C77 - Lần thứ hai
Đó là lần thứ hai Văn Nhiễm nhắc đến "mãi mãi"
Văn Nhiễm cúi đầu bước nhanh đến thang máy, đưa tay bấm mạnh nút đi lên.
Lên đến tầng hai mươi bảy, nàng vội vã mở cửa và bước vào phòng, quay người, khóa trái. Đặt hộp dụng cụ sang một bên, ném mình lên giường, dùng gối trùm kín đầu.
Lúc này chiếc điện thoại nàng để ở đầu giường "rè rè" rung lên. Nàng vẫn trùm đầu bằng gối, chỉ đưa một tay ra lần mò.
Khi nắm được điện thoại trong lòng bàn tay, nàng dịch gối sang một bên, hé một con mắt nhìn ra.
Là tin nhắn từ Hứa Tịch Ngôn gửi đến: [Cảm ơn.]
Văn Nhiễm ném điện thoại sang bên cạnh.
Cảm ơn cái đầu cậu ấy.
******
Bên kia, Hứa Tịch Ngôn nghỉ ngơi một lát trong phòng, rồi lại quay trở về phòng luyện tập.
Trần Hi mua cà phê về, Hứa Tịch Ngôn bảo cô đến thẳng phòng luyện đàn, lúc này Trần Hi vội vàng chạy tới: "Chị Ngôn Ngôn, không gặp chuyện gì chứ?"
Hứa Tịch Ngôn không giống những ngôi sao khác, cũng không phải kiểu không có cuộc sống xa hoa. Có khoảng thời gian dài cô thậm chí không biết mình có bao nhiêu tiền, ra ngoài cũng chưa từng mang theo tiền. Nhưng cô thích bay khắp thế giới, những chuyện lặt vặt trong cuộc sống thì lại không nhờ vả trợ lý.
Hơn nữa cô rất kiêu ngạo, chuyện bôi thuốc như thế này, cô không để Trần Hi giúp.
Hứa Tịch Ngôn ngồi xuống trước đàn dương cầm: "Có thể gặp chuyện gì chứ."
"Nhưng mà..." Nhưng trông chị cứ như vừa gặp phải chuyện gì vậy.
Hứa Tịch Ngôn ngẩng mắt nhìn cô một cái.
Cô xua tay: "Không có gì không có gì."
Văn Nhiễm tắm xong, không ngủ được, liền trèo xuống giường xem sách nhạc lý. Đọc một lúc lại mất tập trung, nàng mở khung trò chuyện với bà Bách trong WeChat, xem mấy đoạn video ngắn về F1 mà bà gửi.
Thỉnh thoảng đi công tác ngắn ngày, nàng không nỡ gửi F1 đến tiệm thú cưng, nên nhờ bà Bách đến nhà cho mèo ăn.
Lúc này lại có một tin nhắn gửi đến.
Chu Bối Di: [Chị Nhiễm ngủ chưa ạ?]
Văn Nhiễm: [Chưa.]
Chu Bối Di: [Lần trước có một bản nhạc, sau khi bàn xong hình như chị cầm đi rồi.]
Văn Nhiễm: [Để chị tìm.]
Hai phút sau: [Tìm được rồi.]
Chu Bối Di: [Em lên lấy nhé.]
Văn Nhiễm: [Không cần, chị mang xuống cho.]
Phòng của nhân viên đi theo và nghệ sĩ ở tầng khác nhau, Chu Bối Di ở tầng mười tám.
Văn Nhiễm thay đồ rồi vội vàng xuống lầu, Chu Bối Di đứng đợi ngoài cửa, trông có vẻ hơi mệt mỏi.
Thấy Văn Nhiễm, liền mỉm cười với nàng.
Văn Nhiễm đưa bản nhạc, cũng không hỏi luyện đàn thế nào, chỉ dặn cô nghỉ ngơi cho tốt.
Chu Bối Di gật đầu: "Lúc em đi, nghe thấy chị Tịch Ngôn vẫn còn đang luyện ở phòng bên cạnh, thật giỏi, chẳng biết mệt là gì."
Văn Nhiễm ngạc nhiên: "Cậu ấy quay lại phòng luyện đàn rồi à?"
Còn hai ngày nữa là đến buổi biểu diễn, hầu hết các nghệ sĩ đều sẽ không luyện tập quá độ để giữ sức.
Hứa Tịch Ngôn làm như vậy, là vì tình trạng của tay phải trở nên nghiêm trọng hơn sao?
Văn Nhiễm quay về phòng, không tài nào ngủ được.
Nàng lại trèo xuống giường, một mình đi về phía phòng luyện đàn.
Trời về đêm, nơi góc đường hoa phượng vĩ trên cành nở rộ, trong không khí đã có chút gì đó của hơi thở đầu hạ.
Văn Nhiễm đi một mạch đến phòng luyện đàn, những người khác đều đã quay về khách sạn nghỉ ngơi, nơi này tĩnh lặng đến mức toát ra bầu không khí trang nghiêm, bụi bặm trong không khí khiêu vũ dưới ánh trăng.
Văn Nhiễm chần chừ một chút, đẩy cửa bước vào.
Phải đi đến tận cùng hành lang, mới nghe thấy được tiếng đàn yếu ớt.
Chỉ còn mỗi phòng luyện đàn của Hứa Tịch Ngôn là còn có người, từ sáng sớm đến tận nửa đêm.
Văn Nhiễm bước tới.
Cánh cửa cách âm bọc đệm dày, cao sừng sững, khiến người ta phải ngẩng đầu nhìn. Văn Nhiễm đứng ngoài cửa, ánh trăng rọi qua cửa kính là một màu trắng lạnh lẽo, sắc nhọn, xuyên qua ô cửa, đâm thẳng vào trái tim nàng.
Nàng cúi đầu xuống, cách một cánh cửa, nghe Hứa Tịch Ngôn bên trong phòng tập không ngừng lặp đi lặp lại một đoạn giai điệu.
Người khác có lẽ không nghe ra vấn đề gì.
Nhưng tai của Văn Nhiễm quá nhạy cảm, không thể bỏ qua những chỗ sai lệch.
Có vài nốt nhạc, như thể Hứa Tịch Ngôn không còn kiểm soát được bàn tay phải của mình nữa, cứ để mặc những nốt nhạc đó trôi đi.
Văn Nhiễm đứng trong lớp bụi bặm nhảy múa dưới ánh trăng, mà lòng vô cùng quặn đau.
*Câu này mình đã suy nghĩ rất nhiều để dịch sao cho thoát hết nghĩa, nhưng khó quá mấy ní. Từ gốc 尘埃 (phồn thể là 塵埃) theo tự điển là "bụi bặm", âm Hán Việt là "trần ai". "Trần ai" được dùng khá nhiều trong thơ văn Việt Nam, có nghĩa ẩn dụ về cuộc sống vất vả gian truân mà con người phải trải qua. Trong khi bên Trung và cả từ điển Hán Nôm, 尘埃 gắn với hình ảnh cõi đời, sự vô thường, sự tầm thường, nhỏ bé.
Hứa Tịch Ngôn là người kiêu ngạo đến mức nào chứ.
Lần trước bệnh viêm dây thần kinh tay phải phát tác, Hứa Tịch Ngôn thậm chí không chịu chạm vào dương cầm, cô không muốn để những âm thanh không hoàn hảo chảy ra từ đầu ngón tay mình.
Lần này tình trạng còn nghiêm trọng hơn, vậy mà cô vẫn ngồi trong phòng luyện tập, một lần rồi lại một lần chịu đựng sự tra tấn, chỉ để loại bỏ những nốt không hoàn hảo ra khỏi giai điệu của mình.
Vì cô từng làm được điều đó, vừa chống chọi lại bệnh tật, vừa đàn ra những giai điệu hoàn mỹ.
Cô không cho phép bản thân không làm được.
Hứa Tịch Ngôn chính là người như vậy.
Văn Nhiễm không nỡ nghe thêm nữa, quay người rời đi.
Suốt đêm nàng không ngủ được, sáng sớm hôm sau, Văn Nhiễm với hai quầng thâm dưới mắt đến nhà hàng buffet trong khách sạn ăn sáng.
Các nghệ sĩ khác cũng có mặt, đang tán gẫu vài chuyện lặt vặt với đội của mình.
Ăn được một nửa, Hứa Tịch Ngôn cùng Trần Hi đi vào.
Hứa Tịch Ngôn không phải loại người kiểu cách, Trần Hi đi lấy đồ ăn, cô thì tự đi rót cà phê.
Văn Nhiễm nhìn bóng lưng cô, đặt dao nĩa cắt bánh xuống, đứng dậy bước tới.
Nàng cũng không nói gì với Hứa Tịch Ngôn, chỉ cầm tách cà phê trong tay, giống như đang đến rót thêm cho mình.
Quầy cà phê không lớn, Hứa Tịch Ngôn đứng bên cạnh nàng, mặc áo thun cổ chữ V khoét sâu màu đen giản dị, phối với quần cargo, chân đi dép xỏ ngón bằng cói hợp mốt, rất đẹp.
Đeo kính râm, có mùi kem đánh răng thoang thoảng trên người.
Văn Nhiễm nghĩ: Cậu ấy luyện đàn đến mấy giờ? Ngủ được bao lâu?
Một tiếng? Hai tiếng?
Thấy Văn Nhiễm đứng bên mình pha cà phê, Hứa Tịch Ngôn rất lịch sự tháo kính râm xuống, móc vào cổ áo, hỏi nàng: "Cậu uống gì vậy?"
Nhà hàng chuẩn bị nhiều loại cà phê, từ Colombia đến Charrier.
Từng giọt cà phê nhỏ vào chiếc tách trắng, Văn Nhiễm quay đầu nhìn Hứa Tịch Ngôn.
Hứa Tịch Ngôn nở một nụ cười nhẹ trên môi, đắm mình trong ánh nắng ban mai, trông cô vẫn luôn mạnh mẽ, vẫn luôn xinh đẹp, gương mặt ấy luôn luôn quyến rũ, thậm chí chẳng thấy được quầng thâm nơi mắt.
Cô chưa từng để ai phát hiện những khuyết điểm của mình, cũng không bao giờ cho ai thấy sự yếu đuối.
Bao gồm cả Văn Nhiễm.
Văn Nhiễm hít sâu một hơi, quay sang nhìn tách cà phê của mình, hạ mi trả lời: "Colombia."
Hứa Tịch Ngôn ngập ngừng một chút, hạ giọng hỏi nàng: "Cậu giận à?"
Văn Nhiễm nhìn những giọt cà phê dần đầy trong tách sứ trắng, một tay tì lên mép quầy: "Mình không giận."
Thật ra nàng đang giận.
Nàng là kiểu người bên ngoài im lặng, nhưng rất dễ nổi giận.
Nàng muốn nói Hứa Tịch Ngôn: Sao cậu giỏi giả vờ quá vậy.
Cậu luôn nói mình giả vờ, nhưng cậu còn giả vờ giỏi hơn mình.
Suốt ngày làm ra vẻ chẳng có vấn đề gì, cậu nghĩ mình ngầu lắm sao?
Còn như những chuyện đau lòng thời thơ ấu đó, tại sao cậu chưa bao giờ muốn nói với mình sự thật sâu nhất trong lòng?
Văn Nhiễm phát hiện, lý do sâu xa khiến nàng giận — Vì nàng cảm thấy đau lòng.
Thế nên nàng rất giận, nhưng đến cả giận cũng chẳng thể giận nổi.
Nghĩ đến nửa đêm qua, nàng lặng lẽ đứng ngoài phòng luyện đàn nghe Hứa Tịch Ngôn đàn những giai điệu vỡ nát ấy, nàng lại càng không thể nổi giận.
Nàng thở dài, nói với Hứa Tịch Ngôn: "Colombia không ngon lắm, cậu uống Charrier đi."
Rồi cầm cà phê của mình rời đi.
******
Văn Nhiễm không quay lại phòng luyện đàn của Hứa Tịch Ngôn nơi cuối hành lang thêm lần nào nữa.
Nàng phát hiện mình không dám đến, không dám nghe những giai điệu đến cả tai Hứa Tịch Ngôn cũng khó lòng chịu nổi.
Đến nàng còn không dám nghe, vậy mà Hứa Tịch Ngôn đã phải chịu đựng bao nhiêu lần?
Văn Nhiễm chỉ mong hai ngày này trôi qua thật nhanh.
Dù cuối cùng Hứa Tịch Ngôn biểu diễn ra sao trên sân khấu, nàng chỉ hi vọng sự tra tấn này sẽ sớm kết thúc.
Cuối cùng, đêm biểu diễn Giải thưởng lớn cũng đến
Văn Nhiễm giúp Chu Bối Di lên dây đàn lần cuối, rút kinh nghiệm từ buổi biểu diễn lần trước của Mâu Tố Đình, nàng lại kéo Chu Bối Di ra kiểm tra tỉ mỉ một lần nữa.
Nàng nói với Chu Bối Di: "Em chuẩn bị kỹ lưỡng nhé, chị ra ngoài trước."
Nàng định đi ra ghế khán giả ngồi, đúng lúc này điện thoại rung lên.
Lấy ra xem, là Bách Huệ Trân gọi. Nàng bắt máy, giọng bà Bách vang lên đầy hoảng hốt: "Nhiễm Nhiễm, nguy rồi! F1 bị ói!"
"Sao ạ?"
F1 từ lúc được Văn Nhiễm đem về nuôi, luôn là một chú mèo nhỏ khỏe mạnh. Ăn được ngủ được, chạy nhảy được, chỉ là không biết nhào lộn ngược.
"Giờ sao đây? Ôi trời, con mau về đi mau về đi, nhìn nó ói mà thấy tội quá!"
Văn Nhiễm nhìn đồng hồ: "Mẹ đợi chút, con về ngay."
F1 bình thường đều do Văn Nhiễm chăm sóc, Bách Huệ Trân lại không rành quy trình ở bệnh viện thú y. Văn Nhiễm sợ tắt đường nên không dám bắt xe, vội vã lên tàu điện ngầm về nhà.
Bách Huệ Trân cuống quýt trông chừng F1, sợ Văn Nhiễm không nắm rõ tình hình nên không dám dọn chỗ mèo ói ra.
Văn Nhiễm lấy túi đựng mèo, cho F1 vào. Bà Bách cũng vội xách túi của mình lên: "Mẹ đi với con."
Bệnh viện thú y hay lui tới không xa, đi bộ cũng đến, nhưng để tiết kiệm thời gian, Văn Nhiễm vẫn gọi xe.
Xuống xe, bác sĩ kiểm tra cho F1, rồi hỏi Văn Nhiễm: "Lúc trước nó từng bị vấn đề tiêu hóa đúng không?"
"Đúng vậy."
"Cô mang hồ sơ bệnh án lần đó cho tôi xem. Dữ liệu trong hệ thống máy tính không đủ chi tiết, tôi cần các chỉ số cụ thể hơn."
Văn Nhiễm đi ra góc phòng gọi cho Trần Hi.
Trần Hi đang giúp Hứa Tịch Ngôn chuẩn bị trước buổi diễn, đủ thứ chuyện lặt vặt, bận đến tối tăm mặt mũi. Thấy hiển thị cuộc gọi của Văn Nhiễm, cô vẫn bắt máy: "Alo, Văn Nhiễm."
Bận quá đến mức quên cả cách gọi lịch sự "cô Văn".
Văn Nhiễm hỏi: "Lúc trước cô bảo F1 mới về nhà thì bị vấn đề tiêu hóa đúng không?"
"Đúng rồi, chị Ngôn Ngôn trông nó suốt hai đêm liền."
"Hồ sơ bệnh án lần đó còn không?"
"Còn, ở nhà thuê của chị Ngôn Ngôn, sát vách nhà cô đó." Trần Hi hỏi: "F1 sao rồi? Có cần tôi qua không?"
Văn Nhiễm cân nhắc, bên Hứa Tịch Ngôn đang rất bận: "Cô có thể nhờ người mang chìa khóa qua cho tôi không? Nếu tiện thì tôi vào lấy hồ sơ luôn."
"Được được." Trần Hi vội đáp: "Tôi nhờ người mang qua ngay."
Văn Nhiễm gật đầu: "Vậy cô cứ làm việc tiếp đi, có gì tôi sẽ báo sau."
Trần Hi đáp "Được", còn dặn thêm: "Hồ sơ ở ngăn kéo thứ hai bên tay trái trong phòng ngủ."
Văn Nhiễm cúp máy, để Bách Huệ Trân ở lại bệnh viện thú y trông F1, còn mình thì vội vã quay về lấy hồ sơ.
Nàng nhận chìa khóa do Trần Hi nhờ người mang đến, mở cửa bước vào.
Cởi giày vứt ở cửa, chẳng kịp tìm dép, nàng lao thẳng về phía phòng ngủ. Quá vội, lúc kéo ngăn kéo thứ hai ra, tay run một cái, kéo luôn cả ngăn thứ ba đang khép hờ đổ xuống đất.
Đồ trong đó rơi vương vãi đầy sàn.
Đập vào mắt nàng — là một mảng xanh dương
Là rất nhiều bưu thiếp, rất nhiều bức ảnh chụp biển cả.
Một tấm bị lật mặt lên, ô địa chỉ ghi tên và địa chỉ của Văn Nhiễm, nhưng không có dấu bưu điện.
Là chữ của Hứa Tịch Ngôn, mạnh mẽ phóng khoáng, từ khi còn học cấp ba viết lời nhắn cho Văn Nhiễm đến giờ, chưa từng thay đổi.
Văn Nhiễm không kịp xem kỹ, dứt khoát gom hết mấy tấm bưu thiếp vào túi, nhặt luôn cả hồ sơ bệnh án của F1 rơi trên sàn, rồi vội mang giày chạy đi.
Lúc tới bệnh viện thú y, nàng đưa hồ sơ cho bác sĩ.
Bác sĩ xem xong, đối chiếu với kết quả kiểm tra lần này của F1, kê đơn thuốc và bắt đầu truyền dịch cho F1.
Văn Nhiễm và Bách Huệ Trân cuối cùng cũng thở phào. Bà Bách vỗ vai nàng: "Buổi biểu diễn của Bối Di chắc sắp bắt đầu rồi nhỉ? Mẹ trông F1, con mau đi đi, không thì trễ mất."
Văn Nhiễm lại vội vàng chạy ra ngoài.
Chạy được hai bước lại dừng lại, quay đầu nhìn Bách Huệ Trân: "Mẹ, tại sao mẹ chưa bao giờ mời Bối Di về nhà ăn cơm vậy?"
Bà Bách sững người.
Văn Nhiễm đã chạy mất.
Vẫn sợ kẹt xe, nàng không dám gọi xe, đi tàu điện ngầm về phía khán phòng. Khán giả đã vào chỗ hết, tiếng đàn từ các nghệ sĩ khác vang lên.
May mà thứ tự biểu diễn của Chu Bối Di và Hứa Tịch Ngôn đều xếp ở phía sau, vẫn còn kịp.
Nàng không có vé, dùng thẻ nhân viên vòng ra phía sau đi vào lối dành cho người làm việc.
Bước chân vội vàng, bất chợt trông thấy có người đứng dưới tán phượng vĩ.
Mỗi đội ngũ đều đang bận rộn chuẩn bị, ai lại đứng ở đó?
Thì ra là Hứa Tịch Ngôn.
Cô đã trang điểm hoàn chỉnh, nhưng chưa thay đồ, trên người mặc một chiếc váy suông dài đến mắt cá chân, người khác mặc vào có lẽ như áo ngủ, nhưng khoác lên người cô lại được đường cong yểu điệu tô vẽ nên nét quyến rũ, gió đêm thổi qua, chỗ xẻ tà váy để lộ ra bắp chân trắng mịn.
Cô đứng dưới tán phượng, kẹp một điếu thuốc giữa ngón tay, nhưng không hút, phấn hoa rơi trên hàng mi dài
Văn Nhiễm hít một hơi thật sâu rồi bước đến: "Sao lại đứng ở đây?"
"Chưa tới lượt mình, thả lỏng một chút." Hứa Tịch Ngôn cười với nàng: "Cậu sao lại đi từ ngoài vào?"
F1 không có gì nghiêm trọng, Văn Nhiễm không muốn nói ra lúc này để khiến cô phân tâm, chỉ đáp: "Mẹ mình tìm mình có chút việc."
Hứa Tịch Ngôn hơi gật đầu: "Vào thôi, chắc sắp tới lượt tụi mình rồi."
Văn Nhiễm cũng gật đầu lại với cô, hai người một trước một sau đi vào hội trường.
Hứa Tịch Ngôn đi sau lưng Văn Nhiễm, giọng trầm thấp vang lên: "Văn Nhiễm."
"Cậu sẽ nghe mình chơi dương cầm chứ?"
Giọng điệu ấy khiến Văn Nhiễm nhớ tới dáng vẻ vừa rồi khi cô đứng dưới tán cây phượng, điếu thuốc kẹp giữa ngón tay, ngẩng đầu nhìn lên, không rõ là nhìn hoa phượng hay vầng trăng khuyết trên bầu trời, ánh sáng bạc bao phủ khắp người cô.
Văn Nhiễm mím môi, quay đầu: "Hứa Tịch Ngôn."
Hứa Tịch Ngôn nhìn sang.
Văn Nhiễm: "Cho dù thế nào, mình cũng sẽ mãi mãi nghe cậu chơi dương cầm."
Đó là lần thứ hai Hứa Tịch Ngôn nghe Văn Nhiễm nói đến "mãi mãi".
Cách nàng nói chữ "mãi mãi" không gấp gáp, thật bình yên. Khiến người ta liên tưởng đến một đại dương xanh thẳm, bạn đắm mình trong đó, chẳng cần nghĩ đến "mãi mãi" là gì, chỉ là không ngừng bơi xa hơn, bơi sâu hơn, bơi đến khi biển cả hóa nương dâu, hàng ngàn năm đã trôi qua.
Đến lần vung tay tiếp theo, khi ngẩng đầu lên, mới phát hiện mình đã bơi đến tận cùng đại dương.
Đó chính là "mãi mãi".
Hứa Tịch Ngôn khẽ chớp hàng mi dày, nhận ra Văn Nhiễm rất hiểu mình đang nói gì.
Cho nên Văn Nhiễm muốn nói với cô——
Dù cho cô thương tích chồng chất, dù cho cả thế giới này không còn ai nguyện ý sùng bái tiếng dương cầm của Hứa Tịch Ngôn.
Nàng vẫn sẽ ở đây.
Tĩnh lặng, yên bình, lắng nghe Hứa Tịch Ngôn chơi dương cầm.
******
Tranh thủ lúc nghệ sĩ khác vừa biểu diễn xong, Văn Nhiễm cúi thấp người lén quay lại ghế ngồi.
Nàng đến thật đúng lúc, còn một người nữa là tới lượt Chu Bối Di.
Chu Bối Di mặc lễ phục màu trắng ánh trăng, giống như những bông tuyết bi thương đã từng rơi khắp vùng đất rộng lớn của nước Nga.
Cô ngồi xuống ghế đàn, giơ tay lên.
Từng có người khuyên, vì cô và Hứa Tịch Ngôn sẽ cùng diễn bản 《Sonata Pathétique》. Hứa Tịch Ngôn vốn chơi theo phong cách khí thế hào hùng, chi bằng cô đi theo chiến thuật khác, dùng sự tinh tế để dành phần thắng.
Chu Bối Di bác bỏ đề nghị ấy.
Cô trực diện đối đầu với Hứa Tịch Ngôn, không thay đổi phong cách chơi đàn tương tự. Cô mang theo toàn bộ trải nghiệm trong hai mươi bốn năm cuộc đời, diễn giải những đêm mất ngủ, những khoảnh khắc cười trong nước mắt.
Bản nhạc kết thúc, cô ngồi trên ghế đàn với đôi mắt nhắm lại, ánh đèn sân khấu chiếu rọi lên mí mắt mỏng manh mềm mại của cô.
Không còn gì để tiếc nuối nữa, cô nghĩ.
Đứng dậy cúi chào khán giả, ánh mắt rất dễ dàng bắt gặp chỗ ngồi của Văn Nhiễm, Văn Nhiễm đang rất nghiêm túc vỗ tay.
Cô cúi người thật sâu, rời sân khấu.
Đến lượt Hứa Tịch Ngôn biểu diễn.
Trước khi cô lên sân khấu, đúng lúc tới giờ nghỉ. Khán giả phía sau lật tờ chương trình: "Cuối cùng cũng tới Hứa Tịch Ngôn rồi."
"Cô ấy đánh《Sonata Pathétique》 ở Paris được truyền thông ca ngợi quá trời, mà lại không phát hành bản CD chính thức, hoàn toàn không biết cô ấy chơi thế nào."
"Nếu có thể tưởng tượng ra được, thì đã chẳng phải là Hứa Tịch Ngôn nữa rồi."
Văn Nhiễm ngồi ở hàng ghế đầu, lưng thẳng tắp.
Còn hai phút nữa hết giờ nghỉ, không cần nhân viên nhắc nhở, toàn bộ khán giả đã chủ động quay lại chỗ, đồng loạt yên lặng.
Lần đầu tiên trong toàn bộ khán phòng, không còn tiếng nhạc, không còn tiếng người, như xuất hiện một khoảng chân không nào đó.
Văn Nhiễm thầm nghĩ, đó chính là Hứa Tịch Ngôn.
Đó là chính là ý nghĩa tồn tại của Hứa Tịch Ngôn.
Ánh đèn chiếu xuống, tạo thành một chùm sáng nửa hình elip trên sân khấu, bao lấy cây dương cầm Chanel lấp lánh và chiếc ghế đàn đang trống không, như sản sinh ra một cảm giác thiêng liêng.
Tới giờ biểu diễn, trong khán phòng càng tĩnh lặng hơn.
Chùm sáng tĩnh lặng.
Đàn dương cầm tĩnh lặng.
Văn Nhiễm nghe thấy có người khẽ thì thầm phía sau: "Sao Hứa Tịch Ngôn còn chưa ra?"
"Không có chuyện gì đấy chứ?"
Sân khấu dưới ánh đèn như một vùng thánh địa tĩnh mịch, đang chờ vị thần mà mọi người ngước mắt mong đợi.
Cho đến khi tiếng bước chân khẽ vang lên.
Có người huých nhẹ khuỷu tay người bên cạnh: "Tới rồi tới rồi."
Thật ra Hứa Tịch Ngôn không hề đến muộn, chỉ vì người ta mong ngóng quá nhiều, nên mới cảm thấy thời gian trôi thật chậm.
Hiện ra trước mắt khán giả, đầu tiên là vạt váy, bắp chân trắng nõn lộ ra khi cô khẽ nhấc lên.
Như đốm lửa nhỏ, ngay lập tức thiêu cháy võng mạc người nhìn.
Hứa Tịch Ngôn bước lên sân khấu, dáng đi của cô luôn như thế, thản nhiên ung dung, đầu hơi ngẩng cao, tựa như một con thiên nga cao quý kiêu sa.
Nhưng khi cúi chào trước sân khấu, lại luôn nghiêm túc.
Cô duỗi thẳng sống lưng, ánh mắt chậm rãi quét qua khán giả bên dưới.
Văn Nhiễm đôi khi nghĩ, có lẽ Hứa Tịch Ngôn đang dùng cách ấy để nói lời cảm ơn đến từng khán giả đã đến, không thành tiếng nhưng trang trọng, cảm ơn mọi người đã dùng đôi tai của mình, cùng cô hoàn thành buổi biểu diễn hôm nay.
Đó chính là sức hấp dẫn của dương cầm.
Không giống điêu khắc, không giống hội họa, khi đã sáng tạo ra thì sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Nghệ sĩ dương cầm và mỗi khán giả, đều là có duyên gặp gỡ chỉ một lần trong đời.
Văn Nhiễm nghe thấy sau lưng vang lên vô số tiếng "Ồ" thán phục khe khẽ từ phía khán giả.
Lễ phục nhung của Hứa Tịch Ngôn hôm nay có kiểu dáng đặc biệt, so với màu đỏ thẫm cô thường mặc, hôm nay màu sắc tươi sáng hơn một bậc, như một ngọn lửa rực cháy trên người cô.
Một bên không tay, bên kia lại là tay dài, ôm lấy cánh tay mảnh khảnh thon dài của cô, kéo đến tận cổ tay.
Hứa Tịch Ngôn đứng trên sân khấu, không mỉm cười.
Điều đó khiến cô vừa xinh đẹp, vừa nghiêm trang.
Văn Nhiễm ngồi dưới sân khấu, ánh đèn chiếu lên chẳng khác nào ánh trăng hôm đó khi nàng đứng ngoài phòng tập, vừa mảnh vừa dày đặc, đâm vào khiến tim nàng đau nhói.
Trong toàn bộ khán giả có lẽ chỉ mỗi mình nàng biết được, dưới lớp lễ phục tay dài mà Hứa Tịch Ngôn chưa từng mặc, là nỗi đau cùng bi thương như thế nào.
Biểu cảm của Hứa Tịch Ngôn vẫn luôn bình thản, cô khẽ vuốt tà váy, ngồi xuống ghế đàn.
Ánh mắt cô rơi lên cây dương cầm, như đang chào một người bạn cũ đã gắn bó lâu năm, lại như đang tôn trọng một đối thủ mà mình từng giao chiến nhiều lần.
Sau đó, cô giơ cao cánh tay, đó là động tác quen thuộc của Hứa Tịch Ngôn, động tác từng xuất hiện trên vô số tấm poster.
Văn Nhiễm cúi đầu, khẽ ấn vào khóe mắt.
Ngón tay chạm phải một chút ấm nóng.
Tại sao Hứa Tịch Ngôn còn chưa đánh đàn, nàng đã khóc rồi.
Tại sao Hứa Tịch Ngôn phải đối mặt với sự tra tấn như vậy.
Tự mình chống chọi, tự mình chiến đấu với dương cầm.
Rồi, "Ting——"
Hứa Tịch Ngôn đánh vang nốt nhạc đầu tiên.
Tiếp đó, giai điệu như nước chảy mây trôi, tuôn ra từ những đầu ngón tay quý giá nhất thế gian. Văn Nhiễm nhắm mắt lắng nghe, mọi nốt nhạc như dồn dập tụ về bên tai, tạo thành một trận va chạm mãnh liệt.
Khúc sonata này giống như một thể mâu thuẫn.
Nó là sự phản kháng trong cơn hỗn loạn. Là ngọn lửa giữa trận mưa bão. Là tiếng thét của người trầm tư. Là chủ nghĩa anh hùng giữa cuộc sống mỏi mệt.
Tất cả khán giả ngồi trong khán phòng giữa lúc đầu hạ, đều bị trận mưa bão do Hứa Tịch Ngôn gọi đến bằng tám mươi tám phím đen trắng của đàn dương cầm làm ướt đẫm cả người.
Văn hóa có thể có biên giới, nhưng cảm xúc thì không.
Đây là sự cảm thông của Beethoven trước những biến động văn hóa và áp lực cuộc sống ở châu Âu thế kỷ XVIII, nhưng qua cách diễn giải của Hứa Tịch Ngôn, nó đã trở thành câu chuyện của từng người.
Tiếng dương cầm của Hứa Tịch Ngôn, hoàn chỉnh như một viên pha lê trong suốt vừa được khai quật từ lòng đất.
Chỉ có Văn Nhiễm biết, Hứa Tịch Ngôn đã nâng viên pha lê ấy lên thật cao, rồi tự tay đập vỡ tan, sau đó ngón tay nhuốm máu, gạt sạch tạp chất bên trong, rồi ghép từng mảnh lại cho hoàn chỉnh.
Cho đến khi nốt nhạc cuối cùng rơi xuống.
Khán phòng im lặng như lúc tất cả còn đang mong ngóng cô bước ra.
Không ai vỗ tay, mọi người đều ngồi ngây ra đó, đến cả hơi thở cũng không nghe rõ.
Đã từng có người nói, bản 《Sonata Pathétique》của Hứa Tịch Ngôn là để định nghĩa lại cái đẹp và nỗi bi thương trên thế giới.
Nhưng chỉ khi bản thân ở đó và chìm trong cơn "mưa bão" ấy, mới có thể thực sự hiểu được câu nói đó có nghĩa gì.
Lồng ngực đầy đặn của Hứa Tịch Ngôn hơi phập phồng, cô ngồi lâu hơn bình thường nửa phút, rồi đứng dậy, bước đến mép sân khấu, quét mắt nhìn khắp khán phòng.
Sau đó cúi đầu thật sâu.
Tiếng vỗ tay không quá sôi nổi, lúc đầu lác đác, rồi ngày càng nhiều người tham gia, cuối cùng vẫn không tạo thành tiếng sấm rền vang.
Mọi người đều chìm trong sự chấn động ấy, mãi chưa thể hoàn hồn, đến cả đôi tay cũng không nghe theo sự chỉ huy.
Hứa Tịch Ngôn đứng thẳng người, nhìn thấy Văn Nhiễm, khóe môi khẽ nở nụ cười, rồi lui xuống sân khấu.
Toàn bộ đêm Giải thưởng lớn diễn ra thuận lợi.
Văn Nhiễm nhận ra, thật ra nàng hoàn toàn có thể hiểu vì sao Hứa Tịch Ngôn phải chịu đựng sự tra tấn ấy——
Bởi vì cây dương cầm vẫn ở đó.
Bởi vì Hứa Tịch Ngôn vẫn còn sống.
Vậy thì Hứa Tịch Ngôn, vốn đã định là người sẽ chơi dương cầm.
******
Tất cả nghệ sĩ phải ra chào khán giả lần cuối, Văn Nhiễm trước đó đến phòng nghỉ của Chu Bối Di, chờ cô đưa nhận xét về phần lên dây đàn lần này.
Trong căn phòng trống không một bóng người, nàng đặt túi lên đùi, cuối cùng cũng có cơ hội lấy những tấm bưu thiếp trong đó ra xem.
Những tấm bưu thiếp lấy từ ngăn kéo của Hứa Tịch Ngôn, từng tấm một, đều là biển cả khắp thế giới.
Xanh biếc. Xanh thẳm. Xanh trầm. Xanh đen.
Có khoảng nửa năm, Hứa Tịch Ngôn không làm việc trong nước, sau khi hoàn thành công việc ở nước ngoài, cô đi du lịch khắp nơi, đôi khi có ảnh chụp lén cô do người hâm mộ đăng lên Weibo.
Cô lướt sóng ở Puerto Escondido. Cô đi cáp treo ở Cape Town. Cô dạo hiệu thủ công có tường vàng đỏ ở Nice. Cô ngắm cây dừa khổng lồ từ rừng nguyên sinh thời tiền sử ở Seychelles.
Văn Nhiễm nhìn từng tấm bưu thiếp, in tọa độ đầy đủ, đến lúc này mới nhận ra điểm chung giữa những nơi Hứa Tịch Ngôn đã đi qua——
Tất cả đều có một vùng biển đẹp đẽ và yên bình.
Từng tấm bưu thiếp đều ghi địa chỉ của Văn Nhiễm, vậy mà không có dấu bưu điện. Hứa Tịch Ngôn chưa từng gửi chúng đi, tự mình mang về nước, nhét vào đáy ngăn kéo, rồi đứng trước mặt Văn Nhiễm nhẹ nhàng nói một câu:
"Văn Nhiễm, đã lâu không gặp."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com