Chương 5: Vũ Trí Thắng (1)
Khi Yết Kiêu dẫn Trí Thắng vào đến cửa trại Tiết chế thì thấy Quốc Tuấn đang chắp tay sau lưng đứng chờ hai người ở ngoài sảnh. Hai người vội cúi chào vị tướng già rồi theo ông bước vào trong trướng. Quốc Tuấn đưa tay chỉ ghế mời hai người ngồi xuống rồi quay sang viên lính trẻ ông nói:
- Yết Kiêu đã nói cho ta biết tên ngươi là Vũ Trí Thắng... Vậy nhà ngươi là người quê quán ở đâu vậy?
- Dạ thưa Tiết chế! Con là người An Dương thuộc lộ Hải Đông ạ.
- Ngươi nhập ngũ đã được lâu chưa?
- Dạ con mới đăng lính được ba tháng… Do có biết chút bơi lội nên con được điều về làm thủy binh dưới quyền của Yết Kiêu tướng quân đây ạ.
- Vậy à…! - Quốc Tuấn muốn kết thúc nhanh phần hỏi thăm để đi vào nội dung chính của buổi nói chuyện - Hôm nay ta muốn hỏi ngươi một vài điều?
- Dạ! Con xin được hầu chuyện Tiết chế!
- Bữa trước ngươi có mách cho Yết Kiêu tướng quân ý tưởng là đi tìm kinh nghiệm dân gian trong toàn thể binh sĩ để tìm ra cách đóng cọc xuống sông có đúng không?
- Dạ…, quả là con đã có ý nghĩ như vậy ạ.
Quốc Tuấn khẽ đổi tư thế ngồi, ông xoay người để ngắm nhìn chàng trai trẻ một lượt suốt từ đầu đến chân rồi mới hỏi tiếp:
- Hôm nay ta đã để ý và thấy cách hạ cọc của ngươi khá là độc đáo, ta rất có ấn tượng… Nhưng liệu đó có phải cũng là cách thức của dân gian hay không vậy?
- Thưa Tiết chế…! - Chàng trai trẻ ngập ngừng - Đây… hoàn toàn là do con tự nghĩ ra thôi ạ.
- Nghĩ ra được như vậy quả là giỏi đấy! Vậy ngươi nghĩ mất bao lâu?
- Dạ, nghĩ trong hơn một năm ạ.
- Hả…? - Quốc Tuấn cảm thấy quá ngạc nhiên trước câu trả lời của chàng trai - Nghĩ trong hơn một… năm?
- Vâng! - Chàng trai quả quyết - Đúng như vậy ạ.
- Đã nghĩ ra rồi… vậy sao hôm chúng ta làm thử việc hạ cọc, sao ngươi không nói ra ngay cho quân sĩ đỡ mất công sức?
- Con xin lỗi… Nhưng vì ý tưởng đó con mới chỉ nghĩ ra ở trong đầu mà chưa làm ngoài thực tế bao giờ nên không biết là làm theo cách như vậy liệu có thành sự được hay không… Vả lại con dù sao cũng chỉ là một tên lính tốt nên không dám lạm bàn ạ.
- Ngươi nói cũng có lý… không thể trách ngươi được. Vậy lý do gì mà ngươi lại vẫn có ý tưởng là đi tìm tòi cách thức của dân gian trong toàn thể binh sĩ?
- Dạ cái đó là vì… - Chàng trai ngập ngừng giải thích - vì con muốn được có dịp để mang suy nghĩ của mình ra làm thử… Vả lại con cũng muốn biết xem liệu có người nào đó có thể nghĩ ra cách làm nào hay hơn nữa không.
- Ngươi làm ta quá tò mò rồi đấy…! - Quốc Tuấn ngồi nhỏm hẳn dậy - Nào bây giờ ngươi hãy nói thật cho ta xem… tại sao nhà ngươi lại sớm nghĩ đến cách đóng cọc xuống sông như thế?
Chàng trai im lặng, có vẻ như đang mải sắp xếp những lời định nói ra ở trong đầu nên không trả lời được ngay. Quốc Tuấn cũng không thúc giục, chờ cho chàng trai ngẩng mặt lên có vẻ như bắt đầu muốn nói, ông mới nhẹ nhàng động viên:
- Cứ bình tĩnh nói cho ta nghe… Chúng ta có rất nhiều thời gian để nói chuyện cơ mà!
- Vâng, nguyên là ông nội con khi nghe dân làng xôn xao bàn tán rằng lũ giặc Hồ kia đang cho đóng các chiến thuyền lớn để chuẩn bị đánh báo thù Đại Việt thì ông nhận định rằng hai bên tất sẽ phải có một trận đại thủy chiến ở đâu đó thì mới có thể kết thúc được chiến tranh. Nghĩ vậy và kết hợp với những câu chuyện về những trận địa cọc ngầm của người xưa trên sông Bạch Đằng, nên ông nội con khuyên bảo con là trước khi đăng lính cần phải để tâm tìm hiểu thật kỹ về con sông này cũng như tìm hiểu về thế trận cọc ngầm năm xưa.
- Ồ… vậy ư! - Không gì có thể làm cho Quốc Tuấn ngạc nhiên hơn trong lúc đó, ông không ngờ có một ông lão nào đó ở lộ Hải Đông lại có thể có những nhận định như nhận định của một vị tướng đang cầm quân như vậy - Ông nội ngươi quả là một người rất sáng ý…! Nhưng chắc ông nội ngươi trước đây cũng phải làm võ tướng đúng không?
- Dạ, đúng là ông nội con có làm một chức quan võ nhỏ.
- Ta đoán biết ngay mà…!
Quốc Tuấn tỏ vẻ vui mừng vì đã đoán đúng, ông dừng câu chuyện lại, quay sang nhìn viên gia tướng. Yết Kiêu lúc này cũng đang tỏ vẻ vô cùng ngạc nhiên trước câu chuyện của tên lính trẻ vừa kể. Quốc Tuấn hất hàm hỏi Yết Kiêu:
- Ngươi có thấy ngạc nhiên không?
- Dạ, quả thực là con không ngờ trong quân của con lại có cái tên Trí Thắng này!
Quốc Tuấn phá lên cười rồi quay lại phía chàng trai trẻ:
- Thế ông nội ngươi năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ ông con năm nay bảy mốt tuổi ạ.
- Bảy mốt rồi mà còn sáng suốt được như vậy… thật là hiếm!
Quốc Tuấn thầm cảm thấy khâm phục sự thông thái của ông nội Trí Thắng, một ông già có suy nghĩ thật giống mình. Quay lại Trí Thắng ông hỏi:
- Ngươi nói ngươi đã để tâm tìm hiểu được hơn một năm, vậy kết quả tìm hiểu của ngươi được những gì rồi? Có thể chia sẻ với ta được không?
- Con chỉ e kiến thức của con hạn hẹp nên suy nghĩ và phân tích không thấu, sợ nói ra Tiết chế nghe xong lại cười con thôi.
- Ngươi nói gì vậy…? Qua những suy nghĩ và hành động của ngươi ta thấy ngươi ắt không phải là con người bình thường. Ngươi không thể nào chỉ làm một tên lính bình thường được… Có gì biết được thì cứ nói ra đi đừng có ngại gì cả!
Được vị tướng già động viên, Trí Thắng mạnh dạn kể:
- Con đã dành nhiều thời gian theo dõi và nắm được quy luật lên xuống của thủy triều nơi đây, biết được độ chênh lệch cao thấp giữa lúc triều cường so với lúc triều xuống thấp nhất, biết được cả tốc độ dòng chảy lớn nhất khi con nước rút và biết được cả mức độ nước rút trong một khoảng thời gian ví dụ như một giờ sau đỉnh triều thì nước xuống được mấy thước.
Quốc Tuấn như muốn nuốt lấy từng lời nói ra từ miệng của tên lính trẻ. Trí Thắng nói câu nào ông gật đầu với câu nói đó. Bao nhiêu vấn đề ông đang phải cho người ghi chép để mà tìm hiểu thì Trí Thắng nói là đã biết hết. Đã biết Trí Thắng không phải là một con người bình thường nhưng ông vẫn nghi ngờ khả năng của anh ta. Liệu có thể tin được những gì hắn nói không? Hắn có hiểu biết thực sự không hay chỉ ba hoa khoác lác. Nghĩ vậy ông hỏi thử một vài câu để kiểm tra:
- Thủy triều ở đây có quy luật à?
- Dạ ở đâu cũng có quy luật cả.
- Ta thấy nó thất thường lắm chẳng thấy có qui luật nào cả, ngươi thử nói qua cho ta nghe xem.
Biết là Tiết chế đang muốn kiểm tra kiến thức hiểu biết của mình, Trí Thắng vẫn bình tĩnh trả lời:
- Thủy triều ở đây gọi là nhật triều, một ngày có một lần lên và một lần xuống. Cứ mỗi kỳ con nước cường kéo dài khoảng mười hai đến mười bốn ngày thì lại đến một kỳ con nước nhỏ xen kẽ kéo dài chừng ba đến bốn ngày.
- Ta thấy có hôm nước rút đi vào buổi sáng, nhưng có hôm lại thấy nước rút đi vào buổi chiều, chưa biết là sao vậy?
- Đó gọi là quy luật, cứ ngày hôm sau thì thời gian nước lên hoặc xuống lại muộn hơn hôm trước một chút.
- Muộn hơn à? Ta thấy quả là có như vậy nhưng muộn hơn chừng bao lâu vậy?
- Một ngày thì chậm hơn khoảng gần tới nửa canh giờ, nhưng cứ đúng bảy ngày thì muộn đi ba canh giờ.
- Cứ bảy ngày thì muộn đi ba canh giờ…?
- Vâng! Giả dụ như hôm nay con nước lên mức cao nhất vào giờ Tỵ thì sau đúng bảy ngày phải đến giờ Thân con nước mới lại lên cao được y như thế.
Đến đây thì Quốc Tuấn đã tin tưởng thực sự vào hiểu biết của Trí Thắng. Không còn nghi ngờ gì nữa, những điều Trí Thắng vừa nói ra trùng khớp với một số tính toán ban đầu của ông. Các điều khác thì chưa được kiểm chứng nhưng ông bắt đầu tin hắn.
Quốc Tuấn quay sang Yết Kiêu lúc này vẫn chưa hết ngạc nhiên, chỉ ngồi nghe mà không nói năng gì cả:
- Yết Kiêu! Ta cho ngươi lui về trước đấy.
- Dạ…!
- Trí Thắng sẽ không về thủy trại nữa đâu, từ bây giờ hắn sẽ ở lại đây làm phụ tá cho ta.
- Vâng…!
Yết Kiêu ngẩn ngơ hết nhìn Quốc Tuấn lại quay sang Trí Thắng.
- Vậy nhé…! Ngươi cứ về đi ta có mấy việc muốn bàn bạc với phụ tá của ta!
- Vâng! Vậy cho con xin phép.
Yết Kiêu cúi chào rồi lui ra vẻ mặt vẫn chưa hết ngạc nhiên. Lúc này Trí Thắng cũng tỏ vẻ bất ngờ với quyết định đột ngột của Quốc Tuấn. Anh nhìn vị tướng già hỏi:
- Tiết chế bảo… con từ… hôm nay ở lại đây ạ?
- Đúng vậy! Ta cảm thấy giữa ta với ngươi có nhiều điều tâm sự cần phải nói với nhau trong nhiều ngày không hết nên muốn lưu ngươi ở lại đây cho tiện. Bây giờ ta nói tiếp chuyện ban nãy nhé?
- Vâng!
- Vừa nãy chúng ta nói đến đâu nhỉ…?
Vừa lúc người cận vệ bước vào báo đã đến giờ ăn tối, Quốc Tuấn đứng dậy kéo Trí Thắng đứng lên đi cùng.
- Chúng ta phải đi ăn cái đã, ta cũng thấy đói lắm rồi đây! Tối nay chúng ta lại tiếp tục nói chuyện nhé.
*
* *
Vậy là từ ngày hôm đó, Trí Thắng được Quốc Tuấn bố trí cho ăn nghỉ ngay sát cạnh trại Tiết chế. Có đến ba hôm hai người một già một trẻ ngồi nói chuyện với nhau từ sáng đến tối mà không biết chán. Trí Thắng mang hết những tâm sự, những hiểu biết của mình có được đem ra phơi bày với vị tướng già. Không ngờ tất cả những hiểu biết đó đều được Tiết chế chăm chú lắng nghe với cảm xúc vô cùng trân trọng. Anh nhanh chóng được Tiết chế tin tưởng và luôn cho theo bên mình. Những cuộc họp quân cơ với các gia tướng, những buổi tiếp kiến người của các lộ quân khác về báo cáo tình hình Tiết chế cũng cho gọi anh đến tham dự.
Không những vậy, Quốc Tuấn còn bố trí cho Trí Thắng những hai người lính cận vệ. Ông lo sợ rằng nếu chẳng may Trí Thắng có mệnh hệ gì thì bao nhiêu những hiểu biết quý báu kia cũng sẽ tan biến đi mất. Việc bảo vệ Trí Thắng lúc này còn quan trọng hơn nhiều thứ khác.
Trí Thắng một phần vì còn quá trẻ, một phần vì không quen hoặc không thích có người cứ đi kè kè sau lưng nên đến xin Quốc Tuấn cho bỏ đi hai người lính cận vệ. Nhưng anh đã bị Quốc Tuấn mắng cho một trận. Tiết chế nói:
- Việc có lính cận vệ không phải là để cho oai. Ta cho hai người cận vệ ngoài việc bảo vệ ngươi ra còn có ý nghĩa là để phân biệt trên dưới. Ai có công sức, có đóng góp nhiều cho triều đình thì sẽ được đối xử như vậy. Có như vậy thì những người khác mới trông đó để mà phấn đấu trong mọi suy nghĩ và hành động.
Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, Trí Thắng đã thấy mình trở thành một con người hoàn toàn khác hẳn. Từ chỗ chỉ là một tên lính thủy vô danh tiểu tốt trong thủy trại Yết Kiêu, đến nay khắp ba quân tướng sĩ của các trại Quảng Yên ai ai cũng biết tên biết mặt. Có được bước đầu thành công như vậy anh lại nhớ tới gương mặt người ông nội của mình.
Ông nội của Vũ Trí Thắng trước kia vốn làm một chức võ quan nhỏ dưới thời vua Lý Huệ Tông. Sau khi Trần Thủ Độ dàn xếp cho Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh thì ông cùng với nhiều bậc trung thần khác của nhà Lý không đồng tình với hành động thâm thúy đó nên đã xin cáo quan về làng.
Do là một người rất coi trọng Nho giáo và đạo Khổng, ông rất mực trung thành với tiền triều. Ông không bao giờ chấp nhận việc soán đoạt ngôi báu của Trần Thủ Độ vì bất kỳ lý do gì. Vậy nên ông đã hướng cho người con trai độc nhất của mình đi theo con đường hành nghề lương y. Ông quan niệm việc đó chỉ là giúp dân chứ không giúp đến triều đình. Cha của Vũ Trí Thắng do chỉ hành nghề theo ý sắp đặt của cha mà không phải hành động theo lý trí, theo sở thích bản ngã nên không thể trở thành một lương y có danh có tiếng ở địa phương. Thu nhập từ nghề bốc thuốc cố mấy cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày. Vậy nhưng ông nội cũng chẳng lấy đó làm buồn, ông vẫn thường nói:
- Trong dân chúng còn nhiều người đói khổ lầm than, phải đem thân đi làm nô tỳ cho nhà người ta. Nhà mình còn có đủ cái ăn cái mặc là tốt lắm rồi không cần phải bon chen nữa làm gì!
Cha của Trí Thắng cũng tỏ vẻ đồng tình với ông nội. Đồng tình cũng phải thôi vì ngay từ nhỏ cha anh đã được dạy dỗ trên nền tảng Nho giáo và qua những câu chuyện do ông nội kể lại thì trước mắt ông quan quân nhà Trần chỉ là một lũ cướp xuất thân từ nghề cướp biển mà ra. Những tư tưởng của ông nội đã như những cơn mưa dầm thấm lâu nên ngấm hết vào trong đầu của cha Trí Thắng. Ông nội tỏ ra hài lòng và hy vọng đứa cháu đích tôn sau này cũng noi gương cha nó mà chịu an phận hành nghề bốc thuốc nơi quê nhà.
Tuy nhiên ông nội Trí Thắng đã bị nhầm! Dòng máu võ quan lẽ nào chỉ sản sinh ra những người chỉ chịu cảnh phận an nhàn. Dường như mọi sự an phận của người cha chỉ là khoảng thời gian tích tụ, lắng đọng lại để rồi sau đó đem truyền hết cho đời sau. Cậu bé Trí Thắng từ nhỏ đã tỏ ra là một người có chí khí khác người. Do nghề thuốc không mang lại thu nhập khá giả nên thủa nhỏ Trí Thắng không được học hành một cách chuyên tâm mà phải vừa học vừa làm để đỡ đần cha mẹ. Cậu rất chịu khó học hành nhưng không thích đọc sách thánh hiền mà thường chỉ thích đọc những loại sách nói về binh pháp. Khi lớn lên một chút thì cậu bắt đầu tự đi tìm thầy để học đòi võ nghệ.
Mấy năm trước, khi nghe tin giặc Hồ xâm phạm bờ cõi, trai làng đồng trang lứa nô nức đăng lính. Anh cũng vội về nhà xin phép ông, cha cho lên đường tòng quân đánh giặc. Nhưng khi đó anh đã bị ông nội chửi cho một trận ra trò, ông nội còn đặt ra điều kiện nếu anh cố tình đi lính thì ông sẽ tự tử ngay trước mắt cho cả nhà cùng xem. Cha sợ ông nội làm thật nên bắt anh phải đứng ra trước mặt ông nội mà hứa là sẽ không ra đăng lính. Anh miễn cưỡng tuân theo nhưng trong lòng rất buồn bực.
Chỉ mấy tháng sau, tin thắng trận liên tiếp báo về, đến tháng sáu thì có tin quân giặc đã bị đánh đuổi hết về bên kia biên giới. Cả làng mừng rỡ chào đón con em chiến thắng trở về. Những người lính trở về sau trận chiến mang theo bao câu chuyện kể về những trận đánh lẫy lừng của quan quân Đại Việt. Trước sự vui mừng hớn hở của mọi người, Trí Thắng đã buồn lại buồn thêm vì cảm thấy xẩu hổ với chúng bạn. Anh tự thu mình suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong nhà mà không hề bước chân ra đến ngõ. Ông Trí Thắng thấy cháu mình như vậy thì bắt đầu có vẻ hối hận. Nhưng với suy nghĩ cổ hủ của mình ông vẫn tin rằng ông đúng nên chỉ bảo với đứa cháu đích tôn là không việc gì mà phải tự làm khổ mình như vậy.
Nhưng thật lạ là chỉ sau vài buổi ngồi nói chuyện phiếm với các cụ cao niên khác trong làng thì ông nội Trí Thắng thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Trí Thắng không thể nào quên được một buổi nói chuyện với ông nội, buổi nói chuyện đó có thể nói là đã vạch ra hướng đi cụ thể cho Trí Thắng. Hôm đó Trí Thắng vẫn đương vơ vẩn một mình trong nhà thì ông nội vừa đi chơi đâu về bước vào bảo:
- Trí Thắng! Vào đây ông nói chuyện!
Trí Thắng miễn cưỡng bước theo nhưng không nói câu nào, anh vẫn thầm oán trách ông nội vì việc cản trở mình đăng lính ngày trước. Ông nội ngồi xuống trường kỷ rồi bảo:
- Ngồi xuống đây nào… Thôi nào! Thôi nào! Tươi cái mặt lên cái nào! Này cháu!
- Ông bảo gì ạ?
- Ông đồng ý cho cháu đăng lính đấy.
- Đăng lính gì ạ?
- Thì đăng lính tòng quân giết giặc theo như ý cháu đấy thôi.
- Ôi giời…! - Trí Thắng thở dài một tiếng - Giờ thì còn giặc đâu mà giết nữa hả ông?
- Hả…?
- Giặc trai làng mình giết hết cả rồi…! Cháu giờ mà đăng lính thì chỉ có đi giết… lợn thôi.
- Ừ nhỉ! Ông quên mất… nhưng mà vẫn còn ối giặc cho cháu giết đấy.
- Ông bảo giặc ở đâu mà ối ra?
- Thế cháu tưởng bọn giặc Hồ kia cứ chạy về nước xong là hết giặc rồi à?
- Cháu vẫn chưa hiểu ý ông?
- Ta đồ rằng không quá ba năm nữa, bọn giặc hung bạo kia sẽ sang đánh phục thù chứ không chơi.
Nghĩ rằng ông nội già rồi nên bị lẫn, Trí Thắng đứng lên bảo:
- Thôi ông đi nghỉ đi!
- Ơ hay cái thằng này… đang nói chuyện… ngồi xuống đã.
Trí Thắng miễn cưỡng phải nghe lời ông nội mà ngồi xuống:
- Thì cháu nghe ông nói đây. Cháu không tin giặc Hồ lại dám sang đánh nước Đại Việt ta thêm một lần nữa đâu.
- Cái này cần phải có thời gian mới biết được đúng hay sai, nhưng bây giờ có việc này ta muốn nói với cháu?
- Vâng, cháu vẫn đang nghe đây ạ.
- Tới đây nếu giặc tới ta sẽ đồng ý cho cháu lên đường đánh giặc nhưng với một điều kiện…
- Điều kiện gì ạ?
- Cháu phải làm tướng và phải lập được nhiều công trạng… để làm rạng danh cho dòng họ Vũ nhà ta.
- Cháu làm sao mà làm được như vậy? Giờ có hứa với ông thì hóa ra lại là hứa suông à?
- Thế mà cũng đòi đi lính?
- Thì đi lính là… là giết giặc thôi.
- Thế mày chưa giết được giặc thì giặc nó lại giết mày trước rồi thì làm sao?
- Thì… hy sinh… coi như là báo đáp ơn vua.
Ông nội bắt đầu than thở:
- Đúng là lỗi tại ta… ta không nuôi chí cho mày từ nhỏ nên giờ không thể bảo được nữa rồi!
- Thì mình là thường dân, đâu có thể mơ một ngày làm tướng chỉ huy người khác được?
- Thường dân…? Mày trông gương của anh Phạm Ngũ Lão kia kìa.
- Ông ơi…! Phạm Ngũ Lão là một người phi thường, anh ấy bị giáo đâm vào đùi đến chảy cả máu ra mà vẫn không hề hay biết… Cháu của ông có phải mình đồng da sắt đâu mà dám so bì?
- Mày… ngu lắm!
- Sao… ông lại bảo cháu ngu?
- Phạm Ngũ Lão cũng chỉ là người trần mắt thịt như chúng ta vậy thôi, việc anh ta chịu để giáo đâm đó chẳng qua chỉ là một khổ nhục kế để tự tiến thân lên Quốc công Trần Quốc Tuấn vậy.
- Khổ nhục kế…? Đau vậy… cháu chả tin.
- Chả tin cái gì?
- Cháu chả tin một người có chí khí như anh ta mà lại phải sử dụng đến một khổ nhục kế như vậy để tiến thân.
Ông nội ngẫm nghĩ một lúc rồi chậm rãi nói:
- Khổ nhục kế đấy đâu phải là xấu, nếu anh có tài mà không có người tiến cử thì cũng phải tự tìm cho mình một cánh nào đó để tiến thân chứ! Không nhẽ anh lại phải làm thân phận một anh lính quèn mãi hay sao…? Khổ nhục kế như vậy thì cũng phải là một con người phi thường mới có thể làm được. Nếu không chịu như vậy thì nay làm gì anh ta đã được thăng tới chức Điện tiền chỉ huy sứ?
Trí Thắng bắt đầu hiểu ra những ý tứ thâm thúy đằng sau câu chuyện về Phạm Ngũ Lão của ông nội. Ông nội muốn anh một khi đã đi lính thì phải làm tướng, nhưng nghĩ về cách làm của Phạm Ngũ Lão anh lắc đầu nói:
- Ông nói đúng rồi, nhưng cháu tự thấy không thể làm theo một khổ nhục kế như vậy được.
Ông nội gắt:
- Ai bảo cháu phải làm như vậy?
- Cháu tưởng… ông…?
- Nếu cháu mà học đòi y theo như vậy thì chỉ mang tiếng cười đến cho thiên hạ. Cháu cần phải nhớ là nước Đại Việt này chỉ có một và chỉ duy nhất một Phạm Ngũ Lão mà thôi, không bao giờ có người thứ hai cả… hiểu chưa?
- Vâng cháu nhớ rồi, vậy ông bảo cháu bây giờ phải làm thế nào đây?
- Làm gì thì ta chưa biết… phải suy nghĩ cẩn thận đã. Thôi hôm nay hãy tạm vỡ lòng cho cháu như vậy đã… rồi dần dần ông cháu mình sẽ tìm ra cách.
*
* *
Sau buổi nói chuyện đó, Trí Thắng lúc nào cũng suy tính để làm sao có được một màn ra mắt Quốc công Trần Hưng Đạo sao cho thật ấn tượng. Nhưng ra mắt bằng cách thức nào đây? Anh đã suy nghĩ nhiều ngày và cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Chừng mấy tháng sau, một buổi sáng ông nội gọi Trí Thắng cùng đi với mình đến bờ sông Bạch Đằng. Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện mãi gần đến giờ Ngọ thì mới tới nơi. Ông nội bảo Trí Thắng cứ đi đến sát gần bờ rồi mới đưa tay chỉ qua bên kia bờ sông hỏi:
- Cháu có biết nơi kia trước đây đã từng có hai trận đại thủy chiến quyết định kết thúc hoàn toàn chiến tranh, mang lại nền thái bình lâu dài cho nước Đại Việt ta không?
- Có phải ông muốn nói đến một trận đánh của Ngô vương và một trận của Thập đạo tướng quân đó chăng?
- Chính là hai trận đánh đó đấy.
- Cháu cũng chỉ được nghe qua chứ không biết nhiều lắm về hai trận đánh đó.
- Ta nghĩ cháu cần phải tìm hiểu kỹ về nó đấy.
- Để làm gì vậy ông?
- Ta mới nghe tin là Hốt Tất Liệt đã cho thực hiện dự án đóng mới hơn ba trăm chiến thuyền loại lớn. Việc đó ta nghĩ không ngoài mục đích chuẩn bị để tái chiến với Đại Việt.
- Ông vẫn chắc là sẽ có tái chiến ạ?
Ông nội không cần suy nghĩ mà khẳng định ngay:
- Chắc chắn là phải có, hai lần thua trước chúng bị bất lợi về mặt đường thủy nên lần này chúng sẽ tăng cường thêm thuyền bè đây. Nếu chúng dùng thuyền lớn thì thế trận cọc ngầm năm xưa có thể có cơ hội tái áp dụng được, và điều này ta nghĩ triều đình chắc chắn cũng có người đã tính đến… Cháu nhớ việc tự tiến thân bữa trước không?
- Cháu nhớ, từ hôm đó lúc nào cháu cũng nghĩ cách mà chưa tìm ra được.
Ông nội đưa tay chỉ xuống mặt sông:
- Tìm ở đâu nữa? Nó đấy…! Đó là thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta… Cháu cần phải tìm hiểu thật kỹ về nó cũng như về thế trận năm xưa, đấy chính là hành trang quý báu cho cháu trước khi lên đường tòng quân.
Trí Thắng đã hiểu ra ý của ông nội là kiến thức hiểu biết về khúc sông này cũng như thế trận cọc ngầm năm xưa sẽ là vật tiến dẫn cho anh lên Quốc công Trần Hưng Đạo. Lúc đó anh vẫn chưa biết mình sẽ phải làm những gì, thấy ông vẫn đang chăm chú nhìn mình anh khẽ hỏi:
- Vậy ông bảo cháu nên cần tìm hiểu những gì?
- Cái đó thì ông không thể biết được… Cháu phải tự mình nghĩ ra… Ông chỉ có thể gợi ý với cháu như vậy thôi.
*
* *
Từ bữa đó, Trí Thắng bắt đầu lên kế hoạch làm việc cho mình. Đang chưa biết bắt đầu từ đâu thì nghe tin ở bên tả hạ lưu sông Bạch Đằng có một con cá Nhà Táng rất lớn bị mắc cạn chết và đã được cho kéo vào bờ chuẩn bị làm lễ an táng. Trí Thắng vội vã chèo thuyền tìm tới tận nơi xem xét. Thuyền gần đến nơi đã thấy bên bờ đông đặc toàn người là người, tiếng trống tiếng kèn cứ vang lên từng hồi như trong một ngày hội lớn trong làng. Mùi trầm hương bay phảng phất lan tỏa ra khắp trong không gian.
Con cá lúc này đã được các ngư dân vạn chài lợi dụng khi nước lên kéo sát vào gần bờ. Để đề phòng đám người hiếu kỳ xâm phạm đến xác cá, xung quanh đã được rào lại bằng những cọc tre và những đoạn dây thừng to căng ngang ngực người. Bên ngoài hàng rào lại có cả một tốp lính đứng canh không cho người nào đến gần. Quả thực đây là con cá rất lớn! Trí Thắng lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một con vật to lớn đến như vậy. Người ta đo con cá xác định được chiều dài là hai trượng sáu thước, mình dày tới những hơn sáu thước.
Khác với đám đông hiếu kỳ chỉ trầm trồ thán phục và hân hoan khi được mục sở thị xác một con cá lớn, Trí Thắng lại săm soi xem nguyên nhân con vật chết do đâu? Anh thấy toàn thân con cá vẫn còn lành lặn chứng tỏ không phải nó bị tấn công từ bên ngoài. Trí Thắng tìm người trực tiếp đi kéo con vật vào bờ để hỏi xem vị trí con cá chết nằm ở chỗ nào. Người ngư dân được hỏi chỉ tay về phía bên tả hạ lưu nói:
- Ông thác chỗ đằng kia kìa!
Theo hướng tay chỉ, Trí Thắng chỉ thấy mênh mông toàn nước là nước. Sát gần bờ là một bãi lầy lụp sụp đầy những cây sú vẹt. Chắc không có đường nên người ta phải kéo xác cá về đây để làm lễ an táng cho tiện! Nhưng sao con cá to như thế này mà lại chết ở đó được nhỉ? Thắc mắc với câu hỏi đó khiến Trí Thắng lại hỏi thêm:
- Bác ơi…! Sao cá Ông lại thác vậy?
- Ông bị mắc cạn.
- Bác bảo sao ạ? - Trí Thắng ngạc nhiên vì không thể tưởng tượng được cảnh một con cá bị mắc cạn ở giữa sông - Cá Ông bị mắc cạn ở giữa sông thật ạ?
Người ngư dân quả quyết:
- Đúng là Ông bị mắc cạn thật.
Trí Thắng vẫn tưởng anh ta nói đùa:
- Cá Ông bị mắc cạn… ở giữa sông…?
- Nhiều người cũng không tin như chú mày… nhưng đúng là như thế, bữa đó ông mải săn mồi nên khi nước xuống bị mắc lại tại đó. Ông quẫy ghê lắm cố để thoát ra ngoài nhưng nước mỗi lúc lại càng cạn thêm nên Ông không thể thoát ra được… cuối cùng Ông bị đuối sức rồi thác ngay tại chỗ đó.
Trí Thắng nhận thấy vẻ kính cẩn trong cách nói của người ngư dân nên tin rằng anh ta đã nói thật. Nhưng sao lại mắc cạn ở đó được thì cũng lạ. Nhưng thôi để tìm hiểu sau, ta cứ xem hội cái đã! Trí Thắng nghĩ vậy nên vội đi tìm một chỗ đứng để tham dự vào một lễ hội thuộc dạng hiếm gặp trong đời.
Theo tín ngưỡng dân gian các vùng duyên hải, cá Nhà Táng thường được gọi tên là cá Ông để thể hiện một sự tôn kính. Họ tin rằng cá Ông là chúa tể của các loài cá dưới nước. Tôn thờ cá Ông thì sẽ được Ông phù hộ độ trì cho thoát khỏi mọi phong ba bão tố trên sông biển. Mỗi khi có một cá Ông thác, họ coi như có một ông vua của biển cả đã băng hà. Và xác Ông trôi về đâu thì nơi ấy phải lấy làm vinh dự vì đó là một nơi đất lành đã được Ông chọn lựa. Nhân dân nơi đó sẽ phải đứng ra tổ chức lễ an táng cho Ông một cách long trọng và chu đáo.
Việc cá Ông chết dạt vào bờ thực ra không phải là quá hiếm hoi. Lâu lâu thì vài chục năm mới có một lần. Nhưng cũng có khi một năm lại có tới đôi ba lần. Có lần thì dạt vào là xác một Ông be bé, có lần thì lại là một Ông to đùng. Người ta bảo số kiếp các Ông cũng tựa như số kiếp các bậc quân vương ở trên nhân gian vậy.
Lễ hội an táng cá Ông có đặc điểm khác với tất cả các lễ hội khác là không cố định về thời gian và địa điểm. Mỗi lần cá Ông thác thường là ở một nơi khác xa nhau. Dân Đại Việt thì hay có tính khoa trương nên dân vùng làm sau một mặt thì vừa học đòi dân vùng làm trước, mặt khác lại dứt khóat phải nghĩ ra để thêm thắt một chút lễ nghĩa vào cho lễ an táng của vùng mình phải được to hơn, long trọng hơn so với các vùng trước đó. Cứ như vậy theo thời gian, lễ an táng cá Ông dần dần đã trở thành một lễ hội lớn của nhân dân các vùng duyên hải. Sau này để tỏ ra khác người, nhiều nơi còn bày vẽ ra làm thêm cả lễ cải táng cho Ông nữa.
Những năm thiên hạ thái bình, mùa màng tươi tốt thì không nói làm gì. Nhiều khi đang giữa lúc binh đao, giặc giã, đói khát, ruộng vườn xáo xác, nhưng hễ thấy xác Ông thác dạt vào, nhân dân vẫn phải dốc lòng dốc sức để lo cho Ông được mồ yên mả đẹp.
Việc cá Ông chết trôi dạt vào bờ biển thì gặp nhiều nhưng chết ngay tại cửa sông lại là một sự lạ lùng chưa ai từng thấy. Quan và dân vùng Quảng Yên đã từng đi xem lễ hội nhiều lần ở các vùng ven biển nhưng đây là lần đầu tiên họ mới được tự đứng ra tổ chức lễ an táng cho Ông. Và cũng chính vì rất lạ như vậy nên đích thân quan An phủ chánh sứ lộ Hải Đông một mặt phải cấp tốc cử người đưa thư cấp báo việc này về triều đình. Mặt khác đích thân ông phải xuống huyện Quảng Yên để lo cử hành buổi lễ.
Buổi lễ an táng diễn ra rất long trọng. Cũng có đầy đủ lễ nghĩa như lễ an táng một bậc vương giả. Trước khi đắp đất chôn Ông, ngư dân còn cho xuống huyệt các loại hải sản như tôm hùm, cua biển, sò huyết… Các loại cá nước mặn, nước ngọt, nước lợ đánh bắt được trong ngày hôm đó cũng được cho xuống huyệt để tuẫn táng theo Ông. Họ bảo làm như vậy để Ông có bầu có bạn ở nơi suối vàng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com