Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

chương 3

Hà Nội trở gió.

Một buổi sớm đầu tuần và trời chuyển.

Chuyển nhẹ thôi.

Chuyển theo cái kiểu mà chỉ những kẻ sống lâu với thành phố này, những kẻ thuộc nằm lòng từng cái gờ tường ẩm rêu, từng tiếng rít của gió rúc qua khe tường cũ, từng chiếc lá bàng sắp lìa cành vào tháng tám, mới nhận ra.

Gió không nổi ào ào, không giật bung mái tôn, nó đến theo cái kiểu của người quen cũ: bất chợt, lặng lẽ, và có phần cộc cằn, như thể thành phố vừa tỉnh giấc trong một cơn mơ ngái ngủ, bước chân trần đi ngang qua ban công nhà ai, đánh rơi lại một chút se lạnh đầu mùa.

Gió tạt qua cửa kính nhà tôi, hất tung tấm rèm màu trắng ngà vẫn thường yên phận nằm rủ xuống từ khung sắt, vẽ thành một đường cong lỏng lẻo trong không gian. Mảnh rèm ấy, hôm qua vẫn còn thơm mùi vải phơi nắng, hôm nay đã nhuốm chút hanh của gió bấc.

Tôi nhìn nó, thở nhẹ.

Tôi mở cửa sổ sớm hơn mọi khi.

Không phải để đón gió.

Gió sớm nay không phải thứ người ta nên đón, nó không lành. Nó không mang hương hoa sữa, không mang mùi cà phê đâu đó vừa nhỏ giọt xuống phin, nó chỉ mang theo tiếng lạch cạch của cửa sổ nhà bên, tiếng lá quất vào nhau trên ngọn cây xà cừ đầu phố, và một chút cảm giác bất an mà những người sống một mình rất sợ vào mỗi sáng thứ Hai.

Tôi mở cửa sổ không vì thời tiết.

Tôi mở ra chỉ để nghe, để mong.

Để mong một thứ âm thanh quen thuộc mà sáng nào cũng đến như chuông báo hiệu ngày mới của tôi: cái tiếng dép nhựa va vào bậc gạch cũ, lẹp xẹp, lẹp xẹp đều đặn, không vội vàng, không gấp gáp - thứ âm thanh vừa đủ để người ta không hoảng hốt vì trễ, cũng không thảnh thơi tới mức ngạo mạn.

Cái cách mà Sơn bước xuống cầu thang mỗi sáng, nó không giống ai cả. Nó là của riêng, riêng đến nỗi tôi không cần nhìn cũng biết hôm nay nó mặc gì, buồn hay vui, có ngủ đủ giấc hay không.

Thế mà sáng nay, không có gì.

Không có tiếng dép.

Không có tiếng cười the thé của hai đứa nhỏ, những đứa vẫn hay giành nhau cái bánh bao và reo lên khi trông thấy con mèo mướp, không có tiếng khóa cửa xoay tròn, không có tiếng bật lửa châm điếu thuốc lúc trời còn mù sương.

Tất cả đều im.

Cái im lặng khiến người ta cảm thấy như mình đã thức dậy trong một căn nhà khác, một thành phố khác, một đời sống mà mình không còn được gọi tên trong đó nữa.

Tôi uống cạn ly cà phê.

Loại cà phê đen không đường, pha từ nước sôi vừa đúng độ, rót vào chiếc ly thủy tinh đã có tuổi đời hơn ba mùa Noel. Tôi nhấp từng ngụm, giữ lâu trong miệng, nhưng cái vị đắng quen hôm nay lại trôi tuột xuống cổ họng như một lời từ chối. Đắng vẫn đắng, ấm vẫn ấm, cũng giống như sáng nay, mọi thứ vẫn còn đó. Vẫn còn cái ban công xám xịt len vài vệt nắng an ủi và tách cà phê đen không biết bao giờ đã trở thành điều quen thuộc mỗi sáng, chỉ có người là biến mất.

Tôi đã đứng đó gần năm phút.

Năm phút tưởng như ngắn, nhưng với một người đang đợi, năm phút đủ để nghĩ tới ba kịch bản buồn. Đủ để tim đập lệch một nhịp khi tưởng có tiếng ai lên cầu thang, vội vã ngoảnh mặt lại tìm kiếm bóng dáng, lại chẳng thấy gì.

Cuối cùng, tôi rút điện thoại ra.

Ngón tay trượt đi một cách chậm rãi, vô ý lướt qua những ứng dụng vô vị. Mặt kính lạnh lẽo dưới đầu ngón tay nhấp nháy phản ứng, dần dần sáng lên một thứ ánh sáng mềm yếu, trắng xanh, tỏa ra từ thân xác mỏi mòn của một thiết bị điện tử vừa tỉnh dậy sau một đêm dài kiệt sức.

Không có cuộc gọi nhỡ.

Không có tin nhắn.

Không có ai cả.

Không có Sơn.

Chỉ có gió vẫn rít qua khe cửa và tôi vẫn đứng đó, như một nhân vật bị bỏ quên trong đoạn phim tua lại, chờ một cảnh quay chưa bao giờ được quay tiếp.

@cuongbach_ ⇨@swannguyen.

Hôm nay không dẫn tụi nhỏ đi học à?

Tin nhắn chỉ được “đã nhận”, không “đã xem”.

Tôi bước vào lại trong nhà, không nghĩ ngợi, đi thẳng xuống bếp, lấy gừng trong hũ, gọt từng lát nhỏ, thái mỏng ra như thái từng nỗi cồn cào mà mình không tiện nói thành lời. Tôi bật ấm nước, tráng bình, rót ra, mọi động tác đều chậm, đều đến độ cẩn trọng.

Mà tôi cũng không rõ mình đang pha trà cho ai.

-•-

Tám giờ mười.

Tôi sang nhà nó.

Cửa khép hờ, như thể ai đó đã bước vào trong trong trạng thái mỏi mệt đến mức quên cả quay lại chốt then. Tôi định gõ cửa, nhưng chưa kịp gõ thì từ trong vọng ra một tiếng ho khô, sâu, và rát, như thể cả đêm qua cổ họng người đó gào lên bỏng rát.

Tôi gõ khẽ hai cái, tay vẫn để hờ lên tay nắm, rồi tự động đẩy ra. Cánh cửa kêu một tiếng rất khẽ, không đủ để đánh thức ai, nhưng cũng đủ để khiến tôi cảm thấy như thể mình vừa bước vào một thứ riêng tư nào đó, một thứ buồn đã chín tới.

“Sơn?”

Tôi gọi.

Không lớn, nhưng rõ.

Nó nằm cuộn mình trên chiếc sofa kê lệch về phía cửa sổ, quấn hờ tấm chăn mỏng, mặt đỏ rực như vừa sốt cao, hơi thở gấp và mắt chỉ hé ra một nửa, ươn ướt, long lanh, mệt mỏi. Mái tóc nó ướt sũng mồ hôi, dính bết vào trán, áo phông bám chặt vào người, để lộ từng đường xương mảnh, từng nhịp thở gắng gượng.

“Anh Cường…?” - Giọng nó khản đặc - “Sao anh...”

Tôi bước vào, tay vẫn giữ lấy khay trà bằng cả hai tay như sợ đánh rơi thứ gì quý giá. Khay gỗ va nhẹ vào mặt bàn gỗ, phát ra một tiếng khẽ khàng, thứ âm thanh nhỏ tới mức chỉ những ai đang sống chậm mới nghe thấy.

Trà gừng vẫn còn bốc hơi, hương cay nồng vươn lên trong không gian hẹp, lẫn vào cái mùi ẩm và ngai ngái quen thuộc của mồ hôi, của chăn gối chưa thay, của một cơn sốt vừa âm ỉ đi qua nhưng vẫn còn để lại dấu vết. Trong cái hỗn hợp lẫn lộn ấy, mùi gừng ấm là thứ duy nhất khiến tôi còn muốn hít vào.

“Sáng không thấy em đâu”- tôi nói, mắt không rời khỏi khuôn mặt nó nhợt nhạt vì bệnh - “em bệnh rồi à?”

Nó gật đầu, rất khẽ.

Một cái cúi đầu chưa tới một phân, nhưng cái gật ấy khiến lọn tóc trước trán rủ xuống thêm, và tôi nhìn thấy, bằng mắt thường, một giọt mồ hôi dần nơi thái dương, chậm rãi lăn xuống theo đường cong của gò má, trượt tới cằm.

Tôi đứng dậy, đi về phía bồn rửa tay cạnh gian bếp nhỏ, vắt nước ấm vào chiếc khăn bông trắng xếp trên thành ghế. Quay lại, tôi quỳ gối xuống bên sofa, một tay đỡ đầu nó nghiêng sang, tay kia đưa khăn chạm nhẹ lên trán.

Tôi lau nhẹ.

Từ trán, xuống tới chân mày rồi vòng qua gò má, men theo xương quai hàm. Lúc khăn chạm tới cổ, tôi dừng lại một chút, không phải vì ngại mà vì tôi cảm thấy từng nhịp đập nhỏ nơi da thịt mỏng ấy đang đập vào đầu ngón tay mình, như nói: nó còn đây, nó đang mệt, và nó để yên cho tôi chạm.

Da nó nóng bất thường, cái nóng từ bên trong hắt ra, không như cái nóng của một buổi trưa nắng. Hơi thở của nó phả nhẹ vào mu bàn tay tôi, từng hơi nóng âm ỉ như cố gắng thoát hơi để giúp chủ nhân nó tốt hơn. Mỗi lần tôi lau qua, người nó lại rung lên nhẹ như một phản xạ. Không phải vì lạnh, không phải vì đau mà là vì có một ai đó đang ở đây, và nó không biết phải đối mặt với sự có mặt ấy như thế nào.

Tôi tiếp tục.

Từng cử chỉ của tôi đều chậm rãi như thể đang đếm nhịp, đều nhẹ tênh, không một động tác thừa, không một va chạm nào gấp gáp hay chộn rộn. Mọi động tác đều được giữ ở một chừng mực kín đáo, như sợ làm rơi vỡ một điều gì mỏng manh hơn cả sương sớm.

Và tôi tự hỏi: nếu nó tỉnh táo, nó có đẩy tôi ra không?

Nhưng lúc này, nó không đẩy.

Chỉ nằm im, như thể chưa từng có ai khác ngoài mẹ từng chạm vào nó dịu dàng đến thế.

“Cậu nó đón hai đứa về hôm qua…” - Sơn thì thào - “May quá…”

“May cái gì?”

“Không thì em bệnh mà tụi nhỏ ở lại… anh biết rồi đó…”

Câu nói dở dang nhưng đủ để tôi hiểu rằng đêm qua, giữa sốt hâm hấp và người không còn hơi sức, nó vẫn nghĩ đến hai đứa trẻ ấy, vẫn kịp gọi cho cậu nó, vẫn gắng thu xếp mọi thứ trước khi nằm vật xuống như bây giờ. Một sự chăm nom im lặng, không phô trương, nhưng lại khiến lòng người nghe mềm ra như tờ giấy thấm nước.

Tôi không nói gì, chỉ nhìn nó lâu hơn, và chính trong cái khoảng lặng ấy, tôi mới để ý: dưới mắt nó, ngay sát khóe mi, có một vệt quầng thâm mờ nhạt như thể cơn sốt đã lén lút gặm mòn nó suốt cả đêm mà chẳng ai hay.

Chắc là nó không ngủ được.

Cũng chẳng ăn được.

Có thể chỉ nằm đó, co quắp trong cái chăn mỏng, người lấm tấm mồ hôi, thở đứt quãng mà không gọi ai cả, cái kiểu chịu đựng vì biết chẳng ai kề cạnh chăm nom nên phải tự gượng dậy tôi từng thấy ở một vài người, nhưng với nó thì lại đau lòng hơn gấp bội.

Trán nó nóng.

Không phải thứ nóng ập đến kiểu bỏng rát, mà là một loại nhiệt âm ỉ, kéo dài, dai dẳng, như thể từ trong thịt da bốc ra, ngấm ngược vào người tôi. Lòng bàn tay tôi lạnh buốt, sự giao thoa đó khiến tay tôi gần như dính lại, râm ran, tê tê như có luồng điện nhỏ chạy qua. 5Tôi đứng dậy, vòng ra phía khay trà, khom lưng lấy một trong hai chiếc ly gốm sứ men ngà còn ấm, hơi nước vẫn còn phủ một lớp mờ bên thành ly, mùi gừng bốc lên dịu nhẹ, cay nhẹ, thơm nhẹ, bốc lên cái mùi khiến cổ họng người ta thấy ấm hơn chút.

Tôi cầm ly, quay lại.

“Vẫn còn nóng đấy, em uống chút trà gừng đi”

Nó nghiêng đầu về phía tôi, chậm rãi, như thể từng cử động đều phải được cơ thể xét duyệt trước một nhịp. Mắt nó khẽ chớp, không hẳn là để nhìn, mà giống như đang thu hết tàn lực để tỉnh táo thêm một chút. Môi khô, và trong khi nói, tôi thấy rõ một vết nứt nhỏ nơi khoé.

“Anh pha hả?”

“Ừ”

Nó mỉm cười, không rõ là vì câu trả lời của tôi hay vì cái ấm nóng từ ly trà đang lan dần ra giữa khoảng không im lặng, chỉ thấy một bên khoé miệng khẽ nhếch, rất khẽ, đến mức nếu không nhìn thật kỹ sẽ tưởng là ảo giác. Nhưng cái cười ấy, dẫu mong manh, lại có thứ gì đó ấm đến lạ như thể ấy là một vạt nắng lách vào giữa trời mưa, như một ngọn gió lành len qua một khu rừng cằn cỗi.

Tôi ngồi xuống mép sofa, thật khẽ, sợ làm dịch chuyển cái khoảng thinh lặng mỏng manh trong gian phòng bệnh dở dang này. Tay tôi luồn ra sau gáy nó, chạm vào lớp tóc ướt bết mồ hôi, rồi đỡ nhẹ đầu nó dậy. Gối đầu nó vào lòng bàn tay mình như nâng một quả trứng nóng, tôi đưa ly trà lại gần, hơi trà bốc lên thơm ấm, vị gừng chưa chạm môi mà đã đủ át đi cái mùi mồ hôi nồng nặc từ cổ áo nó vẫn chưa khô hẳn.

Tôi nói khẽ, như hỏi mà như dỗ:

“Uống được không?”

Nó gật đầu.

Cái gật chậm rãi, lừ đừ, mang theo một chút chần chừ như thể đang cân nhắc điều gì đó không tên. Rồi nó khựng lại, môi mấp máy:

“Được, nhưng mà…”

“Sao?”

Nó ngước mắt nhìn tôi. Đôi mắt sốt đỏ hoe, ngầu lên một lớp thủy tinh đục, mi mắt sưng nhẹ, viền mi còn ướt như thể trước đó từng rưng một lần. Và trong ánh nhìn ấy có một điều gì đó không chỉ là bệnh, mà là một nỗi e dè, một câu hỏi lửng lơ.

“Anh không sợ em lây cho anh à?” - nó hỏi.

-•-

Sơn ngủ lại.

Tôi dọn dẹp quanh quẩn trong căn phòng nhỏ, tay chạm vào đâu cũng cố làm thật khẽ như sợ âm thanh của bát đũa hay nước chảy sẽ quấy nhiễu cơn mộng sốt còn vắt lại trên trán người kia. Tôi hé cửa sổ, để một dòng gió mát nhẹ len vào, mang theo mùi nắng đổ về trưa, xua đi chút oi nồng, ly trà tôi rửa sạch, đặt ngay ngắn vào khay, rồi châm thêm nước vào ấm, như một thói quen vô thức.

Tôi không rõ vì sao mình muốn nấn ná lâu như thế, không có điều gì thực sự ràng buộc tôi ở đây, nhưng khi thấy nó trở mình, người khẽ nghiêng, chăn trượt khỏi vai, thì tôi như thể đã quen thuộc từ trước lại nhanh bước đến, ngồi xuống bên cạnh lặng lẽ kéo nhẹ mép chăn lên, đắp lại cho nó.

“Anh…”

Một tiếng gọi mỏng như khói trà vừa tan, nhẹ tới mức nếu không ngồi gần thế này, có lẽ tôi cũng không nghe thấy vang lên. Tôi cúi xuống, nó vẫn nằm nghiêng về một bên, trán còn lấm tấm mồ hôi, môi hơi hé, mắt chỉ mở hờ một khe nhỏ giữa hai hàng mi mỏi. Cái nhìn chưa tỉnh hẳn, mơ màng như vẫn còn mắc kẹt giữa giấc ngủ và cơn sốt.

“Sao?”

“Lúc nào… anh cũng vậy hả…”

Tôi hơi nghiêng đầu, mắt vẫn không rời cái gương mặt xinh trai thường ngày dịu dàng nay lại đỏ ửng, mơ màng vô vị một cách kì quặc kia. Tay tôi đặt trên mép chăn chợt khựng lại trong chốc lát, câu hỏi ấy, hay lời nhận xét ấy rơi ra vừa đủ nhẹ để không làm người khác bối rối.

“Gì?”

Nó rướn cổ lên một chút, cố dịch người dù chỉ một li để gần tôi hơn nhưng không nổi, toàn thân nó như bị một tảng đá nặng trịch đè lên, khống chế tất cả các hoạt động sau. Mắt nó vẫn khép hờ, hơi thở phả ra từng làn mỏng như gió đêm.

“Anh nhẹ nhàng vậy, chắc anh cũng phải khối cô theo nhỉ?”

Tôi thoáng khựng lại, không cười, cũng không trả lời.

Chỉ đưa tay lên, vén một sợi tóc con con mảnh mảnh dính mồ hôi ra khỏi trán nó, động tác vừa đủ nhẹ để không gọi dậy giấc mệt. Nó thấy tôi thế cũng chẳng nói gì thêm, chỉ nhìn chàm chầm im lặng như chờ đợi một câu trả lời nhất quán đáp ứng sự tò mò từ những tầng đáy vực sâu nhất.

Trong căn phòng nhỏ, chỉ còn lại tiếng gió lùa qua khe cửa, thỉnh thoảng va nhẹ vào tấm rèm đã bạc màu. Hơi trà gừng thoảng ra từ chiếc ấm đất trên bàn, nhè nhẹ, âm ấm, mùi ấy quyện vào không khí, len qua vai áo tôi, rồi lẫn vào nhịp thở đều đặn của người đang ngủ.

Nó nằm nghiêng, một tay buông ra ngoài chăn, bàn tay khẽ co như đang mơ thấy điều gì không rõ. Tôi vươn tay, đặt lại tay nó vào trong chăn, rồi lần nữa kéo kín góc chăn lên đến tận vai. Dưới ánh sáng nhạt nhòa buổi sớm muộn, khuôn mặt nó nhìn non hơn, lặng hơn, và vì thế mà khiến tôi không nỡ quay đi.

Tôi đứng dậy thật khẽ, rót thêm nước vào ấm, rồi tự mình ngồi lại ghế, lưng hơi nghiêng, mắt dõi về phía người đang ngủ. Trà rót ra chén sứ mỏng, nóng bốc lên khói nhè nhẹ, tôi cầm lên, uống một ngụm nhỏ, vị gừng cay dịu nơi đầu lưỡi, khiến tim tôi ấm lên như vừa nhắc mình: ở đây, vào giờ này, có một người đang cần tôi.

-•-


Tôi đứng dậy sau khi kéo chăn lại cho nó.

Lần này thì đi hẳn vào bếp.

Tủ lạnh còn sót lại mấy quả trứng gà, một ít hành lá, một mẩu gừng còn chưa gọt vỏ. Trong rổ có vài củ khoai lang, màu nâu đỏ ngả đất, vẫn còn mùi ẩm của đất phơi chưa khô hẳn. Tôi chọn lấy hai củ, rửa sạch, cho vào nồi hấp rồi đập trứng, đánh tan, nêm muối tiêu, cắt nhuyễn hành.

Vẫn chưa đủ.

Tôi đặt nồi nước lên bếp, gọt thêm một lát gừng, đập dập mấy tép tỏi, rồi thả vào. Một thứ súp đơn giản, nhưng trong đầu tôi lại thấy hình ảnh quen thuộc của những chiều mùa đông ở quê ngoại, khi bà hay bảo tôi cầm bát đứng đợi để bà nêm thêm tí nước mắm rồi mới múc.

Tiếng nước sôi làm tôi trở về với gian bếp hẹp, tôi nhanh chóng vặn nhỏ lửa, hạ vung xuống, để nước lăn tăn một lúc, mùi thơm bắt đầu dậy lên. Tôi không phải người nấu ăn giỏi, nhưng tôi biết nấu sao cho vừa miệng người đang mệt. Khi tôi bưng bát ra, căn phòng ngoài vẫn tĩnh. Nó vẫn ngủ, chỉ là sắc mặt đã giãn ra chút ít, trán thôi nhăn, hơi thở không còn gấp.

Tôi đặt bát lên bàn, rồi mở ngăn kéo, lục tìm vỉ thuốc cảm tôi nhớ từng để lại.

Thuốc còn hạn, nhưng đã cong vỉ.

Tôi tách hai viên gồm một hạ sốt, một giảm đau, rồi rót thêm nước lọc.

“Sơn, dậy uống thuốc”

Nó chớp mắt vài lần, đôi đồng tử như còn vướng ở mép giấc mơ. Cái chớp nhẹ, mơ màng, như người vừa đi lạc từ cơn mê sốt trở về, còn đang dò dẫm lại thực tại bằng một cử chỉ mong manh nhất. Giọng nó khàn, đục, tựa tiếng giấy khô lật giữa đêm:

“Mấy giờ rồi… anh?”

Tôi ngồi gần lại, đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ gỗ treo trên vách, kim giây đang chạy một cách lặng lẽ, như không muốn khuấy động cái buổi trưa bức bối này. Tôi không rõ với tình trạng này của nó thì tới khi nào tôi mới được về, hoặc không về vì tôi cũng chẳng muốn về, nhưng tôi biết chắc có lẽ sẽ còn rất lâu nữa tôi mới tiếp tục trở về nhà và cắm mặt vào máy tính làm việc.

“Mới quá trưa, em ngủ được chừng một tiếng rưỡi”

“Anh chưa về à?”

“Anh nấu canh rồi, ăn xong rồi uống thuốc”

Tôi luồn tay ra sau gáy nó, hơi cúi người, nhẹ nhàng nâng dậy. Cơ thể nó mềm nhũn, không sức đề kháng, tựa như một lớp chăn bông vừa được ủ suốt cả đêm đông. Mái tóc ẩm mồ hôi phất nhẹ qua cổ tay tôi khi nó hơi nghiêng đầu, né ánh nắng vừa lọt qua khe cửa, tay nó đưa lên, vô thức bấu khẽ lấy khuỷu tay tôi.

Tôi dìu nó ngồi dựa hẳn vào thành sofa, rồi quay lại mang bát canh ra, đặt lên khay cùng thìa. Mùi gừng và hành lan nhẹ trong không khí, nó hít một hơi, mắt hơi sáng lên, rồi đưa tay đón lấy, nhưng tay nó còn run. Tôi phải khom người xuống một chút, đỡ lấy bàn tay đang lơi ra. Bàn tay ấy vẫn giữ thìa, nhưng lỏng lẻo đến độ chỉ một cái run nhẹ thôi cũng có thể đánh rơi cả  bát. Tôi nắm tay nó, không quá mạnh, vừa đủ để giữ được khuôn thìa mà không khiến nó giật mình.

Rồi tôi múc từng thìa canh đầy cẩn trọng, tôi ghé miệng thổi thật nhẹ, đủ để xua đi cái hơi nóng mỏng mảnh như lớp sương sớm trên mặt nước, trước khi đưa lên, gần chạm môi nó, bằng một sự dè dặt rất đỗi thân quen của người đã quen chăm mà vẫn còn ngại ngần.

“Anh đút cho luôn hả?” - nó nheo mắt.

“Ăn nhanh còn uống thuốc”

-•-

Tôi nhìn đồng hồ.

Kim giờ lặng lẽ trôi qua số ba.

Ngoài cửa sổ, trời bắt đầu hạ giọng.

Không có tiếng xe, cũng không còn tiếng trẻ con gọi nhau chơi ở dưới sân. Cái im lặng lạ lẫm của buổi chiều giữa tuần khiến tôi chợt thấy mình không biết nên làm gì. Dọn dẹp một chút? Ừ, tôi thu gọn ly, đem vào rửa, lau khay, rồi trở ra, lại ngồi xuống cái ghế cạnh sofa.

Tay chống cằm, mắt tôi lơ đãng nhìn ánh sáng mờ loang trên tường.

Thật ra tôi có thể về, không ai giữ tôi ở lại.

Nhưng tôi cũng không đứng lên.

Không phải vì lo cho cơn sốt chưa dứt, mà là vì tôi không muốn cái khoảnh khắc này - cái khoảnh khắc yên ắng, mỏng manh lặng lẽ vùi hết những mệt mỏi từ công việc như bị deadline dí, bị sếp mắng, bị khách hàng kêu xuất file cuối nhưng cuối nào thì chưa biết trôi đi nhanh quá.

Lúc Sơn trở mình lần nữa, động tác khẽ khàng mà vẫn khiến chiếc gối lệch đi một khoảng rất nhỏ, vừa đủ để đầu nó trôi ra khỏi sự nâng đỡ ban đầu. Tôi khẽ đứng dậy, hai tay nhẹ nhàng đỡ lấy mép gối, chỉnh lại cho ngay ngắn, vừa tầm với dáng đầu nghiêng nghiêng đang thở đều.

Ngón tay tôi lướt qua lớp vải như có như không, như thể chỉ cần một cử chỉ thô ráp thôi cũng sẽ làm nhăn mất chút yên tĩnh đang phủ trùm lên căn phòng khách nhỏ. Xong đâu đấy, tôi lại ngồi xuống chiếc ghế cũ, chậm rãi, không kêu một tiếng, mắt vẫn không rời khuôn mặt im lìm giữa giấc ngủ có vẻ gì đó khiến người ta thấy mình cần phải ở lại lâu hơn một chút.

Không định chợp mắt, nhưng tôi không biết mình đã thiếp đi từ lúc nào. Chỉ nhớ mang máng ánh sáng ngoài cửa sổ đã dịu đi nhiều, như thể một cơn mưa nhẹ vừa ghé qua, rửa trôi những gì còn vướng lại của buổi sáng. Khi mở mắt, tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế cũ, tay đặt trên đùi, lưng hơi đau do không tựa hẳn vào đâu suốt cả quãng mơ màng.

Căn phòng vẫn yên, chỉ khác là người nằm trên sofa đã cựa mình.

Sơn đang nhìn tôi, mắt mở rõ hơn, tỉnh táo hơn, và trên trán không còn đọng rõ cái bóng đỏ hầm hập như lúc sáng. Dưới tấm chăn mỏng, cánh tay nó co nhẹ lại, như sợ làm tôi giật mình.

“Anh chưa về à?” - Giọng nói khàn nhưng đã không còn run.

Tôi đứng dậy, cử động vừa đủ, không nhanh cũng chẳng chậm, trà trong ấm đã nhạt, tôi không rót nữa. Lần này, tôi chọn lấy nước ấm, tinh khiết và lành, chắt ra ly, thổi nhẹ. Tôi đưa ly lại gần, bàn tay nó khẽ nhấc lên đón lấy, ngón tay gầy, mạch máu xanh nhạt hiện lờ mờ dưới làn da ửng sốt. Nó nói nhỏ:

“Cảm ơn anh”

"Ừ"

Nhanh khỏe lại nhé, em ơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com