Chương 137: Chìa khóa trong sách cổ
Ra khỏi công viên giải trí, hiếm khi Cố Ỷ không keo kiệt mà gọi luôn một chiếc taxi, từ thành phố bên cạnh về lại nhà mình. Thành phố bên cạnh cách Lễ Phong không xa, gọi taxi cũng chỉ mất năm sáu chục tệ, Cố Ỷ thấy giá đó có thể chấp nhận được nên mới gọi thẳng xe về.
Hai người ngồi ở ghế sau, cho đến hiện tại Khương Tố Ngôn vẫn chưa rời khỏi cơ thể ma-nơ-canh. Bàn tay hai người đan vào nhau trong khoang sau xe taxi.
Cố Ỷ đặt tay lên mu bàn tay Khương Tố Ngôn, năm ngón tay trượt xuống, luồn vào kẽ tay nàng, khít chặt không chừa chút khe hở nào.
Bác tài xế đang lái xe phía trước, vẫn còn tâm trạng tán gẫu, quay đầu hỏi Cố Ỷ: "Hai cô hóa trang kiểu cô dâu ma phải không?"
Cố Ỷ nhoẻn miệng cười: "Đúng rồi, bác thấy có đẹp không?"
"Cũng đẹp đấy, nhưng nhìn hơi rờn rợn. Giới trẻ các cô thích mấy kiểu như này, bọn tôi không hiểu nổi."
Cố Ỷ bật cười, dặn dò bác tài xế: "Bình thường mà thấy người hóa trang kiểu vậy thì bác đừng có cho lên xe nhé, nhất là lúc nửa đêm thế này. Bác không sợ rước phải ma thật à?"
Câu nói hài hước của Cố Ỷ khiến bác tài cười theo ngay cả khi đang đánh lái. Ông vui vẻ đáp: "Ôi dào, thời nay rồi, làm gì có ma thật. Nhưng mà cô nói cũng đúng, đi đêm nhiều có ngày gặp ma. Ban đêm thế này tôi cũng không dám đón người nào nhìn quá kỳ quái đâu."
Tán gẫu được một lúc, bác tài thấy Cố Ỷ có vẻ mệt bèn bảo: "Cô bé cứ yên tâm ngủ một lát đi, tôi đảm bảo không vòng vèo đâu. Đến nơi tôi sẽ gọi cô dậy."
Xe chạy lắc lư một đoạn thì về tới nhà. Cố Ỷ ngủ say như chết, dựa vào người Khương Tố Ngôn, miệng còn chảy nước dãi.
Khương Tố Ngôn lấy điện thoại từ túi của Cố Ỷ ra, dùng nhận diện khuôn mặt để mở khóa, sau đó quét mã QR và dùng ngón tay của Cố Ỷ để thanh toán. Xong xuôi mọi việc, nàng bế Cố Ỷ lên theo kiểu bế công chúa.
Nhìn mặt Khương Tố Ngôn trẻ trung, vóc người cũng mảnh khảnh, chẳng giống người có thể bế nổi một cô gái tầm 50 cân, vậy mà nàng lại bế Cố Ỷ lên một cách nhẹ nhàng, khiến bác tài nhìn mà sững cả người: Hơ, giới trẻ thời nay thật ghê gớm.
Khương Tố Ngôn bế Cố Ỷ, không hề run tay, bước đi dứt khoát thẳng vào tiệm vàng mã. Nàng dùng hồn lực mở cửa rồi bước vào trong nhà.
Khương Tố Ngôn bế Cố Ỷ lên tầng hai, giúp cô thay đồ, lau người sạch sẽ, rồi mới đắp chăn cho cô nằm ngủ. Đêm tháng 11 trời hơi lạnh, ôm Khương Tố Ngôn ngủ lại càng lạnh hơn. Để Cố Ỷ không bị cảm, Khương Tố Ngôn liền tìm điều khiển máy lạnh, chỉnh lại nhiệt độ cho phù hợp.
Khương Tố Ngôn đã cài sẵn hẹn giờ, nên khi Cố Ỷ thức dậy vào sáng hôm sau thì điều hòa đã tự tắt. Cô vươn vai, ngáp dài rồi dậy rửa mặt, chuẩn bị đi học.
Đến cuối tuần, Cố Ỷ lên tầng hai trong căn nhà phía sau tiệm vàng mã, truyền hồn lực vào cuốn sách cổ trong phòng, chữ trên trang thứ hai liền hiện ra.
So với trang đầu chỉ có vài dòng ngắn ngủi, trang thứ hai dài hơn rất nhiều. Lúc này, Cố Ỷ mới phát hiện ra, hình như cuốn sách cổ này được viết riêng cho mình thì phải. Bởi vì nội dung trên trang hai giống hệt như lời Tống Diệp đã nói, chính là về một chiếc chìa khóa. Trên đó còn viết rõ ràng: chiếc chìa khóa này chính là để mở cửa từ đường.
Nếu không phải trước đó nhờ Tống Diệp đã nói qua chuyện chìa khóa, thì dù cô có truyền hồn lực vào, cũng sẽ phải hoang mang chẳng hiểu đang đọc cái gì.
Mấu chốt là... nó đúng là một cái chìa khóa thật! Nhưng lại là hướng dẫn gấp chìa khóa bằng giấy.
Cố Ỷ không nhịn được bóp trán, nhìn bản vẽ hướng dẫn ở mặt sau trang thứ hai mà hoàn toàn mù mịt.
Nhà họ Cố không thể chơi cái gì bình thường được à? Đến cả chìa khóa cũng phải tự mình gấp nữa? Chi bằng mở luôn một lớp dạy xếp giấy cho rồi!
Nhưng hết cách, Cố Ỷ chỉ có thể cắn răng chịu khó, lấy giấy trắng ra tập gấp đi gấp lại. Cái chìa khóa quái quỷ này cô luyện suốt mấy ngày mới gấp ra được một cái coi như tạm ổn. Điều khiến người ta tức nhất là Khương Tố Ngôn chỉ mất một ngày đã tìm ra cách gấp, mà sản phẩm cuối cùng còn đẹp hơn cô gấp nhiều!
Vấn đề là, chìa khóa do Khương Tố Ngôn gấp không dùng được, bởi vì mặt trước trang thứ hai viết rất rõ: "Tuyệt đối không được nhờ người khác làm thay."
Dù sách cổ không nói rõ hậu quả của việc để người khác gấp giúp, nhưng Cố Ỷ đoán: nhẹ thì mở không được cửa từ đường, nặng thì có khi kích hoạt cơ chế phòng trộm.
Xác nhận mình đã gấp ổn rồi, Cố Ỷ mới lấy vài tờ giấy dùng để xếp người giấy trong tiệm vàng mã ra, bắt đầu gấp chìa khóa chính thức. Cuối cùng, cô gấp được ba chiếc rồi bỏ vào balo.
Cô chọn một ngày thứ sáu, tan học xong thì lập tức ra ga tàu chuẩn bị về quê. Thật ra Cố Ỷ cũng muốn xin nghỉ phép, nhưng học kỳ này mới bắt đầu chưa bao lâu mà cô đã xin nghỉ dài ngày, nên để tránh làm phiền đến giảng viên hướng dẫn, Cố Ỷ quyết định hạn chế xin nghỉ hết mức có thể.
Quê nhà họ Cố là một ngôi làng hẻo lánh ở miền Nam. Cố Ỷ chỉ có vài ký ức mơ hồ về quê, lần cuối cùng về cũng đã từ hồi tiểu học. Dù là "quê nhà", nhưng người họ Cố đã tản mác khắp nơi, quê cũ gần như không còn họ hàng thân thích, chỉ còn tập trung về vào dịp lễ Tết.
Trong ấn tượng của cô, ba mình - Cố Thanh không thích về quê. Có mấy lần về thì lần nào cũng cãi nhau với các ông các bác, cho nên sau này Cố Thanh không còn dẫn vợ con về nữa.
Lần này vì việc quan trọng nên đến Khương Tố Ngôn cũng không nhập vào cơ thể ma-nơ-canh, chỉ lơ lửng bên cạnh Cố Ỷ.
Quê nhà họ Cố cách Lễ Phong còn xa hơn cả chỗ của Tống Diệp. Cố Ỷ lắc lư mất ba tiếng trên tàu cao tốc, sau đó chuyển sang xe khách thêm một tiếng nữa mới đến được huyện nhỏ gần quê.
Vừa đến huyện thành, ban đầu Cố Ỷ định tìm một nhà trọ ngủ qua đêm. Nhưng khi vừa chuẩn bị xuống xe khách, đứng trên bậc thềm, cô liền thấy một người giấy đang đứng bên ngoài xe. Người giấy đó chỉ cao tới đầu gối Cố Ỷ, trong tay còn xách một chiếc đèn giấy khiến Cố Ỷ sửng sốt. Cô quay đầu nhìn lại thì thấy bác tài xế dường như không hề nhận ra điều gì, chỉ hối thúc cô xuống xe nhanh.
Không hề do dự, Cố Ỷ bước xuống theo bậc thang, đi theo người giấy.
Chiếc đèn giấy tỏa ra ánh sáng mờ nhạt, người giấy vừa nhảy nhót vừa dẫn đường phía trước.
Đi được một đoạn, Cố Ỷ thấy hai bên con đường chính duy nhất của huyện nhỏ này đứng đầy người. Cô vẫn còn nhớ khá rõ về con đường này, nơi này chỉ có mỗi một con đường hai làn xe, xe cộ ra vào đều đi qua đây. Hai bên đường là các căn nhà mặt phố, hồi nhỏ mỗi khi muốn ăn vặt cô đều nài nỉ ba mẹ dẫn đi chợ, đến các cửa hàng nơi này để mua đồ ăn.
Nhưng giờ đây, hai bên đường đầy những người đang nhìn cô bằng ánh mắt khó hiểu. Cố Ỷ rất khó diễn tả ánh mắt đó. Trong đó có sợ hãi, có kích động, có đau buồn...
Ngay khoảnh khắc ấy, Cố Ỷ cảm thấy toàn thân mình lạnh toát.
Cô từng đối mặt với ác ý của con người, nhưng khi nhiều người cùng lúc nhìn cô bằng ánh mắt như vậy, cô thậm chí cảm giác máu trong người mình cũng đang dần đông lại.
Cố Ỷ đi theo người giấy một đoạn thì rẽ vào con đường nhỏ dẫn vào làng. Trên con đường đó có một chiếc kiệu đang đậu sẵn. Trước sau chiếc kiệu là những người giấy cao bằng người thật, hình thù kỳ dị đang chuẩn bị khiêng kiệu. Những thứ đó thật khó gọi là "người giấy", bởi tay chân của chúng đều là những khối dài ngoằng, nhìn có vài phần giống bóng dáng gầy gò của con quỷ nơi âm phủ lúc trước.
Người giấy nhỏ nhảy tưng tưng lên thanh ngang phía trước kiệu, giơ đèn chiếu vào bên trong, ý là bảo Cố Ỷ ngồi vào.
Cố Ỷ hít sâu một hơi, quay đầu nhìn lại con đường vừa đi. Ở đầu thị trấn, vẫn còn một đám đông đứng chen chúc nhìn về phía cô. Cảnh tượng kỳ dị này chỉ khiến Cố Ỷ muốn lập tức quay đầu bỏ chạy. Nhưng cuối cùng, cô vẫn bước lên chiếc kiệu kỳ quái đó.
Sau khi cô ngồi vào, đám người giấy hình thù quái dị nâng kiệu lên, bắt đầu di chuyển.
Chiếc kiệu này không có cửa, phía trước trống hoác có thể nhìn thẳng ra ngoài, nhưng điều đó cũng không khiến Cố Ỷ dễ chịu hơn chút nào. Bởi vì đường làng về đêm tối đen như mực, không thấy rõ bất cứ thứ gì. Mấy người giấy quái dị đi rất nhanh, mỗi bước lướt đi rất xa. Chỉ chừng mười phút sau, chiếc kiệu đã dừng lại trước cổng làng họ Cố.
Không phải dịp lễ Tết, làng họ Cố yên tĩnh đến rợn người, trong làng không một ánh đèn. Có lẽ vì người trẻ đều đã ra ngoài mưu sinh, chỉ còn lại mấy ông bà già, họ ngủ sớm nên nhà nào cũng tối om.
Kiệu được hạ xuống đất một cách vững vàng, người giấy nhỏ từ trên thanh ngang nhảy xuống, lại giơ đèn giấy lên tiếp tục dẫn đường.
Cố Ỷ chẳng còn cách nào, đành phải bước theo sau.
Cô đi theo người giấy băng qua làng, từng ngôi nhà nơi đây đều khơi lại trong cô chút ký ức. Dù là chuyện từ rất xa xưa, nhưng lúc này những căn nhà đều hiện ra ngay trước mắt, cô sao có thể không nhớ? Đầu làng là nhà của ông cụ tứ, hồi nhỏ ông từng cho cô ăn kẹo; bên đường có một con mương, bắc tấm ván gỗ làm cầu độc mộc, là nhà của chú thím, cô còn từng giúp họ lùa vịt... Nhà nối tiếp nhà lướt qua trước mắt, nhưng không thấy lấy một bóng người. Hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng lúc ở thị trấn, làng họ Cố yên tĩnh đến mức chẳng khác nào một ngôi làng ma.
Đi thêm một đoạn, người giấy dừng lại, Cố Ỷ cũng dừng bước.
Cô ngẩng đầu, thấy mình đã đến trước từ đường.
Người giấy nhỏ nhảy lên bậc thềm của từ đường, nhẹ nhàng gõ cửa. Cánh cửa mở vào bên trong, qua khe hở giữa hai cánh cửa gỗ, Cố Ỷ thấy một gương mặt già nua nhăn nheo. Người giấy cầm đèn giấy, ánh sáng từ dưới hắt lên, chiếu thẳng vào khuôn mặt già ấy, khiến người ta có cảm giác âm u rợn người.
"Cót két" một tiếng, hai cánh cửa gỗ mở toang. Ông lão bên trong chống gậy bước ra. Ông nhắm nghiền mắt, tay cầm gậy trúc, khuôn mặt đầy nếp nhăn chằng chịt, trông như đã đến tuổi gần đất xa trời.
Ông ấy sức khỏe vốn không tốt, Cố Ỷ biết điều đó. Đây là ông chú họ của nhà họ Cố, không có con cái, được họ Cố chu cấp để trông nom từ đường — nói trắng ra là được họ nuôi dưỡng. Mỗi năm cha mẹ Cố Ỷ cũng đều gửi tiền biếu ông.
Hồi nhỏ gặp ông, Cố Ỷ chỉ thấy ông là một người già hiền hậu. Nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh như thế này, cái "mùi tuổi già" trên người ông khiến ông chẳng còn chút nào hiền lành dễ gần nữa. Bóng tối phủ lên ông làm cho cả người trông thật nặng nề, thậm chí mang theo vài phần đáng sợ.
"Cố Ỷ à, cháu tới rồi sao? Vào đi." Ông chú họ tuy không thấy được, nhưng qua người giấy vẫn nắm rõ tình hình. Ông đứng tránh sang một bên, mở rộng cửa cho Cố Ỷ vào từ đường.
Cố Ỷ có chút do dự, nhưng cuối cùng vẫn nhấc chân bước lên bậc thềm, chuẩn bị bước vào trong.
Chẳng phải mục đích cô cất công mấy tiếng đồng hồ đến đây chính là để vào từ đường sao?
Hồi nhỏ, cô không được phép vào từ đường. Nhà họ Cố tuy nói thì nghe có vẻ là giữ truyền thống, nhưng nói thẳng ra là vẫn ôm chặt những tư tưởng chôn sâu dưới lòng đất — kiểu như trẻ con và phụ nữ không được vào từ đường. Mẹ cô - Lâm Mạn Thư cũng từng bị cấm. Cố Ỷ từng nghe ông bà ngoại kể, Lâm Mạn Thư vì chuyện này mà cãi nhau một trận ra trò với nhà họ Cố, cuối cùng mới giành được quyền bước chân vào từ đường.
Lần này là lần đầu tiên Cố Ỷ vào từ đường. Nhưng khi thực sự đứng trước ngưỡng cửa đó, cô lại cảm thấy chùn bước.
"Không sao đâu." Cố Ỷ hít sâu một hơi, kéo lấy tay hồn thể của Khương Tố Ngôn, rồi bước vào trong.
Lời tác giả:
Chắc mọi người cũng nhận ra rồi nhỉ, đúng vậy, tôi sắp khai đao với Khương Khương rồi đó! (tìm đánh đi...)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com