boicanhlichsu218
1. Bối cảnh lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
a. Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
- Năm 1858 thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau một thời gian kháng cự yếu ớt đến năm 1884 triều đình nhà Nguyễn đã ký với Pháp điều ước Patơnốt thừa nhận quyền thống trị của đế quốc Pháp trên đất nước ta.
- Dưới ách thống trị của thực dân Pháp xã hội Việt Nam có sự chuyển biến sâu sắc. Tính chất xã hội thay đổi từ một quốc gia phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
- Với truyền thống yêu nước nồng nàn, ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống lại bọn cướp nước và bè lũ bán nước.
Phong trào diễn ra theo hai khuynh hướng cơ bản:
+ Thứ nhất: Theo hệ tư tưởng phong kiến bao gồm phong trào của Trương Cộng Định, Nguyễn Trung Trực ở Nam bộ, phong trào Cần Vương 1885-1895, phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế 1883-1913...
+ Thứ hai: Theo hệ tư tưởng tư sản bao gồm phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh, phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu ...
Nhưng các phong trào đó dù diễn ra dưới ngọn cờ nào đều đi đến kết cục thất bại. Nguyên nhân là do thiếu một đường lối cứu nước đung đắn, thiếu một phương pháp cách mạng khoa học, không nhận thức được thời đại mới.. Phong trào giải phóng dân tộc trở nên hết sức bế tắc. Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đó Người đã ra đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.
b. Bối cảnh thời đại
- Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX CNTB đã chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền. Các nước đế quốc đẩy mạnh việc xâm lược thuộc địa. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với các nước đế quốc trở nên gay gắt.
- Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh. Nhưng tất cả đều thất bại, điều đó đặt ra yêu cầu phải có một con đường đấu tranh mới cho các dân tộc thuộc địa.
- Năm 1917 cách mạng tháng 10 Nga thành công rực rỡ đã mở ra một thời đại mới- thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Cách mạng tháng 10 Nga đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nó lôi cuốn các nước đi theo con đường cách mạng vô sản.
- Tháng 3/1919 tai Mátxcơva quốc tế III ra đời, từ đây phong trào cách mạng thế giới có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của một tổ chức cách mạng la quốc tế cộng sản.
Quốc tế cộng sản có ảnh hưởng rất to lớn phong trào cách mạng thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lý luận, nguồn tài chính, đào tạo cán bộ .v.v. cho các nước thuộc địa. Tạo ra những hạt giống đầu tiên cho cách mạng thuộc địa.
Tóm lại, trong những điều kiện lịch sử như vậy, Hồ Chí Minh đã xuất hiện, Trên hành trình tìm đường cứu nước Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận thức được xu thế phát triển của thời đại mới và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - con đường cứu nước theo cách mạng vô sản. Từ người tìm đường, Hồ Chí Minh trở thành người dẫn đường cho dân tộc. Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với Đảng đưa dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Tiến hành thắng lợi sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đó, Người đã để lại cho dân tộc và nhân loại tài sản tinh thần to lớn là tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Những tiền đề tư tưởng - lý luận
a. Tư tưởng và văn hoá truyền thống Việt Nam
- Dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hoá riêng bền vững và phong phú với những truyền thống tốt đẹp và cao quí. Trong đó nổi bật lên một số truyền thống sau:
+ Chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước.
+ Tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong hoạn nạn khó khăn.
+ Dân tộc Việt Nam có truyền thống lạc quan yêu đời.
+ Dân tộc Việt Nam có truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo và ham học hỏi.
Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, có tinh thần cầu thị, sẵn sàng đón nhận và tiếp biến những giá trị mới của tinh hoa văn hoá nhân loại làm giàu thêm vốn văn hoá của dân tộc mình.
Những truyền thống nêu trên trong đó tiêu biểu nhất là chủ nghĩa yêu nước đã tác động sâu sắc đến Hồ Chí Minh, là cội rễ sâu xa bền chặt nhất để hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
b. Tinh hoa văn hoá nhân loại.
- Tư tưởng và văn hoá phương Đông
+ Nho Giáo
Dấu ấn đầu tiên của văn hoá phương Đông trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nho giáo, Hồ Chí Minh đã tiếp thu mặt tích cực của Nho giáo đó là tinh thần nhân nghĩa đạo tu thân, sự ham học hỏi, đức tính khiêm tốn ôn hoà...
Đồng thời Hồ Chí Minh cũng phê phán lọc bỏ mặt hạn chế của học thuyết này đó là tư tưởng phân biệt đẳng cấp giới tính giáo điều cực đoan...
+ Phật Giáo
Phật giáo cũng có ảnh hưởng lớn đến Hồ Chí Minh, Người đã tiếp thu những yếu tố hợp lý của Phật giáo đó là tinh thần từ bi, bác ái cứu khổ, cứu nạn, thương người như thể thương thân đề cao lao động, nếp sống giản dị, thanh bạch, tinh thần bình đẳng, dân chủ, chất phác... và Người cũng phê phán mặt duy tâm của Phật giáo.
+ Ngoài ra Hồ Chí Minh còn tiếp thu tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng phương Đông khác như Lão Tử, Mặc Tử, Quản Trọng... và đặc biệt là tư tưởng “Tam dân” của Tôn Trung Sơn.
Tóm lại: Là một nhà Mácxít chân chính, Hồ Chí Minh đã khai thác được những yếu tố tích cực của tư tưởng và văn hoá phương Đông để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.
- Tư tưởng và văn hoá phương Tây.
Hồ Chí Minh sớm nghiên cứu và chịu ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa phương Tây.
+ Những nguồn tư tưởng và văn hóa phương Tây đầu tiên ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh là tư tưởng tự do - bình đẳng - bác ái của cách mạng Pháp.
+ Trên bước đường cứu nước, qua các trung tâm văn minh ở châu Âu, Hồ Chí Minh còn tiếp thu nhiều tư tưởng, văn hoá phương Tây khác cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của mình như tư tưởng dân chủ, phong cách dân chủ, cách làm việc dân chủ, tinh thần dám nghĩ, dám làm. tư tưởng dân chủ, nhân quyền của cách mạng Mỹ....
Như vậy, tư tưởng và văn hoá nhân loại là nguồn gốc quan trọng góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
c. Chủ nghĩa Mác - Lênin
Chủ nghĩa Mác- Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Nguồn tư tưởng, lý luận quyết định bước phát triển về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Chỉ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh mới tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc - con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản. Cũng từ đó trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã từng bước xây dựng nên hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của mình về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam để tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Nhờ đứng trên lập trường, quan điểm, thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã giúp Hồ Chí Minh hấp thụ được những nhân tố tiến bộ và tích cực của truyền thống văn hoá dân tộc cũng như tư tưởng và văn hoá nhân loại, phân tích và tổng kết thực tiễn một cách khoa học, đúng đắn từ đó góp phần xây dựng nên hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận Mác- Lê nin một cách có chọn lọc, không rập khuôn máy móc, không sao chép giáo điều. Người tiếp thu lý luận Mác- Lê nin theo phương pháp Macxit, nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất. Người vận dụng lập trường, quan điểm, phương pháp biện chứng của chủ nghĩa Mác- Lê nin để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, chứ không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp nhất quyết định sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com