thế, vậy mà ai ai cũng uống ừng ực tựa như đang uống nước lã vậy. Sau đó mỗi người lính lại lấy ra một ống tre nhỏ buộc vào một đầu ống cây sậy để làm phao. Khi chiếc thuyền lớn đã được xếp đủ số đất đá như dự kiến, Trí Thắng khẽ ra hiệu, mấy người lính vội cởi bỏ quần áo, với tay cầm lấy một cây sậy dài chừng năm thước và bộ dùi đục nhảy tùm luôn xuống nước.

Đám lính thủy bơi ra sát chỗ chiếc thuyền, tỏa ra mỗi người một vị trí rồi ngậm mồm vào một đầu cây sậy và lặn xuống. Cây sậy chìm dần xuống đến cữ phao tre thì dừng lại, lúc này trên mặt nước chỉ còn thấy những phao tre và đầu ống sậy nhấp nhô lên xuống rập rờn theo từng con sóng. Tất cả mọi người có mặt trên bờ đều chăm chú nhìn theo các đầu ống sậy. Ai nấy đều hồi hộp, nín thở theo dõi nhất cử nhất động xem họ sẽ làm như thế nào… Chừng một lúc lâu trôi qua mà chiếc thuyền vẫn đứng trơ ra không có một chút biến động gì. Khánh Dư tỏ vẻ sốt ruột hỏi với lên mấy tên lính đang đứng ở trên thuyền:

-        Các người nhìn kỹ xem đã thấy có lỗ thủng nào chưa?

Bọn lính đưa mắt nhìn xuống kiểm tra lại một lượt rồi đáp:

-        Dạ! Thưa Đức vương vẫn chưa thấy gì ạ!

-        Liệu có đục được không biết? - Khánh Dư quay sang hỏi Trí Thắng lúc này cũng đang bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột. Trí Thắng không trả lời mà nói:

-        Con phải xuống tận nơi để xem mới được…!

Nói chưa dứt lời thì anh đã cởi phăng quần áo ra rồi vớ lấy một cây sậy mà nhảy tùm xuống nước. Thoắt một cái, cũng chỉ còn thấy một đầu ống sậy cùng với cái phao tre dập dềnh di chuyển trên mặt nước hết chỗ này đến chỗ khác. Chừng một lúc sau thì Trí Thắng cùng tất cả đám thợ đều ngoi hết lên mặt nước và bơi vào bờ. Khánh Dư bước tới sát mép nước, ông vừa đưa tay đỡ Trí Thắng leo lên bờ vừa hỏi gấp:

-        Sao vậy…? Không đục được à?

-        Không thể được! - Trí Thắng lắc đầu - Ở dưới đó bị nước cản lên không có lực để mà gõ búa… Cố lắm cũng chỉ như gãi ghẻ thôi không thể đục được đâu…!

Khánh Dư đưa áo cho Trí Thắng mặc vào cho khỏi rét rồi lại giục:

-        Vậy tướng quân mau suy nghĩ tìm ra cách khác đi!

-        Vâng…! Nhưng xin Đức vương hãy lui cho một chút thời gian để con còn suy tính đã.

-        Đành vậy! - Khánh Dư buồn bã nói - Nhưng xin tướng quân lưu ý cho là… việc này hết sức gấp gáp.

-        Vâng! Con cũng biết điều đó… Đức vương! Con nghĩ ra rồi!

-        Sao…! - Khánh Dư tươi tỉnh hẳn nét mặt - Nhanh… nhanh vậy à?

-        Con nghĩ hay là ta thử dùng khoan đi…! Loại khoan của thợ mộc ấy. Đám lính kia sẽ không phải đục mà chỉ mất công kéo đi kéo lại thì chắc là sẽ được.

-        Tướng quân quả là một người thông minh! Ta cũng nghĩ cứ theo cách này chắc chắn là sẽ làm được.

-        Vậy Đức vương xem có sẵn khoan ở đây thì cho con mượn một cái đi?

-        Đám lính sửa thuyền chắc có, để ta sai người mang đến.

*

*        *

Trong lúc chờ người đi lấy khoan, Trí Thắng quay lại với đám lính của mình. Sau khi nghe nói sẽ sử dụng đến khoan gỗ, mọi người ai nấy đều có vẻ tươi tỉnh và phấn chấn hẳn lên. Khi chiếc khoan được mang tới, hai người lính đứng dậy nhận khoan rồi cùng lặn xuống nước.

Khi đã ở dưới nước, hai người lính bơi đến vị trí ở giữa hông thuyền rồi đưa tay ra hiệu cho nhau để bắt đầu công việc. Một người cầm khoan cố đẩy để mũi khoan tì vào thân thuyền, còn người kia cầm tay kéo cứ đưa đi đưa lại… Chừng vài chục nhịp cưa kéo thì mũi khoan đã xuyên thủng thân thuyền. Người cầm khoan rút mũi khoan ra, dòng nước chảy vọt vào trong lòng thuyền. Hai người ra hiệu cho nhau di chuyển ra vị trí khác và tiếp tục khoan.    

Cũng trong lúc đó, mấy tên lính đang ngồi trên thuyền giật mình nghe tiếng nước chảy, chúng nhìn xuống thấy một dòng nước đang phọt mạnh từ bên này sang tận bên kia lòng thuyền, chúng vội hét toáng lên:

-        Thủng r…ô…ì…! Thủng r…ô…ì…!

Mọi người trên bờ vỗ tay hò reo tưng bừng như là vừa đánh thắng một trận lớn. Trí Thắng chạy đến chỗ Khánh Dư nói lớn:

-        Thành công rồi Đức vương ơi!

-        Hay quá! Hay quá…!

-        Thủng tiếp một lỗ nữa rồi… hoan hô! - Mấy tên lính trên thuyền lại reo lên.

Chiếc thuyền bị nước tràn vào đang từ từ ngập dần lại bị thêm mấy lỗ thủng nữa nên chẳng mấy chốc đã bị lật nghiêng rồi từ từ chìm xuống. Mấy tên lính đang còn mải hò reo trên thuyền vội hốt hoảng nhảy tùm xuống nước bơi vào bờ trước những tràng cười không ngớt của những người đứng trên bờ. Mọi người đứng nhìn chiếc thuyền đang chìm dần đến khi nó chìm hẳn và biến mất khỏi mặt nước.

Để lại đám lính đang phấn khích ở lại, hai vị tướng nháy nhau về trại để nói chuyện. Vừa đi, hai người vừa tranh thủ trao đổi với nhau:

-        Tướng quân phải gọi là kỳ tướng mới phải! - Khánh Dư tỏ vẻ khâm phục viên tướng trẻ mà ban đầu ông đã không tin tưởng lắm - Giá như trận vừa rồi ta có tướng quân ở đây thì chắc không đến nỗi bị thất thủ Vân Đồn như thế...

-        Đức vương quá khen con rồi…! - Trí Thắng chỉ nghĩ đến công việc - Việc làm thử coi như đã thành công, bây giờ chúng ta phải bàn sang cách đánh đi…! Con thấy nếu có được những chiếc khoan to hơn thì tốt vì lỗ thủng to thì thuyền sẽ nhanh bị chìm hơn.

-        Đây là khoan của bộ phận thợ mộc chuyên dùng để sửa chữa thuyền… Nếu tướng quân cần thì có thể gia công gấp một vài chiếc để chuyên dùng cho việc này! Chẳng hay tướng quân cần bao nhiêu chiếc để ta cho người làm gấp?

-        Việc lặn ở biển khó hơn rất nhiều so với lặn ở sông vì có sóng to đưa đẩy… vậy nên trong ba ngàn quân kia cũng chỉ có chừng bốn chục người là có thể đảm đương được việc này. Vậy phiền Đức vương cứ chế cho hơn hai chục cái là đủ! Nhưng con muốn có chúng trước giờ Tuất tối hôm nay…

Vừa lúc về đến cửa trại, Khánh Dư đưa tay mời Trí Thắng bước vào bên trong, khi cả hai đã ngồi xuống ghế, Khánh Dư mới quay qua hỏi:

-        Sao tướng quân phải cần gấp như vậy…? Khoảng ba đến bốn hôm nữa ta mới đánh trận mà?

Trí Thắng giải thích:

-        Đức vương biết rồi đấy! Đánh theo kiểu này bắt buộc ta phải đánh vào đêm tối để bọn giặc bất ngờ và cái chính là không bị phát hiện ra đầu ống sậy... Vậy nên con muốn cho người của con được tập luyện kỹ càng trước khi lâm trận… Chúng con chỉ còn có hai đêm để mà luyện tập.

-        Phải … phải… - Khánh Dư gật đầu đồng tình - chứ như vừa rồi là ban ngày thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều nhỉ…! Được rồi, vậy ta sẽ giao cho người đi làm ngay, trước giờ Tuất tối nay sẽ có người mang tới tận nơi cho tướng quân.

-        Cám ơn Đức vương…! Thế còn kế hoạch xuất quân thế nào xin Đức vương cho biết để con còn chuẩn bị?

Khánh Dư nhẩm tính một lúc rồi mới nói:

-        Do phải giữ bí mật để không cho bọn giặc ở Vân Đồn biết nên ta định đêm ngày kia sẽ xuất quân vượt qua Vân Đồn… Sau đó ta sẽ tiếp cận và bám sát theo đoàn thuyền lương rồi chờ đến khi đêm xuống, bọn giặc đã ngủ say thì người của tướng quân sẽ đục thủng một số thuyền chiến trước. Khi các thuyền chiến bị đắm, quân giặc bắt đầu hoảng loạn thì ta sẽ dẫn thủy quân tấn công vào số thuyền còn lại rồi quay sang cướp đoàn thuyền lương…

-        Vậy con có phải đục hết số thuyền chiến không…? Tức là khi Đức vương đã đánh rồi thì con có phải tiếp tục đục thuyền nữa hay không?

-        À…! Không cần nữa! Lúc đó ở lại thì rất nguy hiểm. Ta sẽ tự xử lý nốt số còn lại… Đảm bảo là khi bị chìm mất một nửa số thuyền chiến thì bọn Trương Văn Hổ cũng đã sợ vỡ mật mà tháo chạy rồi làm gì còn nghĩ đến việc bảo vệ đoàn thuyền lương nữa!

Trí Thắng phân vân hỏi tiếp:

-        Nhưng làm sao có thể phân biệt được giữa thuyền chở lương và thuyền chiến?

-        Rất đơn giản…! Người của ta đã nắm bắt rất rõ qui luật hoạt động của chúng, ban ngày thì thuyền lương đi ở giữa, các thuyền chiến chia nhau đi áp tải ở hai bên. Còn ban đêm thì các thuyền lương được neo tập trung ở giữa, các thuyền chiến neo đậu xung quanh để bảo vệ.

-        Con rõ cả rồi…! Vậy xin phép Đức vương cho con về luyện tập quân sĩ.

-        Được! Tướng quân cứ về đi!

Khánh Dư đứng dậy tiễn Trí Thắng ra cửa rồi dặn thêm:

-        Mong tướng quân cố hết sức cho...

-        Xin Đức vương cứ yên tâm! Con sẽ cố gắng…!

Khánh Dư đang chuẩn bị quay vào thì có tên lính chạy đến báo:

-        Bẩm Đức vương có quan Trung sứ từ triều đình tìm tới.

-        Vậy à…! - Khánh Dư mỉm cười, điều ông chờ đợi mãi cuối cùng cũng đã tới, ông khẽ lẩm bẩm - Ta trốn ở nơi hoang đảo này mà ông ta cũng tìm đến được thì kể cũng giỏi!

Tên lính nghe không ra tưởng Khánh Dư nói gì với mình nên hỏi lại:

-        Đức vương… bảo gì ạ?

-        Đấy là sứ giả của Thượng hoàng đến bắt ta về triều trị tội đây mà…! Được, mau cho mời ông ta vào ngay đi!

Quan Trung sứ cầm theo một tờ chiếu chỉ trên tay, vừa bước đến cửa đã hô lớn:

-        Thượng hoàng có chỉ cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư!

Khánh Dư quỳ vội xuống:

-        Thần… Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư tiếp chỉ!

Viên Trung sứ liếc nhìn Khánh Dư rồi cất giọng đọc sang sảng. Khánh Dư chăm chú lắng nghe. Sau khi đọc xong, quan Trung sứ khẽ gấp tờ chiếu lại rồi đưa cho Khánh Dư và nói:

-        Nhận huệ vương nghe rõ rồi đấy…! Tôi cũng chỉ là người đi thừa hành lệnh của Thượng hoàng thôi… Xin Nhân Huệ vương thu xếp để hồi kinh ngay cho!

Khánh Dư đã suy nghĩ từ trước nên đáp ngay:

-        Lệnh của Thượng hoàng đòi về tôi đâu dám cãi! Nhưng xin quan Trung sứ hãy thư lại cho tôi mấy buổi có được không?

-        Ấy chết…! Nhân Huệ vương là người ở trong hoàng tộc mà sao lại có thể nói ra những lời như vậy…? Ngài có biết là làm như vậy là chống lại lệnh của Thượng hoàng đó không…? Như vậy không phải là tội lại chồng lên tội hay sao…?

Khánh Dư bị quan Trung sứ hỏi dồn cho một chập như vậy thì biết là cũng rất khó để mà thuyết phục được ông ta. Song theo lời Quốc Tuấn căn dặn, ông nhìn thẳng vào mặt viên quan Trung sứ nói:

-        Một tội cũng đáng tội chết rồi, thêm một tội nữa thì cũng vẫn chỉ là chết mà thôi... nhưng trước khi chết tôi muốn làm cho xong một việc lớn kia đã…!

Quan Trung sứ tỏ vẻ bất ngờ trước những lời nói bất cần của Khánh Dư, song vì nhiệm vụ của mình ông nói:

-        Nhân huệ vương không nên nói như vậy… Việc lớn gì thì cũng phải gác lại để cùng tôi về kinh trước đã!

-        Xin quan Trung sứ hiểu cho, việc này chỉ có thể làm trong mấy hôm nữa chứ không thể để lại sau làm mà được. Xin hãy để tôi nói rõ việc này ra đã?

Quan Trung sứ lúc này bắt đầu tỏ vẻ quan tâm tới việc mà Khánh Dư nhắc tới:

-        Vậy thì Nhân Huệ vương nói ra thử xem là việc gì đã rồi hãy quyết?

Khánh Dư bắt đầu kể cho quan Trung sứ nghe về ý định táo bạo của mình, ông còn kể cả những việc mà mình đã mất công chuẩn bị ra sao. Cuối cùng ông nói:

-        Vậy đấy! Bây giờ tôi chỉ còn có mấy ngày nữa là xuất quân đi đánh chiếm đoàn thuyền lương kia… Xin quan Trung sứ vì việc chung mà lờ đi cho tôi thư lại mấy bữa?

Quan Trung sứ gật gù, ông ta cũng là người thông minh nên nhanh chóng hiểu được vấn đề. Tuy nhiên quan Trung sứ vẫn phải phân vân suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định. Ông nghĩ nếu Khánh Dư thành công thì sẽ không sao, Khánh Dư có thể được tha tội chết, ta cũng có chút công lao trong đó. Song nếu chẳng may sự việc không thành thì ta tự nhiên mắc vào trọng tội… Nhưng qua nghe cách nói và nhìn vào ánh mắt của Khánh Dư, ta hiểu là ông ta đã có chủ ý và quyết phải làm như vậy… Ông ta đã chuẩn bị mọi thứ gần như đầy đủ chỉ còn chờ ngày lên đường thì tất không thể chịu từ bỏ ngay để theo ta về kinh... Nếu ta cứ khăng khăng bắt ông ta phải về kinh ngay thì chắc cũng không thể nào ép buộc được… Thôi thì cứ phải lùi lại cho ông ta mấy ngày… chỉ hy vọng là ông ta sẽ thành công thôi. Quan Trung sứ nghĩ xong thì nói:

-        Nhân Huệ vương đã nói như vậy thì tôi cũng đành liều chết mà phải nghe theo thôi chứ biết làm gì được nữa?

Khánh Dư cười nói:

-        Cám ơn quan Trung sứ! Nhưng Khánh Dư tôi không thể để ông phải bị mắc tội theo đâu…! Để đề phòng đại sự bất thành… xin quan Trung sứ chịu khó ở tạm trong này cho mấy hôm vậy!

Viên quan Trung sứ tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

-        Nhân Huệ vương nói vậy là có ý gì?

-        Thì… cứ coi như là tôi bắt ép quan Trung sứ đi…!

-        À… không cần phải làm thế… tôi tin tưởng vào Nhân Huệ vương…

-        Không được - Khánh Dư cướp lời - xin quan Trung sứ cứ phải nghe cho mới được… Chỉ cần quan Trung sứ không đi ra đến ngoài thôi… mọi việc ăn nghỉ có người của tôi lo cho hết.

Biết không thể làm gì được, quan Trung sứ đành tặc lưỡi:

-        Vậy thì… cám ơn Nhân Huệ vương đã biết nghĩ trước nghĩ sau cho tôi!

-        Có vậy chứ…! Tôi thực rất áy náy vì phải làm như vậy!

*

*        *

Đêm hôm đó Khánh Dư cảm thấy rất khó ngủ, cuối cùng thì ông cũng đã thuyết phục… không! phải nói là gần như ép buộc viên quan Trung sứ kia phải lùi lại cho mấy ngày. Khánh Dư nhớ lại bức thư của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo gửi cho mình. Càng nghĩ, Khánh Dư càng cảm thấy mình có lỗi với Đức Quốc công. Hơn chục năm trước cũng vì có chút công lao dẹp giặc nên Khánh Dư được Thái thượng hoàng lúc đó là Trần Thái Tông yêu mến nhận làm Thiên tử nghĩa nam và phong cho chức Phiêu kỵ đại tướng quân, một chức võ tướng chỉ dành cho các hoàng tử nhà Trần. Nhận được sự ưu ái như vậy, Khánh Dư cậy thế lộng hành và mắc vào trọng tội do đã dám cả gan thông dâm với công chúa Thiên Thụy là vợ của Hưng vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Đức Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Lúc đó, bên bờ hồ Dâm Đàm(1), ông đã bị Quan gia khi đó là Trần Thánh Tông xử tội đánh đủ một trăm gậy, nếu đánh xong mà không chết thì mới được tha tội. Nhưng từ cổ chí kim làm gì có ai chịu đánh đủ một trăm gậy mà vẫn sống được đâu? Cùng lắm chỉ năm bảy chục gậy là hồn đã lìa khỏi xác rồi chứ nói gì đến đủ trăm gậy! Vậy mà ông lại không chết, ông biết ông còn sống không phải do sức lực của ông dẻo dai, cũng không phải do Quan gia Thánh Tông ngầm đỡ. Ông biết tất cả là nhờ Quốc công Tiết chế đã chủ động xin Đức Quan gia tha tội chết cho mình. Bây giờ Quốc công Tiết chế không những đã cho viên tướng trẻ tài giỏi kia tới giúp mình mà còn bày ra đường đi nước bước cho mình để có cơ hội lập công chuộc tội… Nghĩ đến đây, Khánh Dư bất giác thốt lên:

-        Tiết chế ơi…! Mong sao nhanh chóng có ngày gặp mặt để Khánh Dư này cúi đầu tạ lỗi với ngài.

*

*      *

Đêm trên biển, một đoàn thuyền vận chuyển lương thực hơn hai trăm chiếc đang neo đậu nghỉ lại. Phía bên ngoài, gần một trăm chiến thuyền chia nhau vây bọc kín xung quanh để bảo vệ cho các thuyền lương. Ánh đuốc từ trên những thuyền hắt ra chiếu sáng khắp cả một vùng rộng lớn.

Cách đó không xa, cũng có một đoàn thuyền nhỏ hơn nhưng đậu khuất hoàn toàn trong bóng tối. Chỉ có những đốm sáng nhỏ li ti phản chiếu ánh đuốc từ ánh mắt của những người lính đang chăm chú theo dõi đoàn thuyền lương kia.

Đến chừng khoảng giờ Hợi thì có bốn chiếc thuyền nhỏ chở theo mỗi thuyền chừng một chục người tách tốp tiến về phía đoàn thuyền lương. Khi đến gần, mọi người trên thuyền nhảy hết xuống nước chỉ để lại một người chèo thuyền quay về. Đám người kia chính là những người lính của Trí Thắng, họ có nhiệm vụ phải khoan thủng các chiến thuyền của giặc. Đám lính khoan thuyền chia nhau hai người một bơi đến tiếp cận những chiếc thuyền chiến đậu ở vòng ngoài. Những người còn lại đứng trên các chiến thuyền khác thì dường như đang nín thở, họ căng mắt ra theo dõi mọi nhất cử nhất động từ phía đoàn thuyền lương kia.

Khoảng tới gần giờ Sửu, trên một chiếc thuyền chiến bảo vệ đoàn thuyền lương có tiếng người kêu thét, những bóng người chạy đi chạy lại thấp thoáng trong ánh đuốc bên trên sàn thuyền... Một lúc sau, thêm vài chiếc thuyền khác cũng bắt đầu có những biểu hiện tương tự. Lúc này bên phía các chiến thuyền của Đại Việt có giọng của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư ra lệnh:

-        Mau tấn công!

Tất cả các thuyền to nhỏ đua nhau nhằm hướng đoàn thuyền lương lao tới, binh sĩ trên thuyền tay lăm lăm khí giới, mặt hừng hực khí thế. Khi cách đoàn thuyền lương chừng vài chục bước chân thì giọng của Trần Khánh Dư lại thét lên:

-        Sát… Thát…!

Quân sĩ hô theo vang dậy:

-        Sát… Thát…!

-        Sát… Thát…!

*

*       *

Tiếng hô Sát Thát vang dội trên cả một vùng biển rộng lớn. Các thuyền của quân Đại Việt lướt qua những thuyền giặc đang nhốn nháo sắp chìm để lao thẳng tới tấn công các chiến thuyền khác. Quân sĩ trên thuyền cứ dùng cung tên, hễ thấy tên giặc nào hiện ra là bắn ngay. Hai bên cứ như vậy bắn tên qua lại một hồi, quân giặc do bị đánh bất ngờ nên không kịp mặc giáp, người của chúng bị trúng tên ngã ra như ngả rạ.

Song chỉ sau ít phút hốt hoảng ban đầu do bị đánh bất ngờ đồng thời không biết thực lực của đối phương thế nào, sau khi thấy chiến thuyền bên phía Đại Việt vừa nhỏ lại không nhiều lắm, Trương Văn Hổ bắt đầu dàn đội hình ra sức đánh trả.

Nguyên Trương Văn Hổ lại là một tướng cướp người Hán được triều đình Hốt Tất Liệt thu phục làm thủy tướng nên hắn đánh theo kiểu liều chết. Đang trong giấc ngủ ngon phải bật dậy ngay không kịp mặc quần áo chứ nói gì đến giáp phục, quân sĩ của Trương Văn Hổ cứ cởi trần trùng trục ra để mà đánh trả. Nhiều tên trong bọn chúng đã bị trúng tới ba bốn phát tên nhưng vẫn đeo tên mà ra sức đánh trả.

Bên này Trần Khánh Dư cũng quyết chí lập công để chuộc tội thất thủ Vân Đồn hôm trước nên hai bên đánh nhau rất kịch liệt. Các chiến thuyền va mạn vào nhau kêu lên loảng xoảng, quân sĩ hai bên đuổi nhau chạy qua chạy lại giữa các khoang thuyền.

Phía bên Trần Văn Hổ, rất nhiều thuyền đã bị đắm song nhiều tên lính đã kịp nhảy thoát xuống sông và được đồng bọn trên các thuyền khác cứu vớt lên. Do được thêm số quân này nên bên phía giặc bắt đầu giành lại ưu thế. Trương Văn Hổ lợi dụng thuyền to bèn lệnh cho quân lính cứ cầm giáo dài áp sát các thuyền nhỏ của Đại Việt để mà đâm sang. Bất lợi vì thuyền nhỏ thấp hơn nên quân Đại Việt dần bị đuối thế, Nguyễn Văn Hổ đã chiếm được một vài chiến thuyền.

Trí Thắng cũng hô hào quân lính ra sức xông vào các chiến thuyền của giặc để mà chém giết. Quân sĩ cũng đánh chém rất hăng song vẫn bị núng thế do chiến thuyền nhỏ hơn. Thấy bên mình đã có mấy chục người nằm gục xuống, lại nhớ lại những lời Yết Kiêu dặn dò bữa trước, anh giật mình lo sợ rằng nếu những người lính của mình mà hy sinh hết thì sẽ không có người để chuẩn bị bãi cọc theo lệnh của Tiết chế nữa. Nghĩ vậy Trí Thắng vội cho thuyền vừa đánh vừa đi tìm Trần Khánh Dư.

Trần Khánh Dư vẫn cho thuyền xông xáo chạy đi chạy lại để đốc chiến. Đang lúc nguy cấp thì thuyền của Trí Thắng lao tới, viên tướng trẻ nói to sang:

-        Tình hình không thuận lợi, Đức vương tạm lui một chút để con cho người xử lý thêm đợt nữa rồi hãy quay lại tấn công tiếp.

-        Nếu giờ mà lại đục thuyền thì ta e là sẽ không còn yếu tố bất ngờ nữa nên rất nguy hiểm.

-        Nhưng nếu cứ đánh như thế này thì ta ắt sẽ bị thiệt hết quân sĩ.

-        Vậy một mặt ta cứ đánh trên thuyền, một mặt tướng quân cho người đục thuyền bên dưới liệu có được không?

-        Làm như vậy không được, thuyền cứ chạy đi chạy lại thì không tài nào mà đục được vả lại hai bên giáp chiến thì vòi sậy dễ bị dập rồi nước bắn vào làm người bên dưới dễ bị ngạt thở.

-        Có lẽ đành phải theo ý của tướng quân thôi… Nhưng những người lính kia đã về đủ chưa?

-        Hiện chỉ còn thiếu bốn người nữa vẫn chưa thấy về.

-        Vậy bây giờ ta sẽ giả lệnh rút quân, phiền tướng quân lo giúp cho.

-        Đức vương cứ tạm rút đi chờ con…

Khánh Dư ra lệnh gõ chiêng lui quân, đoàn chiến thuyền theo lệnh chạy ra xa dần. Bên này Trương Văn Hổ nghĩ quân Đại Việt đã bị thua và bỏ chạy. Thế nhưng y không mải đuổi theo mà lệnh cho kiểm đếm chiến thuyền và cho người cứu chữa cho số quân lính bị thương. Khi nghe bộ hạ báo cáo lên rằng đã bắt được hơn trăm tên lính Đại Việt, y vội lệnh cho dẫn hết sang thuyền mình để tra hỏi lý do làm sao mà một số thuyền chiến của y đồng loạt bị thủng như vậy. Khi đám tù binh Đại Việt được dẫn tới xếp hàng trước mặt, Trương Văn Hổ hằm hằm đứng dậy đến bên hàng tù binh. Do là tướng cướp kiếm ăn trên khắp các vùng biển nên y cũng biết được đôi chút tiếng Đại Việt, y hất hàm cất giọng lơ lớ quát hỏi một tù binh:

-        Tại sao thuyền của tao bị đắm…?

Người lính Đại Việt lắc đầu trả lời:

-        Tao không biết!

Trương Văn Hổ vẫy tay một cái, hai tên lính cầm giáo bước đến chẳng nói chẳng rằng đâm ngay hai ngọn giáo vào giữa ngực người lính Đại Việt. Người lính nén đau đưa tay nắm chặt lấy hai ngọn giáo… song anh từ từ gục xuống, máu phun tràn ra hai bên khóe miệng. Hai tên lính xốc ngược giáo cùng cả người lính Đại Việt lên rồi nhấc qua mạn thuyền thả xuống rồi rút mạnh cán giáo. Chỉ nghe tõm một tiếng… nước biển bắn lên tận trên sàn thuyền. Trương Văn Hổ lại tiến đến người tù binh thứ hai:

-        Tại sao thuyền của tao bị đắm…?

-        Tao không biết!

Hai tên cầm giáo lại đi tới làm đúng như đã làm với người thứ nhất. Cứ như vậy mấy chục người tù binh đã bị đâm và vứt xuống biển. Trương Văn Hổ cảm thấy mất thời gian mà không được việc, y cho một tên lính ra tra hỏi thay còn mình thì đứng ra quan sát đám tù binh. Sau một lúc để ý, y phát hiện ra một tên tù binh đang đứng thụt hẳn lại, người run lên vì sợ hãi, Trương Văn Hổ bước đến nhìn hắn chằm chằm:

-        Tại sao thuyền của tao bị đắm…?

Tên lính sợ hãi đái cả ra quần mồm lắp bắp:

-        Dạ… tại vì….

Tên lính hèn nhát này quỳ mọp xuống khai phọt ra bằng hết đầu đuôi mọi việc. Trương Văn Hổ nghe xong thất kinh vội lệnh cho tất cả các thuyền châm đuốc lên tìm kỹ xung quanh, hễ thấy đầu ống sậy nào thì cứ túm lấy mà lôi lên.

*

*       *

Đám lính khoan thuyền được lệnh của Trí Thắng lại bí mật quay lại để khoan thuyền. Họ vừa khoan được mỗi thuyền chừng vài lỗ thì bất chợt thấy phía trên mặt biển sáng bừng cả lên bởi hàng trăm ngọn đuốc soi sát ngay trên mặt nước. Đám lính còn đang hốt hoảng chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì lại giật mình vì bị lôi mất ống sậy đang dùng để thở. Đến đây thì biết là đã bị lộ, họ vội vứt bỏ lại khoan mà bơi ra xa đến mức không chịu được nữa thì mới ngoi lên mặt nước. Tuy nhiên bọn giặc đã cho các thuyền nhỏ vây kín xung quanh, hễ thấy ai ngoi lên thì dùng giáo dài xỉa tới. Thương ôi…! Gần bốn chục con người lần lượt bị giặc phát hiện và tiêu diệt.

Đứng bên này trông sang, Khánh Dư khi thấy giặc cho đốt đuốc soi sát mặt sông thì cũng biết rằng đám lính khoan thuyền kia đã bị bại lộ. Khi thấy các thuyền giặc truy giết đám lính thủy của mình thì vô cùng buồn bực. Đang phân vân tiến thoái lưỡng nan thì thấy thuyền của Trí Thắng lao tới, viên tướng trẻ vừa vẫy tay vừa gọi:

-        Đức vương sao không cho tấn công đi?

-        Người của tướng quân hy sinh hết rồi còn gì nữa…?

-        Con cũng biết rồi nhưng giờ không phải là lúc để mà lo buồn…

-        Tướng quân nói sao… ta chưa hiểu?

-        Như con đã bấm giờ thì từ lúc chúng bắt đầu hành sự đến lúc bị bại lộ cũng phải được gần một nửa canh giờ, như vậy mỗi cặp ít nhất cũng phải khoan thủng được ba lỗ. Chỉ chốc lát nữa thôi là bọn giặc sẽ nhốn nháo khi biết thuyền của chúng sắp bị đắm. Đức vương mau hạ lệnh tấn công đi là được rồi.

-        Được! Quân sĩ nghe lệnh:

-        Có…!

-        Tấn… công…!

Đoàn chiến thuyền lại đua nhau nhằm hướng thuyền giặc lao tới. Gần tới nơi, quả nhiên thấy mấy chục thuyền địch lại đang bắt đầu loạn lên vì đang bị nước tràn vào. Khánh Dư cũng đã cho điều chỉnh chiến thuật, biết chiến thuyền bên mình nhỏ hơn lên đã ra lệnh cho bốn năm thuyền cùng tập trung vào đánh một thuyền giặc, diệt xong thì mới lại quay sang đánh tiếp các thuyền khác. Ông lại bố trí cho các thuyền nhỏ đi xung quanh những thuyền chuẩn bị đắm để bắt giết giặc, không cho một mống nào trốn thoát lên các thuyền khác. Vì vậy tất cả các thuyền đều bắt được vô số quân giặc, chúng bị trói giật cánh khuỷu nằm chật kín cả sàn thuyền.

Trận chiến trên biển đến gần mờ sáng mới đến hồi kết thúc, Trương Văn Hổ đến phút cuối biết không thể kháng cự được nữa bèn ra lệnh đốt bỏ tất cả thuyền lương để không bị rơi vào tay quân Đại Việt rồi rút chạy. Bên này Trần Khánh Dư thấy vậy thì chia quân cho một nửa đuổi theo truy kích, một nửa ở lại cứu hỏa cho đoàn thuyền lương.

Trận thắng này Khánh Dư thu được hơn hai chục thuyền chiến, cướp được hơn trăm thuyền lương và chiến cụ. Giết được chừng hai ngàn tên giặc, bắt được hơn bốn trăm tên. Khánh Dư mừng lắm bèn đi tìm thuyền của Trí Thắng thì thấy viên tướng trẻ đang đứng trên một chiến thuyền to vừa thu được. Viên tướng trẻ đang cho người đo đạc kích thước dài rộng nông sâu của chiếc thuyền. Thấy lạ, Khánh Dư hỏi:

-        Tướng quân đang làm gì thế?

-        Con chỉ muốn xem thuyền giặc to nhỏ ra sao thôi mà?

-        Thế đã xong chưa…? Nếu xong thì sang đây chúng ta cùng nói chuyện?

-        Con chỉ còn đo thêm chiều sâu ngập nước nữa là xong thôi ạ...!

Trí Thắng nói xong quay xuống chỉ bảo mấy tên lính cách đo ngầm ở dưới nước, song như chợt nhớ ra điều gì, anh quay ngoắt người lại thấy Khánh Dư vẫn còn ở đó liền hỏi:

-        Đức vương cho con hỏi điều này với?

-        Có gì vậy?

-        Bữa hôm Ô Mã Nhi đánh vào Vân Đồn, Đức vương có để ý là các chiến thuyền của hắn to hơn hay chỉ bằng cỡ như những chiếc thuyền này?

-        À… tưởng gì…! - Khánh Dư thở phào - Hôm đó ta thấy có khoảng hơn hai trăm chiếc thuyền to khoảng… cũng cỡ này thôi… mà chúng còn giống nhau về kiểu dáng nữa… còn lại thì toàn là các thuyền bé hơn.

-        Vậy thì đây là một trong ba trăm chiếc thuyền lớn đó rồi! - Trí Thắng thầm reo lên, Khánh Dư đứng bên này không nghe rõ bèn hỏi:

-        Tướng quân nói sao cơ?

-        À… không có gì đâu…! Con còn bận thêm một lát nữa, Đức vương cứ đi lo công việc của mình đi, con xong việc ở đây sẽ đến hầu chuyện Đức vương.

*

*       *

Khánh Dư thắng được trận lớn, ông dẫn thủy quân của mình và cả đoàn thuyền chiến lợi phẩm thu được trở về hoang đảo. Nhân Huệ vương trong lòng cảm thấy rất vui vẻ, ông cho mở tiệc khao quân thật to rồi mời viên Trung sứ của Thượng hoàng và Trí Thắng cùng tới tham dự. Trước khi vào tiệc, Khánh Dư đến chỗ viên quan Trung sứ để cảm ơn:

-        Vừa rồi không có Trung sứ hoãn cho mấy ngày thì tôi không có được trận thắng này.

-        Thú thực với Nhân Huệ vương là từ lúc đồng ý cho ngài lui lại mấy ngày là tôi mất ăn mất ngủ suốt đấy.

Khánh Dư cả cười bảo:

-        Vậy nay tôi lại muốn phiền quan Trung sứ mất ngủ thêm cho vài ngày nữa không biết liệu có được không vậy?

-        Chết… chết…! Nhân Huệ vương lại đùa tôi chắc?

-        Tôi đâu dám đùa! Chả là việc lớn đã xong lẽ ra phải theo ngài về triều để chịu tội… Song tôi lại muốn xin Trung sứ lại hoãn cho tôi thêm một lần nữa.

-        Chẳng hay Nhân Huệ vương định hoãn lần nữa để làm gì?

-        Tôi để thất thủ Vân Đồn thì rất lấy làm xấu hổ, nay mới chỉ phá được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ mà chưa lấy lại được ải. Vậy xin Trung sứ về báo tiệp với Thượng hoàng và xin cho tôi được ở lại để tái chiếm Vân Đồn thì tôi mang ơn ngài nhiều lắm.

Quan Trung sứ ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

-        Nhân Huệ vương vừa thắng trận này… nên chắc có về triều thì Thượng hoàng cũng xét công mà tha tội cho ngài thôi. Nay ngài lại muốn ở lại để tái chiếm Vân Đồn thì tôi không thể không nghe theo ngài được.

Khánh Dư mừng rỡ:

-        Quan Trung sứ đồng ý cho tôi như vậy thì hay quá…!

-        Để tôi sẽ về báo tiệp và tâu công của ngài cho Thượng hoàng và Quan gia được biết.

Khánh Dư nghe nói đến công lao thì vội thanh minh:

-        Tôi công xá có đáng kể gì…! Cũng may là có vị tướng quân trẻ kia giúp cho mới được như vậy.

-        Vị tướng trẻ kia là…?

-        Đấy là tướng quân Trí Thắng, tướng thủy binh của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương cử đến đây để giúp tôi… Không có mấy chục người của ông ta chịu cảm tử ra tay thì tôi cũng không làm gì được…. Để tôi gọi anh ta tới chào ngài.

Khánh Dư chạy đến chỗ Trí Thắng nói nhỏ mấy câu, tức thì hai người quay lại chỗ viên Trung sứ. Trí Thắng chào rồi nói:

-        Tôi là Trí Thắng, thủy tướng của Tiết chế Hưng Đạo xin có lời chào quan Trung sứ!

-        Chào tướng quân, vừa rồi nghe Nhân Huệ vương đây nói ngài có phần công lớn trong trận đại thắng vừa rồi, có phải vậy không?

-        Ấy chết - Trí Thắng lắc đầu - tôi cũng chỉ là góp sức giúp cho đức Nhân Huệ vương đây thôi.

Khánh Dư thấy Trí Thắng tỏ vẻ khiêm tốn thì cướp lời:

-        Tướng quân không phải khiêm tốn như vậy.

Nói rồi lại quay sang viên quan Trung sứ mà kể hết công lao của Trí Thắng ra, viên Trung sứ nghe xong nói:

-        Vậy thì để tôi về kinh tâu luôn với Thượng hoàng và Quan gia công của tướng quân đây nữa!

Trí Thắng nghe vậy chỉ biết chắp tay bái tạ rồi nói:

-        Xin đa tạ quan Trung sứ… Về triều nếu ngài có gặp Quốc công Tiết chế thì xin nhắn giúp hộ tôi một lời với Tiết chế là mọi việc đều đã ổn thỏa cả rồi để Tiết chế biết mà yên tâm.

-        Được, nếu gặp Quốc công thì tôi sẽ nhắn giúp cho tướng quân như vậy.

Khánh Dư nghĩ tới trận tái chiến Vân Đồn sắp tới nên muốn Trí Thắng cùng giúp mình thêm lần nữa bèn quay qua Trí Thắng nói:

-        Vừa rồi có tướng quân giúp cho mới được thành công mãn ý như vậy… Nay xin tướng quân thêm lần nữa ra sức giúp ta tái chiếm Vân Đồn.

Trí Thắng nghĩ đến nhiệm vụ chính mà Tiết chế giao cho mình là phải chuẩn bị cho một trận địa cọc thì vội từ chối:

-        Việc đánh giặc thì con không ngại khổ, ngại khó…! Song Tiết chế chỉ lệnh cho con ra giúp Đức vương đánh chiếm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Nay sự việc đã thành, con còn phải lo một phần việc khác do Tiết chế giao, vì vậy xin Đức vương thứ lỗi vì đã không giúp gì thêm cho ngài được.

Khánh Dư không biết việc Trí Thắng làm đòi hỏi phải rất bí mật nên muốn giúp đỡ Trí Thắng:

-        Việc quan trọng nhất lúc này cũng chỉ là đánh giặc mà thôi! Nếu tướng quân được Tiết chế giao nhiệm vụ đánh dẹp chỗ nào thì cứ nói ra… chúng ta sẽ cùng hợp binh lại thì sẽ hay hơn?

-        Không được đâu…! - Trí Thắng lắc đầu - Con có việc… quan trọng khác mà…

Khánh Dư nghe vậy thì đoán biết Trí Thắng đã có việc gì đó khó nói ra nên không cố nài ép nữa:

-        Tướng quân đã nói như vậy… thì chắc đó cũng là việc quan trọng, vậy ta cũng không nỡ cố ép… Thôi mời quan Trung sứ, mời tướng quân vào tiệc ngay cho.

*

*      *

Sau bữa tiệc khao quân của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư trở về tới trại, Trí Thắng cho gọi ngay Lý Văn Nhạ tới để cùng mình tính toán chiều dài cọc gỗ. Nguyên là trước đây chưa ai biết được độ sâu ngập nước của chiến thuyền giặc, nên theo sáng kiến của Quốc Tuấn, toàn bộ số cọc kia đã được cắt dư chiều dài ra khoảng vài thước và mới chỉ được đẽo vát nhọn một đầu. Nay Trí Thắng đã biết rõ được độ sâu ngập nước nên phải tính toán để gia công hoàn thiện toàn bộ số cọc gỗ kia.

Lý Văn Nhạ nhẹ nhàng bước vào tướng phủ. Viên đô tướng không đợi chủ tướng hỏi nói luôn:

-        Chắc tướng quân định tính toán chiều dài cọc gỗ chứ gì?

-        Đúng vậy…! - Trí Thắng nhìn viên đô tướng gật đầu - Tiết chế có thể ra lệnh bố trí trận địa cọc ngầm bất cứ lúc nào… nên nhiệm vụ của chúng ta là phải sẵn sàng.

-        Tôi hiểu…!

-        Thế việc tính toán độ sâu ngập nước các thuyền thế nào rồi?

-        Theo như số liệu đo đạc thực tế các chiến thuyền giặc thì độ sâu các thuyền thay đổi trong khoảng từ sáu đến bảy thước tùy theo thuyền chở nặng hay nhẹ. Như vậy bình quân sẽ là sáu thước rưỡi.

-        Không được tính bình quân như thế… Chúng ta phải tính cho thuyền nặng nhất…

-        Nếu như vậy thì độ sâu ngập nước sẽ là bảy thước, độ sâu tại các chi lưu sông…

-        Khoan đã… ngươi không tính đến việc các thuyền kia đều là thuyền không có người ở trên à…? Phải giả định cả việc thuyền đang chở đủ người nữa chứ…? Cứ tính là bảy thước rưỡi đi!

-        Vâng… Độ sâu ngập nước là bảy thước rưỡi… Độ sâu tại cửa ba chi lưu sông dự kiến đóng cọc khi triều cao nhất khoảng hai trượng ba thước, khi nước triều xuống thấp nhất còn khoảng một trượng sáu thước rưỡi… Độ ngập sâu của mũi cọc xuống lớp bùn đáy sông khoảng hai thước rưỡi…

-        Lằng nhằng quá…! Thôi để ta tính cho… này nhé… Độ sâu tại cửa ba chi lưu sông kia khi thủy triều cao nhất khoảng hai trượng ba thước. Giả sử ta sẽ bắt đầu tấn công giặc trước lúc triều đạt đỉnh khoảng một canh giờ và sau hai canh giờ sẽ phải dụ cho thuyền giặc vào được bãi cọc… tốc độ nước rút khoảng hai thước trong một canh giờ… như vậy thì mực nước che giấu cọc gỗ sẽ là hai trượng một thước… không được…! - Trí Thắng dừng lại suy nghĩ một lát rồi lại tiếp tục - Chúng ta vẫn phải tính dự phòng thêm một nửa canh giờ nữa để đề phòng không thể ép ngay được thuyền giặc đi vào bãi cọc theo đúng thời gian đã dự tính… như vậy mực nước để che giấu bãi cọc sẽ là hai trượng đúng. Độ sâu ngập nước của thuyền giặc là tám thước như vậy mũi của các cọc dài phải là một trượng tám thước… cộng với độ ngập sâu của mũi cọc dưới lớp bùn là hai thước rưỡi… như vậy một ngàn cọc dài kia sẽ phải cắt là hai trượng nửa thước… còn năm ngàn ba trăm cọc ngắn sẽ phải cắt là một trượng bốn thước rưỡi.

-        Thế mà số cọc kia toàn dài hai trượng hai đến hai trượng rưỡi… thừa ra nhiều quá nhỉ…?

-        Biết làm sao được…! - Trí Thắng tặc lưỡi - Ta phải chuẩn bị trước nên phải cắt thừa ra như thế…! Nếu không thế nhỡ chẳng may mà bị thiếu chiều dài thì chỉ có nước mang đi làm củi thôi.

-        Làm củi là thế nào…? Tướng quân cứ cho tôi, tôi mang một bè về cũng đủ dựng được mấy cái nhà đấy!

-        Thôi đừng nói tào lao nữa…! Ngày mai ngươi cho các đô lính đem dỡ tất cả các bè cọc ra rồi đưa lên bờ mà cắt đầu cọc… Nhớ là chỉ tháo dây chạc ra thôi chứ đừng cho chặt đứt… sau này sẽ phải dùng để buộc lại bè đấy!

-        Vâng… nhưng tướng quân có muốn có thêm một ngàn cọc gỗ nữa không?

-        Ngươi nói đùa cái gì vậy?

Lý Văn Nhạ nhắc lại:

-        Tôi hỏi là tướng quân có muốn có thêm một ngàn cọc gỗ nữa không?

-        Ở đâu vậy…? Nếu có thêm thì càng tốt chứ sao?

-        Ở ngay trên các bè cọc của chúng ta thôi!

-        Ta không hiểu?

-        Này nhé, tướng quân cắt một ngàn cây cọc dài ba trượng ra làm đôi thì sẽ được hai ngàn cọc ngắn… sửa một ngàn cọc dài hai trượng rưỡi thành cọc hai trượng nửa thước và…

-        Ha…ha…ha - Trí Thắng phá lên cười - Ta đã hiểu rồi… ngươi thỉnh thoảng cũng thông minh đột xuất đấy nhỉ?

-        Chuyện…! Tôi đạt được giải nhất trong cuộc thi đóng cọc ở trại Quảng Yên mà lại!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com