Chương 16: Đồn điền cao su
Buổi sáng, vì không có việc gì làm nên ông địa chủ quyết định kéo hai cậu ấm ra đồn cao su cùng mình, mục đích là để hai cậu quen với công việc gia đình, sau là thuận lợi cho việc mần ăn. Bà cả và bà hai đã rủ nhau lên chùa từ sớm, nhà cửa chỉ còn lại một mình Thương nên cô nằng nặc đòi cha cho đi cùng. Thịnh thấy vậy liền trêu:
"Cô chủ Thương mới bây lớn mà đã thạo việc rồi hén".
Thương bĩu môi, nguýt anh một cái:
"Em cái gì chả biết làm".
Cường châm chọc:
"Gớm, đi hai bước lại thở hồng hộc chứ ở đấy mà làm".
"Em mà mệt thì anh cõng em".
"Thôi tha anh, cô lớn như cái bồ rồi, cõng để chết tôi à".
Cường xua tay, làm điệu bộ khó coi chọc tức Thương. Ba anh em nhà này, xa nhau thì nhớ, mà cứ sáp vô là y như rằng có chuyện. Suốt dọc đường cái miệng cứ tíu tít không lúc nào ngơi, mặc cho ông Sang đã nhắc yên lặng rất nhiều lần.
Đồn cao su nhà địa chủ phải rộng bằng bốn, năm mẫu ruộng ghép lại. Nhân công phải lên đến cả trăm người. Ông địa chủ dắt Thịnh và Cường đến tận nơi, chỉ cho hai cậu cách làm việc và cách thu hoạch mủ cao su ra sao. Suốt nửa giờ đồng hồ, ông cứ thao thao bất tuyệt với hai đứa con về một chủ đề ấy, Thương đứng bên cạnh nghe mà tai này lọt sang tai kia. Liếc sang bên cạnh thấy vẻ mặt chán nản của Thịnh, cô đưa tay véo vào mông anh một cái rồi chạy đi mất hút.
"Tao nhớ mặt mày rồi đó con ranh". Thịnh nhăn nhó, vừa xoa mông vừa lẩm bẩm.
"Nhớ được là tốt con ạ. Còn nhiều thứ phải học lắm". Ông Sang vỗ vào vai Thịnh, khích lệ.
Đi một vòng quanh vườn cao su nhưng chẳng thu hoạch được gì, Thương kiếm đại một thành giếng cũ ngồi ngâm mấy câu thơ mới học:
"- Em ơi, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
Mẹ già một nắng hai sương,
Chị đi một bước trăm đường xót xa.
Cậy em, em ở lại nhà,
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương."
"Cô chiêu đấy à?".
Thương quay về phía phát ra tiếng gọi. Là Bình. Phải rồi, anh cũng là một nhân công của vườn cao su này mà.
"A, chào anh. Sao anh lại ở chỗ này?".
Nói xong câu ấy, Thương cũng khó hiểu với câu hỏi của chính mình. Bình phì cười:
"Cái đó tui hỏi cô mới đúng. Ban nãy tui thấy cha cô ở đằng kia, sao cô chạy tuốt ra đây rồi. Qua khỏi cái hàng rào này là bìa rừng đấy".
Thương ngơ ngác. Cô đã đi xa đến vậy rồi sao. Từ nãy đến giờ cô đã thơ thẩn ở cạnh khu rừng ma ám mà bản thân chẳng hề hay biết. Thương rùng mình một cái rồi chạy về phía Bình. Cô thầm cảm tạ trời đất vì anh đã xuất hiện đúng lúc.
"Thật ra tui chỉ đi ngang qua thôi, chứ không có bị lạc đâu ấy. Vườn nhà tui mà, lạc sao nổi".
Bình mỉm cười. Ban nãy thấy Thương loay hoay ở chỗ này, Bình đã biết rõ tình hình. Nhưng anh không nói ra. Anh muốn xem cô sẽ xử lý tình huống này như thế nào.
"Vậy cô về trước nhé. Tui đi làm việc tiếp đây". Nói rồi, anh quẩy chiếc thùng lên vai, nhanh nhẹn tiến về phía trước. Chiếc thùng trông khá to và nặng, nhưng Bình nhấc bổng lên hệt như một chiếc lông hồng. Trong làng, anh nổi tiếng là người có sức khỏe. Ánh nắng buổi xuyên qua những kẽ lá, chiếu lên làn da rám nắng của anh trông như bức tượng đồng vạm vỡ.
Bình đã đi xa được một quãng nhưng Thương vẫn đứng yên tại chỗ. Phải rồi, cô không biết lối ra. Hết cách, Thương liền lẽo đẽo chạy theo Bình. Mặt đất gồ ghề khiến cô đi không vững, phải bám vào chiếc áo anh buộc ngang hông cho khỏi ngã.
"Ủa, cô còn chưa về sao?".
"Tui qua coi chừng anh làm việc".
Bao quanh khu vườn là một hàng rào thép gai lởm chởm. Nhảy qua được hàng rào và đi tiếp một đoạn là đến bìa rừng. Nước vùng hạ nguồn này quanh năm dồi dào, nên ông Sang mấy năm trước đã tìm mọi cách để biến ruộng của nông dân thành đất trồng cao su.
Bình đặt phịch chiếc thùng trên vai xuống. Mồ hôi chảy đầm đìa trên tấm lưng trần của anh. Thương đỏ mặt quay đi nhìn chỗ khác. Xung quanh đây có đến ba, bốn chiếc thùng như vậy. Cô tò mò định mở ra xem bên trong nhưng rồi lại thôi.
"Về thôi cô ba". Bình giục. Nhưng lúc này chân Thương đã mỏi nhừ. Cô không quen đi đường đất sỏi.
"Nghỉ xíu đi anh Bình. Tui đi hết nổi rồi".
"Cô không về là tui bỏ cô lại đó nghen". Bình dứt khoát đứng dậy, bỏ đi, mặc cho Thương nằn nì.
"Nếu là con An là nó cõng tui đi lâu rồi". Thương thầm nghĩ. Chỉ có con An lúc nào cũng chiều cô. Cô lại nhớ nó. Không biết giờ này con bé đang làm gì, có nhớ đến cô không.
Ra gần đến cổng, Thương nghe thấy tiếng quát tháo. Là mụ Lợi. Mụ là chúa đanh đá của cái làng này. Từ sáng sớm, mụ đã vác cái bồ cào ra đứng ngoài cổng. Bất cứ ai đi qua cũng bị mụ làm cho giật mình bởi cái giọng chửi không lẫn vào đâu được. Từ khi mụ về đây ở, cứ dăm bữa nửa tháng, bà con lại được nghe mụ ca cẩm. Mà mụ chửi rất hay, rất có vần điệu. Nên cứ những lúc mụ chửi, trẻ con lại tụ tập nấp sau những đống rơm mà phụ họa theo
"Bớ làng trên xóm dưới, bớ láng giềng láng tỏi. Con gà của tôi nuôi bằng gạo, bằng thóc, mất tiền mua. Vậy ai bắt con gà xin trả lại, không thì tôi chửi cho mà nghe đấy!".
Nói rồi, mụ dừng lại, hít một hơi rồi tiếp tục chửi. Mặt mụ đỏ chót như quả cà chua chín, hai cái lỗ mũi nở ra thở phì phì những câu khó nghe:
"Cha Cao Tằng Tổ Tỉ, Cao Tông Tổ Khảo, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di Tỉ Muội thằng cha mày đã bắt con gà nhà tao! Con gà nhà bà nó ở nhà bà, nó là con công con phượng. Nó đến nhà mày nó là con cú con cáo, nó là Thần Nanh mỏ đỏ Nó mổ xé xác vợ chồng nhà mày đi .Mày liệu hồn mà giả con gà cho bà à!".
Đám đông tụ tập trước cửa nhà mụ Lợi ngày một nhiều, mụ chửi càng hăng. Mụ ném cái bồ cào sang bên cạnh, xắn váy, nhảy đồm độp giữa sân, tru tréo:
"Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá ! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, đẻ sót nhau. Chết mau, chết sớm, chết trẻ, đẻ ngang nhá."
Ông Lộc chồng của mụ thấy vậy, liền chạy ra can ngăn:
"Thôi thôi tôi xin bà, chửi ít thôi làng xóm người ta cười cho".
Mụ hất tay ông chồng, trề cái môi dày nứt nẻ ra mà rủa xả. Hai tay ban nãy chống hông giờ lại không ngừng chỉ về phía trước. Mụ chẳng đích danh chửi ai, mà mụ chửi để xả cái tức tối trong lòng người đàn bà nghèo mất của:
"À thế hử, đứa nào cười bà. Đã thế, hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên. Bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Muốn sống thì thả gà ra. Lạy bà hai lạy, bà tha cho mày....ày ày ày...".
Thương đứng nghe mà cảm thấy vừa buồn cười vừa thương hại. Người nông dân là thế, họ thẳng tính, đã nghèo lại mất của. Ai mà không tức. Có điều mụ Lợi hình như không phải người bản địa ở đây. Cái cách mụ chửi, Thương thấy sao mà lạ lẫm, mà cũng hay hay.
"Đi thôi cô ơi, kệ người ta". Bình lại giục. Làm việc ở đây đã lâu, anh cũng quen với tiếng chửi của mụ. Nhưng anh sợ cô chiêu nghe thấy lại sợ. Đưa cô về với ông địa chủ, anh cẩn trọng cúi chào rồi quay lại làm công việc của mình.
"Ủa ai vậy em?". Cường gạn hỏi
"Con trai ông Kế ở mé sông á".
Cường gật gù. Gì chứ ông Kế thì anh không lạ. Trước kia khi anh còn đi học thầy ở làng bên, ông Kế là người chèo đò đưa anh đi suốt.
"Có phải thằng Bình cò ngày xưa không. Xưa nó gầy như con cò hương, mà giờ coi bộ cũng được ra phết". Thịnh chen vào. Buổi đi thăm vườn của mấy cha con nhà địa chủ kết thúc khi mặt trời vừa lên đến đỉnh đầu. Thằng ở đánh xe đỗ xịch trước cổng, Thương nhanh chân chạy lên ngồi ở phía trước. Chân đã mỏi nhừ, giờ đây Thương chỉ muốn yên vị trên chiếc giường thân yêu, ngủ một giấc rồi dậy ăn cơm. Và Thương cảm thấy cuộc sống như vậy thì thực là không có gì để nuối tiếc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com