Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 17: Khơi sông đánh giặc

Quốc Tuấn vừa viết xong một bức thư lệnh gửi cho Lê Phụ Trần, một mặt nhắc lại việc lập trại trên tất cả các cửa sông, nếu khi quân giặc kéo vào thì phải ra sức ngăn lại. Mặt khác dặn dò đoàn chiến thuyền ngoài biển chỉ cần bám sát theo đoàn thuyền giặc mà không cần phải đánh. Thấy chúng tiến thì cùng tiến, mà hễ thấy chúng lui thì phải chạy đi trước. Chỉ khi nào thấy chúng kéo vào trong cửa sông thì mới ập lại mà đánh hai mặt trước sau. Quốc Tuấn còn dặn phải lệnh cho tất cả các đồn kiểm soát thật kỹ mọi ngả đường thủy bộ sao cho phải bắt được hết các tốp lính đưa tin của Thoát Hoan và Ô Mã Nhi khiến cho các tướng giặc không thể tin tức đi lại cho nhau được.

Sau khi trao thư cho tên lính viễn thám đem tới cho Lê Phụ Trần, Quốc Tuấn đứng nhìn bóng ngựa đi khuất hẳn mới quay lại thư án. Ông ngồi một mình nghĩ ngợi về một kế hoạch táo bạo của mình, sở dĩ ông gọi là kế hoạch táo bạo vì đó là một việc lớn cần phải huy động mấy vạn người một lúc để đào hai đoạn sông, đoạn thứ nhất sẽ phải đào nối từ sông Lục(1) thông sang sông Hồng(2) và đoạn thứ hai là đào từ sông Hồng thông sang sông Tranh(3). Nếu việc này thành công thì toàn bộ các cửa sông suốt một dải duyên hải từ cửa Đại Bàng về đến tận cửa Ba Lạt sẽ được thông suốt với nhau bên trong đất liền mà không cần phải đi ra biển nữa.

Nguyên trước đó Quốc Tuấn đã có một thời gian dài đưa quân về trông coi kho thóc lớn của triều đình tại hương A Cảo(1), những ngày ở đó ông đã phát hiện ra con sông Lục có một đặc điểm rất lạ, khác hẳn hoàn toàn với phần lớn các con sông khác, đó là từ đầu ngã ba ải Hải Thị, nó có một đoạn rất dài chảy ngược lên phía Đông Bắc sau đó mới lại quay ngoắt theo hướng Đông Nam như các dòng sông khác mà đổ ra biển tại cửa Ngãi Am chung với cửa của sông Hồng. Từ cửa Ngãi Am đi ven bờ ngược lên phía bắc một đoạn lại có biển tại cửa Đại Bàng do con sông Tranh đổ ra. Ông phát hiện ra là cả ba con sông Lục, sông Hồng và sông Tranh này có hạ lưu chảy gần song song với nhau và nếu đào được một đoạn kênh nối các con sông này lại thì việc đi lại từ sông Tranh sang sông Hồng, từ sông Hồng sang sông Lục và ngược lại sẽ rất thuận tiện. Nếu xuất phát từ ngã ba Hải Thị, nơi bắt đầu phân nhánh của con sông Lục thì có thể đến được tất cả các cửa sông Ba Lạt, Diêm Hộ, Trà Lý, Ngãi Am, Đại Bàng. Như vậy nếu lấy điểm giữa của đoạn đầu sông Lục với cửa Đại Bàng làm đại bản doanh thì lui có thể về ải Hải Thị, phòng giữ cho kinh thành Thăng Long, tiến có thể ra thẳng cửa Đại Bàng và như vậy chỉ một cánh quân cũng có thể hỗ trợ và kiểm soát được tất cả các cửa sông. 

Việc đào thông ba con sông lại với nhau ông đã từng nghĩ đến nhiều lần song một phần vì việc làm đó cũng không thực sự cần kíp lắm và một phần là để làm được việc đó đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức và thời gian nên ông chưa bao giờ dám đề xuất với Thượng hoàng và Quan gia. Giờ đây khi quan quân chỉ có đủ thực lực để phòng thủ ở một cửa Đại Bàng này, nếu Ô Mã Nhi liều mình đánh vào các cửa sông khác để lấy đường về Thăng Long thì chưa có cách gì ngăn được! Và như vậy, ý định bắt Ô Mã Nhi chỉ được ra vào bằng con sông Bạch Đằng sẽ bị phá sản. Nghĩ thế, Quốc Tuấn lại tự trách mình rằng đã không đề xuất với Thượng hoàng và Quan gia để cho đào hai đoạn sông kia từ trước đó. Nhưng thôi, bây giờ không phải là lúc để ngồi mà tự trách bản thân nữa, muộn vẫn còn hơn không, cần phải bắt tay ngay vào công việc nếu không sẽ còn phải trả giá nhiều hơn nữa.

Quốc Tuấn nghĩ vậy nên đã cử một viên đô tướng thủy quân tên là Trần Lý, người hương Tranh Chu, nơi con sông Lục bắt đầu thay đổi hướng chảy từ đông bắc sang đông nam, dẫn một tốp quân đi khảo sát hướng tuyến và chiều dài của con sông dự kiến phải đào để tính toán số người cần huy động và thời gian có thể hoàn thành để báo lên Thượng hoàng và Quan gia. Trần Lý đã đi được ba hôm và hôm nay là đúng hẹn phải quay về báo cáo. Quốc Tuấn đang rất nóng lòng ngóng chờ viên đô tướng này trở về thì có người báo có đô tướng lục quân là Trần Lý xin gặp. Nghe nhắc tới Trần Lý, Quốc Tuấn ngồi bật hẳn dậy, vừa nhìn thấy viên đô tướng bước vào ông vội hỏi ngay:

-        Sao rồi? Người đã làm xong việc mà ta giao cho chưa?

-        Dạ, con đã làm xong rồi!

-        Tốt! Nói đi xem sao? - Quốc Tuấn đang sốt ruột nên giục.

-        Nếu từ vị trí con sông Lục bắt đầu chuyển hướng mà đi thẳng theo hướng đông bắc khoảng mười tám dặm thì đến được con sông Hồng, vượt qua sông Hồng đi tiếp khoảng hơn mười dặm nữa thì gặp được con sông Tranh… Như vậy là từ sông Lục đến sông Tranh dài khoảng ba chục dặm.

-        Thế ngươi đã kiểm tra xung quanh để có thể lợi dụng các hồ đầm hiện có chưa?

-        Dạ, con đã tính thông với các hồ đầm ở đó hết rồi, chỉ có các đoạn đi qua các thôn xóm thì phải đi vòng thôi.

-        Tốt rồi… những ba chục dặm phải đào cơ à…?

-        Vâng! Phải đến ba chục dặm.

-        Nếu không phải vòng tránh các thôn xóm mà đi thẳng qua thì có thể ngắn bớt được bao nhiêu… ngươi đã tính toán chưa?

-        Nếu vậy sẽ ngắn được chừng… năm đến sáu dặm.

-        Tốt, thôi cho ngươi lui… à quên chờ một chút… ta thưởng cho ngươi mười lạng bạc vì có công đi khảo sát vừa rồi.

-        Vâng! Con đội ơn Tiết Chế!

-        Được rồi! Cho ngươi lui…

*

*        *

Quốc Tuấn muốn cho Trần Lý lui nhanh để có thời gian ngồi một mình tính toán. Phải đào ba chục dặm sông trong một khoảng thời gian ngắn liệu Thượng hoàng và Quan gia có đồng ý không? Thôi cứ để sáng mai tấu trình rồi hẵng hay…! Nhưng không được, việc quân gấp gáp ta phải đi ngay mới được, nếu Thượng hoàng đồng ý thì ngay sáng mai phải cho người làm gấp rồi. Nghĩ tới nghĩ lui, Quốc Tuấn bèn đứng dậy thay quần áo rồi đến thẳng đình làng để bàn việc cho đào kênh nối thông ba con sông với Thượng hoàng và Quan gia.

Sau khi nghe Quốc Tuấn trình bày ý tưởng của mình, Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông không những ủng hộ mà còn khen ông hết lời, Thượng hoàng Thánh Tông nói:

-        Vương huynh thật là sáng suốt! Việc đó không chỉ có tác dụng đánh giặc trước mắt mà còn có tác dụng lâu dài.

Vua Nhân Tông thì có vẻ băn khoăn:

-        Hoàng bá nghĩ ra được vậy là thượng sách rồi… chỉ có điều quân ta đang phải cầm cự chống giặc ở đây… ta sợ không có đủ người để mà làm ngay cho được.

Quốc Tuấn vội tâu:

-        Cái này thần cũng đã tính đến rồi, ta không cần đào rộng lắm mà chỉ cần đào đủ rộng và sâu làm sao chỉ để cho hai thuyền của ta có thể tránh nhau mà đi qua là được... Thần cũng đã tính sẽ lợi dụng các đầm, ao, hồ sẵn có để giảm bớt khối lượng phải đào… Còn nhân lực thì thần tính sẽ phải huy động khoảng ba mươi vạn dân phu… xin Quan gia sức lệnh cho các địa phương để huy động tất cả nhân dân quanh vùng tới chung sức để mà đào sông... Quan quân chỉ cần giúp thêm vào những chỗ khó khăn thì thần chắc là công việc cũng sẽ nhanh chóng hoàn thành…

Vua Nhân Tông nghe Quốc Tuấn nói rõ ra như vậy thì nói:

-        Vậy ngay bây giờ ta sẽ cho sức lệnh xuống các hương xã để huy động nhân dân đến làm ngay.

-        Vâng! Thần cũng xin phép về cho lính lên đường để làm mốc dấu, khi nhân dân tới là chỉ việc đào… Thần đi nội trong hai chục hôm thần sẽ trở về.

Thượng hoàng nghe Quốc Tuấn cáo từ thì hỏi:

-        Vương huynh định đích thân đi à?

-        Việc này là việc lớn lại đòi hỏi phải rất gấp rút… thần cần phải đi để động viên khích lệ quân phu.

-        Vậy… còn công việc ở đây?

-        Mọi việc ở đây xin Thượng hoàng và Quan gia giao cho quan Thái sư phụ trách… Ô Mã Nhi mới bị thua đau nên chưa dám đánh ta ngay, và nếu có đánh thì hắn cũng phải cho người đi do thám thật kỹ đã… Ta cứ lập trại canh phòng cho thật cẩn thận thì hắn nhìn thấy cũng ngại và nếu hắn có dám đánh vào chăng nữa thì ở đây vẫn có quan Thái sư với Nhân Huệ vương rồi… bên ngoài kia thì có binh thuyền của Lê Phụ Trần nữa.

-        Vương huynh đã nói vậy thì ta nào dám cản nữa… Huynh hãy mau lên đường rồi mau chóng trở về.

-        Vâng! Vậy thần xin cáo từ Thượng hoàng và Quan gia!

*

*      *

Nhân dân các địa phương các lộ Hồng, Khoái, Hải Đông, Thiên Trường, Long Hưng... được tin triều đình cho đào sông để phục vụ việc đánh giặc thì nô nức cơm gói lên đường. Dân tình các nơi xa hơn như ở lộ Bắc Giang, Trường Yên không được triệu tập nhưng khi biết tin thì cũng tự rủ nhau gánh gạo đến giúp. Sông đào trải dài trên một đoạn gần ba chục dặm, người người ken đặc đông như kiến cỏ, không khí làm việc hết sức khẩn trương. Biết công việc đòi hỏi phát gấp gáp, dân phu còn hò nhau đốt đuốc làm đêm đến tận cuối canh hai mới chịu đi nghỉ.

Quốc Tuấn sau khi vạch tuyến thì cho đào ngay ở các đoạn bằng phẳng trước, khi hoàn thành thì cho tháo nước từ hồ, đầm vào các đoạn kênh đã hoàn thiện để cho hồ đầm cạn kiệt hết nước rồi sau đó mới lại cho nạo vét đến hồ đầm.

Khi biết rằng, nếu chỉ đào thẳng mà không phải đi vòng vèo để tránh các thôn xóm thì đoạn sông đào sẽ ngắn hơn được tới năm, sáu dặm thì nhiều thôn xóm đã tự vận động các nhà nằm trên hướng đi của con sông đào dỡ bỏ nhà cửa, rời bỏ ruộng vườn chuyển ra nơi khác để cho sông đào được thẳng và rút ngắn được thời gian đào. Có đến mấy hương như hương Tranh Chu kia còn đồng tình chia làng ra làm đôi để cho con sông đào chảy qua giữa làng.

Quốc Tuấn ngày ngày đi kiểm tra công tác đào sông, ông tỏ ra rất mừng vì sự hăng hái, nhiệt tình của nhân dân. Đúng là sức dân có khác, họ cứ ở đâu rủ nhau kìn kìn kéo đến rồi tự bảo nhau làm mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì cả. Nhìn những người nông dân thật thà chất phác từ sáng đến tối chỉ biết hò nhau ra làm không biết đến mệt mỏi, Quốc Tuấn thấy cảm động thực sự.

Ông chăm chú nhìn mọi người làm việc, chỗ kia có một tốp thanh niên chắc mới chừng mười lăm, mười sáu tuổi, chúng cậy có sức khỏe cứ dùng mai xắn đất thành những tảng to đùng rồi lại thi nhau xem ai vác đi nhanh hơn, ông khẽ bật cười vì hành động thích thi thố của tụi trẻ. Bên kia một đám nữ thanh niên đang vừa gánh đất đi lên vừa cất giọng hát véo von, tiếng hát của chúng làm cho mọi người trên công trường bớt đi mệt mỏi. Đi tiếp đến đoạn nữa lại gặp một đám nông phu tình nguyện trong đó có nhiều ông già bà cả trên năm sáu chục tuổi cũng đang dùng mai đào đất để cho đám đàn bà gánh chuyển lên bờ. Trong đám nông phu tình nguyện kia, Quốc Tuấn để ý có một đôi vợ chồng già cùng trên sáu mươi tuổi, do sức lực có hạn nên họ chung nhau khiêng một sọt đất. Khi người vợ bị vấp vào một mô đất nhô cao suýt ngã, người chồng vội lao tới đỡ rồi kiểm tra xem bà có bị làm sao không, người chồng ân cần động viên, người vợ mỉm cười rồi họ lại tiếp tục khiêng sọt đất ra bãi đổ. Nhìn cảnh đôi vợ chồng già kia, Quốc Tuấn chợt nhớ đến người vợ ốm yếu của mình, nghĩ đến bà khiến ông cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

Đám nông phu phát hiện ra có Quốc công Tiết chế đang đi tới thì bảo nhau dừng tay mai, tay cuốc để cúi chào. Quốc Tuấn vừa xắn tay áo vừa bước tới chào lại mọi người rồi với tay cầm lấy một cái mai để cùng làm và hỏi chuyện:

-        Các cụ làm cho thế này thì quý quá nhưng nhớ phải giữ sức khỏe đấy nhé!

Mấy cụ già thấy Quốc công đang xắn đất vội xúm vào can mỗi người một câu:

-        Ấy chết…! Xin Đức ông cứ để đấy chúng con làm.

-        Phải đấy! Đức ông để dành sức mà còn đánh đuổi lũ rợ Hồ kia đi.

Quốc Tuấn cười đáp:

-        Ta vừa làm vừa nói chuyện với các cụ một chút cho vui, ngồi mãi trong trại ta cũng thấy mỏi lưng lắm!

-        Nhưng Đức ông còn phải dành sức còn suy nghĩ những việc quốc gia đại sự chứ không thể làm những việc tay chân thế này được.

Quốc Tuấn nhìn mọi người nói:

-        Việc các cụ và mọi người đang làm đây cũng chính là việc quốc gia đại sự cả đấy chứ!

Mọi người cùng cười, ông cụ gãi đầu nói:

-        Ý chúng con là những việc chân tay này cứ để lũ chúng con làm là được.

-        Vâng! Phải nhờ sức các cụ và mọi người, mỗi người một tay gắng sức giúp cho thì mới mau xong được… Phen này thắng giặc có công của các cụ cả đấy!

-        Vâng! Làm được gì giúp quan quân đánh được giặc là lũ chúng tôi sẵn sàng.

-        Được vậy thì tốt quá…!

Quốc Tuấn nói chuyện với các cụ nông phu một chút rồi xin cáo từ để đến chỗ khác. Nhìn thấy đám thanh niên đang hò hét, ông vội vàng đi tới. Đám thanh niên choai choai lúc này vừa xắn ra được một tảng đất to đùng, chúng đang thách đố nhau vác đi mà chưa có anh nào vác được. Thấy có Quốc công đi đến, cả bọn tỏ vẻ sợ sệt, chúng cúi đầu rồi lí nhí chào ông. Thấy vậy ông vội động viên:

-        Đừng có sợ ta như vậy! Sao…! Thế các cháu đang làm gì thế?

Một cậu chàng cất giọng địa phương nhanh nhảu nói:

-        Bẩm Quốc công! Chúng con đang thi nhau xem ai có thể mang được tảng đất lày đi xa được mười trượng không ạ.

-        Tai ta hơi nặng… - Quốc Tuấn nghiêng người để ghé sát tai xuống nói - Cháu nhắc kỹ lại cho ta nghe xem nào?

-        Chúng con đang thi nhau xem ai có thể mang được tảng đất lày đi xa được mười trượng không.

Quốc Tuấn gật gù:

-        À… rõ rồi! Thế đã có ai mang đi được chưa?

-        Dạ! Vẫn chưa ai nhấc nên được ạ.

-        Vậy cho ta thử với nhé?

-        Chúng con không dám!

-        Sao lại không cho ta thử?

-        Chúng con sợ Quốc công… gãy nưng.

Quốc Tuấn bật cười vì cách dùng từ thật thà của con trẻ, ông nói với hắn:

-        Không sợ! Bây giờ ta sẽ mang tảng đất này đi quá mười trượng cho các ngươi xem nhé.

Dứt lời, Quốc Tuấn vớ ngay lấy cái cuốc nhằm tảng đất bổ xuống, tảng đất rời ra thành hai tảng nhỏ. Ông buông cuốc rồi cúi xuống bê một tảng đi ra quá mười trượng vứt xuống trước con mắt ngạc nhiên của lũ trẻ, xong ông quay lại định cúi xuống bê nốt tảng kia thì bọn chúng nói:

-        Quốc công chơi… ăn gian…!

-        Ha… ha… ha…! - Ông cười lớn, đã lâu lắm rồi mới lại nghe có người bảo ông chơi ăn gian, ông cãi - Ta có ăn gian tí nào đâu? Các anh bảo đố mang được tảng đất này đi nhưng có cấm được chia nhỏ nó ra đâu nào…?

Nghe vị tướng già nói lại như vậy, lũ trẻ biết điều kiện đưa ra ban đầu bị hớ nên chúng cùng cười mà chịu là ông đã thắng.

-        Quốc công… mà lói thế thì chúng con chịu thua rồi…!

Quốc Tuấn cả cười, ông đứng nói chuyện với chúng thêm một lúc nữa rồi mới đi qua chỗ khác.

           Việc đào sông mỗi ngày một thêm khó khăn do càng xuống sâu thì việc chuyển đất càng phải lên cao và đi xa hơn nên làm rất chậm. Mấy ngày đầu, mọi người còn hăng hái do đang có sức lực, song chỉ sau mấy hôm làm đêm, ai nấy đều tỏ vẻ mệt mỏi rã rời. Cũng may là triều đình trước đó đã có lệnh bỏ không cấy vụ chiêm, nên nhân dân các lộ gần như chỉ suốt ngày ngồi chơi không nên lũ lượt rủ nhau kéo đến đào sông mỗi ngày một đông hơn. Quốc Tuấn quyết định phải chia người ra làm theo giờ, ai làm từ giờ Mão thì đến giờ Ngọ về nghỉ đến giờ Dậu thì lại ra làm đến giờ Tý. Còn nếu ai làm từ giờ Ngọ thì đến giờ Dậu về nghỉ và đến giờ Tý thì lại ra làm đến giờ Mão. Mỗi người một ngày làm việc trong sáu canh giờ, trong đó có ba canh giờ ban ngày và ba canh giờ ban đêm.

           Tuy đã có điều chỉnh như vậy song công việc vẫn tiến triển rất chậm, Quốc Tuấn suốt ngày lo sẽ không thể hoàn thành việc đào sông đúng như dự kiến ban đầu. Một đêm, Quốc Tuấn nằm trằn trọc mãi mà không sao ngủ được, ông đứng dậy khoác thêm chiếc áo ấm rồi gọi hai người cận vệ đi cùng. Ba người hòa mình vào dòng người tấp nập đang cần mẫn làm việc dưới ánh sáng của những ngọn đuốc đang lập lòe cháy. Đêm càng khuya, mọi người làm càng chậm, bước chân đi lại nặng nề hơn, song những sọt đất thì lại vơi hơn. Quốc Tuấn biết vậy song không nỡ quát mắng hay chê trách ai cả, ông bước đi lòng thêm nặng trĩu.

           Khi quay về đến lán, Quốc Tuấn chợt thấy một tốp người ngựa ở đâu vừa đến đang bốc xếp những bọc hàng từ trên lưng ngựa thồ xuống. Thấy lạ Quốc Tuấn tiến đến hỏi:

-        Các ngươi ở đâu đến vậy?

Một người có vẻ là chỉ huy tiến đến nhận ra đích thị Quốc công Tiết chế thì chắp tay vái rồi nói:

-        Bẩm Quốc công…! Chúng con là người của tướng quân Lê Phụ Trần, tướng quân cử chúng con tới giúp Quốc công đào sông ạ!

Quốc Tuấn hỏi lại:

-        Lê Phụ Trần còn đang phải chia người ra để phòng thủ trên các cửa sông cơ mà?

-        Vâng, quả là đúng thế… nên tướng quân Lê Phụ Trần chỉ cho mấy người chúng con đến đây thôi ạ!

Quốc Tuấn đưa mắt nhìn quanh để nhẩm đếm thấy chỉ có sáu tên lính thì cảm thấy buồn, ông phân vân không biết nên cho mấy tên lính này làm việc gì, chẳng nhẽ cho chúng đi đào, gánh đất với đám nông phu kia. Nhưng không nhận sự giúp đỡ của họ thì lại phụ lòng Lê Phụ Trần. Cuối cùng, Quốc Tuấn nói:

-        Ta thật cảm ơn tướng quân của các ngươi, nhưng… quả thật ở đây ta chỉ có mỗi việc đào và gánh đất… không biết các ngươi có làm được không?

Bọn lính nghe vậy thì cười rúc rích, Quốc Tuấn thấy lạ thì hỏi:

-        Các ngươi cười gì vậy?

Tên chỉ huy nói:

-        Bẩm Quốc công! Việc đào, gánh đất chúng con không ngại… song nếu chỉ đào và gánh đất thì tướng quân con đã chẳng cho chúng con đến đây làm gì... vì có sáu người thì có nhanh hơn được mấy đâu?

-        Ngươi nói vậy nghĩa là sao?

Tên lính rút trong người ra một bức thư rồi vuốt lại thật phẳng trước khi dùng hai tay đưa lên cho Quốc Tuấn:

-        Thưa Quốc công, tướng quân con có bức thư này gửi đến cho Quốc công… trong thư tướng quân con đã nói rõ mọi việc.

Quốc Tuấn đưa tay nhận thư, ông giơ bức thư lên trước ánh đuốc để kiểm tra thật kỹ dấu niêm phong rồi mới bóc ra đọc. Một lát sau, ông bỏ thư xuống nhìn tên lính hỏi:

-        Các người mang tương tư thảo đến à?

Tên lính đưa tay chỉ vào các bọc hàng vừa bốc từ trên lưng ngựa thồ xuống nói:

-        Vâng, tướng quân chúng con sai mang đến cho Quốc công hai mươi kiện tương tư thảo để cho dân phu dùng làm đêm cho đỡ mệt.

-        Tương tư thảo… - Quốc Tuấn nhắc lại lần nữa rồi hỏi - Cỏ gì mà lại có tên hay như vậy?

-        Dạ, đây là một loại cây được trồng nhiều ở bên Ai Lao, nó có tác dụng làm cho con người tỉnh táo, không buồn ngủ, nên có thể làm việc nhiều đêm liền mà không biết đến mệt mỏi là gì. Tướng quân con lúc còn đóng binh ở trong Hoan Ái có trao đổi với các chủ sách động ở bên kia biên giới được ba chục kiện định để dùng trong quân sĩ, nay biết Quốc công đang cho đào sông gấp nên chuyển đến cho Quốc công hai chục kiện để giúp các nông phu có sức làm đêm.

Quốc Tuấn tỏ vẻ không tin:

-        Cây này lại có tác dụng được như vậy sao?

-        Vâng, nếu không tin mời Quốc công dùng thử?

-        Được… được… ta phải thử trước xem có đúng như vậy không đã! Vậy uống nó kiểu gì… pha như trà à?

Bọn lính lại cười, Quốc Tuấn lại hỏi:

-        Hay là nấu như canh à?

-        Không… dùng tương tư thảo không gọi là ăn hay uống mà gọi là hút… Quốc công muốn hút thì phải dùng đến cái này! - Tên chỉ huy vừa nói vừa giơ ra một đoạn tre khô dài chừng một thước rưỡi.

-        Cái này gọi là cái gì vậy?

-        Dạ, gọi là cái điếu cày ạ.

-        Hay nhỉ… điếu cày!

-        Vì khi đi cày mà dùng đến nó thì không biết đến mệt mỏi là gì nên mới gọi là điếu cày đấy ạ… - Tên lính đưa tay chỉ vào một ống gỗ nhỏ hình loa kèn, đóng vào phần đoạn dưới của ống tre giải thích - Còn cái này gọi là nõ điếu. Khi dùng thì phải cho tương tư thảo vào đây rồi châm lửa đốt ở nõ điếu cho lá tương tư thảo cháy lên… còn mồm thì phải để vào đây mà rít hết khói ở trong đó mà nuốt vào bụng rồi mới thở ra ngoài…

Quốc Tuấn nghe tả như vậy thì rất hào hứng:

-        Cho ta dùng thử xem!

-        Vâng, nhưng xin Quốc công cho phép con được dùng trước để người nhìn mà biết cách dùng điếu cày.

-        Ừ… được… ngươi dùng trước đi!

Tên lính lấy ra một chút lá cây khô màu nâu đã được thái nhỏ, hắn dùng tay bứt ra một nhúm nhỏ rồi vê vê thành một cục tròn tròn như hòn bi to bằng đầu ngón tay út rồi nhét vào trong nõ điếu. Sau đó hắn dùng một thanh lạt tre mỏng để châm lấy lửa từ ngọn đuốc đang cháy rồi đưa vào nõ điếu. Miệng hắn bắt đầu hít vào từng hơi ngắn để có thêm không khí cho lá tương tư thảo cháy đều rồi mới hít một hơi thật sâu. Trong chiếc điếu cày có những tiếng sòng sọc vang lên nghe rất vui tai. Tên lính ngửa người đưa mồm ra trước rồi từ từ nhả ra những luồng khói xanh, mắt y lim dim có vẻ rất sảng khoái.

Quốc Tuấn nhìn thấy điệu bộ của tên lính như vậy thì cũng bắt chước làm theo y hệt. Ông cũng lấy ra một chút lá vê tròn nhét vào nõ điếu rồi châm lửa đốt và đưa lên mồm rít, rít và cuối cùng, ông lấy hết sức rít một hơi thật sâu. Bỗng ông vứt điếu xuống đất, mắt trợn ngược lên, người bật ngửa ra đằng sau… Hai người lính cận vệ của Quốc Tuấn thấy ông bị như vậy thì vội rút phắt gươm ra lăm lăm trong tay miệng hô lớn:

-        Có thích khách!

-        Bảo vệ Quốc công!

Những tên lính cận vệ đang đứng gần nghe vậy vội vàng chạy lại, mấy tên lính của Lê Phụ Trần thì chỉ biết quỳ mọp xuống đất, hai tay giơ lên ôm đầu. Quốc Tuấn được mấy người cận vệ xúm vào đỡ dậy, sau một lúc choáng váng thì ông đã tỉnh táo trở lại, đám lính cận vệ xúm vào hỏi:

-        Tiết chế làm sao vậy?

Quốc Tuấn xua tay nói:

-        Ta không sao, chỉ cảm thấy bị choáng váng một tí thôi!

Quay sang mấy tên lính của Lê Phụ Trần lúc này mới có vẻ hoàn hồn trở lại, ông hỏi:

-        Sao ta vừa hút xong tương tư thảo lại thấy chóng mặt như vậy?

-        Dạ, đó là do Quốc công hút lần đầu chưa quen nên gọi là bị sốc tương tư thảo… sau một, hai lần hút thì sẽ không bị như thế nữa…

Hóa ra, Quốc Tuấn do chưa quen hút tương tư thảo nên mới bị say như vậy, sau mấy lần hút nữa thì ông đã cảm thấy quen và thích hút lá cây tương tư này. Quả đúng như lời tên lính của Lê Phụ Trần đã nói, ông cảm thấy không bị buồn ngủ và có thể thức đến sáng mà không hề thấy mỏi mệt chút nào.

Quốc Tuấn mừng lắm, ông ra lệnh chia tương tư thảo cho các đám nông phu rồi lại phân công sáu người lính của Lê Phụ Trần đi đến từng nơi để hướng dẫn mọi người cách làm điếu cày và hút tương tư thảo. Mọi người từ hôm có tương tư thảo để dùng thì làm việc tích cực hẳn lên, trước đó mỗi ngày một người chỉ làm được sáu canh giờ thì bây giờ họ toàn hăng hái xin làm thêm đến chín canh giờ mà không hề biết mệt. Về sau, một số người không thích dùng tương tư thảo bằng cách hút vì nó hơi phiền phức nên cứ véo một ít lá tương tư rồi bỏ vào mồm nhai cùng với miếng trầu cau thì cũng thấy khỏe hẳn người ra.

Quốc Tuấn đâu có thể ngờ được rằng, hút tương tư thảo nhiều thì sẽ trở thành nghiện. Nhiều người nông phu sau mấy hôm đi đào sông được dùng tương tư thảo đến khi ra về không được dùng nữa thì cứ cảm thấy bứt rứt khó quên… đúng là tương tư có khác! Dân các vùng Vĩnh Lại, Tiên Lãng… nơi có con sông đào đi qua sau này vì nhớ quá còn phải cho người tìm sang tận nước Ai Lao xa xôi kia để chọn lấy giống cây tương tư thảo mang về trồng và gọi cho nó một tên dân dã hơn đó chính là thuốc lào. Vậy là người dân Đại Việt đã có tục hút điếu cày và cho thuốc lào vào để ăn cùng với miếng trầu cau bắt đầu từ những ngày Quốc Tuấn cho đào con sông đó. Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thì đến mấy trăm năm sau vẫn nổi tiếng là một nơi có giống thuốc lào ngon nhất.

Đúng hai mươi hai hôm thì công việc đào thông ba con sông đã cơ bản hoàn thành. Quốc Tuấn vui mừng hạ lệnh cho khơi nước từ các sông tự nhiên chảy vào sông đào rồi cho các thuyền đi thử trên từng đoạn một. Sau khi kiểm tra kỹ thấy rất vừa ý, ông thay lời triều đình cảm ơn rồi cho nhân dân các lộ địa phương trở về quê quán còn mình thì về báo tin cho Thượng hoàng và vua Nhân Tông biết.

Trên đường trở về cửa biển Đại Bàng, Quốc Tuấn thỉnh thoảng vẫn bắt gặp từng tốp người mang cuốc thuổng, gồng gánh kéo tới. Ông cho lính đến hỏi thăm thì được biết được họ đến để giúp triều đình đào sông, song vì ở xa nên bây giờ mới đến được. Cảm động với sự nhiệt tình của họ, ông vội xuống ngựa có đôi lời cảm ơn rồi bảo cho họ về.

*

*      *

Ô Mã Nhi sau một trận thua đau thì truyền lệnh cho đóng quân cố thủ ngoài cửa Đại Bàng mà không dám tiến quân vào trong. Y sai lính chèo thuyền nhẹ đi do thám tình hình quân Trần, lính do thám về báo là quân Trần đã cho lập trại bố phòng rất kiên cố, bên trong thì không thể vào sâu được nên không biết thế nào. Ô Mã Nhi nghe báo như vậy thì trong lòng cảm thấy vô cùng chán nản, y bèn hạ lệnh rút quân về Thăng Long.

Tuy nhiên, đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi đi đến cửa các con sông lớn như Diêm Hộ, Trà Lý, Thái Bình, Ba Lạt thì chỗ nào cũng thấy quân Trần lập trại hết cả rồi. Trông lên hai bên bờ sông thì trại lớn, trại nhỏ… tinh kỳ cắm lên chi chít. Ngoảnh lại thì thấy có một đoàn chiến thuyền cứ bám sát theo ngay đằng sau y như hình với bóng. Đoàn chiến thuyền này như chỉ đợi có dịp là sẵn sàng lao vào tấn công ngay. Ô Mã Nhi cứ nghi nghi hoặc hoặc chỉ sợ sẽ bị phục kích giống như ở cửa Đại Bàng nên không dám đi vào các cửa sông.

Loanh quanh đến hai chục hôm, Ô Mã Nhi hết cho đoàn thuyền đi ngược rồi lại đi xuôi hy vọng sẽ gặp được một người đưa tin của Thoát Hoan đến mà không thấy có, người của y phái đi cũng chẳng thấy ai quay về. Đến khi quân lính báo lên là lương thực sắp hết sạch, Ô Mã Nhi vội gọi các tướng dưới trướng tới để bàn bạc. Sau khi các tướng đến đông đủ, Ô Mã Nhi nói:

-        Chúng ta vì chủ quan nên hôm trước bị thua to một trận ở cửa Đại Bàng, nay lương thực lại sắp cạn nên ta muốn đưa quân về Thăng Long, song các lối cửa sông đã bị quân Trần lập trại bịt kín. Ta đang phân vân không biết có nên cố đánh vào để lấy đường về hay không… vậy ý các tướng thế nào?

Phàn Tiếp đứng ngay dậy nói:

-        Có gì mà phải bàn? Bây giờ lương không có mà ăn… vậy thì chỉ có hai đường một là cứ liều chết xông vào mà đánh để mở một đường về Thăng Long và hai là cho rút quân về nước là xong.

Hoàng thân Tích Lệ Cơ là một người thân thuộc với Hốt Tất Liệt nên rất quan tâm đến tính mạng của Thoát Hoan. Khi nghe Phàn Tiếp nói vậy thì Tích Lệ Cơ vội nói:

-        Trấn Nam vương hiện nay không biết sống chết ra sao thì làm sao có thể nói đến chuyện rút quân về nước. Chúng ta chỉ có một cách, đó là cách thứ nhất của tướng quân Phàn Tiếp nói thôi… Nay ta hãy chọn lấy một cửa sông để mà đánh vào.

Ô Mã Nhi cũng đồng ý như vậy bèn cho quân sĩ ngầm chuẩn bị. Ngay đêm hôm đó, lợi dụng đêm tối, Ô Mã Nhi thúc quân đánh thẳng vào cửa Ba Lạt. Quân Nguyên một phần vì có sự chuẩn bị tốt, một phần vì đã bị dồn vào bước đường cùng do không có lương ăn nên đánh rất hăng. Bên quân nhà Trần thì bị đánh bất ngờ và cái chính là trại tuy nhiều nhưng toàn là nghi binh, thực tế chỉ có rất ít người canh giữ nên không sao cản nổi, phải vừa cố đánh vừa rút chạy.

Lê Phụ Trần vội vàng cho người cấp báo cho Quốc Tuấn biết, Quốc Tuấn một mặt lệnh cho Lê Phụ Trần phải tìm mọi cách cầm chân giặc, một mặt điều toàn bộ quân thủy của các tướng Trần Khánh Dư, Vũ Trí Thắng… từ cửa Đại Bàng gấp rút đi ngược dòng sông Tranh vòng qua con sông mới đào vào sông Lục mà đến ngã ba lập phòng tuyến tại ải Hải Thị, quyết ngăn không cho Ô Mã Nhi về được Thăng Long. Quốc Tuấn lại rước Thượng hoàng Thánh Tông cùng vua Nhân Tông và các tướng về hương A Cảo để dễ bề tiến lui mà chỉ huy đánh giặc.

Ô Mã Nhi ra sức đánh lấy đường về Thăng Long nên đẩy quân Trần phải lui dần. Khi đuổi đến ngã ba ải Hải Thị thì thấy binh thuyền nhà Trần đã dàn kín hai mặt sông Cái và sông Lục, trên bờ cũng có các trại được phòng thủ rất kiên cố. Ô Mã Nhi sau một hồi tính toán thấy quay lại thì cũng bất tiện, vả lại y sợ cửa biển Ba Lạt đã bị quân Trần mai phục nên thúc quân đánh bừa vào. Song đánh đến mấy lần đều bị thất bại, chán nản y lại cho gọi các tướng dưới trướng đến để bàn. Khi các tướng tới đủ, Ô Mã Nhi nói:

-        Nay quân Trần đã phòng thủ khá chắc chắn, ta đã đánh vào mấy lần, chịu bao hao binh tổn tướng mà không phá được, vậy các ngươi có ý thế nào thì cứ nói ra để chúng ta cùng bàn?

Hoàng thân Tích Lệ Cơ lại đứng ra nói:

-        Tình thế hiện nay đúng thật là rất khó xử…! Ở lại thì quân không có lương thực mà ăn… nhưng nếu tự ý rút quân về thì giả như Trấn Nam vương vẫn đang còn vây hãm Thăng Long lại chẳng hóa ra chúng ta đắc tội chém đầu cả lũ hay sao…? Vậy theo ý tôi ta phải tự tìm lương thực cho quân ăn rồi quay lại Vạn Kiếp gặp Trấn Nam vương đã sau đó đánh hay lui thì mới bàn tiếp.

Phàn Tiếp nghe bàn như vậy bèn vằn mắt lên hỏi lại:

-        Kiếm lương thực ở đâu…? Về Vạn Kiếp bằng đường nào…?

Tích Lệ Cơ nói:

-        Bữa trước, khi ta vào cửa Nam Triệu qua biển Bạch Đằng(1) thấy quân Trần ở đó gần như không có. Nay lại thấy lục quân, thủy quân của chúng tập trung hết cả ở chỗ này rồi, vậy ta cứ thử ra biển rồi tiến lên phía bắc xem lực lượng địch ở đó mạnh yếu thế nào đã rồi hãy tính tiếp.

-        Được! Ý kiến Hoàng thân như vậy chính hợp với ý ta, - Ô Mã Nhi đồng tình - Vậy ngay bây giờ chúng ta sẽ đánh rút ra biển. Nhưng trước khi rút ta phải cho người quật mộ Quang Bính(2) lên đã thì mới hả.

-        Tướng quân nói phải đấy - Phàn Tiếp ủng hộ chủ tướng - Tướng quân để tôi cho người đi làm ngay.

-        Không được! - Ô Mã Nhi ngăn lại - Hãy để ta tự dẫn người đi làm việc đó, ngươi ở đây chuẩn bị mọi việc để rút quân ngay.

Nguyên tổ tiên nhà Trần vốn xuất thân từ Đông Triều làm nghề đánh cá, đến đời Trần Kinh thì chuyển về hương Tức Mặc và qua đời ở đó. Con trai Trần Kinh là Trần Hấp đã tìm được một nơi có thế đất tốt tại Long Hưng nên đã cho dời mộ bố đến táng và sinh sống luôn ở đó. Từ nghề đánh cá, Trần Hấp và con cháu chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở nên giàu có và ngày càng có thế lực, đến đời thứ tư thì Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng nhường lại ngôi báu. Cũng như các triều đại khác, nhà Trần cũng lấy nơi phát tích ra triều đại là Long Hưng để làm nơi đặt tôn miếu, xây dựng lăng tẩm để an táng các vua và hoàng hậu ở đó.

Ô Mã Nhi có chủ định làm việc này từ trước, y đã cho người đi dò la và biết được vị trí Chiêu lăng(3) và Thọ lăng(4). Nay Ô Mã Nhi trực tiếp dẫn một đám lính hùng hổ kéo đến Chiêu lăng. Khi đến nơi, Ô Mã Nhi ra lệnh cho lính đập phá gần như tan hoang, chưa hết, y còn bắt lính phải đào bằng được quan quách lên để đập nát xương cốt ra mới hả.

Quốc Tuấn ở bên này, khi thấy các chiến thuyền của giặc rút lui thì ra lệnh không đuổi theo, song khi thấy quân giặc dừng hết lại ở phủ Long Hưng thì đoán biết Ô Mã Nhi đang cho làm một việc hèn hạ là quật phá lăng mộ nhà Trần thì ông vô cùng phẫn nộ, ông lập tức ra lệnh cho các tướng thủy quân phải khẩn trương đánh đuổi lũ giặc.

Ô Mã Nhi đang cho lính đào mộ lên, khi gần đào đến quách thì thấy lính báo lên là có thuyền quân Trần đuổi đánh rất gấp thì cuống cuồng bỏ chạy. Khi y vừa lên được thuyền thì cũng vừa lúc quân Trần đang ào đến. Ô Mã Nhi nhìn sang, hắn giật mình vì thấy một chiếc thuyền giống hệt như chiếc thuyền bữa trước đã áp sát mạn vào thuyền của hắn ở cửa Đại Bàng. Sở dĩ Ô Mã Nhi nhận ra được như vậy vì hắn để ý thấy những chiếc thuyền kia có một đặc điểm rất lạ là trên khoang thuyền có những hàng cọc gỗ đóng từ thấp ở phía mũi thuyền và lên cao dần về giữa khoang thuyền. Ô Mã Nhi không thể hiểu được hàng cọc gỗ kia có tác dụng gì mà nay lại trông thấy một chiếc thuyền giống hệt như vậy thì lẩm bẩm:

-        Bọn Đại Việt ngu thật! Ai lại đi đóng hàng cọc gỗ kia ở giữa khoang thuyền chỉ tổ làm vướng chân quân sĩ mỗi khi giáp trận…

Chiếc thuyền kia đang dẫn đầu các chiến thuyền Đại Việt xông đến, viên tướng trẻ đứng trước mũi thuyền, tay lăm lăm thanh gươm chỉ về phía trước miệng thét:

-        Tên tặc tướng Ô Mã Nhi đâu…! Mau ra đây ta chỉ chỗ Thượng hoàng ta ở cho mà bắt…!

Ô Mã Nhi tuy trong lòng rất sợ hãi, song miệng y vẫn lẩm bẩm:

-        Nước Đại Việt cỏn con này cũng sinh ra lắm Hoài văn hầu(1) thật!

May mắn cho Ô Mã Nhi, các chiến thuyền Đại Việt chỉ đánh đuổi y chạy khỏi Long Hưng thì thôi không đuổi theo nữa. Quốc Tuấn vội đến Chiêu lăng, ông tỏ ra vui mừng vì bọn giặc chưa phạm đến quách, ông cho thắp mấy nén hương rồi lẩm nhẩm khấn vái xin lỗi vong linh của Thái thượng hoàng Trần Thái Tông rồi cho lính đắp đất lại.

*

*      *

Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông khi nghe tin báo quân giặc đã rút ra cửa Ba Lạt thì rất lấy làm mừng rỡ. Hai ngài đang định mở tiệc khao quân, lại nghe tin Ô Mã Nhi đã cho lính quật mộ của tiên đế Thái thượng hoàng Trần Thái Tông ở Chiêu lăng lên thì vô cùng đau xót. Hai cha con ôm nhau khóc lóc. Quốc Tuấn trông thấy cảnh thương tâm như vậy vội động viên:

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia! Bọn chúng tuy có quật phá Chiêu lăng song chưa phạm được đến quách. Thần đã kiểm tra kỹ và cho lấp đất lại rồi… xin Thượng hoàng và Quan gia bớt buồn phiền để giữ gìn long thể mà còn lo việc nước!

Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông nghe thấy Quốc Tuấn nói vậy thì cũng lấy làm vui vẻ trở lại nhưng truyền thôi không mở tiệc nữa mà gọi ngay các tướng vào để bàn việc quân cơ. Khi mọi người đến đã đông đủ, Thượng hoàng Thánh Tông nhìn Quốc Tuấn nói:

-        Nhờ Quốc công Tiết chế vừa rồi có sáng kiến đào hai đoạn sông để nối thông ba con sông lớn lại với nhau nên quân ta hết sức cơ động, từ cửa Đại Bàng lại có thể ứng cứu kịp thời cho ải Hải Thị. Ngăn không cho chúng quay lại Thăng Long và buộc phải rút ra cửa Ba Lạt… Vậy nay Quốc công định liệu tiếp theo thế nào?

Quốc Tuấn đứng dậy chắp tay thưa:

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia! Nay Ô Mã Nhi đã bị thua phải rút ra cửa Ba Lạt thì hắn tất sẽ không dám đi vào trong sông nữa… Như vậy hắn chắc chắn sẽ phải cho quân tiến lên phía bắc... Bây giờ nếu quân ta đánh rát quá chúng sẽ bỏ Thoát Hoan ở lại mà chạy thẳng về nước… Và nếu hắn làm như vậy thì kế hoạch tiêu diệt hoàn toàn đoàn chiến thuyền của chúng sẽ bị thất bại hoàn toàn. Vậy nên theo ý của thần, chúng ta chỉ cần ngăn giữ các cửa biển ở đây mà không cố đuổi đánh để chúng phải lên sông Bạch Đằng mà quay trở lại Thăng Long.

-        Đúng vậy! - Các tướng lao xao đồng tình.

-        Tiết chế nói phải!

-        Phải lắm…!

Thượng hoàng Thánh Tông thấy các tướng đều tỏ vẻ đồng tình với nhận định của Quốc Tuấn thì không hỏi thêm nữa mà bảo:

-        Vậy vương huynh định liệu thế nào rồi thì cứ cắt đặt các tướng vào việc ngay đi?

-        Vâng! Vậy thần xin phép được giao việc - Nói xong Quốc Tuấn quay xuống nhìn các tướng rồi giao việc cho từng người.

Đầu tiên, ông giao cho Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư phải cấp tốc dẫn các chiến thuyền quay ngược lại con sông đào để đi ra cửa Đại Bàng sau đó thì chia đôi quân ra một nửa ở lại Đại Bàng một nửa đến phục kích sẵn ở sau mũi Tháp Sơn. Khi quân của Ô Mã Nhi đi khỏi cửa Đại Bàng thì hai bên cùng đổ ra mà đánh, đánh thật hăng nhưng không được thắng mà phải giả thua rồi chạy hết xuống phía nam. Lê Phụ Trần được lệnh phải chia quân bộ ở lại canh phòng cẩn thận các cửa sông còn tất cả thủy quân phải bàn giao lại cho ông để chuẩn bị cần dùng đến. Ông lại giao cho Trí Thắng cũng phải về cửa Đại Bàng rồi phải chia đoàn chiến thuyền ra thành các tốp nhỏ, cứ thỉnh thoảng lại cho một tốp đi từ bắc xuống nam ngang qua trước mắt Ô Mã Nhi.

Các tướng nhận lệnh lui ra, Quốc Tuấn xin phép Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông rồi chạy theo ra ngoài gọi Trí Thắng đứng lại để ông dặn dò riêng:

-        Sau khi người của tướng quân đã đi qua cho Ô Mã Nhi nhìn thấy thì phải tập trung tại một chỗ rồi bí mật bám theo sau lưng chúng. Khi thấy chúng đã đi qua Tháp Sơn thì tướng quân phải cho thuyền nhỏ đi thám thính trước, chỉ khi nào thấy đoàn thuyền của Ô Mã Nhi rời khỏi Quảng Yên về đến tận Vạn Kiếp rồi thì cứ theo kế sách đã bàn trước đó mà thi hành.

-        Vâng! Nhưng có một việc này…

-        Sao?

-        Còn hai ngàn cọc gỗ bị thiếu… bữa trước Tiết chế có nói là đã giao cho tướng quân Dã Tượng lo giúp không biết đến bao giờ thì mới có đủ?

-        Chết…! - Quốc Tuấn giật mình thốt lên - Vừa rồi mải lo việc đào sông nên ta quên mất việc đó…! Thôi để ta viết thư lệnh cho Dã Tượng phải chuẩn bị gấp cho ngươi… Ta sẽ dặn hắn phải liên hệ để bàn giao cho ngươi trước tháng ba là được chứ gì?

-        Nếu được như vậy thì tốt! - Trí Thắng tỏ vẻ không tin tưởng lắm - Con chỉ sợ cọc đến tay con mà không kịp thì lỡ hết việc…

Quốc Tuấn an ủi:

-        Ta vẫn tin tưởng ở Dã Tượng…! Ngươi cứ yên tâm đi!

-        Vâng vậy con xin cáo từ, Tiết chế ở lại bảo trọng!

-        Khoan đã! Còn một việc nữa là ta đã có lệnh cấm không cho dân vạn chài đánh bắt cá trên các khúc sông Bạch Đằng… nên nếu thấy có thuyền vạn chài lảng vảng thì chắc chắn đó là thuyền do thám đấy nhé!

-        Con rõ hết cả rồi! Xin phép Tiết chế con đi!

-        Ừ! Đi đi… chúng ta sắp đến trận đánh lớn cuối cùng rồi đó!

Quốc Tuấn tiễn Trí Thắng ra tận cửa đình, đứng nhìn theo đến khi viên tướng trẻ đi khuất rồi mới quay lại gian tiền tế. Thượng hoàng Thánh Tông đợi Quốc Tuấn đến gần lại vừa cười vừa khen:

-        Vương huynh nghĩ ra kế đào thông ba con sông lại với nhau không ngờ tác dụng lại to lớn đến như vậy… quân ta thoắt cái đã từ phủ Long Hưng lại có mặt ở biển Đại Bàng rồi… Quân giặc kia biết đâu được mà lần!

Vua Nhân Tông cũng nói theo:

-        Quân giặc như thế thì có giời mà chống chọi lại được với chúng ta! Công nhận kế sách của hoàng bá hay thật! Từ cổ chí kim không ai nghĩ ra được như vậy cả…

Quốc Tuấn khiêm tốn nói:

-        Đa tạ Thượng hoàng và Quan gia quá khen…! Đó cũng chỉ là nhờ ơn Thái Thượng hoàng ban cho thần được nối nghiệp phụ vương mà quay lại trấn giữ ở hương A Cảo đây.

-        A! ta nhớ ra rồi… - Thượng hoàng Thánh Tông reo lên - Hồi đó ta còn nhỏ lắm! vương huynh về đây được mấy năm nhỉ?

-        Thần về đây được hơn ba năm… thần được giao cho trông coi kho thóc của triều đình.

Vua Nhân Tông nghe các bậc cha chú kể lại như vậy thì nói:

-        Vậy thì… sau khi đánh đuổi lũ giặc này ra khỏi bờ cõi, ta sẽ cho dựng sinh từ(1) của hoàng bá ở ngay tại hương A Cảo này mới được!

-        Cám ơn Quan gia!

Vua Nhân Tông đột nhiên ra vẻ đăm chiêu một lúc rồi quay lại hỏi Quốc Tuấn:

-        Mọi việc mà hoàng bá cắt đặt lúc nãy… chỉ là nhằm nghi binh?

-        Dạ, đúng như vậy… làm như vậy thì Ô Mã Nhi sẽ nghĩ là ta đã dồn hết mọi lực lượng xuống các vùng duyên hải phía nam mà bỏ hết mặt phía bắc.

Vua Nhân Tông phân vân:

-        Ô Mã Nhi là một tên hết sức gian xảo và quỷ quyệt…! Liệu hoàng bá làm như vậy có đánh lừa được hắn không?

-        Thần cũng e là chưa thể lừa nổi hắn… - Quốc Tuấn có vẻ do dự không chắc chắn song lại chợt tươi tỉnh lại - Có lẽ phải xin Thượng hoàng và Quan gia chuẩn tấu thêm cho một việc này nữa thì may ra mới thành được?

Thượng hoàng Thánh Tông hỏi:

-        Vương huynh định làm gì?

-        Thần định hy sinh một chút lương để dụ dỗ hắn.

-        Hoàng huynh nói rõ ra xem?

-        Những việc nghi binh kia khó mà có thể làm cho Ô Mã Nhi tin ngay cho được. Vậy nay xin Quan gia hãy cho một đạo chiếu lệnh cho An phủ chánh sứ lộ Hải Đông phải chuyển gấp ba vạn thạch lương đi theo đường biển xuống cửa Đại Bàng cho quan quân… Như vậy đoàn thuyền lương kia tất sẽ phải đi ngược đường với đoàn chiến thuyền Ô Mã Nhi… Nếu Ô Mã Nhi bắt được lương lại có đủ cả giấy tờ cấp phát đi theo thì chắc rằng hắn sẽ tin tưởng hơn.

-        Ý của vương huynh rất hay - Thượng hoàng Thánh Tông gật đầu đồng đình rồi quay sang con nói - Quan gia không phải suy nghĩ gì nữa đâu!

-        Vâng! Thưa phụ hoàng, để con cho viết lệnh luôn - Vua Nhân Tông nói với cha xong lại quay xuống - Hoàng bá! Các tướng ai cũng có việc cả rồi, vậy chúng ta bây giờ sẽ làm gì đây?

-        Xin Thượng hoàng và Quan gia cứ ở nguyên A Cảo đây đợi xem Ô Mã Nhi đi đường nào thì ta mới bàn tiếp được.

*

*       *

Ô Mã Nhi sau khi họp bàn các tướng dưới trướng bèn lệnh cho đoàn binh thuyền căng buồm rút ra biển rồi tiến về phía bắc. Trên đường đi, Ô Mã Nhi thỉnh thoảng lại thấy có một vài chiếc thuyền quân Trần lác đác kéo nhau từng tốp nhỏ đi ngược chiều về phía nam. Các thuyền kia hễ gặp đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi thì không dám đến gần mà chỉ tránh đi. Ô Mã Nhi nhìn thấy những cảnh đó thì đoán rằng quân Đại Việt đang lập thêm trại và tăng thêm quân tới các cửa biển ở phía nam.

           Khi qua cửa biển Đại Bàng, Ô Mã Nhi cho người đi xem xét thì thấy các trại quân Trần vẫn được bố phòng rất cẩn thận, chắc chắn, số lượng chiến thuyền vẫn nhiều như cũ. Y thở dài một tiếng rồi dẫn đoàn thuyền đi vòng qua mũi Tháp Sơn lên phía bắc. Gần đến Tháp Sơn thì chợt nghe một tiếng pháo lệnh nổ vang, một đoàn chiến thuyền xông ra chặn ngang phía trước. Ngoảnh lại đằng sau, cũng thấy một đoàn chiến thuyền từ trong ải Đại Bàng đang ào ào xông đến phía sau. Ô Mã Nhi lệnh cho đoàn thuyền nhắm hướng đằng trước đánh tới, hai bên đánh nhau kịch liệt, quân Trần dần dần trở nên núng thế phải tháo chạy hết xuống phía nam.

Ô Mã Nhi đi qua được Tháp Sơn thì không còn thấy bóng dáng một chiếc thuyền nào của quân Trần nữa nên có vẻ tin tưởng rằng quân Trần đang tập trung cho phía nam mà bỏ ngỏ phía bắc, Đi thêm được mấy ngày nữa thì phát hiện một đoàn thuyền của quân Trần đang đi đến. Khi tới gần, đoàn thuyền kia biết là thuyền của Ô Mã Nhi nên vội vàng quay đầu bỏ chạy. Ô Mã Nhi thấy vậy thì vội vàng ra lệnh cho các thuyền đuổi theo, đuổi đến gần cửa Nam Triệu thì bọn chúng mới bắt được đoàn thuyền kia. Ô Mã Nhi mừng lắm, hắn cho người lên ngay thuyền để kiểm tra thì thấy trên các thuyền chất đầy lương thực. Sau khi tra hỏi bọn phu chèo thuyền và xem xét kỹ giấy tờ giao nhận thì hắn biết được rằng đây chính là đoàn thuyền vận chuyển ba vạn thạch lương đang trên đường đến cửa Đại Bàng để giao cho quan quân nhà Trần.

Ô Mã Nhi đang có ý định là khi đến cửa Nam Triệu thì sẽ mượn cớ không có lương thực cho quân ăn để bàn với các tướng rút quân về nước. Nhưng hôm nay lại bắt được số lương thực này thì hắn không còn cớ nữa. Thoát Hoan muốn xem ý tứ các tướng của mình như thế nào nên cho gọi các tướng đến để bàn bạc, đợi các tướng đến đông đủ, y mở lời:

-        Vừa rồi ta bị thua mất mấy trận, lương không có để ăn nên phải lui về đây. Nay ta đã bắt được ba vạn thạch lương nên cũng đủ dùng để quay về Thăng Long… Vậy nên ta đang tính chúng ta có hai đường một là tự động rút về nước và hai là quay lại Thăng Long hội binh với Trấn Nam vương rồi hành động tiến lui theo lệnh của ngài. Vậy các người có ý kiến gì thì cùng trao đổi?

Hoàng thân Tích Lệ Cơ có vẻ bực với Ô Mã Nhi vì lần họp bàn nào cũng nói đến việc rút về nước. Tích Lệ Cơ nguyên là một người thân thích của Hốt Tất Liệt nên y lúc nào cũng có ý bảo vệ Thoát Hoan. Bây giờ chưa biết tính mệnh Thoát Hoan ra sao nên hắn không thể để tên Ô Mã Nhi này tự ý về nước được. Tích Lệ Cơ đứng lên nói:

-        Trước đây chúng ta đã bàn nhiều rồi, nếu tự ý về nước thì đắc tội to. Thưa chủ tướng, việc này theo tôi tốt nhất ta không nên bàn đến nữa.

-        Thì ta cũng muốn xem ý tứ mọi người ra sao chứ đã vội quyết đâu?

-        Hoàng thân nói đúng! - Phàn Tiếp đồng tình - Tôi thấy bọn quan quân nhà Trần có vẻ đang tích cực phòng thủ phía nam mà bỏ mặt bắc. Vậy nên ta hãy theo cửa Nam Triệu này mà về Vạn Kiếp rồi sau đó hãy liệu.

Ô Mã Nhi vội nhắc nhở các tướng:

-        Các ngài phải nhớ cho một điều là hơn ba trăm năm trước, chính tại biển Bạch Đằng này bọn Đại Việt đã có một trận đánh táo bạo như thế nào rồi đấy!

Tích Lệ Cơ nói:

-        Cái đó tôi không phải không biết đến, nhưng tướng quân thử xem quân Trần hiện nay thế nào? Thăng Long đang bị vây hãm, Nhật Huyên, Nhật Tôn cùng cả viên Tiết chế tư lệnh Hưng Đạo vương của chúng nữa… tất cả bọn chúng cùng với đám tướng lĩnh kia đang co cụm cả lại để lo canh phòng mặt phía nam thì lấy đâu ra người mà lo cho phòng thủ cho mặt bắc nữa…? Vả lại vừa rồi tướng quân cũng đã nhìn thấy chúng đưa thêm người, chiến cụ và cả lương thực xuống đó… tuớng quân cũng đã tận tay bắt được đoàn thuyền lương có đầy đủ cả sắc lệnh của chúng… vậy thì việc phòng vệ cho mặt nam mà bỏ hẳn mặt bắc là hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rồi… Theo tôi, ta nhất thiết phải quay về Vạn Kiếp trước đã.

-        Ý của Phàn tướng quân thế nào?

Ô Mã Nhi quay sang các viên chiến tướng hỏi, Phàn tiếp suy nghĩ một lát rồi mới đáp:

-        Tôi có ý thế này, chúng ta mới cướp được ba vạn thạch lương đây nên cũng đủ dùng để quay về đến Vạn Kiếp hội binh với Trấn Nam vương, vậy thì cứ thế mà đi không cần phải bàn thêm làm gì nữa.

Lưu Khuê từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe lúc này mới lên tiếng:

-        Tôi cũng theo ý như vậy chỉ có điều khi về đến đó mà thấy tình thế bất lợi thì phải bàn với Trấn Nam vương cho rút quân ngay không nên chần chừ quá lâu, quân Đại Việt sẽ có thời gian chuyển quân lên phía bắc mà chặn mất đường về của chúng ta.

Phàn Tiếp lại đưa ra ý kiến:

-        Nếu đại tướng có ý lo sợ quân Trần sẽ bố trí một trận địa mai phục ở biển Bạch Đằng… thì trên đường đi qua đó, chúng ta sẽ dừng lại để lên bờ kiểm tra cho thật kỹ càng để dễ bề tính toán đường lui sau này.

Thấy Lưu Khuê và Phàn Tiếp cũng đồng ý như vậy, Ô Mã Nhi không thể không nghe theo, y nói với tả hữu:

-        Được…! Các tướng đều đã có một ý như vậy thì ta cũng đồng ý như thế…Vậy các tướng về chuẩn bị, sáng mai ta mới tiến vào sông Bạch Đằng, không nên đi qua đó lúc nhá nhem tối như thế này.

*

*      *

Bữa nay, vị tướng già đang ngồi trong quân doanh xem xét lại lần nữa thế trận của mình thì có lính cận vệ của vua Nhân Tông tới bảo Quan gia cho gọi ông tới đình A Cảo ngay. Biết là có tin gì đó quan trọng, Quốc Tuấn vội đứng dậy đi theo tên cận vệ. Khi đến nơi đã thấy có đủ mặt Thượng hoàng, vua Nhân Tông, Thái sư Quang Khải, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và các võ tướng chỉ huy các đội Thân Quân, Du Quân đang chờ ở đó rồi. Quốc Tuấn thấy vậy lấy làm lạ hỏi nhỏ tên lính cận vệ đi cùng:

-        Ngươi có biết có việc gì mà Quan gia hội mặt tất cả các tướng không?

-        Con không biết, chỉ biết có người của Chiêu Văn vương vừa mới tìm đến.

-        Sao…? Chiêu Văn vương à…?

Vừa lúc đến cửa gian tiền tế, tên lính cúi chào rồi lui về bên dãy Tả Vu. Quốc Tuấn rảo bước vào phục lạy xong đứng lên hỏi:

-        Tâu Quan gia! Chẳng hay có việc gì quan trọng nên Quan gia cho triệu mặt đông đủ mọi người như vậy?

Vua Nhân Tông ra vẻ rất vui mừng hỏi:

-        Hoàng bá đã biết tin mừng gì từ Thăng Long chưa?

-        Thần từ quân doanh đến thẳng đây nên chưa biết tin gì cả.

Vua Nhân Tông hồ hởi thông báo:

-        Người của Hoàng thúc Nhật Duật vừa đến báo tin là Thoát Hoan sau bao ngày vây hãm mà không chiếm được thành đã phải lệnh cho quân rút lui về Vạn Kiếp rồi… Thăng Long của chúng ta đã được giải vây… chúng ta có thể quay trở lại kinh thành được rồi!

Quốc Tuấn sung sướng thốt lên:

-        Đó quả thật là một tin vui! Thần xin chúc mừng Thượng hoàng…! Chúc mừng Quan gia…!

-        Chúng ta định sáng mai sẽ khởi giá hồi kinh nên gọi mọi người đến để thông báo chuẩn bị… vậy hoàng bá có định đi cùng luôn không?

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia, thần đang chuẩn bị một trận đánh lớn nên không thể hầu giá được, xin Thượng hoàng và Quan gia thứ lỗi cho thần!

Thượng hoàng Thánh Tông nghe nói như vậy thì biết là Quốc Tuấn nhắc đến trận Bạch Đằng nên hỏi:

-        Trận đánh đó vương huynh đã dự kiến được ngày giờ chưa?

-        Thần vừa nhận được tin báo là Ô Mã Nhi đã dẫn đoàn chiến thuyền của hắn đi vào cửa Nam Triệu… Như vậy thì chỉ vài hôm nữa chúng sẽ đến được Vạn Kiếp. Khi bọn chúng biết tin không chiếm được Thăng Long và lại cạn kiệt hết lương thực thì thế nào cũng phải bàn mà cho lui quân ngay... Như vậy thì trận huyết chiến đó chắc không còn lâu nữa, chắc chỉ nội trong mười lăm, hai mươi hôm nữa là cùng.

-        Ồ…! Nhanh vậy sao…? - Vua Nhân Tông lộ vẻ ngạc nhiên.

Thượng hoàng Thánh Tông thì ngẫm nghĩ một lát rồi quay sang vua Nhân Tông hỏi con trai:

-        Nếu hoàng bá đã nói chắc đến như vậy thì Quan gia cần gì phải hồi kinh nữa?

-        Vâng! Phụ hoàng dạy phải - Vua Nhân Tông đáp lời cha rồi quay xuống nói với Quốc Tuấn:

-        Hoàng bá xem cho ta đi đánh giặc lần này với có được không?

Quốc Tuấn nghe vua Nhân Tông hỏi như vậy thì vội liếc nhìn sang cả Thượng hoàng nữa rồi mới nói:

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia! Vừa rồi các tướng chúng thần bất tài nên đã phải để ngọc thể vất vả mất mấy phen... Nay Thăng Long đã được giải vây, vậy xin được rước xa giá hồi kinh chờ tin báo tiệp, không nên thân chinh xa xôi, vất vả thêm nữa.

Vua Nhân Tông lắc đầu:

-        Bữa trước nghe hoàng bá nói về thế trận này làm ta vô cùng thích thú. Trước vẫn tưởng còn lâu nên mới có ý hồi kinh, nay biết nó sắp sửa diễn ra nên ta chỉ muốn được mãn nhãn một phen. Hoàng bá hãy cho ta cùng đi đánh giặc, ta hứa không làm khó nhọc đến binh lính và sẽ chịu sự điều hành của tiết chế theo đúng quân lệnh.

Quốc Tuấn còn đang phân vân chưa biết nên thế nào thì Thượng hoàng Thánh Tông nói:

-        Lời Quan gia vừa nói là phải đấy…! Hoàng huynh hãy để cho hai cha con ta lâm trận trực tiếp một phen… ta có dự cảm rằng đây sẽ là trận đánh cuối cùng mà ta được trực tiếp cầm quân rồi!

Quốc Tuấn nghe vậy vội chắp tay nói:

-        Vâng, vậy thần xin vâng mệnh để Thượng hoàng và Quan gia cùng ra trận!

-        Tốt quá! - Thượng hoàng Thánh Tông thốt lên rồi quay qua con trai giục - Vậy Quan gia mau bãi lệnh hồi kinh đi!

Quốc Tuấn về quân trại, ông cho gọi các tướng tới để giao việc. Yết Kiêu ngay khi biết Thăng Long không còn bị vây hãm nữa thì đã xin Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cho phép được dẫn thủy quân của mình về hương A Cảo với Trần Quốc Tuấn. Không kịp nghỉ ngơi, Yết Kiêu được Tiết chế giao cho dẫn quân thủy của mình chia ra các nhánh sông, trên đường đi gặp các thuyền nhỏ của dân vạn chài thì phải trưng dụng cho bằng hết rồi chất củi, cỏ khô đầy lên đó, kéo về tập kết ở đầu sông Giáp(1) đợi lệnh. Đô tướng Trần Lý do có công lớn trong việc đào sông đã được thăng lên chức tướng quân, lần này anh được giao nhiệm vụ dẫn năm ngàn lục quân thẳng hướng Quảng Yên đi trước mở đường, trên đường đi gặp núi phải mở đường, gặp sông phải bắc cầu phao để đại quân thẳng tiến đến Bạch Đằng giang. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thì được giao cho dẫn toàn bộ thủy quân của mình đến cửa Lục chuẩn bị mọi thứ cần thiết đợi khi có lệnh thì trong một đêm phải lập được một tòa thành nổi chắc chắn dài hai trăm ba mươi trượng trên mặt sông.

Quốc Tuấn lại lệnh cho Lê Phụ Trần phải đưa quân đến giữ cửa Đại Bàng thay cho Trần Khánh Dư.

Hai hôm sau, Thượng hoàng Thánh Tông đứng trước mặt ba quân hạ lệnh tiến binh. Cả đội quân hùng dũng nối đuôi nhau vượt cầu phao đi qua sông Lục. Thượng hoàng Thánh Tông, vua Nhân Tông cùng Quốc Tuấn mỗi người cưỡi trên lưng một thớt voi chiến. Khi gần đến đầu cầu phao thì không may con voi của Quốc Tuấn bị trượt chân rồi thụt xuống và sa lầy trong một hố nhỏ ven đường. Quốc Tuấn nhảy vội từ trên bành voi xuống đất, ông cùng quân lính ra sức kéo con voi lên. Song con voi quá nặng, hố thì sâu và quá nhiều bùn nên càng giãy thì lại càng bị lún sâu thêm. Một lúc sau thì con voi bị ngập lút xuống bùn mà chẳng thể nhúc nhích được nữa. Hưng Đạo Vương nhìn cảnh đó thì lấy làm thương xót cho con voi này vì nó đã cùng ông xông pha nhiều lần nơi trận mạc. Ông cố động viên quân lính dùng hết sức đẩy con voi kia ra khỏi bãi lầy thêm một lần nữa... nhưng cuối cùng họ đành bất lực.

Ngay lúc ấy, có một chú bé dẫn một con trâu mộng chạy tới thưa với ông:

-        Xin ngài hãy cưỡi lên lưng con trâu của cháu! Cháu sẽ dong trâu đưa ngài qua cầu phao.

Quốc Tuấn quay nhìn chú bé rồi lại nhìn lại con voi, con voi lúc này cũng nhìn ông đăm đăm, chắc linh cảm báo cho nó biết nó sẽ không còn được cơ hội cùng ông đi đánh giặc nữa. Quốc Tuấn thì có cảm tưởng như con vật kia dường như muốn khóc nhưng nó đang cố mà kìm lại. Quốc Tuấn đang khi cần lên đường gấp lại không nỡ đứng nhìn con vật ở trong hoàn cảnh như vậy nên quay sang chú bé nói:

- Thế thì nhờ cháu đưa ta qua cầu với!

- Vâng… mời Đức ông lên đi ạ!

Quốc Tuấn vội nhảy lên lưng trâu để thằng bé dong đi. Con voi thấy vậy thì rống lên một tiếng thảm thiết như gửi lời vĩnh biệt tới chủ tướng. Quốc Tuấn vội quay lại nhìn con voi đang chìm dần dưới lớp bùn. Lúc này ông không kìm được nữa, nước mắt ông ứa ra cay cay nơi sống mũi. Quốc Tuấn rút gươm ra chỉ xuống dòng sông thét lớn:

- Trận này không thắng giặc, ta thề quyết không trở lại bến sông này nữa!    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com