CHƯƠNG 34
Tôi vẫn nhớ Sở Vương, con trai thứ bảy của Tiên hoàng. Hắn trời sinh đã có tướng mạo tuấn tú, văn chương xuất chúng, lại vốn tính phong lưu, trong kinh thành lan truyền không ít lời đồn về mối quan hệ của hắn với nhiều phu nhân đã có phu quân, khiến không ít quan lại phải muối mặt, cũng làm cho bao thiếu nữ trẻ tuổi vì hắn mà thần hồn điên đảo, ăn không ngon ngủ không yên.
Trong vụ mưu nghịch của Thái tử, hắn đã vì huynh đệ mà cầu xin, khóc lóc giãi bày tình cảm ruột thịt, thậm chí tuyệt thực mấy ngày để mong Tiên hoàng khoan dung, khiến người đời đều ca ngợi hắn là người trọng tình coi nhẹ lợi danh.
Năm đó, khi Thái tử mở tiệc, vì phân biệt nội quyến và ngoại quyến nên tôi và Sở Vương tình cờ ngồi cùng một bàn. Trên bàn tiệc còn có rất nhiều nam tử trẻ tuổi khác, có lẽ Thái tử cố tình để họ làm quen với nhau. Rượu qua ba tuần [1], mọi người đều đã ngà ngà say, bắt đầu tâng bốc dáng vẻ phong lưu của Sở Vương, rằng hắn đã nếm qua hương vị của biết bao nữ tử, thật khiến người khác phải ghen tị.
[1] Trong văn hóa tiệc rượu xưa, "tuần" là một vòng rượu do chủ tiệc mời khách. "Rượu qua ba tuần" là một cách nói ước lệ, chỉ việc tiệc rượu đã diễn ra được một lúc.
Thế gian vốn dĩ đã nhiều phần hà khắc với nữ tử, thường đem họ ra bình phẩm, bàn tán để làm trò mua vui. Tôi không hiểu sao câu chuyện lại bị lái sang hướng này, bất giác chau mày, lòng dâng lên cảm giác chán ghét. Sở Vương lại buông một câu: "Đàn bà thôi mà."
Rồi hắn đưa mắt nhìn tôi, nói: "Phạm Phò mã thích kiểu nữ tử nào? Tuy ta với ngài là chỗ thông gia, nhưng suy cho cùng ngài cũng là một nam tử huyết khí phương cương [2], nói vài câu cho vui miệng cũng chẳng sao."
[2] Là thành ngữ dùng để chỉ những người trẻ tuổi, thường là nam giới, đang ở độ tuổi khỏe mạnh, sung sức nhất.
Tôi lắc đầu, từ chối trả lời câu hỏi này, nhưng lòng bỗng thấy bi ai, cớ sao bọn họ có thể tùy tiện bình phẩm về nữ tử như thể một món đồ lạ mắt.
Sở Vương lại cười cười, nói: "Thế mà cũng không moi được lời nào của ngài, xem ra Phạm Phò mã của chúng ta quả đúng là kẻ si tình hiếm có trên đời."
Mọi người bắt đầu hùa theo trêu chọc, nói tôi bị Công chúa quản quá nghiêm, mất cả khí phách đàn ông. Tôi lạnh lùng nhìn bọn họ, chỉ thấy nỗi bi ai kia hóa thành cơn tức giận, bèn phất tay áo đứng dậy, trong ánh mắt kinh ngạc của họ mà bỏ đi. Kể từ đó, tôi không bao giờ ngồi cùng bàn với bọn họ, hay với Sở Vương nữa.
Đêm đấy, nàng đích thân đến viện của tôi, hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì. Bấy giờ tôi đang ngồi một mình trong Thanh Vân Đình, trăng đêm trong vắt, tôi không biết phải trả lời thế nào, chỉ nói: "Ta hy vọng công chúa được trân trọng, được đối xử tử tế, chứ không chỉ là..."
Không phải chỉ là một manh áo có thể có hoặc không, nhưng tôi chẳng biết phải thốt câu đó ra sao, chỉ cảm thấy kể thế nào cũng là một sự xúc phạm đến nàng.
Nàng lặng im một lúc rồi ngồi xuống đối diện tôi, nhẹ nhàng cất lời: "Phạm Bình, như vầy đã rất tốt rồi."
Tôi ra vẻ khó hiểu, nhưng nàng chống cằm, ngước nhìn vầng trăng sáng, nói: "Có thể thường xuyên ngắm trăng sáng ở Thanh Vân Đình, đã là rất tốt rồi."
Tôi bất giác bật cười, nỗi buồn bực trong lòng tan đi đâu mất, lại còn trêu nàng: "Trăng ở đâu trên đời này mà chẳng giống nhau, lẽ nào trăng ở Thanh Vân Đình mọc thêm tai, trông đáng yêu hơn sao?"
Nàng liếc mắt nhìn sang, đôi ngươi đen láy phản chiếu ánh trăng vằng vặc, vừa như hờn dỗi, lại như bất mãn: "Phạm Bình, ngươi thật vô vị."
#
Từ lời của công chúa, tôi biết được hiện giờ Sở Vương đang nắm giữ trọng trách trong triều, rất được trọng dụng. Mà trước đây, Hộ bộ xảy ra chuyện, An Viễn Hầu và Vương Thị lang bị đuổi khỏi kinh thành, vị trí trong Hộ bộ vì thế trống không. Trần Học sĩ đề nghị để Thượng Thứ sử xuất thân từ Minh Châu kế nhiệm, có thể giúp Hộ bộ toát lên khí sắc mới, nhưng Kim thượng lại muốn trực tiếp đề bạt Lưu Viên ngoại lang, trong triều tranh cãi không ngớt, cứ thế kéo dài.
Công chúa nói: "Con gái của Lưu viên ngoại lang được gả cho Sở Vương làm kế phi [3], nửa năm trước vừa mới thành hôn. Hoàng đế muốn bảo vệ hắn, cũng là điều dễ hiểu."
[3] Vợ kế của một vương gia hoặc hoàng tử. Trong trường hợp chính phi (vợ cả) của vương gia qua đời hoặc bị phế truất, người vợ được cưới sau đó sẽ được gọi là kế phi.
Tôi không khỏi im lặng. Từ xưa đến nay, dù là vua tôi hay bá quan văn võ, đều không tránh khỏi việc bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực. Có người thành công, trở thành kẻ khuấy đảo phong vân, có người lại bị cuốn đi thành tro cốt, kết cục thê lương.
Đại nghiệp Đại trưởng công chúa của nàng, hẳn cũng bước đi trên con đường đầy gian nan. Dù tôi mong nàng được bình an vui vẻ, nhưng suy cho cùng, tôi không thể làm được gì cho nàng nữa.
"Công chúa và Kim thượng không hòa thuận sao?" Tôi từ lời nói của nàng mà đoán ra được vài điều, không kìm được mới hỏi.
Công chúa nhìn tôi, thản nhiên đáp: "Hoàng đế còn nhỏ tuổi, trong triều lại có nhiều lão thần, khó tránh khỏi việc cảm thấy người cô mẫu này có ý lạm quyền, miệt thị thánh ân."
Hoàng thượng hiện giờ cũng chỉ mới mười ba tuổi, cái tuổi bồng bột ngông cuồng nhất.
Triều cục chú trọng sự cân bằng, tôi nhớ lại bữa tiệc hôm đó của Công chúa, Tiết Cô mang theo tặng phẩm của Thái hậu đến, khiến cho phu nhân An Viễn Hầu là Lâm nương tử mất hết thể diện. Cứ thế mà xem, có lẽ Công chúa và Thái hậu giao hảo, nhưng tại sao lại không hòa thuận với Kim thượng?
Tôi trầm ngâm một lát rồi nói ra suy nghĩ trong lòng.
Công chúa lại không trả lời, chỉ khẽ nhướng mày, khóe môi dường như cong lên một đường nhỏ, nói: "Phạm Bình, ngươi đang lo lắng cho ta sao?"
Tôi giật mình, bất giác cảm thấy mình lại rơi vào cái bẫy nàng giăng ra, im bặt, chỉ thấy hơi bối rối, nhưng không biết nên phản bác nàng thế nào. Suy nghĩ một lúc, tôi chỉ đành nói: "Phải, ta lo lắng cho Công chúa."
Công chúa ngẩn người, đầu ngón tay lặng lẽ siết chặt tờ đơn kiện mà nàng đã lật qua lật lại xem xét, đôi mắt nàng khẽ mở to, ánh lên vài tia nắng mai rực rỡ. Một lát sau, nàng khẽ quay đầu đi, nhẹ nhàng quăng tờ đơn kiện, để nó lướt qua mặt tôi. Mùi hương mai lạnh trên tay áo nàng quyện với mùi mực Huy Châu trên giấy, xộc vào khoang mũi tôi, khiến tâm trí tôi khẽ khàng rung động.
Tầm nhìn của tôi bị tờ giấy trắng mực đen che khuất, không thấy được vẻ mặt Công chúa, nhưng lại sợ đơn kiện bị thổi bay mất nên vội vàng đón lấy đè lại. Lúc ngẩng đầu, nàng đã trở lại vẻ thờ ơ như cũ, dường như sự rạng rỡ vừa rồi chỉ là ảo giác của tôi.
#
Hai ngày sau, Đại Lý Tự phái tư trực [4] đến báo, nói rằng cha con họ Trương vừa vào ngục ngày hôm trước đã gào thét đòi gặp tôi, tự xưng tôi là thị nữ thân cận của Tấn Dương Đại trưởng công chúa, bảo rằng chỉ cần con gái ông ấy mở lời nói giúp với Đại trưởng công chúa một lời, họ lập tức có thể ra ngoài, đến lúc đó quyết không tha cho đám người trong ngục.
[ 4 Một chức quan thuộc Đại Lý Tự, có nhiệm vụ giám sát, điều tra các vụ án.
Ngục thừa [5] không dám trễ nải nên đã bẩm báo, vì thế mới có tư trực đến phủ hỏi xem có chuyện này không.
[5] Chức quan phụ tá trong nhà ngục, dưới quyền Ngục úy, chịu trách nhiệm quản lý các công việc trong tù.
Tôi không nói nên lời. Cha con họ Trương lúc đánh ngất tôi rồi giao cho Lưu thị sao không nhớ ra tôi là thị nữ thân cận của Đại trưởng công chúa chứ. Nhưng tôi vẫn quyết định đi gặp họ một lần.
Chuyện của họ, vốn nên giao cho kinh triệu doãn, nhưng vì liên đới đến Lưu thị nên gộp chung lại cho Đại Lý Tự xử lý.
Tôi sửa soạn qua loa, theo tư trực đi ra cửa sau. Ở đó có một chiếc xe ngựa cũ kỹ đang đỗ. Lúc sắp lên xe, lại thấy một cỗ xe có lọng che lộng lẫy phi như bay tới, chắn ngang lối đi. Nhìn kiểu dáng, là xe dùng cho Công chúa đi lại, đỗ ở cửa sau, thực sự không hợp lễ chế.
Tư trực cũng nhận ra, bèn tiến lên hành lễ với người trong xe. Một lát sau, rèm xe được vén lên, Đinh Lan từ trong bước ra, gọi tôi: "Nương tử, mời lên xe."
Tư trực nhìn về phía tôi, mắt lộ vẻ kinh ngạc. Tôi không hiểu ý của Công chúa, nhưng cảnh tượng phô trương này không phải điều tôi mong muốn, bèn chỉ đáp lễ với Đinh Lan rồi nhảy lên chiếc xe ngựa mà tư trực đã chuẩn bị.
Từ cửa sổ xe trông ra, tư trực dường như lại nói gì đó với Công chúa, tiếp theo quay lại đây, bảo với tôi: "Nương tử ngồi cho vững."
Giọng điệu của ông ta vô cùng cung kính, khác hẳn với vẻ nửa tin nửa ngờ lúc trước. Tôi thậm chí còn cho rằng, nếu tôi thực sự cầu xin, họ dù có trừng phạt cha con họ Trương cũng sẽ xử nhẹ, để lấy lòng Tấn Dương Đại trưởng công chúa.
Đây chính là lợi ích mà quyền lực mang lại, và tôi đã từng phải chịu khổ vì nó.
#
Buổi chiều, tôi cùng tư trực đến Đại Lý Tự. Tôi chui ra khỏi thùng xe, quay đầu lại thấy xe của Công chúa đang đỗ cách đó không xa, hẳn là nàng đã hiểu sự từ chối của tôi, lúc này không nên ra mặt.
Sau đó, tư trực dẫn tôi vào nhà ngục. Tôi đã hai lần bước vào nơi này, một lần vì Tiết cô, một lần vì chính mình. Giờ đây, với dung mạo của Trương Bình Nhi đi gặp cha anh của cô ấy, lại khiến tôi nhớ về một đoạn quá khứ không mấy tốt đẹp.
Cha con Trương thị bị giam riêng, nhưng lại vừa khéo có thể nhìn thấy nhau. Lúc tôi đến, Trương phụ đang yếu ớt dựa vào vách đá, quần áo rách rưới, mặt mày bẩn thỉu. Người còn lại thì trông khá hơn ông ta một chút, thấy tôi liền kích động nhảy dựng lên, bám vào hai bên song sắt, khuôn mặt ép vô khe hở, cặp mắt trợn tròn, gần như lồi ra.
Hắn ta liên tục vẫy tay về phía đối diện, miệng hô: "Cha! Cha! Là Bình Nhi, Bình Nhi đến cứu chúng ta rồi!"
Ánh mắt Trương phụ mông lung, tìm kiếm khắp nơi, mới ngẩng đầu nhìn thấy tôi, sau một thoáng ngẩn ngơ liền nhào tới, cũng như họ Trương kia, vươn tay ra muốn tóm lấy tôi: "Bình Nhi! Con phải cứu chúng ta, con nhất định phải cứu chúng ta!"
Tôi cúi đầu không đáp, chỉ quay sang xin tư trực tạm thời rời đi. Có lẽ vì nể nang thân phận Công chúa, ông ta hơi do dự rồi cũng để tôi lại một mình.
Trương phụ thấy tư trực rời đi, đôi mắt gần như sáng lên: "Bình Nhi, cha biết con có tiền đồ mà, con quả nhiên được Đại trưởng công chúa sủng ái phải không? Mau! Mau cứu cha và anh con ra, nhà ngục này không phải là nơi người ở được, con nghe xem!" Ông ta chỉ vào sâu trong ngục, "Trong đó có ma, cứ u u a a, lởn vởn bên tai cha suốt, cha sợ lắm, con cứu cha đi, còn cả anh con nữa, nó làm sao chịu nổi khổ này... Bình Nhi... Bình Nhi ơi..."
Ông ta vừa nói vừa rên rỉ, trông vô cùng thảm thương, còn họ Trương phía sau cũng khóc lóc: "Bình Nhi, nếu muội có cách thì cứu bọn ta đi, muội quên rồi sao, hồi nhỏ ca ca còn cho muội cưỡi ngựa, mua kẹo hồ lô cho muội, muội đừng hận bọn ta nữa, đừng hận bọn ta nữa có được không?"
Họ biết rõ mình đã làm sai, nhưng lại dùng bộ dạng đáng thương nước mắt lưng tròng này để cầu xin. Nếu là Trương Bình Nhi, có lẽ sẽ lại mềm lòng bỏ qua cho họ.
Nhưng tôi không phải Trương Bình Nhi. Tôi ngẩng đầu, dùng ánh mắt lạnh lùng nhìn Trương phụ. Ông ta khẽ giật mình, bất giác lùi lại nửa bước, nhưng rồi lại lập tức tiến lên, thần sắc càng bi thương hơn: "Bình Nhi, cha biết sai rồi, con cứu chúng ta ra ngoài đi, sau này cha không đánh bạc nữa, không đánh bạc nữa, được không? Chúng ta cứ sống yên ổn, con muốn ở phủ Đại trưởng công chúa thì cứ ở, cha không ép con gả đi nữa. Con xem anh con kìa, đến giờ vẫn còn độc thân, con làm phúc đi, đừng để Trương gia chúng ta tuyệt tự. Bình Nhi ơi, con làm ơn cứu chúng ta ra đi!"
Họ Trương phía sau cũng hưởng ứng dữ dội: "Bình Nhi, muội muội ngoan, mẹ lúc lâm chung đã dặn huynh muội ta phải nương tựa lẫn nhau, chăm sóc cha cho tốt. Bây giờ chính là lúc thực hiện lời hứa đó, muội không muốn xuống suối vàng gặp mẹ, để mẹ thất vọng đó chứ!"
Hai chữ "mẹ" hắn ta nói ra khiến tôi thoáng bần thần. Trong khoảnh khắc này, vận mệnh của tôi và Trương Bình Nhi dường như trùng khớp. Mẹ tôi cũng vậy, luôn lo lắng mọi điều, đối với cha tôi cũng là thật lòng thật dạ, nhưng cuối cùng kết cục ra sao?
Tôi khẽ nhắm mắt, hít một hơi thật sâu, nói với cha con họ: "Ta không phải con gái của ông, cũng không phải muội muội của ai. Trương Bình Nhi đã chết rồi. Ngay cả sau khi cô ấy chết, các người cũng không chịu buông tha. Các người biết rõ, trên đời này ngoài các người ra, không ai biết tung tích, thân phận và hoàn cảnh của cô ấy, cũng chắc chắn không ai đi cứu cô ấy. Cô ấy sẽ bị hành hạ, trong tuyệt vọng và đau khổ mà chết thêm một lần nữa. Nếu như tình cha con, tình huynh muội mà các người nói, chính là thứ như vậy, thì thà rằng đoạn tuyệt quan hệ, còn hơn là bị các người hút máu ăn xương, cả đời đau khổ."
Cha con Trương thị ngẩn người. Tên họ Trương kia mấp máy môi, lại ngọt nhạt cầu xin: "Bình Nhi, người một nhà làm gì có thù dai, những lời muội nói, ta và cha đều biết sai rồi. Chỉ cần muội cứu bọn ta ra, sau này bọn ta đều sửa, đều sửa, được không?"
Trương phụ lập tức gật đầu. Cặp mắt ông ta trũng sâu, ánh lên tia máu đỏ ngầu, tựa như một con ác quỷ, nhưng lại không ngừng khóc lóc, cầu xin tôi.
Tôi thì không thể sinh ra chút đồng tình nào với họ, chỉ cảm thấy hận thù vô tận, dường như thân xác của Trương Bình Nhi cũng có cảm ứng. Có lẽ trong những năm tháng trước đây, cô ấy cũng từng cảm thấy phẫn nộ vì điều này, song chẳng dám từ chối, đó là sự ràng buộc từ phụ thân.
"Ta sẽ không cứu các người," tôi chậm rãi nói, và kiên quyết nói với họ, "Không những thế, ta sẽ xin họ xử phạt nghiêm khắc. Những người như các người, không đáng để Trương Bình Nhi hy sinh mọi thứ. Công đạo mà cô ấy không đòi lại được, ta sẽ thay cô ấy đòi lại."
"Mày rốt cuộc đang nói nhăng nói cuội cái gì?" Trương phụ giận dữ, "Mày tưởng mày giả vờ không quen biết bọn tao, là có thể thoát được trời phạt sao? Trên người mày chảy dòng máu của tao, là máu của Trương gia! Mày sẽ xuống địa ngục, mày giết cha giết anh, mày sẽ bị Vô Thường [6] tra tấn, bị ác quỷ ở Diêm Vương Điện gặm nhấm, chúng nó sẽ cho mày biết, mày là kẻ đáng ghê tởm, đáng hận đến mức nào, đồ súc sinh! Súc sinh! Dám hại cả cha anh mình, mày chính là đồ súc sinh!"
[6] Vô Thường trong Hắc Bạch Vô Thường - hai vị thần linh thuộc cõi Âm, có nhiệm vụ áp giải linh hồn người chết về địa phủ để chịu sự phán xét của Diêm Vương.
Lời nói của ông ta lọt vào tai tôi khiến tôi thấy vô cùng quen thuộc. Tôi nhớ lại năm xưa cũng như vậy, trong ngục tối, tôi bị cha mắng nhiếc—
"Sao ta lại nuôi ra một đứa súc sinh không biết ơn như mày. Phạm Bình, mày muốn bọn ta đều chết cả mới vui lòng sao?"
Qua song sắt cũ kỹ, cha đứng trong phòng giam đối diện, chỉ vào tôi, mày dựng ngược, giận dữ. Đó là lúc ông và Phạm Khiêm bị thẩm vấn trở về, còn tờ huyết thư tôi mang đến, và tin tôi đồng ý làm chứng cho Tề Vương đã bị họ biết được.
Tôi im lặng không nói, cách cha một bức tường là Phạm Khiêm, hắn thở dài: "A huynh, sao lại làm chuyện này? Chẳng lẽ không biết một người vinh thì cả nhà cùng vinh, một người nhục thì cả nhà cùng nhục sao?"
Tôi không còn sức để trả lời, trong lúc thất thần, chỉ cảm giác trán đau nhói, ngẩng đầu lên mới thấy cha đã ném một hòn đá về phía tôi, trúng ngay góc trán, rỉ máu.
Ông vẫn chưa hả giận, từ trong phòng giam tìm kiếm mọi thứ có thể ném được, hoặc ném về phía tôi, hoặc đá vào tường. Ông vốn là người cao ngạo, lại có hành vi như phường du côn đầu đường xó chợ thế này, khiến tôi thấy vừa buồn cười, lại vừa hả hê, như thể bấy giờ lớp vỏ bọc của ông cuối cùng mới bị xé toạc, để lộ ra bộ mặt thật.
Lại bộ Thượng thư Phạm Trạch Dân, vốn là kẻ bỏ vợ bỏ con, trèo cao quyền quý, tham lam vô độ, chỉ khoác lên mình tấm áo văn nhân, thì một lòng muốn ra vẻ cao thượng.
Có lẽ lúc đó nét mặt tôi quá mỉa mai, ông liền lại mắng tôi: "Mày cười cái gì, đến nước này rồi mày còn dám cười, mẹ mày sao lại sinh ra một thứ như mày, thật là bất hạnh!"
Tim tôi chợt nhói lên, giận dữ nói: "Sao ông dám nhắc đến mẹ tôi trước mặt tôi. Bà ấy mới là thê tử của ông, nhưng ông đã làm gì? Hoàn cảnh của tôi thế nào, hoàn cảnh của mẹ ra sao, lẽ nào ông thực sự không biết chút nào sao?"
Ông ta sững sờ, Phạm Khiêm chau mày, trong lúc căng thẳng khuyên nhủ: "A huynh đừng nói nữa..."
"Phạm Khiêm!" Tôi cũng giận dữ nhìn hắn, từ từ giơ hai tay lên. Hắn cứng người, quay mặt đi không nói. Tôi lại nhìn sang Phạm Trạch Dân, cười khổ: "Cha quên rồi sao, con cũng chỉ muốn tìm một chút công bằng mà thôi, nhưng cha đã đối xử với con thế nào? Con chỉ muốn làm một người bình thường, nhưng cha không cho phép. Lúc đó con không lấy đại cục làm trọng, không màng đến Phạm thị hay sao? Cha bảo con nhẫn, con đã nhẫn. Cha bảo con cưới Công chúa, con cũng chấp nhận. Nhưng cha thân ở địa vị cao, tại sao còn theo Thái tử làm những chuyện đó?"
Cha "hờ" một tiếng: "Thân ở Phạm thị, sao có thể nói lời tầm thường? Đại nghiệp cơ đồ, há là thứ mà một thằng nhãi như mày có thể hiểu được?"
Tôi đáp: "Vậy cha có hiểu thế nào là cảnh nhà tan cửa nát, thây đói đầy đồng không?"
Ông ta không nói, ông ta chưa từng chịu khổ như vậy. Lúc ông ta đi học, có ông bà nội nuôi nấng, có mẹ tôi thay ông ta lo liệu mọi việc, ông ta chỉ cần làm một nam tử chăm chỉ học hành, sau này thi đỗ công danh, lại cưới một người vợ cao quý, là có thể một bước lên mây. Người đời còn phải ca ngợi ông ta, là tấm gương cho văn nhân khắc khổ.
Tôi buồn bã nhìn ông ta: "Cha có biết con đã thấy gì ở Tương Châu không? Con đã tận mắt thấy một đôi mẹ con bị vu cho tội danh vô căn cứ mà bị thiêu sống, tận mắt thấy cảnh quan phủ phát chẩn mà vô số dân chết đói, cũng đã thấm thía sâu sắc thảm cảnh năm đói kém người ăn thịt người. Nhưng con lại chẳng thể làm được gì. Cho đến lúc chết, vị Tề nương tử đó vẫn nói tin con, tin con có thể đòi lại công bằng cho cô ấy. Cha có biết đó là nỗi hối hận đau đớn đến nhường nào không?"
Cha im lặng không nói, nhưng vẻ giận dữ trên mày vẫn chưa tan.
Tôi cười khổ một tiếng: "Con không phải muốn làm kẻ đại nghĩa diệt thân, chỉ là không nỡ lòng."
"Không nỡ lòng?" Ông ta chợt giận dữ, "Người chết ở Tương Châu nhiều như vậy, vì một nữ tử không rõ lai lịch, vì cái không nỡ lòng của mày, mà có thể đưa cha đẻ và em ruột vào lao ngục, có thể bất chấp công ơn dưỡng dục của mẹ mày, chôn vùi toàn bộ vinh dự của cả gia tộc sao?"
Tôi giật mình, nhớ đến người "mẹ" mà ông ta nói, là vợ của ông ta, chủ mẫu của Phạm phủ. Từ đầu đến cuối, ông ta đều không thừa nhận sự tồn tại của mẹ tôi, đối với ông ta, tôi và mẹ, đều chỉ là vết nhơ của ông ta mà thôi.
Tôi liếc nhìn Phạm Khiêm, từ từ nói: "Bà ấy không phải mẹ của con, mẹ của con đã mất rồi."
Cha sững sờ, toan tiếp tục trách mắng tôi, nhưng bị tôi cắt ngang: "Đó cũng không phải là nữ tử không rõ lai lịch, tên cô ấy là Tề Tư, cô ấy có tấm lòng đoái thương nỗi khổ của dân chúng Tương Châu. Dù là con, hay là cha, có lẽ đều không bằng một nữ tử bình thường này."
Vẻ mặt ông ta biến đổi khôn lường, một lúc lâu sau, chau mày nói: "Việc quốc gia đại sự, luôn có sự đánh đổi. Nếu lấy cái chết của đám dân đen đó để đổi lấy lợi ích cho đại cục, há lại không làm hay sao?"
Tôi ngỡ ngàng nhìn ông ta, không thể tin nổi: "Cha là quan mà, quan là trời của dân, sao cha dám nói những lời như vậy? Bách tính trăm họ trong thiên hạ, có bao nhiêu người phải chịu cảnh nhà tan cửa nát, ngay lúc này đây, lại có bao nhiêu người đang chết đi, cha tính cho xuể không?"
Ông ta bị tôi chặn họng, một lúc lâu không nói được lời nào. Tôi chợt cảm thấy một trận hả hê, đứng dậy phủi bụi trên người, nói: "Cha biết không, trước khi trở thành trưởng tử nhà họ Phạm, con cũng là một trong trăm họ vô danh của thiên hạ, là con đủ may mắn, mới sống sót đến ngày hôm nay. Cha ở địa vị cao, nên cha có thể xem họ như con sâu cái kiến, vì họ không chết trước mắt cha, nên họ chỉ là những con số lạnh lẽo trên tấu chương, là thành tích chính trị mà cha nhấc bút vạch ra mà thôi."
Ông ta cười lạnh một tiếng: "Nói hay lắm, nếu mẹ mày còn sống, mày còn làm ra những chuyện này không?"
Tôi cúi đầu cười khẽ, không hề lay động. Nếu mẹ còn sống, tôi sẽ không do dự mà xé nát tờ huyết thư đó, nhưng trên đời này không có nhiều chữ "nếu".
"Người xưa có câu, bậc quân tử xét hành động, không xét tấm lòng, con xưa nay không phải quân tử," tôi chậm rãi mà rằng, "Con tự sẽ trả giá cho việc này."
Ông ta ngạc nhiên không nói nên lời. Sau đó, đêm dài đằng đẵng, không còn tiếng người.
Lời nói của Trương phụ và cha tôi sao lại giống nhau đến thế.
Tôi thờ ơ nhìn cha con Trương thị, chẳng chút dao động trước những lời mắng nhiếc của họ, chỉ buông tiếng: "Ta đến đây, không phải để nghe các người trách móc, chỉ muốn dùng thân phận của Trương Bình Nhi, tự mình nói cho các người biết, dù là chuyện gia đình, cũng nên đòi một chút công bằng. Lòng dạ ta hẹp hòi, không nỡ thấy các người làm tổn thương cô ấy."
Sau đó, tôi bỏ qua vẻ ngạc nhiên hốt hoảng của họ, chậm rãi rời đi. Phía sau, tiếng mắng nhiếc của họ vang lên từng tràng, nhưng đều bị cánh cửa ngục nặng trịch khóa chặt lại, không thấy ánh mặt trời.
Mãi đến khi ra khỏi nhà ngục, tôi mới thấy nỗi đau đớn và bức bối trong lòng vơi đi đôi chút. Tôi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, đã vào đêm, sao thưa trăng sáng, là một đêm trong lành. Trên cỗ xe có lọng che lộng lẫy cách đó không xa, đèn lồng cung đình được thắp lên, rèm xe khẽ động, Công chúa cúi người bước ra, đôi mắt trong veo như sao trời, xa xa nhìn tôi.
—
Editor:
▪️Nhắc lại nếu có ai quên, Thanh Vân Đình nằm trong nội viện của Phạm Bình chứ không phải Lưu Xuân Các của Công chúa (◕ᴗ◕✿)
▪️Công chúa cho xe ngựa đến không phải chỉ đơn thuần đón Phạm Bình đi, mà là để quan viên Đại Lý Tự biết Phạm Bình đang được nàng bảo vệ, nên đối xử cho phải phép. Mà Phạm Bình từ chối là vì không muốn dựa dẫm vào quyền lực của Công chúa để giải quyết vấn đề cá nhân.
▪️"Người xưa có câu, bậc quân tử xét hành động, không xét tấm lòng, con xưa nay không phải quân tử": "Tâm" là thứ vô hình, phức tạp và khó đoán định. Một người làm việc tốt nhưng có thể có động cơ không trong sáng (ví dụ: làm từ thiện để lấy danh). Ngược lại, một người có ý tốt nhưng hành động lại gây ra hậu quả xấu. Vì vậy, một người "quân tử" khi phán xét sẽ dựa trên những gì hữu hình, tức là hành động và kết quả mà hành động đó gây ra cho xã hội, chứ không cố gắng suy diễn động cơ sâu xa trong lòng người khác. Cho nên ý của Phạm Bình ở câu này là những gì Phạm Bình làm đều xuất phát từ tâm chứ không phải lý trí khách quan của bậc quân tử, ngầm thừa nhận nếu mẹ còn sống thì cái tâm sẽ đặt sự an nguy của mẹ lên trên hết.
p/s: Công chúa ngượng dễ thương vãi ò (づ。◕ᴗᴗ◕。)づ
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com