CHƯƠNG 29
Cái chết của Tề Tư khiến tôi chấn động khôn nguôi. Tôi xuất thân hèn mọn, lại gặp phải chuyện bất công, để rồi lún sâu vào vũng bùn không cách nào tự cứu, nhưng tôi chẳng muốn cô ấy cũng giống như tôi.
Sau khi Tề Tư chết, tôi bắt đầu tham dự các bữa tiệc của phủ nha, chấp nhận sự lôi kéo của họ. Chỉ là tôi không uống rượu, may mà họ cũng không ép. Có lẽ chỉ cần tôi chịu bước chân vào cánh cửa âm u đó, đối với họ đã là được như ý nguyện. Nhờ vậy, tôi ghi lại được lời nói và hành vi của họ, nhìn thấu những chuyện riêng tư mờ ám kia.
Tiền Thị lang vẫn luôn âm thầm quan sát tôi. Trong khoảng bốn tháng, tôi hòa mình vào đó, nhưng vẫn giữ một nỗi căm phẫn, không để họ sinh nghi. Dưới sự "gợi ý" của họ, tôi đã viết xong nội dung để về kinh phục mệnh.
Giữa tháng mười, tôi và Tiền Thị lang về kinh. Lúc rời khỏi Tương Châu, rất nhiều dân chúng vây quanh hai bên đường, nhưng không phải để cảm tạ, mà chỉ mang theo vẻ bi thương và tuyệt vọng nhìn chúng tôi rời đi. Tôi không nỡ nhìn tiếp, chỉ cúi xuống trông chiếc hộp gỗ mộc mạc đặt bên cạnh. Bên trong đó là huyết thư của Tề Tư và những điều tôi đã tai nghe mắt thấy ở Tương Châu suốt bốn tháng qua.
Trước khi vào cung diện thánh, Thái tử đã đặc biệt gặp tôi một lần, hỏi han chuyện ở Tương Châu. Tôi đều trả lời mọi việc đã ổn thỏa, nhờ ơn Thái tử và Thiên tử, dân chúng Tương Châu vô cùng cảm kích. Thái tử rất hài lòng, nói với tôi: "Phạm Bình, ngươi quả là người có thể mài giũa, chỉ tiếc là đã làm phò mã."
Tôi cúi đầu không đáp. Ngày hôm sau lên triều, tôi và Tiền Thị lang diện thánh báo cáo công việc. Tiền Thị lang lo tôi sẽ nói ra điều gì không nên, mấy lần định ngắt lời, khiến trăm quan phải ngoái lại nhìn. Nhưng tôi chỉ một mực ca ngợi ơn đức của Thiên tử, một cách trái lương tâm, không hề nhắc đến một lời nào về Tề Tư, ông ấy lúc này mới yên lòng.
Sau đó, Tiên hoàng ban thưởng cho các quan viên đi cứu tế, Thái tử cũng được ca ngợi là nhân đức vô song, tiến cử có công.
Tôi lặng thinh, chẳng một nét cười. Năm ngày sau khi về kinh, tôi đi tìm Tề Vương, hẹn gặp Tề Vương ở một trà lâu [1] trên phố Nam An, rồi giao cả huyết thư và những ghi chép của mình cho Tề Vương.
[1] Trong bối cảnh xưa, đây là một địa điểm xã giao quan trọng, nơi mọi người đến để thưởng trà, nghe kể chuyện, xem kịch và bàn luận công việc.
Tôi không với tới được đại nghĩa [2], cũng chẳng làm nổi thánh nhân, chỉ là nhớ lại nỗi khổ vì nạn châu chấu năm xưa, cảnh quan phủ áp bức, dân chúng lưu lạc, và hơn cả là vì đã tận mắt chứng kiến một con người sống sờ sờ chết ngay trước mặt, tôi không nỡ lòng.
[2] Chính nghĩa cao cả.
Mà người có thể đòi lại công đạo cho Tề Tư sẽ không phải là tôi. Tôi không có bản lĩnh đó, thứ đánh bại được cường quyền trước nay chỉ có thể là một cường quyền khác. Tôi giống như người bệnh nặng, cùng đường bí lối mà vái tứ phương, dẫu biết có thể vạn kiếp bất phục cũng không quay đầu.
Tề Vương cả kinh nhìn tôi, hỏi: "Phạm Phò mã, ngài có biết nếu ta làm lớn chuyện này, ngài cũng có tội khi quân, e rằng khó thoát khỏi trừng phạt không?"
Tôi cụp mắt đáp: "Xin Tề Vương hãy đòi lại công đạo cho bá tánh Tương Châu, Phạm Bình... nguyện làm nhân chứng."
Tề vương im lặng giây lát rồi chắp tay với tôi: "Phạm Phò mã có tấm lòng yêu dân, tiểu vương nhất định không phụ sự ủy thác."
Sau đó, tôi và Tề Vương lần lượt rời trà lâu. Nhưng tôi nghĩ Tề Vương sẽ không vội vàng giao nộp bức huyết thư này. Tề Vương không thể chắc chắn đây có phải là cái bẫy Thái tử dùng tôi để gài Tề Vương hay không. Tề Vương cần thời gian điều tra, và khi phát hiện những lời tôi nói đều là sự thật, Tề Vương chắc chắn sẽ không bỏ qua cho Thái tử, cũng sẽ không bỏ qua cho Phạm phủ, và cả tôi.
Tôi cần khoảng thời gian này để nói lời từ biệt cuối cùng với Công chúa.
Tôi đã rất lâu rồi không gặp Công chúa, ngay cả sau khi về kinh cũng tránh mặt nàng. Tôi sợ rằng nếu gặp nàng, mình sẽ không còn can đảm để làm gì cho Tề Tư nữa.
Mẹ mất rồi, tôi khó khăn lắm mới tìm được một cuộc sống bình yên ổn định bên Công chúa. Dù biết lòng nàng sóng ngầm vạn trượng, có lẽ một ngày nào đó cũng sẽ đá tôi đi, nhưng dù chỉ là khoảnh khắc, tôi vẫn hy vọng được cùng nàng trải qua.
Bảy ngày sau khi hồi kinh, đêm ấy sao thưa, tôi đến bái kiến Công chúa. Trong Lưu Xuân Các ánh nến hắt ra, nhưng cửa nẻo lại đóng chặt. Thị nữ nói Công chúa đã nghỉ ngơi, bảo tôi mai hãy đến. Nhưng tôi quyết tâm chờ, cô ấy không còn cách nào khác, đành vào trong bẩm báo. Hồi lâu sau, cô ấy vẫn ra nói với tôi rằng Công chúa đã an giấc.
Tôi chỉ bảo đã biết rồi đứng đợi bên một gốc mai trong sân. Lúc đó là cuối tháng mười, chưa đến mùa mai nở. Tôi có chút thất thần, nhớ lại mình đã bao lần đứng bên gốc mai này chờ đợi Công chúa, nhưng chưa lần nào đau lòng như đêm nay.
Không biết đã đợi bao lâu, Đinh Lan từ trong các vội vã bước ra, chạy đến trước mặt tôi vái chào: "Phò mã, Công chúa mời người vào trong."
Tôi khẽ cúi đầu, hỏi: "Nàng ấy ngủ bao lâu rồi, nếu còn buồn ngủ thì ta cũng không cần vào đâu, cứ để nàng ấy ngủ cho ngon giấc."
Đinh Lan nhíu mày nhìn tôi: "Phò mã thật sự không hiểu hay giả vờ không hiểu vậy? Công chúa nào có ngủ, rõ ràng là từ lúc về kinh Phò mã chưa từng đến thăm, Công chúa không vui thôi."
Tôi sững người, bất lực cười một tiếng: "Sao ngươi biết?"
Đinh Lan nghẹn lời, má hơi ửng hồng, quay mặt đi, đáp: "Chắc chỉ có Phò mã là không biết thôi. Mau vào đi, kẻo Công chúa lại càng không vui."
Lời ấy khiến tôi có chút vui vẻ, nhưng nhiều hơn cả vẫn là nỗi buồn phiền không sao giải tỏa.
Vào trong phòng, Đinh Lan khép cửa lại. Công chúa đang ngồi trên sập nhỏ, khoác một chiếc áo choàng, tay cầm một cuốn sách đọc dưới ánh nến sáng rực. Tôi đứng lại bên cửa, không dám tiến lên, chỉ tham lam muốn khắc ghi tất cả dáng vẻ và hành động của nàng vào tâm trí.
Tôi sợ, sợ rằng sau này sẽ không còn cơ hội gặp lại nàng nữa.
Ngọn nến khẽ lay động, bóng ảnh trong phòng cũng chao đảo theo. Công chúa dường như khẽ thở dài, rồi xoay đầu lại. Hàng mi nàng khẽ run, chớp nhẹ một cái, nhìn tôi, giọng nhàn nhạt: "Phạm Bình, ta còn tưởng ngươi bận lắm."
Tim tôi nhảy lên một nhịp. Tôi ngập ngừng giây lát rồi bước đến ngồi xuống trước mặt nàng. Ánh mắt nàng vẫn luôn dõi theo tôi, điều này khiến tôi hơi căng thẳng, lại có hơi vui mừng. Nàng không thường nhìn tôi như vậy.
"Chuyện ở Tương Châu phức tạp, nên mới chậm trễ một chút, không phải ta cố ý không đến thăm Công chúa," tôi cười với nàng, "Huống hồ còn có nhiều chuyện không vui, ta không muốn làm Công chúa cũng phiền lòng."
Nàng khẽ "ừ" một tiếng, ánh mắt lại chuyển về cuốn sách trên tay, lật một trang, dường như lúc này chẳng có gì quan trọng hơn việc đọc sách.
Đêm dài đằng đẵng, lòng bàn tay tôi khẽ rịn mồ hôi. Bao lời muốn nói mắc kẹt nơi cổ họng mà không biết phải mở lời thế nào. Sau một hồi im lặng, tôi đứng dậy, thổi tắt những ngọn nến trong phòng. Căn phòng lập tức tối đi rất nhiều, điều này thắp lên cho tôi thêm chút dũng khí. Ngay sau đó tôi bước đến một chỗ khác, thổi tắt ngọn thứ hai, rồi ngọn thứ ba.
Trong phòng càng tối hơn. Nếu tôi là đàn ông, khoảnh khắc này có lẽ sẽ thật quyến luyến và mờ ám. Cho đến khi tôi thổi tắt ngọn nến thứ tư, tôi nghe thấy giọng Công chúa phía sau thoáng bất an, nàng gọi tôi: "Phạm Bình?"
Tôi xoay người lại, thấy đôi mắt nàng đang nhìn xoáy vào tôi, đầu ngón tay siết chặt cuốn sách, ngay cả thân hình cũng có vẻ đang trơ đi, dường như không quen với không gian tối tăm này.
Tôi im lặng giây lát, lường trước nàng có lẽ sẽ hiểu lầm điều gì, bèn nói: "Ta có vài lời muốn nói với Công chúa, nhưng ánh đèn sáng quá, ta không đủ can đảm, chứ không phải muốn làm gì Công chúa."
Công chúa mím môi, giọng nhàn nhạt: "Ngươi dám sao." Nhưng cơ thể rõ ràng đã thả lỏng hơn. Nàng ném cuốn sách sang một bên, hỏi tôi: "Ngươi muốn nói gì?"
Tôi không trả lời, thổi tắt những ngọn nến trong phòng cho đến khi chỉ còn lại một ngọn. Trong ánh sáng yếu ớt, cả tôi và nàng đều chẳng nhìn rõ mặt nhau, cũng không thể phân biệt được cảm xúc của nhau.
Làm xong tất cả, tôi bước đến, không ngồi lên sập nữa mà quỳ xuống trước mặt nàng, dùng một ánh mắt ngước lên nhìn nàng: "Ta kính trọng Công chúa, chưa từng nảy sinh nửa phần ý nghĩ khinh bạc Công chúa, cũng không muốn lừa gạt Công chúa."
Công chúa khẽ nhướng mày, dịch thân, đối mặt với tôi: "Phạm Bình, đi Tương Châu một chuyến, ngươi học được cả lời ngon tiếng ngọt rồi."
Tôi lắc đầu, cố gắng nở một nụ cười: "Đây không phải lời ngon tiếng ngọt, mà là lời thật lòng của Phạm Bình. Bấy lâu nay, Phạm Bình vẫn không thể mở lòng với Công chúa, vì có một chuyện khiến Phạm Bình luôn cảm thấy có lỗi với Công chúa, cũng chắc chắn sẽ làm tổn thương Công chúa. Mà Phạm Bình thì chỉ mong Công chúa được vui vẻ, lại sợ liên lụy đến người thân, nên không dám thú nhận với Công chúa."
Công chúa khẽ nhíu mày, có lẽ bị giọng điệu thận trọng của tôi ảnh hưởng, cũng bất giác ngồi thẳng dậy một chút, hỏi tôi: "Ngươi thất thân ở Tương Châu rồi à?"
Tôi ngẩn người, rồi bật cười thành tiếng: "Công chúa đang nói linh tinh gì vậy, sao ta dám làm chuyện đó chứ?"
Công chúa "ờ" một tiếng, cúi đầu xuống vẻ như hơi đắc ý: "Thừa biết ngươi không dám. Phạm Bình, ngươi nhát gan lắm."
Tôi không nói nên lời mà chỉ cười, quả thực Công chúa chẳng bao giờ nói được lời hay ý đẹp. Nàng đối với tôi, thái độ khó lường, nhưng dù vậy cũng khiến tôi cảm nhận được niềm vui chưa từng có trước đây.
Có lẽ vì tôi ái mộ nàng, nên mới sẵn lòng chấp nhận mọi cảm xúc mà nàng mang lại. Tôi không biết liệu tất cả những người lún sâu vào tình yêu có giống như tôi không, cho đến tận hôm nay, tôi cũng chỉ động lòng với một mình nàng.
Nhưng rốt cuộc tôi không thể làm lương nhân của nàng. Thân phận của tôi, tương lai của tôi, trái tim của tôi, đều không đủ để nàng dựa vào. Tôi khao khát có người có thể bảo vệ nàng, khiến nàng vui vẻ, cho nàng hạnh phúc, cùng nàng trông về tương lai.
Và tôi biết sâu sắc rằng, người đó không phải là tôi.
Tôi cúi đầu im lặng hồi lâu, giữa ánh đèn leo lét ngước mắt nhìn nàng, cuối cùng gom đủ can đảm kéo tay nàng. Nàng hơi ngạc nhiên nhưng không hoảng hốt, để mặc tôi kéo tay nàng đến trước thân, cũng không nói gì, chỉ một đôi mắt nhìn chằm chặp vào tôi, như thể tò mò, lại như thể mong chờ.
Tôi có một thoáng do dự, muốn nói điều gì đó, nhưng cuối cùng vẫn chọn để nàng tự tay chạm vào lồng ngực không thuộc về nam tử của tôi để cảm nhận sự thật.
Dải băng quấn ngực đã được tôi cởi bỏ, nàng chỉ cần khẽ chạm vào là có thể biết được chuyện tôi đã che giấu suốt bảy năm qua, chuyện khó nói nhất.
Khi tay nàng chạm vào ngực tôi, rõ ràng đã run lên một cái. Tôi buông tay để nàng rút về, thấy nàng quay mặt đi tránh ánh mắt của tôi, lòng tôi càng thêm chua xót.
"Thực xin lỗi," tôi quỳ hai gối xuống đất, nhận tội với nàng, "Lấy thân là nữ nhi sánh duyên cùng Công chúa tôn quý, là tội thứ nhất. Che giấu đến nay, là tội thứ hai. Làm ô nhục Công chúa, là tội thứ ba. Phạm Bình không biết làm sao để bù đắp cho Công chúa, chỉ xin được hòa ly với Công chúa, để giữ trọn thanh danh cho người."
Tôi lấy từ trong tay áo ra lá đơn hòa ly đã chuẩn bị sẵn, hai tay nâng cao quá đầu dâng lên cho nàng.
Ngoài trời gió rít từng cơn, mang theo vẻ bi ai. Trong phòng một mảnh tĩnh lặng. Tôi không dám nhìn nàng, đây là tội khi quân, cho dù nàng ngay lập tức bắt tôi phải chết cũng là lẽ đương nhiên.
Công chúa trước sau vẫn không nhận lấy lá đơn hòa ly của tôi. Hồi lâu, nàng hỏi tôi với vẻ mệt mỏi: "Phạm Bình, ngươi bất mãn với ta sao?"
Tôi kinh ngạc ngẩng đầu, bắt gặp vẻ mặt có phần sầu muộn của nàng, lòng xót xa, lắc đầu đáp: "Phạm Bình không dám. Đây là giấy hòa ly, Phạm Bình đã ký tên. Nếu Công chúa thấy bất mãn, muốn ruồng bỏ Phạm Bình, dù là tội danh gì, Phạm Bình cũng xin gánh chịu."
Nàng đột ngột đứng dậy, giật phắt lấy lá đơn kia ném sang một bên. Tôi chưa từng thấy nàng hành động bốc đồng như vậy, trong lòng trăm mối ngổn ngang, không biết nên nói gì. Thân phận nữ nhi của tôi lại khiến nàng phẫn nộ đến thế.
"Phạm Bình, chuyện đêm nay cứ coi như ngươi chưa từng nói, ta cũng chưa từng nghe. Ngươi chỉ cần tiếp tục làm Phạm Bình của ngươi, ta sẽ không truy cứu." Hơi thở của Công chúa có phần dồn dập, đôi tay cũng khẽ run.
Tôi im lặng giây lát, đứng dậy nhặt lại lá đơn, trong ánh mắt giận dữ của nàng, tôi đặt nó lên chiếc bàn nhỏ, đứng yên, rồi cụp mắt nhìn Công chúa, lòng đau như cắt, tôi nói: "Ta không làm được Phạm Bình, nhưng ta mong Công chúa có thể trở thành một Công chúa bình an vui vẻ, mong Công chúa có thể tìm được lương nhân cùng bạc đầu giai lão, không cần phải cùng ta diễn vở kịch giả phượng hư hoàng [3] này nữa."
[3] Trong truyền thuyết, phượng và hoàng lần lượt là giống đực và giống cái, còn "giả phượng hư hoàng" có nghĩa là mối quan hệ vợ chồng không theo định nghĩa thế tục, thường dùng để chỉ đồng tính luyến ái.
Nàng nhíu mày chặt hơn, như thể muốn hỏi tôi: "Phạm Bình, đối với ngươi, tất cả đều là giả dối sao, ngươi không thật lòng với ta?"
Tôi cười khổ nhìn nàng: "Công chúa thân phận tôn quý, Phạm Bình nào dám không thật lòng đối đãi. Nhưng nhiều hơn cả là sợ Công chúa biết sự thật rồi sẽ xử ta tội chết."
Tôi nhìn Công chúa, không dám kể ra những suy nghĩ thật trong lòng. Ban đầu có lẽ là sợ hãi, là áy náy, nhưng từ khi thấy được một Công chúa như thế, được nghe những lời tán dương và công nhận của nàng dành cho tôi, tôi đã không thể kìm nén được lòng mình, cứ thế động chân tình đến vô phương cứu chữa.
Nhưng đến nước này, những lời đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Công chúa hít một hơi thật sâu. Hồi lâu, nàng lại trở về với dáng vẻ lạnh lùng thường nhật, quay người đi vào trong. Bóng nàng khuất sau tấm bình phong. Lá đơn hòa ly kia đặt cạnh cuốn sách Công chúa đang xem, cách nhau một khoảng không gần không xa, giống như tôi và Công chúa, rõ ràng là mối quan hệ thân mật nhất thế gian, song lại vĩnh viễn không thể thực sự đến gần.
Tôi đứng ngây người trong phòng, chẳng biết nên xử lý tình huống này ra sao. Nơi bóng tối mờ ảo, tôi nghe thấy giọng Công chúa vọng ra từ sau rèm trướng: "Ngươi còn chưa đi sao, bây giờ... ta không muốn gặp ngươi."
Tôi khẽ giật mình, gò má bỗng ươn ướt. Tôi giơ tay lau đi, nhưng càng lau lệ càng tuôn rơi nhiều hơn. Tôi nhắm mắt muốn ngăn nó lại, nhưng dẫu thế nào cũng không khống chế được.
Tôi bịt miệng, sợ mình sẽ nấc lên thành tiếng, chỉ đành mở cửa, trong ánh mắt kinh ngạc của Đinh Lan mà vội vã chạy trốn, lao về phòng mình, rồi bất lực khuỵu xuống sau cánh cửa, mặc cho nước mắt và nỗi cay đắng nhấn chìm bản thân.
---
Tác giả: Hai con người ông nói gà bà nói vịt @@
Editor: Giải thích sơ nếu có ai chưa hiểu.
1. Thứ sử dùng hỏa hình với Tề Tư là để răn đe dân Tương Châu, gửi đi thông điệp rằng đại diện của triều đình (Phạm Bình) đã chứng kiến, can thiệp, nhưng kết quả Tề Tư vẫn chết, dập tắt hy vọng trông cậy vào triều đình của dân Tương Châu. Ngoài ra, việc mời Phạm Bình tới còn là để mượn thân phận của Phạm Bình làm công cụ giết người. Lời của Thứ sử đã mặc định Tề Tư có tội, kể cả những câu tâng bốc Phạm Bình cũng ngụ ý rằng Phạm Bình can thiệp chỉ thể hiện lòng nhân từ chứ không phải nghi ngờ tội danh, cho nên khi Phạm Bình cầu xin đã bị bóp méo thành gián tiếp xác nhận tội danh của Tề Tư, bởi chỉ có tội mới phải cầu xin. Hơn nữa, khi Thứ sử giả vờ cho phép Phạm Bình đi cởi trói, Phạm Bình đã bị rơi vào bẫy, vì với thân phận là người giám sát của triều đình, việc đầu tiên của Phạm Bình là nghi ngờ tính xác thực của tội danh (ví dụ như ra lệnh yêu cầu xét xử lại, kiểm tra bằng chứng), chứ không phải trực tiếp can thiệp vào việc định mức hình phạt nặng nhẹ, cho nên khi Phạm Bình muốn tự tay đi cởi trói, hành động đó như mặc định Tề Tư thực sự đã phạm tội. Đồng thời nếu Phạm Bình có tố giác việc tham ô ở Tương Châu lên triều thì lời nói cũng không còn giá trị vì đã có cái cớ rằng Phạm Bình nghe lời mê hoặc của Tề Tư nên bao che cho Tề Tư.
2. Về tình tiết Tề Tư cởi xiêm y khi gặp Phạm Bình thì có thể đoán như sau: Thứ sử cần gài bẫy "mỹ nhân kế" cho Phạm Bình, mà Phạm Bình được Thứ sử cho người theo sát nghiêm ngặt, Tề Tư không thể đường hoàng đến gặp Phạm Bình, nên Thứ sử ngầm tạo cơ hội cho Tề Tư trà trộn bằng cách này, mà Tề Tư nghĩ có thể lợi dụng cái bẫy này để gặp Phạm Bình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com