Chương 6: Sông núi Bạch Đằng
Trí Thắng sáng hôm nay dậy từ khá sớm, ăn sáng qua loa cho nhanh rồi vội vàng đi thay quần áo, xong chạy ngay sang trại Tiết chế. Theo hẹn thì sáng nay anh sẽ có nhiệm vụ dẫn vị tướng già đi thị sát toàn bộ khu vực cửa sông Bạch Đằng. Cả đêm hôm qua anh hồi hộp đến mất ngủ vì anh biết rằng bao nhiêu công sức mà anh đã bỏ ra trong hơn sáu tháng trước thì sáng ngày mai sẽ có dịp được trình bày trước Quốc công Tiết chế. Anh đã phải nhẩm đi nhẩm lại những điều mà mình dự định sẽ nói vì chỉ sợ ngày mai sẽ bị quên mất một vài ý tứ nào đó.
Mới đến cửa trại đã thấy Tiết chế cùng mấy người lính hộ vệ đang chờ sẵn. Sợ mình phạm giờ đến muộn anh cúi chào rồi mở lời xin lỗi:
- Con xin lỗi vì tội tới muộn!
- Không phải người đến muộn mà ta dậy sớm quá…! - Quốc Tuấn cười rồi quay sang đám lính cận vệ bảo - Chúng ta đi nhỉ!
Cả tốp lục tục kéo nhau thẳng hướng thủy trại đi xuống. Dưới bến nước, một chiếc thuyền lớn đã cắm sào chờ sẵn. Yết Kiêu đang đứng đợi dưới khoang thuyền, thoáng nghe thấy trên bờ có tiếng bước chân đi xuống, Yết Kiêu vội vàng nhảy lên bờ rồi bước lên đón:
- Mời Tiết chế lên thuyền.
Quốc Tuấn hất hàm hỏi viên gia tướng:
- Đồ ăn, thức uống đã thu xếp đủ chưa?
- Dạ đã đủ hết cho ba ngày theo lệnh của Tiết chế rồi ạ.
- Tốt! Vậy thì chúng ta đi luôn cho sớm!
- Vâng.
Chờ cho mọi người lên hết, Yết Kiêu vẫy tay một cái, bọn lính kéo cầu ván lên rồi chèo thuyền ra xa bến. Ra đến giữa sông, tốp lính bắt đầu căng buồm cho thuyền nhằm phía hạ lưu lướt tới. Đến giữa giờ Thìn thì thuyền tới được khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng, lúc này nước sông gần như đạt mức đỉnh triều, mặt sông trải rộng mênh mang tới hơn ba dặm, sóng cồn nhấp nhô rập rờn xa tít tắp.
Thuyền lướt nhanh qua bến thuyền dốc chợ, bao kỷ niệm ngọt ngào trong thời gian hơn sáu tháng lưu lại đây chợt ùa về tràn đầy trong đầu Trí Thắng. Anh đưa mắt chăm chăm nhìn lên quán nước nơi gốc cây gạo cổ thụ như cố tìm một bóng hình. Song những bụi lau sậy ven bờ đã vươn ra che hết tầm nhìn khiến anh không còn nhìn được gốc gạo. Chỉ còn ngọn cây gạo đưa những chiếc lá xanh phất phơ trong gió đầu thu.
Quốc Tuấn lúc này cũng đang chăm chú nhìn sang bờ sông bên tả, ông căng mắt cũng chỉ nhìn thấy cây cối um tùm che lấp hết bờ bến, trông sang bên hữu thì thấy một dãy núi đá vôi nhấp nhô chạy dọc sát bờ. Nhìn cảnh đôi bờ của con sông, Quốc Tuấn bất chợt nói:
- Thật là một nơi hiểm yếu!
Trí Thắng từ lúc lên thuyền vẫn luôn bên cạnh Quốc Tuấn, nghe thấy vị tướng già thốt lên như vậy thì cũng lên tiếng đồng tình:
- Vâng! Quả đúng là như vậy!
- Ngươi đã nói rất nhiều về địa thế của vùng này, vậy nay chúng ta đang ở đây, ngươi hãy thử nói lại trên thực tế cho ta nghe đi?
- Vâng! Thưa Tiết chế, - Trí Thắng hít một hơi thật sâu rồi đưa tay lên chỉ trỏ và nói - phía trên thượng lưu sông Bạch Đằng được tiếp nước bởi hai con sông, bên tả kia gọi là sông Đá Bạc còn bên hữu này gọi là sông Giá. Từ đây con sông Bạch Đằng được mở rộng và thông thẳng ra biển qua cửa Nam Triệu. Phía bên tả hạ lưu sông Bạch Đằng có ba chi lưu gọi là sông Chanh, sông Kênh và sông Rút. Bên hữu sông có một dãy núi đá tên gọi là dãy Tràng Kênh. Dãy Tràng Kênh này nhô lên sát mép bờ sông, núi U Bò là một ngọn núi cao nhất của dãy Tràng Kênh... Nếu Tiết chế đứng từ trên đó thì có thể nhìn bao quát hết được toàn cảnh của vùng hạ lưu con sông Bạch Đằng này.
- Vậy hả? - Quốc Tuấn nheo mắt ngước nhìn lên đỉnh U Bò - Ngươi đã lên đó rồi à?
- Vâng, con có lên đó được hai lần.
- Sáng mai ngươi dẫn ta lên đó luôn nhé!
- Vâng…! Nhưng…
- Nhưng gì? - Quốc Tuấn nhận thấy tên lính đang có ý lo ngại cho sức khỏe của mình - Ngươi sợ ta không có đủ sức để lên trên đó đúng không?
- Quả thật là đường lên núi rất khó đi… ngay cả đối với những người trẻ khỏe.
- Ngươi hãy nói tiếp đi!
- Ở chỗ kia - Trí Thắng đưa tay chỉ về phía cửa sông Giá - quãng phía nam cửa sông Giá có một nhánh của dãy núi đá Tràng Kênh ăn ngầm qua ba phần tư bề mặt dòng sông Bạch Đằng, dãy đá ngầm này nhân dân ở đây vẫn quen gọi là Ghềnh Cốc.
- Dãy đá ngầm à?
- Vâng!
- Ăn ra ba phần tư sông?
- Vâng!
- Liệu có tin được không nhỉ?
- Con đã lặn xuống tận nơi để kiểm tra… và đúng thực là như thế đấy ạ.
- Thế thì hiểm thật! Ngươi cứ nói tiếp đi!
- Do ở gần biển Đông, cửa sông lại rộng mênh mông nên nước sông Bạch Đằng lên xuống theo thủy triều. Lúc triều dâng cao nhất mặt sông mênh mông mở rộng đôi bờ đến ba bốn dặm. Lòng sông ở đây khá sâu, độ sâu biến đổi trong khoảng từ hai đến bốn trượng. Độ chênh lệch mức nước giữa hai thời điểm khi nước lên cao nhất và khi nước xuống thấp nhất vào khoảng sáu đến bảy thước, vào thời kỳ nước cường có thể đạt đến mức tám thước, nhưng vào kỳ con nước ròng thì chỉ còn khoảng một đến hai thước thôi.
- Thế lúc nước xuống thấp nhất dãy đá ngầm gọi là Ghềnh… gì kia có lộ ra không?
- Gọi là Ghềnh Cốc ạ, không lộ ra nên không ai nhìn thấy được.
- Vậy thuyền bè có đi được qua đó nữa không?
- Lúc đó thì chỉ có các thuyền nhỏ là đi qua được còn thuyền lớn thì phải đi vòng về phía bên tả, nơi sát cửa của con sông Chanh kia.
- Thật là một nơi hiểm yếu! - Quốc Tuấn lại lẩm bẩm - Không trách tiền nhân đã ít nhất có hai lần bố trí trận địa ở nơi đây! Thế mực nước hạ xuống khi thủy triều rút nhanh chậm thế nào?
- Lúc nước triều rút xuống mạnh nhất, mực nước có thể hạ tới gần hai thước chỉ trong khoảng một canh giờ.
Quốc Tuấn gật gù, tên lính này có vẻ thông thạo thật, hắn trả lời rất trôi chảy, không hề ngắc ngứ một chút nào cả! Nhìn về phía cánh rừng xa xa bên tả ngạn Quốc Tuấn lại hỏi:
- Bên tả ngạn kia có một cánh rừng rậm, không biết đó là rừng gì vậy?
- Bên tả ngạn sông là một cánh rừng có rất nhiều gỗ lim, gỗ táu. Ven rừng sát bờ sông là những bãi sú, vẹt um tùm.
- Ngươi vừa nói là rừng gỗ lim và táu à?
- Vâng, có rất nhiều lim và táu ở đó.
- Tốt thực…! - Quốc Tuấn lại khen rồi quay sang Yết Kiêu bảo - Chúng ta đi đến đó một chút đi?
- Vâng!
Yết Kiêu dạ rồi định chạy đi giục đám lính chuyển hướng thì Trí Thắng ngăn lại:
- Xin tướng quân từ từ đã - Trí Thắng nói rồi quay sang Quốc Tuấn - Thưa Tiết chế!
- Sao vậy?
- Bây giờ ta không nên đến đó nữa vì nước triều sắp rút xuống.
- Nước xuống thì có sao đâu?
- Tiết chế chưa biết hết thôi, ngay sát bờ ở chỗ đó có một bãi bùn lầy rất rộng do phù sa lâu ngày tích tụ lại đẩy đáy sông nhô cao hẳn lên, khi nước xuống thấp thì những thuyền lớn như thuyền của chúng ta đây sẽ bị mắc cạn thậm chí có thể sẽ bị lật nghiêng đi nữa…
- Vậy à…?
Trí Thắng lại giải thích thêm:
- Vâng! Nó cũng giống như cái Ghềnh Cốc kia nhưng chỉ khác là bằng bùn phù sa.
- Ta hiểu rồi!
- Tháng hai năm ngoái có một con cá nhà táng cũng vì mải săn mồi mà đã phải chết vì bị mắc cạn ở chính chỗ đó đấy.
- Ờ…! Năm ngoái khi đang ở trong triều ta cũng có nghe tin là ở sông Bạch Đằng có cá nhà táng bị chết cạn mà không biết rằng lại chết ở chính chỗ này.
- Vâng! Cũng nhờ có cá Ông chết hôm đó nên con mới nảy sinh ra ý tưởng đi tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao cá Ông lại có thể chết được ở đó. Rồi sau bao ngày lặn hụp đo đạc thì con biết được bên bờ bên đó có một bãi phù sa ngầm nhô cao, nếu khi thủy triều xuống thấp thì cá to và các thuyền lớn sẽ bị mắc lại hết.
- Thật vậy ư?
- Vâng! Con đã đo đạc rất kỹ để xác định khu vực bãi bùn ngầm và biết nó rộng khoảng hơn ba mươi trượng và chạy dài gần một trăm trượng bắt đầu từ chỗ cây lim cụt cành kia đến gần sát cửa bên tả của con sông Chanh.
Quốc Tuấn nhíu mày, ông chăm chú nhìn vào hàng cây sát bên bờ sông:
- Mắt ta kém quá rồi! - Ông đưa tay lên dụi hai mắt rồi nhìn lại - Ngươi nói chỗ cây lim cụt cành nào?
- Tiết chế chắc không nhìn thấy được đâu vì cành cụt đó hơi nhỏ. Con sở dĩ nhìn thấy được vì chính tay con chặt để đánh dấu chỗ bắt đầu có bãi bùn ngầm kia.
- Vậy sao…!
Quốc Tuấn nhìn ra mặt nước mênh mông, ông hình dung ra cảnh một con người bé nhỏ ngày đêm đơn độc hụp lặn ở đó. Một người không có ý chí lớn thì chắc không thể có đủ sự kiên trì để mà làm cho đến khi hoàn thành công việc. Ông thầm cảm phục việc làm của tên lính trẻ:
- Khá khen cho ngươi là người có ý chí! Vậy bây giờ chúng ta phải chờ nước lên mới đến được đấy à?
- Vâng! Đúng là phải chờ nước lên đã. Bây giờ nước sắp xuống mạnh rồi, mời Tiết chế đến cửa các chi lưu của sông Chanh, sông Kênh và sông Rút xem cái này đã.
- Ngươi bảo xem cái gì vậy?
- Xin Tiết chế cứ đến đó đã.
- Được! Yết Kiêu đâu mau cho thuyền đến đó đi.
*
* *
Khi chiếc thuyền đến bên cửa sông Chanh, nước bắt đầu rút dần ra biển, tốc độ nước rút mỗi lúc một nhanh. Chiếc thuyền của Quốc Tuấn đi khá xa nơi cửa sông mà suýt chút nữa cũng bị cuốn phăng đi theo dòng nước rút. Tiếng nước chảy ào ào, bục bục khiến cho hai tai Quốc Tuấn ù hết cả lên. Dòng nước chảy mạnh tạo ra những xoáy tròn khổng lồ cuồn cuộn trên mặt nước. Đi qua cửa sông Kênh rồi đến sông Rút thì cũng thấy một cảnh tượng tương tự như một trận lũ quét đang hiện ra trước mắt.
Quốc Tuấn quay sang nhìn Trí Thắng, hắn chỉ nhìn lại ông nhưng không nói gì cả. Ông thầm hiểu Trí Thắng muốn đưa ông ra đây xem để ngầm bảo với ông là nếu có ý định bố trí trận địa cọc ngầm thì nên bố trí ở đây là tốt nhất. Tên lính này đúng là có hiểu biết, trước mặt mọi người hắn không nói rõ ý tứ ra. Phải, đây là điều cần phải giữ bí mật, vậy mà hắn đã nghĩ được cả đến việc giữ bí mật nữa thì ắt hắn đã chuẩn bị nhiều rồi. Mình thử hỏi hắn một câu xem sao! Nghĩ vậy, Quốc Tuấn đến bên Trí Thắng nói:
- Ở đây có gì đáng xem đâu nhỉ?
Trí Thắng nghe Quốc Tuấn hỏi lại thì giật mình ngớ người ra vì không hiểu ý tứ của Tiết chế ra sao nữa. Chả nhẽ trước mặt mọi người mình lại nói thẳng ra là nơi này nên bố trí trận địa cọc ngầm thì còn gì là bí mật nữa. Thôi thì cứ nói xa xôi một chút nữa xem ra làm sao, nghĩ vậy Trí Thắng bèn đáp:
- Thưa Tiết chế! Chỗ này trông thế nhưng bên dưới toàn là bùn cả thôi.
- Đâu mà chả có bùn bên dưới…!
Quốc Tuấn vừa nói vừa quay đi như không muốn nói chuyện nữa. Hay lắm! Hắn không trả lời trực tiếp mà trả lời gián tiếp, toàn là bùn không phải là đóng được cọc là gì nữa. Để lát nữa ta sẽ gọi hắn ra riêng một chỗ mà hỏi thì hơn. Xem xét thêm một lát thì Quốc Tuấn bảo Yết Kiêu:
- Hôm nay công việc như vậy coi như tạm đủ, ngươi mau cho thuyền về lại chỗ cũ đi.
Giao việc cho Yết Kiêu xong, Quốc Tuấn quay lại Trí Thắng nói:
- Ngươi vào trong khoang thuyền ta hỏi:
- Vâng!
Trí Thắng lật đật đi theo vị tướng già vào trong thuyền. Chỉ chỗ cho Trí Thắng ngồi xuống, Quốc Tuấn hỏi nhỏ:
- Ngươi chắc đã biết hết độ nông sâu của các cửa sông Chanh, sông Kênh và sông Rút rồi phải không?
- Dạ cả ba chi lưu này có độ sâu tương đương nhau, khi triều lên cực đỉnh là hai trượng ba thước. Còn khi triều xuống thấp thì chỉ còn gần hai trượng thôi ạ.
- Bên dưới đáy sông toàn là bùn à?
- Vâng, con đã dùng que sắt để thăm dò rất kỹ rồi. Nếu Tiết chế định bố trí trận địa cọc thì không còn chỗ nào có thể tốt hơn được nữa.
- Đúng vậy! Một bên là Ghềnh Cốc đã chắn ngang được ba phần tư sông, như vậy chỉ cần chặn một phần tư sông lại thì giặc bắt buộc phải rút theo các chi lưu kia… khi đó có một bãi cọc ngầm đợi sẵn ở đấy thì sẽ… tuyệt vời! Này Trí Thắng này?
- Dạ!
- Ngươi nói là đã cất công tìm hiểu về thế trận cọc ngầm kỹ lắm rồi phải không?
- Dạ không hẳn là tìm hiểu ạ.
- Sao lại không hẳn là tìm hiểu?
- Dạ tại vì chẳng có gì nhiều lắm để tìm hiểu! Con chỉ nghĩ đến nó nhiều thôi.
- Vậy ngươi nghĩ về nó thế nào nói thử ta nghe xem?
- Con nghĩ thế trận cọc ngầm cũng có nhiều loại, mỗi loại thế trận lại phụ thuộc vào tương quan lực lượng giữa ta và địch tức là phải xem ta mạnh hay địch mạnh để mà bố trí trận địa cọc cho hợp lý…
- Ngươi cứ nói tiếp đi?
- Nếu địch mạnh hơn ta thì phải dùng cọc thật cứng và nhọn, thậm chí phải bịt sắt vào đầu giống như Ngô vương đã từng làm, rồi khi đó phải dụ giặc đánh vào và quân ta một là phản công nếu có đủ lực hoặc nếu không thì phải dùng thuyền nhỏ giả thua chạy để dụ giặc dùng thuyền lớn đuổi theo, thuyền của chúng sẽ bị đâm vào đầu cọc mà chìm. Đấy chính là dùng cọc đánh thuyền.
- Thế nếu ta mạnh hơn địch?
- Nếu ta mạnh hơn địch thì cọc kia không cần phải cứng và nhọn lắm, chỉ cần đóng chắc xuống đáy sông để thuyền giặc đến đó bị cản hết lại là được. Đó gọi là dùng cọc chặn thuyền mà thôi.
- Vậy ở đây ta nên dùng theo cách nào là hợp lý nhất?
- Theo con dùng cách thứ hai là hay nhất, ta có thể kết hợp cả cọc ngầm với bãi lầy ven sông và cả dãy đá ngầm của Ghềnh Cốc kia nữa để chặn giặc lại mà đánh.
- Vậy theo ngươi yếu tố nào sẽ là yếu tố quyết định đến thành công của trận đánh nơi đây?
- Theo con phải là … hỏa công ạ.
- Cái gì? - Quốc Tuấn ngạc nhiên vì đang nói chuyện cọc ngầm Trí Thắng lại nói về hỏa công, ông hỏi lại - Ngươi vừa nói là hỏa công?
- Vâng! trong tất cả các trận thủy chiến lớn thì yếu tố quyết định bao giờ cũng phải là hỏa công.
- Ngươi nói đúng nhưng có thể nói rõ hơn ở đây được không?
- Cọc ngầm là tĩnh, chiến thuyền là động, lấy tĩnh chế động thì có thể cản và làm thủng được vài chiếc thuyền chứ không thể tiêu diệt được chúng. Muốn tiêu diệt được chúng thì phải lấy động chế động mà động ở đây chỉ có dùng hỏa công là hợp lý nhất và thuyền nổi trên nước tức là lợi về thủy, phàm vật gì có lợi về thủy thì phải chịu thiệt về hỏa.
- Ngươi nói rất phải! Mọi người cứ nghe nói đến thế trận cọc ngầm kia thì cứ cho rằng cọc ngầm là tối quan trọng mà quên đi các yếu tố quyết định khác. Đúng là nếu có chặn giặc lại được mà ta không đủ mạnh để áp chế đối phương thì bãi cọc ngầm kia cũng trở nên vô ích. Nhưng mà này!
- Dạ!
- Ta nói như vậy không có nghĩa là bãi cọc kia chỉ có mỗi nhiệm vụ là chặn thuyền giặc lại đâu nhé, nó có thể làm cho thuyền giặc vỡ tan ra đấy ngươi có biết phải làm như thế nào không?
Trí Thắng suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Ngoài một vài chiếc đi đầu va vào mũi cọc ra thì con chưa nghĩ ra được cách gì để có thể làm cho thuyền giặc bị vỡ tan ra được.
- Ngươi hình dung thử thế này nhé! Trước một hàng cọc đóng dày và cao để ngăn tất cả các thuyền giặc lại, ta sẽ cho đóng một loạt cọc thật thấp sao cho các thuyền giặc vào hết được đó, khi thủy triều xuống thì các thuyền này sẽ bị treo lên trên các đầu cọc và dưới sức nặng của chiến thuyền, chúng sẽ bị tan vỡ ra.
- A! - Chàng trai trẻ reo lên - Như vậy là ta sẽ phải đóng hai lớp cọc có độ sâu khác nhau.
- Đúng vậy! - Quốc Tuấn gật đầu - Khi đó bãi cọc có tác dụng giống như bãi lầy ven sông kia nhưng chỉ khác là nó có thể làm vỡ thuyền giặc.
- Đơn giản vậy mà con nghĩ mãi không ra!
- Có lẽ do ngươi mới chỉ nghĩ tới những chiếc thuyền đang lao nhanh trên mặt nước rồi va phải cọc ngầm chứ không nghĩ đến những chiếc thuyền đang đứng yên tại một chỗ.
- Đúng là như vậy, con chưa bao giờ nghĩ đến cảnh khi thuyền giặc đã phải dừng lại mà vẫn bị cọc gỗ đâm thủng.
- Chỉ có điều để đóng được bãi cọc như thế ta phải biết được chính xác độ sâu ngập nước của chiến thuyền giặc và thời gian để dụ chúng vào trong bãi cọc không được sai quá một nửa canh giờ vì theo ngươi vừa nói thì nửa canh giờ nước có thể hạ tới gần hai thước rồi.
- Vâng, và một điều tối quan trọng nữa là các cọc phải được đóng thật sâu và chắc chắn để sẽ không bị lún xuống khi bị thuyền đè lên.
- Ngươi nghĩ như vậy thật là hết ý! - Quốc Tuấn nhìn sâu vào mắt người lính trẻ - Trí Thắng này, ngươi có biết rằng kiến thức của ngươi như vậy là đã giúp ta bớt đi được bao nhiêu thời gian rồi không?
- Cái đó con không rõ…
- Ngươi không phải khiêm tốn như thế, ta nói cho ngươi biết nhé! Ngươi làm được như vậy đã giúp ta không phải tính toán gì thêm nữa rồi. Coi như công việc tìm hiểu sông nước nơi đây đã xong. Ngày mai chúng ta sẽ lên đỉnh núi kia - Quốc Tuấn vừa nói vừa đưa tay chỉ lên đỉnh núi U Bò - Còn bây giờ ta sẽ dẫn ngươi đi xem cái này đã….
Hai người bước ra ngoài đi đến bên mạn thuyền, Quốc Tuấn đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm Yết Kiêu, không thấy viên gia tướng đâu ông đoán hắn chỉ quanh quẩn đâu đây bèn cất tiếng gọi:
- Yết Kiêu đâu…! Yết Kiêu đâu rồi…!
- Dạ…! Con đây ạ.
Yết Kiêu vừa dạ một tiếng to vừa hớt hải chạy ở dưới cuối thuyền lên, sợ vị tướng trách móc anh vội giải thích:
- Con đang vào bếp kiểm tra chúng chuẩn bị bữa tối.
- Ừ! Này… hai tên học trò hôm trước đang ở đâu nhỉ?
Viên gia tướng nhìn quanh một lúc rồi chỉ tay về phía có chiếc thuyền nhỏ đang neo đậu phía đằng xa:
- Dạ chắc chúng đang ở bờ bên kia ạ.
- Vậy chúng ta mau tới đó xem chúng đang làm gì.
- Vâng.
Quay về đám lính chèo thuyền Yết Kiêu bảo:
- Mau chèo sang bờ bên kia mau, chỗ có chiếc thuyền nhỏ đó.
Khi thuyền gần tới nơi, mọi người nhìn tới thấy một con thuyền nhỏ đang được neo vào một cây sào chắc chắn. Trên thân cây sào có khắc chia thành từng vạch nửa thước một. Quốc Tuấn gật gù tỏ vẻ hài lòng với cách làm việc của mấy tên lính này. Ông quay sang Trí Thắng hỏi:
- Ngày trước ngươi có phải làm như thế này không?
- Dạ, tất nhiên con cũng phải làm đúng như vậy ạ.
- Hơn sáu tháng làm một mình! Vất vả lắm nhỉ?
- Dạ cũng không đáng gì ạ… chỉ có hơi khác một chút…
- Khác một chút là khác gì vậy?
- Con phải làm việc vào giữa mùa đông giá rét còn… bây giờ đang là mùa thu.
Quốc Tuấn thấy hơi lạ, tên lính này chưa bao giờ kể khổ, nay lại tự nhiên nói như vậy chắc là phải có ẩn ý gì đây? Ngẫm nghĩ một lát Quốc Tuấn phá lên cười:
- Ha… ha… ha…, ngươi đang trách ta không biết làm việc nên chọn vào mùa thu để đo mực nước thì sẽ không được chính xác chứ gì?
- Con không có ý đó… nhưng quả thực mùa này nước trên thượng nguồn đổ về nhiều ít khó định nên nếu đo mức nước thì sẽ không được chính xác cho lắm.
- Ta biết mà…! Nhưng không sao… ta không cần kết quả đo của chúng nữa…
Thuyền lớn của Quốc Tuấn vừa tới sát chiếc thuyền nhỏ, hai tên lính thấy có thuyền lớn tiến đến thì vẫn còn đang ngơ ngác chưa hiểu có chuyện gì. Quốc Tuấn bảo Yết Kiêu gọi ngay hai tên lính trẻ mang toàn bộ ghi chép hàng ngày sang thuyền cho ông kiểm tra.
Hai tên lính có nét mặt tựa như thư sinh, lần đầu được gặp đích thân Quốc công Tiết chế nên chúng có vẻ ngượng ngùng. Chúng đùn đẩy nhường nhau không ai dám vào trước. Thấy chúng nhát sợ như vậy Quốc Tuấn bảo:
- Vào mau đi…! Đến ta là người nhà mà các ngươi còn sợ như thế thì đánh giặc làm sao được hử?
Hai tên lính lúc đó mới mạnh dạn bước vào, cả hai chưa dám nhìn lên mà vội sụp xuống lạy. Quốc Tuấn bảo hai tên đứng lên, ông hỏi thăm tên tuổi, quê quán từng người xong rồi nói:
- Bây giờ các người hãy nói qua cho ta nghe xem quy luật con nước ở đây lên xuống ra làm sao?
Hai tên lính lại đưa mắt nhìn nhau, một tên mạnh dạn bước lên chắp tay thưa:
- Bẩm Quốc công Tiết chế! Mực nước cao nhất và thấp nhất thường chênh nhau tới sáu thước rưỡi, có hôm cao nhất gần tới bảy thước rưỡi. Đỉnh triều của ngày hôm nay rơi vào lúc đầu giờ Tỵ và muộn hơn hôm qua chừng gần một nửa canh giờ. Dạ, chúng con mới theo dõi được mấy chục ngày nên mới chỉ biết được như vậy thôi ạ!
- Tốt! Đưa ta xem ghi chép của các ngươi?
- Dạ đây ạ! Mời Quốc công Tiết chế xem ạ!
Quốc Tuấn xem qua một lượt lấy lệ rồi gật gù nói:
- Được! Ghi chép rõ ràng, đầy đủ. Các ngươi có nét chữ đẹp và có hồn đấy!
- Dạ! Đa tạ Quốc công có lời khen ạ!
- Các ngươi trước khi đăng lính làm gì?
- Chúng con đều là học trò cả.
- À…! Ừ…! Học trò mà cũng gác bút nghiên để ra trận! Hai ngươi quả là những người có chí khí lắm đó!
- Chúng con cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng học hành, thi cử, đỗ đậu làm quan thì cũng vì mục đích giúp dân giúp nước. Nay đất nước đang gặp hoạ xâm lăng thì chí làm trai là phải cầm gươm, cầm giáo đánh giặc trước đã. Khi đất nước thái bình thì việc học hành kia vẫn còn chưa muộn.
- Ngươi nói cũng có ý đúng! Nhưng ta chỉ có một lời này các ngươi tự ngẫm lấy nhé?
- Chúng con tuổi trẻ, chưa thể hiểu hết lẽ đời mong Quốc công truyền dạy?
- Theo ta để giúp dân giúp nước thì không nhất thiết là cứ phải thi đỗ làm quan đâu! Việc các ngươi tạm xếp bút nghiên để cầm giáo đánh giặc cũng chính là một việc giúp dân, giúp nước đấy! Hai ngươi đang là học trò thì cũng coi như là người có học. Từ mai ta cho hai ngươi về hầu việc dưới trướng giúp ta việc sao chép và quản lý thư lệnh. Có như vậy thì mới dùng hết tài của các ngươi.
- Dạ! Chúng con đội ơn Tiết chế! Nhưng…?
- Nhưng sao?
- Nhưng còn… công việc ở đây ạ? Chúng con còn đang làm dở…?
- À…! Việc đó bây giờ ta không còn cần đến nữa…
Chỉ vào Trí Thắng đang đứng bên cạnh, Quốc Tuấn bảo với hai tên lính:
- Người này đã làm hết việc của các ngươi rồi, đây là sư phụ của các ngươi đấy, các ngươi mau bái kiến sư phụ của mình đi!
Hai tên lính trẻ không hiểu gì cả, nhưng khi nghe thấy Quốc Tuấn bảo như vậy thì đều cúi xuống lạy Trí Thắng:
- Bái kiến sư phụ...!
- Bái kiến sư phụ…!
*
* *
Ngọn núi U Bò là đỉnh cao nhất của dãy núi Tràng Kênh. Dãy núi này nằm nhô về phía bụng cong của con sông Bạch Đằng. Cách khoảng vài dặm về phía thượng lưu, dãy Tràng Kênh nhô ra sông bắt dòng sông phải thay đổi hướng từ chỗ đang chảy từ tây sang đông chuyển thành chảy từ bắc xuống nam và sau đó đổ thẳng ra cửa biển Nam Triệu.
Một buổi sáng mùa thu, một đoàn người đang nhằm hướng đỉnh núi mà leo lên. Trong đám người kia người ta thấy có một ông già tay chống gậy nhưng vẫn bước đi phăng phăng theo mấy người thanh niên trẻ khỏe. Đoàn người đi rất chậm vì đường đi chông chênh khó đi lại bị cơn mưa bất chợt làm cho đất rất ướt và trơn. Đám lính trẻ sợ ông già bị mệt nên thỉnh thoảng lại dừng lại bảo nghỉ một chút, ông già xua tay giục đám lính cứ đi tiếp không cần phải nghỉ.
Trời hết mưa lại đến nắng, nắng tuy không chói chang nhưng cũng làm cho không khí trở lên ngột ngạt khó thở. Hơi nóng từ trong các vách đá tỏa ra và từ dưới mặt đất lúc này lại bốc lên phả vào mặt khiến mọi người ai nấy mặt mũi đỏ phừng lên. Mãi đến lưng chừng núi ông già mới đồng ý ngồi nghỉ. Mọi người vội tìm chỗ một gốc cây to tán rộng để cùng đến ngồi trú nắng.
Ông già kia không là ai khác mà chính là Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Để có cái nhìn bao quát về một thế trận lớn, ông không quản vất vả đội mưa đội nắng đòi Trí Thắng phải đưa mình leo lên trên đỉnh núi U Bò. Trí Thắng hiểu rằng vị Tiết chế của anh sẽ không thể hết phân vân khi chưa được tận mắt đứng trên đỉnh U Bò mà trông xuống toàn cảnh bên dưới. Vì vậy, dẫu biết Quốc Tuấn năm nay đã sang tuổi sáu mươi và mỗi khi đi đâu xa, ông đều phải dùng đến sự trợ giúp của một cây gậy nhưng anh không dám ngăn cản. Trí Thắng chỉ xin Quốc Tuấn hãy lên núi thật sớm để có thể xuống núi trước khi trời tối.
Nghỉ được chừng một lát, Quốc Tuấn đứng lên trước giục:
- Chúng ta tiếp tục đi…! Cố lên một chút không đến tối chả đến nơi!
Mọi người lại đứng dậy đi tiếp. Hai tên lính nhanh nhẹn chạy lên trước dùng dao chặt các cây dây leo để mở đường. Đoàn người vừa đi vừa dắt díu nhau vượt qua các vách đá tai mèo lởm chởm.
Mãi quá giờ Tỵ, đoàn người mới đặt chân lên tới đỉnh núi. Do đã biết trước địa thế, Trí Thắng dẫn vị tướng già đến thẳng một mỏm núi hơi bằng phẳng nhô hẳn ra phía ngoài sông. Đứng từ đây có thể nhìn thấy rõ toàn bộ khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng. Nhìn lên trên phía thượng lưu có thể thấy rõ được nơi con sông bắt đầu thay đổi hướng chảy. Nhìn xuống phía dưới có thể quan sát được cả ba chi lưu sông Chanh, sông Kênh và sông Rút. Mặt sông lúc này đang đúng góc phản chiếu ánh sáng mặt trời khiến cho mọi người cảm thấy chói mắt mỗi khi nhìn xuống.
Trí Thắng để vị tướng già nhìn ngắm toàn cảnh bên dưới. Anh đưa mắt nhìn sang cây gạo già bên bờ sông đối diện. Đứng từ đây có thể phóng tầm mắt mà nhìn thấy mọi thứ tận bên kia bờ, chỉ tiếc là không thể trông rõ người. Trí Thắng căng mắt ra cũng chỉ thấy những chấm đen bé nhỏ đi ra đi vào trước cửa quán nước. Không biết kia có phải là Mộc Miên không nhỉ…? Đang phân vân tự hỏi như vậy, Trí Thắng chợt giật mình khi nghe vị tướng già hỏi:
- Hôm qua ngươi nói bãi bùn ngầm ở sát ven khu rừng lim kia có phải không?
Trí Thắng vội quay lại thấy Quốc Tuấn đang nheo mắt nhìn về phía bên kia bờ nơi có khu rừng lim xanh tốt um tùm. Anh đưa tay lên chỉ sang phía đó nói:
- Vâng, nếu không vì vấn đề bí mật thì Tiết chế có thể chặt cây ngay tại đó mà làm cọc thì quá là tiện!
- Đúng vậy…! Nếu ta phải vào tận các khu rừng sâu để tìm chặt rồi lại đưa gỗ ra thì quá tốn công tốn sức… - Quốc Tuấn dừng lại suy nghĩ một lát rồi quả quyết - Nhưng có lẽ chúng ta vẫn phải dùng đến các cây gỗ lim ở trong khu rừng kia thôi!
- Tiết chế định chặt cây ở rừng lim kia?
- Đúng vậy!
- Nhưng nếu giặc tới đây chúng sẽ nhìn thấy các gốc cây đã bị chặt cụt và chúng sẽ đoán ra ý định của Tiết chế và chúng sẽ có ý đề phòng?
- Ta đang nghĩ nhân khi lũ giặc kia chưa tới, chúng ta sẽ huy động tất cả binh sĩ của đại trại Quảng Yên đến đây trước chặt hết những cây có thể dùng làm chiến cọc được rồi sau đó đào tróc tận gốc và lấp đất phủ lên… làm như vậy vẫn nhàn hơn việc cho quân vào rừng tìm kiếm rồi chuyển ra sông… Ngươi thấy làm như thế có được không?
- Vâng - Trí Thắng đã nhiều lần thấy vị tướng già có những quyết định rất nhanh và chính xác, và lần này cũng vậy - Tiết chế cho chặt tỉa đều ra và cho ngụy trang kỹ lại thì đúng là chúng cũng khó mà phát hiện ra được.
Quốc Tuấn phần vì sức yếu tuổi già, phần vì khi lên núi gặp mưa nắng thay đổi bất chợt, bây giờ lại bị làn gió mát từ dưới sông theo vách núi thốc ngược lên làm cho ông cảm thấy gai gai lạnh. Thấy vị tướng già rúm người lại và ho khan mấy tiếng, Trí Thắng vội đưa thêm áo ấm cho Quốc Tuấn khoác lên người rồi mời vị tướng già tìm chỗ ngồi nghỉ. Khi đã ngồi xuống một phiến đá Quốc Tuấn chậm rãi nói:
- Như vậy là chiến cọc đã có… ta còn đang phân vân chưa biết sẽ sử dụng bãi bùn ngầm kia như thế nào đây?
- Tiết chế cho phép… - Trí Thắng nhìn thẳng vào mắt vị tướng già ngập ngừng - cho phép con được trình bày thử thế trận mà con đã ấp ủ bấy lâu nay?
- Sao…? - Quốc Tuấn hỏi lại - Ngươi đã có thế trận rồi ư…?
- Dạ vâng, trong khi tìm hiểu về bãi bùn ngầm con cũng đã nhiều đêm suy nghĩ cách sử dụng bãi bùn này kết hợp với trận địa cọc…
- Thế mà sao không nói sớm ra cho ta nghe… - Quốc Tuấn trách - Thôi bây giờ thì nói đi nào?
- Vâng, - Trí Thắng bắt đầu say mê trình bày - theo thế trận của con thì quân ta sẽ đánh đuổi giặc chạy từ trên thượng lưu xuống. Vì phía bên ngoài bãi bùn ngầm kia nước lại rất sâu, sâu tới hơn bốn trượng nên không thể đóng cọc gỗ xuống đó được. Muốn cho thuyền giặc đi vào bãi bùn thì ta phải lập ra một tòa thành nổi chắn ngang sông ngay chỗ bắt đầu xuất hiện bãi bùn ngầm và chỉ để hở một khoảng bên bờ tả vừa đúng bằng bề rộng của bãi ngầm để bắt các thuyền giặc phải đi gọn vào khu vực đó. Tòa thành nổi sẽ dùng các thuyền lớn và các loại vật liệu có thể nổi được trên mặt nước đem liên kết chặt với nhau bằng các sợi xích sắt to để nếu giặc có chiếm được cũng không thể phá ngay ra được. Toàn bộ tòa thành này phải được neo chắc chắn xuống dưới đáy sông. Phía trên thượng lưu ta sẽ dùng một lực lượng thủy quân mạnh kết hợp với hỏa công để bắt các chiến thuyền của giặc phải di chuyển vào bãi bùn ngầm đúng thời gian con nước lên cao nhất. Chúng ta sẽ lại dùng một lực lượng thủy binh mạnh nữa đánh từ bên hữu sang bắt quân giặc phải đi thành một dải dài ngay trên bãi bùn ngầm. Phía cửa ba chi lưu sông kia chúng ta sẽ bố trí một trận địa cọc ngầm giống như hôm qua Tiết chế đã nói tức là một bãi cọc thấp trước một bãi cọc cao. Một cánh quân thủy nữa chặn ngang khe hở giữa Ghềnh Cốc và bờ bên kia sẽ làm cho cả đoàn chiến thuyền của giặc phải nằm gọn vào bãi cọc và bãi bùn ngầm. Khi thủy triều xuống, các chiến thuyền của giặc sẽ bị cọc đâm vỡ và bị mắc cạn gần hết, quân giặc lúc đó sẽ rất hoảng sợ và nhốn nháo, khi đó quân ta sẽ dùng các chiến thuyền nhỏ xông vào mà đánh. Thủy binh chia ra tiêu diệt các thuyền thoát được chạy ra ngoài còn bộ binh mai phục sẵn trên hai bờ để bắt và giết những tên nhảy khỏi thuyền trốn vào bờ…
Quốc Tuấn chăm chú lắng nghe từng lời mà tên lính trẻ nói ra. Lúc này ông không còn cảm thấy quá bất ngờ về những khả năng của tên lính này nữa. Vấn đề bây giờ chỉ còn là nghe xem ý tưởng của anh ta có hợp lý hay không để mà quyết định nữa thôi. Sau khi nghe Trí Thắng trình bày xong thế trận, Quốc Tuấn nhận thấy quả thực đây là một thế trận hay chỉ cần chỉnh sửa thêm một chút là sẽ hợp lý hơn. Ông lim dim mắt suy tính.
Trong khi đó, Trí Thắng đã kết thúc từ bao giờ nhưng thấy vị tướng già vẫn không nói năng gì thì hỏi:
- Thưa Tiết chế! Tiết chế thấy thế trận của con thế nào ạ?
Quốc Tuấn dường như không nghe thấy những lời Trí Thắng vừa hỏi nên vẫn im lặng. Trí Thắng thấy vị tướng già lim dim đôi mắt thì nghĩ rằng những ý tưởng mà mình vừa nêu ra đã làm cho Quốc Tuấn chán ngán đến buồn ngủ. Anh cảm thấy có một chút buồn bã vì bao nhiêu tâm huyết của mình đã không mang lại sự chú ý của vị Tiết chế. Đang suy nghĩ vẩn vơ, chợt thấy Quốc Tuấn mở trừng hai mắt, Trí Thắng vội vã thanh minh.
- Con không có kinh nghiệm nhiều trong trận mạc nên ý tưởng về thế trận kia có thể là một điều viển vông… xin Tiết chế đừng cười con.
- Không đâu…!
Quốc Tuấn đứng bật dậy bước nhanh tới mỏm đá vừa đứng lúc nãy, Trí Thắng cũng vội đứng dậy đi theo ngay sau lưng. Ra đến mỏm đá, Quốc Tuấn đưa mắt nhìn kỹ lại con sông và tưởng tượng lại những gì mà Trí Thắng vừa cắt đặt trong một thế trận giả tưởng. Ông gật gù rồi quay lại Trí Thắng nói:
- Thế trận của ngươi rất hay đấy chứ! Chỉ cần sửa chữa đôi chút là không còn gì phải bàn thêm nữa.
Nghe nói vậy, Trí Thắng vui vẻ hẳn lên:
- Tiết chế nói sao ạ…?
- Này nhé ta đã nghĩ kỹ rồi… nếu ta lập ra tòa thành nổi mà lại chỉ để hở ra có một bên thì quân giặc sẽ sinh nghi mà quyết không đi vào đó thì sao?
- Vâng… quả là đúng như vậy…
- Thế nên ta sẽ để mở ở cả hai bên… phía bên này ta sẽ cho đội thần tiễn của Nguyễn Địa Lô chỉ huy đứng từ trên đỉnh núi này mà bắn xuống. Như vậy vẫn có thể tiêu diệt được giặc mà lại có một đường để cho thủy quân của ta từ phía thượng lưu thoát xuống tăng cường cho thủy quân bên dưới ép cho các chiến thuyền của giặc phải đi vào bên bờ bên kia…
- Và quan trọng là chúng không nghi ngờ gì…
- Đúng vậy… thật không ngờ là chỉ trong một lát đứng trên đỉnh U Bò này mà ta đã có được ý tưởng trọn vẹn về một thế trận nơi đây… Trí Thắng!
- Dạ!
- Ngươi không thể làm lính tốt hoặc làm trợ lý cho ta nữa… Từ bây giờ ta phong cho ngươi chức tướng quân. Ta sẽ giao cho ngươi một đội quân ba ngàn người, ngươi có nhiệm vụ phải bí mật chế tạo chiến cọc, chế tạo chiến thuyền chuyên dùng cho việc đóng cọc và phải cho quân sĩ luyện tập thật thành thạo việc đóng cọc cho ta… Còn việc chặt cây và ngụy trang lại như cũ, ta sẽ cho toàn quân sĩ ở trại Quảng Yên giúp cho…
- Dạ! Con…
- Còn điều gì thắc mắc không?
- Dạ không… con đội ơn Tiết chế!
- Không phải cám ơn ta đâu…! Tài và trí của ngươi xứng đáng được như vậy.
Mọi việc coi như đã xong, Quốc Tuấn ngẩng đầu lên nhìn mặt trời, đoán chừng cũng đã quá giờ Ngọ, ông quyết định cho mọi người tranh thủ ăn trưa rồi nghỉ ngơi một lát trước khi xuống núi. Đám lính cận vệ vội mang lương khô và nước tới mời chủ tướng và viên tướng trẻ mới được phong dùng bữa.
Lúc lên núi đã khó khăn bao nhiêu thì khi xuống núi lại khó khăn gấp bội. Người lúc này đã thấm mệt lại phải leo theo hướng đi xuống nên khiến người ta cảm thấy như có một sức nặng vô hình đè thêm lên đôi chân. Mỗi khi phải bước một bước dài để vượt qua chướng ngại chắn ngang đường, Quốc Tuấn tưởng như mình muốn khuỵu ngay xuống. Khi lên núi, cây gậy đã giúp ích cho ông nhiều, còn bây giờ nhiều khi nó làm ông thêm vướng víu. Trong một phút bất cẩn, Quốc Tuấn chống đầu gậy vào một viên đá cập kênh khiến cho viên đá bị trượt đi, cả người ông đổ gập về phía trước.
Đám lính cận vệ chỉ kịp nghe Quốc Tuấn kêu ối lên một tiếng thì đã thấy vị tướng già ngã sóng xoài lăn xuống một bên dốc núi, cây gậy đầu bịt sắt văng xa tới mấy trượng. May mắn thay, một cây dây leo đã giữ ông lại nếu không thì ông đã rơi thẳng xuống vực. Mọi người chạy lại đỡ vị tướng già lên, mặt mũi tay chân ông lúc này nhiều chỗ đã bị sây sát rớm máu.
Mọi người vội kéo ông vào rồi đỡ ông ngồi xuống để kiểm tra từng vết sây sát, hầu hết các vết thương đều chỉ bị xước nhẹ lớp da ngoài, chỉ có một vết thương ở chân bên trái là nặng nhất chắc do bị va đập mạnh vào một tảng nào đó đá. Quốc Tuấn gạt mọi người ra để cố đứng dậy nhưng ông nhăn mặt ngồi bệt ngay xuống. Vết thương ở chân đang bắt đầu sưng tấy lên khiến ông không thể đứng dậy được nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com