Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3: Giữa rừng Quảng Yên

Một buổi chiều đầu hạ năm Đinh Hợi (1287), một đoàn binh thuyền mải miết xuôi dòng Thiên Đức tiến về phía cửa Đại Than. Đó chính là đoàn binh thuyền của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Ông đang cùng đại quân của mình kéo về trấn thủ tại Quảng Yên để trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến chống lại lũ giặc Hồ cướp nước.

Đi đầu đoàn binh thuyền là một tốp chừng hai chục chiếc thuyền chiến hạng nhỏ dàn thành ba hàng ngang trải đều trên mặt sông. Trên mỗi thuyền có chừng một chục lính thủy vai đeo cung tên, tay cầm giáo chia nhau đứng ở hai bên mạn truyền trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tiếp ngay sau đó là tốp khoảng bốn chục chiếc thuyền hạng trung mỗi thuyền chở đủ một đô(1) thủy quân. Các thuyền này có nhiệm vụ hỗ trợ tác chiến cho tốp đi đầu mỗi khi có báo động. Đi ở giữa có ba chiếc thuyền lớn, trên cả ba chiếc thuyền này đều có cắm cờ hiệu Tiết chế. Xung quanh ba thuyền Tiết chế cũng là mười sáu thuyền chiến hạng trung chở đầy một đô thủy quân có nhiệm vụ bảo vệ cho thuyền Tiết chế. Đi ở cuối cùng là một đoàn hơn trăm thuyền to, nhỏ đủ loại có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, cỏ khô, đồ dùng dựng trại… phục vụ cho cả đoàn quân. Nổi bật nhất trong số thuyền vận chuyển này là hai chiếc thuyền lớn có mái che bằng lá cọ rộng như cái nhà ba gian hai chái nhưng chỉ khác là không có tường bao xung quanh, trên mỗi thuyền này chở theo hai thớt voi trận. Đây chính là bốn thớt voi chiến đã từng theo Quốc công đi đánh giặc từ nhiều năm qua.

Quân sĩ trên các thuyền này đa phần là gia binh lấy từ thái ấp Vạn Kiếp của Quốc Tuấn. Số quân còn lại sẽ được huy động từ quân các lộ Hải Đông(2), lộ Hồng(3) và lộ Khoái(4) bổ sung đến. Các lộ quân này cũng đang hối hả trên các ngả đường cùng hướng về Quảng Yên theo đúng như kế hoạch hội quân đã thông báo cho các địa phương từ trước đó.
Trước đó, Quốc Tuấn đã cho người đi tìm chỗ đóng binh với yêu cầu là vị trí phải có lưng tựa vào đồi, mặt phải trông ra trước cửa một chi lưu của hạ lưu sông Bạch Đằng. Ngay khi dẫn quân tới Quảng Yên, Quốc Tuấn trực tiếp đi thị sát kiểm tra địa thế nơi hạ trại, ông gật gù và tỏ ra khá hài lòng với vị trí ở đây. Quốc Tuấn quyết định ban thưởng cho viên tướng phụ trách việc tìm nơi hạ trại rồi cắt cử tướng sĩ mau chóng lập trại.

Đám quân của Yết Kiêu được chia ra lập thành hai thủy trại trên sông. Một trại ở thượng lưu và một ở hạ lưu. Các trại bộ binh của Quốc Tuấn thì chia nhau đóng cả ở bên bờ, đại trại của Tiết chế được dựng ngay ở chính giữa trên một quả đồi nhỏ.

*

*       *

Cách hai hôm sau, ngay sau khi ăn sáng xong, Quốc Tuấn cho gọi mấy người lính cận vệ theo mình đi xuống kiểm tra quân sĩ các trại. Ông đã có lệnh cho quân sĩ các trại chỉ được nghỉ ngơi đúng hai hôm để ổn định nơi ăn ở rồi thì phải quay trở lại luyện tập ngay. Dẫu đã ra lệnh như vậy song ông sợ đám tướng lĩnh bên dưới thương binh sĩ hành quân vất vả nên chần chừ chưa cho luyện tập ngay nên vội xuống vừa để kiểm tra và cũng là động viện quân sĩ một thể.

Đầu tiên Quốc Tuấn quyết định đi xuống bến sông xem quân thủy binh của Yết Kiêu luyện tập. Khi đến bờ sông ông đã nghe thấy tiếng hò hét huyên náo vang động cả một khúc sông. Thủy binh được chia ra theo từng đô, mỗi đô khoảng tám chục người chia nhau trên một khúc sông để mà luyện tập. Góc phía bên tây, một tốp lính đang tập bơi theo hình vòng tròn, mỗi vòng dài chừng mười lăm trượng(1). Ai cũng phải bơi đủ bốn vòng như vậy trong một buổi tập rồi mới được chuyển sang các bài tập khác.

Ở khoảng giữa khúc sông có một tốp lính đang tập lặn chay, tức là lặn nín thở dưới nước. Cạnh đó một đô quân lại đang tập lặn và thở bằng ống sậy, ban đầu họ sẽ được tập thở ống sậy tĩnh tức là chỉ lặn xuống sông rồi ngồi tại một chỗ mà tập thở. Khi đã quen thở được qua ống sậy rồi lại chuyển sang bước khó hơn là thở ống sậy động tức là phải vừa lặn vừa bơi đi bơi lại dưới dòng nước.

Đội quân lặn ống sậy này chính là đội quân chủ lực của thủy binh Yết Kiêu. Chỉ có những người có sức khỏe, bơi lội giỏi, lặn được sâu và lâu mới được tuyển chọn vào đây. Ngoài bơi lội giỏi ra họ còn được huấn luyện tinh thông các thế võ để có thể đối phó với kẻ thù trong trường hợp bất ngờ khi trong tay không có một thứ vũ khí nào.

Đi dọc theo bờ sông xuống phía đông, lại thấy mấy đô lính đang chia nhau đứng trên thuyền tập bắn cung. Mục tiêu giả định là những người nộm bằng cỏ được đặt trên một chiếc thuyền khác được thả trôi tự do trên sông. Việc tập này là để thủy binh có thể bắn trúng mục tiêu khi thuyền đang dập dềnh trên sóng nước.

Hài lòng với tinh thần luyện tập của binh sĩ ở trại thủy binh, Quốc Tuấn gọi đám cận vệ cùng đi ngược lên trên trại thượng của Dã Tượng. Gần đến nơi ông cũng đã nghe thấy tiếng quân sĩ hò hét còn to hơn đám lính bên dưới thủy trại. Các đô lính bộ đang chia nhau ra thành từng cặp chỗ thì đấu vật, chỗ thì đánh gậy, chỗ múa giáo, múa khiên vô cùng sôi động. Bỏ qua đám lính đó, Quốc Tuấn lặng lẽ bước đến chỗ đám lính đang tập đánh câu liêm. Sở dĩ ông quan tâm đến đám lính này vì đây chính là kế sách để đối chọi với những đội kỵ binh thiện chiến của quân giặc. Đây chính là kinh nghiệm được đúc rút ra qua hai lần đánh đuổi giặc Hồ trước đó nên các quân bao giờ cũng phải có vài đô được rèn luyện thành thạo cách đánh phối hợp này.  

Đám lính đánh câu liêm được biên chế thành tổ, mỗi tổ có ba người, một người cầm câu liêm, một người cầm khiên mây tán rộng, còn người thứ ba thì cầm giáo hoặc trường đao. Khi lâm trận, người cầm khiên có nhiệm vụ phải che chắn đỡ giáo, gươm và tên của giặc cho cả tổ ba người. Người thứ hai sẽ dùng câu liêm đâm, móc giật chân ngựa cho ngựa lồng lên hất tên giặc xuống hoặc cũng có thể đâm, giật tên lính ngồi trên ngựa cho ngã xuống đất. Khi đó người thứ ba sẽ có trách nhiệm xông vào đâm hoặc chém chết tên giặc ngã ngựa đó.

Việc tổ đánh câu liêm có hiệu quả hay không, không phải quyết định chỉ bởi một người đánh giỏi mà phải là sự kết hợp hoàn hảo giữa cả ba người lính. Chỉ một người mắc sai sót thì cả tổ có thể sẽ bị thiệt hại. Chính vì vậy đám lính đánh câu liêm bao giờ cũng được các chỉ huy quan tâm nhiều nhất.

Tiếng câu liêm thi nhau vung ra nghe như tiếng xé gió vun vút bên mang tai, Quốc Tuấn nhìn quanh không thấy Dã Tượng đâu bèn túm một tên đô tướng lại hỏi:

-        Ngươi có thấy Dã Tượng đâu không?

-        Bẩm Quốc công, tướng quân con đến chỗ may giáp phục rồi ạ.

-        Vậy chỗ may giáp phục ở đâu?

-        Ở lán tre đằng kia ạ - Viên đô tướng vừa trả lời vừa chỉ tay về phía một căn lán tre mới được dựng lên. Quốc Tuấn cho hắn lui rồi ngoắc tay ra hiệu cho mấy tên lính cận vệ đi tới.

Quốc Tuấn vừa đi vừa nghĩ đến Dã Tượng - Hắn thật là chu đáo, mình chưa bảo làm thì hắn đã lo xong rồi! - Nguyên giáp phục triều đình cấp xuống thường không đầy đủ nên quân sĩ của Quốc Tuấn phải tìm cách tự chế ra giáp phục cho riêng mình. Ví dụ như miếng hộ tâm thường làm bằng đồng thì ở đây được thay thế bằng những lớp mây già đan thật chặt lại với nhau thành hình tròn đeo trước ngực. Áo giáp thì được chế như sau: Đầu tiên dùng vải đũi bọc các tấm giấy bản lại sau đó phết sơn ta và nhựa cây lên vải cho chúng cứng lại rồi mới đem khâu các lớp giấy bản đã được bọc vải và nhựa đó ra ngoài áo vải nâu thành áo giáp. Loại áo này tất nhiên không được tốt như loại áo mà triều đình cấp phát nhưng lại có ưu điểm là dày, nhẹ và xốp, có thể hạn chế thương tật cho binh sĩ khi giáp trận. Giày đi cũng được làm tương tự chủ yếu dùng vải đũi bọc giấy bản rồi phết sơn ta để chống ngấm nước. Đặc biệt và hiệu quả nhất là những chiếc mũ mây, chúng được làm bằng những sợi mây già đan kết thành mũ, các khe hở của sợi mây được trám kín bởi bột giấy và keo, bên ngoài mũ được phết một vài lớp sơn ta chống nước.

Một loại giáp phục tự chế quan trọng không kém đó là những chiếc khiên mây. Mây để làm khiên phải được chọn lựa từ những sợi mây già nhất, đem bện chặt với nhau thành hai, ba lớp xung quanh một bộ khung bằng song để vừa cứng vừa dẻo. Khiên cũng có nhiều loại, loại dùng cho lính đánh câu liêm thì phải đủ rộng để che chắn cho cả ba người. Loại dùng cho lính đánh bộ thì rất gọn nhẹ để có thể cầm bằng một tay vì tay kia còn phải cầm giáo hoặc đao. Loại khiên dùng cho lính thủy thì lại được đan thành những tấm phản lớn có thể dựng đứng được ở hai bên mạn thuyền, trên mỗi tấm phản mây đó chỉ để chừa lại các lỗ vuông mỗi cạnh rộng chừng nửa thước để những người lính có thể quan sát được giặc và bắn tên qua đó.

 Đứng từ cửa nhìn vào Quốc Tuấn thấy Dã Tượng đang hướng dẫn mấy tên lính mới cách đan bện tấm hộ tâm. Thấy mọi người đang chăm chú làm việc, ông gật gù rồi nhẹ bước lui ra để cho viên gia tướng ở lại với công việc của hắn.

Rời khu trại của Dã Tượng, Quốc Tuấn dẫn đám lính cận vệ đi đến khu trại của Nguyễn Địa Lô. Một đô lính mới đang xếp thành hình chữ đinh, tay trái giơ thẳng ra phía trước mặt. Trên tay trái mỗi người đều cầm một cục đá nặng để giả như đang nâng cánh cung. Trên mặt những người lính này mồ hôi túa ra nhễ nhại do phải tập trung cao độ để giữ cho cánh tay trái không được run lên trong một hồi trống tập. Đó chính là bài tập cho những người lính mới được bổ sung vào đội thần tiễn của Nguyễn Địa Lô. Bên trái, một đám lính có vẻ thành thạo hơn đang tập bắn cung với những mục tiêu cố định cách xa chừng mười trượng. Tiếng reo hò vỗ tay vang lên phía sau khu trại khiến Quốc Tuấn phải bỏ qua tốp tân binh để đi tới. Đám kỵ tiễn vừa phi ngựa vừa giương cung bắn vào các tấm bia cỏ treo trên cành cây. Mỗi khi có mũi tên trúng vào giữa hồng tâm, tốp lính đứng cạnh lại ồ lên tán thưởng. Đây là những người lính đã theo Nguyễn Địa Lô ít nhất được trên ba năm và hầu hết trong số họ đều đã dạn dày trận mạc qua những trận đánh năm trước.

Nguyễn Địa Lô thấy Quốc Tuấn đến thăm trại thì định chạy lại chào hỏi, song thấy vị tướng già xua tay ra hiệu không cần phải thế thì thôi không chạy lại nữa. Quốc Tuấn vẫy đám lính cận vệ quay lui.

           Quay ngược trở lại bến sông, Quốc Tuấn cho người đi gọi Yết Kiêu đến bảo chuẩn bị một thuyền rồi cùng ông đi ra sông Bạch Đằng một chút. Viên gia tướng khẽ dạ rồi chạy vụt đi, loáng một lát đã dẫn về một chiếc thuyền lớn có hai chục tay chèo áp sát vào bờ. Yết Kiêu hạ cầu ván rồi mời Quốc Tuấn lên thuyền, những người lính cận vệ lục tục lên theo. Chiếc thuyền được hai chục người chèo lướt băng băng ra phía cửa sông. Yết Kiêu quay sang hỏi vị tướng già:

-        Thưa Đức ông! - Mỗi khi có hai người, Yết Kiêu thường gọi Quốc Tuấn là Đức ông thay cho Tiết chế - Chúng ta đi về phía nào ạ?

-        Đi về phía hạ lưu! Cứ đi sát ven bờ bên tả cho ta!

-        Dạ!

Chiếc thuyền khẽ nghiêng một chút rồi nhằm hướng hạ lưu sông Bạch Đằng chèo miết.

Yết Kiêu phân vân không biết vị tướng già định đi đâu xong thấy Quốc Tuấn không nói năng gì nên cũng chẳng dám hỏi mà cứ lẳng lặng làm theo yêu cầu của chủ tướng. Quốc Tuấn thì vẫn mải mê với luồng suy nghĩ của mình, ông đang muốn tìm hỏi xem bãi cọc ngầm của Ngô vương năm xưa nằm ở đâu để đến tận nơi để mà tìm hiểu. Chưa được tận mắt nhìn thấy dấu tích của bãi cọc kia thì ông chưa thể tin rằng trước đây đã từng có một trận địa cọc ngầm ở hạ lưu con sông Bạch Đằng này.

Gặp đám vạn chài nào Quốc Tuấn cũng cho thuyền ghé lại để hỏi thăm xem có ai biết được vị trí bãi cọc năm xưa Ngô vương đánh giặc Nam Hán nằm ở đâu không nhưng các đám vạn chài đều lắc đầu trả lời là không biết. Không tin tưởng lắm vào hiểu biết của đám vạn chài, Quốc Tuấn cho thuyền ghé vào mấy làng ven sông rồi lên bờ tìm hỏi các cụ cao niên nhưng cũng không ai biết được để mà chỉ cho.

Biết cứ hỏi thăm kiểu này thì không thể ngày một ngày hai mà tìm ra được, Quốc Tuấn cho thuyền quay trở về trại rồi bảo Yết Kiêu cho ba trăm lính thủy, Dã Tượng cho ba trăm lính kỵ mã chia nhau tỏa đi các làng nằm ven sông Bạch Đằng hỏi thăm mọi người dân để tìm cho ra dấu tích bãi cọc.

Hai hôm sau thì có một tốp lính kỵ mã trở về báo rằng đã tìm ra dấu tích bãi cọc của Ngô Vương bên bờ tả sông Bạch Đằng. Quốc Tuấn vội gọi Dã Tượng cùng mấy người cận vệ chuẩn bị ngựa rồi lên đường đi ngay. Từ đại trại Quảng Yên đến bãi cọc khoảng chừng ba chục dặm. Khi đến nơi, tốp lính kỵ mã kia chỉ vào một cái hồ rộng mênh mông nói:

-        Thưa Tiết chế! Đây chính là một phần bãi cọc của tiền Ngô vương năm xưa đấy!

-         Đây sao…? - Quốc Tuấn nhìn ra chỉ thấy mặt hồ yên ả - Sao ta không trông thấy gì cả?

-        Chúng con đã hỏi kỹ người dân quanh vùng và được họ chỉ cho đến đây. Đầu tiên chúng con cũng không tin nên đã lặn hẳn xuống để kiểm tra, quả là dưới hồ có rất nhiều cọc gỗ to chừng một người ôm.

-        Vậy à…! - Quốc Tuấn đưa mắt nhìn ra phía bờ sông Bạch Đằng để ngầm ước lượng khoảng cách - Từ đây ra đến bờ sông kia cũng phải chừng nửa dặm... Sau ba trăm năm mươi năm mà bãi cọc giữa sông ngày nào giờ đã thành hồ nước thế này rồi ư…? Dã Tượng đâu?

-        Con đây ạ!

-        Ngươi mau cho người lội xuống dò những chỗ nông để be bờ rồi tát cạn hồ đi cho ta xem!

-        Vâng!

-        Vào các làng gần đây mượn lấy mấy chục cái gầu ra mà tát cho nhanh!

-        Dạ!

Dã Tượng quay ra hô hào quân lính chuẩn bị, người thì lội xuống be bờ, người đi vào làng mượn các loại gàu dai, gàu sòng mang đến. Biết việc tát nước cần phải hoàn thành càng nhanh càng tốt nên Dã Tượng lại cho một tên lính quay về trại để gọi thêm người. Khi gàu được mang tới, đám lính chia nhau ra hì hục thi nhau tát nước. Đến chiều tối hôm sau thì nước hồ gần như cạn kiệt, các đầu cọc đã hở ra hết và nhô lên khỏi mặt bùn và nước. Các đầu cọc chìm dưới nước đã ba trăm năm mươi năm nên đã bị thời gian làm cho phân hủy gần hết không còn nhìn rõ hình dáng ban đầu. Nước càng cạn thì phần cọc bên dưới hở ra lại càng to dần do bên dưới ít bị phân hủy. Nhìn chân cọc thì áng chừng các cọc này đều to cỡ chừng một người ôm đẫy. Cọc trong hồ được đóng gần như theo một phương thẳng đứng với khoảng cách xa nhau chừng gần một trượng. Quốc Tuấn chăm chú xem xét các đầu cọc, ông vừa nhìn vừa lẩm bẩm:

-        Đây đúng là bãi cọc do con người đóng xuống rồi…!

Tuy đã nghĩ như vậy song ông vẫn chưa tin tưởng lắm nên lại sai quân lính đào tận gốc để lấy lên bằng được mấy cây cọc rồi đưa lên bờ cho ông xem. Đúng là cọc đóng thật vì phần mũi cọc đóng sâu dưới bùn vẫn còn nguyên vẹn. Những nhát đẽo vát nhọn vẫn còn nhìn rõ vết chém đẽo của lưỡi rìu. Chỉ có phần đầu cọc hở lên trên là không còn nguyên vẹn nên không thể biết cọc nhọn hay không và có được bọc sắt như trong truyền thuyết hay không.

Quốc Tuấn cho lấy rìu bửa đôi một cây cọc gỗ ra rồi hỏi mọi người xem đó là gỗ gì, những người thạo về mộc đều cam đoan đó là gỗ lim. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là bãi cọc của Ngô vương năm xưa. Quốc Tuấn mừng ra mặt, ông cho người đo đạc thật kỹ khoảng cách giữa các cọc, kích thước các cọc rồi mới quay về đại trại.

Trước đây Quốc Tuấn còn không tin tưởng lắm vào thế trận cọc ngầm năm xưa, song hôm nay, tuy mới chỉ được tận mắt nhìn thấy một khu vực rất nhỏ của bãi cọc cũng đã làm ông thay đổi quan điểm. Như vậy là trận địa cọc ngầm của Ngô vương hoàn toàn có thực chứ không phải chỉ là trong trí tưởng tượng phong phú của con người.

Như vậy là xong một bước, Quốc Tuấn sẽ phải đi vào bước tiếp theo là tìm hiểu xem người xưa đã đóng những cây cọc gỗ to đùng kia xuống lòng sông sâu bằng cách nào. Đây cũng là một việc làm rất khó, chưa kể thời gian đóng cọc phải rất nhanh gọn để đảm bảo yêu cầu về sự bí mật nữa. Nhưng khó chứ không phải là không thể vì người xưa làm được thì ta sẽ làm được. Việc đó hãy tạm gác lại, trước mắt cần phải tìm hiểu quy luật của thủy triều con sông này đã! Nghĩ vậy nên ngay khi về tới đại trại, Quốc Tuấn cho gọi Yết Kiêu đến bảo:

-        Ngươi mau chọn lấy hai tên lính biết chữ và có tính cẩn thận đi một thuyền nhỏ ra túc trực ở cửa sông Bạch Đằng… gần chỗ phát hiện ra bãi cọc đó. Cơm nước hàng ngày nhớ cho người mang ra tận nơi cho hai đứa. Công việc rất đơn giản nhưng phải đòi hỏi rất tỉ mỉ và chính xác… đó là đo chính xác mức nước lên xuống hàng ngày theo từng nửa canh giờ cho ta.

-        Đo mức nước hàng ngày…?

-        Đúng vậy…! Nhớ nhắc kỹ chúng nó là phải đo chính xác theo từng nửa canh giờ một và từng ngày một.

-        Đo… như vậy trong thời gian bao lâu ạ?

-        Chỉ cần theo dõi thật kỹ cho ta trong một đến hai tuần trăng thôi!

-        Con rõ rồi!

-        Nhớ bảo chúng nó ghi chép cho cẩn thận, ta sẽ thỉnh thoảng đến kiểm tra đấy.

-        Vâng!

*

*       *

Từ hôm đó, Quốc Tuấn ngày ngày đi thuyền ra gần khu vực phát hiện bãi cọc để tự mình tìm hiểu. Thì ra bãi cọc không phải nằm ở bên bờ tả của sông Bạch Đằng mà chính xác là nằm ở bên bờ tả của một chi lưu đó là con sông Chanh. Đến đó được mấy hôm, Quốc Tuấn ngầm để ý thấy đỉnh triều lên xuống thất thường, mỗi ngày lại xuất hiện vào một giờ khác nhau. Không thể chờ để mấy tên lính kia theo dõi xong về đưa ra số liệu ghi chép rồi mới tự tính toán để tìm ra quy luật của thủy triều, Quốc Tuấn quyết định phải kết hợp lên bờ tìm hiểu những người dân sinh sống hai bên cửa sông.

Hôm đó vừa tầm buổi trưa thì thuyền đi ngang qua một bến đò, Quốc Tuấn cho thuyền ghé bến rồi cùng với đám lính cận vệ bước lên bờ. Trên đầu con dốc có một quán nước nhỏ nằm nép gọn bên dưới gốc cây gạo già cổ thụ. Quốc Tuấn bước tới cửa quán nhưng nhìn vào không thấy ai. Một người cận vệ thấy vậy bước vào cất tiếng gọi.

Hai mẹ con bà chủ quán nhân lúc quán không có khách nên đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa ở sau bếp. Bà mẹ bất chợt nghe thấy có tiếng gọi vội ngó lên, thấy một đám người ăn mặc quần áo binh lính nhà Trần thì tất bật đi ra. Bà chủ quán nhận ngay ra người đứng trước mặt mình chính là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn thì vội gọi con gái chạy ra rồi cùng thụp xuống lạy:

-        Chúng con lạy Đức ông…!

-        Mẹ con bà mau đứng lên đi!

-        Dạ! Để mời Đức ông vào quán, mẹ con tôi dâng bát nước chè tươi mời Đức ông và các quan xơi!

-        Cám ơn bà! Nhưng ta muốn nhờ mẹ con bà làm ngay cho một việc này trước đã?

-        Dạ, xin Đức ông cứ nói, mẹ con tôi sẵn lòng.

-        Bà xem trong làng này có ai độ tuổi cao niên lại thông thái hiểu biết một chút thì mời ngay ra đây cho ta hỏi chuyện!

-        Nếu vậy thì để tôi bảo con gái tôi chạy ù đi một lát… Có mấy cụ minh mẫn hiểu biết trong làng cháu nó đều biết cả.

-        Thế thì tốt quá! Bà bảo cháu nó đi ngay hộ với!

Bà mẹ khẽ dạ một tiếng rồi quay qua con gái nói:

-        Con cũng vừa nghe Đức ông nói rồi đấy! Con mau chạy đi gọi các cụ Hồng, cụ Phúc, cụ Tài, cụ Sáu…, cả cụ Phùng nữa… bảo các cụ đến ngay để hầu chuyện Quốc công Tiết chế nhé!

-        Vâng! - Cô gái quay sang vị Quốc công - Xin phép Quốc công con đi một lát!

-        Ừ! Ngươi đi nhanh đi!

Bà chủ quán mời Quốc Tuấn ngồi xuống ghế rồi mang ra mấy bát nước chè tươi mời mọi người cùng uống. Quốc Tuấn hỏi thăm:

-        Bà bán nước ở đây đã được lâu chưa?

-        Bẩm Quốc công! Con bán hàng ở đây từ ngày sinh con bé kia đến giờ tính ra cũng được gần hai chục năm rồi ạ!

-        Cũng lâu nhỉ…?

-        Vâng!

-        Mà bà có đứa con gái trông xinh xắn nhanh nhẹn đấy…! Cháu nó tên là gì vậy?

-        Dạ, Quốc công quá khen rồi… Cháu nó tên là Mộc Miên, năm nay mười bảy tuổi ạ.

-        Mộc Miên? Tên một loài hoa?

-        Vâng…! Chả là trước đây con sinh ra nó ngay dưới gốc cây này nên đặt tên luôn là như vậy.

-        Ra thế! - Quốc Tuấn đưa mắt nhìn quanh nhà - Thế chồng bà đâu?

Bà chủ quán buồn bã trả lời:

-        Chồng con mất trước khi con sinh cháu Mộc Miên kia có mấy tháng…

-        Vậy à…! - Quốc Tuấn cảm thấy hối lỗi khi động chạm đến nỗi buồn của người đàn bà, ông vội nói lảng sang chuyện khác - Mà… vừa nãy ngay khi trông thấy ta… sao bà lại biết ta là Quốc công?

-        Chẳng giấu gì Quốc công, con trước đây vốn là người hầu của Nguyễn phi, hồi còn ở Kinh thành con có mấy dịp được trông thấy Quốc công nên có biết.

-        Nguyễn phi là ai sao ta lại không biết?

-        Dạ…, đó là một bà phi của Đức tiên đế Thái Thượng hoàng Thánh Tông ạ.

-        Thái thượng hoàng cũng có nhiều bà phi, ta thì hay ở thái ấp Vạn Kiếp nên quả thực không biết được…. Vậy sao bà lại về ở đây?

-        Con hầu Nguyễn phi ở trong cung mãi đến khi gần ba mươi tuổi thì được Nguyễn phi thương tình cho về quê quán. Khi về thì bố mẹ già yếu rồi lần lượt mất cả, con thì có tuổi nên mãi mới có bố cháu đây thương tình mà hỏi làm vợ. Ông ấy nhà con vốn là người buôn bán bằng đò dọc trên sông, nên chẳng may một lần đang trên đường đưa hàng về chợ thì bị một cơn lũ lớn bất chợt ập về cuốn trôi cả thuyền và người ra biển…

Vừa lúc đó có tiếng bước chân rồi tiếng nói cười lao xao ngoài cửa, đám lính cận vệ dãn ra cho mấy ông cụ bước vào. Mấy cụ bước đến gần Quốc Tuấn rồi cùng nhau thụp xuống lạy. Quốc Tuấn vội đứng dậy mời các cụ đứng cả dậy rồi mời cùng ngồi xuống ghế. Một cụ thay mặt cả nhóm nói:

-        Không biết Quốc công tới nên chúng con không kịp tiếp đón, mong Quốc công thứ lỗi cho!

-        Không sao! Ta đi công chuyện qua đây bất đắc dĩ phải phiền đến các cụ xin các cụ chỉ giáo cho vài điều?

-        Có gì xin Quốc công cứ hỏi, chúng con xin sẵn lòng… Chỉ e là kiến thức lũ chúng con hạn hẹp không giúp được gì nhiều cho Quốc công thôi!

-        Chẳng là thế này…! Ta đang rất muốn biết rõ về qui luật lên xuống của thủy triều cũng như độ nông sâu của đoạn sông này... Có cụ nào biết được thì nói giúp ta với?

Mấy cụ nhìn nhau không ai nói gì, một lúc sau một cụ ngượng ngùng đứng dậy chắp tay nói:

-        Chúng con thật là có lỗi vì không giúp gì được Quốc công, quả thực chúng con sống ở đây đã lâu song chưa bao giờ để ý tới những việc đó.

Một nét thất vọng hiện ra trên khuôn mặt Quốc Tuấn, nhưng nhìn những nét mặt lo âu của mấy cụ già thì ông lại quay lại động viên họ:

-        Không sao đâu…! Ta cũng biết bình thường thì chẳng mấy ai để ý đến việc đó làm gì… Ai cũng phải lo kế sinh nhai của người đó… Các cụ không biết thì cũng là chuyện thường tình thôi mà!

Mấy ông già tuy đã được Quốc Tuấn động viên như vậy nhưng vẫn tự cảm thấy có lỗi, một cụ nói:

-        Chúng con không giúp được Quốc công nên tự thấy áy náy quá!

-        Ta nói là không sao đâu mà! Các cụ đừng có buồn phiền như vậy!

Bà chủ quán từ nãy đến giờ chỉ im lặng nghe Quốc Tuấn nói chuyện với các cụ, giờ nghe vậy thì mới lên tiếng:

-        Bẩm Quốc công! Quốc công hỏi về quy luật con nước với lại độ nông sâu của đoạn sông này thì dân làng chúng con không ai rõ đâu, nhưng con biết có một người lại biết rất rõ đấy... Chỉ tiếc là anh ta không còn ở đây nữa!

-        Bà nói sao… - Quốc Tuấn quay sang bà chủ quán - Bà vừa nói người nào vậy?

-        Dạ, bẩm Quốc công! Trước có một người thanh niên đến ở đây trong hơn sáu tháng. Suốt ngày anh ta chỉ ăn ở ngay tại thuyền của mình. Từ sáng đến tối, anh ta chỉ đo đo vẽ vẽ về con sông này thôi.

-        Lại có một người kỳ lạ như vậy sao?

-        Vâng! Con cũng thấy lạ, nhiều người bảo anh ta… bị điên nhưng con thấy anh ta bình thường, làm việc có chủ đích hẳn hoi chứ không phải người vô thức.

-        Bà có biết anh ta bây giờ đang ở đâu không?

-        Con không biết… cái này Đức ông thử hỏi con gái con may ra nó biết rõ hơn!

-        Sao con gái bà lại biết?

-        Dạ… - Bà chủ quán ấp úng - Chả là con gái con với chàng trai kia đã có tình cảm và thề hẹn với nhau.

-        Vậy à! - Quốc Tuấn nhìn quanh không thấy cô con gái đâu liền hỏi - Con gái bà chạy đâu rồi?

-        Cháu nó thấy đông người nên xấu hổ… chắc đang ở dưới bếp… để con xuống gọi lên…

Bà chủ quán chạy xuống bếp, Quốc Tuấn quay lại nói chuyện với mấy cụ lúc này đã bớt phần lo lắng:

-        Tới đây lũ giặc Hồ sẽ đánh vào đây, các cụ nhớ nhắc nhở dân làng chuẩn bị chạy giặc, chớ để chúng bắt được mà lại khổ! Lương thực nhớ phải cất giấu cho thật kỹ đừng để chúng cướp mất... Quyết không cho chúng được ăn cơm ta trên đất của ta.

-        Vâng! Quyết sách của triều đình chúng con đều đã rõ cả rồi.

Cô gái được bà mẹ gọi lên, cô ngượng ngùng đến cạnh Quốc Tuấn quỳ xuống, cúi đầu rồi chắp tay thưa:

-        Bẩm Quốc công…! Quốc công có điều gì hỏi con ạ?

-        Không có gì quan trọng đâu! - Quốc Tuấn vừa nói vừa cười để làm cho cô gái bớt phần căng thẳng - Mẹ ngươi vừa nói rằng ngươi có biết một người trước có ở đây hơn sáu tháng để đo vẽ chi tiết về dòng sông này có đúng không?

-        Dạ… đúng như vậy ạ!

-        Ngươi có biết anh ta bây giờ đang ở đâu không?

-        Con không biết… chỉ biết khi chia tay con anh ấy có bảo là sẽ về quê xin phép song thân rồi ra đăng lính đánh giặc lần này.

-        Đăng lính à?

-        Vâng!

-        Vậy anh ta quê ở đâu… tên là gì?

-        Anh ấy tên là Trí Thắng, người ở An Dương lộ Hải Đông.

-        Vậy anh ta có nói với ngươi anh ta làm việc đó với mục đích gì không?

-        Điều đó anh ấy không nói… con cũng không hỏi.

-        Thôi được rồi! Vũ Trí Thắng… người An Dương lộ Hải Đông… - Quốc Tuấn lẩm nhẩm để nhớ lại chút tin tức về chàng trai vào trong đầu rồi quay sang cô gái hỏi tiếp - Hắn năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?

-        Dạ, anh ấy hai mươi ạ.

-        Trẻ quá…! Sao lại đi làm việc đó nhỉ…? Lạ thật…!

Xem bóng nắng đoán chừng đã quá giờ Ngọ, Quốc Tuấn vội vã đứng dậy cáo từ các vị bô lão và mẹ con bà chủ quán rồi giục đám lính cận vệ xuống thuyền. Mọi người tiễn đến tận bến thuyền rồi đứng nhìn theo đến lúc con thuyền đi xuôi được một quãng xa rồi mới chào nhau ai về nhà nấy.

Quốc Tuấn ngồi trên thuyền phân vân tự hỏi không biết chàng trai kia làm vậy với mục đích gì và không biết hiện giờ anh ta đang ở đâu. Ông lại lẩm bẩm như sợ quên mất tên chàng trai có hành động kỳ quặc kia:

-        Vũ Trí Thắng… Vũ Trí Thắng… người An Dương lộ Hải Đông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com