Chương 18: Hoa gạo tháng ba
Lại nói chuyện ở thành Thăng Long, Thoát Hoan ra sức vây hãm và công phá thành Thăng Long, song đã hơn một tháng mà không thể chiếm được thì trong lòng đang rất chán nản và buồn bực. Tướng phụ trách cấp phát lương thực lại vừa báo lên là lương thực trong quân chỉ còn đủ dùng cho năm ngày nữa. Đã hơn mười ngày qua, hầu như ngày nào Thoát Hoan cũng phải viết thư lệnh và cho người mang gấp về căn cứ Vạn Kiếp để thúc giục tiếp tế lương thực cho quân đang vây hãm thành, vậy mà đợi mãi đến giừo cũng chẳng thấy có.
Đang khi Thoát Hoan phân vân không biết nguyên do tại tướng phụ trách tiếp tế hậu cần của mình lề mề hay do đường xá xa xôi trắc trở nên lương thực chưa thể tới được thì tên lính canh cửa bước vào báo là có mấy tên lính của Trương Văn Hổ đến báo tin. Thoát Hoan nghe nói tới người của Trương Văn Hổ thì mừng ra mặt, hắn chắc mẩm rằng Trương Văn Hổ sắp đến nơi nên cho người đến đây trước để báo tin, hắn vội cho gọi ngay mấy tên lính vào để hỏi han.
Nhìn thấy mấy tên lính bước vào với vẻ khép nép, sợ sệt, Thoát Hoan đã có vẻ chột dạ, hắn càng hoảng hốt hơn khi thấy mấy tên lính bước đến trước mặt mình rồi chỉ qùy xuống lạy mà không có đứa nào dám ngẩng mặt lên để mà thưa gửi gì cả. Thoát Hoan không dám tin là có chuyện gì đó không hay xảy ra đối với Trương Văn Hổ nên lấy giọng bình tĩnh hỏi:
- Trương Văn Hổ đi đến đâu rồi?
- Dạ….
Mấy tên lính chỉ khẽ dạ mà không trả lời khiến cho Thoát Hoan phải quát lên:
- Ta hỏi Trương Văn Hổ đi đến đâu rồi?
Một tên không dám ngẩng mặt lên nói:
- Dạ… thưa Đức vương… toàn bộ đoàn thuyền vận chuyển lương thực và chiến cụ đã… đã bị thủy quân Đại Việt mật phục đánh chiếm mất hết rồi ạ...
Thoát Hoan giật thót mình, không tin vào đôi tai của mình, hắn gầm lên:
- Ngươi vừa nói cái gì?
- Dạ… toàn bộ đoàn thuyền vận chuyển lương thực và chiến cụ đã… đã bị thủy quân Đại Việt mật phục đánh chiếm mất hết rồi ạ.
- Thế Trương Văn Hổ đâu?
- Dạ… chúng con không biết… chúng con… bị quân Trần bắt sống trong trận đánh đó… vừa rồi được vua Đại Việt tha cho về để… để…
Thấy tên lính lại ấp úng, Thoát Hoan không thể không quát hỏi:
- Để làm gì…?
- Dạ để báo tin cho Đức vương được biết ạ…
- Lại còn thế nữa!
Thoát Hoan buông ra một tiếng thở dài ngao ngán, bây giờ thì hắn mới hiểu được lý do làm sao mà chờ đợi mãi vẫn không có người mang lương thực tiếp tế đến. Hắn ngồi thần người ra mất một lúc mà không thể nói được lời nào. Hai năm về trước đây, Thoát Hoan đã rất nhanh chóng chiếm được kinh thành Thăng Long, thậm chí hắn còn được vua Đại Việt chịu dâng lên một người con gái rất trẻ và đẹp, đó chính là hoàng cô của vua Đại Việt, nhưng ở được vài ngày thì Thoát Hoan đã phải hạ lệnh cho binh sĩ của mình rút lui, rời bỏ Thăng Long và sau đó còn phải chịu sự truy đuổi gắt gao của quan quân Đại Việt. Từ thắng chuyển thành bại chỉ trong chớp mắt tất cả cũng chỉ vì thiếu thốn lương thực. Kinh nghiệm đối đầu với Đại Việt lần trước đã cho Thoát Hoan biết một điều rằng, để vận chuyển được một thạch lương từ nơi bản quốc xa xôi kia đến được nơi đây phải tốn mất bao nhiêu công sức, thậm chí không thể đến được vì bị cướp bóc suốt dọc đường. Thoát Hoan cũng đã hiểu rằng, để kiếm được một hột thóc ở trên đất Đại Việt này cũng là điều không thể. Hắn có thể dễ dàng đánh bại quan quân Đại Việt một cách nhanh chóng, song lại không dễ dàng để kiếm được lương thực ở những nơi đã chiếm được vì quân Đại Việt nếu không kịp đem đi hết từ trước đó thì cũng sẽ đốt bỏ bằng hết.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này Thoát Hoan đã biết đặt vấn đề lương thực lên hàng đầu, hắn không dám vận chuyển bằng đường bộ mà cho vận chuyển bằng đường biển vì hắn tin chắc chắn một điều rằng, không thể có một lực lượng thủy binh nào có thể đủ mạnh để dám đương đầu và càng không thể đánh bại được đội thủy binh hùng mạnh của hắn. Khi Ô Mã Nhi đến Vạn Kiếp thông báo là đã dễ dàng chiếm được biển ải Vân Đồn của Đại Việt, Ô Mã Nhi cũng đã để một số quân lớn ở lại đó chờ đón đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ thì Thoát Hoan cảm thấy rất yên tâm. Vậy mà không ngờ, giờ đây toàn bộ số chiến cụ và lương thực kia đã bị quân Đại Việt đánh cho tan nát.
Thoát Hoan lẩm nhẩm tính toán, bảy mươi vạn thạch lương, số lương đủ dùng cho cả đội quân đông đảo của Thoát Hoan trong gần hai năm chứ có ít đâu? Chiến cụ thì có thể không cần, hắn có thể tự chế và tự khắc phục được, song lương thực thì không thể lấy gỗ, lấy đá ra mà ăn thay cho được.
- Bẩm Đức vương! Đức vương cho phép chúng con lui ra ạ?
Tiếng một tên lính vừa về báo hung tin vang lên khiến Thoát Hoan giật mình, hắn mở bừng mắt ra nhìn mấy tên lính đang sợ hãi quỳ mọp dưới sàn. Giờ mà có Trương Văn Hổ ở đây thì chắc Thoát Hoan cũng hô lính lôi cổ ra mà chém, song chỉ có mấy tên lính quèn đang qùy ở đó nên Thoát Hoan chỉ biết trút hết bực tức lên đầu bọn này:
- Lui đi đâu? ta cho phép các ngươi được chết…!
Thoát Hoan quát lên rồi ra lệnh cho bọn lính đang hầu bên cạnh lôi mấy tên này đi chém. Nhìn mấy tên lính bị xốc nách lôi đi, Thoát Hoan cũng chẳng thấy động lòng, hắn đang mải quay về với những lo lắng của hắn.
Sau ba ngày mất ăn mất ngủ vì suy tính là nên tiếp tục ở lại công thành hay lui về Vạn Kiếp, Thoát Hoan thấy rằng tốt nhất là phải lui về càng sớm càng tốt vì theo tin tức mà hắn có được thì mọi ngả đường thủy bộ từ Vạn Kiếp đến Thăng Long đâu đâu cũng có quân sĩ Đại Việt chặn đánh, nếu hắn không rút quân nhanh có khi lại bị kẹt lại tại đây. Nghĩ vậy, Thoát Hoan ra lệnh cho quân sĩ rời bỏ Thăng Long để rút lui về căn cứ Vạn Kiếp.
Trần Ích Tắc nghe tin Thoát Hoan rút bỏ Thăng Long đã về đến Vạn Kiếp thì vội tìm đến ngay để chào và dò hỏi lý do. Thoát Hoan khi nghe báo có An nam quốc vương Trần Ích Tắc tới chào thì cũng đoán biết lý do nên ngay sau khi chào hỏi xong, hắn lên tiếng trước:
- Tôi xin lỗi quốc vương vì chưa thể đưa ngài về Thăng Long ngay được!
Trần Ích Tắc cố làm ra vẻ mình không quan tâm lắm đến ngai vàng nhà Trần nói:
- Việc của tôi thì chả nói làm gì… chỉ nghĩ việc lớn của thái tử đến nay chưa thành mà cảm thấy tiếc thôi…!
- Tôi cũng rất tiếc…!
Đúng! Ai trong số bọn chúng cũng đều cảm thấy tiếc cả, Thoát Hoan thì tiếc hắn đã phải mất bao công sức và thiệt hại của binh sĩ mới tiến đến được Thăng Long, nay lại phải quay về đây mà một khi đã về đây thì sẽ không còn đường để mà quay lại. Trần Ích Tắc thì lại tiếc rằng, nếu tên Thoát Hoan này mà cố thêm tí nữa thì hắn cũng lập đại công đối với Thiên triều mà mình thì cũng đã tại vị trên ngai vàng kia. Cả hai cứ nghĩ mà thấy tiếc rẻ nên cứ ngồi thần ra một lúc mà chẳng ai nói với ai lời nào. Mãi một lúc sau, Trần Ích Tắc muốn biết lý do Thoát Hoan ra lệnh rút quân nên mới lên tiếng:
- Thưa Thái tử…! vậy chẳng lẽ quân An Nam năm nay mạnh đến vậy sao?
Thoát Hoan lắc đầu:
- Cũng vẫn vậy thôi…! khi chúng tôi đánh đến Thăng Long thì cả hai cha con Nhật Huyên và Nhật Tôn đều rời bỏ thành mà xuống thuyền chạy trốn ra biển… tôi đã cho đại tướng thủy quân Ô Mã Nhi truy đuổi gấp song không biết đến giờ thế nào rồi mà vẫn không nhận được tin tức gì cả?
- Vậy thì thành Thăng Long bỏ ngỏ…?
- Không, vẫn còn một lực lượng lớn quân Trần ở đó để tử thủ giữ thành.
Trần Ích Tắc hỏi dồn:
- Vậy sao Thái tử không cố sức đánh dấn đi?
- Tôi có cố đánh đấy chứ…! - Thoát Hoan nghĩ nhanh ra một lý do không hạ được thành Thăng Long để chữa thẹn với Trần Ích Tắc - song do tôi đã phải chia quân cho Ô Mã Nhi để truy đuổi hai cha con vua Đại Việt rồi nên không có lực lượng đủ mạnh để công phá thành… Tôi đang định bụng chờ Trương Văn Hổ mang các chiến cụ công thành đến thì sẽ đánh tiếp thì nhận được hung tin là toàn bộ các chiến thuyền chở lương thực và chiến cụ đã bị thủy binh Đại Việt chặn đánh cướp mất hết rồi…
- Ôi…! - Trần Ích Tắc thốt lên - có chuyện thật như vậy sao?
- Đúng vậy, Tôi nghe tin cũng dã rời cả chân tay… đang định đợi cho Ô Mã Nhi quay về thì sẽ cố mà đánh tiếp, không ngờ… đợi dài cả cổ ra mà chả thấy tăm hơi hắn đâu cả mà lương thực thì cạn sạch cả rồi nên phải tính đến đường cùng là tạm rút quân về đây…
Trần Ích Tắc nghe Thoát Hoan nói như vậy thì biết là chiếc ngai vàng nhà Trần kia đã rời xa khỏi tầm với của mình, hắn buồn bã hỏi vớt một câu:
- Vậy bây giờ… Thái tử định liệu thế nào?
- Tôi biết làm gì nữa ngoài việc chờ Ô Mã Nhi dẫn thủy quân quay lại?
*
* *
Sau trận quan quân nhà Trần bị thua ở cửa Đại Than, vâng lệnh của Quốc Tuấn, Dã Tượng đã dẫn quân tạm lánh vào rừng mật phục chờ cơ hội để đánh tập kích quân giặc. Anh cùng quân sĩ luôn luôn theo dõi mọi động tĩnh từ trong căn cứ Vạn Kiếp, bất cứ khi nào thấy bọn giặc đi lẻ tẻ ra ngoài thì bố trí mật phục đón đánh cho tơi tả. Lũ giặc đã bị phục đánh mấy phen nên sợ lắm, hễ ra ngoài cướp phá hoặc đi đâu xa là chúng phải rủ nhau đi thành một đám thật đông để dễ bề đối phó.
Khi Thoát Hoan đưa đại quân về bao vây Thăng Long thì số giặc ở lại trông coi trại chỉ còn biết nằm cố thủ trong căn cứ của chúng mà không dám thò mặt ra ngoài. Dã Tượng nhiều hôm cho quân đến sát trại giặc khiêu khích nhưng chúng cũng chẳng dám ra. Đánh vào thì không được vì trại của chúng lập rất vững chắc. Chẳng làm gì được giặc, lại cứ phải sống chui sống lủi trong rừng như vậy đến gần một tháng mà vẫn không thấy có tin tức gì của quan quân nhà Trần, Dã Tượng vô cùng buồn bực hết đi ra lại đi vào, trong lòng suy nghĩ lung tung.
- Mình đúng là số đen như quạ! - Dã Tượng lẩm bẩm - Cái lũ giặc Hồ đáng ghét kia đang đâu tự nhiên lại đi bỏ sở trường là đánh trên cạn xuống dưới thuyền làm cho mình không được đi cùng với Đức ông… Ừ…! Yết Kiêu… hắn thế mà lại hay…! Dạo này lại được đi cùng với Đức ông suốt…!
Dã Tượng có biết đâu, Yết Kiêu cũng phải cùng với các tướng khác ở lại để bảo vệ Thăng Long, mãi đến vừa rồi khi Thoát Hoan lui về Vạn Kiếp, mới đến được với Quốc Tuấn có nửa ngày thì lại được lệnh phải đi ngay. Đang khi Dã Tượng buồn bực nghĩ ngợi vu vơ thì có tiếng vó ngựa dồn dập, một người lính đưa tin xuất hiện mang theo thư của Quốc công Tiết chế tới. Dã Tượng nhận được thư thì mừng quá, mặt mũi tươi cười hớn hở mang ngay thư ra đọc, nhưng vừa khi đọc xong thì mặt xìu hẳn lại, tên lính đưa tin thấy Dã Tượng có vẻ không vui như trước đó thì hỏi:
- Tướng quân nhận được thư của Tiết chế rồi mà sao lại buồn bã như thế?
Dã Tượng vừa gấp thư vừa buồn bã trả lời:
- Ta đang mong Đức ông có thư cho gọi ta đi đâu để đánh giặc chứ ai ngờ lại bảo ta đi lên rừng chặt cây thế này?
Tên lính đưa tin nghe vậy vội động viên mấy câu:
- Tướng quân cố chờ đi… sắp có đánh lớn rồi đó! Thế nào Tiết chế chả gọi đến tướng quân!
- Hả…? Sắp có đánh lớn rồi hả?
- Vâng! Có lẽ vậy…! Thôi chào tướng quân tôi phải tìm đường tới chỗ tướng quân Phạm Ngũ Lão nữa đây!
- Phạm Ngũ Lão chắc đang ở mặt bắc Vạn Kiếp, ta thấy đồn là có một đám lính nhà Trần thường xuyên phục kích giặc ở phía đó nên ta đoán ra như thế.
- Tôi biết rồi…! Chào tướng quân tôi đi đây…!
Dã Tượng ngẩn người…
- Ừ…! Cái bọn lính đưa tin này cũng tài thật, ai đang ở đâu là chúng đều biết hết!
Tên lính đưa tin đi khỏi, Dã Tượng lại giở thư của Quốc Tuấn ra đọc lại một lần nữa. Tiết chế giao cho anh nội trong mười lăm ngày phải tìm và chặt cho đủ hai ngàn cọc gỗ lim hoặc táu to chừng một người ôm, dài đủ một trượng bốn thước rưỡi rồi đẽo vát nhọn hai đầu, đợi đến khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi về đến Vạn Kiếp thì phải bí mật liên hệ để giao số cọc gỗ đó cho Trí Thắng tại khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng. Đức ông còn dặn kỹ Dã Tượng là phải hết sức bí mật, cẩn thận đề phòng quân giặc đi tuần trên sông phát hiện ra.
- Rồi…! Việc giao thì cứ phải cho làm cái đã!
Dã Tượng càu nhàu rồi đứng lên cho gọi các đô tướng vào giao việc. Sau khi nhận được lệnh, các đô tướng xuống báo nhà bếp chuẩn bị để sáng mai mang nồi niêu gạo củi theo quân vào rừng mấy ngày.
Phụ trách hậu cần bếp núc là một cô gái trẻ chừng độ mười tám tuổi. Cô chính là người con gái đã được Yết Kiêu cứu khỏi thuyền Phàn Tiếp trên cửa Đại Than và được Quốc công Tiết chế nhận làm con nuôi bữa trước. Khi Quốc công vội về Thăng Long đã gửi cô đi theo đội quân bộ của Dã Tượng. Tuy được Quốc Tuấn nhận làm con nuôi nhưng vốn xuất thân là con nhà lao động nên cô không chịu ngồi yên mà cứ nhất khóat đòi Dã Tượng phải cho mình xuống phụ giúp việc nấu ăn cho các bếp. Ban đầu Dã Tượng không nghe, song cô gái cứ thường xuyên trốn xuống bếp mà đỡ đần cho các đầu bếp. Cuối cùng Dã Tượng cũng phải đành lòng mà chiều theo ý thích của cô. Do là con gái nên nấu nướng có phần khéo léo hơn các đầu bếp khác nên quân sĩ ở bếp của cô được ăn ngon hơn các bếp khác là điều đương nhiên. Dần dần quân sĩ các bếp khác phát hiện ra điều đó, họ bắt đầu tỵ nạnh rồi nhất định đòi Dã Tượng phải cho cô làm người phụ trách bếp của toàn quân, họ nói có như thế mới được công bằng.
Dã Tượng không thể không đồng ý với đòi hỏi chính đáng của binh sĩ, vậy là cô gái giờ đã trở thành người phụ trách các bếp trong toàn quân. Nay nghe các đô tướng báo chuẩn bị các thứ để mai vào rừng mấy ngày thì cô gái đến tìm gặp Dã Tượng để hỏi xem có cần phải chuẩn bị thêm gì nữa không.
Dã Tượng lúc này tuy đã giao việc xuống cho các đô rồi nhưng trong lòng vẫn cảm thấy không được vui. Khi thấy cô gái tìm đến thì cố ra vẻ vui mừng mà hỏi:
- Quận chúa đến tìm ta có việc gì vậy?
- Con nghe nói sáng mai thúc phụ cũng đi vào rừng cùng quân sĩ?
Cô gái tuy biết Dã Tượng là gia tướng thân tín của bố nuôi song một phần vì nghĩ đến hoàn cảnh xuất thân của mình và lại thấy Dã Tượng cũng tầm tuổi với tuổi của mẹ mình nên vẫn thường gọi Dã Tượng như vậy. Dã Tượng cũng thích cách gọi thân mật đó của cô gái nhưng vẫn giữ lễ mà gọi cô là quận chúa.
- Ta phải đi chứ!
- Chẳng hay việc đó có quan trọng lắm không mà thúc phụ phải đích thân đi như vậy?
Dã Tượng vẫn đang cảm thấy bất mãn vì Quốc Tuấn chỉ giao cho mỗi việc đi chặt cây nên đáp cho qua chuyện:
- Thì… ta bây giờ còn có việc gì là quan trọng hơn nữa đâu?
- Đã không cho là quan trọng thì thúc phụ nên để tâm mà làm việc khác có hơn không?
Bị cô gái hỏi dồn liên tục, Dã Tượng biết không nên nói như vậy nữa bèn sửa lại:
- Nãy là ta vì buồn quá nên trót nói chơi với quận chúa như vậy thôi… thực sự thì việc này vô cùng quan trọng.
Cô gái thấy Dã Tượng lúc nãy vừa cho là việc không quan trọng, bây giờ lại bảo là việc vô cùng quan trọng thì tò mò hỏi:
- Vậy thúc phụ cho quân sĩ vào rừng làm gì vậy? Con có thể biết được không?
- Quốc công giao cho ta trong mười lăm ngày phải có được hai ngàn cọc gỗ lim hoặc táu, sau đó thì chờ cho đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi đi qua đây thì phải đem số cọc kia xuống hạ lưu sông Bạch Đằng để bàn giao cho tướng khác… Thời gian rất gấp nên ta phải đích thân đốc lính vào rừng may ra mới kịp, nếu ta không đi… chẳng may lỡ việc thì sẽ mắc tội với Quốc công.
Cô gái nghe nói vậy thì chỉ hỏi thêm:
- Vậy thúc phụ có cần chuẩn bị thêm gì không để con cho nhà bếp chuẩn bị?
- Không cần đâu, cứ chuẩn bị đúng như yêu cầu của các đô quân là được rồi!
- Vâng! Vậy để con về chuẩn bị!
Cô gái vốn là người Quảng Yên, nơi có những rừng lim xanh bạt ngàn nên phân vân tự hỏi sao không cho người về đó mà chặt có phải nhanh hơn không. Nghĩ vậy nên đi được một lát thì cô đột ngột quay lại hỏi Dã Tượng:
- Quốc công có bắt thúc phụ là nhất thiết phải chặt cây ở đây không?
Dã Tượng nhớ lại nội dung bức thư thấy không có nhắc tới thì trả lời:
- Cái đó trong thư cũng không thấy nói tới.
- Nếu thúc phụ chặt cây, làm cọc ở đây thì lại phải mất thêm công vận chuyển về hạ lưu sông Bạch Đằng để bàn giao nữa, cây tươi thì nặng muốn chuyển đi được chúng ta phải đóng bè, đóng mảng để mà chở đi, làm như thế vừa vất vả lại vừa dễ bị lộ...
- Ta chưa bao giờ kháng lệnh của Đức ông - Dã Tượng nhấn mạnh.
- Thế sao thúc phụ không đưa quân về hạ lưu sông Bạch Đằng để mà chặt cây?
Dã Tượng chợt hiểu ngay ý cô gái nói song vẫn hỏi lại:
- Quận chúa nói gì cơ…?
- Con nói là, sao thúc phụ không đưa quân về tận hạ lưu sông Bạch Đằng rồi mới tìm cây, chế cọc ngay tại đó. Làm như vậy sẽ không phải mất nhiều công sức vận chuyển… thúc phụ chỉ còn lo mỗi việc bàn giao số cọc nữa là xong.
- Hay…! Như vậy vừa nhàn mà lại an toàn không lo bị lộ… Quận chúa sao lại nghĩ ra được ý hay như vậy?
- Con cũng chỉ cố nghĩ xem làm sao cho bớt được sức quân thôi!
Dã Tượng chợt ngớ người ra vẻ phân vân:
- Không được…! Không được!
- Sao thúc phụ lại bảo không được?
- Quốc công chưa bao giờ làm việc gì mà lại không có chủ ý và tính toán kỹ cả! Nay ngài đã ra lệnh cho ta như vậy thì chắc là ta sẽ không thể đưa quân về đó được…
Mộc Miên suy nghĩ một lát rồi lại nói:
- Nghĩa phụ con dặn thúc phụ là phải chờ cho bọn Ô Mã Nhi đi qua thì mới cho chuyển cọc đi thì chắc bọn Ô Mã Nhi đang ở hạ lưu đi lên… Thế chắc nghĩa phụ chỉ lo lắng cho việc giữ được bí mật thôi…! Nếu thúc phụ cứ về Quảng Yên rồi vào trong rừng sâu song lại chọn một nơi gần sông suối để dẫn được cọc ra sông thì có phải là vẫn đảm bảo bí mật mà lại thuận tiện hơn không?
Dã Tượng nghe ra vội đồng ý:
- Quận chúa nói cũng có lý…! Để ta gọi các đô tướng tới truyền lại lệnh!
Dã Tượng gật gù khen lấy khen để sáng kiến của quận chúa bèn lệnh cho các đô có một ngày chuẩn bị để sáng ngày kia sẽ lên đường kéo quân về rừng Quảng Yên chặt cây làm cọc. Thực ra thì đúng như Dã Tượng đã nhận định, Quốc Tuấn cũng đã tính đến việc cho Dã Tượng về Quảng Yên rồi mới chặt cây ở đó cho tiện, song ông lại lo Dã Tượng về đó nếu chẳng may Ô Mã Nhi lại bắt gặp hoặc phát hiện ra dấu vết thì hắn sẽ sinh nghi và không quay lại đó. Nếu ông có mặt ở đó thì không nói làm gì… đằng này tuy không nói là không tin tưởng vào Dã Tượng song ông vẫn quyết định chọn cách thà vất vả thêm một chút nhưng sẽ giữ được an toàn tuyệt đối.
*
* *
Điện tiền đô chỉ huy sứ Phạm Ngũ Lão cùng hôm đó cũng nhận được mật lệnh của Quốc Tuấn dặn là đến khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba khi thấy đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi về đến Vạn Kiếp thì phải cùng các nhóm quân khác xung quanh Vạn Kiếp ra sức đánh phá trại giặc. Phạm Ngũ Lão nhận lệnh vội cho người đi liên hệ với các cánh quân khác còn mình thì đích thân dẫn hơn chục quân kỵ mã tìm đến cánh quân bộ của Dã Tượng.
Khi Phạm Ngũ Lão đến trại của Dã Tượng thì thấy quân sĩ đang dỡ bỏ lán trại, thu thập hành lý như đang chuẩn bị hành quân. Đang đi, lại thấy có một tên lính cất giọng đọc lên một bài thơ lục bát:
Tháng ba cây gạo ra hoa
Trần binh công phá gấp ba bốn lần
Thát binh bay cứ lần chần
Thịt tan, xương nát, bách phần không sai.
Ngũ Lão chăm chú lắng nghe lời thơ, anh thấy rất hợp với tình hình hiện tại thì rất lấy làm lạ, không hiểu ai đã làm ra bài thơ này. Dã Tượng nghe tin Ngũ Lão đến cũng vội chạy ra đón, sau khi chào hỏi nhau xong Ngũ Lão nêu thắc mắc:
- Tướng quân đang định cho quân đi đâu vậy?
- Nay tôi phải đưa quân về rừng Quảng Yên để chuẩn bị cọc gỗ theo lệnh của Tiết chế đây!
- Ra thế! Tôi lại đang định đến bàn với tướng quân để cùng phối hợp quấy phá trại giặc… cũng là theo lệnh của Tiết chế.
- Tiếc quá! Đến lúc đánh mạnh thì tôi lại phải đi!
- Vâng! Tiếc thật! - Ngũ Lão như chợt sực nhớ ra điều gì đó, chàng bèn ngẩng đầu lên nhìn Dã Tượng hỏi - À…! Lúc ban nãy khi vào đây, tôi có nghe một tên lính ở đây đọc lên một bài thơ lục bát có câu đầu tiên là… tháng ba cây gạo ra hoa đấy… lời thơ nghe thì mộc mạc nhưng lại có khí thế, rất hợp với tình hình hiện nay... không biết đó là thơ của ai vậy?
- À…! - Dã Tượng cười nói - Bài thơ đó là của… em vợ(1) Điện súy đó!
Ngũ Lão ngạc nhiên:
- Em vợ tôi…?
- Đúng vậy! Cô ấy hiện nay đang ở đây!
- Tướng quân nói đùa gì vậy…! Tôi làm gì còn cô em vợ nào nữa?
- Thì ra là Điện súy chưa biết rồi!
- Tướng quân bảo tôi chưa biết cái gì?
Dã Tượng bèn kể lại cho Ngũ Lão nghe về cô con nuôi của Quốc công Tiết chế, nghe xong đầu đuôi Ngũ Lão nói:
- Thì ra là như vậy…! Cô ấy ở đây có làm phiền tướng quân lắm không?
- Không hề! Quận chúa còn giúp tôi khối việc nhé, bây giờ lại phụ trách tất cả các bếp cho đội quân của tôi nữa… Mà vừa rồi quận chúa còn nghĩ cho tôi một cách lui quân về rừng Quảng Yên hay lắm đấy!
Nói rồi lại đem chuyện kể hết ra cho Ngũ Lão nghe, kể xong thì nói:
- Để tôi cho người gọi quận chúa lên chào anh rể một câu đã!
Dã Tượng vừa nói vừa đứng lên sai người đi gọi quận chúa lên chào anh rể. Cô gái nghe thấy nói lên chào anh rể thì cũng vội vàng sửa soạn để lên ngay. Đợi khi cô gái vào đến trong lán, Dã Tượng chỉ vào Ngũ Lão giới thiệu:
- Đây là Điện tiền đô chỉ huy sứ Phạm Ngũ Lão, con rể của Quốc công đó!
- Vậy ra huynh là…?
- Ta chính là phu quân của Anh Nguyên quận chúa đây!
- Muội đã được nghe nói nhiều về huynh… trước nay muội chỉ biết huynh là người… người đan sọt can trường… hôm nay mới biết huynh còn là phu quân của Anh Nguyên quận chúa nữa.
- Ta nghe tướng quân Dã Tượng đây nói muội là người làm ra bài thơ… hoa gạo tháng ba đó đúng không?
- Vâng…! Muội làm bài thơ đó cũng định chỉ để đọc chơi cho vui thôi… không ngờ anh em binh sĩ nghe được cũng thích nên hay đọc cho nhau nghe… Huynh có nghe được… thì đừng cười muội nhé!
- Không đâu…! Đây cũng là những lời thơ mà ta đang cần đến… ta sẽ cho chép ra rồi bắn vào trong trại giặc để làm rối lòng quân sĩ chúng nó!
- Huynh nói sao…? - Cô gái ngạc nhiên - Huynh định dùng bài thơ của muội để làm rối lòng quân giặc á…?
- Đúng vậy!
- Huynh… đừng trêu muội như thế!
- Ta nói thật mà!
- Muội chả tin…! Chúng giết người như ngóe thế thì một bài thơ đó làm sao có thể làm rối lòng chúng được?
Dã Tượng nãy giờ chỉ đứng nghe hai người đối đáp như vậy mà không nói gì, nay nghe thấy cô quận chúa nói vậy thì vội xen vào:
- Quận chúa không biết rồi…! Ngày xưa ông Lý Thường Kiệt cũng chỉ cần một bài thơ mà đuổi được giặc Tống đấy!
- Bài thơ của con làm sao dám sánh với bài Nam quốc sơn hà của ông quan hiệu úy ấy được?
Ngũ Lão giải thích hộ cho Dã Tượng:
- Tướng quân đây không có ý so sánh mà chỉ muốn lấy ví dụ về tác dụng đánh giặc của một bài thơ thôi… tất nhiên không chỉ dùng thơ không mà còn phải kết hợp với đánh chúng bằng thực lực nữa.
Ngũ Lão hạ thấp giọng như thầm nhắc nhở cho mình cũng cần phải làm như vậy. Dã Tượng nghe vậy cũng tỏ ý đồng tình:
- Điện súy nói rất phải!
Ngũ Lão quay qua nêu thắc mắc của mình với cô gái:
- Nhưng sao muội lại có thể nghĩ ra được bài thơ này nhỉ? Có thể nói ra cho ta và tướng quân đây cùng nghe có được không?
Cô gái ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Chẳng dám giấu huynh và thúc phụ… muội khi còn ở nhà đã có lời hẹn ước với một chàng trai, trước khi đăng lính anh ấy có hẹn với muội là sẽ thắng giặc và trở về với con vào một ngày tháng ba hoa gạo nở rộ... Chính vì vậy lúc nào con cũng tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng lũ giặc kia vào tiết tháng ba nên mới nghĩ ra ý tứ của bài thơ đó.
Ngũ Lão nghe cô gái tâm sự như vậy thì chỉ reo lên:
- Thật là… một sự tình cờ đến tuyệt diệu…!
Trong lúc Ngũ Lão đang vui và lẩm nhẩm lại bài thơ cho thuộc lòng thì Dã Tượng quay sang hỏi cô gái:
- Anh lính đó giờ đang ở đâu quận chúa có biết không?
- Con không biết, chúng con chia tay nhau đến giờ đã được gần một năm mà chưa một lần gặp lại…
Ngũ Lão có vẻ đã nhẩm xong và thuộc lòng bài thơ, anh quay sang Mộc Miên nói:
- Có thể là anh ta nói đúng đấy!
Cô gái quay lại:
- Huynh bảo anh ấy đúng cái gì ạ?
Ngũ Lão chỉ cười vẻ bí hiểm nói:
- Tháng ba cây gạo ra hoa…!
*
* *
Nghe theo sáng kiến của cô quận chúa, ngay sáng hôm sau Dã Tượng cho quân lui khỏi Vạn Kiếp xuống vùng rừng Quảng Yên. Khi đến nơi, Dã Tượng cho các đô tướng đi tìm mãi mới chọn một vị trí rất sâu trong rừng để làm bãi chế tác chiến cọc, bãi này lại nằm gần ngay một con sông nhỏ là một chi lưu của sông Bạch Đằng nên rất thuận tiện cho việc kéo cọc ra sông bàn giao cho Trí Thắng.
Sau khi chọn được bãi chế tác cọc, Dã Tượng một mặt cho các đô quân của mình tỏa vào rừng lim lựa chọn những cây vừa tay một người ôm thì chặt hạ và cho trâu ngựa kéo về bãi. Cây được gia công thành cọc theo đúng các yêu cầu của Quốc Tuấn đặt ra. Dã Tượng hàng ngày vẫn cho người thay nhau ra sông Bạch Đằng để theo dõi xem khi nào đoàn binh thuyền của Ô Mã Nhi đi qua thì biết để đề phòng.
Chừng mười hôm sau thì việc chuẩn bị hai ngàn cọc gỗ cũng đã xong. Hai hôm sau nữa thì đoàn binh thuyền đầu tiên của giặc do Phàn Tiếp làm tiên phong đã vào đến hạ lưu sông Bạch Đằng. Chúng như những con chó săn lao lên bờ lùng sục tìm tòi song không thấy có gì khả nghi. Ngày hôm sau nữa thì đại binh thuyền của Ô Mã Nhi cũng kéo tới nơi, không tin tưởng lắm vào Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi lại trực tiếp xua quân lên bờ kiểm tra lại một lần nữa, chúng chèo cả thuyền nhỏ đi vào kiểm tra các chi lưu và các luồng lạch ăn thông với con sông này. Sau hai hôm sục tìm không phát hiện được gì, chúng lên thuyền kéo nhau về Vạn Kiếp.
Khi nghe lính do thám về báo lại như vậy, Dã Tượng lúc đó mới hiểu lý do tại sao Tiết chế lại dặn dò kỹ càng như thế và mình thật may mắn khi đã tuyệt đối lưu ý tới những lời dặn dò đó mà cho bố trí bãi cọc nằm ở khá xa, đủ xa để chúng không mò đến được.
Nhưng lúc này lại nảy sinh ra một vấn đề là không biết Trí Thắng đang ở đâu để mà bàn giao được số cọc này? Những ngày cuối tháng đã tới, Dã Tượng lo lắng sợ không hoàn thành nhiệm vụ bèn cho lính đóng bè rồi cử người đi tìm xem Trí Thắng đang đóng quân ở đâu. Song quân đi cũng đã mấy ngày mà vẫn không gặp được ai.
Dã Tượng thấy thế thì ra vẻ buồn bực, đến bữa chẳng buồn ăn. Cận vệ dọn cơm rồi lại phải bê nguyên mâm cơm xuống bếp. Cô gái phụ trách bếp ăn thấy mâm cơm còn nguyên như vậy thì vội chạy lên gặp Dã Tượng, khi đến cửa nhìn vào, cô thấy vị tướng đang vò đầu bứt tai ra vẻ lo âu ủ rũ. Thấy cảnh như vậy cô vội chạy vào hỏi:
- Thúc phụ làm sao vậy? Thúc phụ mệt à?
- À…! Quận chúa đấy à…? Ta không sao đâu…!
- Không sao…? À… hay là cơm canh nhà bếp hôm nay nấu không ngon nên thúc phụ không ăn được?
- Không phải…! Vẫn ngon như mọi hôm đấy chứ!
- Vậy thúc phụ làm sao có thể nói với con được không?
Dã Tượng thở dài một tiếng rồi mới nói:
- Ừ! Cũng chẳng có gì… vẫn là việc bữa trước Đức ông giao cho ta thôi!
- Con thấy anh em nói là đã làm xong hết cọc rồi kia mà?
- Ừ! Cọc thì xong cả rồi nhưng… người nhận thì không biết đang ở đâu để mà giao cho xong việc.
- Vậy thúc phụ phải bàn giao cọc ở đâu?
- Quốc công dặn ta là giao ở khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng đây… nhưng sông Bạch Đằng rộng lớn như thế kia thì biết tìm người nhận ở đâu để mà giao cho được?
Thương vị gia tướng của cha nuôi đã phải mất ăn mất ngủ vì không giao được số cọc kia, cô gái ngồi thần ra một lát để suy nghĩ tìm cách giúp ông. Phải nói cô gái là một người cực kỳ thông minh, chỉ một lát sau, cô đã ngẩng mặt lên mỉm cười nhìn Dã Tượng nói:
- Con có một cách này có thể tìm ra được người nhận nếu như người đó… thông minh một chút!
- Quận chúa… - Dã Tượng nhỏm hẳn người lên hỏi lại - Quận chúa có cách gì hay vậy?
- Con nghĩ rằng… người được Quốc công giao cho đi nhận cọc thì chắc chắn phải là người biết rõ địa thế vùng này, như vậy người đó sẽ phải biết đến cây gạo đại thụ nơi đầu dốc thuyền bến chợ…
- Ờ… cây gạo cổ thụ đó chúng ta đây ai cũng biết… mà đấy có phải là nơi quận chúa sống phải không?
- Vâng…! - Nhắc đến cây gạo khiến cô gái chợt buồn - Cây gạo đó ai cũng phải biết đến… Bây giờ lại đang đầu mùa hoa nở… nếu thúc phụ cho lấy các bông hoa gạo đó mà đem buộc vào một đoạn gỗ nhỏ có vát nhọn một đầu… giống như một chiếc cọc gỗ thu nhỏ rồi mang lên thượng lưu mà thả trôi trên khắp mặt sông… Nước sông sẽ mang hoa và cành gỗ kia đi khắp các ngóc ngách của con sông Bạch Đằng. Và khi đó…
Dã Tượng khi nghe đến đó thì chợt hiểu ý của quận chúa, ông tiếp lời:
- Khi đó… người nhận cọc vô tình nhặt được sẽ hiểu là cọc đang ở chỗ cây hoa gạo…
- Đúng như vậy! Thúc phụ chỉ cần cho người đợi ở gốc cây gạo thế nào cũng có người tìm đến.
Dã Tượng khen:
- Quận chúa quả là một cô gái thông minh!
Cô gái bẽn lẽn:
- Thúc phụ đã quá khen con rồi!
Dã Tượng cảm thấy bất ngờ với cô con nuôi của Quốc Tuấn. Nếu như bữa trước Dã Tượng nghĩ cô gái chỉ tình cờ nghĩ ra cách lui về Quảng Yên vì sợ mất nhiều công sức của quân sĩ, thì đến hôm nay thì Dã Tượng tin rằng cô quận chúa hẳn là người có trí thông minh bẩm sinh. Dã Tượng thầm nghĩ, từ giờ trở đi hễ có việc gì khó quyết thì mình cứ cho hỏi quận chúa là nhanh nhất! Dã Tượng vui vẻ nói:
- Ta sẽ cho người làm ngay theo sáng kiến của quận chúa, hy vọng sẽ sớm có kết quả!
- Vâng…! Thấy thúc phụ trở lại vui vẻ như vậy là con mừng lắm rồi! Thôi con xin phép được lui xuống bếp…! À mà thúc phụ có dùng cơm để con cho dọn lên?
Dã Tượng lắc đầu:
- Ta không thấy đói nữa… ta phải cho làm luôn theo sáng kiến của quận chúa không thì sẽ bị muộn mất!
*
* *
Trí Thắng nghe theo lời căn dặn của Quốc Tuấn thì cho tiêu thuyền theo dõi thật chặt đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi. Anh đợi đến khi quân giặc lên bờ lùng sục xong xuôi rồi rút hẳn đi thì mới đưa quân mình về giấu trong các khe lạch ở cửa sông Nam Triệu chờ nhận cọc của Dã Tượng và đợi lệnh của Tiết chế.
Song Trí Thắng chờ mãi đến mấy hôm mà chẳng thấy Dã Tượng cho người đến giao cọc. Anh cũng tỏ ra lo lắng nên đã chủ động cho người đi tìm, song mấy tên đi tìm khi trông thấy mấy người trên bè của Dã Tượng mà lại không thấy có cọc chở cùng cứ nghĩ là bọn Hồ gian nên tránh hết đi.
Sợ lỡ việc quân cơ, Trí Thắng một mặt vẫn tìm cách liên hệ với Dã Tượng, một mặt anh cho một số quân sĩ lên bờ vào rừng chặt cây làm cọc. Nhưng việc chặt cây thì dễ chứ còn chuyển được ra sông mà không có trâu, có ngựa thì lại vô cùng khó khăn. Mấy cây lớn đã chặt hạ xong mà không có cách gì kéo ra sông được.
Trí Thắng đành phải bỏ ý tưởng tự đi chặt cây làm cọc mà quay lại tập trung đi tìm Dã Tượng. Anh tin là Tiết chế đã giao việc thì chắc Dã Tượng không thể thất hẹn được. Nghĩ vậy Trí Thắng bèn lên một chiếc thuyền nhỏ bảo lính chèo đi dọc ven sông. Đang đi chợt thấy một màu đo đỏ đang lập lờ trôi trên mặt nước, khi thuyền đến gần Trí Thắng nhìn kỹ hơn, thì ra là một bông hoa gạo.
- Vậy là đã đến mùa hoa gạo nở rồi…!
Khi cô gái nghĩ ra cách buộc cành cây vào bông hoa gạo thì cũng chỉ dám hy vọng rằng người đi nhận cọc sẽ vô tình nhìn thấy, song Trí Thắng không phải là người vô tình… khi biết đó là bông hoa gạo, hoa Mộc Miên thì anh nhìn rất chăm chú, anh chợt nhớ đến người con gái mà anh hằng thương yêu, không biết giờ này nàng đang ở đâu…? Nàng đang làm gì…? Ta xa nàng như vậy là được gần một năm rồi…! Ôi sao ta nhớ nàng quá…! Chắc quân ta sắp chiến thắng rồi… ta sắp được gặp nàng rồi… ta sẽ cưới nàng…!
Vừa nghĩ, anh vừa chăm chú nhìn xuống bông hoa gạo, Trí Thắng chợt thấy có gì đó là lạ…
- Hoa gạo còn tươi như thế kia sao lại nổi được nhỉ?
Trí Thắng tự hỏi rồi sai lính lấy giáo khều bông hoa gạo lên xem, có một sợi dây nhỏ buộc chặt bông hoa với một cành cây khô một đầu được vót nhọn.
- Chắc trẻ con chúng chơi nghịch rồi vứt đi đây mà!
Anh nghĩ vậy liền vung tay vứt cả hoa lẫn cành cây xuống sông. Thuyền đi thêm một đoạn lại thấy một bông hoa gạo. Một đoạn nữa lại thấy một bông… cứ như vậy Trí Thắng bắt gặp năm, bảy bông hoa gạo như thế. Lúc này anh không còn nghĩ đây là trò chơi con trẻ nữa mà là một ai đó làm việc này có chủ ý của họ. Anh lại cho vớt một bông hoa lên, Trí Thắng chăm chú nhìn vào cành cây khô một đầu vót nhọn, anh thốt lên:
- Chà…! Đây không phải là cọc thì còn là cái gì nữa!
Mấy tên lính chèo thuyền còn chưa hiểu chủ tướng vừa nói gì thì lại nghe Trí Thắng giục:
- Mau… mau đến chỗ bến thuyền dốc cây gạo.
Khi thuyền đến bến, Trí Thắng nhảy vội lên bờ, anh bước đến gốc cây gạo trong lòng lâng lâng một cảm giác vui buồn khó tả. Nơi đây với anh có biết bao kỷ niệm đẹp với một người con gái là con bà chủ quán bán nước. Anh đưa mắt nhìn quanh, sau một năm cảnh vật không có gì thay đổi chỉ khác là quán nước dưới gốc cây gạo không còn, trên chợ cũng không thấy có một bóng người nào qua lại. Ngước mắt nhìn xa hơn, anh chợt giật mình vì ngôi làng đông đúc với những căn nhà ba gian hai chái bên cạnh chợ đã biến đi đâu mất.
- Chắc họ đi chạy giặc hết rồi! Không biết giờ này nàng đang ở đâu?
Đang khi suy nghĩ vẩn vơ thì có một người lính ăn mặc theo kiểu binh lính nhà Trần chạy đến hỏi:
- Có phải Vũ tướng quân đến nhận cọc đấy không?
Trí Thắng giật mình ngoảnh lại:
- Ông là…?
- Tôi là cận vệ của tướng quân Dã Tượng chờ tướng quân ở đây đã hai hôm nay rồi.
- Vậy chủ tướng của ông đâu?
- Chủ tướng của tôi ở trong rừng, mời tướng quân đi theo tôi!
- Có xa không?
- Khoảng hơn mười dặm.
Trí Thắng nghe nói vậy thì nhớ đến mấy cây gỗ đã chặt hạ nhưng không chuyển ra sông được thì hỏi:
- Vậy liệu đưa cọc ra có nhanh không?
Thấy Trí Thắng có vẻ băn khoăn vì khoảng cách xa gần, viên cận vệ bèn nói:
- Tướng quân yên tâm! Rất nhanh…! Chủ tướng tôi cho để xa như vậy nhằm đề phòng quân giặc phát hiện ra bãi tập kết bè. Nhưng bãi cọc đặt ngay bên cạnh bờ con sông Bè Gỗ nên tuy có xa hơn mười dặm nhưng từ trong đó ra đây cũng rất thuận tiện.
Trí Thắng lục tìm trong trí nhớ, làm gì có con sông nào tên là sông Bè Gỗ ở đây, anh đưa ra thắc mắc của mình:
- Sông Bè Gỗ là con sông nào mà ta lại không biết nhỉ?
- Dạ, đó là một chi lưu nhỏ của con sông Bạch Đằng này…
- Như vậy thì tốt quá! Nhưng tôi bận việc quân nên không thể đi ngay đến đó được... Vậy tôi cho một người của tôi đây cùng đi với ông đến đó để biết đường rồi chúng tôi sẽ cho thuyền đến đó để nhận cọc ngay cho nhanh.
- Thế thì tốt quá…!
Quay sang một tên lính đi cùng, Trí Thắng dặn:
- Ngươi đi cùng ông đây đến đó để biết chỗ rồi lại về ngay để dẫn quân đi nhận cọc.
- Vâng!
Trí Thắng quay lại nói với viên cận vệ của Dã Tượng:
- Ông về báo với tướng quân Dã Tượng là Trí Thắng tôi bận việc quân nên chưa thể tới bái kiến ông ấy ngay được và mong ông ấy bỏ qua cho… Hẹn khi khác tôi sẽ đến bái kiến sau.
- Vâng! Việc quân tối quan trọng! Chủ tướng tôi cũng hiểu…
- À…! - Sực nhớ ra bông hoa gạo, Trí Thắng hỏi - Ông có biết ai đã nghĩ ra cách buộc bông hoa gạo vào cành cây để chúng tôi biết mà tìm đến đây không?
- Cái đó là do người phụ trách nấu bếp của chúng tôi nghĩ ra đấy!
- Người phụ trách nấu bếp à?
- Vâng!
- Thật là thông minh…! Thôi các ngươi đi đi, ta cũng phải về quân doanh đây!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com