Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 19: Trước trận đánh lớn

Quốc Tuấn về đến Hiệp Môn(1) đúng vào trưa ngày hai mươi bảy tháng hai(2). Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đi sau đó chừng hai ngày đường. Ban đầu Quốc Tuấn xuất phát từ hương A Cảo cùng với xa giá của Thượng hoàng. Song đi được mấy ngày, thấy hai vua đi nhiều có vẻ mệt mỏi nên ông xin phép tách đoàn đi trước đến Hiệp Môn để có thời gian mà chuẩn bị trước.

Ngay khi đến Hiệp Môn, Quốc Tuấn hỏi ngay và biết được là đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi đã đi qua đây được ba hôm. Ông nhẩm tính hôm nay đã là ngày hai mươi bảy tháng hai, đỉnh triều của con nước hôm qua vào khoảng giữa giờ Tuất. Như vậy thời gian để con nước đạt được mức đỉnh vào giờ Mão sẽ phải nằm trong khoảng từ ngày mồng bảy đến mồng mười tháng ba. Nếu mọi việc thuận lợi thì trận đại thủy chiến sẽ diễn ra trong mười ngày nữa, thời gian lúc này trở nên vô cùng gấp gáp. 

-        Không biết xa giá triều đình hôm nào mới tới được đây?

Quốc Tuấn sốt ruột tự hỏi rồi cho người đi gọi Yết Kiêu tới. Khi viên gia tướng lò dò đi đến, ông hỏi ngay:

-        Vừa rồi ngươi đã trưng dụng được bao nhiêu thuyền đánh cá nhỏ của dân vạn chài vậy?

-        Bẩm Đức ông! Do giặc giã hoành hành nên dân vạn chài cũng đi lánh nạn xuống phía nam gần hết nên con chỉ thu được tất cả hai trăm sáu chục chiếc.

-        Thế số thuyền trước đây ở cửa Đại Than ta bảo ngươi đem cất giấu ở dãy Phượng Hoàng là bao nhiêu cái?

-        Dạ, bữa đó đem giấu lên núi được ba trăm năm chục cái.

Quốc Tuấn lẩm nhẩm tính toán:

-        Như vậy là có được sáu trăm cái… thế cũng là tạm đủ… Yết Kiêu này!

-        Dạ!

-        Ngươi cho người đến ngay núi Phượng Hoàng tìm bọn lính giữ thuyền kia bảo chúng phải bí mật mang ngay hết số thuyền đó về đây.

-        Vâng!

-        Còn nữa, hãy kiểm tra số cỏ khô và các đồ dẫn cháy trong kho xem đã đủ dùng cho sáu trăm thuyền chưa… nếu thấy thiếu thì cho người đi kiếm bằng đủ. Nhớ đừng để ướt cỏ đấy, chúng ta sắp phải dùng đến rồi.

-        Dạ…! Nếu không còn việc gì thì xin phép Đức ông con đi lo việc?

-        Ừ được! Ngươi mau đi đi!

Quốc Tuấn lại ngồi xuống tính toán, như vậy là thuyền lửa đã có đủ, bây giờ phải cắt đặt cho một trận đánh lớn. Gần như mọi binh lực hiện có của Đại Việt sẽ cùng tham gia vào trận đánh này. Một trận đánh lớn đến mức Quốc Tuấn không dám tự ý cắt đặt bố trí binh lực mà phải trình lên Thượng hoàng và Quan gia trước khi điều động các tướng. Trong khi đợi Thượng hoàng và Quan gia cũng đang trên đường đến đây, Quốc Tuấn lẩm nhẩm lại những dự định bố trí người của mình:

-        Nguyễn Khoái chỗ này… Ngũ Lão chỗ kia… không Ngũ Lão có nhiều kỵ binh thì phải ở chỗ này mới được… Khánh Dư giỏi đánh thủy thì phải chặn ở đây… Nguyễn Địa Lô bắn cung tốt thì phải ở đây mới được… Còn ai nữa nhỉ? À Dã Tượng nữa… không biết hắn có lo được hai ngàn cọc gỗ và giao cho Trí Thắng chưa? Lại còn việc đóng cọc của Trí Thắng nữa… Trí Thắng có thể đóng sáu ngàn cọc gỗ kia trong năm hôm, như vậy muốn ngày mồng năm đóng xong cộng với hai ngày dự phòng thì ngày hai mươi chín phải bắt đầu đóng cọc là vừa rồi.

Nghĩ đến đây, Quốc Tuấn vội gọi người mang bút mực tới để viết cho Trí Thắng một bức thư hỏi về việc Dã Tượng đã giao đủ cọc chưa, có gặp khó khăn, thiếu thốn gì không và đặc biệt là dặn kỹ Trí Thắng phải bắt đầu việc đóng cọc chậm nhất vào ngày hai mươi chín tháng hai.

- Mọi việc như vậy đã xong, giờ chỉ còn chờ xa giá của Thượng hoàng và Quan gia đến để xin ý kiến nữa là xong!

           Quốc Tuấn vươn vai hít một hơi thật sâu rồi thở ra một cách từ từ. Ông tin tưởng và cảm thấy chiến thắng đang đến rất gần.

           Đến chiều hôm sau thì xa giá của Thượng hoàng và vua Nhân Tông cũng đã đến Hiệp Môn. Thượng hoàng và vua Nhân Tông được mời ngay vào đình làng để nghỉ ngơi và bàn bạc việc quân. Quốc Tuấn đang tính thời gian từng khắc một nên không đợi hai vua kịp nghỉ ngơi mà ngỏ ý muốn hai người duyệt ngay cho thế trận tạm gọi là thế trận Bạch Đằng, Thượng hoàng Thánh Tông hiểu rằng công việc đang cực kỳ gấp gáp nên nói:

-        Vậy hoàng huynh cần triệu tập đến những ai để ta cho đi đòi luôn một thể?

-        Tâu Thượng hoàng - Quốc Tuấn chắp tay nói - các tướng hiện nay đều không thể đến đây được vì đang nằm rải rác ở khắp mọi nơi. Nếu như Thượng hoàng và Quan gia đồng ý với thế trận Bạch Đằng của thần đưa ra thì lúc đó mới dám điều động đến các tướng.

-        Nếu vậy thì hoàng huynh mau trình bày thế trận Bạch Đằng đi?

-        Vâng!

Quốc Tuấn lấy trong người ra một tấm địa đồ, ông giở ra, vuốt mấy lượt cho thẳng rồi trình lên trước mặt hai vua và nói:

-        Đây là địa đồ toàn bộ hạ lưu sông Bạch Đằng, thần dự định bài binh bố trận như thế này…

Quốc Tuấn say sưa trình bày về thế trận, thỉnh thoảng ông phải ngắt quãng để trả lời những câu hỏi đột ngột khi thì của Thượng hoàng Thánh Tông, khi thì của vua Nhân Tông. Sau khi nghe Quốc Tuấn trình bày toàn bộ về thế trận Bạch Đằng, cả hai vua đều gật gù khen rằng thế trận quả là chặt chẽ. Thượng hoàng Thánh Tông chợt như nhớ ra điều gì vội hỏi:

-        Thế trận như vậy thì không còn phải bàn thêm, nhưng chỉ có mấy ngày để đóng hết gần chục ngàn chiếc cọc gỗ như vậy xuống sông liệu có làm được không?

-        Xin Thượng hoàng yên tâm! Thần tuyệt đối tin tưởng vào tài và trí của viên tướng phụ trách việc đóng cọc này.

-        Hắn tên là gì? Bao nhiêu tuổi?

-        Hắn tên là Vũ Trí Thắng, người An Dương lộ Hải Đông, năm nay hắn mới hai mươi mốt tuổi thôi ạ.

-        Hai mươi mốt tuổi thôi à? Trẻ quá! Nhưng sao ta chưa nghe tên Vũ Trí Thắng bao giờ nhỉ?

-        Hắn mới đăng lính vào đợt mộ lính tháng ba năm ngoái. À… - Quốc Tuấn như chợt nhớ ra chuyện gì đó - Mà hắn chính là người chỉ huy đội lính thủy cảm tử giúp Nhân Huệ vương đánh chiếm đoàn thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ mà Thượng hoàng và Quan gia đã được nghe quan Trung sứ kể lại bữa trước đó.

Thượng hoàng Thánh Tông reo lên:

-        A…! Vậy thì ta nhớ ra rồi…!

-        Chính là hắn đấy… vừa rồi mấy trận ở cửa Đại Bàng và ải Hải Thị hắn cũng có tham gia…

Vua Nhân Tông có vẻ quan tâm đến viên tướng trẻ tuổi này, ngài gật gù thán phục:

-        Giỏi…! Mới gần một năm mà đã là tướng quân rồi! Giỏi!

Quốc Tuấn nghe nói vậy thì vội phân trần:

-        Vâng! Đội ơn Thượng hoàng và Quan gia ban cho thần được quyền phong tướng nên thần đã mạn phép tự phong cho hắn…

Vua Nhân Tông vội xua tay nói:

-        Không sao! Không sao! Ta chỉ thấy bất ngờ vì hắn còn quá trẻ, vả lại mới đăng lính được gần một năm.

Quốc Tuấn lúc này mới có dịp nói:

-        Hắn tuy mới chỉ đăng lính có gần một năm nhưng kiến thức hiểu biết của hắn về con sông Bạch Đằng này thì chắc là trong tất cả tướng sĩ Đại Việt ta không có đến người thứ hai như thế!

Thượng hoàng nãy giờ chỉ nghe hai người nói chuyện lúc này mới xen vào:

-        Hoàng huynh mà đã nhìn người thì chắc là không sai rồi! Mà hình như đây là lần đầu tiên hoàng huynh mới sử dụng đến quyền phong tướng thì phải?

-        Vâng! Đây đúng là lần đầu tiên thần phong tướng cho một người. Nếu…

Quốc Tuấn bỏ lửng câu nói khiến vua Nhân Tông phải giục:

-        Hoàng bá nói nếu… sao cơ?

-        Nói ra bây giờ thì còn quá sớm nhưng nếu trận Bạch Đằng này mà thắng lợi thì thần cúi đầu xin Quan gia phong cho hắn lên chức Điện tiền chỉ huy sứ?

Vua Nhân Tông không suy nghĩ nói ngay:

-        Ta đồng ý như thế!

-        Đội ơn Quan gia!

-        Không có gì! Ta chỉ mong nước Đại Việt ta thời nào cũng có được nhiều người trẻ và tài giỏi như thế…!

Quốc Tuấn vội chuyển chủ đề:

-        Thời gian không còn nhiều, bây giờ thần xin Thượng hoàng và Quan gia cắt đặt và giao việc cho các tướng!

-        Vương huynh đã có chủ ý rồi thì cứ liệu quyền Tiết chế mà cắt đặt!

-        Phụ hoàng nói đúng đấy - Vua Nhân Tông đồng tình với cha - nhưng hoàng bá phải cho ta trực tiếp cầm một cánh quân đánh giặc đấy nhé?

-        Cho cả ta với nữa!

Quốc Tuấn lại chắp tay nói:

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia! Việc đánh giặc dẫu có nhàn hạ đến mấy đi nữa thì chiến trường cũng vẫn là nơi nguy hiểm. Thượng hoàng và Quan gia nên giữ gìn long thể, không nên thân chinh mà chỉ nên ở đây đợi tin báo tiệp.

Thượng hoàng Thánh Tông xua tay nói:

-        Không được…! Tuyệt đối không được!

-        Đó không phải là thần cứng nhắc nhưng dù sao cũng phải đề phòng…

Quốc Tuấn định nói là đề phòng quân ta thua song lại bỏ lửng câu nói vì không muốn mở mồm nói gở. Thượng hoàng thấy vậy cũng hiểu ý bèn nói:

-        Ta hiểu được điều đó nhưng chẳng nhẽ trong trận huyết chiến vĩ đại như thế này mà chúng ta lại ngồi ở đây thì sao có thể chịu được…? Thôi thì thế này đi…!

-        Xin Thượng hoàng cứ dạy?

-        Vương huynh đã không cho chúng ta đánh giặc thì phải cho chúng ta đuổi giặc. Vậy ta và Quan gia sẽ đợi sẵn ở trên bờ, chỉ khi nào quân ta đã giành được ưu thế hoàn toàn thì chúng ta sẽ xông ra để bắt giặc. Như vậy… vương huynh nghĩ sao?

Quốc Tuấn ngước mắt nhìn lên nhìn nét mặt của hai vua, ông nhận thấy rõ sự khao khát được lâm trận trong cả ánh mắt lẫn trên nét mặt của cả Thượng hoàng và Quan gia thì biết mình không thể từ chối. Ông vội cúi đầu, chắp hai tay vái xá lên rồi đáp:

-        Vâng! Vậy thì để phiền Thượng hoàng và Quan gia thân chinh một phen!

Cả Thượng hoàng và vua Nhân Tông cùng cười vui vẻ, vua Nhân Tông hỏi:

-        Vậy hoàng bá có biết hiện nay thủy quân giặc còn bao nhiêu chiến thuyền không?

-        Theo tin mật báo mà thần có được thì Ô Mã Nhi vừa rồi còn khoảng hơn bốn trăm thuyền, Thoát Hoan cũng còn hơn hai trăm thuyền nữa, như vậy thủy binh của chúng có hơn sáu trăm thuyền, trong đó có hơn hai trăm là thuyền cỡ lớn. Quân số chúng đi theo các thuyền này vào khoảng trên tám vạn tên.

-        Như vậy chúng ta sẽ cần bao nhiêu quân mới đủ?

-        Nếu huy động tối đa các lực lượng hiện có ở gần đây như quân của Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Trần Quốc Tảng, Vũ Trí Thắng… chúng ta sẽ có được chừng bốn vạn quân.

Vua Nhân Tông tỏ vẻ phân vân:

-        Giặc tám vạn… ta bốn vạn… như vậy ta có bị yếu thế quá không?

-        Dĩ nhiên là hơi yếu thế về người song ta lại có thiên nhiên hỗ trợ nên tuy quân ta có ít hơn nhưng không đáng lo ngại.

Thượng hoàng Thánh Tông cũng lo ngại:

-        Hoàng huynh không lấy thêm quân được nữa sao?

-        Thần đã tính toán kỹ, Lê Phụ Trần đang ở duyên hải phía đông, Chiêu Văn vương đang ở Thăng Long đều không thể đến ngay đây được. Các tướng phía bắc thì một mặt cũng ở xa đây một mặt thần muốn lưu lại đó để chặn cánh quân bộ của Thoát Hoan nên cũng không thể điều về đây được.

Thượng hoàng Thánh Tông ngẫm nghĩ một lát thì bảo:

-        Thế thì hoàng huynh phải lấy bớt số quân Thánh Dực ở đây đi mới được!

-        Không được! - Quốc Tuấn từ chối - Số quân Thánh Dực này phải để lại đây để còn hộ giá!

Vua Nhân Tông cũng đồng tình với cha:

-        Hoàng bá đừng chối nữa… hãy dùng đội quân Thánh Dực ở đây đi!

Quốc Tuấn thầm nghĩ giá mà có một nửa số quân Thánh Dực ở đây tham chiến thì hay quá! Ông sẽ giao cho Nguyễn Khoái dùng làm đội quân cảm tử thì lũ giặc kia không thể không theo ý mình. Nhưng ông lại sợ thiếu lực lượng hộ giá cho Thượng hoàng và vua Nhân Tông. Thấy Quốc Tuấn vẫn còn lưỡng lự, Thượng hoàng Thánh Tông nói:

-        Hoàng huynh nghĩ xem! Dẫu bãi cọc ngầm kia có chặn được giặc lại mà ta không có đủ lực lượng áp đảo để tiêu diệt bọn chúng thì bọn giặc sẽ cầm cự chờ nước lên trở lại để mà thoát ra... Khi đó không phải là lỡ việc lớn hay sao?

Quốc Tuấn không từ chối thêm nữa, ông chắp tay vái hai vua nói:

-        Thượng hoàng dạy phải! Vậy thần xin mượn một nửa số quân Thánh Dực ở đây vậy!

Thượng hoàng Thánh Tông cố nài:

-        Hoàng huynh cứ dùng hết cả đi!

Quốc Tuấn nói:

-        Một người lính Thánh Dực ở đây cũng dư sức địch lại với bốn, năm tên giặc rồi. Vậy nên thần chỉ cần lấy một nửa số quân Thánh Dực là đủ.

-        Được…, vậy hoàng bá cứ lấy năm ngàn lính Thánh Dực đi vậy! Nhưng cứ phải giao việc khó cho chúng mới được!

-        Vâng, thần sẽ giao chúng cho tướng Nguyễn Khoái, Nguyễn Khoái cùng với Yết Kiêu sẽ có nhiệm vụ tấn công giặc, không cho chúng dừng lại mà bắt chúng phải di chuyển vào trận địa mai phục của ta.

-        Được… được… phải cho chúng vào đó để cho lũ giặc kia biết thế nào là sức mạnh đội quân Thánh Dực của chúng ta.

*

*        *

Cáo từ Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông, Quốc Tuấn trở về doanh trại. Ông ngồi xuống thư án viết liền một lúc hàng chục bức thư lệnh gửi cho các tướng Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, và cả con trai ông Trần Quốc Tảng… hẹn mỗi người một việc đúng ngày mồng năm tháng ba phải đưa quân về mai phục sẵn tại các vị trí mà ông đã sắp đặt.

Sáng hôm sau, gọi đám lính cận vệ, bảo chúng chuẩn bị ngựa để cùng ông đến núi U Bò. Đoàn người ngựa đi đến chân núi thì đã thấy một tốp lính khác đang đợi ở đó. Đó chính là Nguyễn Địa Lô, viên gia tướng của ông đã y hẹn chờ sẵn. Hai đoàn người chập lại làm một, lúc này không thể đi ngựa được nữa, cả đoàn xuống ngựa rồi cùng nhau leo bộ lên núi.

 Một phần do đang tiết cuối xuân nên đường đi khô thoáng cộng với tinh thần rất phấn chấn vì đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho một trận đánh lớn nên Quốc Tuấn cứ leo phăng phăng. Nguyễn Địa Lô cùng đám lính cận vệ phải khá vất vả mới theo kịp được ông già vừa đi vừa chống gậy.

Thực ra mọi thứ vẫn như in ở trong đầu, Quốc Tuấn có thể ngồi ở trong quân doanh mà cắt đặt chu đáo mọi việc. Song do bản tính cẩn thận, ông vẫn quyết định phải trèo lên núi vừa là để kiểm tra lại lần cuối cùng vừa giao việc cụ thể cho Nguyễn Địa Lô.

Khi đoàn người lên đến đỉnh, Quốc Tuấn ra hiệu cho mọi người đứng lại đợi còn ông cùng với viên gia tướng leo lên một mỏm núi cao nhất. Ông đưa mắt hết nhìn xa lại trông gần rồi thầm so sánh trong trí nhớ để kiểm tra xem có gì thay đổi gì không. Sau một lúc để chắc chắn rằng mọi thứ vẫn nguyên như cũ thì Quốc Tuấn mới đưa tay chỉ trỏ, bảo cho Nguyễn Địa Lô biết rõ các vị trí cần thiết rồi nói:

-        Ở đây sẽ nhìn rõ được toàn cảnh bên dưới nên tướng quân sẽ có hai việc, một là khi thấy đoàn thuyền của Yết Kiêu bắt đầu tấn công thuyền giặc thì phải phất cờ đỏ lên để báo hiệu cho các cánh quân khác biết để chuẩn bị đánh giặc. Việc thứ hai là phải bố trí ba ngàn cung thủ mai phục trong các khe núi này để làm sao phải khống chế không cho các thuyền của giặc đi qua chân núi này trong phạm vi một tầm tên.

-        Con hiểu rồi! Nhưng ngoài tầm tên ra thì sao?

-        Ngoài một tầm tên ra thì để cho Nhân Huệ vương lo liệu. Nhớ chuẩn bị cho thật nhiều tên lửa vào.

-        Vâng! Con đã cho chuẩn bị tới mấy vạn mũi tên rồi!

-        Tốt! - Quốc Tuấn đưa tay vỗ vai Nguyễn Địa Lô - Vậy thì ngay từ ngày mai ngươi phải cho binh lính chuyển dần tên lên trên đây là được rồi đấy! Leo lên đây không phải nhanh đâu!

-        Vâng, con hiểu rồi…! Nhưng con còn có một thắc mắc muốn được hỏi lại cho rõ?

-        Ngươi cứ hỏi!

-        Tiết chế có bố trí quân ở chân núi này không?

-        Có chứ, nhưng… đó là việc của người khác… ngươi quan tâm đến làm gì?

-        Vâng! Con hỏi vậy vì ban nãy Tiết chế giao cho con phất cờ báo hiệu… nhưng con sợ nếu quân ta ở dưới chân núi sẽ không thể nhìn được cờ hiệu để mà hành động.

-        Đúng…! Đúng…! - Quốc Tuấn gật gù - Điều đó ta quên mất không nghĩ ra… Vậy thì phải có người đứng ở bờ bên kia phất cờ lên thì bên này mới nhìn thấy được… Thôi ta giao luôn việc này cho ngươi đấy!

Nguyễn Địa Lô đưa mắt nhìn sang phía bờ bên kia, một cây gạo cao vút lên đập vào mắt anh.

-        Vậy thì con sẽ cho người trèo lên cây gạo kia - Nguyễn Địa Lô vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía cây gạo cổ thụ nằm trên bờ tả sông Bạch Đằng - khi nào thấy bên này phất cờ thì bên kia cũng phất cờ báo cho quân sĩ bên này được biết.

Quốc Tuấn gật đầu, mắt nheo nheo nhìn theo hướng tay chỉ của viên gia tướng. Cây gạo già đang bắt đầu thời kỳ nở hoa, các cành nhánh màu xanh mốc đang được sơn phết lên những chấm nhỏ li ti màu đỏ.

-        Cây gạo đẹp… ở đấy cũng được đấy, nhưng phải đổi màu cờ hiệu không dùng màu đỏ nữa mà dùng sang màu vàng nhé!

-        Vâng…!

Nguyễn Địa Lô đang định thắc mắc lý do phải đổi màu cờ hiệu, song khi nhìn lại cây gạo, viên gia tướng chợt hiểu, chỉ mấy hôm nữa thôi thì cây gạo kia sẽ được phủ kín bởi một màu hoa đỏ. Địa Lô bất chợt nhớ đến bài thơ hoa gạo tháng ba, anh mỉm cười. Quốc Tuấn thấy sự vui vẻ thể hiện trên nét mặt của viên gia tướng thì hỏi:

-        Ngươi có điều gì vui mà vui cười như vậy?

-        Con chợt nghĩ tới một bài thơ lục bát bốn câu mà trong quân sĩ dạo này thường rất hay đọc nên tự thấy vui vui thôi.

-        Bài thơ lục bát à?

-        Vâng! Trong quân dạo này cứ truyền tai cho nhau mà đọc bài thơ này.

-        Ngươi thử đọc lại cho ta nghe xem nào?

Nguyễn Địa Lô khẽ dạ một tiếng rồi cất lời đọc:

Tháng ba cây gạo ra hoa

Trần binh đánh phá gấp ba bốn lần

Thát binh bay cứ lần chần

Thịt tan, xương nát, bách phần không sai.

Quốc Tuấn nghe Nguyễn Địa Lô đọc xong bài thơ thì gật gù hỏi:

-        Vậy ngươi có biết đó là thơ của ai không?

-        Con nghe nói bài thơ đó là của một cô gái phụ trách bếp núc trong đội quân bộ của Dã Tượng.

-        Cô gái… phụ trách bếp núc trong đội quân của Dã Tượng à…? Không lẽ đó là Mộc Miên…?

*

*       *

Ô Mã Nhi vừa ở trên trại của Trấn Nam vương trở về. Chắc Thoát Hoan vừa mới chửi cho hắn một trận mất mặt nên trông nét mặt y có vẻ buồn buồn. Lưu Khuê nhác trông thấy chủ tướng có vẻ cau có định tránh đi nhưng không kịp. Ô Mã Nhi đã nhìn thấy hắn bèn gọi giật lại, Lưu Khuê giả vờ giật mình rồi quay lại bước vội về phía chủ tướng của hắn rồi hỏi:

-        Tướng quân sao vậy…? Trông ngài có vẻ không được khỏe lắm!

-        Ngươi mau vào đây ta bàn chuyện!

-        Vâng! Tướng quân vừa ở chỗ Trấn Nam vương về có tin tức gì mới không?

-        Ngài vừa mắng cho ta một trận đây!

-        Trấn Nam vương mắng ngài về chuyện gì vậy?

-        Chuyện gì ư? Nhiều chuyện lắm! Nào là ta đã làm mất hết lương thực… rồi là không kiếm được đủ số lương yêu cầu… rồi là đi lâu về chậm để ngài phải rút khỏi Thăng Long…

-        Vậy bây giờ phải tính sao?

-        Ngài bắt ta nội trong ba hôm phải nộp lên đủ ba vạn thạch lương nữa.

Lưu Khuê hỏi lại:

-        Ba vạn thạch nữa à?

-        Đúng! Ba vạn thạch.

-        Lấy đâu ra ba vạn thạch bây giờ…! Vậy tướng quân định liệu thế nào?

-        Thì ta đang đau đầu về chuyện này đây! Quân Đại Việt giờ giấu lương kỹ lắm, làm sao mà kiếm ra được?

Lưu Khuê trông thấy Ô Mã Nhi vừa nói vừa vò đầu bứt tai vẻ rất khổ sở bèn bảo:

-        Tôi tình nguyện đưa quân lên bờ kiếm lương cho tướng quân!

-        Ta cũng nghĩ đến việc phải cho quân lên bờ nhưng không hy vọng là có thể lấy được lương thực một cách dễ dàng như vậy!

-        Nhưng không thử thì làm sao biết được?

-        Thôi được! Ngày mai ta cho quân đi lùng sục xem có được thêm tí nào không?

-        Một vạn thạch lương trong ba ngày phải có đủ mà ngài còn bảo để mai mới đi thì sao cho kịp? Ngay giờ phải xua quân đi ngay mới được.

-        Ngươi nói phải lắm! Để Phàn Tiếp ở lại trông coi binh thuyền. Ta và ngươi chia nhau đi mỗi người một ngả, hẹn chiều tối về xem được nhiều hay ít.

Cả hai thống nhất rồi chia quân lên hai bờ đi tìm lương thực. Hỡi ôi! Quân Đại Việt cũng đang thiếu lương thực một cách trầm trọng. Quân sĩ cũng bữa đói bữa no tùy thuộc vào sự giúp đỡ của dân địa phương chứ lương thực của triều đình thì đã lâu lắm không thấy chuyển tới. Vậy thì lấy đâu ra đến mức thừa mứa cất trữ trong kho để cho Ô Mã Nhi có thể dễ dàng mà lấy được! Ô Mã Nhi dẫn quân đi mãi đến chiều tối mà chỉ lấy được một ít sắn trên nương chưa đến kỳ thu hoạch. Bên phía Lưu Khuê thì cũng không khá gì hơn, y chỉ lấy được vài đấu gạo mốc trong một nhà dân bỏ hoang. Hai tên lại hẹn sáng hôm sau tiếp tục đi tìm kiếm song kết quả cũng chẳng khá hơn hôm trước. Chúng chán nản không buồn nói đến chuyện đi tìm kiếm lương thực nữa. Lưu Khuê lúc này mới nói với Ô Mã Nhi:

-        Bữa trước tôi đã nói với tướng quân rồi, nếu về đây thấy bất lợi thì phải lui binh ngay nếu không quân Trần có thời gian di chuyển lên phía bắc thì thủy quân ta rất khó được vẹn toàn.

-        Ta cũng biết vậy… nhưng khi về đây mới biết Trương Văn Hổ đã bị quân Trần đánh úp mất hết lương thực rồi. Nếu nay về nước thì không lẽ tội vạ đổ hết lên đầu ta à? Thôi kệ… hắn muốn ở thì ở mà rút thì rút ta không dám bàn…

-        Tướng quân nghĩ vậy là sai rồi…! Tướng quân nay đã có tội thì cũng không xóa được tội, nếu cứ chần chừ ở đây nếu chẳng may bị thiệt hại hết cả đoàn chiến thuyền này thì có phải là tội lại chồng lên tội không?

Tên tướng giặc gật gù song không nghĩ được ra cách gì bèn quay sang hỏi Lưu Khuê:

-        Vậy ngươi bảo ta phải làm thế nào?

-        Tướng quân với tôi và Phàn tướng quân được giao chỉ huy đoàn chiến thuyền này nên… theo tôi tướng quân cứ cho gọi Phàn Tiếp đến bàn xem ông ta có cao kiến gì không?

-        Được! Để ta cho gọi Phàn Tiếp đến đây cùng bàn.

Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê vừa ngồi nói chuyện phiếm vừa chờ Phàn Tiếp tới. Khi đã đông đủ ba người, Ô Mã Nhi nói:

-        Ba chúng ta đã được vua giao cho chỉ huy đoàn chiến thuyền này, song nay Trấn Nam vương không quyết lui hay đánh mà cứ chần chừ mãi. Nếu cứ chậm chạp như thế này nhỡ quân Trần có đủ thời gian chuyển quân lên chẹn nốt cả cửa biển Bạch Đằng thì chúng ta không còn đường về nữa… Tôi sợ nhỡ ra đoàn binh thuyền có bị làm sao thì tội vạ đổ hết lên đầu chúng ta… Phàn tướng quân xem có cao kiến gì không?

Phàn Tiếp ngẫm nghĩ một lát rồi mới nói:

-        Kể ra thì bây giờ có rút về ngay cũng đã là muộn rồi!

-        Sao Phàn tướng quân lại nói như vậy?

-        Bữa trước khi ghé qua bờ sông Bạch Đằng để kiểm tra tuy không bắt được người và phát hiện ra điều gì khả nghi nhưng tôi thấy quân sĩ ở căn cứ Vạn Kiếp nói cách đây khoảng hai chục ngày có một toán quân Đại Việt thường quấy nhiễu ở mạn phía đông căn cứ Vạn Kiếp đã di chuyển về phía rừng Quảng Yên song không biết đi đâu… tôi nghi quân Đại Việt đã có bố trí mật phục ở đó rồi.

Ô Mã Nhi đưa ra ý kiến của mình:

-        Ta không nghĩ như vậy! Khi quân ta vào đây đánh trận nào thắng trận đó… Khi đánh đến kinh thành Thăng Long thì hai vua và cả Trần Hưng Đạo cũng đều phải bỏ thành mà chạy ra biển… chứng tỏ lực lượng quân Trần không có nhiều… Vừa rồi chúng ta bị thua ở Đại Bàng, Hải Thị chẳng qua là vì quân Trần đã chuẩn bị và đang tập trung hết ở đó… nên ta nghĩ bọn chúng chưa thể có đủ lực lượng và thời gian để bố trí mật phục ở cửa Bạch Đằng.

Lưu Khuê ngắt lời:

-        Các ông thật buồn cười! Việc bây giờ phải bàn trước mắt là làm sao thuyết phục được Trấn Nam vương cho rút quân về nước đã.

Ô Mã Nhi cũng nói:

-        Phải… phải đấy!

Phàn Tiếp cười nói:

-        Việc đó có gì mà phải bàn! Tôi nghĩ không quá năm hôm nữa Trấn Nam vương sẽ có quyết định lui quân!

Ô Mã Nhi và Lưu Khuê ngạc nhiên không hiểu viên tướng kia căn cứ vào đâu mà lại có thể khẳng định chắc chắn như vậy, không lẽ hắn được Trấn Nam vương nói cho biết trước. Ô Mã Nhi hỏi:

-        Tướng quân sao lại chắc được như thế?

-        Đấy là tôi cũng đoán vậy thôi!

-        Nhưng mà trên cơ sở nào vậy?

-        Thì vừa rồi Trấn Nam vương bắt tướng quân đi tìm ba vạn thạch lương để cho quân ăn chờ tiếp viện… nay tướng quân không nộp được một thạch nào thì cứ ở đây mà ăn đất sét à?

-        Có lý…! Có lý…!

Phàn Tiếp nói thêm:

-        Chúng ta chỉ ở dưới thuyền nên không biết đó thôi…! Tôi còn nghe quân sĩ trên bờ kháo nhau rằng quân Trần mấy hôm nay đánh phá căn cứ Vạn Kiếp kinh lắm! Chúng còn bắn theo tên vào trong căn cứ một bài thơ để làm rối lòng quân ta nữa… thế nên tôi mới đoán chắc rằng chỉ năm hôm nữa sẽ có lệnh lui quân.

Ô Mã Nhi nghĩ đến ngày rút quân thì hỏi:

-        Vậy thì… chúng ta cứ coi như năm hôm nữa sẽ có lệnh lui quân đi… vậy theo hai tướng thì chúng ta nên rút đi theo đường nào?

Phàn Tiếp nói:

-        Các cửa Ba Lạt, Diêm Hộ, Trà Lý… đến Đại Bàng đều có quân Trần trấn giữ cả chỉ có mỗi cửa Bạch Đằng là bỏ không… binh pháp có câu hư là thực, thực là hư… tôi sợ bọn chúng sẽ chặn đánh ta ở cửa Bạch Đằng đấy!

Lưu Khuê lo lắng hỏi:

-        Vậy chúng ta phải làm sao bây giờ?

-        Hai người đừng lo! Đó mới chỉ là nghi ngờ thôi! Muốn biết quân Trần bố trí trận địa mai phục thật ở đâu thì phải tìm cho bằng được một người.

Ô Mã Nhi sốt sắng hỏi:

-        Tướng quân nói tìm một người nào?

-        Trần Hưng Đạo… Trần Hưng Đạo ở đâu thì quân Trần sẽ đánh ở đó!

-        Đúng vậy…! Tướng quân đã có cách gì để tìm ra chưa?

-        Tôi đã có cách… xin hai người yên tâm!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com