Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 8

Từ Chương Bân thi thoảng lại quên mất, mình từ lúc nào đã xây dựng thói quen bảo bọc Hàn Trí Thành hết mực như vậy. Hai người vì điều gì mà dây dưa với nhau, quyết định ở lại bên cạnh nhau? Đó không hẳn là một kiểu trói buộc cụ thể trong một mối quan hệ có tên rõ ràng, họ đối với nhau giống như một kiểu hiện diện thầm lặng, không quá phô trương, nhưng chưa từng rời đi.

Bất kể đối phương có làm gì hay ở đâu, chỉ cần ngoảnh đầu nhìn lại, người kia đã lặng lẽ đứng ở đó từ bao giờ rồi.

Là một cảm giác an tâm khó lí giải, Chương Bân nghĩ.

Hàn Trí Thành đã nức nở nói với anh rằng, em luôn cảm thấy mình đang lợi dụng anh.

Câu nói ấy chắc là điều vớ vẩn nhất mà Từ Chương Bân nghe được từ miệng của ai đó trong những năm gần đây.

Một đứa nhỏ lớn lên trong tủi hổ và sự ruồng bỏ, cố gắng bám víu lấy tình thương và sự an ủi giản đơn người khác dành cho em thì sai ở đâu cơ chứ?

Từ Chương Bân thậm chí còn trách bản thân vì sự quan tâm nhỏ bé kia — thứ em coi là một ân huệ — là thứ duy nhất mà anh có thể thực sự làm cho em.

Phải chi anh làm được gì nhiều hơn thế...

Nhưng, nhiều hơn là nhiều bao nhiêu?

Bao nhiêu mới thực sự đủ để Hàn Trí Thành cảm thấy hạnh phúc hơn đôi chút?

Xoá bỏ bất công?

Xoay chuyển số phận?

Trừng trị kẻ ác?

Không thể.

Anh bất cứ cái gì cũng không thể làm được. Vì vậy, anh dồn sức chăm sóc em, học cách trở nên dịu dàng hơn, dùng từng hành động và sự quan tâm nhỏ nhặt của mình đối đãi với người ấy, chỉ mong sao em có thể cười nhiều hơn một chút.

Nhưng đứa nhỏ đó chưa từng thực sự cười với anh.

Những nụ cười trống rỗng đầy bài bản, như một nét diễn khoa trương trong một bộ hài kịch kiểu cũ nào đó, không phải là thứ mà anh muốn nhìn thấy.

Tại sao Hàn Trí Thành mãi không chịu hiểu, rằng những nụ cười em cố tình bày ra đó — cho dù mục đích là khiến anh yên tâm đi nữa — thực chất chỉ đẩy anh xa hơn đến sự bất an và tuyệt vọng.

Qua năm tháng, nhìn Hàn Trí Thành từ một cậu nhóc èo uột nhút nhát biến thành một thiếu niên sống thờ ơ, sớm quen chôn chặt cảm xúc nơi đáy lòng, lặng lẽ nuốt ngược đắng cay, Từ Chương Bân lại càng cảm thấy bản thân mình bé nhỏ và bất lực cùng cực.

Anh căm ghét ánh mắt đầy tội lỗi em đôi khi vẫn vô tình để lộ ra, lúc em lén nhìn anh, cứ như thể bản thân em là một thứ thừa thãi mà anh phải nhọc nhằn gánh trên lưng mình.

Thực chất, không một phút giây nào anh cảm thấy em phiền hà. Người cũng đang dựa vào sự hiện diện của em mà cố gắng sống sao có thể cảm thấy em phiền hà?

Từ Chương Bân là kẻ thấu hiểu cuộc đời bất công và nỗi đau mãi mãi không được công nhận của em rõ hơn bất cứ ai khác.

Anh sinh ra trong một gia đình Châu Á kiểu mẫu, gồm cha mẹ và hai đứa con, một trai một gái. Từ Chương Bân là con út trong nhà. Cả cha và mẹ anh đều là công chức bận rộn, từ lúc chào đời đến khi trưởng thành đều theo khuôn mẫu mà các thế hệ trước đó đã đúc sẵn. Họ đi trên một lối mòn cũ kĩ, mang trong đầu một hệ tư tưởng cũ kĩ và đặt ra những nguyên tắc cũ kĩ, giống như các bậc trưởng bối đã làm với chính họ. Cha mẹ vì vậy rất hiển nhiên lại đem toàn bộ những thứ đó lần lượt đặt lên vai anh, bức bối và nặng nề đến mức anh thở không nổi.

Gia cảnh của anh không phải kiểu giàu nứt vách, nhưng cha mẹ chỉ lo vùi đầu kiếm tiền, chi tiêu đong đếm từng đồng, tích góp cả đời, tới lúc anh có nhận thức thì gia đình cũng được xem như có chút của ăn của để. Từ Chương Bân cũng nhờ vậy mà lớn lên không thiếu thứ gì.

Anh được bồi dưỡng đủ thứ, cũng đồng thời bị kì vọng đủ điều, quen việc lớn lên dưới sự giám sát gắt gao của mẹ cha. Còn người chị gái hơn anh bảy tuổi, người chị ấy, chỉ đơn giản là một đứa con gái thôi.

Năm chị anh cuối cấp, chuẩn bị chọn trường đại học, anh nhớ rõ người chị đã ở bàn ăn thưa chuyện cùng cha mẹ, với cái dáng vẻ tiều tuỵ và xanh xao. Khi đó chị rất gầy, cẳng tay khẳng khiu như một que củi, làn da mỏng và nhợt nhạt tới mức có thể thấy được mạch máu chạy bên dưới.

Trên bàn ăn hôm đó có một đĩa sủi cảo hấp nóng hổi, món chị rất thích ăn.

— Cha, mẹ, con có nên chọn trường xa nhà không? — Chị đan hai bàn tay vào nhau, ánh mắt vô cùng nghiêm túc ngước nhìn hai đấng sinh thành của mình. — A, hay là nên học gần nhà một chút, để tiện ở cạnh phụ giúp cha mẹ? Nhưng, trường gần nhà lại không có chuyên ngành con muốn học. Cha, mẹ, hai người nghĩ thế nào?

Cha anh không có phản ứng, mặt đăm đăm nhìn đôi đũa trên tay, quay sang càu nhàu với vợ. — Đã nói bà dọn cơm thì nhìn cho kĩ. Cái đũa cong veo như này cũng lấy được? — Ông miết ngón cái trên những hoa văn phượng hoàng xanh đỏ được dập cẩn thận trên thân đũa. — Nhìn đẹp mà không dùng được, còn giữ làm gì?

Mẹ anh không nói gì, lẳng lặng kéo ghế đứng lên, đổi một đôi đũa khác cho ông. Đũa gỗ cũ kĩ màu nâu sậm, đơn sơ thô kệch, nhưng cứng cáp, dùng qua nhiều năm vẫn tốt.

Chị gái anh mím môi, không dám nhìn thẳng vào mắt cha mình, chỉ có thể quay sang cầu cứu mẹ, móng tay bấm vào da thịt tạo thành những mảnh trăng khuyết nhỏ xíu hằn sâu trên nước da nhợt nhạt. — Mẹ... ý mẹ thế nào?

Người mẹ ngẩng mặt lên từ chén cơm trắng chưa động đũa, ánh nhìn thờ ơ đến lạ. — Dù sao con gái lớn rồi cũng phải lấy chồng. Con lo nhiều thế làm gì? Để thời gian đó học hỏi thêm chút nữ công gia chánh thì hơn.

Lúc đó Từ Chương Bân mới chỉ là một cậu học trò nghịch ngợm. Ngồi ở bàn bày đầy thức ăn ngon, đung đưa chân, tay gắp miệng nhai, một bên tai tò mò nghe ngóng người lớn nói chuyện.

Nhưng câu chuyện lại dở dang tại đó.

Cả bàn ăn bị vùi trong im lặng, không phải cảm giác yên ắng làm cho người ta dễ chịu, mà là sự ngột ngạt đỉnh điểm.

Từ Chương Bân ngẩng mặt lên từ chén cơm đầy dầu mỡ, khoé miệng còn dính lại một hạt cơm, ngơ ngác nhìn chị mình.

Chị chẳng nói gì, toàn thân gần như bất động. Móng tay ấn trên da lún sâu xuống, bấm tới mức chỗ tiếp xúc trắng bệch ra. Chương Bân không hiểu chị anh đang nghĩ gì, chỉ trông thấy chị cụp mắt, hàng mi dài rung lên như những nan quạt tí hon. Ánh nhìn rơi đâu đó trên những hạt cơm trắng muốt trong chén sứ, gần như lơ đễnh và mất tiêu cự.

Tiếng chén đũa va leng keng trong cái không khí bức bối kinh người. Cha anh không để ý đến chị, chỉ tiện tay gắp liền mấy miếng thịt kho núng nính, theo sau là hai viên sủi cảo, thả vào chén cơm của anh.

Sau lưng, van vòi nước lâu ngày bị mòn, cha anh bận rộn chưa kịp sửa, cứ cách quãng nhỏ tong tong mấy giọt nước xuống tách cà phê bẩn trong bồn, nghe cứ nôn nao như một quả bom đang đếm ngược.

— Con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, ráng ăn nhiều mới có sức học. — Cha nói, mắt dán vào đĩa thức ăn, đưa chén lên gần miệng lùa thêm hai đũa cơm đầy.

Chương Bân cúi nhìn núi thức ăn đầy ụ trong chén mình, bên tai nghe tiếng nước nhỏ đều đều, đột nhiên cũng chẳng còn thấy ngon miệng nữa.

Anh nhìn qua, thấy chén của chị mình đã vơi đi phân nửa, nhưng chị không đụng vào chút thức ăn nào, chỉ lặng lẽ gắp những đũa cơm trắng bé xíu, thẫn thờ đưa lên miệng. Từng đũa từng đũa, cơm trong chén cứ vậy dần ít đi. Cha không để tâm mấy, mẹ có chú ý, nhưng cũng không buồn mở miệng. Con gái lớn rồi, muốn làm gì cứ mặc kệ nó. Thức ăn ngon lành nấu ra không thèm đụng vào, vậy thì để người khác ăn hộ.

Từ Chương Bân nhân lúc cha mẹ không chú ý, nhanh tay khều một viên sủi cảo từ chén mình, thả vào chén của chị.

Lúc đó anh không nghĩ gì sâu xa, chỉ muốn người chị gầy gò của mình ăn nhiều hơn một chút. Chị đã gầy tới nỗi đi ngoài gió to còn sợ bị cuốn bay mất.

Chị ngẩng mặt lên, ánh mắt hai người giao nhau, một đôi mắt đẹp nhưng thiếu đi sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, chỉ còn những tàn tro xám ngoét rơi rớt lại của ngọn lửa nhiệt huyết đã lụi tàn.

Bữa cơm trôi qua nặng nề không tưởng.

Ngoài cơm trắng ra, viên sủi cảo anh gắp cho chị mình là thứ duy nhất chị ăn ngày hôm đó.

Sự thiên vị như một con mãng xà len lỏi trong gia đình anh, trườn khắp các ngóc ngách, được sự ghẻ lạnh nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.

Chị anh nhìn thấy.

Từ Chương Bân cũng nhìn thấy.

Chỉ có cha mẹ anh là làm ngơ.

Cuộc sống lặng lẽ trôi đi, chỉ là người chị ấy không còn nói chuyện với cha mẹ nữa. Chị kiệm lời rõ rệt, đến trường rồi về nhà, ăn cơm, học bài, tắm rửa rồi đi ngủ, ngày nào cũng giống nhau, vật vờ như một cái xác không hồn.

Kì thi đại học kết thúc, chị không muốn kể, cha mẹ cũng chẳng buồn hỏi han.

Từ Chương Bân đứng ở giữa, nhìn qua nhìn lại, cảm giác lòng mình bị xé toạc làm đôi.

Ít lâu sau, chị dọn ra khỏi nhà.

Trường đại học chị đã chọn nằm ở một thành phố rất xa nhà, lượt đi lượt về mất gần 2 ngày ngồi xe.

Chị nhân lúc cha mẹ vắng nhà mà chuyển đi, trên lưng chỉ gọn ghẽ một chiếc ba lô vải nhỏ, nét mặt bình thản đến lạ. Từ Chương Bân lẽo đẽo sau lưng chị từ đầu nhà xuống cuối nhà, nhìn chị lấy vài vật dụng cá nhân nhỏ lẻ nhét vào túi ba lô bên hông, rồi lại theo chị ra cổng.

Người chị quay đầu nhìn đứa em trai ngây ngô của mình, thở dài một hơi, rõ ràng đoán được từ nay về sau toàn bộ kì vọng nặng nề sẽ đổ hết lên đầu đứa nhỏ, chỉ còn một mình nó cáng đáng, không biết than thở cùng ai.

Lúc ấy Chương Bân chưa được cha mẹ mua cho điện thoại. Chị đành lấy bút chì viết vội vàng một dãy số vào giấy nhớ, đưa cho em trai.

— Đây là số điện thoại của chị. Nếu thấy nhớ thì ra bốt gọi cho chị nhé. — Chị cười nhàn nhạt, xoa rối mái tóc em trai. — ...Chị không gọi về nhà đâu.

Anh còn lại một mình, một mình loay hoay lặn ngụp giữa biển kì vọng của gia đình.

Lúc nhỏ, Từ Chương Bân chỉ đơn giản là cố gắng hết sức bơi theo con thuyền mà cha mẹ thả trôi phía trước, nó đi đến đâu, anh đi đến đấy. Cha mẹ bảo anh làm cái gì, học cái gì, anh đều không dám cãi nửa lời. Nếu họ có thất vọng, có chê bai, thì chính là do anh chưa đủ cố gắng.

Nhưng ai rồi cũng phải lớn lên.

Từ Chương Bân càng trưởng thành, càng cảm thấy con thuyền kia ngày một xa xôi hơn

Vùng biển kì vọng cũng theo đó trở nên mênh mang và hung tợn. Đáy biển đen kịt, sâu hun hút, làn nước trôi tuột trên da anh lạnh lẽo như băng sương, sóng dữ từng cơn cuộn trào cao mấy thước, dồn dập kéo anh ngược về đất liền.

Giữa vùng biển rộng lớn lạnh cắt da cắt thịt đó, Từ Chương Bân gắng sức bơi vã cả mồ hôi. Miệng anh mặn chát, không rõ là nước biển hay nước mắt trộn lẫn mồ hôi chảy vào. Anh bơi đến khi toàn thân rã rời, cơ bắp căng chặt, co rút từng cơn, tim phổi kiệt quệ tới mức việc hít thở thôi cũng là một cực hình. Con thuyền kia vẫn cứ lênh đênh trôi đi mất. Đến khi nó chỉ còn là một chấm nhỏ giữa lòng đại dương, Từ Chương Bân cũng bất lực mà chìm xuống.

Đã có vô số lần anh cuộn tròn trên giường, trong căn phòng tối đen như mực, âm thầm trách mắng chị mình thậm tệ, trách chị vì đã bỏ anh lại mà rời đi, trách chị không về thăm nhà, trách chị tuyệt tình như vậy với gia đình, rồi lại trách chị sao ngày đó không mang cả anh theo.

Nhưng bản thân anh hiểu chị vốn không thể mang mình theo. Chỉ là áp lực kéo dài ngày này qua tháng nọ cứ bức anh phát điên, và anh bắt đầu đổ lỗi cho tất cả mọi thứ, kể cả chính mình. Chị anh chỉ vô tình là một trong những thứ ấy.

Bẵng đi ba năm, mẩu giấy nhỏ của chị bị anh nhét sâu nơi hộc tủ, sách vở đè chồng lên, lâu ngày bề mặt giấy trở nên sần sùi, vết bút chì chị viết cũng nhoè đi không ít, Từ Chương Bân vậy mà vẫn không có đủ dũng khí để gọi cho chị một cuộc điện thoại. Anh sợ nghe giọng chị gái, mình sẽ không kìm được nói ra hết những oán trách trong lòng, làm tổn thương chị, trở thành một người em trai tồi tệ nhất trần đời.

Rồi đến một ngày, Từ Chương Bân qua lớp hơi nước mỏng phủ trên mặt gương phòng tắm, ngắm nghía hình ảnh bản thân hiện lên mờ nhạt. Anh lại như trông thấy đôi mắt của chị mình tại bàn ăn hôm đó trên chính gương mặt mình, chân thật và rõ ràng như mới chỉ ngày hôm qua. Một ánh mắt đờ đẫn, khô khốc và kiệt quệ đến thảm thương.

Trong một thoáng đó, mọi trách móc và tủi hờn suốt ba năm qua đều bỗng dưng tan biến.

Anh cuối cùng cũng hiểu được vì sao ngày ấy chị lại nhất quyết muốn rời bỏ gia đình này.

Chiếc điện thoại đầu tiên Từ Chương Bân sở hữu là cái cũ cha anh để lại năm anh học lớp 8. Điện thoại khá nhỏ, chai pin, nứt màn hình, trên mặt lưng còn lõm một vết lớn. Chương Bân lặng lẽ gom hết tiền tiết kiệm đi thay pin và màn hình mới, lại mua thêm một cái ốp cứng cáp đeo vào, vậy là tạm dùng được ít nhất vài năm nữa.

Cuộc điện thoại đầu tiên là dành cho chị, kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Từ Chương Bân khóc nức nở hết một tiếng đó, nói nhớ chị hàng trăm lần, cũng xin lỗi chị hàng trăm lần.

Chị anh không nói gì, chỉ có từng nhịp thở đều đều vọng lại an ủi anh rằng chị vẫn ở đó, lắng nghe những tiếng khóc đầy uất ức của em trai mình, hoàn toàn bất lực trước khoảng cách xa xôi.

Anh nói đợi đến khi bằng tuổi chị năm đó, mình cũng sẽ dứt khoát rời đi.

Chị im lặng rất lâu, khoảng lặng nặng nề và nghẹt thở đến độ anh tưởng như mình đã lỡ nói ra điều gì khủng khiếp lắm.

"Em đi rồi, cha mẹ phải làm sao?" — Chị hỏi.

Anh ngớ người, từ sâu trong thâm tâm lại nhú lên một chiếc gai bén nhọn, đâm anh đến méo mó ngũ quan.

— Nhưng em-em thật sự, thật sự mệt mỏi lắm chị ơi. Em phải đi.

"Ở lại."

— Em không muốn!

Ganh tỵ.

"Nghe lời chị đi."

— Không! Tại sao chị thì được, nói đi là dứt khoát đi, không vướng bận gì, còn em thì không được chứ?

Ganh tỵ.

"Chương Bân, em không hiểu..."

— Có gì mà không hiểu? Chị đi tìm tự do. Em cũng muốn tìm tự do. Em sai ở đâu?

Ganh tỵ đến chết mất.

Anh chỉ còn nghe tiếng thở của chị, nặng nề hơn, chậm rãi hơn, giống như người kia cũng đang cố kìm nén điều gì rất khó mở lời.

"Nhưng họ đã dồn rất nhiều tình yêu và tâm huyết cho em. Chương Bân, cha mẹ cần em, chứ không cần chị."

Từ Chương Bân cảm thấy lồng ngực mình nghẹn lại. Trái tim bất chợt co rút, ép ra thứ nước chua chát xâm lấn toàn bộ xúc cảm của anh.

Ánh mắt anh lơ đễnh quét qua tấm ảnh cũ rích trên chóp tủ đầu giường. Khung ảnh bằng kim loại trầy sước, lộ ra vài rãnh dọc gỉ sét. Bên dưới tấm kính phủ một lớp bụi mỏng, tấm ảnh gia đình bốn người được giữ cẩn thận. Trong ảnh, Từ Chương Bân chỉ tầm ba - bốn tuổi đứng chính giữa, đang cười toe toét, trên tay còn cầm một con thỏ bông màu xám. Cha mẹ đứng hai bên trái - phải, tay mỗi người đều đặt lên vai anh, nụ cười hạnh phúc treo trên môi. Trong khi chị anh là một cô nữ sinh non nớt đứng ngoài rìa, biểu cảm phẳng lặng như mặt hồ những ngày đứng gió, trông ảm đạm và nhàm chán đến mức lạc lõng.

Ganh tỵ ư?

Từ Chương Bân lấy cái quyền gì mà ganh tỵ?

Trong khi những thứ anh xem là hiển nhiên, chị anh có mơ cả đời cũng chẳng được.

Chị mới là người nên cảm thấy ganh tỵ, ganh tỵ sâu sắc đến mức sinh ra căm ghét đứa em trai đã lấy đi tất cả những thứ tốt đẹp nhất trong đời mình.

Nhưng chị đâu có như thế.

Từ Chương Bân quả nhiên là một đứa em trai vừa ngu ngốc vừa tồi tệ. Rõ ràng bản thân không muốn tổn thương chị, vậy mà cuối cùng vẫn là anh cứng đầu, ép chị tự mình nói ra những lời đau đớn như thế.

Nước mắt Chương Bân lại ào ạt tuôn ra. Cổ họng nghẽn đặc, không thốt ra tròn trịa được chữ nào, nghe cứ a ơ bập bõm như một đứa bé mới tập nói.

Trong mắt chị anh, có lẽ Chương Bân vẫn luôn là một đứa trẻ vụng về của chị.

Nỗi bất hạnh của chị đến từ sự ruồng bỏ.

Nỗi bất hạnh của anh lại đến từ sự kì vọng quá đỗi khắc nghiệt.

Hai thứ này rõ ràng rất khác nhau.

Thế nhưng, vì cớ gì chúng đều dẫn đến cùng một kết quả, ngày ngày, từng chút từng chút phá huỷ tự tôn và khát vọng của một con người.

Chị thở dài não nề, chỉ biết lặp đi lặp lại lời an ủi, nói rằng mình không sao, nói anh đừng khóc nữa. Nhưng anh đến việc kiểm soát cảm xúc của mình cũng không làm được. Nước mắt cứ lã chã rơi xuống đầu gối, làm ướt sũng một mảng vải quần.

Kể từ lần đó, Từ Chương Bân giống như trở thành một kẻ hoàn toàn khác, kiệm lời, ngoan ngoãn và tuân lệnh răm rắp, chẳng khác một cỗ máy được lập trình sẵn là bao.

Cha mẹ anh trái lại thấy rất vui trong lòng, cảm giác như đứa con trai yêu dấu đã quay về với dáng vẻ thuần khiết và dễ uốn nắn như thuở ban đầu. Họ vì thế ngày càng nuông chiều anh, không ngại bỏ công sức và tiền bạc ra để gọt đẽo anh thành một bức tượng điêu khắc hoàn mĩ. Thân tượng sáng bóng, từng đường nét tỉ mỉ và trau chuốt, được dựng trên một cái bục cẩm thạch cao trong phòng trưng bày, đứng dưới ánh đèn vàng ấm áp đầy kiêu hãnh và lộng lẫy. Du khách đi qua đều phải đứng lại ngắm nhìn, gật đầu vỗ tay, không tiếc lời tán thưởng.

Nhưng Từ Chương Bân qua những tháng ngày được đẽo gọt tỉ mẩn kia, cũng dần đánh mất chính mình. Anh chẳng còn nhớ mình muốn gì, hay tồn tại để làm gì, chỉ biết nương theo từng nhát dao và búa của người thợ điêu khắc đập xuống, giẫm đạp lên những tàn dư của ngọn lửa tuổi xuân đang lụi tàn, tiến về trước, bước lên chiếc bục sáng loáng đầy phô trương kia. Cả người đông cứng lại, im lìm, bất động một cách trầm mặc và xinh đẹp, để cha mẹ tự hào khoe ra, để người ta hết lòng thưởng thức và khen ngợi.

Mãi cho đến sau này, bắt gặp ánh mắt khổ sở cùng cực của Hàn Trí Thành khi nhìn những mảnh vụn của giấy báo thi rơi rớt dưới nền gạch, trên thân bức tượng hoàn hảo của anh bỗng xuất hiện một vết nứt. Dấu vết rất nhỏ, nhưng lại rất sâu, xuyên qua thân tượng cứng rắn, vào đến phần lõi, ép nơi đó rỉ ra những dòng máu đỏ tươi.

Từ Chương Bân dường như lại lần nữa được trải nghiệm sự đớn đau của con người.

Đứa nhỏ ấy có đôi mắt rất giống anh và chị anh, thậm chí còn tối tăm và tuyệt vọng hơn rất nhiều. Nhìn thấy đôi mắt đó, Từ Chương Bân không khỏi cảm thấy trong lòng khơi dậy một sự đồng cảm sâu sắc, như thể con mồi đang khốn đốn thì gặp được đồng loại của mình trong một cuộc đi săn, cứ muốn theo bản năng bám lấy, vừa tìm kiếm vùng an toàn cho mình, vừa khao khát được bảo vệ đối phương, không nỡ làm ngơ.

Tất cả bọn họ đều giống nhau, đều có một vùng biển âm u rộng lớn cần phải vượt qua. Có điều, chị anh đã lựa chọn quay trở lại bờ, ra khỏi mặt nước và thả mình xuống triền cát mịn. Từ Chương Bân đã để mặc bản thân mình chìm sâu. Còn đứa nhỏ này, em vẫn cứ miệt mài bơi, bơi mãi trong sự ruồng rẫy và bất công của gia đình, bơi đến lúc da thịt nhăn nhúm, hơi thở lụi tàn, vẫn chẳng hề có dấu hiệu dừng lại.

Em vẫn đang rất cố gắng để duy trì sự tồn tại vỡ vụn của mình ở nhân gian, dù nó bé nhỏ như một hạt bụi mịn trong không khí.

Mình phải cứu đứa nhỏ này, bằng cách nào đó, anh nghĩ.

Giống như khi nhìn vào gương phòng tắm, trông thấy một bản ngã yếu ớt và non trẻ hơn của mình.

Từ Chương Bân cũng khát khao một lần được cứu lấy chính anh.

Lúc đó, trong lòng Chương Bân như có một núi than hồng nóng rực, bứt rứt và bỏng rát đến nỗi khiến anh đứng ngồi không yên. Khoảnh khắc em quay lưng đi, anh phải dùng mọi nỗ lực để kìm lại bản thân, không bỏ dở toàn bộ trách nhiệm của mình mà đuổi theo em.

Đứa nhỏ ấy khốn đốn đến vậy, nhưng nó vẫn đang không ngừng nỗ lực. Anh lấy cái cớ gì mà than thở, mà buông xuôi?

Vậy là Từ Chương Bân bất ngờ tỉnh lại dưới đáy biển, vươn mình rẽ nước ngoi lên. Biển vẫn động dữ dội, bầu trời phủ trên đỉnh đầu một màu đen kịt. Từng cơn sóng ập đến dồn dập, xô đẩy thân thể rệu rã của anh.

Phía trước đã chẳng còn chiếc tàu đồ sộ và lộng lẫy của cha mẹ, chỉ có một cái bè nhỏ xíu, gập ghềnh nhấp nhô trên đầu con sóng, trên thân bè có một cây cột gỗ khẳng khiu, buộc lên ấy một tấm vải nhàu nát. Buồm vải bị gió giật tung, thấp thoáng trong làn sương mù dày đặc. Ánh mắt Từ Chương Bân chẳng rời nổi khỏi nó, tay chân cứ như vậy vô thức bơi đuổi theo.

Suốt một buổi sáng, anh không tài nào quăng được ấn tượng về đôi mắt của em ra sau đầu. Cơ thể gầy gò bơi trong bộ đồng phục thùng thình, cách em lo âu đan những ngón tay vào nhau, nỗi sợ hãi chen vào giọng nói em, khiến âm thanh phát ra luôn có chút run rẩy rất khó nhận biết ở đuôi, mọi thứ cứ lởn vởn trong tâm trí Từ Chương Bân, chẳng buông tha cho anh một phút giây nào.

Đến tận lúc ra về, bánh xe đạp đã cán qua khỏi cái gờ sắt nhô lên ở cổng kéo, miệng anh lại vô thức lẩm bẩm cái tên Hàn Trí Thành như một nỗi ám ảnh khó phai.

Từ Chương Bân chẳng biết nghĩ gì, cọc cạch đạp xe theo lối cũ quay lại ngôi nhà gác lửng ở cuối con hẻm ấy.

Giữa trưa, trời nắng gắt như đổ lửa. Từ Chương Bân dừng xe cách cổng nhà một đoạn nhỏ, trên trán và lưng áo đã đầm đìa mồ hôi. Hàn Trí Thành ngồi xổm trước cổng sắt rỉ nát của nhà mình, đầu gục giữa hai gối, cặp sách để trên đất dựa vào chân em. Cái nắng bỏng rát dội xuống đầu đứa nhỏ làm những sợi tóc ngắn đen óng của em dường như phát sáng rực rỡ, từng lớp tóc dày đổ xuống trước trán, nhìn còn thấy thoáng qua một tầng mồ hôi ướt đẫm trên đó, cảm giác sắp bốc khói đến nơi.

Chương Bân nhìn thằng nhóc, thở dài một hơi. Quả nhiên là không có chìa khoá vào nhà.

— Em ngồi ở đó từ sáng đến bây giờ à?

Hàn Trí Thành ngẩng đầu nhìn về nơi phát ra giọng nói. Gương mặt em bị nắng gắt hun đến phờ phạc. Đôi mắt mỏi mệt nheo lại trước ánh sáng chói chang, có chút bối rối. Dường như em nhận ra anh là người ban sáng giúp mình.

Em cứ nhìn anh mãi, chẳng nói gì, cũng không buồn hỏi vì sao anh quay trở lại đây.

— Cha mẹ không đưa chìa khoá nhà cho em sao?

Ồ tất nhiên rồi. Từ Chương Bân cũng ý thức được mình mới hỏi thừa thãi. Loại người bất nhân như vậy sao có thể biết nghĩ cho con mình?

Đứa trẻ lắc đầu.

Chương Bân dựng tạm xe đạp vào vách tường một ngôi nhà nào đó, chậm rãi bước đến trước mặt em.

— Không vào nhà được thì liền ngồi lì ở đây? Em bị ngốc à? Trời nắng hừng hực như này không sợ xỉu vật ra đấy hay sao?

Hàn Trí Thành nghĩ nghĩ một lát, chân lén lút di chuyển, dịch người sát hơn vào bóng râm sau lưng được tạo ra bởi một nhánh cây nhà bên cạnh chĩa sang, nhưng cái bóng râm bé tí tẹo, chẳng che được bao nhiêu. Mắt em ngước lên nhìn anh một cái rồi lại cúi đầu, liếc sang ngang, như muốn nói anh đừng quan tâm chuyện người khác nữa.

Từ Chương Bân khoanh tay trước ngực, thầm nghĩ cái nét của thằng nhỏ này thật ra trông cũng thuộc kiểu bướng ngầm.

Anh ngồi xổm xuống, ngang tầm mắt em.

— Đừng ngồi ở đây nữa. Ra quán cà phê hay siêu thị tiện lợi mà ngồi, ít nhất cũng tránh được nắng, kiếm cái gì đó mà bỏ bụng.

Hàn Trí Thành lại lắc đầu, đôi mắt cứ đảo qua đảo lại mọi hướng, chỉ trừ có mỗi gương mặt Từ Chương Bân là không dám nhìn. Đây là đang ngại người lạ sao?

— Sao vậy?

— Em không có tiền.

Chương Bân nhướng mày. — Tiền tiêu vặt thì sao? Không có một đồng nào à?

Em lại lắc đầu, gương mặt ánh lên nét xấu hổ, ngoảnh đi chỗ khác.

— Cha mẹ không cho em tiền sao?

— Cha có thể cho em mượn tiền, nhưng sau đó phải trả lại.

Từ Chương Bân nghe xong sốc đến lặng người.

— Trả thế nào chứ?

— Đi làm thêm.

Anh nghe câu trả lời cùng nét mặt ra vẻ rất hiển nhiên của đứa nhỏ, bắt đầu nghi ngờ về thế giới quan và đạo đức của nhân loại. Trên đời này còn có loại cha mẹ cho đứa con mới học cấp hai của mình mượn tiền rồi sau đó đòi lại à? Sống như thế mà cũng ngủ ngon mỗi đêm được hay sao?

Nhưng cái làm anh tức điên lên là cách Hàn Trí Thành nhìn nhận vấn đề xảy ra xung quanh em. Giọng nói đều đều có phần dửng dưng của em báo hiệu cho anh biết rằng thằng nhóc này còn chẳng ý thức được mình đang bị đối xử tệ bạc thế nào. Giống như em sinh ra trong một môi trường thối nát, từ đó lớn lên, lâu ngày cũng tự mình xem đó là điều bình thường.

Anh bỗng cảm thấy, sự khắt khe và áp lực nặng nề cha mẹ đặt lên người anh so với sự tàn ác của hai con quỷ đã sinh ra Hàn Trí Thành thực sự còn kém quá xa. Khoảng cách quá lớn, không thể đem ra so sánh nổi.

— Em nhỏ tuổi thế này thì làm gì chứ? Còn có chỗ nhận em vào làm à? Sử dụng lao động chưa đủ tuổi là phạm pháp đấy.

Hàn Trí Thành suy nghĩ rất nghiêm túc, mười đầu ngón tay cũng vô thức bấu chặt vào đầu gối, gượng mặt lộ ra một chút lo lắng.

— Em chỉ chạy việc lặt vặt cho người ta thôi, sau đó được trả công. Không đến mức bị bắt chứ?

Từ Chương Bân bật cười, vươn tay túm lấy cổ tay Hàn Trí Thành, muốn em đứng dậy. Cổ tay của em chạm vào còn gầy gò hơn lúc nhìn bằng mắt. Anh nắm gọn nó trong lòng bàn tay, ngực trái dâng lên cảm giác xót xa khó tả.

— Trưa rồi, hôm nay cha mẹ anh cũng không có nhà, đi kiếm gì đó ăn với anh đi.

Hàn Trí Thành cố chấp muốn giật tay lại. — Em không có tiền mà!

— Anh trả cho. Anh có tiền.

Em ghì hết sức, cẳng tay ốm yếu lơ lửng giữa không trung, bị hai lực giằng co run run đứng yên tại chỗ. Thằng nhóc trước mắt anh đến nửa mi-li-mét cũng không chịu nhúc nhích. — Nhưng em không có tiền trả lại cho anh đâu!

Từ Chương Bân đến nước này cũng cạn lời. Nắng gắt chiếu trên đỉnh đầu đang chậm chạp biến anh thành một con cá khô. Anh gắt. — Chút tiền tiêu vặt này anh đòi em làm gì chứ? Anh cũng đâu phải là cha em.

Chính bản thân anh cũng không ý thức được, lời nói kia thốt ra nghe chua chát biết nhường nào.

Từ Chương Bân không muốn đôi co thêm với đứa nhỏ bướng bỉnh này nữa. Anh đã muốn giúp thì chắc chắn phải giúp. Đứng dưới trời oi bức cãi nhau với một đứa kém tuổi không có tác dụng gì cho đời cả.

Vậy là anh dứt khoát dắt xe đạp đến trước mặt thằng nhỏ, đập tay lên yên sau mấy cái, tỏ vẻ đáng tin cậy mà ra hiệu cho em nhanh ngồi lên.

Chiếc bè nhỏ mà Từ Chương Bân đang đuổi theo không trôi nhanh, chỉ dập dìu lửng lơ một chỗ, bị sóng đánh nghiêng nghiêng ngả ngả. Vì thế, anh có rất nhiều thời gian tiếp cận nó, từ từ bơi đến, chậm rãi mà chắc chắn. Đến khi chạm tay được vào rồi, chỉ mong có thể mang nó thả vào một vùng biển êm dịu hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com