Chương 16: Trận chiến trên biển Đại Bàng
Lúc này đoàn thuyền chạy giặc của quan quân nhà Trần trên đường về phủ Long Hưng đang tạm dừng chân tại ải Hải Thị(1). Thượng hoàng Thánh Tông cùng vua Nhân Tông và các quan đang rất vui mừng vì vừa được quan Trung sứ cũng vừa về đến đó báo tin Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã đánh chiếm được đoàn thuyền vận chuyển lương thực và chiến cụ của Trương Văn Hổ.
Đây là chiến thắng đầu tiên của quan quân nhà Trần trước lũ rợ Hồ nên vua Nhân Tông sau khi hỏi ý kiến và nhận được sự cho phép của Thượng hoàng thì vui mừng thông báo với mọi người là sẽ cho mở một bữa tiệc nhẹ vào tối nay để ăn mừng chiến thắng của Nhân Huệ vương. Quan Trung sứ lúc này mới bước ra phục xuống lạy xin tạ tội:
- Thâu Thượng hoàng và Quan gia! Thần có tội… xin được chịu tội!
Đang vui mừng, Thượng hoàng Thánh Tông nghe vậy thì ngạc nhiên hỏi lại:
- Ái khanh có tội gì đâu…?
- Thần đã tự quyết… không bắt Nhân Huệ vương về triều ngay… như vậy là đã phạm vào tội chống lại lệnh của Thượng hoàng.
Thượng hoàng Thánh Tông nghĩ tới những lời nói của Quốc Tuấn bữa trước thì nói:
- Khanh chống lệnh ta như vậy nhưng lại giúp cho Nhân Huệ vương lập được đại công đó khanh có biết không?
- Thần có biết… nhưng dù sao thần cũng đã mắc tội.
Thượng hoàng Thánh Tông xua tay:
- Thôi được rồi…! Ta tuyên bố tha tội cho khanh... thế đã được chưa…? Thôi mau đứng dậy đi!
- Tạ ơn Thượng hoàng…!
Quan Trung sứ đứng dậy rồi lại nói:
- Tâu thật với Thượng hoàng và Quan gia là lúc quyết định cho Nhân Huệ vương thư lại mấy hôm đã làm thần mất ăn mất ngủ suốt ba ngày đấy…! Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cảnh mình bị đưa đi chém đầu thôi…
Mọi người nghe vậy thì cùng cười lớn, vừa lúc đó có lính vào báo có Quốc công Tiết chế đến, mọi người nhốn nháo nhìn nhau. Thượng hoàng cũng giật mình, vội cho gọi vào gấp. Quốc Tuấn gần như chạy lao vào giục lớn:
- Xin Thượng hoàng, Quan gia cùng mọi người xuống thuyền ngay cho kẻo lại không kịp… binh thuyền của Ô Mã Nhi đang đuổi theo sắp tới nơi rồi…!
Vua Nhân Tông hốt hoảng:
- Vậy Thăng Long… Thăng Long sao rồi?
- Thăng Long vẫn còn, Chiêu Văn vương vẫn đang giữ thành… Việc đã rất gấp rồi, xin Thượng hoàng phải mau cho mới được… có gì xuống thuyền rồi ta cùng bàn tiếp…
Vua Nhân Tông nghĩ tới lệnh cho ban tiệc nhẹ lúc trước bèn cất lời:
- Vậy nay ta tạm xin khất các quan bữa tiệc nhẹ vào một dịp khác vậy… Giờ thì tất cả mọi người mau chóng lên thuyền!
*
* *
Do đã nhiều lần phải chạy giặc gấp rút theo kiểu này nên chỉ một lát sau khi có lệnh, quan quân nhà Trần đã rất nhanh chóng xuống hết cả thuyền. Đoàn thuyền nhằm hướng cửa Ba Lạt mà đi tới. Quan Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy các chiến thuyền của đội quân Thánh Dực đi chặn hậu để bảo vệ. Quốc Tuấn lúc này đi cùng thuyền với Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông. Ba người tranh thủ bàn bạc quân cơ, Thượng hoàng nói vui:
- Thỉnh thoảng lại được chạy một bữa như thế này kể cũng khỏe người ra phết!
Quốc Tuấn lại nghĩ Thượng hoàng đang trách khéo mình liền nói:
- Đó là lỗi của thần vì đã không ngăn cản được lũ giặc kia.
Thượng hoàng Thánh Tông vội giải thích:
- Đấy là ta chỉ nói đùa chút cho vui thôi chứ không có ý trách móc hiền huynh đâu!
- Nhưng dù sao thần cũng cảm thấy có lỗi…
- Hoàng bá đã biết tin Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thắng trận đánh chiếm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chưa? - Vua Nhân Tông vội chuyển đề tài.
Quốc Tuấn mừng rỡ nói:
- Thần cũng vừa mới được nghe loáng thoáng trước lúc lên thuyền... Được như vậy thì tốt quá! Thần muốn gặp quan Trung sứ để hỏi chuyện một chút, không biết ông ta đang ngồi ở thuyền nào?
- Ông ta ngồi cùng thuyền với các quan Hành khiển… để ta cho người đi đón sang đây.
Trong lúc chờ người đón quan Trung sứ tới, hai vua quay sang hỏi Quốc Tuấn về tình hình Thăng Long. Quốc Tuấn kể lại hết nội tình cho hai người nghe rồi bảo:
- Vừa rồi Thoát Hoan hăng hái đánh thành chẳng qua là vẫn chưa biết đoàn thuyền lương đã bị ta chiếm mất, vả lại hắn tưởng Thượng hoàng và Quan gia vẫn còn đang ở đó thôi. Nay biết ra sự thật thì chắc y sẽ phải sớm rút quân, Thượng hoàng và Quan gia cứ yên tâm không phải lo cho kinh thành và Chiêu Văn vương đâu!
Vua Nhân Tông hỏi:
- Thăng Long không lo… nhưng bọn Ô Mã Nhi đang đuổi đến đây rồi, hoàng bá có kế sách đối phó với hắn không?
Quốc Tuấn ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời:
- Xin Quan gia chờ cho thần nói chuyện với quan Trung sứ một lát đã rồi xin tâu bày kế sách cho hoàn thiện hơn.
Vừa lúc quan Trung sứ được đón lên thuyền, Thượng hoàng Thánh Tông gọi ông ta tới bảo thuật lại toàn bộ chuyện cướp đoàn thuyền lương của Trần Khánh Dư cho Quốc Tuấn nghe. Sau khi nghe xong Quốc Tuấn gật gù nói:
- Đòn hồi mã thương của Nhân Huệ vương quả thực lợi hại!
Quan Trung sứ nói thêm:
- Vâng, Nhân Huệ vương thắng được trận này nên trong lòng vui lắm…! Ông ấy còn cho mở hẳn một bữa tiệc để khao quân nữa!
Quốc Tuấn đồng tình:
- Nhân Huệ vương sẽ còn vui hơn nếu biết được rằng chiến thắng vừa rồi là tiền đề cho chiến thắng của cả cuộc chiến lần này… Công của Nhân Huệ vương là to lắm đấy!
Quan Trung sứ nghe vậy thì ngạc nhiên lắm, vì theo ông thì Khánh Dư dẫu có thắng được một trận kia thì có chăng cũng chỉ đủ để chuộc tội cho cái việc trước đó đã để thất thủ Vân Đồn là cùng. Quốc Tuấn lại hỏi:
- Quan Trung sứ ở chỗ Nhân Huệ vương về có thấy ai nhắn tin gì cho tôi không?
- Chết rồi… - Quan Trung sứ vỗ vỗ vào trán - Lúc nãy mải báo tiệp mà tôi quên đi mất! Có một viên tướng trẻ tên là Trí Thắng gửi lời nhắn tới Quốc công là toàn bộ công việc mà Tiết chế giao cho hắn đã hoàn thành cả rồi.
Quốc Tuấn reo lên:
- Vậy thì tốt quá rồi…!
Quan Trung sứ nói tiếp:
- Viên tướng trẻ này cũng có một phần công lớn trong chiến thắng của Nhân Huệ vương đấy ạ!
Quan Trung sứ lúc này mới đem toàn bộ công trạng và sự hy sinh anh dũng của những người lính cảm tử trong đội quân của Trí Thắng ra tâu bày trước mặt mọi người. Thượng hoàng Thánh Tông nghe xong xúc động nói:
- Đất mẹ Đại Việt ta có được những người con can trường như vậy thì lũ giặc kia trước sau gì cũng phải thua thôi! - Quay sang Quốc Tuấn Thượng hoàng Thánh Tông hỏi - Hiền huynh có cần phải hỏi thêm gì quan Trung sứ nữa không?
Quốc Tuấn lắc đầu:
- Thần không hỏi gì nữa mà chỉ muốn nói với ông ấy một câu nữa thôi?
Thượng hoàng giục:
- Vậy hiền huynh nói đi… rồi ta cùng bàn kế sách đánh giặc.
- Vâng!
Quốc Tuấn vâng lệnh, ông quay sang phía viên quan Trung sứ chắp tay nói:
- Quốc Tuấn tôi có lời cảm ơn quan Trung sứ… vì ngài đã đồng ý cho Nhân Huệ vương lui lại mấy hôm để ông ta có cơ hội đánh thắng một trận có ý nghĩa hết sức quan trọng, trận thắng đó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến lần này… Vậy tôi có lời cảm ơn ngài…!
- Ấy chết… tôi có công gì đâu mà Quốc công phải cảm ơn như vậy…? Đấy chẳng qua là nhờ ân đức của tiên đế và hồng phúc của Thượng hoàng và Quan gia mà thôi! - Vừa nói quan Trung sứ vừa chắp tay ra hiệu cáo lui - Bây giờ thần xin phép được lui ra để Thượng hoàng bàn đại sự ạ.
Thượng hoàng Thánh Tông vừa khẽ vẫy tay vừa gật đầu đồng ý cho quan Trung sứ lui ra rồi quay lại hỏi Quốc Tuấn:
- Bây giờ hiền huynh định liệu thế nào?
- Tâu Thượng hoàng! Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị ta đánh chiếm thì sớm muộn bọn Thoát Hoan cũng phải cuốn xéo về nước. Vậy nay có hai đường hướng cần phải lựa chọn để có kế sách phù hợp mong Thượng hoàng và Quan gia quyết định ngay cho?
- Được! Vậy để nghe huynh nói ra các đường hướng đi đã?
- Đường hướng thứ nhất là ta chỉ cần phòng thủ cầm cự để chờ đến lúc giặc lui binh thì sẽ cho quân sĩ đuổi đánh, giết được tên nào thì giết miễn là đuổi giặc ra khỏi bờ cõi...
- Còn đường hướng thứ hai thì sao? - Vua Nhân Tông sốt ruột hỏi:
- Còn đường hướng thứ hai là ta sẽ chủ động đánh đuổi để giết bằng sạch lũ giặc kia đi.
Thượng hoàng suy nghĩ một lát rồi nói:
- Cách thứ nhất thì sẽ tránh được hy sinh mất mát, giữ được tình giao hảo sau này với Bắc triều… nhưng lại mất nhiều thời gian vì không biết bao giờ chúng mới chịu rút đi… Cách thứ hai thì sẽ phải hy sinh tính mạng của quan quân, gây khó khăn trong quan hệ thời hậu chiến nhưng lại có thể đập tan giấc mộng xâm lược của bọn chúng… - Thượng hoàng phân tích nhưng bỏ lửng không đưa ra quyết định, ngài quay sang vua Nhân Tông hỏi - Vậy… ý Quan gia thế nào?
- Bẩm phụ hoàng! Con cũng đang phân vân… hay là ở đây chúng ta có ba người vậy thử cùng viết ra tay xem ý thế nào rồi hãy quyết định?
- Được! Làm thế đi cho nhanh… - Thượng hoàng quay sang chỗ người hầu đang đứng ở bên cạnh bảo - Ngươi mau mang ba cái bút và một nghiên mực ra đây cho ta!
Khi người hầu mang đủ bút mực trình ra, Thượng hoàng đưa tay cầm lên một chiếc bút rồi nói:
- Bây giờ chúng ta chỉ có hai chữ là CÔNG và THỦ, vậy ai có ý thế nào thì viết ra tay như thế.
Vua Nhân Tông và Quốc Tuấn đồng thanh đáp:
- Vâng!
- Vâng!
Vua Nhân Tông và Quốc Tuấn mỗi người cùng cầm lấy bút, ba người chấm mực rồi lén viết ra lòng bàn tay trái. Sau đó cả ba đặt trả bút cho tên người hầu rồi cùng giơ nắm tay đặt lên bàn. Thượng hoàng đếm một… hai… ba…, cả ba người cùng xòe bàn tay ra thì cả ba chữ đều có các nét giống nhau đó chính là chữ “CÔNG”. Thượng hoàng cười phá lên:
- Ha… ha… ha… Vậy là chúng ta đồng lòng rồi nhé…! Vậy hiền huynh mau nêu ra kế sách đi?
- Vâng! Nếu đã quyết đánh thì thần có một kế… không… phải gọi là liên hoàn kế mới đúng…
- Liên hoàn kế ư?
- Vâng! Đầu tiên ta phải đánh chặn tất cả mọi ngả đường tiếp tế của giặc và không cho chúng tìm được lương thực trên đất của ta, bắt chúng phải sớm lui binh. Thứ hai, ta phải đánh thật mạnh kết hợp với nghi binh trên tất cả các cửa sông Ba Lạt, Thái Bình, Diêm Hộ, Trà Lý, Đại Bàng để không cho thủy quân của Ô Mã Nhi quay về Thăng Long hoặc Vạn Kiếp bằng các cửa sông trên, ta bắt chúng chỉ được đi ra đi vào bằng một cửa Nam Triệu. Cuối cùng ta sẽ bố trí bộ binh và một lực lượng thủy binh kết hợp với một trận địa cọc ngầm tại cửa các chi lưu của sông Bạch Đằng để tiêu diệt hết thủy binh của giặc và cuối cùng, ta sẽ bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng bộ binh của Thoát Hoan.
Thượng hoàng Thánh Tông nghe Quốc Tuấn trình bày xong liên hoàn kế thì phân vân hỏi:
- Hiền huynh định đánh trận Bạch Đằng thứ ba sao?
- Vâng!
Vua Nhân Tông nhớ lại buổi nói chuyện trước ngày xuất quân ở kinh thành Thăng Long năm ngoái thì sốt sắng hỏi:
- Nhưng liệu hoàng bá có làm được không?
Quốc Tuấn tự tin nói:
- Quan gia yên tâm, thần cũng đã có sự chuẩn bị rồi... Khó nhất là làm sao dụ được bọn chúng đi theo đúng ý của mình thôi!
Thượng hoàng Thánh Tông ngẫm nghĩ thấy rằng để có thể làm được đúng như liên hoàn kế kia thì thật là vô vàn khó khăn, ngài hỏi Quốc Tuấn:
- Hiền huynh đã nghĩ đến liên hoàn kế kia… nhưng liệu đã có cách gì để thực hiện được nó chưa?
- Trước hôm ở Thăng Long về đây thần đã nhận được tin từ Nguyễn Thế Lộc từ mặt trận phía Bắc, hắn báo cáo là đã đánh đuổi được bọn Lê An, Lê Tắc chạy về bên kia biên giới. Thần đã gửi thư lệnh yêu cầu hắn phải kiểm soát thật chặt biên giới không cho Thoát Hoan có thể thư từ qua lại với Bắc triều... Thần sẽ viết tiếp một bức thư lệnh gửi cho Trịnh Giác Mật phía lộ Đà Giang để cho hắn thực hiện những điều tương tự… Bây giờ thần chỉ còn lo rằng bọn giặc kia sẽ đi tìm và cướp bóc lương thực của ta.
Vua Nhân Tông nói:
- Vậy để ta truyền chỉ cho tất cả các địa phương phải gấp rút cất giấu lương thực cho thật kỹ. Nếu không cất giấu kịp thì phải đốt bỏ chứ không được để rơi vào tay giặc.
- Quan gia cứ cho một đạo chỉ như vậy là được - Thượng hoàng Thánh Tông gật đầu đồng tình.
Quốc Tuấn nói thêm:
- Thần nghĩ… có thể ta phải hy sinh cả một vụ lúa chiêm năm nay nữa!
- Hoàng bá nói vậy là sao?
- Nếu dân ta cứ trồng cấy vụ chiêm này thì giặc có thể cố ở lại để đợi đến vụ thu hoạch mà cướp lấy.
- Đúng… đúng! - Vua Nhân Tông gật gù - Vậy để ta ra lệnh cho dân chúng phải bỏ qua vụ chiêm này… không được cấy hái gì hết.
Thượng hoàng Thánh Tông vội nhắc nhở:
- Quan gia chỉ cần lệnh cho các phủ, huyện, hương, xã gần chiến trường thôi. Còn các nơi khác thì vẫn phải cấy hái để còn có gạo nuôi quân chứ…? Cùng lắm thì ta sẽ phá bỏ đi sau vậy.
- Dạ! Phụ hoàng dạy phải, con quên mất.
Quốc Tuấn muốn chuyển đề tài:
- Như vậy là xong bước một là cắt đứt được đường tiếp lương của giặc. Giờ ta bàn đến bước tiếp theo là cách đánh và dẫn dụ thủy binh của Ô Mã Nhi.
- Hiền huynh cứ nói tiếp đi? - Thượng hoàng Thánh Tông giục.
- Bữa trước ở Thăng Long, thần có nói với Thượng hoàng là nếu có chạy giặc thì chạy về mạn Hoan Ái?
- Đúng! Huynh có dặn ta như vậy!
- Giờ… thì thần lại muốn Thượng hoàng và Quan gia thân chinh dụ chúng ra phía cửa biển Đại Bàng một phen?
- Ta có sá gì đâu mà không dám thân chinh? - Thượng hoàng Thánh Tông có vẻ hăng hái - Nhưng hiền huynh muốn ta dụ chúng ra đó làm gì?
- Thần muốn đánh một trận thật lớn tại cửa biển Đại Bàng, xin Thượng hoàng cho người gấp rút đi trước gọi Khánh Dư đưa quân về bố trí trận địa và mai phục sẵn ở đó… đợi đến khi thuyền rồng dẫn giặc tới thì đổ ra mà đánh.
- Được! Ta sẽ cho người đi gọi gấp… Nhân tiện ta cũng muốn ban thưởng cho Nhân Huệ vương mười bình ngự tửu vì chiến công xuất thần kia nữa.
Quốc Tuấn suy nghĩ thêm một lát rồi lại nói:
- Tâu Thượng hoàng và Quan gia! lúc nãy quan Trung sứ có nhắc đến một tướng trẻ của thần đã có công giúp cho Nhân Huệ vương đánh trận Vân Đồn… hắn hiện đang cầm trong tay ba ngàn lính thủy binh rất tinh nhuệ nên thần cũng muốn gọi hắn về cửa biển Đại Bàng. Vậy xin Thượng hoàng cho quan Trung sứ ban nãy ra hoang đảo gọi người của thần về vì chỉ có ông ấy mới biết đảo đó nằm ở đâu.
- Được…! Vậy để ta sai ông ta đến chỗ Khánh Dư trước rồi tiện đường tạt qua đó luôn thể… Vậy huynh mau viết thư đi!
- Vâng!
Thượng hoàng Thánh Tông lại cho người đi gọi quan Trung sứ tới, đồng thời cũng sai người đi chuẩn bị mười bình ngự tửu. Trong khi đó Quốc Tuấn tranh thủ ngồi xuống viết một bức thư lệnh gửi cho Trí Thắng. Ông lệnh cho viên tướng trẻ phải mang toàn bộ số quân và một nửa số cọc gỗ kia theo quân của Trần Khánh Dư về cửa biển Đại Bàng cùng bàn cách mai phục, chặn đánh thuyền giặc rồi phải chờ lệnh ông ở đó. Sau khi giao ngự tửu và thư của Quốc Tuấn cho quan Trung sứ xong xuôi đâu đó, Thượng hoàng Thánh Tông quay lại nói với vua Nhân Tông và Quốc Tuấn:
- Mọi việc như vậy coi như đã tạm ổn… Bây giờ ta phải nghĩ cách giải vây cho Thăng Long cái đã…
Vua Nhân Tông thấy nét mặt cha có vẻ tươi tỉnh bèn hỏi:
- Thưa Phụ hoàng! chắc phụ hoàng đã có cao kiến gì rồi?
Thượng hoàng Thánh Tông gật đầu:
- Ban nãy quan Trung sứ có đưa về mấy tên tù binh do Khánh Dư dâng lên. Ta sẽ lệnh cho thả mấy tên tù binh đó ra để chúng về báo tin cho chủ của chúng biết hết sự việc. Khi biết tin này thì Thoát Hoan may ra sẽ chịu lui binh… Ý ta như vậy hiền huynh thấy sao?
Quốc Tuấn cũng gật gù:
- Thượng hoàng làm vậy rất hay…! Đỡ được cho Chiêu Văn vương một chút công sức… nhưng xin Thượng hoàng hãy lui lại cho mấy hôm đã.
- Huynh muốn làm gì chúng à?
- Không, Thần muốn đợi cho đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đi qua đã rồi mới cho bọn này về báo cho Thoát Hoan. Như vậy Ô Mã Nhi sẽ không được biết đến hung tin kia nên hắn tất lại phải tìm cách quay lại Thăng Long để hội binh với Thoát Hoan.
Vua Nhân Tông góp lời:
- Như vậy ta sẽ phải kiểm soát thật kỹ đề phòng Thoát Hoan ra lệnh cho Ô Mã Nhi rút quân luôn không quay lại hội binh nữa.
- Quan gia thật sáng suốt!
*
* *
Vừa lúc đoàn thuyền quan quân nhà Trần tiến ra đến gần cửa Ba Lạt thì gặp ngay một đoàn binh thuyền rất đông đang lừng lững ngược dòng sông Cái tiến vào. Thấy mọi người trên các thuyền khác lao xao chỉ trỏ, cả ba người cùng vội đứng dậy trông ra, Thượng hoàng Thánh Tông lẩm bẩm:
- Có lẽ quân Lê Phụ Trần về đó chăng?
Quốc Tuấn mừng rỡ reo lên:
- Thế thì thật là may mắn quá!
- Đúng rồi…! Vua Nhân Tông ít tuổi nên mắt vẫn tinh và nhìn được xa hơn bậc cha chú - Phụ hoàng và hoàng bá trông kìa…! Kia không phải là cờ hiệu của quân Trần ta sao?
- Ừ…! Đúng rồi…!
*
* *
Đây đúng là đoàn thuyền của Lê Phụ Trần kéo về bảo vệ Thăng Long theo lệnh gọi của Thượng hoàng Thánh Tông. Một lát sau, khi thuyền của Lê Phụ Trần tiến sát đến bên thuyền ngự, viên chiến tướng bước lên thuyền rồng cúi đầu lạy và nói:
- Thần có tội đã không kịp về hộ giá để Thượng hoàng và Quan gia phải một phen vất vả!
- Khanh mau đứng lên đi! - Thượng hoàng Thánh Tông đưa tay mời Lê Phụ Trần đứng dậy - Khanh về kịp thế này là tốt rồi…! Mau báo cáo tình hình quân cơ cho chúng ta đây được biết xem nào?
- Nhận được lệnh đòi gấp của Thượng hoàng, thần lập tức chia đôi đường thủy bộ cùng tiến. Nay thủy binh có hơn ba trăm thuyền lớn nhỏ, quân hai vạn. Bộ binh có một vạn trong đó có năm ngàn kỵ binh. Thủy binh nay đã đến đây còn bộ binh chắc cũng sắp đến, tất cả đều có thể sẵn sàng chiến đấu... À còn một việc nữa, thần đóng binh trong đó có quan hệ với các chủ sách động ở bên kia biên giới Ai Lao nên có trao đổi được năm thớt voi chiến, hiện đã được huấn luyện rất tinh thạo… Nay xin được dâng lên Thượng hoàng hai thớt, Quan gia hai thớt và Quốc công Tiết chế đây một thớt…
- Hay quá!
- Tốt…! Tốt quá! - Quốc Tuấn nghĩ đến sự góp mặt của Lê Phụ Trần vào thế trận ở cửa biển Đại Bàng nên luôn mồm khen tốt, Thượng hoàng Thánh Tông thấy vậy giục:
- Vậy Tiết chế giao ngay việc cho Lê tướng quân đi!
- Vâng! - Lê Phụ Trần phấn chấn quay sang Quốc Tuấn nói - Nghe nói Ô Mã Nhi đang truy đuổi quan quân rất là ráo riết… Tiết chế để tôi đánh một trận bắt sống hắn nộp Thượng hoàng và Quan gia.
Quốc Tuấn biết Lê Phụ Trần chưa biết rõ sức mạnh và sự lợi hại từ những chiếc thuyền lớn trong đám binh thuyền của Ô Mã Nhi, ông nhắc nhở:
- Tướng quân không nên khinh địch như thế… Thủy binh của Ô Mã Nhi hiện nay đã được huấn luyện rất kỹ, chúng thực sự rất mạnh và điều đáng lưu ý nữa là thủy binh của chúng có nhiều chiến thuyền lớn, thành chắc mạn cao… nếu ta cứ đánh trực diện thì sẽ rất bất lợi…
Lê Phụ Trần đang hăng hái nghe nói vậy thì hỏi:
- Vậy Tiết chế bảo tôi phải làm sao?
Quốc Tuấn suy nghĩ thêm một lúc rồi mới quay sang nói:
- Tướng quân hãy mau kéo thủy binh của mình lui lại cửa Ba Lạt rồi phải đi về hướng Hoan Ái khoảng vài chục dặm để không cho Ô Mã Nhi biết, chờ cho hắn đuổi theo thuyền ngự thì cứ bí mật bám đuổi theo sau… khi đến vùng cửa biển Đại Bàng bất cứ lúc nào hễ thấy phía trước có giáp chiến thì cứ xông vào mà đánh... Như vậy ta sẽ đánh cả hai mặt trước sau thì mới có thể chắc thắng được. Nhưng nhớ là khi giặc lui ra ngoài thì Tướng quân cũng phải vừa cản vừa rút ra biển trước.
- Nghĩa là thủy quân của tôi không được phép lên bờ?
- Đúng vậy! Ta cần phải duy trì một đoàn chiến thuyền luôn luôn bám sát đằng sau lưng chúng. Tướng quân chỉ cần cho các thuyền lấy lương ăn và nước uống vào bờ là được rồi.
- Vâng! Tôi hiểu rồi…! Thế còn bộ binh của tôi thì sao?
- Bộ binh của tướng quân có đến đây ngay thì cũng phải đợi cho đến khi đám binh thuyền của Ô Mã Nhi đi qua hết đã thì mới chia nhau ra lập trại trên các cửa sông Ba Lạt, Thái Bình, Diêm Điền… bằng mọi giá không được để cho Ô Mã Nhi quay lại Thăng Long theo các nhánh sông đó.
Lê Phụ Trần suy nghĩ rồi tỏ vẻ lo lắng:
- Tiết chế tính lại xem sao chứ… tôi chỉ có một vạn quân bộ mà lại phải chia ra trấn giữ ba, bốn cửa sông thì làm sao mà có thể giữ được?
- Tôi cũng biết là vậy… nhưng trước mắt do quân ít, chúng ta cần phải tập trung lại để có thể thắng một trận tại cửa Đại Bàng đã…- Dừng lại một lát để nhìn mọi người, Quốc Tuấn nhấn mạnh - Trận này chúng ta bắt buộc phải thắng… Còn các cửa biển khác thì tướng quân có một vạn quân bộ phải chia ra rồi một mặt cho lập trại bố phòng nhưng một mặt phải cho người làm công tác nghi binh làm sao cho quân giặc khi nhìn vào phải tưởng rằng quân ta có rất đông người… Tôi có ý muốn duy trì một đoàn chiến thuyền ngoài biển cũng là có ý để đánh đuổi giặc mỗi khi chúng có ý định đi vào một cửa biển nào đó…
Lê Phụ Trần vẫn phân vân:
- Nhưng nếu ta nghi binh mà chúng vẫn không sợ… chúng vẫn cứ đánh vào thì sao?
- Trong trường hợp đó thì đoàn chiến thuyền ngoài biển cứ đuổi theo đằng sau mà đánh còn đội quân bên trong thì phải vừa cố đánh trả vừa lui sao cho chúng phải đi thật chậm… còn đâu thì để ta tính tiếp sau vậy… giờ không có nhiều thời gian…
Lê Phụ Trần thấy Quốc Tuấn có ý muốn dừng câu chuyện tại đây thì nói:
- Tôi đã rõ hết cả rồi…! Vậy là phải cho thuyền quay lại… Hoan Ái.
- Đúng như vậy! Tướng quân đi mau đi kẻo lại bị bại lộ cơ sự!
Lê Phụ Trần quay sang nhìn Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông như ngầm hỏi có được phép nghe theo lời của Quốc Tuấn hay không, Thượng hoàng Thánh Tông biết ý bèn nói:
- Tướng quân mau thi hành theo lệnh của Tiết chế ngay đi!
- Vâng…! Vậy thần xin cáo từ!
*
* *
Trần Khánh Dư nhận được mật lệnh của Thượng hoàng Thánh Tông thì vội vã thu xếp hành lý, đốc thúc quân sĩ gióng buồm lên đường tiến thẳng về phía cửa biển Đại Bàng. Vũ Trí Thắng cũng đã nhận được thư của Quốc Tuấn nên hẹn với Khánh Dư để đi theo. Khi đến nơi, hai người cùng nhau đi xem xét địa thế cửa Đại Bàng một lượt rồi chia quân ra phục sẵn ở các luồng lạch hai bên cửa sông chờ đợi.
Đúng sáng mồng tám Tết, thuyền rồng hai vua Đại Việt cùng các thuyền chở quan quân nhằm hướng cửa biển Đại Bàng chạy tới. Ngay phía sau Thái sư Trần Quang Khải chỉ huy các chiến thuyền vừa bám theo thuyền rồng vừa đánh chặn các chiến thuyền của giặc. Gần tới cửa Đại Bàng, đoàn thuyền rồng tụ cả nhau lại vẻ như phân vân chưa biết nên đi tiếp theo hướng ngoài biển lên Tháp Sơn hay rẽ vào cửa Đại Bàng để chạy vào trong sông.
Ô Mã Nhi thấy thế càng hăng hái thúc giục thủy binh đuổi theo, hai đoàn thuyền mỗi lúc một gần nhau hơn và đến giờ chỉ còn cách nhau hơn một tầm tên bắn. Ô Mã Nhi đắc chí tưởng phen này chắc chắn sẽ bắt sống được hai vua Đại Việt, nghĩ vậy, y cho viết mấy chữ lên dải lụa trắng rồi sai buộc vào tên đem bắn sang cánh buồm của một chiến thuyền Đại Việt đang ở gần nhất.
Bên quân nhà Trần, sau một lúc tụ lại thì các thuyền bắt đầu chạy toán loạn vào trong cửa Đại Bàng. Thái sư Trần Quang Khải cũng không mải quyết chiến mà cũng vội vã cho lính chèo thuyền đi vào sông theo thuyền rồng. Một tiểu tướng trình lên Thái sư một mũi tên có buộc theo một tấm lụa trắng. Quang Khải nhận lấy giở tấm lụa ra xem thì ra là một thư nhắn láo xược của Ô Mã Nhi gửi tới hai vua: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi chạy lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước”. Quang Khải đọc xong tức giận chỉ sang thuyền giặc nói:
- Lũ rợ Hồ láo xược kia…! Chút nữa chúng mày sẽ phải trả giá!
Bên kia, Ô Mã Nhi càng lấy làm đắc ý sau khi gửi lời thách thức tới hai vua Đại Việt. Khi thấy đoàn thuyền rồng nháo nhác chạy vào trong sông thì lấy làm mừng lắm, không suy tính gì cả, y vội hô quân sĩ đuổi theo đồng thời truyền lệnh cho ba quân tướng sĩ:
- Tên nào bắt được vua Đại Việt sẽ được thưởng một ngàn lạng vàng.
Quân sĩ các thuyền nghe nói được thưởng những một ngàn lạng vàng thì hò reo phấn khích như đã thắng trận rồi. Các thuyền đua nhau chèo gấp để đuổi theo thuyền rồng. Song đuổi được chừng vài dặm thì bất ngờ từ các ngòi lạch nhỏ phía hai bên bờ có rất nhiều chiến thuyền Đại Việt bất ngờ xông ra, quân sĩ trên các thuyền hò reo vang dậy. Các chiến thuyền phía trước của Thái sư Trần Quang Khải cũng không chạy nữa mà nhất loạt quay ngược trở lại để đánh xuống. Tiếng hô Sát Thát vang lên từ cả ba mặt sông khiến quân sĩ của Ô Mã Nhi vô cùng khiếp sợ.
Ô Mã Nhi vừa mới đang còn đắc ý thì chợt giật mình kinh sợ bởi những tiếng hô Sát Thát dậy trời, nhìn ra xung quanh thì lửa đã bốc cháy lên ngùn ngụt. Chưa biết quân Trần nhiều ít ra sao mà chỉ thấy tên lửa bắn sang như mưa rào, Ô Mã Nhi vội cuống cuồng truyền lệnh lui quân. Quân sĩ trên các thuyền cũng đang hoảng hốt nên khi được lệnh rút lui bèn tranh nhau chạy ra cửa biển Đại Bàng. Trái ngược hoàn toàn với cảnh hùng hổ lúc đi vào, đoàn chiến thuyền quân giặc lúc này gần như là bị hoảng loạn. Tướng sĩ trên các thuyền không ai còn lo đến đánh mà chỉ lo tìm đường hở ra để cho thuyền chạy vào đó, khi đến gần cửa biển Đại Bàng, chúng tưởng đâu đã sắp thoát được ra biển.
Bất ngờ một đoàn thuyền chiến từ bên tả cửa Đại Bàng lại xông ra chắn hết cả lối ra biển. Tiếng hô Sát Thát lúc này lại càng vang vọng hơn, Ô Mã Nhi chỉ còn biết ra lệnh mở đường thoái lui.
Đang lúc luống cuống, Ô Mã Nhi bỗng lại giật mình bởi một chiếc thuyền nhỏ của Đại Việt đã áp sát mạn vào thuyền mình. Hắn vội vàng ra lệnh cho quân sĩ dùng trường giáo đâm sang để ngăn không cho quân Đại Việt có thể bám trèo lên thuyền. Đám lính Đại Việt thấy mấy người đã bị giáo đâm ngã thì chùn hẳn lại, song một viên tướng trẻ măng, cầm một thanh kiếm sáng loáng trong tay đã lao đến gạt đám lính ra, anh vung gươm lên, mỗi nhát kiếm chém ra, cán giáo đứt rơi xuống hàng loạt. Đám quân lính của Ô Mã Nhi trong phút chốc trở thành tay không nên hoảng sợ bỏ chạy. Viên tướng trẻ đứng bên kia thuyền thét lên:
- Tên tặc tướng Ô Mã Nhi đâu…! Mau ra đây ta chỉ chỗ Thượng hoàng ta ở cho mà bắt…!
Ô Mã Nhi mặt cắt không còn một hột máu tưởng đâu sắp phải chịu trói… Bỗng một chiếc thuyền lớn lao vào giữa, tách thuyền của Ô Mã Nhi ra khỏi thuyền Đại Việt. Ô Mã Nhi nhìn kỹ thì ra là thuyền của Lưu Khuê. Lưu Khuê từ xa thấy chủ tướng đang bị lâm nguy thì xông đến cố sức đánh đuổi thuyền Đại Việt kia rồi bảo vệ thuyền Ô Mã Nhi rút chạy.
Phàn Tiếp lúc này cũng đang dẫn đầu một tốp thuyền lớn đánh ra mở đường, các thuyền khác cũng cố sống cố chết để bám theo đằng sau… Khi ra được đến ngoài biển, Ô Mã Nhi lúc đó mới kịp hoàn hồn, y cho kiểm tra lại chiến thuyền thì thấy mất hơn ba trăm chiếc thuyền cỡ nhỏ và trung. May mắn cho y, hơn năm trăm thuyền trong đó có hơn hai trăm thuyền lớn, phần chủ lực của đoàn binh thuyền vẫn còn nguyên vẹn.
*
* *
Bên này Quốc Tuấn cắt đặt các tướng lĩnh lập trại bố phòng để đề phòng Ô Mã Nhi chỉnh đốn binh thuyền tấn công trở lại. Xong xuôi mọi công việc, vị tướng già tìm đến chỗ Trí Thắng, hỏi mãi đến mấy lần mới biết Trí Thắng lại đang cho người đo đạc kích thước các chiến thuyền vừa mới bắt được của giặc. Nhìn qua một lát, vị tướng già chợt hiểu ngay mục đích công việc mà viên tướng trẻ đang làm.
Quốc Tuấn ban đầu do không biết Lê Phụ Trần có thể về kịp nên đã phải sử dụng đến đội quân chuyên biệt của Trí Thắng. Ông cũng rất muốn cất giấu thật kỹ lực lượng này song một phần do thế giặc đang rất mạnh, nếu để ba ngàn người này nằm im một chỗ thì quả là lãng phí, một phần do cần phải sử dụng một khối lượng lớn gỗ lim kia để lập ra các thủy trại trên các cửa sông nên ông đành phải cho đội quân của Trí Thắng lộ diện. Quốc Tuấn đứng đợi cho Trí Thắng xong xuôi công việc, ông mới tiến đến sát bờ gọi Trí Thắng lên để hỏi chuyện:
- Thế nào…? Đã xong việc chưa chàng trai?
Trí Thắng giật mình bởi tiếng gọi, ngước mắt nhìn lên bờ thấy vị tướng già cùng mấy người lính cận vệ đang đứng ở đó từ bao giờ rồi, anh mừng rỡ chạy lên chỗ Quốc Tuấn đang đứng cất tiếng chào:
- Con vừa làm xong rồi! Tiết chế có khỏe không ạ?
- Ta khỏe lắm! - Quốc Tuấn cũng tỏ ra rất phấn khởi khi gặp lại viên tướng trẻ của mình - Công việc ta giao cho thế nào rồi?
- Con cũng đang định xong việc ở đây thì tìm tới Tiết chế để báo cáo… vậy mà Tiết chế lại tới đây rồi!
- Không sao! Thế các bè cọc gỗ vẫn an toàn đấy chứ?
- Dạ vâng, chỗ đó mà giấu cọc thì quá yên tâm ạ…
Trí Thắng nghĩ đến ba ngàn cọc đã phải mang về đây theo lệnh của Quốc Tuấn thì có vẻ lo lắng nên nói tiếp:
- Chỉ có điều là ba ngàn cọc đã chuyển về đây theo lệnh Tiết chế thì sau này khi cần dùng đến sẽ bị thiếu mất?
- Ta cũng biết như vậy… song việc lập trại ở đây cũng rất cần thiết nên ta bất đắc dĩ mới phải dùng đến số cọc này. Ta sẽ bảo Dã Tượng chuẩn bị ba ngàn cọc khác cho ngươi vậy.
- Vâng! Vậy thì tốt quá…! con đang lo thiếu cọc mà ở vùng đồng bằng như thế này một cây cũng không có thì không biết kiếm ở đâu cho đủ… À… - Trí Thắng như chợt nhớ ra điều gì - Con đã có hơn bốn ngàn cọc rồi… Tiết chế chỉ cần bảo tướng quân Dã Tượng lo thêm cho hai ngàn cọc nữa thôi là đủ.
- Vậy à? Nhưng sao lại còn hơn bốn ngàn?
Trí Thắng vui vẻ kể lại việc đo đạc độ sâu ngập nước của chiến thuyền giặc và sáng kiến cắt đôi cây cọc dài của Lý Văn Nhạ cho Quốc Tuấn nghe. Nghe xong Quốc Tuấn tỏ ra rất vui mừng, ông đưa tay chỉ xuống chiếc thuyền mà Trí Thắng vừa đứng đo đạc dưới đó hỏi:
- Ngươi nói đã tính toán và cắt hết cọc rồi, vậy sao vẫn còn đo chiếc thuyền giặc kia vậy?
Trí Thắng lí nhí đáp:
- Con… con chỉ kiểm tra lại xem chúng có cùng một cỡ không để có gì còn điều chỉnh lại cho phù hợp.
- Vậy à…! - Quốc Tuấn thầm cảm phục tính cẩn thận của viên tướng trẻ - Thế chúng có giống nhau không?
- Dạ, con đo kỹ rồi! - Trí Thắng lại quay lại vẻ hoạt bát thường thấy - Như vậy là các thuyền lớn của chúng nó có cùng một cỡ dài rộng như nhau. Con đã có cơ sở để bố trí mật độ cọc rồi xin Tiết chế yên tâm.
Quốc Tuấn đưa tay lên vỗ vỗ lên vai chàng trai trẻ, ông chậm rãi nói:
- Cái đó ta tin hoàn toàn ở ngươi, thôi ta phải đến chỗ Thượng hoàng và Quan gia để mừng công đã. Hẹn gặp lại ngươi sau nhé!
- Vâng! Nhưng… Con…
- Sao thế?
- Con muốn biết việc của con ở đây là sẽ làm gì?
- Thôi chết…! Ta quên khuấy đi mất - Vị tướng già lẩm bẩm - đã định nói với ngươi rồi mà lại quên. Bây giờ trong ba ngàn cọc kia sẽ giao cho Nhân Huệ vương năm trăm để lập trại tại đây. Còn hai ngàn rưởi sẽ giao cho Lê Phụ Trần sử dụng… Còn đội quân vũ dũng của ngươi thì sẽ cùng với Nhân Huệ vương đánh giặc, ngăn không cho chúng đi vào cửa sông.
- Vâng con hiểu rồi!
- Chưa hết! Ngươi phải nhớ là nhiệm vụ bí mật kia mới là nhiệm vụ chính nên quân sĩ ngoài lúc lâm trận ra thì phải đóng trại biệt lập và không được cho lính tự do đi lại.
- Vâng, con nhớ rồi!
- Thế nhé! Ta đi đây!
- Vâng, con chào Tiết chế!
*
* *
Trong lúc đó, các vị bô lão trong một ngôi làng gần ngay cửa biển Đại Bàng đã tìm đến để chào hỏi rồi rước Thượng hoàng và vua Nhân Tông đến tạm nghỉ ở trong ngôi đình mới của làng. Nhân dân các hương, xã hai bên cửa Đại Bàng nghe tin quan quân vừa thắng một trận lớn lại biết có hai vua đang cùng ở cả đó thì đồng loạt cử người mang đến dâng lên rất nhiều các loại lễ vật, hải sản trong vùng để cho quan quân ăn mừng chiến thắng.
Khi Quốc Tuấn tới được ngôi đình, Thượng hoàng Thánh Tông đang chăm chú đọc một tấm lụa trắng do Thái sư Trần Quang Khải trình lên. Đọc xong, ngài có vẻ rất tức giận:
- Thằng ranh con! Ta mà bắt được mày thì… - Vừa lúc trông ra thấy vị tướng già đang đi vào, ngài gọi - Tiết chế… mau đến xem này!
Quốc Tuấn đưa hai tay đỡ lấy tấm lụa trắng từ tay Thượng hoàng, ông chăm chú đọc hết câu rồi vừa cười vừa vuốt chòm râu dài nói:
- Ha… ha… ha… Ngông cuồng…! Thật là ngông cuồng…!
Quay sang Thượng hoàng và vua Nhân Tông, Quốc Tuấn chậm rãi nói:
- Xin Thượng hoàng và Quan gia chớ để tâm đến những việc cỏn con này mà ảnh hưởng đến long thể. Thằng tướng giặc đó giờ này chắc đang nghĩ đến những dòng chữ này mà thêm phần nhục nhã.
- Hoàng bá nói phải đấy! - Vua Nhân Tông đồng tình với Quốc Tuấn rồi quay qua động viên cha - Xin Phụ hoàng chớ bận tâm nhiều đến việc này!
- Phải…! Phải… - Thượng hoàng Thánh Tông nghe hai người nói vậy thì vui vẻ trở lại - Giờ là lúc chúng ta phải bàn kế sách đánh giặc mới phải… Như vậy là ta thắng được hai trận rồi nhỉ?
Thượng hoàng Thánh Tông nói vậy thì nhớ tới trận thắng đầu tiên của Trần Khánh Dư, ngài nhìn xung quanh không thấy Nhân Huệ vương đâu bèn hỏi quần thần:
- Sao Khánh Dư vẫn chưa đến nhỉ? Ta đã cho người đi gọi từ nãy rồi mà!
- Tâu Thượng hoàng, ngay sau trận đánh, thần đã có lệnh cho Nhân Huệ vương phải khẩn trương lập trại đề phòng Ô Mã Nhi tái chiến... Vậy nên chắc người của Thượng hoàng chưa thể tìm được Nhân Huệ vương ngay đâu.
- Vậy à…! Ta muốn gặp Nhân Huệ vương để ban thưởng cho hắn vì trận thắng quan trọng hôm trước.
Vua Nhân Tông quay sang cha nói:
- Thưa phụ hoàng! Bữa trước ở ải Hải Thị, con có khất với các quan một bữa tiệc nhẹ mừng công của hoàng thúc Nhân Huệ vương. Nay lại có thêm trận thắng này… xin phép phụ hoàng cho mở tiệc luôn tại đây có được không ạ?
- Được…! Được chứ…! Chúng ta phải mở đại tiệc mới được chỉ có điều không ai được quá chén vì bọn giặc vẫn đang còn ở ngoài kia. - Thượng hoàng vừa nói vừa vung tay chỉ ra phía cửa biển, ngài nhìn sang Quốc Tuấn hỏi - Ta nói vậy có phải không vương huynh?
- Vâng! Thượng hoàng dạy rất phải!
Vua Nhân Tông thấy bậc cha chú đồng tình thì cười rồi gọi:
- Quan Hành khiển đâu….! Chuẩn bị đại tiệc để mừng chiến thắng!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com