Chương 14: Một lễ hành hình
Tết Nguyên đán năm Mậu Tý (1288) đã đến rất gần, tuy nhiên tất thảy mọi người dân sống trong kinh thành Thăng Long không ai còn sức đâu mà nghĩ đến nó. Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng thấy dân chúng tụ tập bàn tán về việc giặc Hồ đánh phá. Dân chúng phần đông đều có cảm giác sợ thì ít mà căm tức thì nhiều. Họ vô cùng căm ghét lũ giặc phương Bắc này vì chỉ mới cách đây chưa đầy hai năm trước, trên chính mảnh đất này, bọn chúng đã bị quân dân Đại Việt đánh cho một trận tơi bời, Nguyên soái Toa Đô của chúng thì bị chém đầu tại trận, chủ tướng của chúng là Trấn Nam vương Thoát Hoan và bộ hạ thì phải chạy gấp mãi mới thoát được về nước. Vậy mà nay, cây cối chưa kịp xanh tươi, nhà cửa chưa kịp dựng lại, các dòng sông chưa hết mùi tanh hôi của máu, thì bọn chúng đã lại dám cả gan cất quân sang đánh Đại Việt thêm một lần nữa!
Mọi người dù đi đâu hay đang làm gì thì câu chuyện cửa miệng lúc này cũng là chuyện đánh giặc. Họ cùng bàn luận với nhau để phán đoán xem năm nay triều đình sẽ đối phó với giặc như thế nào? Tại một góc chợ Cửa Bắc có mấy vị bô lão đang ngồi thưởng trà và nói chuyện, cũng giống như phần đông mọi lớp người, chủ đề chính trong câu chuyện của các cụ lúc này cũng là chuyện đánh giặc. Câu chuyện đang mỗi lúc một thêm sôi nổi, một cụ uống vội hớp trà rồi cất giọng trầm trầm hỏi:
- Không biết giặc giã thế nào mà không thấy có tin tức gì từ biên ải truyền về nhỉ?
Cụ ngồi bên cạnh thủng thẳng trả lời:
- Chắc là quân ta sẽ toàn thắng thôi!
- Ông… - Cụ già đưa ra chủ đề nói - chắc lại đoán mò rồi chứ gì?
- Thì… theo như Quốc công Tiết chế đã từng nói thì năm nay chả đánh giặc nhàn là gì nữa?
Mấy cụ bên cạnh gật đầu tỏ vẻ đồng tình, một ông nói:
- Quốc công Tiết chế nói có lý lắm đấy…! Lần trước là do ta chưa biết thế giặc mạnh yếu thế nào, triều đình cũng chưa tỏ lòng dân ra sao nên Thượng hoàng mới phải mở hội nghị Diên Hồng để thấu hiểu lòng dân trăm họ… Nay thì đã khác…! Ta vừa thắng chúng xong, lòng dân thì vẫn đang hừng hực khí thế đánh giặc… vậy thì quân ta chắc sẽ toàn thắng cả thôi!
Một cụ khác lại chen vào khiến câu chuyện bắt đầu sôi nổi:
- Hai cụ nói cũng vậy cũng chưa hẳn đúng đâu…! Tôi nghe nói thế giặc năm nay có vẻ mạnh lắm…! Chúng động binh tới những năm mươi vạn chứ không ít đâu…!
- Năm mươi vạn quân cơ à…! Chà cái thằng Hốt Tất Liệt này lấy đâu ra lắm quân thế nhỉ…?
- Mới trận năm trước quân ta đã giết chết mấy chục vạn rồi mà nó vẫn lấy đâu ra nhiều quân thế nhỉ…?
- Chuyện…! Bọn chúng quyết tâm sang đánh Đại Việt ta để báo thù cho trận thua năm trước mà…!
Một cụ nghe nói vậy thì bĩu môi:
- Ối dào… thù hằn cái gì…? Chúng nó sang đây cướp đất thì bị ta đánh cho như thế là đáng rồi!
- Nhưng chúng đâu có hiểu được như vậy?
- Các cụ nhầm không biết rồi… bọn chúng mới tiêu diệt xong nhà Nam Tống nên muốn đánh lấn đất xuống phía Nam đấy… Nước Đại Việt ta là cái cửa ngăn cản vó ngựa của chúng nên chúng quyết phải đánh cho bằng được chứ không phải chỉ là phục thù, rửa hận gì đâu… Lần này không đánh được thì sẽ có lần khác, triều đại này không đánh được thì đến triều đại khác chúng sẽ đánh…
Mọi người gật gù tỏ vẻ đồng tình với nhận định xác đáng của ông cụ kia. Một cụ khác ra vẻ trầm ngâm rồi bỗng nhiên chuyển đề tài:
- Này… theo các cụ liệu năm nay triều đình có phải thực thi chính sách tiêu thổ kháng chiến nữa hay không nhỉ?
Câu chuyện lại tiếp tục sôi nổi:
- Theo tôi thì chắc là không cần như vậy đâu…!
- Tôi cũng nghĩ là không…?
- Sao các cụ lại chắc như thế được…?
- Thì Quốc công Tiết chế đã chủ động chia quân đánh giặc, mà đến giờ này cũng chưa thấy thông báo gì thì chắc là không rồi…
Các cụ già còn đang mải bàn tán thì có một cụ từ xa lật đật chạy đến gọi:
- Này các cụ ơi…! Các cụ nghe tin gì chưa mà vẫn còn ngồi thưởng trà ở đây như vậy?
- Tin gì…? Tin gì vậy cụ?
Mọi người nhao nhao cả lên để hỏi:
- Ta… bị thất thủ biển ải Vân Đồn rồi…!
Các cụ kia nghe tin sốc vậy nên cứ há hốc mồm ra:
- Thất thủ Vân Đồn rồi sao…?
- Chết…! Chỗ đấy Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư trấn giữ đấy…!
- Mất Vân Đồn thì khác gì nhà không còn khóa nữa…!
Mọi người đang lo sợ thì cụ kia lại bồi tiếp thêm cho một hung tin nữa:
- Phòng tuyến Bạch Hạc cũng sắp bị vỡ rồi…! Thế giặc mạnh lắm…!
- Ôi…! Chết…!
- Bạch Hạc do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trấn giữ đấy…! Thế mà cũng bị vỡ thì gay go to rồi…!
Một cụ tỏ vẻ nghi ngờ hỏi lại:
- Này… tin tức của cụ lấy ở đâu đấy…? Liệu có chính xác không vậy…?
- Thì… tôi cũng nghe tin từ mấy tên lính đào ngũ trốn về… chúng đã thu xếp hành lý bỏ nhà bỏ cửa chạy khỏi kinh thành rồi… Chúng còn nói loạn lên rằng Thăng Long sắp sửa bị san phẳng nữa kia…
- Nếu có thế thật thì chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn hành lý chờ lệnh của Quan gia là vừa rồi…
- Lệnh gì cơ…?
- Thì… lệnh rút lui khỏi kinh thành Thăng Long… thực hiện tiêu thổ kháng chiến đó...!
- Phải đấy…! Ta làm như vậy tuy vất vả một chút nhưng bảo toàn được người.
- Thì đó là kế lùi một bước để tiến hai bước vậy…! Cũng hay…!
Vừa lúc đó có mấy chú lính đến cổng chợ để dán cáo thị. Mọi người đang lúc ngóng tin nên thấy có cáo thị bèn đổ xô nhau tới. Ngay cả mấy người không biết chữ cũng cứ cố chen vào để hóng nghe người khác đọc. Mấy vị bô lão trông thấy cảnh nhốn nháo như vậy bèn kéo nhau đến nói với mọi người:
- Xin mọi người trật tự…! Không được chen lấn xô đẩy nhau nữa để chúng tôi cử một cụ ra đọc to lên cho tất cả mọi người cùng nghe!
- Vâng…!
- Vâng…!
Mọi người đồng ý rồi bảo nhau cùng ngồi xuống để nghe các cụ đọc cáo thị. Một cụ trẻ nhất được cử ra để đọc, cụ này bước đến gần đọc qua trước một lượt như để hiểu hết nội dung cáo thị rồi mới đằng hắng đọc lại cho mọi người cùng nghe. Cáo thị viết:
Bố cáo!
Nay rợ Hồ đã phạm vào biên ải, chúng thi nhau cướp đất, giết người, bắt hiếp đàn bà con gái. Vận nước hết sức nguy nan. Nơi sa trường kia có biết bao tướng sĩ đang phải dốc lòng, dốc sức đánh giặc giữ nước, báo đáp ơn vua!
Vậy mà lại có một số kẻ vì tham sống sợ chết đã can tâm rời bỏ đội hình đội ngũ làm suy giảm sức chiến đấu của quan quân. Nay triều đình đã truy bắt được hai tên tái phạm vào tội đào ngũ là Trần Văn Thái và Lê Văn Nội. Chiếu theo quân pháp hai tên này sẽ bị xử tội chết bằng hình phạt voi giày. Lễ hành hình diễn ra hồi chính giờ Thìn ngày hai tám tháng Chạp tại cổng chợ Cửa Bắc.
Vậy bố cáo để toàn thể quân, dân trong thành được biết và đến xem xét xử.
Mọi người nghe xong cáo thị thì quay sang hỏi nhau:
- Nay là ngày bao nhiêu rồi nhỉ?
- Nay là hai mươi sáu rồi.
- Như vậy là giờ Thìn ngày kia, chúng ta phải đến xem mới được.
- Phải đến xem chứ…!
*
* *
Ngay từ sáng sớm, khi bầu trời còn bị che phủ dày đặc bởi một màn sương xám xịt thì trên khắp các ngả đường dẫn vào chợ Cửa Bắc đã vang lên những tiếng ồn ào của các đám dân đen lẫn các tốp lính triều đình gọi nhau đi xem lễ hành quyết tử tù tái phạm tội đào ngũ.
Theo quân pháp đề ra thì phàm kẻ nào phạm vào tội đào ngũ nếu là lần đầu thì sẽ bị chặt hết ngón chân đi. Nếu lại tái phạm thêm chỉ một lần thứ hai sẽ bị xử voi giày cho đến chết. Hôm hành hình phạm nhân, đâu đâu cũng thấy mọi người rủ nhau nấu cơm ăn sớm để cố đến trước mà chọn cho mình được một chỗ ngồi tốt nhất. Binh sĩ trong thành cũng sẽ được thu xếp công việc để mọi người đều có thể đến xem lễ hành quyết. Làm như vậy là với mục đích tạo cơ hội cho càng nhiều người đến xem được thì càng tốt qua đó tăng tính răn đe trong toàn quân sĩ. Ai ai cũng nhìn đó mà thấy khiếp sợ và không dám mắc phải tội này.
Quân pháp đề ra như vậy cho nghiêm khắc chứ thực tế thì cũng ít khi phải dùng tới hình phạt kiểu này. Nhiều người từ khi đăng lính tới khi trở về quê hương bản quán cũng không được chứng kiến một lễ hành quyết nào bằng voi cả. Chính vì rất hiếm nên hôm nay ai cũng nôn nóng muốn xem tận mắt buổi lễ hành hình. Mọi người chen nhau để có thể chọn được một chỗ ngồi càng gần nơi hành xử thì càng tốt.
Pháp trường là bãi đất rộng trước chợ Cửa Bắc được ngăn chia ra làm ba khu, khu nhỏ nằm chính giữa dành cho các quan lại trong triều đình, khu bên tả dành cho nhân dân còn khu bên hữu rộng nhất dành cho đám binh lính. Giữa bãi hành quyết lúc này có một con voi lớn đang bị xích chân vào một gốc cây lớn. Con voi đang vừa đủng đỉnh ăn cỏ vừa đung đưa cái vòi như không thèm để ý đến đám người hiếu kỳ ồn ào bao vây xung quanh. Đây nguyên là một thớt voi chiến của Thượng hoàng Thánh Tông được chuyển sang dạy dỗ để chuyên xử phạm nhân phạm tội kiểu này. Hai năm trước, năm Ất Dậu (1285), cũng chính con voi này đã từng thi hành án cho bốn phạm nhân mắc vào tội tương tự.
Để có được một lễ hành hình thành công không phải là việc đơn giản. Việc thành công ở đây không phải chỉ đơn thuần là dùng voi xéo cho tử tù nát thịt tan xương mà thành công là phải làm cho tên tử tù chết một cách đau đớn và từ từ. Có như vậy mới đủ tạo ra ấn tượng mạnh để đủ sức răn đe đối với quân sĩ. Ngay sau khi nhận lệnh thi hành án, Thượng thư Bộ Hình đã giao ngay cho hai tên quản tượng giỏi nhất ngày đêm thay nhau huấn luyện lại voi. Đích thân quan Thượng thư Bộ Hình hàng ngày đi xuống kiểm tra kết quả luyện tập.
Việc hành hình bằng voi rất ít khi dùng đến nên mỗi khi hành hình voi phải được tập luyện lại một cách kỹ càng. Hai viên quản tượng lấy cây chuối đem cuốn thêm giẻ rách giả làm hình nộm người sau đó lấy cao hổ đun sôi với nước rồi tẩm vào quần áo sau đó đem khoác lên người hình nộm. Quần áo phải tẩm nước cao hổ nhằm mục đích để cho voi phân biệt được giữa tử tù với những người thường. Sau một tuần, hai viên quản tượng mới báo lên với Thượng thư Bộ Hình là công việc huấn luyện đã hoàn thành. Quan Thượng thư đích thân xuống kiểm duyệt lại lần cuối sau đó mới báo lên Quan gia để định ngày hành quyết.
Vào đầu giờ Mão, khi mặt trời vừa ló ra khỏi màn sương mờ thì hai tên tử tù được một đám lính dẫn giải ra pháp trường. Trên khán đài dậy vang lên những tiếng la ó chửi bới. Nhiều người nhổ nước bọt phì phì về phía hai tên tử tù lúc này đang sệ xuống như những tàu lá héo. Hai tên đang phải lê đôi chân trần chậm chạp trước mũi giáo của những người lính áp giải. Khi ra đến giữa bãi, bọn chúng bị đao phủ trói dựa lưng mỗi tên vào một cây cột đã được chôn sẵn từ trước, mặt quay về phía khán đài.
Đúng giờ Thìn, quan Thượng thư Bộ Hình trực tiếp phụ trách việc hành hình bước lên ra hiệu cho tất cả mọi người trật tự rồi đọc qua một bài cáo trạng ngắn gọn:
Thưa toàn thể bà con và anh em binh sĩ!
Trong cuộc đấu tranh với kẻ thù cướp nước, chúng ta phải đồng lòng, đồng sức chung tay chống lại kẻ thù. Là người lính trên chiến trường, chúng ta phải bất chấp hy sinh luôn xông lên phía trước. Chúng ta chỉ được phép rút lui khi có lệnh của tướng chỉ huy. Một người lính bỏ đội hình đội ngũ thì không những làm giảm sức chiến đấu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của quân sĩ.
Vậy nên quân pháp đã đề ra kẻ nào phạm tội đào ngũ lần đầu sẽ bị chặt hết ngón chân và nếu tái phạm lần hai sẽ bị xử hành quyết bằng voi giày.
Nay hai tên Trần Văn Thái và Lê Văn Nội đã khinh nhờn quân pháp, tái phạm vào tội đào ngũ. Xét tội không thể tha thứ. Nay chiếu theo quân pháp xử hai tên Trần Văn Thái và Lê Văn Nội vào tội chết bằng hình thức voi giày tại pháp trường chợ Cửa Bắc để làm gương cho toàn binh sĩ.
Mọi người nghe đọc xong cáo trạng thì đồng thanh hét lên:
- Xử đi…
- Xử đi…
- Xử đi…
Khắp pháp trường rộ lên những tiếng thét đầy vẻ phẫn nộ. Quan Thượng thư Bộ Hình phải chờ một lát đợi cho mọi người nguôi bớt cơn giận dữ rồi mới ra hiệu cho mọi người yên lặng. Ông quay xuống phía hai tên tử tù hỏi:
- Hai tên phạm nhân kia…!
- Dạ… dạ…! - Hai tên cùng lí nhí đáp.
- Các ngươi nay chết đã biết tội của mình chưa?
- Chúng con biết tội của mình rồi…! Mong quan lớn tha cho chúng con… chúng con còn bố mẹ già…!
Hai tên vừa khóc lóc vừa van xin quan Thượng thư, ông cố cầm lòng mình rồi nạt lại bọn chúng:
- Tội chúng bay không thể nào tha thứ! Quản tượng đâu…!
- Có…!
- Đao phủ đâu…!
- Có…!
- Hành… quyết… tử tù Lê Văn Nội! - Quan Thượng thư nói to và gọn từng từ một.
Tên đao phủ vội bước tới lột sạch quần áo của hai phạm nhân ra chỉ còn để lại độc một chiếc quần cộc. Một viên quản tượng xách xô nước đã đun sôi với cao hổ đem tưới lên khắp người phạm nhân. Một tên tử tù khẽ ngước mắt nhìn viên quản tượng vẻ như cầu cứu. Người quản tượng quay ra sau cởi trói khỏi cọc cho tên Lê Văn Nội trước, trong lúc cởi trói viên quản tượng khẽ nói thầm vào tai hắn:
- Sẽ đau lắm đấy…! Chúng tôi phải làm theo lệnh, xin anh hãy tha lỗi cho chúng tôi!
Tên phạm nhân vừa được tháo ra khỏi cột lại nghe thấy viên quản tượng nói ra như vậy thì đổ gập người xuống. Con voi lúc này được người quản tượng thứ hai điều khiển chậm chạp bước tới gần phạm nhân. Nó dùng vòi sờ vào người phạm nhân như để đánh hơi. Khi nhận thấy đúng là mùi cao hổ, nó khẽ giơ vòi lên cao gầm vang một tiếng tựa như sấm rền. Sau đó nó khẽ dùng vòi vỗ nhè nhẹ lên khắp người phạm nhân.
Tên phạm nhân ban đầu thấy cái vòi con voi to như con đỉa khổng lồ chuẩn bị rờ vào người mình thì co rúm người lại. Đến khi thấy cái vòi thô ráp chạm vào cách tay mình thì hắn hoảng sợ hét lên một tiếng thật to. Con voi giật mình sững người lại một lát rồi bước lùi lại. Có lẽ nó đang thấy lạ vì mọi khi tập luyện bằng cây chuối nên không có tiếng người thét ra như vậy. Viên quản tượng lại phải ra sức vỗ về rồi nhét mấy khúc mía ngọt vào mồm để động viên khích lệ nó. Sau một lúc được vỗ về con voi lại được quản tượng dẫn đến chỗ tên phạm nhân.
Con voi khẽ dùng vòi rờ khắp tay chân mặt mũi của tên phạm. Một lát sau khi tên phạm vừa có cảm giác bớt sợ hãi thì con voi dùng vòi cuốn ngang người phạm nhân rồi nhấc bổng lên cao. Tên phạm lại dùng hết sức thét lên một tiếng hòng làm con voi hoảng sợ, nhưng tiếng thét của hắn lúc đó đã bị át đi bởi những tiếng thét rú của đám đông ở trên khán đài. Mọi người không nghe thấy gì mà chỉ thấy tay chân tên phạm ra sức giãy giụa, quẫy đạp ở trên không trung.
Con voi cứ nhấc vòi lên rồi lại hạ nhanh xuống liên tục một hồi như thể giã gạo. Ai cũng tưởng tên tội phạm sẽ bị voi vứt xuống đất. Nhưng không, nó chỉ khẽ đặt tên tội phạm xuống đất một cách nhẹ nhàng. Nó khéo léo dùng vòi xoay trở để bắt cho tên phạm phải nằm dọc theo hướng đứng của nó rồi dùng một chân giẫm lên cổ chân của tên phạm. Tên phạm tỏ ra đau lắm, hắn ra sức quằn quại dưới sức đè của chân voi. Chỉ nghe tiếng xương ống giập nổ đánh bép một nhát, tên lính hét lên một tiếng kinh hãi ngã bật ngửa ra đằng sau. Con voi lúc này dường như không thèm để ý tới tiếng kêu thét sợ hãi của tử tù nữa. Nó dùng chân rờ rờ rồi giẫm tiếp chân kia lên chân còn lại của phạm nhân. Lại nghe tiếng xương nổ bốp một nhát nữa, tên phạm mồm lúc đó chỉ còn thấy há ra mà không còn kêu được thành tiếng.
Con voi đứng im một lát rồi được sự điều khiển của quản tượng nó bắt đầu nhấc từng chân lên bước nhịp nhàng tiến dần lên phía trước. Mỗi bước, con voi chỉ nhích lên chừng một nửa bàn chân nên tiếng xương giập vỡ cứ nổ lốp bốp theo từng nhịp bước. Máu từ bắp chân lên tới đầu gối rồi lên tới bắp đùi của tên phạm bắn vọt ra qua các vết rách của thịt da. Lúc này mặt tên phạm tái nhợt đi, mồm cứ há ra mà không thể hét thành lời. Mọi người chỉ còn thấy nửa thân trên của hắn hơi nhúc nhích động đậy. Con voi khi giẫm nát hết đùi tên phạm thì dừng lại giơ vòi lên và lại gầm lên một tiếng vang trời. Nó buông tên phạm ra và đứng lắc lư người để chờ lệnh tiếp theo từ viên quản tượng.
Tên phạm là người khá khỏe mạnh, khi con voi vừa tạm buông ra, hắn liền dùng hai tay và dốc hết sức mình kéo lê lết nửa thân trên ra xa khỏi chỗ con voi đang đứng. Hai chân dưới lúc này chỉ còn là hai dải thịt dẹt bị kéo lê lết đi theo. Con voi được sự điều khiển của viên quản tượng cứ chạy lại chặn đầu tên phạm khiến hắn phải ngồi bẹp xuống. Sự đau đớn làm hắn chỉ còn biết gục xuống để chờ đợi cái chết.
Lúc đó viên quản tượng lại điều khiển cho con voi bước tới dùng vòi lôi phạm nhân quay trở vào giữa bãi. Nó lại khéo léo dùng vòi bắt tên phạm nằm nghiêng rồi dùng chân tì lên mang tai phạm nhân. Nhận được tín hiệu từ quản tượng, nó khẽ hạ chân xuống một cách từ từ, mồm tên phạm cũng cứ há to dần ra theo sức nặng đè xuống từ chân voi. Hai tay tên phạm bắt đầu co giật như người bị động kinh đang lúc lên cơn. Dưới lực đè của chân voi, hai con mắt tên phạm cứ lồi dần ra đến lúc trắng hếu như hai quả trứng gà bóc vậy. Khắp khán đài lặng im phăng phắc, mọi người nín thở theo dõi xem đôi mắt kia còn lồi ra đến cỡ nào thì nghe thấy hai tiếng bụp… bụp, hai con ngươi của tên phạm bị bắn phọt ra phía trước đến mấy thước. Nhiều người tinh mắt còn nhìn thấy bay theo hai con ngươi là những dây dợ lằng nhằng màu trắng đục.
Đám đông trên khán đài nhiều người rú thét vì sợ hãi. Mấy người nhắm tịt mắt lại không dám nhìn tiếp nữa. Con voi thôi không giẫm lên đầu tên phạm nữa mà dùng vòi vật ngửa tên phạm ra. Hắn vẫn chưa chết hẳn vì người ta còn thấy hơi thở phập phồng qua lồng ngực tím tái. Con voi lúc này mới dùng cả bốn chân giẫm lên bụng và ngực phạm nhân. Chỉ trong chốc lát phần nửa người bên trên của phạm nhân giờ chỉ còn là một mớ bầy nhầy lẫn lộn giữa máu và thịt. Đầu của phạm nhân tuy không bị nát nhưng máu phọt trào ra cả mồm, lỗ mũi và hai hốc mắt.
Xong việc, con voi bước ra ngoài để lại cái đầu lâu cùng một bãi thịt nát bét. Tên lính đao phủ bước ra trước mặt quan Thượng thư Bộ Hình nói:
- Báo cáo quan Thượng thư! Phạm nhân Lê Văn Nội đã xử xong.
- Tiếp tục xử tử tên Trần Văn Thái.
- Dạ…!
Tên lính đao phủ chạy lại chỗ tên Trần Văn Thái lúc này đang gục người xuống, thấy mồm tên phạm nhoe nhoét đầy những máu, hắn lay gọi một hồi thì thấy tên này đã chết cứng đờ người ra từ bao giờ rồi. Thì ra khi nhìn cảnh đồng phạm bị hành hạ, hắn không thể chịu đựng nổi nên đã cắn lưỡi mà tự tử. Mọi người đều đang còn mải theo dõi con voi xử tên phạm nhân kia nên chẳng ai để ý tới hắn. Tên đao phủ thấy vậy vội hớt hải quay lên báo cáo với quan Thượng thư Bộ Hình:
- Báo cáo quan Thượng thư… hắn… hắn đã tự tử rồi ạ.
Quan Thượng thư Bộ Hình sửng sốt:
- Sao…? Tự tử rồi à…?
- Vâng, hắn tự cắn lưỡi chết rồi.
- Vậy thì… cho chặt đầu hắn bêu lên trên đầu cọc… bêu cả cái đầu tên kia nữa - Thượng thư vừa nói vừa chỉ vào cái đầu lâu giữa bãi thịt lúc này chỉ còn trơ ra hai hốc mắt đen thui.
- Dạ…!
Tên đao phủ vác đao chạy tới chỗ tên lính chém gọn một nhát rồi cúi xuống nhấc cả hai cái đầu lâu lên đem đến cắm trên đầu của hai cái cọc vừa lúc trước dùng để trói phạm nhân. Quan Thượng thư lúc này lại nói lớn để mọi người cùng nghe:
- Đây là kết cục bi thảm tất yếu dành cho những kẻ đào ngũ hoặc đầu hàng giặc. Mọi người trông đó làm gương để đừng mắc tội như hai kẻ hèn nhát này!
Nói xong quan Thượng thư Bộ Hình cùng mấy người lính hầu cận rẽ đám đông ra trở về phủ. Mấy viên quản tượng cũng vội vã dẫn con voi xuống sông Cái tắm gội.
Lúc này một vài tên lính bạo dạn bắt đầu rủ nhau bước xuống tận nơi xem xét. Họ chăm chú nhìn vào đống thịt bầy nhầy rồi lại ngước nhìn cái đầu lâu chỉ còn có hai hốc mắt. Một người chắc là anh em họ với phạm nhân vừa khóc vừa gạt đám người hiếu kỳ ra để nhặt hai con ngươi bỏ vào trong hốc mắt. Hắn vừa khóc vừa nói trong màn nước mắt:
- Anh ơi…! Sao anh không chết bởi mũi tên ngọn giáo của quân thù mà anh lại chết nhục, chết thảm thế này anh ơi…!
*
* *
Lễ hành quyết kết thúc đã khá lâu nhưng nhiều người lính vẫn ngồi nán lại trên khán đài mà chưa chịu ra về. Họ còn thầm thì bàn tán nhau về buổi lễ, nhóm thì tỏ ra phấn khích cực độ vì đã được tận mắt chứng kiến một lễ hành hình có một không hai trong đời. Có nhóm thì đang còn bàn cãi nhau về mức độ nghiêm nghị của quân pháp, một số người cho rằng hành hình như vậy là quá dã man và tàn bạo không nên áp dụng đối với quân sĩ mà chỉ nên áp dụng đối với kẻ thù. Nhưng cũng có nhiều người lại tỏ ra đồng tình với hình phạt kiểu này, họ cho rằng không có hình phạt nào xứng đáng hơn dành cho những kẻ đào ngũ kia.
Đa phần những người phản đối là những người lính trẻ tuổi và mới đăng lính lần đầu mà chưa từng trải qua một trận đánh nào cả. Còn số đông những người đồng tình với hình phạt voi giày đều là những người đã từng ít nhiều kinh qua trận mạc và họ hiểu được cái giá phải trả cho sự nhát hèn là vô cùng đắt đỏ. Thực tế khi xông pha trận mạc, nhiều khi chỉ vì thiếu đi một người lính mà dẫn đến cả một trận thua. Một người lính bỏ chạy làm nhiều người khác phải chết oan do mất đi chỉ một chút sức mạnh.
Quốc Tuấn lúc đó cũng vừa từ Đại Than về đến kinh thành Thăng Long. Ông đang cùng mấy người lính cận vệ từ bến thuyền vội vã vào thành để gặp Thượng hoàng và Quan gia thì thấy một đám đông tụ tập ngay giữa đường. Khi biết Quốc công đi qua, đám đông dân chúng vội dạt ra hai bên đứng chắp tay cúi đầu để chào và nhường đường cho ông. Đến cổng chợ, một cảnh tượng hết sức khủng khiếp hiện ra trước mắt Quốc Tuấn, hai cái đầu lâu cắm trên hai cọc tre trong đó có một đầu không có mắt. Nhìn xuống bãi đất bên cạnh, thấy một đám thịt lẫn máu bầy nhầy thì ông hiểu ngay ra sự việc, vừa có một lễ hành hình bằng voi giày ngay tại đây.
Quốc Tuấn khẽ rùng mình, ông cũng đã từng một lần phải chứng kiến lễ hành hình bằng voi giày, đó là vào năm Ất Dậu, khi đó ông cùng Thượng hoàng và Quan gia đang phải chạy giặc, một tên lính cũng phạm tội này đã bị đưa ra xét xử. Ông đã chứng kiến nguyên vẹn buổi lễ hành hình từ đầu tới cuối. Mặc dù đã cầm quân xông pha nhiều trận mạc, xác người chết nằm chất ngổn ngang xung quanh nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy một cái chết thê thảm đến như vậy. Sau lần đó ông tự nhủ sẽ không bao giờ xem một lễ hành quyết kiểu này thêm một lần nào nữa.
Hôm nay lại phải nhìn thấy quang cảnh đau xót này khiến Quốc Tuấn nhớ lại những hình ảnh đau đớn quằn quại và cả những tiếng thét rú kinh hoàng của tên phạm nhân năm xưa. Ông tặc lưỡi và tự nhủ sau khi thắng giặc lần này nhất định sẽ về tâu xin lên Thượng hoàng và Quan gia cho thay đổi hình phạt tội này sang một hình thức khác đỡ man rợ hơn. Nhìn khắp lượt mọi người, Quốc Tuấn chợt thấy trong đám đông có một người đang khóc nức nở, ông đoán đây chắc là tên người nhà của phạm nhân bèn cho gọi hắn đến hỏi:
- Ngươi là người nhà của tên phạm nhân này à?
- Dạ vâng! Hắn chính là anh họ của con ạ.
- Vậy ngươi có biết làm sao hắn đào ngũ trốn về không?
- Anh họ con là con độc, nhà có mẹ già trên sáu mươi lại bị mù lòa nên anh ấy đành phải giữ trọn chữ Hiếu mà đành bỏ mất chữ Trung… Vậy mà không ngờ…
- Vậy à…! Ta cho ngươi thu nhặt xác hắn mang đi chôn cất đấy… mau đi làm ngay đi!
- Dạ…! Con sợ…!
- Ta cho phép rồi mà.
Tên lính nghe Quốc công nói vậy thì mừng quá. Hắn ngồi thụp xuống vái nhanh Quốc công Tiết chế ba vái rồi chạy vội đi mua sắm đồ mai táng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com