Chương 138
Thanh kiếm trong túi gấm
Trước đại điện lặng gió, một tấm bảng lớn treo cao, đề bốn chữ rồng bay phượng múa:
"Quế Tâm Điện"
Chính là tẩm điện của Cố đế — Cảnh Trường Cang xây lên cho chính mình thê tử — Cố thái hậu. Giờ này trời vừa sang canh hai, nắng chưa gắt, gió chưa lớn, chỉ có một thân ảnh vừa bước đến cổng điện, áo choàng lay nhẹ theo gió.
Cảnh Hoành — sau khi vừa chạy trối chết khỏi khung cảnh "một nữ một nam, một ánh mắt hai tầng sóng", rốt cuộc cũng thoát nạn, hắn đứng trước bậc thềm hít sâu ba hơi, chỉnh lại cổ áo, vuốt tóc mai, hắng giọng cho đĩnh đạc, rồi chậm rãi bước vào.
Trong điện, hương gỗ trầm thoảng nhẹ, rèm the lay nhè nhẹ như thở. Tiểu hoàng đế mặc thường phục màu mực lam ngồi ngay ngắn trên chiếu lót, ánh mắt nghiêm nghị hết mức dù tuổi chỉ vừa gần mười.
Bên tay trái là Cố Thái hậu — mẫu thân hoàng đế, tay cầm chén trà, mặt mang nét cười nhẹ như trăng thượng tuần. Bên phải là Tam Vương phi và Cảnh Phi Yến đang cùng ngồi hầu chuyện.
Vừa thấy Cảnh Hoành bước vào, ba người đồng loạt quay lại. Cảnh Hoành cúi người hành lễ:
"Tham kiến bệ hạ. Tham kiến Thái hậu."
Giọng tiểu hoàng đế trong trẻo, gắng nghiêm như người lớn:
"Biểu thúc bình thân."
Cố Thái hậu dịu dàng cười nhẹ, tay vỗ nhẹ vai nhi tử, ánh mắt như đang khen ngợi mà cũng như vỗ về.
Cảnh Hoành vừa ngồi chưa ấm chỗ, bên cạnh đã vang lên tiếng cười nhẹ:
"Bệ hạ dạo này khí sắc rất tốt. Hôm trước còn thấy cưỡi ngựa cùng biểu ca ở thao trường."
Cảnh Phi Yến tiếp lời, cười duyên:
"Bệ hạ cưỡi ngựa thẳng lưng, cầm roi thuần thục, thần nữ cứ ngỡ là nhiếp chính vương điện hạ khi niên thiếu tái hiện đâu."
Ánh mắt Cố Thái hậu khựng một nhịp.
Tam Vương phi vội nói tiếp, khéo léo:
"Cũng là nhờ Nhiếp chính vương dạy dỗ, nhưng vốn là long gia huyết mạch, bệ hạ học một biết mười, trời sinh đã có phong cốt đế vương."
Câu này xem như rót mật.
Tiểu hoàng đế không nói, chỉ cúi đầu cười nhẹ, có phần thẹn thùng.
Cảnh Hoành thì vô tư:
"Bệ hạ không chỉ giống phụ hoàng, mà còn có phần trầm ổn giống biểu ca. Nhìn cách nghị sự hôm trước, ta còn tưởng là cố đế hồi sinh a."
Cảnh Phi Yến liền hùa:
"Nhiếp chính vương nhiều năm nơi biên cương, lại học rộng, hiểu lễ, người như thế quả là phúc của Nam Uyên."
Thái hậu lúc này nhấc chén trà, nhưng không uống.
Ánh mắt dưới rèm mi dài hơi trầm xuống.
Lúc nào cũng là nàng...
Cảnh Giai Kỳ.
Cái tên ấy — từ bao giờ đã thành cái bóng che phủ tất cả?
Cái gì cũng giỏi, cái gì cũng hơn người — kể cả trong ánh nhìn của nàng hài tử và giờ... là cả triều đình, cả hậu cung.
Hắn chỉ là trưởng hoàng tử, là thân ca của nàng trượng phu, vậy mà danh vọng chẳng lúc nào chịu lặng.
Dẫu không phải đế vương, nhưng từng bước đi, từng lời nói... đều được người người soi theo, tôn làm khuôn vàng thước ngọc, như thể không có nàng, thiên hạ sẽ loạn.
Ngay cả tiểu hoàng đế — cốt nhục của nàng, con nối dòng của cố đế, người kế vị ngôi cao — cũng bị đem ra so sánh.
Bọn họ nói, "May mắn còn có Kỷ vương chống lưng", "Thần sắc tiểu hoàng thượng dạo này ngày càng giống Nhiếp chính vương năm xưa"...
Nàng chỉ cười. Ngoài mặt cười. Trong lòng từng câu, từng chữ như mũi kim châm thẳng vào tim.
Tại sao?
Tại sao mỗi năm nhắc công, mỗi mùa luận tài, tên được gọi đầu tiên luôn là nàng?
Tại sao vạn sự an ổn đều quy về công lao của nàng, mà không ai nhớ đến Cảnh Trường Cang — cố đế của bọn hắn, người từng vì quốc gia mà sớm không còn?
Còn nàng hài tử— còn non dại, mỗi lần nhắc đến "hoàng bá", đôi mắt đều lấp lánh sùng kính, hỏi rằng khi nào có thể cầm đao như nàng, ra trận như nàng, được kẻ sĩ tung hô như nàng...
Nàng là mẫu hậu, là quốc mẫu. Nhưng chưa từng có ai nói với tiểu hoàng đế rằng giống mẫu hậu cũng là điều tốt.
Không một ai.
Nàng cố nén. Nén từng chút, từng chút.
Phải chi Cảnh Giai Kỳ chỉ giỏi việc nước, nàng còn có thể khoan dung. Nhưng Cảnh Giai Kỳ khiến hài tử của nàng hướng về nàng ta, khiến danh tiếng của cố đế chìm xuống, khiến triều đình chia hai nửa lòng trung — một phần vì vua, phần còn lại vì nàng.
Lâu dần... nàng bắt đầu thấy không cam lòng.
Rồi từ không cam lòng thành không vừa mắt, từ không vừa mắt thành muốn đoạt lại.
Trượng phu đã mất. Hài tử còn nhỏ. Vậy mà triều chính, lòng người, cả ánh nhìn của hậu cung... đều bị nàng chiếm phần hơn.
Nàng không phải vương. Nhưng nàng đang sống như một vị đế vương cao cao tại thượng thật sự.
Còn Cảnh Quân — chân chính thiên tử — thì sao?
Chẳng lẽ cả thiên hạ này, cũng sẽ dần... quên mất ai mới là người ngồi trên long ỷ?
Cảnh Hoành không hay biết gì, vẫn thong thả nói tiếp:
"Mẫu thân, người còn nhớ năm đó phụ thân từng nói: nếu Kỳ nhi mà học đạo trị quốc, ắt sẽ là bậc tướng quốc tài ba."
Tam Vương phi gật đầu:
"Nhưng nay bệ hạ còn nhỏ tuổi đã thông minh hơn người, lại học bên cạnh Nhiếp chính vương, ngày sau ắt sẽ vượt cả phụ hoàng lẫn hắn hoàng bá a."
Câu này như lời rút kim khỏi tim Cố Thái hậu, nhưng nàng vẫn mỉm cười đáp:
"Thần tử tốt thì phụ trợ quân vững. Nhưng đế vương phải đứng trên tất cả."
Lời này nhẹ nhưng sắc.
Ai nghe cũng hiểu: danh vọng của Cảnh Giai Kỳ, dù sáng đến đâu... cũng chỉ nên là ánh sáng bên cạnh vầng dương là vua.
Bầu không khí dịu xuống.
Tiểu hoàng đế bấy giờ mới ngẩng đầu, chắp tay nói:
"Hoàng bá là cánh tay của trẫm, có người như thế bên mình, trẫm chỉ mong dân chúng an lạc, thiên hạ yên bình."
Lời nói tuy hài tử, nhưng vững chãi.
Cố Thái hậu khẽ gật đầu, môi cong lên nhè nhẹ như thể tán thưởng. Nhưng chỉ có người thực sự quen thuộc với nàng mới thấy rõ. Nụ cười ấy không chạm đến đáy mắt.
Trong tâm trí nàng, những lời vừa rồi của tiểu hoàng đế vang lên như một hồi trống nhắc nhở.
"Hoàng bá là cánh tay của trẫm..."
Cánh tay.
Là trợ thủ, hay là kẻ thao túng?
Ánh mắt nàng khi ấy tuy ôn hòa, nhưng ngón tay đặt dưới tay áo đã siết khẽ.
Nàng là mẫu nghi, là người được cố đế tin tưởng, là phụ nhân từng bước từ hậu cung lên đến vị trí chạm đỉnh quyền lực.
Nàng hiểu — lời tiểu hài tử ấy mà, nghe qua tưởng thuần hậu, nhưng lại có sức nặng.
Nàng càng hiểu hơn: Khi một đứa trẻ bắt đầu học cách tuyên bố điều gì "là của mình", điều đó đồng nghĩa với việc nó đã bị ảnh hưởng bởi người khác.
Mà người đó, không ai khác ngoài Cảnh Giai Kỳ.
Cảnh Giai Kỳ — cái tên ấy một lần nữa trở thành vết cắt ngầm trong lòng bà. Không sắc bén, nhưng dai dẳng như gió lạnh len qua lớp xiêm y.
Khi tất cả còn đang bàn chuyện, khen ngợi, cười cợt...
Cố Thái hậu đã không còn thật sự nghe.
Tâm trí nàng đang dần trượt khỏi cuộc trò chuyện, rơi vào một đường xoáy thầm lặng.
Một con cờ bị ép phải nhún nhường, cũng sẽ có lúc muốn vươn lên giành lại thế cờ.
Nàng vẫn chưa tính toán bước tiếp, nhưng cái tên ấy đang khiến sự bình tĩnh trong nàng bị rút máu từng ngày.
Cảnh Phi Yến ngồi bên, ánh mắt sắc sảo chợt khựng lại khi nhìn sang Cố Thái hậu.
Nàng ta vẫn giữ thần sắc đoan trang, nhẹ giọng đáp chuyện, nhưng có thứ gì đó không đúng.
Một tia lạnh mảnh như chỉ tơ vừa lướt qua đáy mắt nữ nhân quyền quý ấy.
Cảnh Phi Yến không nói gì.
Còn ở sau bức bình phong, cung nữ áo lam vẫn cúi đầu.
Từng âm thanh trong điện đều rơi gọn vào trí nhớ.
Mắt nàng mở không to, nhưng con ngươi đảo rất nhanh.
Thói quen của kẻ đã sống quá lâu trong bóng tối — không bao giờ để sót một sắc mặt, một cử động dù nhỏ.
Nàng không cần hiểu hết. Việc của nàng là ghi lại.
Những kẻ phía sau nàng... mới là người kết luận:
— Ai đang dao động.
— Ai đang sinh tâm.
— Và ai... cần bị đưa ra khỏi ván cờ.
...
____
Trời về chiều, sắc nắng lùi dần sau những tàng cây cao, đổ bóng lên mái ngói lưu ly lấp lánh ánh vàng của Quế Tâm cung.
Khác hẳn với không khí rôm rả khi nãy, nơi từng tiếng cười nói xen kẽ lời khen vẫn còn vương vất trong trí nhớ ai đó — thì bây giờ, lại tĩnh lặng đến ngột ngạt.
Cửa điện khép kín.
Tấm màn mỏng lay nhẹ trong gió đầu hạ, chẳng lay nổi nét mặt đã tắt nụ cười từ lâu của người ngồi ở chính vị.
Cố Thái hậu, lặng lẽ ngồi đó. Trên bàn là chén trà đã nguội từ lúc nào. Bên cạnh là cung nữ đang thu dọn phần trà nước còn thừa sau buổi hàn huyên.
Không ai dám nói gì. Không ai dám thở mạnh.
Chỉ có tiếng vỡ lảnh lót vang lên trong một khắc, khi bàn tay mảnh khảnh nhưng đầy khí lực kia vung mạnh đập xuống mặt bàn.
Chén sứ rơi, vỡ thành hai, ba mảnh.
Cung nữ đứng gần run rẩy quỳ xuống, đầu dập sát đất, miệng không dám thốt nửa lời.
Không ai dám nhìn vào mắt nữ nhân đang nổi giận.
Không ai dám chạm vào nỗi phẫn uất vừa vỡ tan khỏi lớp vỏ ngụy trang nãy giờ còn giữ.
"Lúc nào... cũng là nàng."
Giọng nàng, trầm và khản đặc, như thể đã cắn qua từng chữ.
Nàng cười — một nụ cười khó đoán là giễu cợt hay thương hại.
"Nực cười... năm lần bảy lượt, từ hậu cung đến triều đình, từ người ngoài đến người trong nhà... Tất cả đều khen hắn."
Nàng ngước nhìn ra cửa điện.
Trời vẫn sáng, nhưng trong mắt nàng, mây đã kéo đến kín bầu.
"Cảnh Giai Kỳ... Ngươi không phải đế vương. Không mang long cốt, không phải nhi tử của tiền triều. Nhưng ánh sáng từ ngươi... sao cứ soi rọi khắp nơi, chói mắt đến vậy?"
Nàng ngồi đó, như nói với người đã khuất, như nói với bản thân đã mòn mỏi giữa những so sánh dai dẳng.
Nàng lặng người. Tay siết chặt khăn, đến mức móng tay in dấu vào da thịt. Một bên môi khẽ run, cảm xúc như con sóng bị dồn nén lâu ngày, dồn lên cổ họng.
____
Lúc này, rèm sa lay động, một nha hoàn trẻ tuổi bước nhanh vào, hai tay ôm một vật nhỏ được quấn bằng gấm đỏ cổ xưa, viền chỉ bạc đã sờn.
"Bẩm Thái hậu, nhà ngoại vừa phái người đưa đến. Dặn là... chỉ để ngài xem lúc không có ai."
Cố Thái hậu nhướng mày, nhìn thoáng qua. Tia lạnh trong mắt chưa kịp tắt, nàng phất tay ra hiệu lui. Cung nữ lập tức rời đi, cửa hậu điện lại khép, để mặc bóng chiều chạm đến lưng nàng.
Một quyển thư tịch cũ kỹ hiện ra. Bìa giấy thấm ố, nét mực nhạt nhòa theo năm tháng. Không có gì quý giá. Nhưng khi bàn tay nàng vừa chạm vào — ánh mắt nàng đã thay đổi.
Từ tò mò, sang nghi hoặc. Từ nghi hoặc... chuyển sang bàng hoàng.
Nàng lật từng trang, từng hàng chữ. Thoạt đầu là chậm rãi, nhưng càng về sau... tay nàng run khẽ, đôi mắt mở to đến mức phản chiếu rõ cả bóng cung điện qua mặt giấy ngả nâu.
Nàng không thốt nên lời.
Mỗi chữ lướt qua mắt, mỗi trang giấy lật sang, như thể có một giọng nói nào đó cứa vào lòng nàng từng nhát — chậm, sâu, không rỉ máu nhưng thấm lạnh.
Đến một trang giữa quyển, ngón tay nàng đột nhiên khựng lại.
Không có tiếng.
Không có người chứng kiến.
Chỉ có nàng, cùng bóng của chính mình in trên mặt bàn, tròng mắt run lên như kẻ vừa nhìn thấy cơn ác mộng đã chờ mình từ kiếp trước.
"Không thể nào..."
Tay nàng giơ lên, che lấy nửa khuôn mặt — như thể nếu không làm vậy, nỗi chấn động ấy sẽ tuôn trào khỏi cơ thể.
Một lúc lâu sau... nàng mới thở ra.
Lạnh.
Không phải gió — mà là hơi thở trong lồng ngực nàng đã lạnh.
"Rốt cuộc... là ai... đã đưa ta thanh kiếm này?"
Giọng nàng nhỏ như tiếng gió, nhưng sắc như dao.
Một thứ đã được đưa đến — và nó không chỉ là thư tịch.
Nó là khởi điểm. Là lời mời. Là mồi lửa dưới vạt áo gấm tưởng như bất khả xâm phạm.
Nàng khép quyển sách lại. Tay vẫn run, nhưng ánh mắt đã trở nên tĩnh mịch đáng sợ.
Không còn là Cố Thái hậu hiền hậu, mẫu nghi thiên hạ.
Mà là một nữ nhân... vừa tìm thấy lý do để cướp lại tất cả những gì từng nghĩ là của mình.
Trên bầu trời Nam Uyên, mây đen tụ lại từng lớp, không tiếng sấm cũng không mưa, chỉ là u uất, nặng nề.
Một cơn giông — không dành cho thiên nhiên.
Mà dành cho chính triều đình này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com