Chương 35: Chuyện cũ thuở nhỏ
Sốt và cảm
Hai người mặc váy dài màu đỏ. Một người ngồi trên thân cây, một người nghiêng người tựa vào bên cạnh. Một người cười rạng rỡ, một người chỉ khẽ cười. Chỉ một bức ảnh thôi cũng đủ để thấy tính cách hai người hoàn toàn bất đồng.
Một người lanh lợi, hoạt bát. Một người điềm đạm, chín chắn.
Trong bức ảnh này, Trình Phỉ trông hòa nhã hơn nhiều, không giống dáng vẻ mà Lương Thực Thu từng thấy ở trường, lúc nào cũng mang một khuôn mặt cáu kỉnh.
"Có vẻ quan hệ giữa em và Trình Phỉ ngày càng hòa hợp nhỉ?"
Lương Thiến bóc một quả nho bỏ vào miệng, thắc mắc hỏi: "Sao mà nhìn ra được?"
Lương Thực Thu khẽ nâng cằm, ra hiệu cho Lương Thiến tiếp tục lướt ảnh, trùng hợp mấy tấm này đều là ảnh chụp chung của hai người.
Biểu cảm và động tác của Lương Thiến mỗi tấm một kiểu, còn Trình Phỉ thì chẳng khác nhau là mấy, cùng lắm chỉ thêm động tác giơ tay hình chữ V.
Hết sức khô khan.
Mà lúc này, Trình Phỉ đang truyền dịch trong bệnh viện. Đầu cô đau muốn nứt, mỗi lần nuốt nước bọt là một lần cảm nhận cơn đau nhói như có con dao nhỏ đang nhảy múa trong cổ họng.
Có lẽ do những ngày trước quá mệt mỏi, cộng thêm khoảng thời gian buông xoã uống rượu và thức thâu đêm ở Vân Thành, nên sáng nay khi tỉnh dậy, cô cảm thấy vô cùng khó chịu. Lấy nhiệt kế đo thử, 38,9 độ.
Trong nhà có sẵn thuốc thường dùng, cô uống một viên hạ sốt rồi tiếp tục ngủ. Nhưng cả người đau nhức khiến cô không tài nào ngủ được.
Đặc biệt là vùng eo, đau đến mức ngồi không được, nằm cũng không xong, chỉ có tư thế nằm úp là dễ chịu hơn chút.
Tình trạng này kéo dài đến tận chiều mà không hề thuyên giảm. Dù có chậm chạp đến đâu, cô cũng nhận ra mình không phải chỉ cảm sốt thông thường, mà rất có khả năng đã nhiễm virus.
Cô tìm khẩu trang đeo lên, gắng gượng lục ra chứng minh thư và thẻ bảo hiểm y tế, rót đầy nước vào bình giữ nhiệt, rồi lái xe đến bệnh viện.
Cô biết bãi đỗ xe bệnh viện rất khó tìm chỗ đỗ, nhưng cơ thể đã khó chịu đến mức không thể chờ ra ngoài khu nhà gọi xe được nữa. Hơn nữa, cô cũng lo mình sẽ lây bệnh cho người khác.
Để giảm bớt cảnh chen chúc xếp hàng, Trình Phỉ đến một bệnh viện cộng đồng gần đó. Chỉ từ chỗ đỗ xe đi vào khu cấp cứu mà cô đã vã cả mồ hôi lạnh trên trán. Trước phòng khám sốt có một hàng người, trong đó cũng có người có triệu chứng giống cô. Mọi người nhìn nhau một cái, rất ăn ý mà cùng thở dài.
Sau đợt virus, cảm lạnh và sốt đã được xem như đồng nghĩa với "dương tính".
Người xếp hàng phía sau cô là một nam sinh cấp ba, đi cùng bố mẹ.
Bác sĩ đưa cho Trình Phỉ phiếu xét nghiệm, bảo cô đi lấy máu trước để xác định là cảm do virus hay cảm do vi khuẩn.
Lấy máu xong quay lại, trong lúc chờ đợi, cô đờ đẫn tựa vào băng ghế dài. Kết quả xét nghiệm phải đợi nửa tiếng mới có, trong nửa tiếng này, cô khó chịu đến mức chẳng muốn làm gì, chỉ dựa vào việc chịu đựng cơn đau để giết thời gian.
Nam sinh kia ngồi bên cạnh cô, được bố mẹ đi cùng săn sóc. Một chàng trai cao gần mét tám, khó chịu đến mức gục vào vai mẹ. Bố cậu thì cầm bình nước, thỉnh thoảng lại nhắc cậu uống một ngụm.
Trên trán cậu còn dán miếng dán hạ sốt hình gấu nhỏ.
Trình Phỉ liếc nhìn túi của mình, bên trong cũng có bình giữ nhiệt. Nhưng cô không dám uống, sợ lát nữa truyền dịch sẽ phải đi vệ sinh.
Lúc cô đến bệnh viện là khoảng 6 giờ, đến gần 7 giờ mới được truyền dịch.
Khi đầu kim tiêm lạnh lẽo đâm vào mạch máu, Trình Phỉ nhìn mà chẳng có biểu cảm gì, thấy máu mình chảy ngược vào ống truyền trong suốt, rồi lại bị dòng thuốc đẩy trở về cơ thể.
Cơn đau thoáng qua, cô chẳng có chút cảm giác nào.
Từ nhỏ sức khỏe Trình Phỉ đã kém, tiêm thuốc, uống thuốc gì cũng quen rồi.
Vừa chào đời không bao lâu, cô đã bị viêm phổi. Từ đó, cứ hễ gió thổi mưa rơi là cô lại ho và lên cơn hen suyễn. Vào mùa đông lại càng không dám đụng vào thứ gì lạnh, mỗi lần lên cơn hen suyễn nặng, cô đều có cảm giác mình sắp chết đến nơi.
Khi vào lớp 1, bệnh hen suyễn vẫn chưa thuyên giảm. Khi ấy 7 tuổi, cô đã nghĩ, chi bằng chết đi cho rồi.
Chết rồi, mọi người đều không phải khó xử.
Bố mẹ không khó xử, cô của cô không khó xử, bà nội cũng không khó xử.
Lúc sinh cô, bố mẹ gặp phải chính sách kế hoạch hóa gia đình. Cô là con thứ hai, trên còn có một chị gái. Bố mẹ muốn có thêm con trai, cũng không định nhờ người làm hộ khẩu cho cô. Cô của cô thấy họ không muốn nuôi, bèn bàn bạc với bà nội để nhận cô về nuôi, vì cô của cô đã kết hôn nhiều năm mà vẫn chưa có con.
Bà nội không đồng ý, chủ yếu là sợ cô của cô đổi ý, mà một khi đổi ý thì người một nhà sẽ nảy sinh hiềm khích.
Nhưng cô của cô cứ nhất quyết cầu xin bà.
Dẫu sao cũng là con gái ruột, cuối cùng bà nội vẫn mềm lòng. Vừa hết thời gian ở cữ, Trình Phỉ đã bị bế sang nhà cô ruột.
Không biết là may hay rủi, năm Trình Phỉ 5 tuổi, cô của cô đột nhiên mang thai rồi sinh con trai. Đến lúc này, Trình Phỉ dường như trở nên dư thừa.
Khi ấy Trình Phỉ đã đổi sang họ khác, thành Chu Phỉ.
Cô vẫn nhớ rất rõ, đó là một ngày cuối thu. Táo trong sân nhà bà nội đã chín đỏ, thỉnh thoảng lại có quả rụng xuống, bà sẽ nhặt lên đem phơi khô.
Cô ruột đưa Trình Phỉ về nhà bà nội. Bà nội làm hoành thánh cho Trình Phỉ ăn trong sân, còn bà và cô của cô thì nói chuyện trong nhà.
Ban đầu giọng họ rất nhỏ, Trình Phỉ không nghe được gì. Nhưng dần dần, tiếng cô của cô càng lúc càng lớn, cuối cùng trở thành tiếng la cuồng loạn.
"Mẹ chỉ biết lo cho con trai mẹ thôi. Mẹ có biết bao năm qua con sống thế nào ở nhà họ Chu không? Con vốn không muốn lấy anh ta, là do bố nói nhà họ có lò gạch, con theo anh ta sẽ có cuộc sống êm ấm, lại còn có thể giúp ích cho việc kinh doanh vật liệu xây dựng của anh, nên con mới chịu cưới. Nhưng cưới rồi mà con mãi chẳng sinh được, mẹ có biết mẹ chồng đay nghiến con thế nào không? Bà ta nói con còn không bằng một con gà mái, gà mái ăn thức ăn chăn nuôi vào còn đẻ trứng, còn con thì ngày nào cũng ăn bánh bao trắng mà chẳng sinh nổi một mụn con. Bây giờ con khó khăn lắm mới sinh được Thành Nhi, tất nhiên con phải nghĩ cho nó. Nếu giữ lại Trình Phỉ, thằng bé sẽ không phải con một nữa, không làm được giấy chứng nhận con một, vậy nên con không thể giữ Trình Phỉ lại được."
"Thế thì con trách ai? Hồi đó mẹ đã không cho con bế nó đi rồi, con cứ không nghe."
"Hồi đó là hồi đó. Dù sao thì từ giờ trở đi, con từ bỏ đứa nhỏ này. Nuôi không công năm năm trời, con cũng không tính toán tốn bao nhiêu tiền đâu."
Trình Phỉ ngồi trong sân, hoành thánh quá nóng, cái miệng nhỏ ăn mà nước mắt rơi lã chã vào trong bát.
Nghe thấy có người ra, Trình Phỉ vội vã giơ tay lau nước mắt. Nhưng tay áo quá ngắn, cánh tay cô dính đầy nước mắt và nước mũi.
Cô của cô bước ra. Nhìn thấy cô, hai cô cháu bốn mắt nhìn nhau. Trình Phỉ định đứng dậy.
Nhưng cô của cô lại tưởng cô muốn đi theo, ngay lập tức chạy thẳng ra ngoài mà không quay đầu. Trình Phỉ đứng ngây ngốc tại đó. Cô chỉ định nói cô của mình ăn chút hoành thánh thôi.
Người từng quấn quýt bắt cô gọi "mẹ" đột nhiên lại tránh cô như tránh rắn rết.
Bà nội cũng chứng kiến cảnh ấy. Bà cầm chiếc khăn mặt đã sờn rách đến mức lộ cả sợi chỉ lau nước mắt cho cô.
"Được rồi, Phỉ Nhi, đừng khóc. Sau này, bà cháu ta sống với nhau."
Về sau, Trình Phỉ thực sự sống cùng bà nội, mà cũng chỉ có thể sống cùng bà nội. Sau khi cô bị cô ruột vứt bỏ, bà nội cũng muốn đưa cô về nhà bố mẹ. Nhưng mẹ cô vì giận cô của cô nên nói nếu bà nội dám mang cô về nhà mình thì sẽ ly hôn.
Mà thời đó, ly hôn vẫn còn là chuyện hiếm gặp.
Bà nội trước kia là giáo viên, sau khi nghỉ hưu có lương hưu. Tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để hai bà cháu ăn uống qua ngày. Khi đó, bà đã ngoài sáu mươi. Bà có ba người con, lẽ ra họ nên gửi chút tiền phụng dưỡng bà, nhưng vì bà đang nuôi Trình Phỉ, hai nhà kia đều nói bà thiên vị. Đừng nói đến chuyện gửi tiền phụng dưỡng, chỉ cần họ không đến gây chuyện đã là may rồi.
Bà nội cũng không cầu xin họ, hơn sáu mươi tuổi vẫn theo người trong thôn đi làm. Giữa những ngày nóng nhất của mùa hè, bà nhổ cỏ thuê cả ngày cũng chỉ được mười đồng.
Trình Phỉ không có chỗ nào để đi, cũng chẳng có ai chơi cùng, bà nội đi đâu thì cô theo đó.
Bà nội nhổ cỏ trên ruộng, để cô ngồi dưới bóng cây, chừa lại cho cô một cái bánh bao và một chai nước đun sôi để nguội.
Người trong thôn thấy hai bà cháu sống vất vả thì bắt đầu bàn tán sau lưng về việc các con bà bất hiếu, nhưng các bà bác trong họ lại nói bà chỉ giả vờ, bảo là bà có lương hưu.
Đến khi Trình Phỉ vào tiểu học, bác sĩ ở trạm xá trong thôn nói rằng khi lên thị trấn có thấy một loại thuốc đặc trị hen suyễn, cứ ba ngày tiêm một mũi, khoảng ba tháng là có thể khỏi.
Bà nội lập tức đóng tiền, nhờ trạm xá nhập thuốc về.
Trình Phỉ bắt đầu đi tiêm. Lúc đầu bà nội còn đi cùng, nhưng sau bà bận làm việc, Trình Phỉ phải tự đi.
Công việc bà làm là may quần áo cho người ta, kiểu áo khoác áo dài gì đó, may một cái được ba đến năm đồng, mỗi ngày may được khoảng một cái. Việc nhổ cỏ không phải ngày nào cũng có, thế là bà cầm kim chỉ lên, bắt đầu dựa vào nghề này kiếm sống. Dù tuổi đã cao, nhưng đường kim mũi chỉ của bà rất khéo, áo may xong phẳng phiu, hầu như không nhìn thấy đường may.
Tiêm thuốc đặc trị được khoảng một tháng, mông của Trình Phỉ bắt đầu không chịu nổi, bầm tím khắp nơi, đi đường cứ tập tễnh.
Nhưng may là khi trời âm u hay mưa gió, cô cũng không còn hổn hà hổn hển nhiều nữa.
Bà nội bảo cô kiên trì, buổi tối còn dùng nước muối chườm nóng cho cô, sau đó lại dạy cô làm bài tập.
Cô làm bài, bà tiếp tục may áo. Khi ấy, cô còn chưa biết cái gì gọi là hại mắt, chỉ biết giúp bà nội xỏ kim.
Hai tháng sau, bệnh hen suyễn của cô đã gần như khỏi hẳn. Bác sĩ trạm xá bảo có thể giãn ra một tuần tiêm một lần, thêm bốn đến năm mũi nữa là khỏi hoàn toàn.
Vậy nên chuyện tiêm thuốc với cô cũng không đưa đến cảm giác gì. Cô cũng đã quen với việc đến bệnh viện một mình.
Hôm nay có ba chai thuốc truyền, hai chai lớn một chai nhỏ. Khi truyền đến chai thứ hai, Trình Phỉ đã khó chịu đến mức muốn ngủ.
Ông chú ngồi cạnh có vẻ nhìn ra, khuyên cô cứ ngủ một lát, nói sẽ để ý giúp. Cô không chịu nổi nữa, thực sự ngủ thiếp đi, nhưng chẳng bao lâu đã bị đánh thức. Tay phải của cô sưng to như cái bánh bao.
Kim bị lệch.
Y tá lại đến, đổi sang tay trái, tiếp tục truyền dịch.
Trình Phỉ không dám ngủ nữa, nhưng may mà thuốc đã phát huy tác dụng, cô không còn thấy khó chịu như trước.
Đến 1 giờ sáng mới về đến nhà, cô cũng không dám tắm rửa, chỉ trùm chăn ngủ, thật sự buồn ngủ chịu không nổi.
Hôm sau là thứ Hai. Lương Thiến đến công ty trước 9 rưỡi, Trình Phỉ chưa tới, đến 10 giờ vẫn chưa thấy tới.
Lương Thiến cảm thấy có gì đó không ổn nên gọi Trình Phỉ, nhưng không ai bắt máy.
Ivy đi ngang qua bàn cô lúc rót nước, thấy cô đang nhíu mày gọi điện thì hỏi: "Đang gọi cho Trình Phỉ à?"
Lương Thiến vội gật đầu.
"Trình Phỉ xin nghỉ ốm, em không biết à?"
Lương Thiến sững người một lát, rồi xua tay: "Không phải, chỉ là có chút việc muốn hỏi chị ấy thôi."
Ivy vừa lấy nước vừa nói với cô: "Chắc Trình Phỉ ngủ rồi. Sáng nay lúc gọi cho tôi, nghe giọng thì có vẻ ốm nặng lắm."
Lương Thiến cũng không biết vì sao mình lại vô thức trả lời là biết chuyện Trình Phỉ bị ốm, thành ra cô cũng không tiện hỏi rõ xem Trình Phỉ bị làm sao, chỉ đành gượng gạo nói chuyện qua loa với Ivy vài câu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com