Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

gió đồng hanh...

*Tất cả sự kiện được đề cập trong oneshot này đều là sản phẩm thuộc trí tưởng tượng của tác giả. Nhân vật không thuộc về mình, nhưng số phận của họ trong fic đều do mình định đoạt.
______________________________________

_ Ông Định ! Ông Định ! Ông ra mà coi thằng Quốc cháu ông nó tha thẩn ra tới đằng đâu rồi kìa !

Sáu Định đang đào mương dở tay thì nghe Ba Trân từ đầu xóm vừa hớt hải chạy vô kiếm mình vừa gọi lớn, mặt lão vì phải gân cổ nãy giờ mà cũng bắt đầu đỏ gay.

_ Thì ông cứ từ từ, nó đi đâu thì thây kệ nó, lát đúng giờ ăn cơm là tự khắc nó về. Cái thằng coi vậy chứ cũng giờ giấc rõ ràng lắm à nghen !

Sáu Định tếu táo cười, quệt cái bàn tay nhem nhuốc bùn đất lên trán, định bụng lau bớt mồ hôi. Ông lúc nào cũng vậy, ai vội ai vàng gì chứ ông thong thả lắm, còn dư sức kể cho mỗi người ghé ngang nhà nghe một câu chuyện tiếu lâm.
Chà, tháng bảy năm nay nóng ác liệt, đến cả bản thân ông, đã sớm quen với cái tiết trời oi ả này còn thấy choáng váng. Cứ cái đà này, vụ mùa sắp tới chắc có lẽ chẳng đâu vào đâu.

_ Kệ kệ cái con khỉ mốc ! Nãy tôi trên đường đi chợ về, ngang qua chỗ mộ của Ba Kì với Tư Hanh, thấy nó đang lang thang ở đó đó ! Ông liệu mà ra đó xách cổ nó về, không thôi tối về nó nằm ra đó sốt cao thì lại mệt !

Ba Trân nóng nảy quát, nghe đến tên Ba Kì và Tư Hanh, ông Sáu Định như tỉnh người ra, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Ông gấp đến độ vứt cả cái cuốc đang cầm xuống đất, để chân trần chạy một mạch ra khu đất gần mé sông tìm Quốc, để lại Ba Trân đứng đó uể oải lắc lắc đầu.

_ Cái thằng thiệt tình...

______________________________________

Lúc Sáu Định chạy đến mé sông, thằng Quốc đang ngô nghê ngồi chồm hổm trước hai bia đá hoa cương, lẩm nhẩm đọc hai cái tên được đề trên đó.

"Mẫn Doãn Kì."
...

"Mẫn Thái Hanh."

Sáu Định luống cuống hết cả tay chân, ông chạy tới chộp lấy vai của Quốc, kéo ngược lên bảo nó mau đứng dậy.

_ Trời đất quỷ thần ơi, thằng trời đánh ! Có biết đây là đâu không mà mày dám tới ? Đi, đi về liền !

Vẫn còn đang phì phò thở không ra hơi, ông rầy thằng Quốc. Cái mặt thằng nhỏ nghệt ra giống như không hiểu chuyện gì mà khiến ông ngoại mình tức giận đến thế. Thấy Sáu Định nổi nóng, nó cũng không dám hỏi han gì, chỉ im thin thít, lặng lẽ theo ông về nhà.
Về đến nhà, ông Sáu Định không yên tâm, còn chạy tuốt ra phía nhà sau dặn dò vợ ngày hôm sau phải ngay lập tức đi mua gà, làm một mâm cơm thịnh soạn mang ra mộ phần của hai anh em nhà họ Mẫn cúng để mà tạ lỗi. Bà Sáu Định nghe xong cũng xám cả hồn, lật đật chuẩn bị trước vài thứ đồ. Còn mỗi thằng Quốc bơ vơ trước nhà trong sự hoang mang cực độ, nhác thấy ông Bảy Thạc cạnh nhà đang tỉa tót lại mấy cành tắc kiểng ngoài vườn, Quốc lân la đến hỏi chuyện.

_ Ông bảy, ông bảy có biết Mẫn Doãn Kì với Mẫn Thái Hanh là ai không ? Sao hôm nay con chỉ đi lạc ra khu mộ hai người đó có chút xíu mà ông ngoại con nóng ruột chạy lên chạy xuống nhà nãy giờ ?

Bảy Thạc nghe tới tên của hai anh em họ Mẫn, động tác trên tay liền dừng lại. Khác với Ba Trân hay Sáu Định, ông chỉ cười buồn.

_ Mày ở thành phố xuống, không biết là phải. Ở đây không chỉ ông ngoại mày, ai nghe đến tên hai người đó đều phải kiêng dè chín mười phần. Có khi còn không dám gọi thẳng tên họ ra. Mày ăn gan hùm mật gấu mới dám đi rêu rao tỉnh rụi như vầy !

Nghe Bảy Thạc giải thích, Quốc càng tò mò tợn, nó nhì nhằng mãi, lúc này Bảy Thạc mới chịu thua. Lão đặt cây kéo làm vườn xuống, đưa tay ra hiệu cho thằng Quốc theo mình ra băng ghế đá. Ngước mắt nhìn lên trời, Bảy Thạc bắt đầu chìm vào hồi tưởng về những ngày thăng trầm đã qua...

______________________________________

Việt Nam, 15/07/1935.

Nhà hội đồng Mẫn vừa chào đón thành viên thứ bảy. Đứa bé vừa ra đời là con trai, cũng là cậu ấm thứ tư trong nhà. Vì đứa trẻ ra đời vào thời điểm hanh khô nhất trong năm, ông hội đồng và bà hai quyết định đặt tên em là Mẫn Thái Hanh. Thái Hanh vừa chào đời gương mặt đã kháu khỉnh, lanh lẹ nên ai cũng suýt xoa tán thưởng, chỉ muốn cưng nựng em cả ngày. Nhắc mới để ý kĩ một lượt, bốn người con trai nhà hội đồng Mẫn đều là những đứa trẻ rất có triển vọng. Anh cả Mẫn Trung Vệ, chữ "Vệ" lấy trong "Vệ Quốc Quân", "Trung" trong "Kiên Trung Bất Khuất". Thế nên từ khi lọt lòng mẹ đã mang phong thái nghiêm nghị như một vị đại tướng quân. Anh hai Mẫn Minh Triết thì khôi ngô, sáng sủa, bà mụ lúc đỡ đẻ đã phán sau này chắc chắn sẽ trở thành một nhà trí thức lừng danh, tiền đồ xán lạn. Anh ba Mẫn Doãn Kì trắng trẻo, ưu nhã nhưng có đôi mắt buồn, tuy không trội về sắc vóc hay trí tuệ như hai người anh, Mẫn Doãn Kì sở hữu sự nhạy bén trời ban. Chữ "Kì" trong tên anh được lấy từ "Quốc Kì", lá cờ tổ quốc hiên ngang, phấp phới tung bay giữa nền trời cao vợi, xanh thẳm.
Tạm gác lại về hai người anh cả và anh hai vì hai vị này đều là con của ông hội đồng với bà cả, thế nên không thực sự gắn bó mật thiết với hai anh em Kì Hanh. Cùng cha cùng mẹ, mối quan hệ huyết thống thiết lập giữa Mẫn Doãn Kì và Mẫn Thái Hanh một kết nối đặc biệt mạnh mẽ, đến mức trong những năm tháng sau này, điều đó trở thành khởi đầu cho một chuỗi bi kịch kéo dài suốt mấy mươi năm.
Từ những ngày thơ bé, Mẫn Doãn Kì đã là người duy nhất Thái Hanh tin tưởng. Em tuy ngoan ngoãn, hiền lành nhưng lại quá thận trọng, ngay cả mẹ em là bà hai cũng không hiểu rõ được tâm tư của con trai. Ông hội đồng Mẫn thì hiền từ, đức độ thế nhưng lại quá bận bịu, không có thời gian theo sát con trong quá trình trưởng thành. Thái Hanh không tụ tập bè bạn như những đứa trẻ trong vùng, buổi chiều khi chúng nó rủ nhau đi hái hoa, thả diều hay vào rừng bắn chim, Hanh chỉ lầm lì ngồi ngắm mây ở một góc nhỏ bên hiên nhà. Điều này khiến ông hội đồng và bà hai lo lắm. Hồi Thái Hanh chưa tròn một tuổi, em đã líu lo như một chú sẻ nhỏ, Thái Hanh biết nói nhanh hơn biết đi, khi chập chững những bước chân đầu tiên thì cu cậu đã nói làu làu như trẻ lên ba. Chẳng rõ vì lí do gì, càng lớn, Thái Hanh càng ít nói, ở cái tuổi nhỏ như vậy, em không còn sót lại chút xốc nổi và vô tư.
Người duy nhất Thái Hanh chịu trò chuyện cùng chính là Ba Kì. Mỗi ngày khi từ trường học về, Thái Hanh sẽ chạy đi kiếm anh ba đầu tiên. Có hôm em sẽ khoe cho Ba Kì xem hòn đá cuội có hình thù kì lạ em nhặt được ven đường, có khi lại bi bô đọc cho anh nghe một bài thơ ở lớp em vừa học được. Bên cạnh Ba Kì, Thái Hanh như tìm lại khía cạnh thơ trẻ đã đánh mất của chính mình, em vui vẻ hơn, an yên hơn, cũng không còn hay chau mày ra vẻ đăm chiêu như thường lệ. Ba Kì nuông chiều, dịu dàng và nhẫn nại vô hạn với cậu em trai nhỏ, ngay cả khi bình thường là một người kiệm lời, khó gần với cả người trong nhà lẫn người ngoài. Đối với Doãn Kì, em trai nhỏ chính là một ngoại lệ, giữa trần gian đầy u hoài và dối gian, trong mắt anh, Thái Hanh hiện lên như một tia sáng nhỏ nhoi, yếu ớt. Và Doãn Kì không muốn em giống như ngọn nến leo lét gắng gượng khi cơn gió mùa về, sẽ có ngày phải tắt ngóm đi.
Vì lẽ đó, người khác vẫn hay nói đùa rằng cả hai nắm giữ một nửa linh hồn của người còn lại, chỉ khi nào bên cạnh nhau, họ mới trở thành phiên bản toàn vẹn nhất. Không chỉ là anh em máu mủ ruột rà, họ còn là bạn tâm giao, là tri âm, tri kỷ.

Năm 1945, chiến tranh Đông Dương bắt đầu rục rịch. Không lâu sau đó, đến năm 1946, thực dân Pháp bắt đầu đưa quân vào các tỉnh thành Việt Nam, khởi điểm là miền Nam dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Georges.
Lúc này, các điền chủ và người có chức quyền trong vùng được yêu cầu phải vâng phục và hỗ trợ cho chúng suốt thời gian chúng đóng quân tại đây. Hội đồng Mẫn - cha của Doãn Kì và Thái Hanh là một trong số ít những người quyết giữ lại sản nghiệp để phân phát cho người dân nghèo, quyết không để mất dù chỉ một tấc đất vào tay quân giặc. Đối với chúng, đây không gì khác ngoài hành động chống đối, vậy nên cả gia đình hội đồng Mẫn trong mắt Georges và tay sai chính là cái gai cần phải nhổ bỏ. Chúng ôm trong mình nỗi lo sợ rằng rồi sẽ đến một ngày, ông hội đồng Mẫn dẫn đầu dân trong vùng khởi nghĩa, đấu tranh đòi quyền lợi. Để diệt gọn "hòn đá cản đường" này đi, một đêm trời vắng những ánh sao, Georges sai người âm thầm phóng hỏa, giết chết ông hội đồng Mẫn, hai người vợ và toàn bộ mười gia nhân cùng đầu bếp, quản gia trong nhà. May mắn thay, cả bốn anh em nhà họ Mẫn đều được những người bên trong nỗ lực giúp thoát ra ngoài trước khi cả dinh thự cháy rụi, tuy vậy, cả bốn cũng lưu lạc đến những vùng đất khác nhau. Cả Vệ và Hai Triết đưa nhau ra miền Bắc nhờ vào số tiền được bà cả dúi vào tay trước lúc lâm chung. Cả hai anh em ở nhờ nhà một người bà con bên mẹ, một người tiếp tục đi học, người còn lại xin vào các hội nhóm hoạt động cách mạng. Cũng trong đêm oan nghiệt đó, Ba Kì bất chấp bả vai bị bỏng nặng, cố hết sức dìu em trai là Tư Hanh ra được đến hàng nước dưới gốc cây đa đầu làng thì cũng mê man. Vết thương khá sâu, hành anh sốt hầm hập suốt hai hôm liền, cô Tư hàng nước phải chạy miết lên tận xóm trên, tìm ông Lang Nhơn đến xem xét vết thương thì mới hạ sốt. Tuy vậy, da thịt vốn dĩ trắng mềm của đứa trẻ mười ba tuổi cũng không còn cách nào hồi phục được nữa. Cả đời Ba Kì phải mang trên mình vết sẹo dữ tợn ôm trọn lấy cả vai trái, nhắc nhở em về cái đêm cả gia đình em từ đỉnh cao của sự quyền thế, bị người ta hại cho thảm hại đến cả mạng sống cũng không giữ nổi. Người dân thương hai anh em bơ vơ trên cõi đời ở cái tuổi còn trẻ dại một thì lòng càng căm phẫn bọn thực dân tâm địa tàn độc như rắn rết gấp mười.
Nhờ sự giúp đỡ và lòng thương của các cô bác, Ba Kì và Tư Hanh dựng được một căn chòi lá đủ để che nắng che mưa, ngày ngày đi mò cua, bắt ếch, ngụp lặn tìm ít cá tôm, mang ra chợ đổi lấy gạo, sống cho qua ngày qua tháng. Cũng an ủi một phần là chòm xóm đều thương hai anh em côi cút, vậy nên thi thoảng hay mang ít trái cây nhà trồng được, mớ rau muống hay mấy con khô cá lóc sang cho.
Mùa mưa tới, nhà dột đến mức bàn ghế rồi cả cái vạt giường gỗ trong nhà cũng ẩm thấp, bị mối mọt ăn. Hai anh em tìm mấy tấm bạt để che chắn tạm bàn thờ của cha mẹ, còn mình thì co ro ôm lấy nhau chờ mưa dứt. Ba Kì vốn dĩ thương em, có mấy hôm, anh phải thức cả đêm để cầm tấm bạt che cho em trai ngủ. Mưa lâm râm thì mừng, chứ mưa to, trong nhà bắt đầu ngập nước, bất tiện đến mức hai anh em lắm lúc chỉ dám tủi thân kêu trời.
Năm mười sáu tuổi, Ba Kì phải rời nhà đến vùng cao làm lính điều khiển pháo cao xạ, liên lạc duy nhất giữa hai anh em chỉ là những dòng thư tay thi thoảng được Ba Kì viết lúc rỗi rãi ở chiến khu. Nội dung hầu hết là báo với Tư Hanh rằng mình vẫn ổn, dặn dò em trai giữ sức khỏe rồi thủ thỉ rằng mình nhớ em. Vốn là người hay chữ, Ba Kì lúc nào cũng thành công khiến Tư Hanh rơi lệ. Trong một lần gửi thư về, anh có viết :

"Em của anh, đứa trẻ quý giá của anh. Thư này tới tay em, anh mong là vào một ngày lành. Những dòng này sẽ thay anh ôm xiết, ủi an và bảo hộ, nguyện cầu cho cả đời của em chỉ yên bình, phẳng lặng và an vui."

Từng nét chữ nắn nót gói gọn bao thương nhớ, cậy trông, những phong thư từ chiến khu từng là tất cả động lực để Tư Hanh gắng gượng bước tiếp.
Năm Mẫn Thái Hanh tròn mười lăm tuổi, em cũng nối gót anh trai hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, Hanh không công tác ở đâu xa mà chỉ cùng đồng đội tham gia làm trinh sát mở đường ngay vùng lân cận. Vốn là đứa trẻ tháo vát, lễ phép và thạo việc, Hanh đi đến đâu cũng được mọi người quý mến. Công việc mở đường vốn dĩ vất vả, giữa trời nắng chang chang, băng qua rừng thiêng nước độc, muỗi rừng cắn như cơm bữa còn tay chân bị lau rừng cứa phồng rộp cả lên. Đoàn quân vẫn không nề hà tiến bước, chuyển đá, vá đường, dọn sẵn lối cho những đoàn xe đến đưa viện trợ, chở vũ khí giúp ích cho việc chiến đấu. Đất đá lỗ chỗ vì bị bom đạn phá, bị xe thiết giáp bào mòn, một tay Hanh và đồng đội đắp đường không ngơi nghỉ, chẳng quản ngày hay đêm. Những lần thấy đồng đội hi sinh trước mắt để lại trong lòng thiếu niên một nỗi ám ảnh to lớn, thế nhưng lại trở thành lí do để em nỗ lực hơn nữa để hoàn thành công việc. Những đêm phải mắc võng nằm giữa rừng, em hay mơ về một Việt Nam không còn lửa đạn, mơ về vòng tay ấm nồng của anh trai, và nhờ những viễn cảnh lớn lao ấy, em an lòng mà công tác bất kể nắng mưa.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, trong một lần đang làm nhiệm vụ, Hanh và đồng đội bị người cầm quyền khu vực miền Nam lúc này là chuẩn tướng Charles bắt gặp. Trong vòng ba ngày, tiểu đội từ bị chúng tra tấn dã man, lấy kềm rút hết móng tay, dùng đá đập nát bươm cả bàn chân đến nài nỉ, thuyết phục, các chiến sĩ trinh sát vẫn can trường không chịu hé răng lấy nửa lời. Trước khi bị chúng xử bắn, Hanh đứng giữa thao trường, em mặc trên mình bộ quần áo tù binh, thế nhưng dáng vẻ vẫn hiên ngang, bất khuất. Em nói dõng dạc với lính Pháp trước sự chứng kiến của những người dân trong vùng và đồng đội :

_ Tao mở lối, đắp đường cho dân tao đi, cho xe thiết giáp tao bon bon chạy, đuổi cổ quân hèn hạ chúng mày chạy trối chết khỏi đất của ông cha chúng tao !

Năm Hanh lìa đời, em vừa tròn mười sáu tuổi.
Người dân trong vùng thương cho thiếu niên bạc phận, đưa xác em về quê nhà, an táng trong một nắm mộ cạnh bờ sông.
Đêm Hanh bị xử bắn, Ba Kì ở chiến khu không hiểu vì lí do gì mà chộn rộn không yên. Vài ngày sau, khi nhận được tin dữ, đồng đội thuật lại, Ba Kì không ăn uống gì, chỉ miệt mài viết hồi kí. Sau này, khi lật giở lại những trang hồi kí đã ố vàng giấu trong balo hành quân của người chiến sĩ, người ta thấy vài dòng được anh để lại bằng nét chữ xiêu vẹo :

"Trong giấc mơ, tôi thấy em băng qua cánh đồng.
Nào đạn dược và súng, chẳng chạm được em đâu.
Rồi chầm chậm giữa không trung, em xoè rộng đôi cánh trắng.
Bỏ lại ngọn gió, chiến tuyến, dòng sông, thây đồng đội la liệt như rơm rạ.
Và em khuất dạng, đến tầng trời tôi chẳng thấy bao giờ.
Ở đó, em sẽ phù hộ cho quê hương này, sẽ phù hộ cho tôi."

Thái Hanh mất được năm ngày, anh xin phép chỉ huy cho về quê nhà lo ma chay cho em trai. Tang sự xong xuôi, Ba Kì thắp hương xin lỗi cha mẹ vì đã không làm tròn chức phận, từ biệt làng xóm và hai người anh từ miền Bắc trở về là Cả Vệ và Hai Triết, Kì cầm lấy một cái rựa sắc lẻm, kiên quyết muốn đi tìm Charles trả thù cho em trai.
Tiếc là sức người có hạn, chỉ kịp chém chết được hai tên tay sai và làm một tên khác trọng thương, Ba Kì đã bỏ mạng dưới họng súng kẻ thù ở tuổi mười tám.
Dân trong vùng nén đau thương, đưa anh đi chôn cất sát bên mộ người em trai quá cố.
Tuy Kì đã chết, Charles vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ vì bị mắng chửi, đe dọa giữa thanh thiên bạch nhật. Gã và vài tên lính lác lên kế hoạch sáng sớm mai sẽ quật mộ của Ba Kì, đem xác treo lên ở cổng làng hòng răn đe những kẻ có ý định chống đối thì sẽ có kết cục tương tự. Thế nhưng đêm đó, một việc không ai ngờ đến đã xảy ra...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com