Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 9: Vũ Trí Thắng (2)

Trí Thắng vừa nhận được thư trả lời của vị tướng già. Trong thư, ông đã khen anh hết lời vì những cố gắng trong thời gian vừa qua để hoàn thành những công việc mới mẻ và khó khăn do ông giao phó. Anh cảm thấy rất xúc động khi vị tướng già còn căn dặn anh là phải nhớ giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho một nhiệm vụ khó khăn gian khổ hơn đó là chiến đấu với lũ giặc cướp nước.

Trước đây Trí Thắng đã được nghe nói nhiều về sự quan tâm của vị tướng già đối với quân sĩ nhưng anh vẫn còn bán tín bán nghi. Giờ đây khi đã được tiếp xúc thường xuyên và trực tiếp với ông, Trí Thắng mới thấy đó là những lời nói hoàn toàn xác đáng. Ban đầu, anh vẫn ngộ nhận cứ tưởng rằng vị Tiết chế kia chỉ dành sự quan tâm đặc biệt đối với một mình anh vì anh đang có một chút hiểu biết về con nước và thế trận trên sông Bạch Đằng này. Song về sau anh để ý và biết rằng mình đã bị nhầm hoàn toàn, Tiết chế đối với ai trong quân sĩ cũng ân cần và chu đáo như vậy. Mỗi khi nhớ lại chuyện đó, Trí Thắng luôn cảm thấy xấu hổ về những ý nghĩ sai lầm ban đầu của mình.

Ngoài bức thư ra, Quốc Tuấn còn gửi cho anh một bản hịch tướng sĩ và dặn kỹ rằng quân tướng có người mới, người cũ nên cần phải đọc cho tất cả cùng nghe lại. Đồng thời cũng là để động viên, khích lệ tướng sĩ khi đã có tin giặc Hồ đã thực sự xâm phạm vào biên ải. Quốc Tuấn muốn truyền lửa cho quân sĩ trước những trận đối đầu lần thứ ba với lũ giặc phương Bắc kia.

Trí Thắng bỏ bức thư xuống, anh đưa tay cầm bản hịch lên với ánh mắt đầy xúc động, anh lẩm bẩm:

-        Bản hịch nổi tiếng của vị tướng già đây sao…?

Dẫu đã thuộc hết nội dung bản hịch ngay từ hồi còn ở nhà vì những người lính trở về làng suốt ngày đọc cho mọi người nghe cho đến khi thuộc lòng, Trí Thắng vẫn muốn đọc lại nguyên bản của bản hịch do chính tay của vị Quốc công Tiết chế đáng kính kia biên soạn, anh khẽ lẩm nhẩm đọc trước hết một lượt… Anh đọc chậm như thể muốn nuốt hết từng lời vị tướng già tâm sự.

Trí Thắng đọc xong hạ bản hịch xuống, những lời hịch vẫn như sấm truyền bên tai nghe như vừa có ý trách móc nhưng lại vừa động viên thúc giục lòng người. Anh đến giờ cũng có thể gọi là thuộc dòng võ tướng nên những tích truyện về những nhân vật trung nghĩa như Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng… kia anh đều có nghe và biết đến. Vị tướng già quả đúng là một người đọc rộng, hiểu sâu, văn võ song toàn!

Bản hịch này tuy đã viết ra gửi cho quân sĩ từ trước khi lũ giặc Hồ vào cướp nước ta tức là vào năm Giáp Thân (1284) đến nay đã được hơn bốn năm và đã qua một cuộc chiến tranh song những lời tâm huyết của vị Quốc công Tiết chế vẫn còn nóng hổi tính thời sự bởi kẻ thù không đợi trời chung kia vẫn là lũ giặc Mông Thát. Tuy quan quân nhà Trần đã hai lần đánh đuổi được lũ giặc kia về nước, song nếu mọi người cứ mải mê ngủ quên trên chiến thắng mà không lo phòng bị, không ra sức luyện tập, trong khi lũ giặc kia lại quyết chí phục thù thì liệu quan quân nhà Trần sẽ có được trận thắng thứ ba nữa hay không? Vị tướng già muốn cho quân sĩ của mình được nghe lại bản hịch trước lúc lâm trận cũng là điều dễ hiểu.

Nghĩ đến đó, Trí Thắng đứng dậy cho người đi gọi Lý Văn Nhạ tới để thông báo cho quân sĩ biết kế hoạch tập trung để nghe đọc lại bản hịch tướng sĩ của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Khi tên lính cận vệ chạy đi, Trí Thắng quay lại ngồi xuống ghế, anh lại nhớ đến hình ảnh người ông nội của mình.

Đúng như ông nội Trí Thắng đã kỳ vọng, chỉ sau bốn tháng tòng quân, Trí Thắng đã nhanh chóng trở thành một viên tướng trẻ. Đến giờ phút này ngồi nghĩ lại những gì ông nội đã từng nói với mình Trí Thắng càng thấy khâm phục tài nhìn xa trông rộng và những kiến thức uyên bác của ông nội mình. Anh không ngờ ông nội tưởng như một người hoàn toàn bàng quan trước thời cuộc hóa ra vẫn ngấm ngầm theo dõi và đưa ra được những phân tích và nhận xét thấu lý. Những nhận định của ông về việc giặc Hồ sẽ tái chiến lần thứ ba đã trở thành hiện thực. Những kiến thức về một thế trận cọc ngầm hiện nay cũng đang được Tiết chế hết sức quan tâm. Có thể nói rằng hầu như trong tất cả mọi cuộc nói chuyện giữa anh với vị Tiết chế già kia thì dù ban đầu có là chuyện gì đi nữa thì cuối cùng cũng vẫn quay lại chủ đề chiến cọc. Anh cũng đã được chính vị Quốc công Tiết chế đáng kính kia phong cho chức tướng quân, một vị tướng quân có thể nói là trẻ nhất trong quân đội nhà Trần. Chỉ còn nhận định về một trận đại thủy chiến trên sông của ông là phải chờ thời gian mới có thể kết luận được đúng sai. Nhưng đến giờ phút này thì Trí Thắng tin tưởng rằng điều đó sớm muộn gì thì cũng sẽ trở thành sự thật và anh mong ngày đó đến sớm.

Mọi đường đi nước bước mà ông nội vạch sẵn ra cho anh không những đã giúp anh nhanh chóng trở thành một vị tướng mà hơn nữa còn mang đến cho anh một tình yêu có thể nói là tuyệt đẹp với một người con gái xinh xắn dễ thương, con bà bán nước ngay bên bến thuyền dốc chợ kia. Mọi kỷ niệm lại chợt ùa về khiến anh bồi hồi nhớ lại…

Sau buổi lễ an táng cá Ông, Trí Thắng không về nhà nữa mà ở lại luôn đó. Ngày hôm sau, anh chèo thuyền ra chỗ người ngư dân đã chỉ nơi cá Ông mắc cạn rồi ngụp lặn xuống để xem xét, anh nhận thấy nơi đó chính là một bãi lầy ven sông do bùn cát phù xa tích tụ lắng đọng lại làm cho đáy sông ở đó nhô cao hẳn lên. Vậy là trong suốt mấy tháng ròng mặc mưa nắng, gió sương, Trí Thắng ngày đêm một mình một thuyền lênh đênh trên mặt sông Bạch Đằng để đo vẽ tỉ mỉ bãi bùn ngầm ven sông. Bên cạnh việc xác định kích thước, vị trí và độ nông sâu của bãi bùn ngầm ven sông, anh lại còn cắm một cây sào tre có chia đánh dấu các vạch để tiện theo dõi quy luật lên xuống của con nước thủy triều. Mỗi lúc nước lên hay xuống, anh còn cho thả thuyền trôi tự do để tính toán tốc độ của dòng chảy. Mỗi khi nước triều xuống thấp, anh lại lặn ngụp để đo đạc độ nông sâu của từng quãng sông. Anh còn dùng cọc nhỏ đầu bịt sắt nhọn đâm sâu lút xuống tận đáy sông để xác định xem bên dưới đó là bùn hay đá. Tất cả những số liệu đo đạc theo từng ngày từng giờ được Trí Thắng ghi chép lại một cách chi tiết, tỉ mỉ trong một cuốn sách nhỏ.

Đêm về, một mình lênh đênh trên thuyền, anh vắt tay lên trán suy nghĩ về một thế trận cọc ngầm. Trí Thắng đã nghĩ ra đủ các cách thức để hạ cọc, cách nào anh cũng cân nhắc kỹ lưỡng về tính khả thi, về thời gian có thể đóng xong một cây cọc. Cuối cùng anh cũng nghĩ ra được một cách mà anh cho là hoàn hảo nhất và chờ cơ hội đem ra áp dụng. Anh vẫn thường tưởng tượng ra cảnh từng đoàn thuyền lớn với những giá treo cọc cao vút trên bầu trời, trên sàn thuyền có những người lính đang chạy đi chạy lại mỗi người một việc để hạ được cây cọc xuống lớp bùn đáy sông theo phương pháp mà mình nghĩ ra.

Biết công việc không hề đơn giản, không thể xong ngay trong một sớm một chiều mà phải mất đến vài tháng, Trí Thắng nghĩ cách lâu dài. Nghĩ cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, mình lại là thanh niên đã không giúp gì được cho gia đình nên anh không muốn về nhà xin tiền bố mẹ. Để có thể sống được qua ngày, anh bắt đầu phải học hỏi nghề của dân vạn chài và tranh thủ mò cua đánh cá những lúc rỗi rãi. Hôm nào kiếm được ít tôm, ít cá thì anh để lại ăn, hôm nào được nhiều hơn thì mang lên bờ để đổi lấy gạo muối. Nhiều hôm mải việc không kiếm được gì thì đành nhịn đói để mà làm việc. Làm việc và sinh hoạt kham khổ như vậy, nên mới chỉ sau có vài tuần, người anh đã trở nên xanh xao, hốc hác. Dân vạn chài thấy lạ vì họ để ý thấy anh cứ cắm thuyền loanh quanh mãi một chỗ bèn đến hỏi xem anh đang làm gì thì chỉ thấy anh cười mà bảo:

-        Tôi cũng như các bác thôi…! Tôi đang kiếm sống mà…!

Bọn họ nghĩ anh là người điên nên mặc kệ để anh muốn làm gì thì làm. Nhưng có hai người không nghĩ vậy. Đó chính là hai mẹ con bà bán nước trên đầu dốc bến chợ. Bà mẹ năm nay trạc ngoại tứ tuần, còn cô con gái thì khoảng chừng mười bảy mười tám tuổi. Ban đầu Trí Thắng thường hay mang cua, mang cá lên tận chợ bán hoặc đổi lấy gạo. Mỗi lần lên bến anh thường ghé vào quán để uống vài bát nước chè tươi và xin một ít nước ngọt mang về thuyền để dùng dần. Vì không có tiền để trả nên anh thường dành những con cá ngon nhất mà mình bắt được đưa cho bà chủ quán coi như một cuộc trao đổi.

Mấy hôm sau thì bà chủ quán cho Trí Thắng uống nước nhưng nhất quyết không chịu nhận lấy cá. Thì ra thấy anh có vẻ hiền lành tử tế, ăn uống thì bữa có bữa không nên bà động lòng thương muốn giúp đỡ anh. Song Trí Thắng là người có lòng tự trọng, không chịu ăn không, uống không của ai cái gì bao giờ, nên mặc dù rất thèm hương vị bát nước chè tươi nhưng anh nhất quyết không vào quán nữa. Bà mẹ mỗi khi thấy anh đi ngang qua cứ tha thiết gọi vào nghỉ và uống nước nhưng anh lấy cớ cáo bận rồi đi thẳng xuống bến thuyền.

Bà chủ quán mời gọi mãi không được bèn nghĩ ra một cách, nhân lúc anh đi lên chợ đổi cá lấy gạo thì sai cô con gái mang cả một bình chè tươi mới hãm ủ nóng để xuống dưới thuyền của Trí Thắng. Trí Thắng thì hay mải việc mà chẳng để ý gì đến xung quanh. Thường đến khi trời tối mịt anh mới chui lên thuyền tìm chỗ nằm nghĩ ngợi miên man một lúc rồi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng hay. Hôm sau khi thấy anh lại lên chợ, bà mẹ sai con gái xuống thuyền để lấy bình chè tươi lên thay thì thấy bình vẫn còn đầy nguyên như cũ. Bà đâu biết đó là do Trí Thắng không để ý nên không hề biết đến bình chè tươi nên lại cứ tưởng rằng anh biết nhưng không thèm động chạm tới. Bà nói với con gái:

-        Người này quả là lạ lùng!

-        Anh ấy đang làm gì vậy mẹ? - Cô gái ngây thơ hỏi.

-        Mẹ không biết nhưng… chắc chắn là việc gì đó rất quan trọng đối với anh ta.

-        Mẹ… mẹ con mình có nên giúp anh ấy không hả mẹ?

Bà mẹ nhìn cô con gái mỉm cười:

-        Thế theo con thì có nên giúp cậu ta không?

Vẻ bối rối thể hiện trên khuôn mặt cô gái.

-        Con không biết! Con… con đang hỏi mẹ mà?

Bà mẹ đang cười chợt dừng lại cau mày suy nghĩ một lát rồi bảo:

-        Theo mẹ thì cậu ta là người tốt…! Mà người tốt thì ta nên… giúp đỡ.

-        Con cũng thấy… thương anh ấy và muốn giúp anh ấy! Mẹ đồng ý cho con giúp anh ấy nhé?

Bà mẹ thấy rõ vẻ hồ hởi toát ra từ vẻ mặt rạng rỡ của cô con gái. Con gái bà cũng thuộc dạng xinh xắn nổi tiếng khắp vùng gần xa. Cũng đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng con gái bà vẫn chưa thuận bụng ưng ai. Bản thân bà cũng dùng dằng không nỡ ép vì muốn tìm chỗ thật xứng đáng thì mới gả. Nay Trí Thắng đã làm bà thay đổi suy nghĩ hoàn toàn. Nhìn vẻ bên ngoài của Trí Thắng thì rõ ràng anh ta là một người nghèo kiết xác, thậm chí làm không đủ ăn. Nhưng bà lại nhìn theo một cách khác người, đoán biết Trí Thắng đang làm một việc gì đó rất lớn lao. Nhìn vào đôi mắt sâu của chàng trai bà thấy đó không thể là một con người tầm thường. Nay thấy con gái mình có vẻ động lòng quan tâm và thương cảm tới chàng trai ấy bà cũng thấy vui vui trong lòng.

-        Con gái mẹ nay cũng đã lớn rồi…! Con được phép làm những việc gì mà con tự cho là đúng.

Thế là ngay buổi chiều hôm ấy, cô gái tự tay nấu nướng rồi mang cả cơm canh lẫn một bình chè tươi xuống thuyền chèo tới tận nơi Trí Thắng đang làm việc. Khi tới gần, một phần là vì còn e ngại, một phần là vì tò mò muốn biết xem anh ta đang làm cái gì dưới sông nên cô gái chỉ khẽ khua nhẹ mái chèo để không cho anh chàng kia biết. Trí Thắng lúc đó đang lặn lặn, ngụp ngụp để đo độ nông sâu của đoạn sông nên cũng không hề hay biết gì cả. Cô gái cho thuyền vòng sang bên đối diện để không cho Trí Thắng nhìn thấy rồi khẽ nép chiếc thuyền nhỏ của mình vào sát mạn thuyền của Trí Thắng. Cô nhẹ nhàng mang theo đồ ăn thức uống bước qua thuyền của chàng trai. Đầu tiên cô định để lại mọi thứ rồi ra về ngay song trí tò mò lại giữ cô nán lại. Cô ghé mắt ra ngoài theo dõi thấy chàng trai cứ cầm một cây sào bơi dọc rồi lại bơi ngang, thỉnh thoảng lại lấy hơi ngụp xuống mất hút đi một lúc.

-        Đúng là chàng đang làm một việc gì đó có chủ ý!

Nhìn Trí Thắng chăm chú làm việc, cô gái đoán rằng đó phải là một việc gì đó rất quan trọng đối với chàng trai. Chờ lâu quá cô gái bèn bày biện thức ăn ra giữa lòng thuyền rồi sẽ ra về. Song trong khi cô gái đang bày biện gần xong mọi thứ thì nghe có tiếng rẽ nước oàm oạp, thì ra chàng trai đang bơi sải về thuyền. Quá bất ngờ, cô gái không kịp trốn chạy nên đành ngồi thừ ra đấy. Trí Thắng không hề hay biết sự hiện diện của người con gái ở trên thuyền mình nên bám hai tay vào mạn thuyền rồi nhún mình leo lên. Chưa lên được trên thuyền thì anh đã giật thót mình bởi có tiếng con gái hét rú lên. Một bóng con gái quen quen chạy vụt ra ngoài nhảy sang thuyền nhỏ chèo vội đi như bị ma đuổi.

Trí Thắng ngây người ra một lúc vì chưa hiểu chuyện gì. Bỗng chàng giật mình kêu lên một tiếng rồi ngồi thụp xuống thuyền.

-        Chết tôi rồi…! Xấu hổ quá đi mất…!

Thì ra, đương khi tiết trời mùa đông giá rét, Trí Thắng thường ngày lại chỉ làm việc có một mình lại ở chỗ giữa sông vắng người qua lại nên để đỡ công phải thay giặt nhiều lần, mỗi khi lên thuyền lại luôn luôn có ngay quần áo khô ấm để mặc ngay nên anh toàn cởi trần, cởi truồng mỗi khi có việc phải lội xuống sông. Làm như vậy thì rất là tiện vì anh hay phải nhảy lên nhảy xuống, có lúc chỉ nhảy xuống có một lát trong khi áo quần chỉ có hai ba bộ. Hôm đó, vẫn theo thói quen như mọi khi, sau khi hoàn thành công việc, Trí Thắng bơi về đến thuyền mình là vội nhún mình nhảy vọt lên khoang mà không hề biết rằng có một người con gái đang ở trên đó. Cô gái một phần đang lo sợ vì bị bắt quả tang thì lại thấy một người con trai trần truồng xuất hiện ngay trước mặt thì chỉ kịp thét lên một tiếng sợ hãi rồi vội vàng nhắm mắt nhắm mũi nhảy về thuyền mình mà bỏ chạy.

Sau khi nhìn thấy cơm canh bày biện trong khoang thuyền, Trí Thắng ngẫm nghĩ một hồi thì chợt hiểu ra đầu đuôi sự việc. Người con gái có nét mặt quen quen kia chính là con gái bà bán nước bên gốc cây gạo nơi đầu bến chợ. Mỗi khi Trí Thắng vào quán uống nước, anh thấy cô gái thường ngồi trong mà nhìn trộm anh với những ánh nhìn trìu mến. Anh nhiều lúc cũng rất muốn được nói chuyện với cô song một phần nhìn lại gia cảnh của mình một phần vì còn phải chuyên tâm cho công việc nên dẫu muốn nhưng anh cũng không dám bắt chuyện.

Trí Thắng cứ ngồi tần ngần nhìn theo bóng dáng chiếc thuyền nhỏ cho đến khi không còn trông thấy gì nữa. Anh nhìn lại toàn thân mình rồi mỉm cười vì chợt nghĩ tới câu chuyện tình ly kỳ và lãng mạn của cô công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Anh ngây người ngồi ngắm những món cơm, canh mà cô gái đã bày biện sẵn trong sàn thuyền. Cũng chỉ có cơm trắng, canh cua, một bát cà muối và một bình chè tươi mới hãm. Toàn những món ăn dân dã vậy mà sao hôm nay anh nhìn thấy nó ngon và hấp dẫn đến lạ.

Không thể cưỡng lại được, anh ăn uống một cách ngon lành. Quả thực trong đời Trí Thắng chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon đến như vậy.

Thường thì sau khi ăn tối, Trí Thắng hay ngồi suy nghĩ chắp nối những con số đo đạc được trong ngày để ngẫm tìm ra một qui luật. Nhưng hôm nay, sau khi ăn tối xong anh không nghĩ được gì khác ngoài việc nhớ lại hình ảnh về chuyện ngộ nghĩnh vừa xảy ra, thỉnh thoảng lại bật cười một mình. Cả đêm hôm đó, Trí Thắng nằm cứ thao thức suốt mà không tài nào ngủ được. Ngay sáng sớm hôm sau, anh chèo thuyền tới bến rồi bước lên quán nước để cảm ơn hai mẹ con bà bán nước. Chỉ có bà mẹ ở nhà, Trí Thắng nói:

-        Con cảm ơn bác và em… đã cho con bữa cơm tối qua nhưng con xin bác đừng làm thế… con không muốn…

Bà mẹ vội cướp lời anh:

-        Cậu đừng có nghĩ như vậy…! Mẹ con tôi thấy cậu thật thà, lại đang lo lắng cho công việc… - Bà mẹ tế nhị không đả động đến công việc mà anh đang làm - thì muốn giúp cậu một tay cho công việc thêm mau chóng… nếu cậu ngại thì coi như mẹ con chúng tôi cho cậu vay… sau này cậu có lúc nào thì trả lại lúc đó cũng được.

Trí Thắng nghe bà mẹ nói ra như vậy sợ từ chối nữa thì lại phụ đến lòng tốt của mẹ con bà bán nước. Anh tặc lưỡi nghĩ: Sức mình như thế này chả lẽ sau này không lo mà trả được cho bà bán nước mấy bữa ăn hay sao…? Vả lại có người lo cơm nước cho thì mình chỉ còn một lòng với công việc nên chắc sẽ nhanh xong hơn… Nghĩ vậy Trí Thắng nói:

-        Vậy thì… coi như bác cho con vay tạm… sau này con xin hứa trả đủ cả gốc và lãi cho bác.   

-        Cậu nói gì vậy…? - Bà mẹ tỏ ra không vui - Ai lại đi lấy lãi của cậu bao giờ như thế…?

-        Con xin lỗi - Trí Thắng thấy bà mẹ ra vẻ giận vội quay ra xin lỗi - Vậy thì con chỉ còn biết cám ơn bác và em đây...

Sau một hồi xin lỗi bà mẹ, Trí Thắng hỏi:

-        Thưa bác! Không biết em có nhà không để con có lời cảm ơn…?

-        Nó vừa ở đây xong - Bà mẹ nhìn ra ngoài - chắc lại chạy quanh đâu đó ra ngoài thôi mà!

Bà mẹ không hề được biết đến câu chuyện hôm qua nên nói chuyện rất thoải mái. Hôm đó Trí Thắng mới có dịp mở lòng để mà kể hết gia cảnh của mình cho bà bán nước biết. Riêng chuyện mình đang làm gì thì chàng cố lờ đi không nói đến. Bà mẹ cô gái tinh ý nên cũng không đả động hỏi han gì về công việc. Ngồi chuyện trò một lúc lâu với bà mẹ mà vẫn không thấy cô gái về nhà. Trí Thắng đoán chắc là cô gái vẫn còn xấu hổ vì chuyện chiều hôm qua nên trốn đi đâu đó mà không dám về. Anh bèn cảm ơn lần nữa rồi xin phép bà bán nước để về thuyền.

Chiều hôm đó Trí Thắng chẳng làm được gì cả, anh cứ nằm dài trong thuyền mà mong đến tối vì biết thế nào cô gái cũng lại sẽ tới. Và cô tới thật, mãi chiều muộn hôm đó cô mới mang cơm nước ra. Thuyền đến gần, hai người chào hỏi nhau xong Trí Thắng đưa tay đỡ cô sang thuyền mình.

Hai người hôm đó mới nói chuyện với nhau buổi đầu nhưng tình ý có vẻ rất hợp. Cô ở lại vừa nói chuyện vừa chờ Trí Thắng ăn xong rồi dọn dẹp sạch sẽ mới ra về.

Từ hôm đó Trí Thắng không phải lên bờ nữa, mọi việc đổi cá thành gạo tất cả do tay cô gái lo giúp. Anh cũng không còn phải bữa đói bữa no nên chỉ chuyên tâm vào công việc. Sau hơn sáu tháng thì công việc đo vẽ, tính toán cũng đã cơ bản hoàn thành. Một mối tình đẹp và trong sáng của đôi trai gái cũng vừa bắt đầu nảy nở thì vó ngựa quân giặc Hồ đã bắt đầu áp sát biên giới Đại Việt.

*

*      *

Có tiếng chân người vang lên ngoài cửa, Trí Thắng tỉnh người nhìn ra, Lý Văn Nhạ đang vén rèm bước vào, Trí Thắng đưa bản hịch của Quốc Tuấn cho Lý Văn Nhạ nói:

-        Đây là bản hịch tướng sĩ của Tiết chế viết ra năm Giáp Thân… Nay Tiết chế muốn các quân, đô phải đọc lại cho toàn thể binh sĩ nghe trước khi lâm trận… ngươi đọc trước đi!

Lý Văn Nhạ đưa tay đỡ bản hịch rồi giở ra đọc… Khi đọc được mấy dòng thì gấp ngay lại nói:

-        Bản hịch này tôi thuộc lòng cả rồi…!

Trí Thắng không ngạc nhiên lắm vì những người lính đã từng đăng lính từ năm Giáp Thân và trải qua cuộc chiến năm Ất Dậu như Lý Văn Nhạ đây đều có thể thuộc lòng từng câu, từng chữ của bản hịch kia cũng là lẽ đương nhiên. Trí Thắng nói:

-        Tối nay toàn quân ta sẽ tập trung lại để nghe đọc hịch, ngươi đi thông báo cho các đô quân biết đi!

-        Vâng.

*

*        *

Màn đêm phủ xuống núi rừng, một đám lửa được đốt lên giữa một bãi trống, những chàng trai trẻ kéo đến mỗi lúc một đông. Họ chia nhau chỗ ngồi vây xung quanh đống lửa. Hơi nóng từ đống lửa tỏa ra làm ấm lòng những người lính trong đêm đông giá rét. Trong ánh lửa bập bùng đó, người ta thấy những chàng trai mắt sáng, má hồng hẳn lên.

Đám lính trẻ tranh thủ lúc các đô tướng chưa ra thì trêu chọc nhau chí chóe. Ở một góc khác có mấy tên lính rất trẻ, chắc cũng mới đăng lính, một tên hỏi cả đám:

-        Các chú đã ai được nghe qua hịch tướng sĩ chưa?

-        Anh nghe rồi…! - Một chú dõng dạc trả lời.

Tên kia lại hỏi:

-        Chú đã nghe rồi thì có thuộc không?

-        Sao anh lại không thuộc?

-        Nếu chú bảo thuộc rồi thì thử đọc cho các anh của chú đây nghe xem nào?

Những người lính này chắc cùng tuổi nhau nên tranh nhau làm anh mà gọi người kia là chú. Người bị đố lúc này lại nói:

-        Anh chỉ cần đọc một đoạn thôi là các chú biết anh đã thuộc hay chưa?

-        Thì chú cứ đọc thử đi xem nào?

-        Nghe này! - Chú lính này đằng hắng một tiếng rồi cất giọng nhại lại bài hịch - Ta thường giữa buổi quên ăn… cả ngày vỗ gối… ruột đau như đói… nước mắt dầm dề…

Cả bọn lính trẻ ôm bụng mà cười rũ rượi, vừa lúc viên đô tướng đi đến nghe được lõm bõm bọn lính trẻ đang xuyên tạc bài hịch của Quốc công Tiết chế như vậy thì quát:

-        Xuyên tạc cái gì đấy…! Có muốn mất đầu không?

Đám lính trẻ ngồi im thin thít, một người nói:

-        Chúng tôi chỉ đùa một chút cho vui vậy thôi chứ không có ý gì đâu!

-        Đùa cũng không được xuyên tạc bài hịch kia như thế!

-        Dạ, chúng tôi biết lỗi rồi.

Đám lính trẻ ra vẻ biết lỗi, ngồi im thin thít chờ đến giờ đọc hịch. Khi mọi người đã đông đủ, Lý Văn Nhạ cầm bản hịch bước đến gần đống lửa, anh ra hiệu cho mọi người trật tự rồi cất giọng đọc sang sảng. Ba ngàn tướng sĩ ngồi lặng im phăng phắc lắng tai nghe lời hịch. Không gian mênh mông chỉ còn tiếng đọc của Lý Văn Nhạ xen lẫn những tiếng nổ lép bép của gỗ cháy phát ra từ trong đống lửa.

Lý Văn Nhạ đọc xong bài hịch thì quay qua đám lính đang ngồi xung quanh hỏi:

-        Các ngươi nghe có chỗ nào chưa rõ hoặc là không hiểu không để ta còn đọc lại?

Một tên lính đứng ngay dậy hỏi:

-        Nghe thì chúng tôi nghe rõ hết cả rồi… cái ông Kỷ Tín đem mình chết thay cho chủ thì cũng hiểu được… cái ông Do Vu chìa lưng chịu giáo che chở cho chủ thì cũng hiểu… nhưng còn cái ông Dự Nhượng nuốt than kia thì chúng tôi không hiểu là làm sao nuốt than mà lại báo thù được cho chủ… xin tướng quân giải thích rõ cho chúng tôi nghe với!

Lý Văn Nhạ có vẻ bối rối, quả thực là anh chàng này tuy đã thuộc làu làu bản hịch tướng sĩ kia song cũng không biết ông Dự Nhượng kia là ai nên khi bị hỏi như vậy thì tắc tị không thể trả lời được. Trí Thắng vội bước ra cứu nguy cho viên đô tướng, anh nói với binh sĩ:

-        Để tôi nói cho anh em cùng biết, Dự Nhượng là một gia thần của Trí Bá nước Tần thời Chiến quốc. Khi Trí Bá bị Triệu Vô Tuất giết, Dự Nhượng bèn nuôi chí phục thù, lần đầu ông mật phục trong nhà xí chờ Triệu Vô Tuất ra thì đâm chết song bị Triệu Vô Tuất bắt được, nể ông là người trung nghĩa nên Triệu Vô Tuất tha cho mà không giết. Dự Nhượng về nhà cạo sạch râu và lông mày đi, ông lại còn bôi cả sơn vào mặt để giả làm người hủi cho mọi người không ai nhận ra rồi vào chợ giả làm hành khất để đợi thời cơ báo thù. Song người vợ khi nghe tiếng nói thì vẫn nhận ra là Dự Nhượng nên ông phải nuốt viên than hồng cho khản tiếng đi để vợ cũng không thể nhận ra được nữa…

Một tên lính đứng dậy hỏi:

-        Thế cuối cùng ông Dự Nhượng có giết được Triệu Vô Tuất không ạ?

-        Rất tiếc là không. - Trí Thắng lắc đầu - Khi ông đang nằm dưới cầu mật phục thì bị Triệu Vô Tuất bắt được và bắt phải tự tử. Dự Nhượng trước khi chết còn xin Triệu Vô Tuất cho mình dùng roi đánh vào áo Triệu Vô Tuất mấy cái coi như đã được báo thù vậy…

Mọi người còn đang im lặng ngẫm nghĩ mà cảm thấy phục cho ý chí báo thù của ông Dự Nhượng kia, bỗng một tên lính đứng dậy nói:

-        Thưa tướng quân…! Tôi nghĩ cái ông Dự Nhượng kia thật là bất tài mới phải làm đến cái việc nuốt than như thế!

Trí Thắng ngạc nhiên hỏi lại:

-        Sao ngươi lại nói như thế?

-        Tôi đây chả cần nuốt than cũng có thể giả giọng khác đi được… Tướng quân hãy để cho tôi giả giọng người khác cho mọi người ở đây cùng nghe xem có ai nhận được ra giọng của tôi không?

Biết tên này muốn thể hiện một điều gì đó, Trí Thắng vẫy tay gọi:

-        Được… được chứ… vậy thì cho ngươi ra đây!

Tên lính mạnh dạn bước đến gần đống lửa, hắn mở mồm giả giọng của một ông cụ già vừa nói vừa ho sặc sụa… Một lát sau anh ta lại chuyển sang giọng của một cô con gái vừa nói vừa õng ẹo đong đưa như thật… Mọi người vỗ tay tán thưởng màn biểu diễn ngẫu hứng bên đống lửa. Trí Thắng cũng không thể nhịn được cười trước tài lẻ của tên lính.

-        Tướng quân có nhận được giọng của tôi không ạ?

Nghe tên lính hỏi, Trí Thắng quay lại nói:

-        Được được… ngươi cũng có tài đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com