Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 7. Buổi tối nhàm chán của người già [19-21]

#19


Thằng Ngỗng ăn trứng rán nom rõ ngon miệng, chẳng có vẻ gì là giả bộ cả. Chị Duyên còn chưa kịp chửi con trai làm lố thì thằng Xuân đã tống luôn một miếng trứng rán vào mồm chị. Ôi thôi! Chắc ban nãy, chị lỡ tay đổ nhiều muối rồi. Chẳng biết hoa mắt kiểu gì mà lại nhìn trứng sống thành trứng chín? Eo ơi! Tởm quá đi mất! Sao thằng Ngỗng vẫn hốc được nhỉ? Chứng tỏ nó ăn uống chả có gu gì cả, người đâu mà dễ dãi thế? Chẳng bù cho chồng chị, có hôm chị nấu nồi canh hơi nhạt, rót thêm tí nước mắm vào là chữa được, thế nhưng anh nhất quyết không cho chị cơ hội sửa đổi.

- Duyên đem nồi canh này cho chó ăn giúp anh với!

Anh đề nghị. Chị tủi thân bảo:

- Thôi, em ăn được mà.

- Công nhận, sợ mấy con chó cũng không nuốt nổi đồ em nấu.

Chị lặng lẽ ăn cơm với canh, nước mắt đua nhau rơi xuống chiếc bát sứ. Anh bật cười mỉa mai:

- Giời ạ! Đàn bà các người là cái bể chứa nước hả? Động tí là khóc! May cho em lấy được thằng chồng hiền và ba đứa con chồng cũng tốt tính đấy, chứ em mà đem nồi canh nhạt thếch này mời khách thì chắc nó đấm em tòe mỏ.

Ai ngờ, trong tương lai lại có một vị khách không hề chê đồ ăn chị nấu, mặc dù nó dở tệ. Muối hết cả mặt, chị hổ thẹn phân trần:

- Không phải món nào dì nấu cũng tệ đâu.

Thằng Xuân đồng tình:

- Đúng rồi, dì nấu ăn thì... hên xui ý mà!

Đoạn, nó bảo thằng Ngỗng:

- Dì tao mọi khi to mồm lắm, bữa nay tự dưng ỏn ẻn, chứng tỏ hổ thẹn không cãi được rồi. Món trứng rán này tệ thật đấy. Mày ăn thấy sao thì cứ nói vậy, không phải làm khách đâu.

Thằng Ngỗng quả quyết:

- Tao ăn thấy rất ngon!

- Bố khỉ! Có khi lại giống trong phim rồi cũng nên. Lần đầu được trải nghiệm bữa cơm bình dân, Ngỗng tổng tài phấn khởi đến mức mất luôn cả vị giác.

- Mày khùng hả? Tổng tài cái gì? Xuất phát điểm của tao giống mày mà, nhà tao cũng bình thường thôi.

- Thôi. Tao lạy mày. Khỏi khiêm tốn. Xuất phát điểm giống nhau nhưng cái đầu mày đỉnh hơn cái đầu tao nên mày đã bỏ xa tao rồi. Từ lúc biết mày đem về cho mẹ cả đống tiền, tao sốt hết cả ruột.

Chị Duyên khuyên nhủ con trai:

- Mỗi người một tốc độ, anh cứ thong thả mà phấn đấu. Đừng chạy quá sức, kẻo đến lúc kiệt quệ thì còn chẳng bò nổi cơ.

- Người già như dì mới thong thả được thôi, người trẻ bọn con á... đứa nào chả tham vọng.

- Tham thiếc gì tính sau. Bây giờ, anh chịu khó tập trung ăn đi cho ngon miệng, xong rồi lên nhà nghỉ ngơi, để bát đấy dì rửa cho.

Thằng Xuân thích chí reo lên:

- Hí hí, dì tâm lý quá ạ! Yêu dì nhất!

Thằng Ngỗng hỏi đểu:

- Yêu dì nhất mà có mấy cái bát cũng không rửa giúp dì à?

- Làm như mày rửa bát cho mẹ mày ý?

- Trước khi tao mua máy rửa bát cho mẹ thì hiển nhiên là tao rửa rồi.

- Ghê ta! Ngỗng tổng tài đang "phờ lết" nhà trên Hà Nội có máy rửa bát đấy!

Chị Duyên ngơ ngác hỏi:

- "Phờ lết" nghĩa là gì thế?

Thằng Xuân huênh hoang đáp:

- Nghĩa là khoe khoang, dì ạ.

- Tiếng Anh à?

- Dạ.

- Thật luôn hả? Cũng là khoe khoang mà sao hôm nọ, anh Tân nói nghe nó khác cơ mà nhỉ? Anh có phát âm chuẩn không vậy?

- Dào ôi! Dì còn phải hỏi hả? Thằng Tân chỉ giỏi lý thuyết thôi, còn về thực tế thì dì phải thỉnh giáo con. Trình độ phát âm của con á, người bản xứ phải gọi là cụ.

Thằng Ngỗng trêu chọc:

- Công nhận, cụ Xuân già rồi, cho dù cụ có nói nhảm thì con cháu cũng phải thông cảm.

Thằng Xuân vênh váo hỏi:

- Con cháu chúng mày tuổi chó gì mà đòi bắt lỗi cụ? Thế nhà ở quê của mày có máy rửa bát để "phờ lết" không?

- Có.

- Vậy lát nữa, tao đem bát sang nhà mày rửa.

- OK mày.

Ăn cơm xong, thằng Ngỗng bê mâm bát về nhà. Thằng Xuân khoác vai nó, nũng nịu hỏi:

- Sao mày cưng chiều tao vậy Ngỗng?

Thằng Ngỗng cau có quát:

- Mày bị dở hơi à? Tao cưng chiều mày hồi nào?

- Cấm cãi. Trong cơn say, tao ném đá làm rách da mặt mày. Trong cơn thèm, tao vặt trộm xoài nhà mày. Mày không khinh rẻ tao thì thôi, lại còn cho tao muối tôm, trứng ngỗng và giúp tao rửa bát. Sao mày có thể bao dung đến vậy hả Ngỗng? Lòng mày bao la như lòng mẹ luôn á!

- Gì đấy? Tao xin mày, Xuân ơi! Nói xàm ít thôi!

Thằng Ngỗng năn nỉ. Thằng Xuân mặt dày trêu chọc:

- Xàm đâu mà xàm? Nói rất nghiêm túc nha! Mẹ Ngỗng ơi! Sao mẹ đẹp dữ vậy? Mặt mẹ còn đau không ạ? Có cần con giúp mẹ xoa dịu vết thương không?

- Mày ngứa đòn à? Tao lại úp cái mâm này vào mặt mày bây giờ!

Chị Duyên thở dài, hai ông tướng hâm này nữa, có vài cái bát cũng phải rửa bằng máy. Nhưng thôi, tụi nó thích làm gì thì làm, chị rửa tay rồi đi về phòng. Con Mẫn nhắn tin thông báo:

"Tối nay, bộ phim Bách Niên Tâm Ý do chú Gia Mạnh đóng chính sẽ lên sóng. Thím nhớ theo dõi để ủng hộ chú Mạnh nha!"

Chị Duyên nhắn tin hỏi dò:

"Con vẫn thích Gia Mạnh à?"

Con Mẫn không nhắn tin trả lời, chỉ gửi icon em cún ngượng ngùng. Bọn trẻ thời nay chất chơi thật, chẳng bù cho thế hệ các chị, chậm chạp, ngu ngơ, có khác gì mấy con gà mờ dùng công nghệ?

"Tối nay, anh có về nhà không?"

Chị Duyên nhắn tin hỏi chồng. Anh Lục sợ vợ lo lắng nên gửi đi một tin nhắn gian dối:

"Anh uống nhiều rượu quá rồi, chắc đêm nay, anh ngủ bên nhà chú Trình."

"Anh nhớ đi ngủ sớm, đừng hát hò nhiều rồi lại bị khản cổ. Với cả, anh dặn chú Trình đừng bật loa to quá, kẻo làm ảnh hưởng đến hàng xóm, nhỡ người ta kiến nghị lên ông trưởng thôn thì chả hay ho gì."

"Anh biết rồi. Cảm ơn Duyên."

Chị Duyên bật tivi lên, hết chương trình thời sự sẽ đến tiết mục quảng cáo rồi người ta mới chiếu phim. Xem phim xong, chị đánh răng, rửa mặt rồi lên giường nằm. Tết năm kia, con Mẫn từng thắc mắc:

- Buổi tối của thím nhàm chán thế mà thím cũng chịu được à?

Chị tươi cười giải thích:

- Thím quen rồi. Người già sức đâu mà chơi?

- Thím đừng bi quan như vậy, thím còn trẻ mà. Con hỏi cái này... có gì không phải... thím bỏ qua cho con nha!

- Ừ. Chị cứ hỏi tự nhiên.

- Năm nào con cũng về nhà thím chơi vài lần, nhưng lần nào... con cũng thấy lạ...

- Lạ gì?

- Con thấy chú thím ngủ riêng đó. Hai người ly thân rồi hả?

Chị Duyên chối bay chối biến:

- Đâu có.

- Không lẽ cứ đến dịp con về quê chơi là chú thím lại cãi nhau à? Trùng hợp vậy sao?

- Cũng không phải luôn.

- Vậy thì chắc là do chú Lục không biết "cày cấy" ạ?

- Hâm à? Không phải đâu. Chị đừng đoán mò, tội nghiệp chú.

- Con thèm vào mà đoán mò. Trước ngày anh Tân cưới chị Tiến, thím Lụa ghé qua nhà con chơi mà. Mẹ con không thèm nói chuyện với thím, tại mẹ vẫn còn giận thím vì cái tội bỏ chồng. Thím xin lỗi mẹ, bảo chị thông cảm cho em... dù sao năm đó, em vẫn còn trẻ, phụ nữ gặp cảnh nắng hạn đợi mưa rào, ai mà chịu nổi?

- Gì vậy? Ba năm trước, chị Lụa từng ra Bắc hả? Sao thím không biết gì thế? Cũng không thấy chị tham dự đám cưới...

- Con cũng thấy lạ. Ngày anh Tân cưới vợ, thím Lụa dậy rõ sớm để bắt xe về quê. Chẳng hiểu sao trong đám cưới, con lại không thấy thím xuất hiện. Hay là thím bị chú Lục đuổi đi nhỉ?

- Có khi thế thật. Chắc chú vẫn để bụng chuyện cũ.

- Thím Lụa còn tiết lộ với mẹ con rằng thím khổ từ ngày mới lấy chồng. Mỗi lần muốn gần gũi chú Lục, thím đều phải chạy sang nhà ông Dược mua thuốc... tháng nào không có thuốc thì thôi xong, chú bỏ rơi thím luôn. Ngày qua ngày, thím nảy sinh cảm giác chán chường, rồi dần dần bị sa ngã.

Sợ con Mẫn đi buôn chuyện linh tinh làm ảnh hưởng đến sĩ diện của chồng, chị Duyên nói khéo:

- Chắc thím Lụa phóng đại lên thế thôi. Chú Lục khỏe mạnh bình thường mà. Chú thím ngủ riêng chẳng qua là vì chú ngáy to quá, thím chịu không nổi.

- Nếu chỉ đơn giản như vậy thì tốt.

Chị Duyên cười trừ, nhưng sau khi nói chuyện với con Mẫn, chị mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Đợi nó về nhà, chị đánh bạo hỏi chồng:

- Anh này... anh có cần... em sang nhà ông Dược... mua thuốc cho anh không?

Anh Lục nổi giận đùng đùng:

- Đàn bà các người hay nhỉ? Không lo làm ăn, suốt ngày chỉ nghĩ đến mấy chuyện đen tối.

Chị Duyên ngượng đỏ mặt, chẳng dám nhắc lại chuyện xấu hổ đó thêm một lần nào nữa. Tuy chị không táo bạo như chị Lụa, nhưng thỉnh thoảng nghe các cô kể chuyện gần gũi chồng, chị cũng thấy tò mò. Khổ nỗi, hoàn cảnh nó vậy rồi, chị chẳng dám đòi hỏi gì cả. Tính chị vô tư nên vẫn ăn được, ngủ được. Nửa đêm, nghe thấy tiếng sấm, chị giật mình tỉnh giấc. Mấy hôm trước, chị dặn chồng thay viên ngói vỡ trên mái nhà mà anh có nhớ đâu. Việc của con thì lúc nào cũng sốt sắng, việc của mình thì toàn quên thôi à. Mưa to quá! Ngày thơ bé, mặc kệ ba mẹ cấm cản, chị hào hứng chơi trò đuổi bắt cùng bọn bạn trong cơn mưa rào, cả người ướt sũng mà vẫn cười khanh khách. Lớn lên rồi, nhà dột, chỉ có mỗi vài giọt nước rơi xuống đầu thôi, cớ sao trong lòng lại thấy chua chát đến thế?


#20


Đang lúc muộn phiền thì điện thoại kêu réo rắt, chị chán chường nghe máy. Có người hoảng hốt thông báo tin dữ:

- Alo! Chị Duyên ơi! Thằng Xuân nhà chị gặp nạn rồi. Nó đang ở trong bệnh viện, tình hình vô cùng nguy cấp. Chị chuyển tiền cho em luôn nha chị, không có tiền là không cứu được nó đâu.

Tuy đã ngửi thấy mùi lừa đảo, nhưng chị Duyên vẫn tiếp chuyện người lạ, chị rảnh quá mà!

- Thằng Xuân bị làm sao hả chú?

- Nó đi chăn ngỗng hộ nhà hàng xóm, ngứa mồm trêu chó xong bị chó đuổi, cắm đầu cắm cổ chạy rồi chẳng may ngã lộn cổ xuống cống, chị ạ.

Chị cố nhịn cười, từ tốn hỏi:

- Người thằng Xuân to như con lợn sề, cái cống nào chứa nổi nó?

- Cái cống ở gần lũy tre làng ý chị, chả hiểu người ta thiết kế kiểu gì mà miệng cống lại to đúng bằng cái đầu thằng Xuân.

- Ơ thế thì chỉ bị đâm đầu xuống cống thôi chứ, làm sao mà ngã vào trong cống được?

- À, vâng, ban nãy rối quá nên em nói nhầm. Đúng là nó chỉ bị đâm đầu xuống cống thôi ạ.

- Có bị kẹt đầu không hả chú?

- Có chị ạ, nhưng người ta kéo cái đầu nó ra rồi.

- Ối dồi ôi! Chị biết ngay mà! Chị đã dặn thằng Xuân bao nhiêu lần rồi, đi đứng phải nhìn trước ngó sau, nhưng nó có thèm nghe đâu. Mắt cứ trợn ngược lên trời, bảo sao không ngã?

- Vâng, thôi sự đã rồi, còn trẻ, còn dại, chị bớt đau thương, thôi oán trách. Chị chuyển tiền cho em nhanh lên nhá! Để em còn bảo bác sĩ làm phẫu thuật cho nó, kẻo lâu la kề cà rồi nó bị mất trí nhớ thì khổ.

- Ừ, bao nhiêu hả chú?

- Chị có bao nhiêu thì chuyển bấy nhiêu. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chuyển ngay và luôn, chị nhá!

Chị Duyên ngửa bài luôn:

- Chuyển cho mày mấy cái tát ý! Không lo làm ăn chân chính đi, lại cứ thích lợi dụng tình thương con của mấy ông bà già để làm chuyện thất đức là sao?

Thằng Xuân cười phá lên, nó không thèm giả giọng người lạ nữa, vui vẻ tuyên bố:

- Chúc mừng bà Duyên đã vượt qua chướng ngại vật. Phần thưởng của bà là một thằng con trai siêu hiếu thảo.

Chị Duyên chạy sang phòng khách càm ràm:

- Rảnh rỗi sinh nông nỗi à? Tự dưng lại giả giọng người lạ để lừa bà già này làm gì?

- Con thử thách dì một tí, để dì cảnh giác hơn trong trường hợp gặp kẻ xấu.

- Dào ôi! Năm vừa rồi, thôn mình có mấy ông bà già bị lừa, bây giờ ai chả cảnh giác mà anh phải lo xa?

- Lo xa nhưng không lo thừa, thưa dì!

- Biết rồi. Anh cầm điện thoại của ai đấy?

- À, con mượn điện thoại của thằng Ngỗng để chơi game, tranh thủ gọi điện trêu dì luôn. Chắc dì chưa lưu số của nó hả?

- Chưa. Anh lưu hộ dì với.

Thằng Xuân lấy điện thoại của chị Duyên, lưu tên thằng Ngỗng trong danh bạ là "Cháu Hải Nam thơm thảo hay ăn chóng lớn". Chị Duyên tò mò hỏi:

- Sao anh lưu được tên trong danh bạ dài thế? Không bị giới hạn ký tự à? Dạy dì với!

- Dạy rồi mai mốt dì lại quên ý mà. Kệ đi! Lúc nào cần thì sai con cháu chúng nó làm cho.

- Ừ, cũng đúng. Cơ mà cháu Hải Nam là cháu nào đấy?

- Ơ kìa? Dì không biết tên thật của thằng Ngỗng hả?

- À... dì biết. Dì có nghe chị Thơ nói qua một lần rồi, nhưng dì quen gọi nó là thằng Ngỗng nên quên xừ mất.

Vừa hay, điện thoại của thằng Ngỗng báo có tin nhắn mới. Thằng Xuân cao giọng gọi:

- Ngỗng ơi! Ngỗng! "Mẹ Thơ yêu quý của Hải Nam" nhắn tin cho mày nè! Mẹ chúc mày ngủ ngon!

Chị Duyên ấm ức trách con trai:

- Nhìn con nhà người ta lưu tên mẹ trong danh bạ mà ham. Chẳng bù cho con nhà mình, cái gì mà "Bà Duyên già nhảy cha cha cha" hả? Nghe nó tức!

Thằng Xuân cười phớ lớ. Thằng Ngỗng chạy sang nhà bạn đòi lại điện thoại. Thằng Xuân hớn hở khoe:

- Tao vừa lấy điện thoại của mày gọi điện trêu dì tao. Tao lưu số của dì vào danh bạ rồi đấy!

Thằng Ngỗng nhắn tin chúc mẹ Thơ ngủ ngon rồi mới kiểm tra danh bạ. Đọc được hàng chữ "dì Duyên rán trứng mặn nhưng cháu Hải Nam ứ dám chê", nó bực bội sửa lại thành "Duyên". Thằng Xuân mách lẻo:

- Thằng này vô học quá, dì ơi! Nó đặt tên trống không luôn à!

Chị Duyên phán câu xanh rờn:

- Kệ nó. Nó có phải con cháu nhà mình đâu mà dì cần nó có học?

Thằng Ngỗng lườm chị Duyên rồi đưa cho thằng Xuân mấy cây nến thơm, cẩn thận dặn dò:

- Cầm lấy! Đề phòng tối mất điện!

Thằng Xuân tinh tướng khoe khoang:

- Nhà tao có đèn pin mà mày!

- Nến thơm tao mua ở bên Pháp thì nó phải khác cái đèn pin nhà mày chứ, mùi hoa cam dễ chịu lắm.

- Thế cơ à? Thế thì bố mày lại xin ngay và luôn!

- Ừ. Tao về đây.

Thằng Ngỗng vừa bước ra khỏi cổng thì trong phòng khách liền tối om, mất điện thật rồi. Thằng Xuân thắp cây nến thơm lên, mùi hoa cam thanh khiết đem lại cảm giác thư thái vô cùng.

- Ôi dồi ôi! Cứ mưa bão là lại mất điện! Chán quá đi mất thôi!

- Mất điện một tí ý mà, có sao đâu? Phải mất điện thì mới biết trân quý những lúc có điện chứ!

- Khiếp ạ! Dì Duyên cứ như quyển triết lý biết đi ý nhỉ? Có mỗi việc mất điện thôi mà cũng nhả ra lời vàng ý ngọc.

- Vàng ngọc ở đâu ra? Dì nói chuyện hết sức bình thường, qua lăng kính thích suy diễn của anh thì câu nào chả trở thành triết lý.

- Con nhớ ngày bé ghê, dì ạ!

- Nhớ cái gì?

- Nhớ những lần cả nhà ngồi quây quần dưới mái hiên ăn lạc luộc, nhớ khoảnh khắc ngẩn ngơ ngắm ánh trăng bạc in bóng trên con sông quê, nhớ cả lúc hái trộm hoa bưởi xong bị dì chửi cho như chó.

- Anh dở hơi nó vừa thôi. Dì khen thì chả nhớ, dì chửi có vài câu lại cứ ghim hoài. Hái hết hoa rồi đến Tết Trung thu lấy đâu ra quả mà hốc?

- Dào ôi! Bưởi bên nhà chú Nghĩa rụng đầy gốc, có bao giờ ăn hết đâu? Con Ngọc còn dùng múi bưởi để tạo hình em cún xinh kia kìa, thằng Tân thì làm đèn lồng từ vỏ bưởi. Hai đứa nó cứ ở bên nhau là xác định hài "ẻ". Từ ngày con Ngọc mất tích, chẳng còn cái Tết Trung thu nào ra hồn. Thiếu tiếng cười hồn nhiên và mấy câu nói nhảm ngu ngơ của nó, vẫn là cái xóm cũ, nhưng đâu còn rộn ràng như xưa.

- Cuộc sống mà, có lúc rộn ràng thì phải có lúc trầm lắng chứ, đâu thể vui mãi được?

Một tia chớp bất thình lình lóe sáng, xé ngang bầu trời đêm. Thằng Ngỗng đứng sừng sững như đấng anh hùng trước cửa phòng khách, tay phải cầm máy sấy tóc, tay trái cầm túi hạt dẻ cười, hại thằng Xuân giật bắn cả mình.

- Cha bố nhà mày! Làm tao "hốt cả hền"! Sang nhà tao làm gì thế? Sợ ma không ngủ được hả?

- Không. Ma "méo" sợ tao thì thôi, chứ tao sợ "méo" gì ma? Tao đem máy sấy tóc sang cho chị Duyên. Ban nãy... tao thấy... tóc chị bị ướt.

Thằng Xuân ngơ ngác nhìn chị Duyên, đúng là tóc dì nó bị ướt thật. Nó suy đoán:

- Nhà lại dột hả dì?

Chị Duyên gật đầu. Thằng Xuân phàn nàn:

- Bố khỉ ông Lục, đi xây nhà cho thiên hạ, còn nhà mình thì ông kệ bà nó luôn!

- Xây nhà cho thiên hạ để kiếm tiền nuôi con còn gì? Có người ba tuyệt vời như vậy, anh phải cảm thấy biết ơn, hiểu chưa? Cấm càu nhàu!

- Lúc nào thằng này chả biết ơn... chỉ là... xót dì!

- Dì không sao, ướt một tí ý mà.

- Vâng, thôi thì cứ nghĩ tích cực như dì cho nó đẹp đời. Ứớt có tí tẹo tèo teo thôi à, không vấn đề gì sất.

Thằng Ngỗng cáu kỉnh hỏi:

- Sao lại không vấn đề gì? Để tóc ướt, nhỡ bị nhiễm lạnh thì sao?

- Mày thần kinh à? Chuyện bé xé ra to. Làm như một mình nhà mày mới có máy sấy tóc ý mà phải mang sang tận đây? Mất điện rồi, ông tướng ạ! Sấy bằng niềm tin à?

- Không cần đến niềm tin, máy sấy nhà tao chạy bằng pin, thưa mày!

Thằng Ngỗng xông vào phòng khách, đặt máy sấy lên chiếc bàn uống nước rồi hắng giọng ra lệnh:

- Sấy tóc nhanh lên, kẻo mai ốm thì khốn!

Chị Duyên cười buồn. Chị khỏe lắm, ốm sao được? Công việc đồng áng vất vả, có hôm chị đi làm về muộn, tóc tai dính đầy bùn đất. Gội đầu xong, chị bảo chồng:

- Cho em mượn máy sấy tóc!

Anh Lục từ chối thẳng thừng:

- Em đợi anh sấy xong cái áo cho con Mùi đã.

- Ngày mai mới phải mang cái áo đó xuống Phủ Lý cho con mà, anh sấy sau không được hả?

- Không. Em buồn cười nhỉ? Anh đang dở việc, sao tự dưng em lại bắt anh đợi? Ai xí đồ trước thì được dùng trước, kẻ đến sau phải xếp hàng.

- Máy sấy quần áo đâu mà anh phải dùng máy sấy tóc?

- Thằng Tân mượn rồi.

- Giời ạ! Lương thì cao, có mỗi cái máy sấy quần áo cũ mèm của hai ông bà già cũng mượn mất, cả cái bàn là nhà mình nó cũng cầm nửa năm rồi chưa trả.

- Đúng là giọng điện chua ngoa của mụ dì ghẻ, hơn thua với con chồng từng tí một.

- Anh im đi! Em mệt quá rồi, đang đau nhừ cả người đây này.

- Đau người thì lên giường nằm nghỉ, ở đây nhiều lời làm gì?

- Lần nào em đi ngủ mà để tóc ướt cũng bị đau đầu. Cho em mượn máy sấy tóc đi mà, chỉ năm phút thôi.

- Em chỉ giỏi mè nheo. Anh bằng tuổi chú em, già rồi, người ngợm xập xệ, nhưng anh có bao giờ kêu ca gì đâu? Thế mới thấy những người khua môi múa mép giỏi thì lại ứng xử chả ra cái chó gì cả. Em luôn mồm dặn anh sống phải biết nhìn trước ngó sau cho nó phải phép, vậy mà em toàn đè đầu cưỡi cổ anh thôi à, cứ thấy chồng hiền liền vòi vĩnh đủ kiểu, mệt mỏi ghê!

Chị Duyên chán chẳng buồn đôi co nữa. Mấy bà trong thôn suốt ngày trêu chị có số hưởng, tu vạn kiếp mới lấy được ông chồng hiền lành, biết tu chí làm ăn, hết lòng vì con cái. Chỉ là, ai nhìn sang vườn nhà hàng xóm chả thấy hoa đẹp, phải chui trong bếp nhà mình mới nếm rõ mùi tro bụi. Cuộc sống mà, ai cũng khổ, ai rồi cũng phải đi đến tận cùng của khổ đau, và hiển nhiên, phải kiên cường vượt qua giai đoạn khó khăn ấy thì mới có thể đem theo trái tim bình an để bước sang trang mới nhiều niềm vui.


#21


Anh Lục thấy vợ xị mặt thì không vui nổi. Anh đưa máy sấy tóc cho chị, giọng điệu gắt gỏng:

- Lại dỗi! Động một tí là dỗi! Suốt ngày dỗi! Đây! Máy sấy của em đây! Em là nhất! Cả nhà phải răm rắp nghe lời em! Sướng chửa?

Vợ anh cười khẩy bảo:

- Thôi, anh cứ sấy áo cho con đi.

Anh Lục đành phải xuống nước, đích thân sấy tóc cho vợ. Chiều vợ như bà tướng vậy rồi mà mặt vợ vẫn cau có, anh khó chịu càm ràm:

- Cái giống đàn bà hay thật đấy, chồng quan tâm từ chân tơ đến kẽ tóc thế này mà vẫn làm mình làm mẩy được mới sợ chứ!

Sống mũi cay cay, chị Duyên thở dài nhận định:

- Chúng mình chả giống vợ chồng gì cả, anh ạ.

- Không giống vợ chồng thì giống cái gì?

- Em cũng không biết nữa... anh đã bao giờ rung động khi nhìn thấy em chưa?

- Già bỏ bố ra rồi, còn rung động cái nỗi gì? Thế em có rung động khi nhìn thấy anh không?

Chị Duyên không dám trả lời câu hỏi của chồng, đành phải nói tránh:

- Em thương anh. Anh là người thân của em.

- Anh cũng thương em mà Duyên. Em không chỉ là người thân của anh mà còn là người chăm con giúp anh. Anh vẫn luôn biết ơn em.

- Biết ơn mà sao hay ăn thua với em vậy?

- Anh nhịn con héo mòn cả người, không được xõa với vợ nữa thì anh sống sao nổi?

- Cũng tại cái tội chiều con, anh nhỉ?

- Bao giờ em có con thì biết, cứ động đến ba đứa là anh lại xót hết cả ruột, hận bản thân mình bất tài, không thể cho tụi nó một cuộc sống sung sướng. Giá kể anh là tỷ phú thì tốt!

- Đủ ăn đủ tiêu như bây giờ là tốt rồi, anh ạ. Giàu quá chỉ sợ không giữ vững được sơ tâm.

- Ai bảo em vậy? Ông Thiện hả?

- Vâng.

- Ông này bị làm sao không biết? Cậy mình là trưởng thôn xong toàn nói nhảm thôi.

- Nhảm ở chỗ nào? Em thấy hợp lý mà.

- Anh chả thấy hợp lý tí nào luôn. Anh nói em nghe, càng giàu càng sướng!

- Có chắc không vậy? Mới có thằng con giỏi giang thôi mà anh đã khinh chú Nghĩa ra mặt rồi, mai mốt mà giàu thật á, có khi anh còn vênh nữa.

- Ơ thế giàu mà không được vênh thì giàu làm gì cho phí? Nếu anh được ở nhà sang, đi xe đẹp thì anh việc chó gì phải quỵ lụy bố con nhà thằng nào nữa? Đến lúc ấy, bọn chúng phải xu nịnh anh mới là phải phép!

- Thì đấy! Giữ tiền sao khó bằng giữ tâm? Sự thay đổi của anh chứng tỏ lời ông Thiện nói đúng quá còn gì?

Không cãi được vợ, anh Lục nóng mặt chỉ trích:

- Con nông dân mà làm như nhà bác học không bằng, vụ lúa nào cũng vậy, cứ gặt xong một cái liền chạy ra quán nước, hóng hớt mấy ông bà giáo chém gió.

Chị Duyên bực bội hỏi chồng:

- Ơ kìa? Con nông dân này quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hiếm lắm mới có lúc thảnh thơi, không chịu khó học hỏi, rồi sau này, người nó ngu đi thì làm sao mà theo kịp lớp trẻ?

- Dào ôi! Già rồi, có học thế hay học nữa thì cũng không theo kịp lớp trẻ đâu! Chỉ cần có tiền thôi, mình càng giàu thì con sẽ càng năng về thăm mình, chẳng phải chạy theo đứa nào sất.

- Loại con cái về thăm ba mẹ vì mấy đồng bạc thì chỉ là loại vứt đi thôi, em ứ cần!

- Ứ cần rồi đến khi tóc bạc trắng đầu, chả ai thèm hỏi han thì lại khóc lụt nhà. Em phải nghe anh, sống thực tế lên một tí, thường xuyên cho con thật nhiều tiền, rồi tụi nó ắt sẽ thương mình thôi.

- Anh cứ như con gà mái mẹ ý!

- Lụa bỏ con từ lâu rồi, em thì lúc nào cũng nghiêm khắc, động một tí là chửi con, anh không làm gà mái thì con anh thiệt hả?

Anh Lục lý sự. Chị Duyên rầu rĩ bảo:

- Từ ngày ba mẹ em mất, trên đời này chẳng còn ai sợ em bị thiệt nữa.

- Chỉ có ba mẹ mới lo được cho con cái như vậy thôi.

- Anh nói thế là anh không hiểu con trai anh rồi. Thằng Tân không bao giờ để con Ngọc phải chịu thiệt. Nom bọn trẻ yêu nhau mà ham thế chứ lị!

- Ôi dào! Ham hố gì cái thứ tình cảm trẻ trâu đấy? Lấy nhau về, ba bảy hai mốt ngày là biết mặt nhau ngay! Cuộc sống cơm áo gạo tiền bù hết cả đầu, thời gian đâu mà yêu với chả đương?

- Nhưng nếu được yêu một lần trong đời và được trải nghiệm những cảm xúc đặc biệt lúc yêu đương nồng thắm thì cũng vui mà.

- Gớm ạ! Em mơ mộng ít thôi. Già rồi chứ có còn trẻ đâu mà đòi yêu đương nồng thắm?

Chị Duyên thở dài, người già thì không được yêu nữa sao? Biết vậy, thuở đôi mươi, chị đã yêu cho bõ đời rồi. Nom thằng Xuân và thằng Ngỗng vẫn còn trẻ trung phơi phới, chị mừng cho tụi nó ghê. Hai đứa chí chóe:

- Cái thằng này láo nháo nó quen! Phận làm con cháu mà dám quát người lớn như thế à?

- Mày im đi!

- Mày đang ở trong nhà tao đấy, Ngỗng ạ! Bớt mồm bớt miệng lại, cẩn thận kẻo tao vả cho mày sái quai hàm bây giờ!

- Tao cho mày ba mươi giây để đánh giá lại tình hình trước khi tiếp tục tinh tướng.

Thằng Xuân nhìn thằng Ngỗng cơ bắp cuồn cuộn rồi lại nhìn xuống cái bụng được nuôi dưỡng bằng rượu bia của mình, tự dưng thấy nhục dần đều. Nó đành phải giả bộ quân tử không chấp kẻ tiểu nhân:

- Chẳng qua là tao không thèm cậy gần nhà thôi.

Chị Duyên sợ phải xem cảnh đánh nhau nên vội vàng sấy khô tóc rồi trả lại máy sấy cho thằng Ngỗng. Nó vui vẻ đưa cho thằng Xuân túi hạt dẻ cười.

- Cho mày!

- Eo ôi! Sao cái thằng này rộng rãi thế nhỉ? Tuy cái mỏ mày hơi hỗn nhưng cái tính mày thoáng thực sự luôn! Hay là từ giờ trở đi, tao gọi mày là thằng Thảo Thị Thơm để tôn vinh cái sự thơm thảo của mày nhỉ?

- Tào lao! Tao lại đấm cho mày một trận bây giờ!

- Thôi, đừng! Em biết anh Ngỗng giỏi võ rồi, anh đấm em làm gì cho bẩn tay? Anh ngồi xuống ghế, thong thả xơi chén nước với em!

- Tao thèm vào mà anh em với mày. Phắn đây!

Thằng Ngỗng chợt đến rồi lại chợt đi, như một cơn gió mát dịu dàng thổi vào đêm đen bão tố. Thằng Xuân và chị Duyên ngồi bên ánh nến, vừa cắn hạt dẻ cười, vừa nhâm nhi chén trà, thỉnh thoảng nói đôi ba câu chuyện phiếm.

- Ban nãy, thằng Ngỗng không cầm ô, cũng không mặc áo mưa, nó cứ chạy qua chạy lại, cả người ướt sũng, vậy mà miệng vẫn tủm tỉm cười. Nó bị hâm rồi, đem đồ sang cho nhà người khác mà hớn hở cứ như được nhận quà!

- Có những người thích cho đi mà.

- Thằng này giống dì phết nhỉ? Không là cháu dì hơi phí!

- Cháu chắt gì cái thằng đấy? Dì không dạy nổi mấy thằng ngang ngược.

- Công nhận. Thời buổi đảo điên, một mét vuông mười thằng hỗn, kiếm đâu ra đứa nào ngoan như con?

- Ngoan lúc không uống rượu thôi.

- Lúc uống rượu thì là rượu hư mà.

- Dì chịu ba con nhà anh, hở ra là nhậu nhẹt. Ba anh hôm nay đánh chén say sưa quá nên phải đi ngủ lang, chắc quên đường về luôn rồi.

Thằng Xuân không tin ba nó có thể uống say đến mức quên đường về. Chắc ba cần tiền nên lại trốn dì đi làm mấy việc nặng nhọc rồi. Sợ dì giận ba, nó chẳng dám nói ra suy đoán của mình, chỉ bình thản hỏi:

- Dì có buồn không?

- Ôi dào! Có mỗi cái chuyện cỏn con đấy mà cũng buồn thì buồn cả ngày à?

- Cũng đúng. Dù sao thì ba con có về cũng vậy thôi à. Ba và dì có bao giờ ngủ chung đâu.

- Anh bớt nhiều chuyện đi!

- Ở nhà có mỗi con và dì, con bớt nhiều chuyện thì ai nói cho dì nghe?

- Dì không có nhu cầu nghe chuyện.

- Nhưng con có nhu cầu giãi bày... dì đừng vì chuyện chăn gối mà bỏ ba con nha. Ba con chỉ có mỗi một cái tật xấu bé tí tị tì ti là thích ngủ riêng thôi à, còn về các mặt khác... ba con tốt lắm luôn á! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com