Chương 8: Trong khu rừng lim
Sau khi khỏi đau chân, Quốc Tuấn xuống núi rồi ghé qua khu rừng lim trước khi về trại Quảng Yên. Ông đã dành ra ba ngày để đích thân lựa chọn và lấy ra ba ngàn thủy binh trong đội thủy quân của Yết Kiêu giao cho Trí Thắng. Những người lính này được lựa chọn kỹ lưỡng trên hai tiêu chí, thứ nhất phải là người có gốc gác ở các phủ Long Hưng và Thiên Trường. Tiêu chí thứ hai phải là những người dũng cảm và tuyệt đối trung thành với quan quân trong cuộc kháng chiến chống lại lũ giặc Hồ hơn hai năm trước. Sở dĩ Quốc Tuấn phải cho chọn lựa kỹ càng như vậy vì ông muốn đảm bảo được yếu tố bí mật, ông lo sợ rằng khi chiến tranh nổ ra, nếu chẳng may mà có một trong số ba ngàn người lính này ra hàng giặc thì thế trận cọc ngầm mà ông mất bao công sức bí mật chuẩn bị sẽ bị bại lộ.
Sau khi đã nhận đủ ba ngàn lính, Trí Thắng lại tự tay đi chọn lựa để lấy ra ba chục chiến thuyền phù hợp nhất cho việc đóng cọc trên sông. Yết Kiêu tuy không được Quốc Tuấn nói rõ lý do phải chia quân cho Trí Thắng, song thông qua những câu chuyện vụn vặt mà anh nghe được giữa vị tướng già với viên tướng trẻ kia thì anh cũng lờ mờ đoán được hai người đang chuẩn bị cho một việc vô cùng hệ trọng. Với bản tính không tò mò và không xen vào việc của người khác nên anh cũng không bao giờ hỏi Quốc Tuấn, đối với riêng anh, một lời nói ra từ miệng của chủ tướng thì sống chết cứ phải theo đúng như thế để mà thực hiện. Không phải Yết Kiêu tin tưởng vào chủ tướng của mình một cách mù quáng mà sau nhiều năm đi theo Quốc Tuấn, Yết Kiêu nhận thấy rằng mọi quyết định mà chủ tướng của mình đưa ra đều đã được cân nhắc và tính toán một cách rất kỹ lưỡng. Thực tế đã xây dựng nên lòng tin tưởng vững như bàn thạch của Yết Kiêu đối với Quốc Tuấn, mọi quyết định đưa ra, anh cứ thế mà thực hiện không phải phân vân gì nữa.
Khi Trí Thắng đến nhận thuyền, Yết Kiêu vui vẻ dẫn viên tướng trẻ ra tận bến rồi chỉ vào các chiến thuyền bảo:
- Tướng quân cứ chọn thỏai mái đi… chiếc nào cũng được hết!
- Vâng… cảm ơn huynh tướng… đệ chỉ cần những chiếc vừa phải không cần to mà càng rộng khoang thì càng tốt…
Yết Kiêu đưa tay lên chỉ:
- Thế thì hãy chọn trong số các thuyền đằng kia kìa…!
- Cám ơn huynh tướng!
- Các thuyền đó có khung, ván rất chắc… chúng mới được làm từ năm kia và hoàn toàn bằng gỗ lim cả đấy!
Yết Kiêu đúng là một vị tướng chuyên cần nên mới biết và nhớ hết cả lai lịch của từng đoàn thuyền như thế! Trí Thắng thầm nghĩ rồi nói:
- Đệ thật không biết nói gì nữa… cám ơn huynh rất nhiều…!
- Việc chung cả thôi mà… hãy làm cho thật tốt những gì được Tiết chế giao…
- Vâng! Đệ sẽ noi gương các huynh… đệ sẽ cố gắng…
Trí Thắng trước đó cũng đã được nghe nói nhiều về sự trung thành của Yết Kiêu và Dã Tượng đối với Quốc Tuấn. Anh không cảm thấy bất ngờ vì lời nhắn nhủ chân tình từ người tướng đàn anh đi trước. Yết Kiêu có vẻ ngập ngừng một lúc rồi mới nói tiếp:
- Tướng quân còn trẻ nên phải nhớ cho một điều này mới được…
- Vâng… có điều gì cần ghi nhớ… xin huynh cứ chỉ bảo cho đệ?
- Tướng quân biết rồi đấy! Ba ngàn quân thủy của tướng quân kia toàn là người vũ dũng… một khi đã lâm trận là họ chỉ có biết đánh đến chết mới thôi… nên trước mỗi trận đánh, tướng quân cần phải tính toán kỹ thiệt hơn… nếu có chắc thắng thì hãy đánh không thì chỉ một trận sẽ thiệt hết quân sĩ.
Yết Kiêu nói chậm rãi, nhiều lúc như ngừng hẳn lại. Trí Thắng lắng nghe kỹ từng lời dặn dò, anh không ngắt lời cho đến khi Yết Kiêu nói xong mới chắp tay vái xá nói:
- Xin đa tạ tướng huynh đã tận tình chỉ bảo… đệ xin ghi nhớ những lời của huynh trong tận đáy lòng…
*
* *
Khu rừng già Quảng Yên hôm đó dường như bị xáo động bởi một cuộc động binh lớn chưa từng có, chỉ trừ ba ngàn lính thủy binh của Yết Kiêu mới được chia sang cho Trí Thắng được giao ở lại để trông coi đại trại, còn lại tất cả các quân đô khác đều được lệnh hành quân gấp đến khu rừng lim bên bờ tả con sông Bạch Đằng. Quốc Tuấn đích thân đi cùng với binh sĩ một phần ông sợ các tướng của mình chủ quan, không cẩn thận và có thể sẽ để lại dấu vết của việc chặt hạ cây nhưng thực chất và quan trọng hơn đó là ông đi để mọi người không nghi ngờ gì việc để Trí Thắng ở lại.
Mọi người ra đi vẫn tin rằng Trí Thắng với ba ngàn lính ở lại chỉ để coi giữ trại Quảng Yên. Nhưng thực tế, họ phải ở lại để bí mật luyện tập công việc đóng cọc sao cho thật thành thạo. Quốc Tuấn hẹn cho Trí Thắng phải luyện quân sĩ thành thạo trong vòng một tháng. Cùng trong thời gian đó ông sẽ phụ trách việc đốn chặt cây và ngay khi ông dẫn quân quay trở về thì Trí Thắng lại phải cho quân đến đó để chế tạo chiến cọc. Như vậy chỉ có ông, Trí Thắng và ba ngàn quân sĩ kia biết đến việc sẽ có một trận địa cọc ngầm.
Hôm trước đến khu rừng lim, Quốc Tuấn với Trí Thắng đã cùng nhau tính toán và thống nhất là để có thể bố trí trận địa cọc ngầm trên cả ba chi lưu sông sẽ phải sử dụng đến khoảng sáu ngàn cọc gỗ và như vậy với chiều cao các cây gỗ lim ở đây mỗi cây cũng chỉ chế tạo được hai chiến cọc, cây nào cao lắm cũng chỉ đủ ba cọc nên số cây sẽ phải chặt hạ khoảng chừng ba ngàn cây.
Ngay khi đến nơi, Quốc Tuấn ra lệnh cho quân sĩ các quân đô lập trại, dựng lán ăn ở rồi gọi các quân, đô tướng vào rừng để hướng dẫn cách chặt cây. Khi các tướng đã tập trung đông đủ Quốc Tuấn nói:
- Hiện nay giặc Hồ đã chuẩn bị rất nhiều chiến thuyền lớn để đánh Đại Việt ta. Vậy nên chúng ta cũng sẽ phải đóng thêm nhiều chiến thuyền lớn để đủ sức đánh lại chúng, công việc hiện nay đòi hỏi rất gấp gáp nên ta lưu ý các tướng là phải ra sức ngay cho.
Có tiếng lao xao đồng tình:
- Phải thế chứ…!
Nhưng có người phân vân:
- Giờ mới đóng liệu có kịp không…?
Quốc Tuấn giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng rồi nói tiếp:
- Tuy nhiên việc chúng ta đóng thêm chiến thuyền là một bí mật đối với lũ giặc Hồ. Càng bí mật thì càng có lợi vì lũ giặc kia không biết chúng sẽ càng chủ quan. Vậy nên sau khi chặt cây xong chúng ta phải phi tang hết mọi dấu vết, cành nhánh phải được đốt bỏ, gốc cây phải đánh lên lấp đất lại… mọi người hiểu cả chưa?
- Dạ…! Chúng con rõ cả rồi!
Các tướng dạ ran đồng tình. Quốc Tuấn bắt đầu hướng dẫn mọi người một cách rất tỉ mỉ từ việc chọn những cây có kích thước to nhỏ ra sao, cây cao và thẳng như thế nào, ông hướng dẫn đến cả việc chặt với mật độ chặt dày thưa như thế nào để có cảm giác như rừng chưa hề bị tác động bởi bàn tay con người. Ông còn dặn kỹ cách chặt và buộc dây, định hướng kéo như thế nào để khi cây đổ không bị ảnh hưởng đến các cây bên cạnh, vô tình tạo ra dấu vết không thể xóa được.
Sau khi hướng dẫn xong cho các tướng, Quốc Tuấn còn cẩn thận hỏi lại xem có ai còn thắc mắc gì không để giải thích lại cho rõ để đảm bảo ai cũng phải thông hiểu. Một đô tướng đứng ra hỏi:
- Bẩm Tiết chế! Con muốn hỏi các cây gỗ sau khi chặt hạ sẽ cắt dài ngắn ra sao để chúng con cho chặt luôn cho gọn?
- À…! - Quốc Tuấn ngẫm nghĩ không biết tên đô tướng này hỏi vì tò mò hay vì lo lắng cho công việc? - Dài hay ngắn còn phải phụ thuộc vào độ lớn của chiến thuyền sẽ đóng nên chính ta cũng không thể biết được. Việc đóng thuyền triều đình đã giao riêng cho một nhóm lính thợ khác đảm nhiệm… chúng ta chỉ lo chặt hạ cho tốt rồi kéo nguyên cả cây ra sát bờ sông kia là được rồi.
Khi tất cả mọi người không ai còn thắc mắc gì nữa thì Quốc Tuấn mới phân chia các khu vực chặt hạ cho từng quân một. Yết Kiêu phụ trách khu rừng bên phía bắc, Nguyễn Địa Lô ở bên nam, Dã Tượng do có nhiều voi và ngựa nên được bố trí sâu hơn ở khu rừng phía đông.
Một không khí làm việc hăng hái, tích cực và khẩn trương diễn ra dưới những tán cây cổ thụ trong khu rừng lim. Những người lính khỏe mạnh nhất được giao nhiệm vụ chặt hạ các cây. Mỗi một gốc cây tùy thuộc vào mức độ to nhỏ mà có từ bốn đến tám người thay nhau bổ rìu. Ban đầu đám lính còn mặc quần áo nhưng chỉ được một hồi thì họ cởi bỏ hết áo ra cứ để mình trần trùng trục mà thay nhau quai rìu bổ ngang vào gốc cây. Hướng chặt cũng được tính toán từ đầu để cho khi cây đổ không bị va vào các cây khác không chặt. Khi cây gần đổ, một người cầm một đầu sợi dây thừng to trèo lên rồi buộc vào ngọn cây. Khi đó đám lính phải vừa chặt vừa kéo cho đến khi cây đổ xuống.
Khi cây đã đổ hẳn xuống, một tốp lính khác sẽ tới chặt bỏ đi phần cành và ngọn rồi đục các lỗ buộc dây ở ngay sát gốc. Lúc này công việc được chuyển sang cho đám lính phụ trách việc chuyển cây ra mép sông. Đám lính này dùng sức trâu, ngựa và voi để kéo từng cây ra chỗ tập kết.
Một xưởng thợ rèn với hơn ba chục thợ cũng nhanh chóng được hình thành ngay giữa khu rừng lim. Tuy có hơn ba chục thợ nhưng không lúc nào họ được ngơi tay, hết đúc rìu, họ lại chuyển qua mài rìu cùn cho các quân đô liên tiếp gửi tới.
Việc chặt hạ vô cùng khó khăn vất vả do gỗ lim rất cứng và chắc. Sau ba ngày, Quốc Tuấn đi đếm số cây đã chặt được, ông nhẩm tính với chiều dài cọc cần thiết thì mới được hơn năm trăm cọc. Một tháng ba mươi ngày thì mới được năm ngàn cọc, như vậy với số lượng sáu ngàn cọc dự kiến thì sẽ không đủ chưa kể quân sĩ phải nghỉ trong những ngày mưa to, rồi sức lực quân sĩ sẽ cũng giảm dần đi theo thời gian. Quốc Tuấn lo lắng vội gọi các tướng đến bàn cách đẩy nhanh tiến độ chặt hạ. Các tướng bàn bạc một hồi rồi cùng thống nhất là chỉ có làm thêm vào ban đêm mới có thể hoàn thành được công việc. Vậy là Quốc Tuấn ra lệnh:
- Từ ngày mai, tất cả các quân, đô sẽ chỉ tập trung chặt hạ cây vào ban ngày vì nếu chặt cây vào ban đêm sẽ không đảm bảo an toàn. Sau bữa tối chúng ta sẽ đốt đuốc lên để chặt cành, ngọn và kéo cây về bến.
Các tướng đều đồng tình với quyết định đó, Dã Tượng đứng lên nói:
- Con còn có một đề nghị nữa…?
- Ngươi cứ nói đi?
- Từ ngày mai, tấy cả các quân đô tướng đều phải tham gia vào việc chặt hạ cây cùng với quân sĩ… Chúng ta có tới vài trăm quân đô tướng ở đây không nhẽ một việc chặt cây đơn giản như thế này cứ đứng không để mà chỉ huy?
Quốc Tuấn thấy Dã Tượng nói cũng có lý nhưng ông lại không muốn bắt ép các quân đô tướng phải làm công việc trực tiếp nên xua tay nói:
- Không cần thiết phải như vậy!
Các tướng nghe vậy đồng thanh nói:
- Tướng quân Dã Tượng nói có lý đấy.
- Chúng con tình nguyện làm cùng với binh sĩ.
- Đúng, chỉ có như vậy thì quân sĩ mới chịu dốc sức, dốc lòng mà làm việc.
Biết các tướng đều đã có chủ ý như vậy, Quốc Tuấn không thể từ chối:
- Các tướng đã sẵn lòng như vậy thì ta cũng không thể từ chối được nhưng nên nhớ phải để ý quân sĩ làm việc… không phải vì nhanh vội mà bất cẩn có thể dẫn tới thiệt mạng đó!
Các tướng vâng dạ đồng tình, Quốc Tuấn lại nói:
- Từ ngày mai, ta cũng sẽ sử dụng thanh trấn bắc bảo kiếm này - Quốc Tuấn vừa nói vừa tháo thanh bảo kiếm đang đeo bên mình ra giơ lên cao - để cùng làm việc với các ngươi.
Các tướng xì xào:
- Thanh trấn bắc bảo kiếm đó…
- Phải… thanh kiếm đó chặt vào gỗ cứ như chặt bùn đấy…
*
* *
Sáng hôm sau, quân sĩ các quân đô ngạc nhiên thấy tất cả các tướng đều cởi trần ra mà quai rìu cùng với binh sĩ. Mọi người sau một vài phút ngỡ ngàng thì hiểu ra mọi việc. Quân sĩ không ai bảo ai, tất cả ra sức thi đua cùng với các tướng. Cả một khu rừng rộng lớn vang lên những tiếng chan chát của lưỡi rìu bổ vào thân cây. Đâu đó thi thoảng lại vang lên những tiếng ầm ầm tưởng như long trời lở đất do cây hạ bị đổ xuống.
Quốc Tuấn cũng làm đúng như lời đã hứa trước các tướng hôm trước, ông cùng thanh trấn bắc bảo kiếm đi hết từ đô quân này đến đô quân khác. Đến đâu ông cũng sử dụng thanh kiếm báu để hỗ trợ đám lính chặt hạ cây. Đúng là kiếm báu, lưỡi kiếm chặt vào đâu, gỗ ở đó cứ rời ra từng tảng. Quân lính nhìn vị tướng già chặt cây mà chẳng mất nhiều công sức gì thì cứ trầm trồ thán phục thanh kiếm báu.
Sau mỗi cây được hạ xuống, Quốc Tuấn lại chuyển sang một đô khác. Khi tới một đô thủy quân có Yết Kiêu cũng đang làm việc ở đó, Quốc Tuấn xắn tay giúp đám lính nhanh chóng hạ được một cây xuống. Yết Kiêu đã biết đó là thanh kiếm báu nhưng vẫn không ngờ là nó lại có thể lợi hại đến như vậy. Yết Kiêu tò mò muốn dùng thử thanh bảo kiếm bèn hỏi Quốc Tuấn:
- Bẩm Tiết chế… thanh bảo kiếm quả thực là lợi hại…! Tiết chế cho con dùng thử thanh bảo kiểm một lát có được không ạ?
Quốc Tuấn nhìn viên gia tướng vừa cười vừa nói:
- Sao lại không được? - Nói rồi đưa kiếm cho Yết Kiêu - Ngươi cứ dùng thử xem.
Yết Kiêu đưa hai tay đỡ lấy thanh kiếm báu rồi mang tới chỗ gốc cây lim to chừng một người ôm mà mình đang chặt dở còn một phần ba thân chưa đứt. Anh khẽ hít một hơi thật sâu rồi vung kiếm lên… chỉ nghe tiếng phựt một nhát, thanh kiếm báu đã cắt gọn qua cả một phần ba thân cây còn lại, cây lim lúc đó vẫn chưa được buộc dây dẫn hướng nên cứ từ từ đổ ầm xuống. Mọi người xanh mắt hò hét nhau bỏ chạy toán loạn. May mắn thay, cây gỗ đổ xuống đúng vào chỗ không có người nên không có thiệt hại.
Thì ra Yết Kiêu chưa biết gì về thanh bảo kiếm nên cứ dùng hết sức vào nhát chém. Sức lực của Yết Kiêu thì vẫn ở dạng vô địch trong thiên hạ nên một nhát chém ra đứt một phần ba cây cũng là chuyện bình thường. Mọi người bị một phen hoảng hốt nhưng cũng hết sức thán phục cả sự lợi hại của thanh bảo kiếm cũng như sức lực của Yết Kiêu.
Nhưng ở một chỗ khác thì lại không được may mắn như vậy, đó là ở một đô quân của Nguyễn Địa Lô, khi cây gần đổ, quân lính vừa chặt lựa vừa kéo dây dẫn hướng. Nhưng không ngờ, dây thừng lúc đó đã bị sờn một đoạn mà không ai hay nên khi đang kéo thì dây bị đứt. Cả một cây gỗ lim to bị bật ngửa về phía đối diện rồi đổ ầm xuống, nhiều người bị bất ngờ nên không thể tránh kịp. Ba người bị thương nặng và hai người bị thân cây đè lên chết ngay tại chỗ.
Quốc Tuấn ngay khi nghe tin thì tỏ ra vô cùng đau xót, ông cho người lo chôn cất hai người chết và cứu chữa cho những người bị thương. Sau đó ông lệnh cho quân sĩ phải thận trọng hơn để đảm bảo an toàn, không nên hy sinh tính mạng quân sĩ một cách đáng tiếc như vậy.
Một chút thay đổi, một vài giờ làm thêm vào ban đêm của quân sĩ cộng với sự tham gia nhiệt tình của các quân, đô tướng đã có hiệu quả thực sự. Chỉ sau hơn hai mươi hôm, các cây lim được chặt kéo về đã phủ kín một bên bờ sông. Quốc Tuấn cho kiểm tra sổ sách rồi thầm tính toán ra thấy đã đủ được sáu ngàn cọc thì hạ lệnh cho ngừng việc chặt hạ. Toàn quân chuyển sang việc thu dọn và xóa sạch mọi dấu vết.
Các phần thân và cành cây không dùng được, Quốc Tuấn bắt binh lính phải đem tập trung ra những chỗ sát bờ sông để mà đốt cho bằng hết. Các gốc cây cũng được đào sâu tận gốc và tróc hẳn lên rồi đem đất cát từ nơi khác đến lấp chặt, phủ kín lá khô lên trên. Gốc cây cũng được gom lại rồi đem đốt bỏ bằng hết, tro than cũng được dọn dẹp sạch sẽ để không lưu lại một dấu vết gì.
Gần một tháng trời, Quốc Tuấn cùng ăn ở, lăn lộn với quân sĩ ở trong khu rừng lim thì công việc mới cơ bản hoàn thành. Ông vui mừng lệnh cho toàn binh sĩ được nghỉ một ngày sau đó phải khẩn trương quay về trại Quảng Yên. Quốc Tuấn không nghỉ, ông cùng đám lính cận vệ lên ngựa về trước.
*
* *
Trong thời gian Quốc Tuấn chặt cây thì ở trại Quảng Yên, Trí Thắng lúc này đã trở thành một vị tướng trẻ, anh hăng say bắt tay ngay vào công việc mới được giao, đầu tiên anh cho quân sĩ của mình ngày đêm ra sức luyện tập việc đóng cọc cho thật thành thạo. Anh cho quân sĩ luyện tập trong mọi điều kiện thời tiết như lúc tạnh và lúc mưa, luyện tập trong mọi khoảng thời gian như ban ngày và ban đêm. Trừ khi con nước đang ở gần mức đỉnh là không thể đóng được, anh cho luyện tập đóng cọc cả khi nước đang rút cũng như khi nước đang lên.
Ngoài công tác huấn luyện ra, Trí Thắng lại cùng các đô tướng của mình sớm tối bàn bạc để cải tiến phương pháp đóng cọc sao cho có thể đóng được nhanh hơn và cọc đóng phải sâu hơn, chắc hơn xuống dưới lớp bùn đáy sông. Nhờ vận dụng trí tuệ của cả một tập thể nên các phương pháp cải tiến nhanh chóng được hoàn thiện.
Để đóng cọc được nhanh hơn thì việc cải tiến trước tiên là về giá treo cọc, giá treo ban đầu được đặt nằm ngang trên sàn thuyền để việc đưa cọc lên giá được dễ dàng. Sau khi cọc đã kéo lên nằm gọn gàng trên giá rồi thì cả giá và cọc sẽ được nâng lên đến độ xiên yêu cầu bằng một hệ thống ròng rọc kéo nâng và chống đỡ. Giá treo lại có hai loại, một loại giá đơn to hơn dùng để treo và hạ một cây cọc gỗ cỡ lớn. Loại giá thứ hai là giá kép tức là một giá nhưng có hai máng hạ cọc ở hai bên mạn thuyền dùng để hạ hai cây cọc gỗ cỡ nhỏ hơn.
Quan trọng hơn đó là việc phải cải tiến để làm sao cọc đóng được sâu và chắc hơn để không bị lún xuống khi bị thuyền giặc đè lên ở bên trên. Mọi người cùng nhau nghĩ mãi cuối cùng cũng tìm ra được một cách. Họ dùng da trâu bện thành những sợi dây chão lớn rồi đem phơi khô sau đó buộc một đầu dây vào một bên giá treo cọc. Khi cây cọc được kéo lên trên giá, họ quàng đầu dây da còn lại qua một vết hõm trên đầu cọc rồi kéo thật căng sợi dây da trâu, sau đó lại buộc chặt vào bên kia thành giá. Cây cọc gỗ lúc này trông như một mũi tên khổng lồ được đặt trên cây nỏ chính là chiếc giá gỗ. Khi dây neo được chặt đứt, cây gỗ dưới sức nặng bản thân cộng với lực kéo của sợi dây da trâu thì bắn vèo xuống sông. Cây cọc gỗ cắm rất sâu và chắc hơn nhiều so với khi không có sợi dây da trâu kia.
Sau mỗi một sự cải tiến, Trí Thắng lại cho quân sĩ của mình áp dụng ngay vào luyện tập thực tế. Những cải tiến kia luôn mang lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của anh và quân sĩ. Chỉ sau gần một tháng thì quân sĩ của anh đã có thể đóng được cọc trong mọi điều kiện thời tiết và thủy triều thậm chí có thể đóng cả trong đêm tối chỉ với ánh sáng le lói hắt ra từ những ngọn đuốc nhỏ chập chờn.
Trí Thắng mừng lắm, anh luôn mong ngóng chờ đến ngày vị tướng già trở về để có thể báo cáo lên những kết quả của những cải tiến và những tiến bộ trong luyện tập của quân sĩ mình cho ông biết.
*
* *
Quốc Tuấn cũng đang háo hức vì một phần muốn biết kết quả luyện tập đóng cọc của quân sĩ một phần muốn biết Trí Thắng đã làm thế nào trong một tháng qua trên cương vị của một tướng quân, vậy nên ngay khi về đến đại trại Quảng Yên, ông không kịp nghỉ ngơi mà vội đến ngay thủy trường. Nhìn thấy quân sĩ của Trí Thắng vẫn đang hăng say luyện tập dưới tiết trời giá rét đầu đông ông cảm thấy vui vui trong lòng. Quan sát một lúc, ông chợt phát hiện ra Trí Thắng đã có một vài cải tiến trong cách thức hạ cọc. Ông tỏ ra ngạc nhiên vì không ngờ những điều mà ông phân vân nhưng chưa muốn nói ra đã được viên tướng trẻ kia hoàn thiện một cách nhanh chóng đến như vậy.
Trí Thắng nghe tin Quốc Tuấn đã về và đang có mặt ở thủy trường thì hớt hải chạy đến, từ đằng xa anh đã nhìn thấy nét hài lòng hiện ra trên khuôn mặt của vị tướng già. Anh khẽ đến gần rồi mới lên tiếng:
- Bẩm Tiết chế…! Tiết chế mới về ạ?
- Trí Thắng đấy à? - Quốc Tuấn vui mừng khi gặp lại viên tướng trẻ - Ta vừa về tới là vội đến đây ngay.
- Bẩm Tiết chế! Nếu Tiết chế không mệt và có thời gian con xin được báo cáo kết quả luyện tập và cải tiến phương pháp hạ cọc!
- Lúc này… - Quốc Tuấn mỉm cười nhìn Trí Thắng, ông nhận thấy rõ vẻ háo hức muốn được trình bày ngay những kết quả luyện tập và những cải tiến phương pháp hạ cọc trong thời gian qua của viên tướng trẻ - … ta còn việc gì bận hơn việc xem xét tình hình quân sĩ của ngươi luyện tập?
Trí Thắng bắt đầu say sưa kể lại mọi việc trong hai tháng qua, Quốc Tuấn nghe xong cứ luôn miệng tấm tắc khen mãi không ngớt. Trí Thắng hỏi:
- Tiết chế có muốn xem quân sĩ biểu diễn không ạ?
- Không cần… ban nãy ta cũng đã xem qua rồi, vả lại ta tin tưởng hoàn toàn vào ngươi. Ngay bây giờ ngươi cho quân lính thu dọn toàn bộ thủy trường đi… ngày kia quân sĩ sẽ kéo về đấy.
- Dạ…! - Trí Thắng khẽ dạ rồi hỏi - Vậy hôm nào con có thể lên đường?
- Ngày kia quân các đô về thì ngay trong đêm đó ngươi phải cho quân sĩ đi ngay. Ta đã dặn Yết Kiêu để lại cho ngươi số lán, bếp đủ cho ba ngàn người dùng, ngươi đến đó không phải lo việc dựng lán ở nữa.
- Vậy thì tốt quá rồi…! Nhưng… con còn một điều vẫn phân vân?
- Gì vậy? - Quốc Tuấn thấy Trí Thắng có vẻ ngập ngừng - Gấp gáp quá à?
- Dạ không..! Con vẫn còn chưa biết được độ sâu ngập nước của chiến thuyền giặc nên chưa biết sẽ cắt cọc dài ngắn ra sao?
Quốc Tuấn gật gù nói:
- Kể ra mà biết được như thế thì thật là hoàn hảo… nhưng chả có được sự hoàn hảo mấy khi. Bây giờ chúng ta cũng không còn nhiều thời gian nữa nên ngươi cứ cho cắt dài hơn dự kiến độ hai ba tấc rồi đẽo nhọn trước một đầu, còn đầu kia hãy đợi đến khi biết được độ sâu ngập nước thì cắt sửa lại vậy!
- Vâng… đành phải như thế.
- Có một việc chắc ngươi cũng biết rồi nhưng ta vẫn muốn nhắc nhở để ngươi quan tâm lưu ý hơn…
- Xin Tiết chế cứ dạy!
- Từ giờ trở đi quân sĩ của ngươi không được tiếp xúc với bất kỳ một người dân nào cả… ta muốn giữ bí mật ở mức tối đa có thể.
- Vâng… con cũng hiểu điều đó.
- Thôi ngươi cho quân sĩ đi nghỉ đi! Ta phải về để viết mấy bức thư lệnh.
- Vâng…!
*
* *
Khi Trí Thắng đưa thủy quân của mình tới được rừng lim thì vừa lúc trời gần hửng sáng. Một bãi gỗ xếp ngổn ngang chiếm hẳn một đoạn dài bên bờ sông Bạch Đằng hiện ra trước mắt khiến anh không thể không cảm thấy ngộp thở mất một lúc. Anh bước lên bờ ngắm nhìn khu rừng lim rậm rạp ngày nào giờ đã được hạ tỉa trông thoáng hẳn đi.
Không kịp nghỉ ngơi, Trí Thắng cho gọi các đô tướng tới để giao việc, khi mọi người đã tề tựu đông đủ xung quanh một gốc lim cổ thụ, anh đứng lên nói:
- Anh em đã biết hết rồi đấy! Chúng ta được Tiết chế giao cho một việc vô cùng quan trọng đòi hỏi phải hết sức bí mật. Đó là chúng ta phải chuẩn bị cho một trận địa cọc ngầm. Vậy nên trước mắt chúng ta có nhiệm vụ phải cắt các cây gỗ lim kia thành sáu ngàn đoạn cọc sau đó thu dọn sạch sẽ công trường rồi đem các cọc gỗ đóng thành các bè để đem đi cất giấu…
Các tướng nhìn lên đống cây trên bờ mà lắc đầu lè lưỡi, mỗi người một câu bàn tán xôn xao:
- Nhiều cây quá!
- Toàn là gỗ lim cả đấy!
- Sao Tiết chế không cho cắt luôn ra nhỉ?
Trí Thắng lại phải giải thích cho chúng hiểu:
- Sở dĩ Tiết chế không cho các quân đô kia tham gia vào việc chế tạo chiến cọc cũng chỉ vì muốn đảm bảo bí mật… Các quân kia đã chặt được cây và kéo về đây thì chúng ta cũng phải làm được chứ… không lẽ anh em là những người được đích thân Tiết chế tin tưởng lựa chọn vào đội quân đặc biệt này lại có thể chưa làm mà đã nản chí?
Bị chủ tướng nói khích, các đô tướng phản đối:
- Chúng tôi đâu có nản?
- Chỉ là bàn tán với nhau vậy thôi… còn việc giao thì cứ làm chứ sao?
- Nước sông công lính! - Một tên tặc lưỡi - Sớm muộn gì rồi cũng sẽ xong cả thôi mà!
Trí Thắng nghe chúng nói vậy vội nhắc nhở:
- Anh em nghĩ được như vậy là tốt rồi nhưng xin hãy nhớ cho một điều là không phải chúng ta muốn làm đến khi nào thì làm đâu nhé…
- Vậy thì mấy tháng phải xong?
- Chúng ta chỉ có… hai mươi ngày để hoàn thành mọi việc thôi.
Đám đô tướng ngạc nhiên không tin, thi nhau hỏi lại:
- Hai mươi ngày…?
- Sao gấp gáp vậy…?
- Đúng là hai mươi ngày… - Trí Thắng nhắc lại - Tình hình biên ải đang rất căng thẳng, Tiết chế cho rằng lũ giặc Hồ kia có thể sẽ tấn công Đại Việt ta vào đầu mùa đông. Nếu đúng như Tiết chế dự đoán thì chúng ta chỉ còn có hơn một tháng nữa để chuẩn bị tất cả mọi việc, vậy nên chúng ta phải rất khẩn trương mới được.
Đám đô tướng nghe Trí Thắng giải thích như vậy cũng biết là sự việc lúc này đòi hỏi phải gấp gáp như vậy nhưng chúng nghĩ tới việc chế tạo ra sáu ngàn chiếc cọc trong hai chục ngày thì khó mà hoàn thành được. Lý Văn Nhạ, viên đô tướng trẻ bằng tuổi với Trí Thắng, người được Quốc Tuấn thăng lên chức đô tướng ngay sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi đóng cọc ở trại Quảng Yên đứng ra nói:
- Chúng tôi quả thực không dám bàn lùi nhưng rõ ràng là với ba ngàn người phải hoàn thành sáu ngàn cọc sau đó lại còn phải đóng thành bè rồi dọn dẹp sạch sẽ nữa mà lại chỉ có hai mươi ngày thì không thể nào xong được. Xin tướng quân nghĩ cách cho?
Mấy viên đô tướng khác cũng tỏ vẻ đồng tình:
- Đúng như vậy, xin tướng quân xem xét lại!
- Tướng quân cứ xin Tiết chế cho lùi thời hạn lại xem sao?
- Nếu không tướng quân phải xin thêm người…
Lý Văn Nhạ lẩm nhẩm tính toán một hồi rồi lại nói:
- Tướng quân thử nghĩ mà xem… Tiết chế có hơn hai vạn người trong tay lại có cả voi và trâu lẫn ngựa hỗ trợ vào nữa mà mất tới gần một tháng mới chặt hạ xong ba ngàn cây kia. Tính ra hơn hai vạn người nhưng chỉ có sáu ngàn vết cắt chém. Chúng ta đây chỉ có ba ngàn người nhưng cũng vẫn phải thực hiện sáu ngàn mối cắt chém thì sao mà làm nổi?
Thấy các đô tướng đều kêu lên như vậy, Trí Thắng nhìn qua đống cây trên bờ rồi nhẩm tính. Đúng là ba ngàn lính phải làm sáu ngàn cọc, như vậy bình quân mỗi một người ở đây phải làm được hai cọc trong hai mươi ngày. Với từng đó thời gian thì chỉ nguyên việc cắt và đẽo nhọn một đầu đã khó mà hoàn thành được… đằng này lại còn phải vần chuyển từng cây ra rồi mới cắt đẽo… đúng là khó thật… Trí Thắng sau một hồi ngẫm nghĩ bèn nói:
- Đúng là cũng khó khăn thật..! Nhưng quân lệnh như sơn! Xin lùi thời gian là điều không thể… xin thêm người thì chắc cũng khó vì Tiết chế đã tính toán kỹ và biên chế cho chúng ta đủ ba ngàn người rồi... Vậy để ta viết thư cho người mang về xin Tiết chế cho đội tượng binh của tướng quân Dã Tượng đến đây hỗ trợ vậy các ngươi nghĩ sao?
- Vâng, - Các đô tướng phấn khởi hẳn lên, Lý Văn Nhạ nói - ít nhất có đội tượng binh hỗ trợ vào việc chuyển xếp thì may ra chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ.
- Nhưng các tướng lưu ý cho - Trí Thắng nhấn mạnh - chúng ta đừng vì có đội tượng binh giúp sức mà ỷ lại… chúng ta vẫn phải cố hết sức mình… vì việc này rất quan trọng.
- Chúng tôi hiểu rồi…!
- Tốt! Bây giờ anh em lưu ý nhé! - Trí Thắng vỗ tay ra hiệu cho mọi người tập trung rồi nói tiếp - Anh em nhớ cho… chúng ta sẽ phải làm một ngàn cọc to dài đủ ba trượng và năm ngàn cọc ngắn hơn dài hai trượng năm thước. Chúng ta không đợi voi đến rồi mới làm mà phải bắt tay ngay vào việc từ chiều nay… Số lượng cọc dài ngắn của từng đô sẽ do Lý Văn Nhạ giao xuống… Các anh em có thắc mắc gì nữa không?
Chờ một lát thấy không ai có thêm ý kiến gì, Trí Thắng nói:
- Nếu vậy thì anh em hãy quay về đô để truyền đạt lại mệnh lệnh cho các quân sĩ và chuẩn bị dụng cụ, đồ nghề đi… đúng đầu giờ Mùi tất cả có mặt ở bãi cây bờ sông.
Khi các đô tướng đã tản đi hết, Trí Thắng viết ngay một bức thư gửi cho Trần Quốc Tuấn để trình bày những khó khăn và xin cho đội tượng binh của Dã Tượng xuống rừng lim hỗ trợ cho việc chuyển cây, xếp cọc. Sau khi viết thư xong, anh cẩn thận làm dấu niêm phong rồi cho người chuyển gấp về trại Quảng Yên.
Quốc Tuấn nhận được thư, sau khi đọc xong ông vỗ trán lẩm bẩm:
- Mình thật đãng trí quá…! Đúng là không có mấy thớt voi hỗ trợ thì hắn chỉ có nước khóc thôi!
Quốc Tuấn đồng tình ngay với lời đề nghị của Trí Thắng một phần vì sự cấp thiết phải giúp cho viên tướng trẻ và một phần vì ông cũng tin tưởng tuyệt đối vào sự trung thành của đám lính tượng binh. Chiều hôm sau thì đội tượng binh đã quay trở lại khu rừng lim. Quân sĩ Trí Thắng vui vẻ hẳn lên, những việc nặng nhọc lúc này được giao hết cho đám tượng binh đảm nhiệm.
Những con voi dưới sự dẫn dắt của các quản tượng nhanh chóng kéo các cây gỗ to nặng ra ngoài. Đám lính của Trí Thắng chỉ việc dùng cưa cắt đôi các cây gỗ đó ra rồi dùng rìu đẽo vát nhọn một đầu. Các cọc đẽo xong lại được các chú voi kéo ra bãi để phơi cho khô thêm trước khi đóng thành bè.
Cũng như vị tướng già bữa trước, Trí Thắng cũng phải cho quân sĩ của mình đốt đuốc lên làm thêm vào các buổi tối để có thể hoàn thành công việc đúng theo thời hạn. Anh còn có sáng kiến chuyển các bếp đến sát cạnh ngay khu công xưởng để những người lính thay nhau ai làm thì cứ làm, ai nghỉ giải lao thì phải tranh thủ nấu ăn. Khi đã hoàn thành đủ sáu ngàn cọc theo dự kiến ban đầu thì vẫn dôi ra gần một trăm cây gỗ. Trí Thắng lại động viên quân sĩ tiếp tục làm cho bằng hết để có được thêm hơn ba trăm chiếc cọc nữa.
Bây giờ chỉ còn mỗi việc thu dọn sạch sẽ, xóa sạch mọi dấu vết của công xưởng và chờ cho các cọc khô bớt đi để đóng thành bè. Do các cọc gỗ còn tươi nên để không bị chìm đồng thời muốn ngụy trang cho các bè cọc, Trí Thắng lại cho quân sĩ vào rừng tìm chặt các loại cây tre, nứa, bương, vầu, song, mây… mang về. Khi các cọc gỗ đã hơi khô thì được các chú voi kéo chuyển xuống sông. Quân sĩ xúm lại, dùng các sợi song mây kết thành từng mảng rồi đem xếp kín các bó tre, nứa, bương, vầu lên trên, sau đó lại gông buộc thật chắc chắn với nhau để tạo thành bè có thể nổi trên mặt nước.
Mọi việc xong xuôi, anh vui mừng gửi trả đám tượng binh về cho vị tướng già kèm theo một bức thư báo cáo đã hoàn thành tất cả công việc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com