Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 35

Tôi nấn ná đôi chút trước cổng chính của nhà ngục rồi mới rảo bước đến bên xe ngựa. Bóng hình nàng lọt vào tầm mắt, quá khứ và hiện tại quyện vào nhau, khiến cõi lòng tôi đau đớn đến nghẹt thở.

Nàng thoáng chau mày, cúi người nhìn tôi: "Phạm Bình, họ khiến người phiền lòng sao?"

Tôi lắc đầu, lại một lần nữa ngước nhìn nàng từ tư thế thấp hơn: "Không có, ta chỉ thấy thương thay cho Trương Bình Nhi, vì đã gặp phải hạng cha anh như vậy."

Nàng im lặng giây lát rồi nói: "Họ ắt sẽ bị nghiêm trị. Phạm Bình, đó không phải lỗi của ngươi."

Tôi khẽ ngẩn người, chưa hiểu ý nghĩa của câu nói này thì đã thấy nàng vươn tay ra, ống tay áo may bằng gấm vóc hoa lệ, thoảng hương mai, rủ xuống trước mặt tôi. Hành động này gần như một lời mời gọi tôi nắm lấy. Lồng ngực tôi phập phồng, đầu óc trống rỗng. Vẻ mặt nàng vẫn điềm nhiên như cũ: "Về thôi."

Thế nhưng, lúc này đây, tôi lại không đủ sức chìm đắm vào tấm lưới tình mà nàng giăng ra cho mình. Tôi lùi lại nửa bước, bỏ lỡ hương mai thoang thoảng ấy, cúi đầu hành lễ với nàng: "Công chúa về trước đi, ta muốn đi dạo một mình."

Tôi không ngẩng đầu. Hồi lâu sau, tôi nghe tiếng xe ngựa kẽo kẹt, tiếng vó ngựa lóc cóc. Đến khi ngửng lên, cỗ xe treo đèn lồng cung đình ấy đã đi xa dần, khuất dạng khỏi tầm mắt.

Từ trước đến nay, tôi luôn đặt vị trí của Công chúa quá cao, quên mất rằng thực ra mình có thể từ chối. Giữa muôn vàn đại cục, tôi đã quên mất rằng mình cũng có thể sống vì bản thân.

Tôi không phải không có lựa chọn, mà là không có dũng khí. Cứ một mực nhẫn nhịn, để rồi sống lưng bị đè cong, khí khái cũng mất đi, cứ ngỡ mình là người tủi thân nhất trên đời, mới sống thành ra bộ dạng này.

Bóng trăng soi một vũng sáng như gương trước mặt. Tôi đứng một mình một lúc rồi cũng hòa mình vào màn đêm sâu thẳm.

Triều ta không có lệnh giới nghiêm ban đêm. Rời Đại Lý Tự, rẽ qua hai con phố dài là thấy chợ đêm. Thực ra tôi chẳng có lòng dạ nào dạo chơi, chỉ là cảm giác nặng nề từ quá khứ mãi không tan, khiến tôi phải tìm đến chốn ồn ào náo nhiệt để kiếm tìm một thoáng bình yên.

Nhiều năm về trước, khi còn là một đứa trẻ, tôi thích cùng mẹ len lỏi giữa những khu chợ đêm thế này, vì chưa từng gặp cảnh tượng nào náo nhiệt đến vậy, cái gì cũng thấy mới lạ. Nhưng tôi chẳng đòi mua thứ gì. Những gì đã trải qua khiến tôi không thể như bao đứa trẻ bình thường khác mà vòi vĩnh.

Điều tôi mong muốn nhất, là mẹ được vui. Khi ấy mẹ sẽ nắm tay tôi, xoa đầu tôi, chỉ vào một chiếc đèn lồng hoa, một cái mặt nạ, hay chỉ là một que tò he bằng đường, rồi hỏi: "Chất Nô, con có thích không?"

Tôi lắc đầu: "Con không thích."

Mẹ thoáng ngạc nhiên, rồi cười hỏi tôi: "Vậy Chất Nô thích gì?"

"Con thích náo nhiệt," tôi dang rộng vòng tay, như muốn ôm trọn những âm thanh ồn ã vào lòng, biến chúng thành những nốt nhạc tuyệt diệu, rồi nói với mẹ, "Con thích ở cùng mẹ, ở những nơi náo nhiệt, cả đời đều vui vẻ!"

Bóng mẹ được ánh đèn nhuộm thành màu vàng ấm, tựa như một ngọn đèn. Mắt mẹ long lanh ngấn nước, nhưng chỉ dịu dàng cười.

"Chất Nô."

Trong cơn mơ màng, tôi như lại nghe thấy tiếng mẹ gọi. Quay đầu nhìn lại thì bắt gặp Công chúa đang đứng phía xa sau lưng, cũng được ánh đèn nhuộm thành màu vàng ấm, như một ngọn đèn sáng tỏ trong tim tôi, để tôi không lạc lối giữa mênh mang.

Tiếng gọi "Chất Nô" ấy là ảo giác hay do chính nàng cất lên, tôi không phân biệt được. Tôi chỉ thấy nàng khoan thai bước tới, hơi chau mày, hỏi tôi: "Phạm Bình, người vẫn còn giận sao?"

Tôi nghệch mặt tại chỗ. Nàng hỏi một cách nghiêm túc, rằng tôi đang giận chuyện gì. Suy nghĩ một hồi, tôi nhớ về chuyện mình từng chất vấn nàng, lẽ nào nàng vẫn nhớ đến tận bây giờ?

"Không có," tôi nhoẻn cười, "Bất kể Công chúa vì sao cho ta sống lại, chắc hẳn đều muốn tốt cho ta. Trước đây nổi giận với Công chúa là ta không đúng. Cái chết là lựa chọn của ta, là để tạ lỗi với Tề Tư vì đã khiến cô ấy mất mạng oan uổng. Tất cả đều là lỗi của ta. Thực ra lúc đó dù không có chén rượu độc kia, ta e rằng mình cũng không sống nổi. Nghĩ kỹ lại, đúng như lời Linh Ngộ đạo trưởng nói, ta nên cảm tạ Công chúa đã cho ta một cơ hội như vậy. Sau này ta không cần làm Phạm Bình nữa, làm Trương Bình Nhi cũng rất tốt."

Nàng trầm tư không đáp.

Dừng một chốc, tôi lại nói: "Lừa gạt Công chúa, thực xin lỗi, nhưng ta mong Công chúa được bình an, được vui vẻ. Trước đây là vậy, sau này cũng vẫn vậy."

Con ngươi Công chúa giữa ánh đèn rực rỡ bỗng trở nên đen kịt, thăm thẳm. Nàng lẳng lặng siết chặt ống tay áo đang rủ xuống. Lần đầu tiên, nàng giải thích với tôi: "Phạm Bình, ta sẽ không làm chuyện đó. Rượu độc là giả, ta cũng không hề thao túng sinh tử của người."

Trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt, cảm giác ngột ngạt quấn lấy cổ họng, tâm trí mông lung. Tôi chả hiểu vì sao lúc này nàng lại giải thích với tôi, nhưng cảm giác vừa vui sướng vừa tủi thân. Hóa ra, tìm kiếm sự thật từ nàng, vốn chẳng phải chuyện khó khăn.

Giờ khắc này, cuối cùng tôi cũng được giải thoát khỏi lằn ranh sinh tử ấy.

Sau một hồi im lặng kéo dài, Công chúa lại hỏi tôi: "Phạm Bình, ngươi có thứ gì khao khát không?"

Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng, chưa bao giờ tôi dám nhìn nàng táo bạo đến thế, bởi tôi sợ tâm tư của mình bị bại lộ, khiến nàng sợ hãi.

Nhưng dưới câu hỏi của nàng, tôi cũng gom đủ dũng khí, lựa chọn một lần cho chính mình: "Nếu Công chúa có thể trả lại cho ta khế ước nhà đất và tiền bạc, đó chính là điều ta cầu mong."



#



Mẹ tôi thường nói, thứ không đáng tiền nhất trên đời này là tình cảm, thế nhưng mẹ lại bị chính thứ không đáng tiền ấy trói buộc cả một đời.

Mẹ ăn vận tề chỉnh đi gặp Phạm Trạch Dân, không phải để làm ông ta khó xử, mà cam chịu làm thiếp, không tranh không giành, là vì một người mà trao đi tấm chân tình như vậy, sao có thể buông bỏ được.

Trong những năm tháng dài đằng đẵng sống ở Phạm phủ, tôi chưa từng nghe mẹ nhắc gì về cha, cho đến tận lúc lâm chung, mẹ rơi lệ, rút từ trong lòng một tờ giấy đã gấp gọn, ố vàng, mẹ nói: "Ông ấy thực ra cũng từng gọi mẹ là a tỷ, nói sau này sẽ đối tốt với mẹ. Chất Nô, mẹ rất cảm ơn ông trời đã ban con cho mẹ, giống như là trái tim của mẹ vậy..."

Tôi khóc không thành tiếng, vò nát tờ giấy ấy. Thứ mà mẹ cất giữ cả đời, là vào đêm Thất tịch năm nào, Phạm Trạch Dân đã viết: "Nguyện làm lương nhân của a tỷ, một đời một kiếp, không rời không bỏ."

Mẹ đến lúc chết cũng không nói ra tình cảm của mình. Có lẽ điều cuối cùng mẹ thấy được là hình ảnh ông ta dưới ánh đèn leo lét, nở nụ cười chân thành với mẹ: "A tỷ, đây là tên của tỷ."

Mẹ vẫn mong ông ta quay đầu, nhưng ông ta đã quên rồi.

Người bạc tình trên đời nhiều vô kể, nhưng có ai mà không từng ảo mộng về một đời một kiếp một đôi người, bạc đầu giai lão, hòa thuận mỹ mãn chứ?

Những đạo lý ấy, những sự buông bỏ ấy, có ai mà không hiểu thấu. Nhưng lòng người, mới là thứ khó đoán nhất.

Tôi không thể trách mẹ, vì bà là mẹ tôi, là một con người bằng xương bằng thịt, có suy nghĩ của riêng mình. Dù cho cả thế gian này đều cười nhạo ảo tưởng si ngốc của mẹ, mắng nhiếc sự cố chấp của mẹ, tôi cũng không thể. Sự chỉ trích và khinh miệt của tôi sẽ trở thành cọng rơm cuối cùng đè chết mẹ. Vì vậy sau khi lớn lên, tôi mong có thể đưa mẹ rời xa cha, từ lâu ông ta đã không còn là lương nhân của mẹ nữa rồi.

Vậy mà tôi lại bị giam hãm trong thân phận Phò mã, cho đến khi mẹ qua đời, vẫn chưa thể đưa mẹ rời khỏi vòng xoáy khổ đau và tiếc nuối ấy.

Đến tận hôm nay, tôi mới hiểu được đôi chút tâm sự của mẹ. Có lẽ đối với mẹ, điều mẹ thấy được từ tôi, là trái tim của chính mẹ cũng từng mong muốn được đối xử dịu dàng. Và điều mẹ lo sợ, là tôi sẽ giống như mẹ.

Chính miệng nói với Công chúa ý định rời đi của mình khiến tôi đau đớn vô cùng. Nhưng tôi và Công chúa ngay từ đầu đã sai rồi. Bỏ đi thân phận Phò mã, tôi cũng chỉ là một nữ tử bình thường mà thôi.

Nỗi tiếc hận của tôi nằm ở chỗ, một người như tôi, cũng sẽ trong cuộc hôn nhân bị thế tục ràng buộc ấy, ảo tưởng được cùng Công chúa sớm tối bên nhau. Dù tôi tự cho rằng mình đã chăm sóc, quan tâm nàng, nhưng cuối cùng vẫn không thể bước vào trái tim nàng.

Chuyện tình cảm, nếu không thể dốc hết lòng dạ với nhau, thì chỉ là một mớ bòng bong mà thôi. Khoảng cách gần gũi như vậy, khiến tôi không thể nhìn rõ mối quan hệ của mình và Công chúa.

Tôi muốn thử... ngắm nhìn Công chúa từ xa. Tôi và nàng, không còn là Công chúa và Phò mã, mà chỉ là "tôi" và "nàng".

Tôi muốn có cơ hội lựa chọn, cũng mong Công chúa được vui vẻ. Chỉ là đó không còn là mong mỏi và khao khát của Phò mã Phạm Bình, mà là tôi, một nữ tử, một người bình thường, chúc phúc cho nàng.

Dưới màn đêm, lần đầu tiên tôi thấy được vẻ u sầu trong mắt Công chúa, nàng nói: "Phạm Bình, lời hứa của ngươi đều là giả dối, ngươi lại lừa gạt ta."

Tôi chỉ cảm thấy muôn vàn mũi tên xuyên tim, đau đớn khôn cùng.



---

Editor:

▪️Đoạn kể Phạm Bình và mẹ ở giữa phố náo nhiệt là để nói mẹ là chỗ dựa tinh thần cho Phạm Bình sống và sau khi mẹ mất thì chỗ dựa đó chuyển sang cho Công chúa, giải thích một phần vì sao Phạm Bình lại có tình cảm mãnh liệt với Công chúa như vậy, đặt Công chúa lên hết mà quên đi bản thân, để liên kết với ý này: "Từ trước đến nay, tôi luôn đặt vị trí của Công chúa quá cao, quên mất rằng thực ra mình có thể từ chối. Giữa muôn vàn đại cục, tôi đã quên mất rằng mình cũng có thể sống vì bản thân".

▪️Đoạn kể về mẹ của Phạm Bình lúc lâm chung là để lý giải mâu thuẫn tình cảm Phạm Bình và đưa ra quyết định tạm rời xa Công chúa. "Mẹ tôi thường nói, thứ không đáng tiền nhất trên đời này là tình cảm", từ những lời này và thấy nỗi khổ của mẹ nên Phạm Bình vừa khao khát tình yêu của Công chúa lại vừa sợ hãi, nhưng bản chất Phạm Bình lại giống mẹ của mình, đã yêu thì yêu rất chân thành. Cả hai đều yêu sâu sắc một người có địa vị cao hơn nhưng không thể tự do quyết định cuộc đời mình, đồng thời Phạm Bình nhận ra mẹ của mình sợ mình đi lên vết xe đổ đó, im lặng yêu, im lặng hy sinh, im lặng chờ đợi một người mà không biết kết quả sẽ ra sao, bị động và thiếu lựa chọn, cuộc sống của mình bị định nghĩa hoàn toàn bởi tình cảm dành cho người khác, chứ không phải vì chính bản thân mình, kết quả dẫn tới một cuộc đời đau khổ và nuối tiếc, cho nên Phạm Bình muốn phá vỡ vòng lặp mà mẹ mình đã không thể thoát ra, sống vì lý tưởng của mình chứ không chỉ để làm hài lòng hay chờ đợi một người khác (nói chung là kiểu phải biết cách yêu mình trước thì mới học được cách yêu người khác đồ đó)

▪️ "Những đạo lý ấy, những sự buông bỏ ấy, có ai mà không bụng dạ tỏ tường. Nhưng lòng người, mới là thứ khó đoán nhất": Câu này ý là những điều hợp lý, hợp logic và buông bỏ chấp niệm để giải thoát bản thân thì ai cũng hiểu, nhưng trái tim con người thì luôn thất thường, phức tạp, mâu thuẫn và không tuân theo bất kỳ logic nào, cũng như mẹ của Phạm Bình biết là đau khổ nhưng không dứt ra được.

▪️ "Nhưng tôi và Công chúa ngay từ đầu đã sai rồi. Bỏ đi thân phận Phò mã, tôi cũng chỉ là một nữ tử bình thường mà thôi": Cái "sai" ở đây nằm ở nền tảng của mối quan hệ: nó được xây dựng trên sự lừa dối (thân phận nữ cải nam trang), trên những vai diễn được định sẵn ("Công chúa" và "Phò mã"), chứ không phải sự kết nối tự nhiên giữa hai con người. "tôi cũng chỉ là một nữ tử bình thường mà thôi" ý nói Phạm Bình muốn được nhìn nhận bằng bản chất thật của mình, nhận ra rằng cái danh xưng "Phò mã" đã che lấp con người thật của mình nên mong muốn cả hai đối mặt với nhau là sự chân thật và bình đẳng, khi đó mới biết tình cảm với nhau sâu đậm tới đâu hay chỉ là yêu cái vai diễn kia.

▪️"Nỗi tiếc hận của tôi nằm ở chỗ, một người như tôi, cũng sẽ trong cuộc hôn nhân bị thế tục ràng buộc ấy, ảo tưởng được cùng Công chúa sớm tối bên nhau. Dù tôi tự cho rằng mình đã chăm sóc, quan tâm nàng, nhưng cuối cùng vẫn không thể bước vào trái tim nàng": Ý là mối quan hệ của hai người là từ những quy định của thế tục và mưu đồ chính trị, một nền tảng đầy lừa dối và bí mật nên việc mong cầu một tình yêu chân thành và bền vững là không thể, cho nên Phạm Bình hối tiếc không phải đã yêu Công chúa mà là đã khao khát được ở bên Công chúa trong nền tảng yếu ớt như vậy. Sau khi mẹ mất thì Phạm Bình có thể lựa chọn thay đổi nhưng cuối cùng vì muốn ở bên Công chúa mà vẫn tiếp tục giữ nguyên mối quan hệ như vậy, cho nên hành động quan tâm Công chúa tuy xuất phát từ tình yêu nhưng cũng bị che lấp bởi vai diễn "Phò mã" và cảm giác tội lỗi, do đó không thể chạm tới trái tim Công chúa một cách trọn vẹn.

▪️ "Chuyện tình cảm, nếu không thể dốc hết lòng dạ với nhau, thì chỉ là một mớ bòng bong mà thôi. Khoảng cách gần gũi như vậy, khiến tôi không thể nhìn rõ mối quan hệ của mình và Công chúa": Ý là tình yêu đích thực đòi hỏi sự chân thành tuyệt đối, sự bình đẳng và dũng cảm đối mặt với con người thật của nhau, nhưng trong mối quan hệ "Công chúa - Phò mã" thì không thể làm được điều này, nó sẽ là một mớ hỗn độn của tình yêu, nghĩa vụ, tội lỗi, lừa dối, quan tâm và tính toán. Về mặt xã hội thì Phạm Bình và Công chúa là những người gần gũi nhất (vợ chồng), nhưng chính cái "gần" được tạo nên bởi vai diễn và bổn phận này lại khiến Phạm Bình bị mù quáng, không nhìn rõ bản chất thật của mối quan hệ này, bởi tình cảm đó có thể là tình bạn, tình yêu, hay chỉ đơn thuần là sự dựa dẫm, thương cảm, bổn phận, trách nhiệm, lợi dụng...

▪️"Tôi muốn có cơ hội lựa chọn, cũng mong Công chúa được vui vẻ. Chỉ là đó không còn là mong mỏi và khao khát của Phò mã Phạm Bình, mà là tôi, một nữ tử, một người bình thường, chúc phúc cho nàng": Ý là tình yêu của Phò mã Phạm Bình là sự kỳ vọng và khao khát, nó nặng nề, mang tính chiếm hữu, được xây dựng trên bổn phận, mặc cảm tội lỗi và sự khao khát được đáp lại trong một thân phận giả ("Có lẽ đối với mẹ, điều mẹ thấy được từ tôi, là trái tim của chính mẹ cũng từng mong muốn được đối xử dịu dàng"), cho nên hiện tại Phạm Bình đã gạt bỏ nó. Bây giờ tình yêu của một nữ tử bình thường như Phạm Bình chỉ là một lời chúc phúc, trong sáng và tự do hơn, chúc phúc cho Công chúa có được hạnh phúc, dù hạnh phúc đó có thể không bao gồm Phạm Bình.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com