Chương 4-2: Mai Khê
Edit: Vô Tự Thán
Ong...
Dường như đã nhiều năm rồi cô chưa từng nghe thấy loại chuông báo thức này. Không phải là âm thanh điện tử tổng hợp phát ra từ điện thoại, mà là tiếng cơ học vang dội, rung lên dồn dập, "ong ong" inh ỏi, chói tai, khó chịu. Nó giống như những buổi sáng thời trung học, đi kèm với tiếng mẹ gọi ngoài cửa, rồi là sự miễn cưỡng bò dậy, rửa mặt, thay đồ, ngồi vào bàn ăn bị giám sát uống cạn một ly sữa lớn. Trứng luộc trên bàn đã được bóc vỏ sẵn, bánh bao hấp cũng đã gỡ tờ giấy lót bên dưới, ánh sáng ngoài trời dịu dàng rọi vào.
Lâm Tri Thước mở mắt.
Rèm cửa chưa được kéo kín, một tia nắng chiếu thẳng lên mí mắt cô.
Trên tủ đầu giường, chiếc đồng hồ báo thức kiểu cũ vẫn đang ra sức rung lên phát ra tiếng ồn ầm ĩ. Cô nhấc nó lên, mắt còn lờ mờ, phải mò mẫm một lúc mới tìm được công tắc tắt chuông.
Chiếc đồng hồ này không phải của cô. Nó không phải là chiếc hồi nhỏ mẹ cô từng mua cho cô – cái có hai tai mèo nhỏ xinh xinh – mà là một cái đồng hồ tròn màu đen, kiểu dáng bình thường nhất. Đây cũng không phải là Hoa Đông, mà là Cẩm Thành, ở nhà ông bà ngoại của cô tại đường Nam Mai Khê.
Có tiếng gõ cửa. Cửa mở, một cái đầu thò vào.
Đỗ Tư Nhân nhẹ giọng nói: "Chị tỉnh rồi à?"
Lâm Tri Thước vò tóc, ngửi thấy mùi rượu thuốc vương trên người từ đêm qua đi bar. "Đồng hồ này là của cô sao?" Giọng cô khàn khàn, vẫn chưa tỉnh hẳn.
Tư Nhân gật đầu: "Em sợ chị ngủ quên." Rồi háo hức hỏi: "Có muốn đi ăn sáng không?"
Lâm Tri Thước lại nằm xuống, nhắm mắt: "Không đi." Cô chẳng hứng thú gì với mỳ cay, sủi cảo cay hay đậu hũ non cay vào sáng sớm.
Tối qua uống nhiều rượu, dạ dày như bị lửa thiêu. Cả đêm, giấc mơ nặng nề đè nặng lên cô.
Dường như Đỗ Tư Nhân đoán được cô đang nghĩ gì: "Không cay đâu, ăn một chút đi. Tối qua chị uống nhiều quá."
Kim giờ trên đồng hồ chỉ chín giờ. Bên ngoài có tiếng chim hót. Đỗ Tư Nhân bước vào phòng, kéo rèm ra thêm một chút, thò đầu ra ngoài cửa sổ: "Ở đây có một đôi chim nhỏ, mới đến hồi hai tháng trước." Nàng khẽ huýt sáo, "Chào buổi sáng nhé, hàng xóm lông vũ."
Lâm Tri Thước lững thững rời giường, bước qua sau lưng Đỗ Tư Nhân. Trong cơn ngái ngủ, cô liếc ra ngoài – trên cây ngân hạnh ngoài cửa sổ có một tổ chim nhỏ, trong đó là một đôi chim cánh đen bụng trắng.
"Đó là hỉ thước đấy. Rất hung dữ, có thể mổ mù mắt người." Cô lơ đãng nói xong rồi đi thẳng vào phòng tắm rửa.
Đỗ Tư Nhân lặng lẽ rút người lại, đóng chặt cửa sổ.
Đường Nam Mai Khê nằm ở phía nam dòng Mai Khê – một con rạch nhỏ nông và ngoằn ngoèo. Hai bên bờ xây lan can chắn, lát gạch vỉa hè, người qua lại tấp nập. Dòng suối luồn qua lòng thành phố, như một dải lụa nhăn bị kẹt giữa phố thị.
Hai người ra khỏi nhà, theo đường đi bộ dọc theo con suối là đến đầu cầu Mai Khê. Qua cầu là chợ. Mai Khê cùng với cả một khu nhà thấp tầng bao quanh tạo thành một con đường hẹp mà dài, bên phải là dòng suối, ven bờ đặt đầy các sạp trái cây và rau củ; bên trái là các căn nhà liền kề, tiệm gạo dầu, hàng thịt cá, tiệm ăn sáng, tiệm may vá và sửa giày san sát nhau. Xe đẩy có chảo xào đặt ngay bên lề đường, quanh đó dựng vài cái bàn gấp thấp tè. Lúc họ đi ngang qua, người bán đang làm nóng chảo phi đồ ăn, mùi dầu cay hăng hắc xông lên khiến Lâm Tri Thước cay mắt đến chảy nước. ĐỗTư Nhân đi trước quay lại cười trêu cô. Đỗ Tư Nhân quá cao, Lâm Tri Thước phải ngước lên mới nhìn được. Hôm ấy trời nắng đẹp, ánh sáng lúc chín giờ sáng chiếu thẳng lên đỉnh đầu Đỗ Tư Nhân, chói vào mắt cô. Dạ dày vẫn như bốc lửa, nhưng ánh nắng khiến cả người cô ấm lên. Đỗ Tư Nhân bước chậm rì rì, cô cũng thong thả theo sau. Dòng Mai Khê dường như bất động, lặng lẽ nâng đỡ cuộc sống hai bên bờ, chậm rãi, chậm rãi trôi về phía trước.
Đỗ Tư Nhân dẫn cô đến một quán ăn sáng bán sữa đậu nành và quẩy. Hai người ngồi ở chiếc bàn nhỏ khá bẩn bên đường, gọi hai bát sữa đậu, hai phần quẩy, thêm một phần tiểu long bao. Trên bàn ngoài chai giấm còn có cả dầu ớt, bột ớt và ớt băm. Lâm Tri Thước rút mấy tờ giấy nhám lau bàn, rồi im lặng đẩy mấy lọ tương ớt về phía Đỗ Tư Nhân.
Đỗ Tư Nhân đắc ý khoe: "Thế nào? Đây có phải là khẩu vị ở chỗ nhà chị không?"
Ông chủ bưng ra hai bát men sứ lớn, sữa đậu trắng ngà bốc khói nghi ngút, thơm ngậy, mùi đậu nồng nàn, hấp dẫn.
Đỗ Tư Nhân lại nói: "Năm nào chị dâu với cháu gái em đến, cũng thích ăn bữa sáng ở đây nhất." Giọng nàng chân thành, "Chị nếm thử đi."
Lâm Tri Thước không đáp, chỉ cúi đầu thổi bớt hơi nóng, húp một thìa. Nóng hổi, mượt mà, đặc quánh. Cô hỏi: "Thế gần đây họ có về không?"
"Tới dịp nghỉ đông, nghỉ hè mới về thôi." Đỗ Tư Nhân xé quẩy giòn tan nóng hổi thành từng đoạn nhỏ, đặt vào đĩa thép không gỉ trước mặt cô.
Mùa hè năm 2005 đang đến gần. Ngoài Đường Lệ và Đỗ Chi An, Cẩm Thành còn đón thêm một vị khách không mời – Lâm Tri Thước 13 tuổi.
Cô liếc Đỗ Tư Nhân một cái – má nàng phồng lên vì nhai. Đỗ Tư Nhân đang nhắn tin, ngón tay cái dính dầu nên phải dùng ngón áp út chậm chạp bấm từng nút trên chiếc điện thoại Ericsson viền cam, bàn phím trắng của mình. Nàng ăn cũng rất chậm, nhai kỹ nhưng mãi không nuốt. Mỗi lần Lâm Tri Thước ngẩng đầu, đều thấy nàng vẫn giữ nguyên tốc độ nhai như lúc đầu, ngón tay vẫn đang bấm từng nút một.
Lâm Tri Thước ngẩng đầu gọi: "Có đường không?" – cô thấy sữa đậu chưa đủ ngọt. Ông chủ mang ra một hũ đường trắng, cô xúc một thìa to đổ cả vào bát.
Đỗ Tư Nhân nói: "Ăn ngọt vậy sâu răng cho coi."
Lâm Tri Thước đáp: "Nhai lâu vậy má sẽ bự ra."
Thế là sau đó, mỗi lần cô ngẩng đầu, đều thấy Đỗ Tư Nhân vừa nhai chậm chậm vừa lén đưa tay lên sờ má mình.
Cô hỏi Đỗ Tư Nhân: "Sao tối qua Trần Diệc Nhiên không đến xem cô nhảy?"
Tư Nhân hờ hững đáp: "Cậu ấy tới làm gì?" Rồi đảo mắt một cái, lại ngượng ngùng hỏi: "Em nhảy... có đẹp không?"
Lâm Tri Thước nghĩ ngợi: "Không nhớ nữa." Trong ký ức cô chỉ còn lại một vài mảnh vụn – ánh đèn xanh tím lập loè không ngừng. Cô cũng nhớ tới cô gái mang bốt đinh ngồi trong tiệm suốt cả chiều hôm qua. Khi họ rời đi, cô gái ấy đã sải bước đi ngang qua, để lại một bóng lưng lạnh lùng. Đỗ Tư Nhân nói với cô, đó là Lư San, chính là cô gái được đồn thổi khắp nơi.
Đỗ Tư Nhân tức tối vì chuyện Lư San bị đuổi học, giận đến mức không buồn ăn sáng, nhai mãi một miếng quẩy cũng không nuốt, miệng thì lẩm bẩm không ngừng. Lâm Tri Thước dọa: "Cô mà không ăn hết, tôi trễ làm, tiền lương bị trừ cô đền nổi không?" Đỗ Tư Nhân đành ừng ực uống cạn bát sữa đậu, trước khi đi còn nhét cả một chiếc tiểu long bao vào miệng, vừa nhai vừa móc trong ví ra hai tờ tiền lẻ được ép phẳng phiu.
Sinh nhật của Đỗ Tư Nhân là ngày 31 tháng 8, cung Xử Nữ. Mà con gái Xử Nữ, dường như đặc biệt ưa sạch sẽ, gọn gàng.
Lâm Tri Thước nhớ rõ điều này là vì năm đó, nghỉ hè cô đến Cẩm Thành. Ngày cuối cùng trước khi nhập học, trước khi ra sân bay, cô đã ăn bánh sinh nhật mừng Đỗ Tư Nhân tròn 21 tuổi. Khi ấy, chương trình Giọng nữ Đam mê vừa kết thúc, Đỗ Tư Nhân trở về nhà, nói không bao lâu nữa sẽ đi Bắc Kinh thu âm bài mới. Sau lần đó, cho đến tận năm 2011 âm – dương cách biệt, số lần cô gặp lại Đỗ Tư Nhân đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà giờ đây, cô lại đang sống dưới cùng một mái nhà với người đã rời đi nhiều năm ấy, cùng đi qua những con phố náo nhiệt của thành thị, ăn với nhau một bữa sáng bình dị.
Người này sống động biết bao: ăn uống thì từ tốn nhai kỹ, tiền lẻ trong ví luôn được vuốt phẳng mép, còn có một chàng trai thầm yêu trộm nhớ.
Đối diện quán ăn sáng, bên bờ suối có một ông cụ mù trải chiếu bói toán, kiêm luôn bán thuốc diệt gián. Khi họ đi ngang, ông cụ ho một tiếng, cất cao giọng nói: "Cô gái, số mệnh cô có kiếp*."
Đỗ Tư Nhân cười trả lời: "Có lễ thì tốt, có kiếp là được nghỉ lễ!"
(E: Kiếp ở đây là chỉ tai kiếp, đồng âm với lễ trong lễ tết.)
Họ đi bộ tới trạm xe buýt dưới chân cầu, bắt chuyến xe đến Học viện Nghệ thuật. Giờ cao điểm buổi sáng vừa qua, xe không quá đông nhưng vẫn không có ghế. Hai người đứng ở cửa sau, Đỗ Tư Nhân lấy kịch bản trong túi ra, mở cho Lâm Tri Thước xem, hỏi: "Nếu là chị, chị sẽ chọn vai nào?"
Lâm Tri Thước không cần suy nghĩ: "Dĩ nhiên là vai nữ chính."
Thế nhưng, cô chưa bao giờ có số làm nữ chính. Hồi còn học sinh, mỗi lần diễn văn nghệ, cô toàn bị giao vai phản diện. Vai chính luôn dành cho kiểu con gái như Đỗ Chi An. Thế nhưng Đỗ Tư Nhân lại trầm ngâm một lát rồi cười nói: "Ừm, chị hợp hơn cả Lộ Tiểu Hoa lẫn Từ Văn Tĩnh đấy."
Khi lật đến phần lời hát tiếng Anh, Lâm Tri Thước thấy bên cạnh vài từ vựng có chú thích rất chỉn chu:
sigh – thở dài, thổn thức;
fundamental – cơ bản, nền tảng.
Chữ của Đỗ Tư Nhân tròn trịa như đôi mắt nàng vậy, nắn nót từng nét một. Lâm Tri Thước bảo Tư Nhân tìm bút, rồi ngay trên chiếc xe buýt đang lắc lư, cô viết từng dòng dịch nghĩa ngắn gọn:
You must remember this
Cậu phải ghi nhớ điều này
A kiss is still a kiss
Một nụ hôn vẫn là một nụ hôn
A sigh is just a sigh
Một tiếng thở dài vẫn là thở dài
The fundamental things apply
Những điều cơ bản luôn đúng
As time goes by
Dù thời gian trôi qua
Xe lúc dừng lúc chạy, đường xóc nảy, mấy chữ cô viết có vài nét ngoằn ngoèo. Lâm Tri Thước không hài lòng, bắt Đỗ Tư Nhân bỏ quyển này đi, in lại bản mới để cô chép lại. Đỗ Tư Nhân lập tức giật lấy, nhét vội vào túi.
Còn hai trạm nữa là đến trường. Xe vừa chạy qua một khu phố yên tĩnh thì dừng lại chờ đèn đỏ.
Đỗ Tư Nhân nhìn ra cửa sổ, đột nhiên như bị điện giật, đứng hình nhìn chằm chằm ra ngoài.
Lâm Tri Thước nhìn theo ánh mắt cô, thấy bên kia đường, trên lối băng qua ngã tư có một cô gái rất cao đang chờ đèn. Cô gái ấy mặc một chiếc váy dài lỗi mốt, tóc ngắn, dáng người thô to, trong tay ôm một bó hoa trắng. Từ xa nhìn lại có chút lạ lẫm.
Xe buýt lại chuyển bánh, lướt qua ngã tư. Cô gái ấy cũng ngẩng đầu nhìn họ, chỉ trong thoáng chốc, rồi dần biến mất ở điểm khuất cuối tầm nhìn.
Đỗ Tư Nhân ngẩn ngơ một lúc lâu, mãi đến khi loa phát thanh báo tên trạm dừng tiếp theo, nàng mới đột ngột nói: "Vừa rồi hình như em thấy Triệu Thiên."
"Ai cơ?"
"Triệu Thiên. Bạn trai cũ của Lộ Tiểu Hoa."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com