Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 38

Tôi muốn điều gì ư, thực lòng đã rất lâu rồi tôi không còn tự vấn mình câu hỏi ấy nữa.

Năm mười bảy tuổi, mọi lý tưởng của tôi đều tan thành mây khói, buộc tôi phải tìm một lối đi khác. Nhưng tôi chẳng muốn nán lại kinh thành thêm nữa, bèn từ biệt mẹ, bắt đầu chuyến du ngoạn ba năm trời.

Lúc lên đường là một ngày trời u ám, ngoài mẹ ra, chẳng có ai đến tiễn tôi. Bàn tay tôi run lên, được mẹ nắm lấy, nhẹ nhàng xoa dịu.

Tôi cố nén nước mắt, sợ mình sẽ không nỡ rời đi, sợ nỗi tủi hờn của mình sẽ khiến mẹ phiền lòng, nhất thời chẳng thốt nên lời. Mẹ cúi đầu nhìn tôi, không hỏi tại sao, cũng chẳng hề ngăn cản, chỉ có ánh mắt chan chứa yêu thương vô hạn, mẹ nói: "Chất Nô, đường xa cẩn thận."

Tôi không thể siết chặt đôi tay mẹ, chỉ biết gật đầu thật mạnh, rồi hỏi: "Mẹ, nếu con tìm được nơi tốt lành, mẹ có đi cùng con không?"

Mẹ thoáng sững sờ, rồi ngoái đầu nhìn vào Phạm phủ, dáng vẻ vừa trầm tư, lại như đang cáo biệt. Mẹ vẫn còn ôm một tia hy vọng, nhưng tôi không muốn vạch trần, chỉ im lặng tin vào lời mẹ rằng sự vô tình mới là lẽ thường ở đời.

Khi ấy tôi nghĩ, hôn nhân trên cõi đời này nào có mấy đôi được tâm đầu ý hợp, chẳng qua cũng chỉ như buổi chợ trưa, lựa cọng rau xanh trong mớ lá úa, chọn tới chọn lui tìm một người vừa mắt, rồi sinh con đẻ cái, sống cho hết một kiếp người mụ mị.

Tôi không ép mẹ, một lúc lâu sau, mẹ mới nhìn lại tôi, đáp: "Được, nếu Chất Nô tìm được nơi tốt lành, mẹ sẽ đi cùng con."

Cuối cùng lòng tôi cũng lan tràn vui vẻ, cười hỏi mẹ: "Cả đời không chia xa?"

Mẹ trìu mến nhìn tôi, nhắm mắt gật đầu: "Cả đời không chia xa."

Nhận được lời hứa của mẹ, tảng đá trong lòng tôi như được trút bỏ, một niềm vui khôn tả dâng trào, tôi bèn từ biệt mẹ, thúc ngựa lao về phía cổng thành, chỉ mong nhanh hơn, nhanh hơn nữa, để cùng mẹ rời khỏi chốn thương tâm này.

Ba năm sau, cuối cùng tôi cũng dừng chân tại Thư viện Bạch Lộc ở Lạc Châu, cảm nhận được khoảnh khắc bình yên tại nơi này. Sơn trưởng của thư viện là một phu nhân trạc năm mươi tuổi, tên Trác Thu Hồng, xuất thân từ dòng dõi thư hương, từng trải qua ba đời chồng, ai nấy đều văn chương xuất chúng. Bà cũng không chịu từ bỏ học vấn, cùng các đời chồng đàm văn luận chữ, chẳng hề kém cạnh nửa phần. Mãi đến khi Trác sơn trưởng lấy người chồng thứ ba, vị lang quân này công danh lận đận, cuối cùng từ quan về quê, cùng bà mở Thư viện Bạch Lộc.

Trượng phu của Trác sơn trưởng không giỏi ăn nói, chỉ có học vấn là uyên thâm. Ngược lại, Trác sơn trưởng thì tài ăn nói xuất chúng, đối đáp như nước chảy, hễ ai đến nhập học đều phải khâm phục trước lời lẽ của bà.

Khi tôi đến Thư viện Bạch Lộc, chỉ nghĩ rằng bà không đồng ý cũng chẳng sao, nào ngờ lại bị bà nhìn thấu thân phận nữ nhi. Khi ấy, bà mời tôi uống trà, hỏi tôi: "Lý nương tử sau này vẫn định xuất hiện với thân phận nam nhi sao?"

Tôi ngạc nhiên không thốt nên lời, không biết phải đáp lại ra sao, đành trả lời: "Học vấn của ta, nếu xuất hiện với thân phận nữ nhi, e rằng khó lòng khiến người ta tin phục."

Trác sơn trưởng cười nhẹ, bảo: "Lẽ nào học vấn trên đời này lại được định đoạt bởi thân phận nam nữ sao? Nếu đã vậy, chức sơn trưởng này đáng lẽ không nên do ta đảm nhận mới phải."

Đáy lòng tôi dâng lên vui sướng, nhưng vì chưa từng sống với thân phận nữ nhi nên vô cùng bất an, sợ mình sẽ khiến bà thất vọng. Bà an ủi tôi: "Lý nương tử đang sợ điều gì?"

Tôi trông xuống đôi tay mình, đâm ra lúng túng, hồi lâu mới nói: "Ta sợ mình không biết điểm dừng, hại người, hại mình."

Trác sơn trưởng dòm tôi một lúc, sau thở dài: "Nếu không thể sống một cách phóng khoáng, cứ mãi nhẫn nhịn, chẳng phải cũng là hành động tự hại lòng mình hay sao?"

Tôi hơi giật mình, ánh mắt dõi theo bà. Bà đứng dậy, lấy vài cuốn sách trên giá xuống, đặt trước mặt tôi, nói: "Những thứ này, đều là ghi chép những lần ta và nhà ta tranh luận. Cô có biết, người đời đa phần coi việc giữ tiết hạnh là đức hạnh của phụ nữ. Ta từng lấy ba đời lang quân, trong mắt người đời, đều cho là nhà ta chịu thiệt. Ban đầu ta cũng bị những lời đồn thổi làm tổn thương, nhưng sau đó, ta cùng nhà ta đàm cổ luận kim, cùng nhau nghiên cứu học vấn, từ đó gặt hái được nhiều lợi ích, lòng thấy mãn nguyện, chẳng hề cảm giác thấp kém hơn ai. Vì vậy mới có thể khi nhà ta từ quan, đề xuất xây dựng Thư viện Bạch Lộc. Nếu chỉ vì sợ ánh mắt người đời mà từ bỏ, thì ta giờ đây, cũng chỉ là một pho tượng đất vô tri được thờ phụng trong miếu thờ trinh tiết mà thôi."

Tôi vô cùng cảm động, song vẫn thấy có chút sợ hãi, chẳng dám nhận lời ngay. Im lặng hồi lâu, tôi thưa với Trác sơn trưởng: "Nghe nói Trác sơn trưởng cũng mở lớp dạy cho trẻ nhỏ, hay là để ta đến dạy bọn trẻ học vấn vậy."

Trác sơn trưởng bật cười ha hả: "Lý nương tử gan cũng lớn thật nhỉ, ta đâu có nói, học vấn của nương tử đủ để dạy học trò."

Tôi nghẹn lời, má nóng bừng, hoàn toàn rơi vào cảnh xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Tuy vậy Trác sơn trưởng không cười nhạo tôi, bà chỉ hiền hòa nhìn tôi: "Ta hy vọng sau này nương tử sẽ có thành tựu, không chỉ giới hạn ở việc dạy dỗ trẻ nhỏ."

Tủi hờn và cảm động khôn nguôi bỗng ùa vào chiếm cứ lòng tôi. Tôi đứng dậy, trịnh trọng cúi đầu vái bà một vái, nói: "Ơn của sơn trưởng, Chất Nô suốt đời không quên. Xin hãy cho Chất Nô một thời gian chuẩn bị, quyết không để sơn trưởng thất vọng."

Trác sơn trưởng cười nhẹ nhìn tôi, hẹn ước với tôi: "Vậy ta sẽ ở đây chờ Lý nương tử."

Vậy mà khi tôi quay về kinh thành, định đón mẹ cùng đến Lạc Châu, lại bị một đạo thánh chỉ ban hôn trói buộc không thể cựa quậy, chẳng còn cơ hội để gặp lại Trác sơn trưởng nữa.



#



Ánh mắt Công chúa hướng về phía tôi, trong thoáng chốc, tôi ngỡ như thấy được đôi phần căng thẳng nơi đáy mắt nàng – một điều chưa từng xảy ra.

Trái tim tôi chợt rung rinh xao động, hồi lâu không nói nên nửa lời, còn nàng cũng chẳng hề thúc giục, dường như chỉ cần tôi không đáp, nàng sẽ cứ thế đợi mãi.

Một lúc lâu sau, tôi thở dài một tiếng, hành lễ với nàng, chậm rãi mà rằng: "Điều ta mong mỏi, trước đây ta đã từng thưa với Công chúa, ta muốn nhận lại những khế ước nhà đất và số tiền bạc mà Công chúa đã giữ, hoặc hơn thế nữa, là hy vọng Công chúa có thể trả lại khế ước bán thân cho ta."

Tôi chưa từng nói với ai, chỗ khế ước nhà đất và tiền bạc đó, thực ra đều là do mẹ dành dụm cho tôi. Từ lúc tôi mới vào Phạm phủ, mẹ đã bắt đầu tính toán đường lui cho tôi.

Mẹ của tôi cũng là người thấu tình đạt lý, chỉ tiếc rằng mang theo gánh nặng là tôi, lại còn bị chữ tình làm tổn thương.

Khi ấy, mẹ con tôi đang ngồi trong nhà húp canh gà, mẹ nói, hôn nhân chả qua cũng chỉ là tìm miếng cơm ăn. Phạm Trạch Dân là trọng sĩ diện, nhưng mẹ thì không cần, đằng nào cũng là đi ăn xin, thì xin ở đâu mà chẳng như nhau. Xưa nay biết bao gã đàn ông lén lút bán thân, sử sách không dám viết vì còn cần giữ thể diện, chứ dã sử thì nhiều vô kể. Tôi không tài nào ngờ được mẹ tôi chẳng đọc sách mà lại hiểu nhiều đến thế.

Tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử [1], có lẽ mẹ tôi thật sự mong tôi là một nam nhi, sau này có thể làm chỗ dựa. Nhưng nếu tôi là nam nhi, khó đảm bảo tôi sẽ không trở thành người như Phạm Trạch Dân. Có lẽ mẹ đã nhìn thấu điều đó từ lâu. Những gì mẹ có thể làm không nhiều, nếu như tất cả nữ tử trên đời đều bị buộc phải rời xa mẹ mình, đều có một kết cục thảm đạm, thì thà cứ dối đời lấy tiếng hão mà sống, kể cũng là một sự phóng khoáng.

[1] Là một trong những quy tắc đạo đức Nho giáo hà khắc dành cho phụ nữ, quy định rằng cuộc đời người phụ nữ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông: khi ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai.

Tôi từng hỏi mẹ, nếu lỡ tôi thích một người đàn ông, quyết tâm theo người ta, chịu khổ thế nào cũng không sao, vậy thì cả đời vun vén của mẹ chẳng phải là đổ sông đổ bể sao.

Mẹ tôi khinh bỉ "chậc" một tiếng: "Năm con năm tuổi đã biết hái hoa tặng tiểu nương tử, đêm ngủ mơ còn gọi tên người ta, mẹ con ăn muối còn nhiều hơn con ăn cơm, lẽ nào lại không nhìn ra?"

Tôi thất kinh, thì ra từ nhỏ tôi đã có sở thích đặc biệt như vậy, mà lại chẳng nhớ gì, những chuyện đó, chỉ có mẹ nhớ, chỉ có mẹ để trong lòng.

Năm xưa mẹ cũng từng đi cầu xin Phạm Trạch Dân, xin ông ta đừng để tôi gả cho Công chúa, thế nhưng Phạm Trạch Dân không đồng ý, Thái tử không đồng ý, chủ mẫu cũng không đồng ý. Sau này tôi chẳng dám nói với mẹ, rằng tôi đã nảy sinh tâm tư ấy với Công chúa, nhưng mẹ là ai chứ, người tinh tường, sớm đã nhìn ra, nên lúc lâm chung mới nói những lời như vậy: "Đáng tiếc, đáng tiếc, sớm biết như vậy, lúc trước đã không nên giữ con lại."

Tôi biết mẹ tiếc điều gì, nhưng không thể an ủi mẹ. Những khế ước nhà đất và tiền bạc đó, đều là con đường lui mà mẹ đã trải sẵn cho tôi, để tôi dù thân cô thế cô trên cõi đời này cũng có nơi ăn chốn ở. Nhưng tôi và mẹ đều không có cơ hội đó, để sống cuộc sống mà mình mong muốn.

Dưới những khốn khó không thể lựa chọn, mẹ chỉ có thể nói: "Thế đạo là thế, Chất Nô đừng sợ, có mẹ ở đây."



#



Sau một khoảng tĩnh lặng kéo dài, đôi mắt Công chúa trở nên u ám và đen kịt. Nàng chầm chậm cất lời, giọng lạnh lùng xen lẫn trách móc: "Phạm Bình, lời lẽ của ngươi bây giờ, thực khiến người ta chán ghét."

Tôi chết lặng, đâu ngờ lời nói của mình lại khiến nàng nảy sinh suy nghĩ như vậy. Bỗng dưng, một lưỡi gươm sắc đâm xuyên tim tôi, đau đến ruột gan đứt từng đoạn.

Tôi cố nở một nụ cười, cất lời: "Có những chuyện quen rồi sẽ ổn thôi."

Công chúa đưa mắt về phía tôi, chau mày: "Ngươi cứ nhất quyết muốn rời đi như vậy sao?"

Tôi nhất thời không thể trả lời, bặt thinh một lúc mới thưa với nàng: "Đối với Công chúa, tòa phủ đại trưởng công chúa này rất tốt, người trong kinh ai ai cũng ca tụng Công chúa, Công chúa muốn làm gì cũng được. Nhưng đối với Phạm Bình, đây lại là một chiếc lồng giam cầm ta."

Nét mặt nàng thoáng vẻ không vui, tôi nén lại mọi xáo động trong lòng, từ tốn nói tiếp: "Công chúa quên rồi sao, ta là nữ nhi, làm phò mã vốn không phải điều ta mong muốn. Trước khi gả cho Công chúa, điều ta khao khát nhất là được làm một giáo tập ở Lạc Châu, vui vầy cùng mẹ, mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ, sống một cuộc đời bình dị."

Nàng không buông tiếng, ngoảnh mặt đi tránh nhìn tôi, đôi tay siết chặt vạt áo, chả rõ là cảm xúc gì.

Tôi buồn bã che đi nỗi chua xót trong lòng, tiếp tục: "Những gì ta cầu mong rất ít, những gì Công chúa không thể cho ta, ta không nên cưỡng cầu. Nhưng nếu có cơ hội để ta được làm một người bình thường, sống cuộc sống mà mình mong muốn, đó chính là điều ta cầu mong..."

Lời còn chưa dứt, Công chúa đột ngột đứng dậy, toàn thân khẽ cứng lại, sắc mặt tựa hồ còn trắng bệch hơn ngày thường. Nàng hé môi, lạnh lùng và đầy tức giận hỏi tôi: "Nếu ta không cho đi thì sao?"

Tôi ngẩn ra, mũi cay xè, chẳng biết nên biểu lộ cảm xúc gì. Ánh mắt nàng ép sát tôi, từng chữ từng lời thốt ra: "Phạm Bình, ta sẽ không đồng ý. Ta cứu ngươi, không phải để ngươi tự tung tự tác."

Tôi nghền nghệt nhìn nàng, trái tim như bị vò nát từng chút một. Trong mắt nàng, khát khao của tôi, chỉ là tự tung tự tác thôi sao? Chợt nhiên tôi thấy mình thật nực cười. Trong những năm tháng xa xôi ấy, thực ra dù nàng bảo tôi làm gì, lên núi đao xuống biển lửa, tôi đều không chút do dự. Nhưng trái tim tôi không đáng bị đối xử như vậy.

Tôi nhắm mắt, cố gắng kìm nén tâm tình, hơi cúi thân, vái lạy nàng: "Công chúa muốn làm gì cũng được, nhưng trái tim của Phạm Bình, sẽ không chọn dừng chân nơi đây."

Linh Ngộ nói không sai, tôi là chén trà được pha qua nhiều công đoạn phức tạp, để cho người đời thưởng thức, để họ phán xét tôi là người thế nào, quyết định tôi nên sống cuộc đời ra sao. Tuy nhiên trên đời này, phần nhiều lại là những cuộc đời giống như bánh trà bị Linh Ngộ bóp nát, khó lường, song ngập tràn hy vọng.

Tôi không cần chờ đợi Công chúa ban cho mình một kết cục, mà chỉ cần trong những năm tháng còn lại, sống theo ý mình, đã đủ rồi.

Công chúa đứng trước sập nhỏ, mày chau mặt giận, hơi thở trở nên dồn dập. Tôi vì thế mà đau lòng, nhưng tôi biết rõ một khi đã nhận lời yêu cầu của nàng, chắc chắn sẽ lại rơi vào lưới tình khó mà thoát ra. Vì vậy tôi chỉ im lặng, cúi đầu không nhìn nàng.

Hồi lâu, tôi thoáng thấy vạt áo nàng khẽ động, bước chân nặng nề đi vào gian trong. Cách một tấm bình phong và rèm che, lọt vào tai là giọng nói có phần mệt mỏi: "Ta biết rồi... Phạm Bình, ngươi để ta suy nghĩ một chút..."

Trái tim tôi trống rỗng, suýt nữa đã vì thái độ đột nhiên mềm mỏng của nàng mà rơi lệ. Nàng chưa bao giờ như vậy, vì tôi mà nhượng bộ.

Tôi siết chặt hai tay, đứng một lúc ở gian ngoài, che đi sự xúc động trong tâm khảm mới chậm rãi nói: "Đa tạ Công chúa đã thấu hiểu, Phạm Bình xin cáo từ."

Sau khi vội vã rời khỏi phòng, tôi bất giác thở phào nhẹ nhõm. Thị giác tôi thoáng thấy một bóng người đang đứng bên cạnh, khi đối diện với cô ấy, tôi ngây đuỗn. Đó là Đinh Lan, và trong mắt cô ấy lúc này, rõ ràng là vô vàn sự chán ghét đối với tôi.



---

Editor:

▪️ "Có lẽ mẹ đã nhìn thấu điều đó từ lâu. Những gì mẹ có thể làm không nhiều, nếu như tất cả nữ tử trên đời đều bị buộc phải rời xa mẹ mình, đều có một kết cục thảm đạm, thì thà cứ dối đời lấy tiếng hão mà sống, kể cũng là một sự phóng khoáng": Ý là nếu Phạm Bình làm nữ tử, khi lớn lên phải lấy chồng và rời xa mẹ rồi cả hai mẹ con đều nhận kết cục bi thảm thì thà để Phạm Bình giả nam nhi để hai mẹ con có thể ở bên nhau, nương tựa vào nhau, thì cũng coi như là một sự tự do.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com