Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 23: Đoạn kết

Mộc Miên sáng nay vui lắm, cả đêm qua cô thao thức không ngủ được vì chiều hôm qua, Dã Tượng đã tình cờ kể cho cô nghe hết mọi điều về Trí Thắng. Sở dĩ gọi là tình cờ vì chiều hôm qua, khi Dã Tượng báo cho nhà bếp là sáng mai phải nấu cơm cho quân sĩ ăn thật sớm để đánh một trận thật lớn có thể đến chiều tối mới kết thúc. Sau khi báo cơm xong Dã Tượng buột mồm nói:

-        Tên Trí Thắng này thế mà giỏi..!

Mộc Miên nghe vậy thì tò mò hỏi:

-        Thúc phụ nói ai giỏi cơ?

-        À… ta đang nói đến một viên tướng trẻ… chỉ trong bốn hôm mà hắn đã đóng xong hơn sáu ngàn cọc gỗ xuống sông thì thực là giỏi thật!

Đó vẫn chưa phải là tin tức mà Mộc Miên cần quan tâm, cô hỏi lại:

-        Vậy anh ta tên là gì? Năm nay bao nhiêu tuổi ạ?

Dã Tượng đang vui vì trận đánh ngày mai nên không để ý đến vẻ háo hức của Mộc Miên, anh trả lời:

-        Hắn tên là Trí Thắng… năm nay mới có hai mươi… hay hai mốt gì đấy!

-        Trẻ thế mà đã là tướng rồi ạ?

-        Ừ! Hắn tòng quân mới được có mấy tháng mà đã được chính Quốc công phong cho chức tướng quân… một vị tướng trẻ nhất trong quân đội nhà Trần đấy!

Nghe Dã Tượng nói vậy thì Mộc Miên không dám nghĩ rằng đó chính là chàng trai của mình, cô phân vân hỏi:

-        Thúc phụ có biết anh ta là người ở đâu không?

-        Có chứ! Hắn là người An Dương lộ Hải Đông.

-        Vậy anh ta có công gì mà được phong chức tướng quân nhanh như vậy?

-        Ta cũng không rõ lắm… nhưng hình như anh ta rất thông thạo và biết rõ về sông nước và thế trận cọc ngầm nơi đây… anh ta chính là người mà ta phải tìm để bàn giao hai ngàn cọc gỗ bữa trước đó!

Đến đây thì Mộc Miên đã tin chắc rằng, viên tướng trẻ mà Dã Tượng nhắc tới kia chính là Vũ Trí Thắng của cô. Bây giờ cô mới hiểu ra ý nghĩa lớn lao của những việc mà anh đã phải một mình dãi gió dầm sương, lặn ngụp trong suốt cả một mùa đông giá rét. 

Mộc Miên mừng lắm, cô mất ngủ cũng là lẽ đương nhiên. Cả đêm cô nghĩ đến những lời Dã Tượng nói, nếu ông nói đúng thì ngày mai sẽ là trận đánh lớn và gần như là trận đánh cuối cùng để kết thúc chiến tranh… Ôi! Nếu đúng như vậy thì ngày mai sẽ là ngày chiến thắng và cô sẽ được gặp lại anh rồi!

Mới khoảng giờ Sửu, Mộc Miên đã dậy gọi mọi người đi lo chuẩn bị bữa sáng cho quân sĩ... Sau khi Dã Tượng dẫn quân ra bờ sông mật phục thì Mộc Miên cũng một mình trốn ra bờ sông nấp kín một chỗ để nhìn ra. Tuy không nhìn rõ được toàn cảnh song cô gần như được chứng kiến trận đánh suốt từ đầu đến cuối. Đến chiều, khi trận đánh sắp kết thúc và biết quân ta đã toàn thắng, Mộc Miên sực nhớ ra là phải chuẩn bị bữa chiều cho anh em thắng trận trở về nên chạy vội về bếp.

*

*       *

Quân Đại Việt đã thắng một trận thật là giòn giã. Sau trận đánh, các tướng hồ hởi cho người giải tù binh về dâng nộp và tâu công lên Thượng hoàng và vua Nhân Tông. Trần Khánh Dư nộp lên hai tướng và hai trăm tám mươi tù binh. Nguyễn Khoái bắt được một trăm sáu chục tên. Dã Tượng bắt được ba tướng và ba trăm ba chục tên. Quốc Tuấn bắt được một tướng và bốn trăm hai mươi tên. Quân Thánh Dực của Thượng hoàng và Quan gia cũng bắt được hơn năm trăm tên. Tổng cộng quân Đại Việt bắt sống được năm đại tướng và hơn hai ngàn tù binh. Thu được hơn hai trăm chiến thuyền, đánh vỡ và đắm chìm hơn ba trăm chiếc. Giết chết tổng số gần tám vạn quân lính của giặc.

Thượng hoàng Thánh Tông sau khi nghe báo cáo tuy trong lòng cũng rất vui mừng song nghĩ đến thương vong không nhỏ của quân Đại Việt thì nói:

-        Các tướng có công sẽ được trọng thưởng song các tướng đã biết quân số của mình thiệt hại nhiều ít ra sao hay chưa?

Nguyễn Khoái vội tâu:

-        Tâu Thượng hoàng và Quan gia! Thật là đau xót, thần cầm năm ngàn quân Thánh Dực nay chỉ còn hơn hai ngàn, thiệt hại mất gần ba ngàn.

Các tướng khác cũng vội báo cáo lên con số thiệt hại, Trần Khánh Dư mất gần ba ngàn người, Yết Kiêu mất hơn một ngàn người. Các tướng khác thiệt hại ít hơn, tổng số quân Đại Việt thiệt hại chừng gần tám ngàn người. Sau khi nghe báo quân số hy sinh, Thượng hoàng Thánh Tông nói:

-        Để có được trận thắng oanh liệt ngày hôm nay, tám ngàn con em Đại Việt của chúng ta đã phải ngã xuống nơi dòng sông này. Họ chính là những người có công lớn nhất mà lại không được hưởng… Các tướng hãy mau cho người đi thu nhặt tử thi rồi lo chôn cất họ cho thật chu đáo. Ta sẽ đứng ra làm một lễ tế cho linh hồn của họ sớm được siêu thoát.

Các tướng vâng lệnh lui về.

Vua Nhân Tông để ý không thấy Quốc Tuấn đến báo công thì đích thân tìm tới thuyền của Quốc Tuấn hỏi:

-        Các tướng vừa tới báo công sao không thấy hoàng bá tới?

-        Thần còn mải cắt đặt cho việc phục kích đám quân bộ của Thoát Hoan nên chưa tới ngay được. Xin Thượng hoàng và Quan gia thứ lỗi cho!

-        Không có gì…! Hoàng bá vì việc nước như vậy sao gọi là có lỗi… Mà hoàng bá có nhớ hôm ở Hiệp Môn ta hứa gì sau trận đại thắng này không?

Quốc Tuấn ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

-        Nếu thần không nhầm thì đó… là việc thăng chức cho Vũ Trí Thắng thì phải?

-        Đúng vậy…! Nay ta đến đây để thực hiện lời hứa đó đây!

-        Nếu vậy để thần cho người đi tìm hắn tới, chắc giờ này hắn cũng đã điểm quân xong.

-        Vậy hoàng bá cho gọi ngay đi!

Quốc Tuấn khẽ dạ rồi cho ngay hai thuyền cùng đi tìm Trí Thắng một lúc cho nhanh. Trí Thắng nghe có Quốc công Tiết chế cho gọi gấp thì vội bỏ việc đến ngay. Khi đến nơi thấy có cả thuyền rồng cũng đang neo ở đó thì lấy làm lạ lắm chưa hiểu chuyện gì. Đang định lên thuyền Tiết chế thì thấy Quốc Tuấn đứng bên thuyền rồng gọi giật lại:

-        Trí Thắng…! Trí Thắng…! Mau sang bên này đã!

Trí Thắng vội bước lên thuyền rồng, trông thấy vua Nhân Tông đang chăm chú nhìn mình mỉm cười, viên tướng trẻ vội thụp người xuống lạy:

-        Quan gia vạn tuế!

-        Khanh mau bình thân!

-        Đội ơn Quan gia!

Đợi cho viên tướng trẻ đứng hẳn dậy, vua Nhân Tông hỏi:

-        Khanh vừa rồi cầm bao nhiêu quân, thiệt hại có nhiều không?

Trí Thắng buồn bã trả lời:

-        Tâu Quan gia! thần được Tiết chế giao cho ba ngàn thủy quân, vừa rồi lâm trận bị thiệt hại mất hơn trăm người…

-        Vậy à… - vua Nhân Tông cũng hơi buồn song nghĩ đến việc chính của mình khi đến đây thì tươi cười nét mặt trở lại hỏi - Này, ta nghe Tiết chế nói là khanh có công rất lớn trong việc bố trí trận địa cọc ngầm này có đúng không?

Trí Thắng khiêm tốn nói:

-        Dạ! Tâu Quan gia! thần chỉ làm theo lệnh mà Tiết chế giao cho thôi ạ!

-        Ngươi không phải khiêm tốn như vậy! Mọi công sức của ngươi Quốc công Tiết chế đây đã tâu bày tỏ tường cả rồi. Nay quân Đại Việt ta đã thắng một trận lớn, ta y theo lời hứa với Quốc công Tiết chế nên phong cho ngươi chức Điện tiền chỉ huy sứ!

Trí Thắng ngạc nhiên không nói lên lời, Quốc Tuấn vội nhắc:

-        Tướng quân mau tạ ơn Quan gia đi!

Trí Thắng vội quỳ xuống:

-        Đội ơn Quan gia đã thăng tước cho thần!

-        Khanh mau đứng dậy đi…! Khanh xứng đáng được như vậy mà!

Trí Thắng mừng quá đỗi đến mức người cứ như trong mơ không biết đến điều gì nữa. Vua Nhân Tông cũng bận nhiều việc phải đi ngay nên cho Quốc Tuấn và Trí Thắng về thuyền. Sau khi thuyền rồng của vua Nhân Tông đi được một đoạn, Quốc Tuấn quay sang nói với Trí Thắng:

-        Vậy là Quan gia đã phong chức Điện súy cho tướng quân!

Trí Thắng chắp tay cúi đầu nói:

-        Đó là nhờ công của Tiết chế… con suốt đời không quên công ơn trời biển của Tiết chế!

Quốc Tuấn xua tay cười nói:

-        Quan gia nói đúng, ngươi xứng đáng được như vậy… Ta cũng có cái này dành cho tướng quân nhưng không biết tướng quân có chịu nhận cho không?

Trí Thắng sững người:

-        Tiết chế bảo gì mà con lại không dám vâng lời?

Nhìn vào mắt chàng trai trẻ, Quốc Tuấn nói:

-        Ta có một người con gái nuôi rất xinh đẹp năm nay cũng vừa tròn mười tám tuổi… nay ta muốn gả nó cho tướng quân nhưng không biết ý tướng quân thế nào?

Trí Thắng không trả lời được câu hỏi của Quốc Tuấn, anh cứ đứng ngây ra hết gãi đầu lại gãi tai không biết trả lời ra sao cho hợp lý. Nếu đồng ý thì không được vì như vậy anh đã phụ lại lời thề với Mộc Miên, mà không đồng ý thì sợ làm Tiết chế phật lòng. Quốc Tuấn thấy vậy vội hỏi tiếp:

-        Tướng quân có điều gì khó nghĩ à?

Phân vân một lúc Trí Thắng nói:

-        Dạ thưa Tiết chế! Tiết chế có ý định tốt với con như vậy thì con vô cùng cảm kích nhưng… con đã có lời thề hẹn với một cô gái nhà ở bên kia bờ sông trước khi đăng lính. Chúng con đã hẹn ước với nhau là đến ngày thắng giặc con sẽ về cưới nàng làm vợ... Mong Tiết chế hiểu cho con chứ thực sự con không có ý gì khác…

-        Không sao! Ta hiểu tình cảm của tướng quân… nhưng tướng quân cứ tới gặp con gái ta một lần đi đã…! Biết đâu sau đó tướng quân thay đổi quyết định?

Trí Thắng lại chắp tay:

-        Con xin lỗi… vì không thể nghe theo lời này của Tiết chế được.

-        Thế thì bây giờ mời tướng quân đi với ta một lát!

Trí Thắng cảm thấy vị tướng già hôm nay có điều gì đó hơi lạ, anh lễ phép hỏi:

-        Thưa Tiết chế, chúng ta đi đâu ạ?

-        Đi đến chỗ tướng quân Dã Tượng!

-        Dạ!

Trí Thắng phân vân không hiểu có việc gì mà Tiết chế cứ úp úp mở mở như vậy. Song anh vẫn phải vội vàng bước theo vị tướng già. Hai người lên bờ tìm tới nơi đóng quân của Dã Tượng. Hỏi thăm mấy tên lính thì được chúng chỉ cho đi tới đúng chỗ gốc cây gạo già. Viên gia tướng đang giao việc gì đó cho mấy tên lính, thấy chủ tướng đi tới thì vội xua đám lính đi rồi chạy ra đón. Dã Tượng cúi đầu lạy Quốc Tuấn ba lạy rồi mới cất tiếng giãi bày:

-        Con đang định xong việc ở đây thì tìm tới để chào Quốc công thì… không ngờ Quốc công lại đã đến đây rồi…

-        Không sao! ta đến đây cũng được chứ sao. Thế vừa rồi ngươi thiệt hại mất bao nhiêu binh mã?

-        Thưa Đức ông, con phục bắt giặc từ dưới sông bơi lên bờ nên hầu như không bị thiệt hại mấy. Quân của con bắt được ba tướng và ba trăm ba chục tên giặc.

-        Thế thì tốt quá! - Nói đến đây Quốc Tuấn trùng giọng xuống - Bên phía Yết Kiêu bị thiệt hại nhiều hơn…!

-        Vâng! - Dã Tượng an ủi chủ tướng - Thương vong là điều khó tránh khỏi, nhất là trong một trận đánh lớn như thế này!

-        Đúng vậy! Này Dã Tượng…! Con gái ta đang ở đâu vậy?

-        Bẩm Đức ông, quận chúa đang lo cơm tối cho quân sĩ.

-        Lo cơm tối à?

-        Vâng! Để con cho người đi gọi quận chúa đến chào Đức ông!

Dã Tượng gọi một tên lính đến bảo mau đi về bếp gọi quận chúa lên gặp Quốc công ngay rồi quay lại nói:

-        Quận chúa hiện giờ là người phụ trách bếp ăn trong đội quân của con đấy ạ.

-        Có phải hắn làm ra bài thơ hoa gạo tháng ba không?

-        Vâng, chính là quận chúa đấy ạ!

Trí Thắng nghe hai người nói chuyện thấy nhắc đến người phụ trách bếp ăn của Dã Tượng thì chợt nhớ đến việc giao nhận cọc bữa trước. Anh tham gia vào câu chuyện:

-        Thưa tướng quân! Có phải đó cũng chính là người đã nghĩ ra cách buộc cành cây vào bông hoa gạo để tôi biết đường tìm tới chỗ tướng quân không ạ?

-        Đúng vậy đấy tướng quân ạ - Dã Tượng trả lời Trí Thắng rồi quay sang Quốc Tuấn - Bẩm Đức ông, trong thời gian ở đây, quận chúa quả thực giúp cho con được rất nhiều việc!

Quốc Tuấn không để ý vào câu nói của Dã Tượng, ông đang tò mò vì chuyện giao cọc:

-        Các ngươi vừa nói chuyện buộc cành cây vào bông hoa gạo là nghĩa làm sao?

Dã Tượng vội thuật lại đầu đuôi mọi việc cho Quốc Tuấn nghe, nghe xong ông quay sang Trí Thắng hỏi:

-        Tướng quân thấy con gái ta thế nào?

-        Thưa Tiết chế, quận chúa quả thực là người rất thông minh ạ!

-        Chỉ tiếc là tướng quân chưa gặp nó, nếu tướng quân mà gặp thì… hà hà hà…!

Quốc Tuấn không nói hết câu khiến Trí Thắng càng thêm tò mò:

-        Thưa Tiết chế! Có phải quận chúa là người vùng này không ạ?

-        Đúng vậy…! Nhưng sao tướng quân biết?

-        Con nghĩ phải là người ở đây thì mới có thể nghĩ ra được cách buộc cành cây vào bông hoa gạo kia.

-        Ngươi quả thực cũng rất thông minh… hà hà hà…!

Trí Thắng bắt đầu lơ mơ hiểu ra phần nào ý nghĩa đằng sau những tiếng cười hà hà của vị tướng già. Không lẽ quận chúa ở đây chính là nàng Mộc Miên của mình? Vừa lúc đó tên lính được Dã Tượng sai đi gọi quận chúa hớt ha hớt hải chạy về báo:

-        Bẩm Đức ông… quận chúa... quận chúa… bị giặc sát hại rồi ạ!

Dã Tượng sửng sốt:

-        Ngươi nói sao?

Quốc Tuấn bàng hoàng:

-        Sao lại có chuyện đó?

Tên lính lấy lại bình tĩnh rồi kể:

-        Quận chúa đang chuẩn bị bữa tối thì có mấy tên giặc thua trận bị thương nặng chạy trốn đến đó. Thấy chúng đều cởi trần và trên cánh tay lại có thích hai chữ Sát Thát nên quận chúa cứ tưởng là người của quân ta nên ra sức băng bó vết thương cho chúng... Sau đó quận chúa lại còn dọn cơm nước cho chúng ăn uống tử tế... Không ngờ sau khi ăn xong chúng mới hiện nguyên hình là một lũ giặc, chúng rút dao ra dồn mọi người vào góc bếp rồi ra tay sát hại từng người một… Riêng quận chúa thì chúng giữ lại bắt phải dẫn đường cho chúng trốn về bên kia biên giới… Quận chúa không nghe mà còn ra sức chống cự lại nên đã bị bọn chúng giết chết rồi ạ…

Quốc Tuấn không cầm lòng được thốt lên:

-        Ôi Mộc Miên… con gái ta…!

Trí Thắng giật mình vì có cảm giác như bị mất mát cái gì đó quá lớn. Anh nhìn vào mắt vị tướng già như muốn hỏi một câu gì đó. Quốc Tuấn hiểu ý chàng trai, ông khẽ gật đầu rồi nói nhỏ:

-        Đúng đấy! Con gái ta chính là Mộc Miên của tướng quân đó…!

-        Trời ơi…! - Trí Thắng không tin vào tai mình, anh cố hỏi lại - Tiết chế vừa nói gì vậy…?

-        Con gái nuôi của ta chính là Mộc Miên, người mà tướng quân đã có lời hẹn ước đó…!

-        Sao lại có thể như vậy được cơ chứ?

Trí Thắng vội quay sang tên lính hỏi:

-        Ngươi mau dẫn ta đến chỗ đó đi!

Cả đoàn người đi gần như chạy theo tên lính…

*

*        *

Sáng hôm sau, Quốc Tuấn thức dậy từ rất sớm. Khi con người ta lo buồn quá thì sẽ mất ngủ và khi vui quá người ta cũng chẳng thể nào ngủ được. Với Quốc Tuấn đêm qua thì cả vị ngọt của chiến thắng cùng với vị đắng của mất mát pha trộn với nhau làm cho ông càng thêm phần khó ngủ. Ông với tay lấy chiếc áo lụa khoác vào người rồi xỏ hài bước ra ngoài sân. Buổi sáng đầu hè, gió từ dưới sông lùa thốc lên tạo cảm giác mát lạnh.

Quốc Tuấn vươn vai làm vài động tác thể dục đơn giản cho dãn gân cốt. Sau đó ông lững thững đi bộ ra ngoài mép sông. Con sông Bạch Đằng lúc này nước đang ở gần mức đỉnh triều nên mặt sông khá rộng và phẳng lặng. Gió từ mặt sông đưa lên mùi ngai ngái pha trộn giữa vị mặn của biển và mùi tanh nồng của máu. Các mảnh thuyền vỡ từ hôm qua còn bị kẹt lại giờ mới được con nước lên cao đưa đi trôi nổi khắp nơi. Dường như dư âm trận đánh hôm qua còn phảng phất đâu đó khắp không gian trên mặt sông.

Phía thượng lưu, mấy cậu lính trẻ chắc là thuộc đội lính thủy của Yết Kiêu đang bơi lội, đùa giỡn trên sông.

-        Chắc hôm qua các cu cậu mệt quá nên chưa kịp tắm rửa gì đây! - Ông thầm nghĩ vậy - Cứ tắm cho thỏa thích đi! Dòng sông này, đất nước này từ nay tất cả lại thuộc về các ngươi rồi đấy!

Đám lính mải vui không nhìn thấy bóng vị tướng già đang đứng trầm ngâm trên bờ. Họ vẫn vừa tắm vừa nô đùa, có người cứ như theo thói quen bản ngã cứ xuống dưới nước là lại tranh thủ mò bắt cá.

Nhìn đám lính trẻ vô tư nô đùa trên sông, Quốc Tuấn khẽ mỉm cười rồi quay về trại. Một lát sau thì có cận vệ vào báo là có quan Hàn lâm học viện Lê Văn Hưu xin được vào gặp.

-        Không hiểu ông quan viết sử này sao lại đã có mặt ở đây rồi?

Quốc Tuấn thầm hỏi rồi vội chạy ra đón Lê Văn Hưu, ông quan viết sử vừa bước vào liền chạy tới cầm tay Quốc Tuấn nói:

-        Mừng cho Quốc công…. Chiến thắng này thật đúng là… lưu danh thiên cổ!

-        Vâng! Mừng cho Thượng hoàng và Quan gia, mừng cho con dân nước Đại Việt…

-        Quốc công biết không…? Tôi đã đi khắp các đội quân đâu đâu cũng thấy tướng sĩ nức lòng với trận đánh. Họ mừng lắm…! Đâu đâu cũng ca ngợi tài trí của Quốc công.

-        Vâng chỉ tiếc là bên ta cũng bị thiệt hại đáng kể…!

Thấy Quốc Tuấn tỏ vẻ buồn, Lê Văn Hưu an ủi:

-        Hy sinh thì làm sao mà tránh khỏi… quan trọng là chúng ta đã chiến thắng… Xin Quốc công chớ có lo phiền như vậy!

-        Vâng! Quan trọng là chúng ta đã thắng, thắng một trận cuối cùng… Thế quan Hàn lâm mấy hôm rồi ở đâu mà hôm nay đã có mặt ở đây vậy?

-        À! Chả là mươi hôm trước, khi tôi đang ở phủ Long Hưng chỗ tướng quân Lê Phụ Trần thì thấy binh lính đồn ầm lên là Quốc công chuẩn bị đánh một trận rất lớn. Tôi vội chạy tới gặp Lê Phụ Trần hỏi xem có việc đó không thì ông ấy bảo tôi có muốn biết thì hãy đến ngay thượng lưu sông Giáp thì khác biết… Chiều hôm kia tôi đã đến chỗ Quan gia rồi.

-        Vậy ra quan Hàn lâm trú ở chỗ Quan gia? 

-        Vâng! Hôm nay tôi tới đây một là chúc mừng chiến thắng của Quốc công sau nữa là có chút việc muốn hỏi ngài?

-        Có việc gì xin quan Hàn lâm cứ nói?

-        Tôi muốn nhờ Quốc công bớt chút thời gian giảng giải cho đôi chút về thế trận này để đem chép vào trong sách sử.

-        Quan Hàn lâm định chép những điều gì?

-        Thì chép chi tiết tường tận về trận địa cọc ngầm này để giả sau này hậu thế có người cần tới.

Vị tướng già hiểu ngay mục đích của Lê Văn Hưu, viên quan chép sử làm ông nhớ lại những ngày vất vả tìm đến Quốc sử viện để hỏi và tìm hiểu về thế trận cọc ngầm trong đống tàng thư cổ của Quốc sử viện mà tìm mãi chẳng có được tin tức gì cần thiết. Sao người xưa không chép chi tiết, tỉ mỉ trận đánh vào sách sử như quan Hàn lâm đây định làm nhỉ…? Hay việc không cho chép ra là một việc có chủ định…? Vậy mình có nên kể ra để cho ông ta chép vào trong sách sử không…? Quốc Tuấn còn đang phân vân như vậy thì Lê Văn Hưu nói:

-        Nếu bữa nay Quốc công bận thì thu xếp cho tôi gặp vào bữa khác cũng được… nhưng mà được tại đây là tốt nhất vì tôi muốn mô tả thật chi tiết, thật tường tận về thế trận.

Quốc Tuấn lúc này mới chậm rãi nói:

-        Nói thật với quan Hàn lâm là tôi chưa bao giờ dám can thiệp vào công việc biên chép sử của các quan bên Quốc sử viện nhưng lần này thì… theo tôi quan Hàn lâm cũng chỉ cần chép chung chung thôi… không cần phải chép chi tiết, tỉ mỉ lắm đâu!

-        Quốc công nói sao…? - Văn Hưu tỏ rõ vẻ ngạc nhiên - Một trận đại thắng như thế này… một trận có thể nói là làm lu mờ nhật nguyệt mà lại chỉ chép chung chung như vậy thì sao cho xứng tầm được cơ chứ?

Quốc Tuấn vội giải thích lý do:

-        Quan Hàn lâm thử nghĩ xem! Nếu như ai cũng biết tường tận về thế trận cọc ngầm thì có lẽ Đại Việt ta sẽ không có trận đại thắng hôm nay. Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta con sông này, nó có những đặc điểm hiểm ẩn mà không con sông nào ở nơi khác có được... Đây đã là trận Bạch Đằng lần thứ ba… nhưng biết đâu hậu thế mai sau sẽ lại có những trận Bạch Đằng thứ tư… thứ năm nữa thì sao…? Hãy để dành bí mật này cho hậu thế quan Hàn lâm ạ!

Lê Văn Hưu suy nghĩ thấy Quốc Tuấn nói cũng có lý song không biết mình sẽ chép thế nào để mô tả được trận đánh lịch sử này:

-        Thế thì… tôi biết viết như thế nào?

-        Cái đó thì tùy ý quan Hàn lâm… có thể chỉ cần vài dòng ngắn gọn như tháng ba, ngày mồng tám, Hưng Đạo Vương đánh bại quân Hồ ở sông Bạch Đằng… Thế thôi, như thế cũng là dài lắm rồi.

-        Vâng…! - Lê Văn Hưu buồn bã đáp rồi buông ra một tiếng thở dài.

Quốc Tuấn lúc này lại quay lại động viên ông bạn già:

-        Tôi phần nào hiểu được tâm trạng buồn bã của quan Hàn lâm! Trước một sự việc có ý nghĩa to lớn như vậy mà lại chỉ được chép có đôi dòng ngắn ngủi thì kể cũng buồn thật. Nhưng xin quan Hàn lâm hãy hiểu… ta nên để dành cho hậu thế của chúng ta. Có thể giặc Hồ sẽ không bao giờ dám quay lại nữa nhưng các vương triều sau đó chắc chắn sẽ lại nhòm ngó đến nước ta… đó là một điều chắc chắn! Vì vậy… mong quan Hàn lâm hiểu cho…

Lê Văn Hưu cố nở nụ cười:

-        Quốc công nói vậy tôi cũng hiểu ra rồi…! Chỉ có điều sau này hậu thế có ai đó muốn tìm hiểu xem Quốc công đánh giặc như thế nào thì không có thư tịch mà tra cứu ra rồi lại phán này… phán nọ thôi!

-        Thì… cứ để họ làm vậy đi…!

Hai ông già cùng cười vang với nhau.

*

*         *

Việc quân đang còn gấp gáp, đám tang của Mộc Miên được diễn ra ngay trong buổi sáng hôm sau. Dòng người đưa tiễn nàng về nơi an nghỉ kéo dài dằng dặc tới hơn một dặm, đa phần trong số họ là binh sĩ trong đội quân của Dã Tượng và Trí Thắng. Ngoài ra còn có cả những người dân cùng hương với mẹ con Mộc Miên nghe tin cũng đến đưa tang. Trong đám tang, người ta truyền tai kể cho nhau nghe về câu chuyện tình của nàng với vị tướng trẻ mới được Quan gia phong cho chức Điện tiền đô chỉ huy sứ. Ai ai nghe xong câu chuyện cũng không thể cầm được nước mắt. Họ khóc vì xót thương cho người con gái tài sắc của sông núi Quảng Yên đã đột ngột ra đi đúng vào ngày đại thắng.

Huyệt mộ của Mộc Miên được chọn để đặt ngay dưới gốc cây gạo cổ thụ vì đây vừa là nơi mẹ con nàng sinh sống, vừa là nơi chứng kiến mối tình đẹp của nàng với chàng trai tài giỏi Trí Thắng. Sau khi chôn cất xong, mọi người nhặt những bông hoa gạo đem phủ kín lên trên mộ nàng. Một nấm mồ đỏ rực trong nắng xuân.

Sau tang lễ, mọi người thương tiếc ra về để Trí Thắng một mình ở lại. Chàng trai gục mình xuống nấm mộ, nức nở trong màn nước mắt:

-        Ta đã hẹn với nàng rằng ta sẽ trở về vào một ngày hoa Mộc Miên nở rộ để chứng minh với nàng rằng hoa Mộc Miên mang đến cho người ta niềm vui ngày hội ngộ… vậy mà… sao nàng lại bỏ ta đi như thế này…?

*

*        *

Quốc Tuấn cũng không nỡ đứng nhìn viên tướng trẻ của mình trong hoàn cảnh đó. Ông lững thững đi xuống bờ sông định bụng chờ cho Trí Thắng nguôi ngoai thêm một chút rồi sẽ giao cho anh ta một nhiệm vụ mới đó là cùng các cách quân khác khẩn trương di chuyển lên phía bắc để chặn đánh và truy kích đám quân bộ của Thoát Hoan. Khi xuống đến bến thuyền ông quay đầu nhìn lại, cây gạo già vẫn đang như một bó đuốc khổng lồ cháy rực trên bầu trời. Màu đỏ chói của những bông hoa khiến ông bất chợt nhớ tới một câu chuyện xảy ra cách đây hơn hai chục năm về trước...

Đó là vào năm Thiệu Long thứ tám, khi Quan gia Thánh Tông và Thái sư Trần Quang Khải đang mải đi đánh giặc xa thì có sứ giả nhà Nguyên là Thượng thư Trương Hiển Khanh sang ta để tuyên dụ chiếu chỉ của vua Nguyên. Thượng hoàng Thái Tông cho gọi ông vào triều gấp để tiếp đón sứ giả.

Trương Hiển Khanh là một người văn hay chữ tốt nên ngoài công việc ngoại giao ra hai người còn đàm đạo sang nhiều chuyện khác. Trương Hiển Khanh thường khen rằng nước Nam có nhiều phong cảnh lạ và đẹp hiếm thấy. Trong một lần cao hứng, Trương Hiển Khanh có hỏi ông là không biết nước Đại Việt có loài cây gì mọc bạt ngàn khắp một dải đất biên giới mà hoa nở vào dịp cuối xuân có năm cánh đỏ rực như những ngọn đèn bạch lạp đang lập lòe cháy. Ông trả lời đó là cây Mộc Miên và hỏi lại Trương Hiển Khanh xem tại sao lại có ấn tượng nhiều với loại cây đó thì được biết khi Trương Hiển Khanh đến biên giới Đại Việt vào cuối tiết xuân, đúng vào lúc hoa Mộc Miên đang vào kỳ nở rộ. Từng chùm hoa như những ngọn lửa cháy vút trên bầu trời, hoa đỏ rụng rơi vương đầy trên mặt đất. Màu đỏ ngút ngàn của hoa đã làm cho Trương Hiển Khanh có một ấn tượng rất khó quên.

Khi đó cũng rất nhanh, ông nghĩ ngay ra một câu chuyện để lôi hắn vào. Ông bèn hỏi Trương Hiển Khanh có biết nguyên do tại sao cây Mộc Miên lại được trồng nhiều ở vùng biên ải không. Khi viên quan Thượng thư nhà Nguyên lắc đầu bảo rằng không rõ thì ông chầm chậm giải thích với hắn là từ ngày xưa, lâu lắm rồi không nhớ từ bao giờ nữa, vua phương Bắc đòi vua nước Nam phải cống nộp các giống cây lạ để đem về trồng vào vườn thượng uyển. Vua nước Nam bèn hỏi sứ giả phương Bắc xem cây gì là lạ đối với Bắc triều thì sứ giả chỉ vào cây Mộc Miên nói rằng chỉ có cây này là thấy lạ. Thế là vua nước Nam đem cống nộp một cây Mộc Miên cho vua phương Bắc và sau đó ngài lệnh cho dân chúng trồng rất nhiều cây Mộc Miên ở các vùng ven biên ải như để ngầm đánh dấu lãnh thổ giữa Nam triều với bắc triều. Ngay sau khi nghe ông kể xong câu chuyện, vẻ mặt viên quan Thượng thư của nhà Nguyên như tối sầm hẳn lại. Hắn không biết câu chuyện kia là đúng hay sai nhưng hắn biết chắc đã bị hớ khi tự nhiên hỏi chuyện về loại hoa này.

Vị tướng già bất chợt mỉm cười một mình. Ông ngước mắt nhìn lên, bầu trời vẫn đang cháy rực bởi những chùm hoa đỏ năm cánh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com