Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 27

Hành động quỳ xuống đột ngột của cô ấy khiến tôi luống cuống, chỉ đành đỡ dậy, nhưng cô ấy lại cúi gằm đầu không chấp nhận. Tôi không khỏi thở dài: "Nương tử, xin hãy đứng lên. Nếu việc này nằm trong khả năng, ta nhất định sẽ minh oan cho cô".

Bấy giờ cô ấy mới ngẩng đầu nhìn tôi, đôi mắt vừa kiên nghị lại chan chứa bi thương và oán hận. Tôi mời cô ấy ngồi, đối phương lại đưa huyết thư cho tôi, mong tôi xem qua.

Tôi đã không nhận lấy. Tôi chẳng phải thánh nhân, cũng không muốn dính dáng đến quá nhiều thị phi, bởi tôi biết rõ mình không có năng lực đó. Tôi chỉ mời cô ấy kể lại sự tình.

Cô ấy tên Tề Tư, người huyện Cừ Dư, Tương Châu. Phụ thân là tiến sĩ [1] năm Thừa An thứ chín, giữ chức tư thương tham quân [2] ở Tương Châu, quản lý các việc như thuế má, kho lương, giao thương. Vì cần chính yêu dân nên ông ấy rất có tiếng tăm, sau đó nhận chiếu chỉ vào kinh, vốn dĩ tiền đồ rộng mở, nhưng vì đắc tội với người trong kinh nên lại bị giáng chức về Tương Châu, vẫn làm tư thương tham quân. Ba năm trước, ông ấy qua đời vì bệnh tật, trong nhà không có của cải dư thừa, quả là một vị quan thanh liêm hiếm có.

[1] Đây là học vị cao nhất trong hệ thống khoa cử thời phong kiến. Người đỗ tiến sĩ đã vượt qua kỳ thi Đình, kỳ thi cao cấp nhất do nhà vua trực tiếp tổ chức, và được xem là những người có tài năng xuất chúng, đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào các chức quan cao trong triều đình, khác với bác sĩ - một chức quan tại các cơ quan như Quốc Tử Giám.

[2] Đây là một chức quan võ cấp thấp, phụ trách việc quản lý kho lương, thuế khóa và các vấn đề giao thương trong một châu hoặc phủ. "Tư thương" có nghĩa là quản lý kho thóc, còn "tham quân" là một chức quan phụ tá trong quân đội hoặc chính quyền địa phương.

Tề Tư kể: "Phụ thân tiểu nữ một lòng vì dân, không dám nhận bất kỳ tặng vật nào của bá tánh, cũng chưa từng đàn đúm rượu chè với quan lại Tương Châu. Nhưng thuế má ở Tương Châu năm nào cũng tăng, kho lương không đầy, bá tánh đến phủ nha kêu oan thì bị thứ sử ém nhẹm, những người đi kêu oan còn bị xem là điêu dân [3] mà giam cầm, hành hạ. Phụ thân tiểu nữ không đành lòng, mấy lần tranh cãi với thứ sử đều bị dẹp yên, tấu chương dâng lên cũng bị chặn lại, không cách nào đến được kinh thành".

[3] Một từ miệt thị mà quan lại xưa dùng để chỉ những người dân thường bị cho là ngoan cố, hay gây rối, chống đối lại chính quyền.

Tôi không khỏi thắc mắc: "Vậy tại sao bây giờ lại tìm đến ta?".

Tề Tư đáp: "Sau khi phụ thân mất, tiểu nữ và mẫu thân nương tựa vào nhau. Mẫu thân dặn tiểu nữ rằng đã mất đi sự che chở của phụ thân, cuộc sống của chúng ta vốn đã khó khăn, đừng nhúng tay vào chuyện này nữa. Nhưng lần này Tương Châu động đất, đại nạn ập đến, bá tánh không thể kêu oan ở cửa quan, chỉ đành tìm đến tiểu nữ. Vì phụ thân tiểu nữ yêu dân như con, họ cho rằng tiểu nữ cũng có tấm lòng ấy. Song sức tiểu nữ có hạn, đây không phải là chuyện của một châu, mà là do có kẻ trong kinh chống lưng, những lời đó, vốn không có bất kỳ cơ hội nào để đến được kinh thành".

Cô ấy dừng lại một chút rồi nhìn tôi: "Mấy ngày nay, tiểu nữ thấy Phò mã tuần tra mấy lần, lại tranh cãi với các quan viên trong phủ, nghĩ rằng có lẽ Phò mã là người yêu dân, nên mới đến cầu xin ngài".

Tôi lặng thinh, đôi mắt kia cứ nhìn tôi chằm chằm, dường như nếu tôi không đồng ý, cô ấy sẽ lại phủ phục xuống đất mà không đứng lên.

Tôi khẽ thở dài, hỏi: "Cô muốn kiện cáo điều gì?".

Tề Tư thoáng vui mừng, cúi người bái tôi rồi nói: "Tiểu nữ muốn tố cáo quan lại Tương Châu cấu kết với đám phú thương, thân hào, chiếm đất lừa dân, cưỡng ép thu thuế. Trong kinh cũng có kẻ bao che, dung túng cho hành vi của chúng, xin Phò mã hãy tra xét rõ ràng cho bá tánh chúng tôi".

Hai chữ "tra xét" này thực sự quá nặng nề, tôi không có quyền lực đó. Tề Tư thấy tôi im lặng, lại vội vàng kể tiếp: "Phạm Phò mã có biết tại sao trận động đất lần này rõ ràng không mạnh, mà vẫn có nhiều bá tánh gặp nạn như vậy không? Những kẻ đó chiếm đất, còn ngang ngược nói nhà sập là làm hư hại nhà cửa của chúng, bắt bá tánh phải bồi thường. Họ không trả nổi, chỉ có thể bán con bán cái, nhưng vẫn không đủ, thế là bị cưỡng ép đi tu sửa cho chúng, nhưng không được trả một đồng công nào, người chết đói, chết vì kiệt sức, nhiều không kể xiết".

Tôi nhíu mày hỏi: "Quan phủ có chính sách lấy công thay cứu tế [4], chẳng lẽ tiền công và lương thực cũng bị chiếm đoạt sao?".

[4] Đây là một chính sách thay vì phát chẩn trực tiếp lương thực, tiền bạc cho dân bị nạn, triều đình sẽ tổ chức các công trình công ích để dân làm việc và nhận thù lao (công xá, lương thực), giúp dân tự nuôi sống bản thân.

Tề Tư phẫn nộ: "Đúng vậy! Ngay cả những nơi do quan phủ xây dựng cũng có đám phú thương thân hào đứng sau, chúng vốn dĩ cùng một phe lợi ích, lại không cho bá tánh lên tiếng, ép buộc họ phải làm việc".

Tôi dừng một chút, đứng dậy đi qua đi lại trong phòng rồi hỏi: "Những chuyện này, làm sao cô biết được?".

Tề Tư cười khổ: "Phạm Phò mã, ngài ở trên cao không thấy, nhưng tiếng khóc của bá tánh, chỉ có cái chết mới có thể tỏ bày".

Tề Tư lại giơ tờ huyết thư lên, đưa đến trước mặt tôi. Tôi thoáng do dự, hồi sau cũng nhận lấy và mở ra.

Tờ huyết thư trải ra đất còn dài hơn cả người, trên đó toàn là những lời tố cáo sự mục nát, tăm tối của Tương Châu. Hàng nghìn chữ, chữ nào cũng là lời lẽ bi phẫn, trên đó còn có tên các quan viên trong phủ, là những người tôi đã gặp khi đến đây. Tiếp theo là tên của bá tánh kéo dài đến sáu thước, có chữ viết sai, có chỗ chỉ là dấu tay điểm chỉ.

Lòng tôi dâng lên một nỗi bi thương và hoảng loạn. Những gì tôi thoáng thấy chỉ là sự bớt xén của quan phủ, nhưng ẩn đằng sau đó lại là một thế sự thảm khốc hơn nhiều.

Tôi cuộn huyết thư lại, cúi người mà bái: "Xin Tề nương tử hãy đợi ở đây, ta sẽ đem việc này báo cho Tiền Thị lang".

Nói đoạn, tôi định ra ngoài, nhưng cô ấy đột ngột níu cánh tay tôi, mắt ánh lên vẻ thảng thốt: "Phò mã! Chẳng lẽ ngài không biết quan lại cấu kết với nhau, sao có thể nói cho họ biết được?".

Tôi khựng lại, quay người cười khổ: "Cô có biết tôi chỉ là một Phò mã hữu danh vô thực, những chuyện này nếu do tôi bẩm báo, ấy là vượt quyền hạn, huống hồ người có thể minh oan cho cô, cũng phải là một vị quan có thực quyền. Không thể phớt lờ họ được".

Cô ấy túm cánh tay tôi, càng lúc càng siết chặt, cơn đau từ cánh tay truyền đến đủ để thấy sóng lòng của đối phương đang cuộn trào. Thời gian chừng nửa nén hương, chúng tôi cứ giằng co như vậy.

Thấy cô ấy vẫn không chịu buông tay, tôi khẽ thở dài, khó khăn rút tay mình ra, rồi trang trọng cúi đầu bái lễ: "Tiền Thị lang dẫu sao cũng là quan kinh thành, lương tâm chưa mất hẳn. Nếu có ngài ấy giúp đỡ, việc này ắt sẽ dễ dàng hơn. Xin nương tử hãy tạm tin ta một lần, cứ ở đây chờ đợi. Bất luận kết quả ra sao, ta cũng sẽ không lừa gạt nương tử. Nếu thực sự không còn cách nào khác, ta nguyện về kinh, thay nương tử kêu oan."

Vẻ mặt Tề Tư khẽ lay động, giằng co một hồi lâu, cuối cùng cũng đồng ý để tôi đi tìm Tiền Thị lang. Trước khi ra khỏi cửa, cô ấy đột nhiên nói: "Phạm Phò mã, tiểu nữ nguyện tin ngài".

Tôi chết sững tại chỗ, tự dưng thấy lòng mình chột dạ. Cả cuộc đời ngắn ngủi này, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ được giao phó một việc trọng đại như vậy, cảm giác như có một tảng đá lớn đè nặng lên tim, chỉ sợ mình sẽ khiến cô ấy thất vọng, không dám hứa hẹn gì thêm, vội vã rời đi.



#



Tiền Thị lang vừa từ tiệc rượu trở về, đang giải rượu trong phòng. Tôi thông báo rồi bước vào, ông ta thoáng hoảng, sau bình tĩnh trở lại.

Tôi đoán, chuyện dâng nữ tử tối nay cũng có phần của ông ta, nhưng tôi nghĩ, nếu sự thật bày ra trước mắt, có lẽ sẽ thuyết phục được ông ấy.

Khi tôi lấy tờ huyết thư ra cho ông ta xem, ông ta thất kinh, ra lệnh cho người đóng chặt cửa sổ, rồi kéo tôi vào phòng trong. Rượu đã tỉnh được ba phần, nhưng ông ta lại quát lên: "Phò mã sao dám làm chuyện này?".

Tôi không hiểu: "Tiền Thị lang, chuyện này là sao? Huyết thư của bá tánh rành rành trước mắt, sau là những gì ta đã thấy, chẳng lẽ không nên tra xét rõ ràng ư?".

Tiền Thị lang "suỵt" một tiếng, ôm đầu đi đi lại lại trong phòng, càng đi càng vội, một lúc sau ông ta nhìn chằm chằm vào tôi: "Phò mã thật sự không biết hay giả vờ không biết?".

Tôi ngơ ngác nhìn ông ta: "Xin Tiền Thị lang cứ nói thẳng".

Ông ta đập mạnh vào đùi, run rẩy chỉ vào tôi, muốn nói lại thôi, hồi lâu mới than một tiếng: "Chuyện ở Tương Châu, từ lúc vị Tề Tham quân kia vào kinh đã ai cũng biết cả rồi. Ngài tưởng tại sao bao nhiêu năm qua không ai xử lý, tự nhiên là có người không muốn quản. Ngài còn cầm tờ huyết thư này đến, chẳng phải là tự tìm đường chết sao?".

Tôi không khỏi tức giận: "Đã là chuyện ai cũng biết, càng phải quản. Thiên tử ngồi trên triều, há có thể để quan kinh thành ngang ngược làm càn!".

Tiền Thị lang trông như giận vì tôi không chịu hiểu, lại có vẻ mệt mỏi, mời tôi ngồi xuống rồi nói: "Ngài có biết người hưởng lợi nhiều nhất từ chuyện Tương Châu là ai không?".

Tôi đáp: "Dù là ai, cũng không thể coi thường luật pháp. Tiền Thị lang làm quan, chẳng lẽ còn không hiểu rõ hơn kẻ nửa đường nhậm chức như ta sao?".

Ông ta tức đến phát cáu, gắt lên: "Là Thái tử Điện hạ!".

Tôi trố mắt nhìn ông ta, hồi lâu không nói được lời nào.

Thấy tôi ngây người, ông ta nói tiếp: "Phò mã có biết tại sao lại phái ngài đến giám sát không? Tề Vương đã sớm biết Tương Châu có chuyện mờ ám, nếu phong huyết thư này không rơi vào tay ngài mà vào tay người của ngài ấy, hậu quả sẽ ra sao?".

Tôi trầm ngâm một lát, rồi chậm rãi nói: "Dù là Thái tử cũng không nên làm chuyện này. Thái tử vô đức thì đất nước cũng chẳng được lợi gì, tự khắc phải chịu phạt..."

"Ha..." Tiền Thị lang cười khẩy, "Phò mã thật sự cho rằng quốc pháp dễ dùng như vậy sao? Dẫu biết rõ là Thái tử, cũng tự nhiên có thể tìm người chịu tội thay. Phò mã nghĩ người này là ai? Phò mã xin hãy nghĩ kỹ lại, tại sao, lại là ngài, tại sao, không ai dám bẩm báo?".

Trong đầu tôi như sấm vang chớp giật, bổ thẳng xuống khiến tôi không động đậy nổi. Tôi mấp máy môi, một cảm giác chẳng lành dâng lên, và khi nghe thấy cái tên ông ta nói ra, tôi gần như muốn ngã quỵ tại chỗ.

Ông ta nói: "Tề Tham quân năm đó vào kinh đã bẩm báo chuyện này, nhưng cuối cùng lại bị điều đi nơi khác. Trong kinh đều nói ông ta đắc tội với người, đắc tội với ai? Người có thể nắm giữ việc thăng giáng của ông ta?".

Tiền Thị lang ép sát từng bước, không cho tôi đường lui: "Là phụ thân của Phò mã, Lại bộ Thượng thư Phạm Trạch Dân. Phò mã muốn tống phụ thân mình vào tử lao sao?".

Tai tôi ù đi, đầu óc trống rỗng, cả người run lên bần bật.

Nếu tôi thật sự bẩm báo, ấy là tố cáo cha ruột, cuối cùng phải đón nhận tai họa ngập đầu, sẽ là Phạm phủ, là tôi, có lẽ còn... liên lụy đến Công chúa.

Lời của Tiền Thị lang vẫn văng vẳng bên tai, tôi không biết mình đã trở về bằng cách nào, chỉ ngây ngốc đứng trong sân, nhìn ánh nến vẫn còn sáng trong phòng, một trái tim như chìm xuống vực sâu không đáy.

Tôi muốn cứ thế trốn chạy, vứt bỏ lời tố cáo không thể chịu đựng này. Tờ huyết thư bị tôi nắm chặt trong tay, nhàu nhĩ chẳng ra hình ra dạng. Tôi giằng co giữa việc xé bỏ và vứt đi, không thể bước nổi một bước.

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải đối diện với ánh mắt tràn đầy hy vọng của Tề Tư.

Tôi yếu ớt ngồi xuống một bên, cô ấy liên tục hỏi tôi có tin tốt gì không, tôi không trả lời, chỉ chậm rãi trả tờ huyết thư cho cô ấy, có thể tưởng tượng được vẻ mặt của tôi lúc đó.

Sự thất vọng và phẫn nộ khiến cả người Tề Tư chết lặng, hai tay siết mạnh, dường như có thể bóp ra máu, đôi môi mím chặt.

Tôi đoán cô ấy muốn mắng tôi, tôi không có lời nào để biện giải, chỉ khẽ thốt, bằng cái cách dập tắt tất cả hy vọng của cô ấy: "Xin lỗi, ta không giúp được cô".

Tề Tư không đáp gì, ngoài việc mãi đứng đó, hồi lâu sau mới hít một hơi thật sâu, nhắm mắt lại, nhưng vẫn giữ lễ với tôi, song từng chữ cất ra lại không khác gì mỉa mai: "Quả đúng như lời phụ thân tiểu nữ nói, người trong kinh, đều là một phường cá mè một lứa, chẳng thể trông mong được chút hy vọng nào."

Đoạn, Tề Tư đẩy cửa phòng, cơn gió nóng tháng sáu ùa vào mặt, lại mang theo hơi thở tang tóc bi ai. Cô ấy nói: "Tiểu nữ không trách Phạm Phò mã, tiểu nữ chỉ trách bản thân mình vẫn quá ngây thơ, lại muốn giao việc này vào tay người khác".

Tề Tư nhanh chân bước ra, bóng đêm nuốt chửng thân hình. Tôi cứng đờ quay đầu lại, phát hiện tấm huyết thư bị bỏ rơi trên bàn. Cô ấy không mang đi, có lẽ, chính bản thân cô ấy đã là một tấm huyết thư rồi.

Tôi đứng dậy đóng cửa, dường như muốn chặn hết những lời cô ấy nói đêm nay ở ngoài. Quay người lại, tôi ngây ngốc ngồi trong phòng, nhìn dầu đèn cháy cạn, lòng ngổn ngang trăm mối.

Trái tim tôi bẩn thỉu đến thế, không nỡ bỏ Công chúa, cũng không thể đại nghĩa diệt thân [5], đẩy cha mình, đẩy cả gia tộc Phạm thị vào cảnh diệt môn.

[5] Một thành ngữ chỉ việc vì chính nghĩa, vì lợi ích chung mà không nề hà tình thân, sẵn sàng vạch tội hoặc trừng trị người thân của mình.

Tôi nghĩ Tề Tư có lẽ sẽ tự mình vào kinh, tìm kiếm một tia hy vọng, nhưng tôi không ngờ, cô ấy lại chết một cách thê thảm như vậy, ngay trước mắt tôi.


---

Tác giả: Cảm giác chương này Phò mã sẽ bị mắng mất, nên tôi phải rào trước một câu đây. Phò mã không phải thánh nhân, Công chúa cũng vậy, lòng tốt cũng có giới hạn thôi. Vì vậy nếu mọi người không thích thì cũng làm ơn đừng chửi bới, xin luôn (╥╯^╰╥) Chương này vẫn chưa viết xong nguyên nhân cái chết của Phò mã, tức ghê!

Editor: Tôi đọc quyền mưu không nhiều nên những gì tôi đọc thì quyền mưu đa số chỉ xoay quanh tranh đấu trong triều, nhưng bộ này hơi khác biệt với tôi một tí vì miêu tả cả ảnh hưởng của chính trường lên quan lại địa phương và đời sống dân chúng, các trình tự, thủ tục hành chính thời xưa cũng miêu tả khá kỹ nữa, tạo cảm giác tác giả có bỏ tâm sức ra để tìm hiểu kiến thức rất nhiều👍


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com