Chương 3
Mặc dù bà Mỹ Nhung hết lời ngăn cản nhưng Thùy Trang vẫn nhất quyết đi làm cho bằng được. Cô thật sự không muốn quanh quẩn ở nhà với những ý nghĩ lan man và một tâm trạng chán chường. Hôm nay cũng là ngày văn phòng Luật sư của ông Phú Hòa tổ chức buổi Hội thảo, cô cũng nên đến đó xem qua một chút. Đã hứa thay chị mình lo lắng và sắp xếp mọi việc thật tốt, vậy mà cơn bệnh nặng ập tới suốt mấy ngày, cuối cùng phải để bà ấy tự gánh vác. Thùy Trang cảm thấy có lỗi rất nhiều.
Hai người đã ra nhà hàng rất sớm khi mọi người chỉ mới bắt đầu vào công việc. Thùy Trang đã trực tiếp giám sát quá trình. Mấy ngày cô vắng mặt hôm nay đi làm lại ai nấy cũng đều vui mừng quấn quýt bên cô. Thật sự chỉ có công việc mới khiến cô cảm thấy thoải mái.
Ông Phú Hòa nhìn mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ cảm thấy rất hài lòng. Thùy Trang đứng đó với gương mặt rạng rỡ đầy sức sống ông như vứt được một phần lo lắng. Ngoại trừ căn bệnh "tâm tư" suốt mười mấy năm nay không hết thì vợ chồng ông cũng không có gì phải lo cho đứa em gái nuôi này nữa. Cũng nhiều lần ông tìm hiểu vài mối xứng đáng, thầm mong Thùy Trang có chỗ tựa nương để vơi bớt nỗi cô đơn hiu quạnh về sau này nhưng đều bị cô từ chối khéo. Ông và vợ sau đó cũng thầm hiểu được và cuối cùng đều buông xuôi bỏ cuộc, thật sự rất muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm.
Hai vợ chồng ông nói thêm mấy lời với nhau rồi ông vào hội trường còn bà Mỹ Nhung thì về phòng làm việc.
Trong lúc đó, Thùy Trang một mình đi dạo xung quanh, tự mình kiểm tra mọi thứ. Hầu như mọi người cũng đã quen với hình ảnh này, không ai lạ lẫm hay thắc mắc vẫn là làm tốt công việc của mình.
Ở đây ai cũng ca ngợi cô là một người phụ nữ hạnh phúc. Cô có nhan sắc, cô có tài năng, cô có anh chị tốt. Có thể đối với mọi người đó là hạnh phúc, nhưng đâu ai hiểu được trong tâm can của cô, những cơn sóng ngầm lúc nào cũng ầm ầm nổi dậy. Mọi thứ vật chất đối với cô chỉ là sự vay mượn đổi trao của kiếp người. Người ta sống trên đời ngoài vật chất thì cần phải có một trái tim và linh hồn. Cô có một trái tim nồng nàn giàu tình cảm, nhưng nó không đủ sức nuôi dưỡng linh hồn cô. Trái tim này, bây giờ nó chỉ đơn giản là một khối thịt, sống được là nhờ máu trong cơ thể đã nuôi dưỡng nó, phần còn lại nó đã chết kể từ ngày cô ôm nỗi sầu ra đi.
Có lẽ nó sẽ mãi mãi héo mòn và chết đi nếu không được gặp lại người ấy nữa. Nhưng nếu gặp nó có thể sống lại được không? Hay lúc đó nó sẽ trở thành bộ dáng thảm thương hơn bây giờ? Cô không biết và không dám suy nghĩ thêm nữa. Lồng ngực lại có một cảm giác đau đớn tê dại. Tại sao dạo gần đây cảm giác này xuất hiện ngày một nhiều, trong khi không phải một ngày một bữa cô nhớ đến anh. Và hơn thế nữa cô phát hiện có những cảm xúc ẩn sâu trong cõi lòng nhiều năm nay đang bắt đầu trở mình sống dậy. Cảm giác này y hệt như ngày đó cô chỉ kịp viết vội một lá thư rồi ôm con rời đi, một lời cũng không thể nói với người ấy, một ánh nhìn cũng không thể trao.
- Xin lỗi! Chị có sao không? Do em vội quá lo chạy mà không nhìn đường.
Thùy Trang thẫn thờ với mấy ý nghĩ mông lung đột nhiên bị một chàng trai đụng trúng. Cậu ấy nhìn rất trẻ, có vẻ đang vội thật nên mặt mũi đầy mồ hôi, hớt ha hớt hãi từ phía ngoài chạy vào. Nhìn như vậy cô cũng không muốn gây khó dễ, chỉ xoa xoa bên vai mình mỉm cười.
- Tôi không sao? Cậu có sao không?
Chàng trai kia thở nhẹ ra một cái, tay gãi đầu vẻ mặt ngượng ngùng:
- Dạ không. Em thành thật xin lỗi chị, có gì không phải mong chị rộng lòng bỏ qua. Do em bị trễ giờ dự Hội thảo trong kia nên em mới đâm đầu chạy. Nếu chị không có sao em xin phép đi trước, có duyên gặp lại em xin được nói chuyện nhiều hơn để tạ lỗi ạ.
Thì ra là một trong những luật sư trẻ tiêu biểu được văn phòng Luật Phú Hòa mời tham dự Hội thảo, hoặc cũng có thể cậu ta là nhân viên của ông ấy. Ý nghĩ đó khiến ánh mắt cô trở nên hiền hòa, cô mỉm cười:
- À, thì ra cậu là một luật sư. Thôi nhanh vào trong đi, chương trình đã bắt đầu nãy giờ rồi đó.
Chàng trai gấp gáp chỉ kịp gật đầu một cái đáp lại rồi lại chạy như bay vào trong. Khi chàng trai ấy đi rồi Thùy Trang mới phát hiện dưới chân mình có một cây bút gỗ màu trắng ngà. Cô đã nhặt lên ngắm nghía, nó rất đẹp dọc trên thân còn có dòng chữ "Đình Duy" đặc biệt tinh xảo, chắc là tên của chàng trai lúc nãy. Nâng niu nó trên tay mình một lúc cô lại cảm thấy có một nét gì đó vô cùng quen thuộc mà bản thân đã từng nhìn thấy qua. Nhưng mà sau đó cô đã cất lại ý nghĩ đó vào lòng, cô sợ phát hiện ra một điều gì đó có thể khiến lòng mình lại trở nên lộn xộn và rối bời.
Liếc nhìn cây bút lần nữa, cô khẽ lắc đầu rồi men theo một lối vắng đi vào bên trong. Một món đồ đặc biệt như thế này có lẽ nên trả lại cho chủ nhân của nó. Thùy Trang nghĩ vậy nên đã nhờ một người nhân viên quen thuộc giúp cô trao trả để vật về với chủ. Sau đó trở về phòng làm việc.
Bà Mỹ Nhung vừa thấy cô trở về ánh mắt tò mò.
- Sớm giờ em đi đâu vậy?
- Em đi vòng vòng ở dưới sảnh á chị.
- Sao mặt lại ủ rũ thế kia?
- Dạ, đâu có chị. Chắc do nắng làm em mệt.
Bà ấy nhìn sâu vào mắt cô cố tìm một chút sơ hở, cuối cùng bà chỉ có thể nói một câu:
- Đừng để đầu óc bị mấy suy nghĩ linh tinh làm mệt mỏi, em chưa thiệt khỏe đừng để bệnh trở lại. Nếu em không nghe lời, chị đưa em vào bệnh viện đó. Mấy ngày nay ốm quá rồi, về nhà nghỉ ngơi đi.
Thùy Trang bị chị mình chỉ trích cô liền nhăn mặt khổ sở:
- Chị, em không muốn suốt ngày ở nhà đâu, chán lắm.
- Em thật cứng đầu.
- Bao nhiêu năm nay chị cũng biết em như vậy rồi mà, đâu phải lần đầu tiên.
- Nhưng lần này thì khác, chị cảm thấy em xuống dốc rất nhiều. Trong lòng em như thế nào? Có thể chia sẻ cùng chị được không?
Bà Mỹ Nhung cầm lấy đôi bàn tay có hơi gầy gò của Thùy Trang đặt vào tay mình xoa nhẹ. Trong thâm tâm của bà cô ấy là một người em một người bạn mà bà hết lòng nâng niu và trân trọng. Lòng cô ấy ra sao lẽ nào bà không biết, nhưng ít ra cô ấy phải lên tiếng thổ lộ bà mới có tư cách can dự sâu vào. Tuy là thân thiết nhưng nếu cô ấy không muốn bộc bạch nỗi lòng sâu kín tuyệt đối bà sẽ không xen vào.
Thùy Trang phân vân suy nghĩ thật sự rất lâu, cuối cùng khẽ nói:
- Có lẽ em sẽ về quê một chuyến.
- Em đã có quyết định rồi à?
- Dạ phải. Mấy ngày nay lòng em cứ bồn chồn khó chịu, có một thứ gì đó cứ thôi thúc ý nghĩ của em xuôi về nơi cũ. Hình ảnh của anh ấy lúc nào cũng chập chờn ẩn hiện trong mỗi giấc ngủ của em. Sợ nếu bỏ lỡ lần này sẽ có những điều khiến em lại tiếc nuối cả đời.
- Nếu em đã quyết định thì chị ủng hộ. Lúc nào chị cũng muốn em vui. Vậy em định khi nào đi?
- Vài ngày tới em sắp xếp công việc cho ổn rồi em đi.
Bà Mỹ Nhung lẩm nhẩm suy tính:
- Mai đi liền đi. Công việc có chị rồi.
- Hai ngày nữa em có hẹn với nhà cung ứng bàn về vấn đề nhập hàng, xong hợp đồng lần này em mới có thể đi được.
- Khách quen hay lạ, để chị thay em.
- Dạ, chỗ này mới. Trước đó em đã có nói chuyện một lần, có vẻ họ rất khó nên em muốn nói chuyện với họ lần nữa.
- Ừ thôi cứ sắp xếp đi. Giờ chị về trước, chiều em nhớ về đúng giờ để ăn cơm đó.
Tiễn bà ấy ra về đã lâu nhưng trong lòng Thùy Trang vẫn còn vương vấn lại rất nhiều thứ, về món đồ kia, về chàng trai lúc sáng và về Hoàng Tâm. Cô nhận ra rằng người ấy như một cây cổ thụ bám rể vào lòng cô quá sâu đậm.
Một buổi sáng nắng vàng như ướp mật, Hoàng Tâm bận rộn với công việc của mình. Cơ sở sản xuất gỗ và nội thất này được anh tạo dựng cách đây mười năm cùng một người bạn. Sau khi hoàn toàn dừng lại việc tìm kiếm Thùy Trang, anh cố gắng vực dậy sau khoảng thời gian dài suy sụp và chọn cho mình một cái nghề. Mọi thứ có được ngày hôm nay chính là nhờ vào sự quyết tâm kiên trì và đôi bàn tay khéo léo của anh. Dường như công việc đã giúp anh xoa dịu được phần nào đó những nỗi buồn xa vắng, nỗi nhớ thương người xưa và theo đó những hiềm khích từng có với người bạn già anh cũng dần buông được.
Anh không muốn mang mãi trong lòng sự thù hận, buồn, giận bao nhiêu thì Thùy Trang của anh cũng không trở về và bản thân anh lại mất đi một người bạn, một người em thân thiết. Anh không có gia đình cho nên ngoài tình yêu anh dành cho Thùy Trang thì tình bạn là thứ anh thật sự rất trân quý. Dù người ta có đối xử tệ bạc với anh thế nào thì với anh họ vẫn là anh em.
Hoàng Tâm kéo một hơi thuốc thật dài nhìn xa xăm nơi góc trời, dạo gần đây trong lòng anh luôn khấp khởi một tia hy vọng Thùy Trang sẽ trở về. Nỗi nhớ đó ngày một dày đặc như mây ngàn cuộn lấy trái tim anh.
- Anh hai Tâm! Nghĩ gì đăm chiêu vậy?
Nghe có tiếng gọi, Hoàng Tâm nằm trên chiếc võng ngoài hàng ba cũng nhỏm người ngồi dậy. Khịt mũi nhẹ một tiếng:
- Anh còn nhớ đường qua đây hả ba Chánh?
- Sao anh nói vậy?
- Không nói vậy thì nói thế nào?
- Cứ hể gặp anh là anh móc méo tôi đủ điều. Hỏi sao tôi dám gặp anh.
- Anh không dám gặp tôi hay là không muốn? Bởi vì mỗi lần gặp nhau tôi đều nhai đi nhai lại bài ca cũ.
Chơn Chánh cầm lấy điếu thuốc của Hoàng Tâm mồi cho mình một điếu. Anh rít một hơi giọng buồn buồn trả lời:
- Chắc là cả hai. Vì tôi không giữ được lời hứa của mình.
- Biết vậy thì qua đây làm gì?
- Mấy lần trước anh về tôi không biết. Lần này biết anh về nên tôi tranh thủ qua để mời anh lai rai vài ly.
Hoàng Tâm tỏ vẻ lạnh nhạt:
- Một tuần tôi về tận mấy ngày, mà anh nói không biết là sao?
- Haiz, tôi cũng bận cả đống việc làm sao canh anh mãi được. Anh như một cánh chim trời nay đây mai đó còn tôi không phải bến đậu của anh thì không thể gặp nhau là chuyện đương nhiên.
- Thôi đừng có biện minh. Cách một hai ngày là tôi về thăm nhà với dọn dẹp bên kia, tôi biết anh cũng có vào trong đó. Anh cố ý tránh mặt tôi đành chịu.
- Không gì qua mắt được anh hết. Tôi nhận lỗi và mời anh một bữa nhậu được không?
- Về nhà anh đi khỏi đi đâu xa. Ra huyện ồn ào quá tôi nhức đầu.
Chơn Chánh vỗ tay lên đùi cười khanh khách như đúng ý mình:
- Vừa hay nhà tôi có rượu có mồi, chỉ cần anh qua thôi.
Căn biệt thự của gia đình Chơn Chánh nằm ngay mặt tiền đường lớn trông càng bề thế và nổi bật giữa một xã nông thôn còn nghèo. Cả một vùng rộng lớn này thì gia đình anh là giàu có nhất, tiếng tăm cũng vang ra những huyện xã bên cạnh – người có nhiều đất, nhiều nhà, nhiều xe nhất vùng, lại hạnh phúc với một người vợ xinh đẹp và một đứa con gái hiền lành ngoan ngoãn.
Thứ mọi người nhìn thấy ở bên ngoài hào nhoáng là vậy, chứ đâu ai biết hoàn cảnh bên trong từng đường tơ mối nhợ nó chằng chịt trái ngang ra sao. Giàu có để làm gì mà lương tâm không một ngày được thanh thản.
Chơn Chánh đứng trước cánh tủ vừa cao vừa rộng chứa đầy các chai rượu tây đắc đỏ đắn đo lựa chọn và tìm kiếm. Cuối cùng anh cũng đã tìm được một chai rượu lâu năm quý giá mà anh ưng ý nhất để đem ra mời người anh em của mình.
Nếu ai ở cái xứ này lâu năm cũng biết rõ Hoàng Tâm và Chơn Chánh là hai người bạn thân thiết từ thuở thiếu thời, cho nên mọi người hay gọi nối liền là "Hai Tâm – Ba Chánh". Nhưng đáng tiếc chỉ vì si tình một người con gái mà cả hai đã trở mặt thành thù. Người con gái ấy cũng đã ra đi hơn hai mươi năm dài biền biệt chưa một lần trở lại quê xưa, còn hay mất cũng không ai biết được. Hai Tâm ở vậy đến tận bây giờ có lẽ để chờ đợi, ba Chánh thì nên duyên cùng Phương Huệ – một tiểu thư nhà giàu cũng một thời si mê anh. Nhờ của cải nhà vợ ba Chánh lại có tài và chí thú làm ăn, sự nghiệp ngày một phát triển lừng lẫy. Hai Tâm tuy không được phước phần như người ta nhưng nhờ sự siêng năng chăm chỉ và tài hoa mà nhiều năm sau đó anh cũng gầy dựng được sự nghiệp cho mình.
Thời gian vẫn trôi, cuộc đời vẫn xoay vần, bao nhiêu đau đớn, tiếc nuối hay thù hằn cuối cùng cũng tạm xí xóa. Hai người bạn này lại ngồi bên nhau nhâm nhi từng ly rượu đắng.
Đối với Hoàng Tâm, không phải anh đã hoàn toàn quên đi sự hận thù chỉ là anh muốn dòng nước dơ này lắng đọng lại, sau đó lọc lấy một chút ít nước không có bụi bẩn để tưới qua cuộc đời. Đó cũng là những gì Thùy Trang nhắn gửi lại trước khi ra đi, anh không muốn sự ra đi ấy là vô nghĩa.
Hôm nay ngồi đối diện, ly cụng ly với người bạn của mình Chơn Chánh cảm thấy hổ thẹn. Anh chỉ cúi đầu cười buồn:
- Lâu lắm rồi tôi với anh mới ngồi nhậu cùng nhau.
- Ừ, thật lâu lắm rồi. Thời gian trôi qua thật nhanh, cuộc đời có biết bao chuyện ngỡ ngàng. Cũng như tôi và anh sắp thành thông gia.
- Nhớ hồi Huệ sanh con Diễm anh vẫn còn một mình, vậy mà bây giờ có thằng con hai mươi mấy tuổi. Ha ha...
- Tôi nhờ phước trời cho. Không có vợ nhưng lại có con.
Hoàng Tâm giơ cao ly rượu, chất lỏng màu đỏ trong ly sóng sánh nghiêng ngả như nhảy múa theo sự hào hứng của anh. Anh nhìn nhìn rồi ngửa cổ uống cạn. Rượu đi qua cổ rồi xuống bụng, ban đầu có vị ngọt sau đó có vị đắng chát, khoang bụng nóng dần lên, hương rượu vang nồng nàn lan tỏa xông thẳng lên đỉnh đầu. Anh âm thầm thừa nhận đó là một mùi vị mới mẻ, hay ho nhưng vẫn không bằng loại rượu đế quê nhà. Ánh mắt lặng lại, anh xoay xoay cái ly trong tay mình rồi hỏi:
- Ba Chánh, anh còn nhớ lần cuối chúng ta uống cùng nhau là khi nào không?
Chơn Chánh gật đầu, kéo một hơi thuốc dài rồi trả lời:
- Nhớ chứ anh. Là lúc đầy tháng con gái tôi anh đã xách một bình rượu qua nhà để chúc mừng tôi được làm cha và cũng không tiếc lời mắng chửi tôi thậm tệ. Trong căn nhà cũ ngoài vàm, bàn nhậu đơn giản vài món và một chai rượu nếp thơm. Và cũng lần đó anh chia tay gia đình tôi đi lập nghiệp, sau đó tôi và anh ít gặp nhau dần đi, tôi còn tưởng anh giận tôi luôn rồi chứ.
- Phải, tôi đã từng rất giận anh. Hai mươi hai năm rồi, tôi vẫn nhớ như in ngày đó, chuyện đó, trong lòng tôi chứa đầy nỗi hận thù sâu đậm. Nhưng hận để được gì? Người ta có quay trở về nữa đâu. Mà anh cũng tệ lắm. Một mình tôi tìm kiếm không ra đã đành, vậy mà anh cũng bỏ mặc người ta với con trai anh. Lần nào có dịp gặp mặt tôi cũng hỏi anh về chuyện đó, mà anh đều trả lời là tìm không ra.
- Tôi cũng đã cố gắng hết sức.
Hoàng Tâm cười mỉa, hạ điếu thuốc xuống gạc tàn, giọng nói hơi cao và có phần bực tức:
- Cố gắng, cố gắng. Chỉ một từ cố gắng thôi hả ba Chánh? Riết rồi tôi nghĩ anh muốn cho chìm xuồng mọi chuyện để mà yên ổn gia can tới ngày hôm nay.
- Hãy hiểu cho tôi. Dù sao đi nữa thì đó cũng là máu mũ của tôi mà anh Tâm. Tôi cũng đau xót lắm. Hai mươi mấy năm nay ngoài lặn lội lên Sài Gòn tìm kiếm tôi còn cho đăng cả tin tức trên báo. Vậy mà mẹ con nó vẫn bặt vô âm tính, tôi biết phải làm sao?
- Rồi anh cho qua luôn hay sao? Anh phải làm cách nào chứ? Nếu biết ngày nay anh nhập nhằn như vầy thà hồi đó tôi...
- Thôi mà anh Tâm, có gì thì từ từ nói. Anh sao mà cái tánh nóng nảy nào giờ không bỏ hà.
Từ ở nhà sau Phương Huệ nghe hai người đàn ông lớn tiếng qua lại cô nóng ruột nên bấm bụng đi ra can ngăn. Hiểu tánh ý của chồng và người anh này, biết là sẽ không có xảy ra chuyện gì nhưng nếu mỗi người một câu thế này bữa tiệc vui sẽ mất phần hương vị. Khó khăn lắm hai người họ mới có cơ hội ngồi lại với nhau như vầy, không lẽ vì đôi ba câu nói lại bất hòa.
Cô để dĩa trái cây xuống bàn, nhìn qua chồng mình có ý xoa dịu. Chơn Chánh hiểu ý gật đầu. Nhưng Hoàng Tâm dường như lại không hài lòng với câu nói đó, anh ra lời chỉnh đốn:
- Nóng gì mà nóng. Cô coi tôi nói không phải sao? Đành rằng ngày xưa có chuyện đó xảy ra ngoài ý muốn của chúng ta, nhưng để Thùy Trang phải chịu thiệt thòi ôm con nhỏ bỏ xứ đi xa trách nhiệm và lương tâm để ở đâu. Chuyện này không lẽ hai người buông xuôi.
Phương Huệ rầu rĩ trả lời:
- Vợ chồng em cũng đã gắng hết sức rồi, nhưng chị Trang và cháu Thiện vẫn bặt tăm.
Hoàng Tâm lại tiếp tục chất vấn:
- Vậy tại sao hai người lại giấu giếm chuyện này không muốn nói cho con Diễm biết.
- Con Diễm... anh cũng thấy đó, tính nó rất nhạy cảm. Em không cho nó biết là vì sợ nó buồn.
- Tôi định tới ngày nó lấy chồng thì cũng nói cho nó biết thôi anh Tâm à. – Chơn Chánh cũng mở lời nói đỡ cho vợ mình.
- Không biết khi con Diễm và thằng Duy biết chuyện này tụi nó sẽ nghĩ ra sao?
Phương Huệ nhìn qua chồng mình thể hiện ánh mắt lo lắng. Hai người chỉ có một đứa con gái duy nhất nên bao nhiêu tình thương và điều tốt đẹp nhất họ đều dành hết cho con. Từ nhỏ Phương Diễm luôn tôn thờ và kính trọng cha mình tuyệt đối, đối với con bé ông nhưmột hình mẫu lý tưởng mà không ai có thể thay thế được. Cho nên những việc sai lầm mà Chơn Chánh đã từng gây ra thời trẻ như là một vết nhơ đậm màu sẽ phá nát hình ảnh người cha tuyệt vời đó trong lòng nó. Chẳng ai dám nói ra điều tai tiếng đó một lần nào cả.
Thế nhưng sẽ chẳng có bí mật nào được che giấu mãi mãi, mà chỉ có thời gian nó tồn tại trong bao lâu mà thôi.
Làm sao Hoàng Tâm lại không biết những điều này. Nhưng mỗi lần nghĩ đến Thùy Trang và đứa bé ấy lòng anh lại gợn sóng. Anh xót xa cho họ, anh cay đắng với cụm từ "máu chảy ruột mềm" mà Chơn Chánh đã nói. Máu đã chảy rồi nhưng không biết ruột đã mềm chưa. Anh chỉ biết con bé Phương Diễm đã được vợ chồng họ bảo bọc yêu thương trong gấm lụa ngần ấy năm trời, còn thằng bé Hà Chơn Thiện năm ấy vẫn bặt vô âm tín. Bao lần đối diện nếu anh không chủ động hỏi tới thì họ cũng im lặng như tờ. Vậy cũng đủ biết "dòng máu" này tuy một mà hai. Anh nhấp thêm một ngụm rượu, nhếch môi cười mỉa:
- Nghĩ trăng sao gì! Sự thật vẫn là sự thật, ăn thua là ở con Diễm còn thằng Duy nó không có quyền phán xét ai hết.
- Đây tuy là chuyện nhà mình nhưng ngày xưa dính líu tới anh hai không nhỏ. Cho nên hôm nay sẵn có mặt anh hai Tâm ở đây mình giải quyết cho xong chuyện, để mai mốt hai đứa nhỏ nên duyên nợ thì khúc mắc gì cũng được tháo gỡ.
Cuối cùng thì Chơn Chánh cũng đã mở miệng nói được mấy lời dễ nghe. Hoàng Tâm thấy khá hài lòng với quyết định này, trong lòng cởi mở hơn rất nhiều, anh gật đầu:
- Anh nói như vậy thì tôi chịu. Chứ bao năm qua tôi vẫn còn để bụng, vết thương lòng cứ âm ỉ không thôi.
- Tôi hiểu mà. Chính vì chuyện đó mà anh đã sống đơn độc và âm thầm chờ đợi tới ngày hôm nay.
- Từ lúc chị Trang ra đi em cũng đã nhủ thầm trong dạ, mai này nếu chị Trang quay lại thì vợ chồng em sẽ chu toàn và lo lắng mọi bề cho mẹ con chị ấy. – Phương Huệ cũng nêu lên ý kiến của mình.
- Ít nhiều gì tôi cũng hiểu được tâm ý Trang, ngày xưa vì chữ tình với anh Tâm mà cô ấy thà vứt áo ra đi cho phụ tử đoạn lìa chứ không chấp nhận trách nhiệm từ tôi. Thì bây giờ nếu có quay lại cô ấy có lẽ cũng không muốn liên quan đến vợ chồng mình. Nhưng mà dù muốn dù không tôi cũng phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận.
- Ba Chánh! – Hoàng Tâm một lần nữa đặt ly rượu xuống bàn lớn tiếng gọi – Anh nói như vậy là đổ lỗi cho người ta tự bỏ đi chứ không phải tại anh sao ba Chánh?
Sự vui vẻ và hài lòng diễn ra trong chớp mắt rồi lại trở về như hiện trạng ban đầu. Trong câu nói của Hoàng Tâm có một sự khó chịu không hề nhỏ khiến cho Chơn Chánh bất giác nhăn mày, ánh mắt một phần bất mãn nhưng chín phần bất lực. Mỗi lần nhắc tới chuyện này Hoàng Tâm đều có thái độ khó chịu và không hài lòng, đôi khi còn có những câu chửi nặng nề, nhưng cuối cùng anh đều không đáp trả. Chơn Chánh liếc mắt nhìn người bên cạnh rũ mắt buồn bã anh càng không muốn gây thêm chuyện. Giữa hai người đàn ông, một người nóng tính đã đủ rồi, không thể có thêm người thứ hai. Huống hồ gì trong chuyện này người sai là anh. Món nợ này là anh nợ họ.
- Thôi, tôi với anh đi ra vàm một lát đi anh Tâm.
Chơn Chánh chép miệng thở dài sau câu nói, có lẽ vì anh không muốn nhắc đến chuyện buồn phiền này nữa. Nhưng Hoàng Tâm lại nhìn anh khó hiểu, liền hắng giọng hỏi:
- Sao lại rủ tôi ra vàm? Anh không đợi thằng Duy với con Diễm đi chơi về rồi nói chuyện với tụi nó luôn hả?
- Bây giờ tôi với anh đều có rượu hết rồi, lời lẽ cũng không mấy xuôi tai nên tôi định mai mốt hai anh em mình tỉnh táo thì nói chuyện đàng hoàng hơn.
- Ừ. Anh nói vậy thì cứ vậy đi. Sẵn ghé thăm chú Tư đưa đò một thể.
- Mấy hôm trước gặp tôi chú có nhắc anh.
Hai người đàn ông thả bộ trên con đường xi măng rộng lớn, rồi băng qua một lối mòn nhỏ nằm giữa mấy hàng tre già để ra được đầu vàm.
Người dân ở đây lâu đều biết chỗ được gọi là vàm này là một ngã ba sông. Chỗ Hoàng Tâm và Chơn Chánh đứng là một nhánh sông nhỏ của con sông cái ngoài kia đổ vào, nhánh sông này chia cắt hai xã của một huyện nghèo, hằng ngày người dân muốn đi lên chợ huyện gần nhất và nhanh nhất thì phải đi đò của chú Tư qua sông. Ngày đó Thùy Trang cũng đi về trên dòng sông này sáng chiều hai buổi, nhưng lần nào cũng đều do Hoàng Tâm chèo đò đưa cô đi. Tình cảm của họ cũng như nước dòng sông này ngày một lớn dần và đong đầy hơn. Nhưng sông thì không tránh được những cơn sóng làm cho bên lở bên bồi, dòng sông như giãn rộng ra và khoảng cách giữa Hoàng Tâm và Thùy Trang theo đó cũng xa dần. Sông rộng thì người ta đã bắt nhịp cầu lớn, vậy hai người xa nhau biết bắt nhịp gì để gặp lại.
"Sóng đời cuộn trôi, lở rồi sông bên đó
Nhà em đã bỏ làng đi mãi không về
Mỗi ngày bên sông không còn em đi học
Ngọn gió reo buồn, buồn trong nhánh mù u
Nhánh mù u, con bướm vàng không đậu
Câu ca từ thời thơ dại ru sang
Sông quê, trường làng, con đò trên cát lở
Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ nao lòng"
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com