Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tập 49 : TRÍ TUỆ BÁT NHÃ CỦA PHẬT VƯỢT QUA MỌI RÀNG BUỘC 22/4/2020

⭐ BTPP Tập 49 : TRÍ TUỆ BÁT NHÃ CỦA PHẬT VƯỢT QUA MỌI RÀNG BUỘC
22/4/2020

Nghiệp lực giống như một quả bom, sớm muộn gì cũng sẽ nổ. Thiện nghiệp sẽ không nổ, thiện nghiệp như một bông hoa, còn ác nghiệp như một quả bom, nó có thể nổ bất cứ lúc nào. Vì thế, nghiệp lực sẽ dần dần hình thành nghiệp duyên của sáu cõi luân hồi: làm việc thiện thì vào đường thiện; làm việc ác thì vào đường ác, và phải trả báo nghiệp ở kiếp sau - ở nhân gian, chỉ cần làm điều thiện hay điều ác thì sẽ phải luân hồi trả báo. Tại sao pháp sư lại không muốn nhận quá nhiều đồ cúng dường của người khác, bởi vì phải trả nợ cho người, nếu tiếp nhận quá nhiều, có thể kiếp sau không thể tu thành mà vẫn phải trả lại cho người ta. Cho nên Sư phụ bảo với mọi người, nếu người khác đối xử tốt với quý vị, cho quý vị quá nhiều, đối xử tốt với quý vị, nấu ăn cho quý vị... Nếu quý vị không có công đức và nhận quá nhiều cúng dường (kể cả phụng sự viên cũng vậy) thì chắc chắn sẽ gánh nghiệp, nó chỉ tùy theo đó là nghiệp thiện hay nghiệp ác mà quý vị phải hoàn trả mà thôi.

Kinh Phật dạy cho chúng ta "đoạn hoặc chứng chân" tức là cắt đứt mê lầm để chứng minh cuộc đời chân thật của mình. Khi sự mê lầm không còn nữa, con người mới có thể sống trong thế giới thực của mình. Người suốt ngày nói dối thậm chí không thể phân biệt được điều mình nói cuối cùng là thật hay giả, loại mê lầm này khiến người ta không thể tìm thấy vị Phật chân thật trong tâm mình.

Người tu tâm là báu vật vô giá. Tu tâm là vô giá. Tại sao vậy? Bởi vì thứ mà họ đang tu dưỡng chính là trái tim, và trái tim này là báu vật vô giá - kho báu trong tim - hay còn gọi là kho báu trong tâm. Một khi tâm được tu dưỡng tốt, mọi thứ đều đủ đầy, không có nợ nần, bất sinh bất diệt thì trái tim này sẽ trong sạch, trái tim này sẽ có thể dùng nó một cách tự tại. Vì vậy, tu tâm càng về sau là tu trái tim của loài người này. Bất kì ai không tu tâm mà dùng tấm lòng nhân hậu của mình để lừa gạt hay làm tổn thương người khác thì sẽ chuyển thế ngàn lần và vẫn sẽ còn mang đến cho họ ngàn lần sai lầm.

Sư phụ sẽ dạy cho mọi người đơn giản hơn một chút, chuyện tốt cần phải ghi nhớ cho tốt, chuyện xấu hãy quên nó đi, sau khi cảnh giới nâng cao, thì thiện ác đều không nghĩ đến, cũng có nghĩa là khi cảnh giới của quý vị đã được nâng cao, khi làm việc thiện, đừng xem đó là việc thiện, càng không nghĩ đó là việc ác. Đôi khi lòng từ bi có nghĩa là giúp đỡ người khác, đôi khi nó có nghĩa là tỏ lòng thương xót tất cả chúng sinh và thấy người khác đáng thương, đôi khi nó có nghĩa là bố thí, và đôi khi nó có nghĩa là nói những điều tốt đẹp đến người khác cũng là một loại từ bi.

Đối với người học Phật, tâm con người là quan trọng nhất, tâm là sản vật của sự tác động hoàn cảnh bên ngoài. Vì tâm tiếp xúc với những tình huống khác nhau nên sẽ nảy sinh ra những ý tưởng, khái niệm khác nhau nên tâm trí sẽ thay đổi theo những chuyển đổi của hoàn cảnh bên ngoài. Khi nhìn thấy mọi người như vậy, tâm quý vị cũng sẽ lay động; ai cũng tham, nên quý vị cũng tham; ai cũng ghét người này, nên quý vị cũng ghét họ; ai cũng làm những điều ngu xuẩn, nên quý vị cũng làm như vậy. Nhiều tên côn đồ đang làm những việc tục tĩu, khi quý vị nhìn thấy mười người xung quanh quý vị làm điều đó, quý vị cũng làm theo, bởi vì họ đều đang làm điều đó. Vì thế, tâm chúng ta phải biết tránh xa môi trường bên ngoài của nhân gian và tìm kiếm sự tốt lành của bản chất từ nội tâm chúng ta, đó chính là tìm thấy Phật tánh trong tâm mình. Chỉ cần trái tim bên ngoài cộng với bản chất bên trong của quý vị (tức là bổn tánh) thì nghiệp chướng của quý vị mới có thể được cải sửa và mới có thể hợp hai thành một. Nếu quý vị có nhân cách tốt thì cầu xin việc gì cũng linh ứng. Hôm nay, cái tâm bên ngoài của quý vị đang cầu xin cho gia đình quý vị, nhưng cái tâm bên trong quý vị có lòng từ bi - bản chất của Bồ Tát, khi quý vị quỳ xuống là quý vị đã hợp nhất với Bồ Tát. Nếu cầu xin không được linh ứng thì có nghĩa là tâm đang cầu nhưng bổn tánh không phát ra hào quang của Phật, Bồ Tát. Chúng ta nên cầu xin với lòng tôn kính, lòng từ bi của chư Bồ Tát và lòng biết ơn của chư Phật, tâm thành tắc linh. Sư Phụ dùng bạch thoại Phật pháp để nói rằng chỉ khi nào quý vị thành tâm thì quý vị mới có thể cầu xin linh ứng được. Vì thế, nhiều người tùy tùy tiện tiện cầu Phật rằng: "Để thử xem, không chừng có thể toại nguyện." Với loại tâm nguyện này, chắc chắn sẽ không thành công. Tại sao tâm là tiêu chuẩn duy nhất để tu tâm và là điều quan trọng nhất? Tại sao Sư phụ lại nói với mọi người rằng "niệm kinh tức là niệm tâm"? Kinh văn là những thứ trong tâm quý vị - những thứ thuộc về bản chất của quý vị. Hãy dùng trái tim của quý vị để lộ ra sự thiện lương của bản chất bên trong. Vì vậy, Tâm Kinh là thánh bảo (là bảo bối) trong kinh điển.

Giảng đến đây Sư Phụ muốn giảng giải ngắn gọn về Tâm Kinh cho quý vị hiểu. "Tâm Kinh", mỗi người chúng ta đều tụng hàng ngày, trong "Tâm Kinh" có một câu "chiếu kiến ngũ uẩn giai không", dường như ai cũng hiểu được câu này. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu năm uẩn là gì - sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vậy làm thế nào để chiếu được tánh Không của nó đây? Trước hết chúng ta phải hiểu rằng muốn thâm nhập và chiếu được nó thì trước hết chúng ta phải có một loại sức mạnh nào đó, loại sức mạnh này là năng lượng sức mạnh vô cùng vĩ đại, để chúng ta mới có thể "chiếu kiến ngũ uẩn giai không." Sức mạnh này được gọi là "Lực Bát nhã", bởi vì chỉ có trí tuệ chúng ta mới có thể "chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Bát nhã không phải là thứ quý vị tìm kiếm từ bên ngoài. Nhiều người nói: "Tôi đi học một ít trí tuệ." Đó là điều quý vị không thể học được; mà trí tuệ đến từ bên trong, còn người khác chỉ có thể truyền cảm hứng cho nội tâm của quý vị mà thôi. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu trình độ văn hóa của quý vị không cao thì dù giáo sư có nói với quý vị bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể truyền cảm hứng cho Bát nhã bên trong của quý vị, quý vị phải có hạt giống Bát nhã và chỉ khi người khác truyền cảm hứng cho quý vị thì quý vị mới có thể hiểu được. Vì vậy, Bát nhã không phải được tìm kiếm từ bên ngoài mà được khám phá từ bên trong, đây là điều mà Đức Phật đã nói cách đây 2500 năm "tất cả chúng sinh đều có Phật tánh".

Bản thân quý vị có năm uẩn, và con người chính là năm uẩn, chỉ khi năm uẩn trống rỗng, mới có thể độ nhứt thiết khổ ách. Năm uẩn giống như năm chướng ngại, giống như những trở ngại không thể vượt qua trong cuộc sống, nếu nhìn thấu được chúng thì có thể "độ nhất thiết khổ ách", nếu hôm nay quý vị bị năm uẩn vướng mắc và bị chúng bám chặt thì quý vị sẽ không thể nhận biết được chính mình. Ví dụ: "Sắc, thọ, tưởng, hành, thức", nếu hôm nay quý vị nhìn thấy một điều gì đó tốt đẹp và trái tim quý vị bị thu hút bởi nó, thì có phải quý vị đã bị mất đi cơ hội để "độ nhứt thiết khổ ách" rồi không? Nếu hôm nay quý vị cảm thấy đau khổ, thì có phải quý vị cảm thấy bực bội bất bình không? Nếu quý vị cho rằng, hôm nay người này có điểm xấu trong ý thức của quý vị, có phải là quý vị sẽ luôn đối xử tệ với họ không? Kỳ thực, nếu quý vị luôn đối xử tệ với họ, chính là trong lòng quý vị có hận thù, vậy thì làm sao quý vị có thể vượt qua được khó khăn của chính mình đây? Bởi vì nếu quý vị hận họ, người khổ nhất là chính quý vị. Vì vậy Sư phụ muốn mọi người hiểu rằng để nhận biết được chính mình thì phải vượt qua nó.

Lấy một ví dụ đơn giản, người này rất tốt bụng và sống với quý vị đã lâu, nhưng vì họ làm sai điều gì nên ý thức của quý vị cảm thấy "cậu ta thật đáng ghét", tuy nhiên, quý vị không thể vượt qua năm uẩn này và không thể nhìn thấu được năm uẩn này, nếu quý vị ghét cậu ta thì cuối cùng quý vị sẽ không vượt qua nổi thời khắc quan trọng này, không vượt qua nổi khổ ách này, nếu quý vị ly hôn hay rời xa họ, thì có phải sẽ mang lại cho quý vị nhiều đau khổ hơn không?

Người người niệm Phật nhưng có thể cũng không biết được Phật; người người đều tụng Tâm Kinh nhưng không hiểu những nguyên lý trong Tâm Kinh; người người đều biết Phật là ai, nhưng có bao nhiêu người thật sự hiểu được Phật? Vì chúng ta đã bị ngũ uẩn vây quanh và có thể dựa vào đâu để thúc đẩy bản thân "chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Đó là nương vào sức mạnh Bát nhã sâu thẳm trong tâm. Chỉ bằng cách "hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời", thì mới có thể "chiếu kiến ngũ uẩn giai không". Điều này muốn nói với quý vị rằng chỉ khi quý vị thực hành con đường Bồ Tát thật sâu sắc và hiểu sâu sắc lời dạy của đạo Phật, thì tâm của quý vị mới có thể nhìn thấy được miền cực lạc, hiểu được ý nghĩa thực sự và phương hướng học Phật, khi cảnh giới của quý vị cao thì mới có thể "chiếu kiến ngũ uẩn giai không".

Chữ "thâm" trong "Hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời" rất quan trọng, thực ra chữ "thâm" có nghĩa là càng học sâu thì cảnh giới của người này càng cao. Đại thừa được gọi là "thâm Bát nhã" và Phật giáo Tiểu thừa được gọi là "tiểu Bát nhã". Bát nhã thâm sâu là hiểu được trí tuệ lớn lao; Bát nhã nhỏ là hiểu được trí tuệ của Bồ Tát ở mức độ nhỏ. Bát nhã, nếu quý vị có thể hành thâm, tức là quý vị có thể tu tập đến mức độ rất thâm sâu, quý vị sẽ hiểu được lời niệm Phật: Phật từ đâu đến, tại sao Phật sống ở thế gian này, và thế giới này tại sao lại tồn tại chân đế? Quý vị nhìn Phật đọc kinh sẽ thấy càng ngày càng sâu hơn. Khi quý vị "hành thâm" thì không dễ nhìn thấy được tận cùng. Cũng giống như biển, nếu nó rất sâu, thì quý vị không thể nhìn thấy được thế giới dưới đáy biển. Quý vị không biết nó sâu đến mức nào, nếu đi "hành thâm" quý vị sẽ dần dần hiểu được lời kinh Phật dạy: "vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ" (chẳng từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu). Bởi vì thâm sâu quá, ta không biết biển từ đâu đến, cũng không biết nó đi về đâu, hình như ở đó, nhưng dường như không có ở đó, bởi vì nó sâu quá, ta không biết được mực nước biển sâu bao nhiêu mét.

Cho nên "cố danh Như Lai"(gọi là Như Lai). Khi chúng ta niệm Phật, dù niệm vị Phật nào, chúng ta đều hiểu rõ trong lòng rằng ""Chẳng đến cũng chẳng đi", tức là "các pháp đều không có nguồn gốc". Chư Phật Bồ Tát dạy chúng ta hiểu rằng mọi pháp trên thế gian đều "không có nguồn gốc", vì nó quá thâm sâu nên chúng ta không thể thấy rõ, không thể thấy được nó đến từ đâu, thì chúng ta mới hiểu được đây là kinh Phật, pháp Phật rất thâm sâu, nếu nó có nguồn gốc thì Như Lai không còn "vô sở tòng lai" nữa rồi. Nếu chúng ta hiểu điều gì đó một cách nhanh chóng, thì chúng ta không thể hiểu nó một cách sâu sắc. Thử nghĩ xem, tâm con người có phải như vậy không? Có nhiều người bây giờ yêu nhau rất nhanh mà không hề biết đến thế giới nội tâm của đối phương. Tại sao có nhiều người yêu nhau, lấy nhau rồi lại bị lừa? Tại sao có người yêu nhau mấy chục năm, tương thân tương ái nhưng cuối cùng mới hiểu được đối phương? Bởi vì tình yêu đã đạt đến mức sâu thẳm. Vì vậy, danh hiệu của Đức Phật cũng vậy, chẳng từ đâu đến, lại cũng chẳng đi về đâu. Thâm là gì? Chúng ta cần phải học trí tuệ thâm sâu vô tận của Bát nhã, khi hiểu được trí tuệ vô tận của đạo Phật là quý vị đã hoàn toàn nhập vào Tánh Không rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com