chương 2
Bảy giờ sáng.
Hà Nội mở mắt sớm hơn tôi tưởng.
Trời còn se lạnh, cái lạnh mỏng như một lớp khăn voan vắt qua vai phố. Không rõ là sương hay bụi, chỉ thấy không khí trắng đục như mặt kính bị hà hơi.
Âm thanh đầu tiên là tiếng chổi tre xoạt xoạt cọ xuống hè đá ong. Tiếng ấy nghe như có người già nào đó đang tẩn mẩn chải lại ký ức cho đường phố. Những nhát chổi không vội, vừa đủ để xua đi một đêm ẩm ướt, vừa đủ để gọi dậy những âm thanh quen thuộc khác. Tiếng leng keng của xe hàng xôi vọng qua như chuông đánh mở phiên chợ sớm. Mùi nếp đồ lá sen thoảng đến chậm rãi, len vào khứu giác tôi như một lời ru.
Rồi tiếng giày dội trên mặt đường như nhịp trống điểm quân giữa lòng ngõ. Ai đó đang chạy bộ, chân bước nhanh và đều, gót giày gõ xuống từng viên gạch lát mà như muốn đánh thức cả dãy phố dậy cùng mình.
Và rồi, tiếng dép guốc lẹp xẹp chậm, mềm, và rất thật.
Không thể lẫn đi đâu được.
Tôi không cần phải nhìn, tiếng bước chân đó như một nhịp thở quen như một câu hát cũ mà tôi chỉ cần nghe một nốt là biết bài gì. Cửa sổ nhà tôi hé chừng hai gang tay, vừa đủ để gió luồn vào làm động nhẹ tấm rèm màu be, màu rèm ấy khi có nắng chiếu lên thì chuyển thành màu mật ong pha chút bụi, một thứ ánh sáng ấm mà trầm.
Tôi cầm ly cà phê, thứ cà phê phin nhỏ giọt từ sáng sớm, đặc và đắng như những ý nghĩ còn chưa kịp pha loãng. Từ phía khung cửa, tôi nhìn xuyên qua tấm rèm.
Sơn đang dắt hai đứa nhỏ đi ngang.
Vẫn là dáng quen thuộc ấy, cái dáng người nhỏ, vai hơi khom xuống như đã quen cúi mình để nghe trẻ con nói. Áo phông rộng màu trắng, quần vải mỏng thụng tới độ gió cũng thổi được qua.
Đứa nhỏ ôm chặt hộp sữa như ôm một báu vật, miệng nhóp nhép cái ống hút. Đứa lớn vừa đi vừa giật nhẹ tay áo Sơn, đòi nghe nhạc. Sơn không nói gì, chỉ nghiêng đầu, một tay lục trong túi quần, tay kia giữ chắc bàn tay nhỏ xíu kia. Điện thoại bật sáng, có tiếng nhạc vang lên nho nhỏ, giai điệu lặp lại quen thuộc của một bài hát thiếu nhi, hình như là “Baby Shark”.
Sơn bước cẩn thận, tránh vũng nước đọng bên miệng cống. Có đoạn vỉa hè gồ ghề, nó đổi tay dắt con, chỉ bằng một động tác tự nhiên mà mềm như nước chảy. Ngay cả lúc lách qua xe đạp của bà hàng rau, nó cũng nghiêng người, cúi đầu chào bà bằng một nụ cười nhỏ.
Tôi bất giác mỉm cười sau ly cà phê.
Người đâu mà khéo – khéo từ cách chỉnh tai nghe cho trẻ, khéo đến từng bước chân không làm bắn nước, khéo đến cả nụ cười chào người quen đầu ngõ.
Một thứ khéo không phải học, mà từ sự chân thành đáng quý.
-•-
Tôi mở cửa bước ra, tay cầm túi nylon mỏng, bên trong đựng hai chiếc bánh gai mới mẹ gửi từ quê lên bằng chuyến xe sớm hôm qua. Lá chuối khô bọc ngoài thâm nâu bóng nhẫy, sờ vào có cảm giác mát lạnh và lạo xạo, như một miếng ký ức còn ươn ướt bến sông.
Bánh gai quê tôi không giống loại bán trong siêu thị.
Vỏ bánh màu nâu sậm, dẻo quánh và thơm mùi lá gai giã bằng cối đá. Nhân đậu xanh được trộn với đường mật, điểm thêm vài sợi cùi dừa trắng như vệt nắng rớt trên nia phơi gạo.
Thứ mùi đó - mật mía, đậu, lá chuối hong khô - cứ như len theo từng thớ tay áo, thấm vào buổi sáng, gợi tôi nhớ tới bàn tay gân guốc của mẹ, từng lần lau góc bàn, gói quà, chắt chiu.
Tôi cầm túi bánh mà cứ ngập ngừng mãi trước cửa nhà nó. Mặt trời đã lên khỏi mái tôn dãy nhà bên kia ngõ, ánh nắng xiên xiên qua tán khế, in loang lổ những vệt sáng như nước vãi trên nền gạch ẩm. Tôi đứng đó, vừa như một người phát thư còn ngần ngại, vừa như một thằng đàn ông không muốn nói thẳng lòng mình.
Tôi vốn không định gõ cửa.
Ý nghĩ ban đầu là để túi bánh trên bậc thềm, một cách gửi gắm kín đáo, không cần tên, không cần người nhận biết ơn, chỉ là đúng lúc tôi vừa cúi xuống thì cánh cửa bật mở.
"Anh Cường? Anh đang làm gì vậy?"
“Chào, em ăn sáng chưa?”
Nó chưa kịp đáp, tôi đã giơ túi nylon lên, mùi lá chuối và mật ngòn ngọt lập tức lan ra trong không khí.
“Bánh gai mẹ anh gửi, nhiều quá ăn không hết. Nếu không chê…”
Tôi để câu nói rơi lửng.
Không cần nài ép, không cần rào đón.
Trong đầu tôi thoáng vụt qua hình ảnh của nó chiều hôm kia, nó ngồi giữa hai đứa trẻ, một tay lau sữa dây ra mép đứa nhỏ, một tay mở điện thoại cho đứa lớn nghe nhạc, vai nghiêng nghiêng, miệng cười nhè nhẹ mà cứ như có gió thoảng qua vai áo.
Nó mỉm cười, nụ cười mỏng như nếp gấp trên tấm vải ga giường đã trải kỹ, không quá rạng rỡ nhưng khiến buổi sáng như mềm đi.
Sau lưng nó, tôi thấy cái phòng nhỏ với ánh đèn vàng nhạt còn chưa tắt hẳn. Có tiếng đứa nhỏ gõ thìa vào bàn nhựa, tiếng dép cao su quẹt qua nền gạch, và mùi nước ấm từ bình siêu tốc mới cắm. Một buổi sáng đời thường – vậy mà có gì đó ấm như tro bếp cũ.
“Cậu ơi! Ai cho bánh kìa! Con đói!”
Tiếng con bé vang lên trong trẻo như viên sỏi nhỏ rơi xuống mặt ao yên. Nó từ trong nhà chạy ào ra, đầu tóc buộc lệch, má còn dấu gối, chân dép tổ ong một chiếc vàng một chiếc hồng, mỗi bước chạy kéo theo tiếng "lẹp kẹp" nghe rộn cả hiên.
Tôi không nhịn được, bật cười thành tiếng.
“Con à, chưa chào chú… à không, anh Cường”
Tôi cúi xuống, mở túi nylon, đưa bé chiếc bánh gai còn ấm. Mùi lá chuối, mật và đậu xanh phả ra như một đám khói ký ức vừa được vén nắp.
“Chú cũng được” - Tôi nói, vừa xé nhẹ góc lá, vừa cười - "Còn nóng đấy. Ăn đi cho mau lớn, rồi mai mốt còn giúp cậu con"
Con bé cười toe, hàm răng sún lấp loáng trong nắng. Nó ôm lấy cái bánh như ôm một kho báu, rồi nghiêng đầu nhìn tôi, đôi mắt tròn như hạt nhãn, long lanh một vẻ tinh quái. Nó quay sang Sơn, đưa tay che miệng lại – cái kiểu thì thào rất cố tình để người khác vẫn nghe thấy:
“Cậu ơi, chú này đẹp trai quá”
-•-
Tôi ở lại ăn sáng với ba cậu cháu.
Căn bếp nhà Sơn nhỏ xíu, chỉ đủ kê một cái bàn gấp sát cửa sổ và hai cái ghế nhựa thấp cho tụi nhỏ, nhưng lại gọn gàng một cách ngăn nắp khiến tôi ngạc nhiên. Trên bàn bày ra một mâm cháo trắng, dĩa bánh gai tôi mang tới, và mấy cái chén nhựa màu sắc loang lổ.
Nồi cháo bắc trên bếp gas mini. Nước sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút, làm mờ mặt kính bếp và đọng sương trắng vào vành nắp. Mùi cháo nếp gạo quyện với một chút hành phi thơm nhẹ, thoảng qua khắp gian bếp, quyện cùng mùi sữa đặc, mùi giấy vở cũ, mùi áo phông vừa giặt - tất cả tạo nên một thứ không khí vừa ngọt lành vừa giản dị, như một sáng Hà Nội cũ bị ai đó gấp lại, đặt yên trong gian nhà này.
Tôi không nghĩ mình sẽ có một buổi sáng như vậy, ngồi xếp chân trong gian bếp có dán tranh tường Doraemon, ăn cháo bằng muỗng nhựa, và nghe hai đứa trẻ nói líu lo bên tai:
“Chú ơi, con ăn hết rồi nè!”
“Chú ơi, chú biết bài Baby shark không? Cậu con mở hoài á!”
“Chú ơi, cái bánh màu đen này kì cục ghê mà ngon ghê luôn!”
Tôi cười đến mỏi miệng, lần đầu tiên thấy mình bị bao vây mà lại dễ chịu đến thế. Có lúc tôi ngẩng đầu nhìn Sơn, nó đang loay hoay lau tay áo cho bé lớn vì vệt cháo vương ra. Tóc nó còn ẩm ở đỉnh trán, chắc là lúc nãy vội tắm cho con bé xong, chưa kịp sấy. Áo phông trắng nhăn nhún, cổ tay có vài vết mực bi lem nhem trông đúng kiểu người đã vật lộn cả buổi sáng với hai đứa nhỏ mà không kịp chỉnh tề.
Nhưng lạ lắm, tôi lại thấy thứ bừa bộn đó đẹp.
Đẹp theo cái kiểu… thật.
Khi hai đứa trẻ chạy lên gác chơi, nhà bỗng yên hẳn.
Sơn bê chén đĩa vào bồn rửa, vừa xả nước vừa hỏi, giọng rề rề như thể đã biết tôi sẽ không đi ngay:
“Anh làm nghề gì vậy?”
“Anh làm thiết kế nội thất, làm công ty, nhưng hay mang việc về nhà”
Sơn quay đầu lại, cười cười, vai run nhẹ theo nhịp thở:
“Thế mà em tưởng anh là giảng viên đại học gì đó cơ”
“Sao lại giảng viên?” – tôi bật cười.
“Thì sáng nào cũng thấy anh đứng ngoài ban công, cầm sách, mặc áo sơ mi trắng, im lìm như tượng. Đi cũng không phát tiếng, người ta mở nhạc tập thể dục mà anh thì uống cà phê.”
Tôi nhìn Sơn.
Ánh sáng ngoài cửa sổ lọc qua tấm rèm voan màu be, nhẹ như hơi thở. Một vệt nắng xiên xiên rớt đúng vào gò má nó. Ánh vàng dịu làm nổi lên cái xương má vừa ấm, vừa mỏi. Cái mỏi của một người đã quen ôm hai đứa nhỏ ngủ, nhưng vẫn dậy sớm nấu cháo, đánh răng, chải tóc cho tụi nhỏ, trước cả khi mặt trời chịu ló lên khỏi nóc nhà.
Đôi mắt nó cười.
Không phải kiểu cong cong giả lả, mà là ánh nhìn thật sự dịu xuống, như vừa nghe được câu nói dễ thương nào đó. Cái cười mơ hồ ấy không nở ra ở miệng, mà đọng lại ở đuôi mắt, lan ra và làm bầu không khí trong căn bếp chật chội này ấm lên. Tôi bất giác nghĩ, giá như có thể cất được khoảnh khắc ấy vào túi áo, để mang về nhà. Hoặc cất vào tim, để tối ngủ còn lôi ra nhớ lại.
Tôi hỏi lại:
“Thế em làm gì?”
“Em làm content, Freelancer với viết bài cho mấy nhãn mẹ và bé, ở nhà nhiều nên trông cháu cũng tiện”
Tôi im một lúc. Không phải vì ngạc nhiên, mà vì nghĩ đến cái chữ "tiện" nó nói. Tôi từng nghĩ “làm việc ở nhà” là một cách để thảnh thơi, nhưng nhìn Sơn thì hiểu, đôi khi cái “tiện” ấy là sự gồng mình. Sáng sớm dậy, nấu cháo, dỗ ăn, thay đồ, mở nhạc, lau nhà, chụp ảnh sản phẩm, viết bài, nhận chỉnh sửa, trông con, rồi tối lại ru ngủ hai đứa nhỏ.
Tất cả cuốn vào nhau như hai đầu dây buộc chặt.
“Em hay bị nhầm là bố hai đứa lắm đúng không?”
Sơn gật đầu, khẽ cười như đã quen với chuyện ấy lắm rồi, cái cười vừa tự trào vừa như đang kể giùm cho người khác một câu chuyện chẳng mấy vui mà cũng chẳng đủ buồn để gọi thành than.
“Dạ, riết rồi quen. Có lần đi bệnh viện, bác sĩ hỏi mẹ đâu, em bảo em là cậu. Ông ấy còn nhìn em kiểu như đang tính gọi bảo vệ, tưởng em bắt cóc tụi nhỏ.”
Tôi bật cười thành tiếng, khẽ lắc đầu. Hình ảnh Sơn mặc áo phông rộng, dắt theo hai đứa nhỏ. Một đứa đòi nghe nhạc, đứa ôm hộp sữa, giữa hành lang bệnh viện chật ních người và mùi thuốc sát trùng thoáng qua trong đầu tôi rõ mồn một.
Mà lạ thật, tôi không thấy buồn cười, mà chỉ thấy thương.
“Nếu anh không biết trước, chắc cũng nghĩ vậy.”
“Bị hiểu lầm hoài cũng mệt lắm anh à” - Nó nói, rồi thở ra, nhẹ đến mức như sợ đánh thức một ý nghĩ nào đó đang mỏi trong ngực mình.
Tôi liếc nhìn nó.
Một chút mỏi mệt thật, lặng lẽ hiện ra nơi quầng mắt dưới hàng mi.
Có thể là mất ngủ, có thể là đã quen với việc không ai hỏi “Hôm nay em có mệt không?”, nên cũng thôi luôn việc nhận ra mình mệt. Nhưng trong ánh nhìn ấy vẫn có thứ gì đó rất sống, rất dai dẳng. Như thể dù có mỏi đến mấy, người này vẫn sẽ dậy lúc sáu giờ sáng để pha sữa, lau mặt, gỡ tóc rối cho đứa nhỏ.
Người này, tôi nghĩ, rõ ràng là không được yêu thương đủ, nhưng vẫn chọn yêu người khác cho đầy.
-•-
Lúc ra về, tôi đứng dậy, Sơn cũng đứng dậy theo, như một phản xạ không cần suy nghĩ. Nó bước chậm rãi bên tôi ra tận cửa, tay gài hờ chiếc then gỗ như thể sợ đóng vội thì lời cảm ơn chưa kịp thốt đã trôi đi mất.
“Cảm ơn anh vì bánh gai, mai mốt có gì hãy gọi em nhé”
Tôi khẽ khoanh tay lại trước ngực, nửa tựa người vào khung cửa. Cái tựa không hẳn vì mỏi, mà như để kéo chậm một khoảnh khắc đang muốn trôi qua, gió nhẹ từ đầu ngõ luồn vào, làm tấm rèm trong nhà lật phật động. Tôi không nhìn Sơn, chỉ nhìn vào vệt nắng đang nhảy nhót trên bậc thềm như thể chuyện sắp nói là cho cái nắng ấy nghe, chứ không phải cho người đứng trước mặt.
“Thế giờ biết rồi đó”
Sơn nghiêng đầu, mắt chớp chớp, chân mày hơi nhíu lại.
“Biết gì ạ?”
“Là có người để nhờ mua đồ ăn sáng mỗi ngày rồi, anh không lấy tiền đâu”
Sơn đứng yên trong một nhịp thở như thể câu nói ấy chưa kịp chạm vào tai đã đi thẳng vào tim. Rồi nó bật cười, một cái cười khẽ như cánh bướm đậu trên nhành hoa tô điểm cả một vùng trời lạnh, tôi thấy vai nó rung nhẹ, môi cong lên từ từ, mắt thì sáng như được quệt chút nắng vừa tan trên mặt ao.
Nó cười mà tôi có cảm giác mình vừa được thứ gì rất nhỏ mà rất quý: một niềm vui không giấu giếm, một sự dịu dàng không đề phòng. Nụ cười ấy khiến không khí trong ngõ như chậm lại, như trầm xuống một nửa, như thể xung quanh chúng tôi không còn là tường xi măng và dây điện, mà là một khúc đầu xuân lặng lẽ nào đó, có nắng, có gió, có hơi ấm của bánh còn nóng trong tay và mùi tóc của người vừa gội sáng nay.
Tôi thấy mình thắng một ván nhỏ.
Thiên nga mà.
Đâu cần vỗ cánh vội, chỉ cần lặng lẽ thả trôi mình trên mặt hồ, đầu hơi nghiêng, cổ hơi vươn, vai hơi thấp, là sóng sẽ tự động chảy thành lối.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com