Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hứa Hạnh Ngân 2

- Nhà vệ sinh ở đâu thế?

- Ai đấy?

- Nhà vệ sinh ở đâu?

Tôi nhìn cái thằng mặt trắng như trứng gà bóc trước mặt, cái thái độ nghênh ngang này mà cũng được vào đây cơ à?

- Ở cái nhà này phải biết lớn biết nhỏ nhé, vào sau thì đừng có mà nói trống không.

- Người ta đi cùng bố mẹ.

Rõ ràng chỉ là một câu khẳng định bình thường, không hiểu sao lại có sức sát thương lớn đến thế.

Mẹ Hòa vừa thấy nó, vội vã dẫn nó tới khu vệ sinh. Sau đó tôi phát hiện ngoài nó ra còn rất nhiều đứa trẻ lạ mặt khác cũng đến.

Cái Hoa bảo tôi, hôm nay công an phường phối hợp với trường cấp ba X đến để diễn kịch tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, có cả đài truyền hình về quay, thằng bé vừa nãy là con của thầy hiệu trưởng trường đó.

- Hôm nay mày đừng có mà gây sự.

Tôi nhìn bộ quần áo trắng tinh là phẳng phiu của cậu, rồi lại nhìn cái áo cháo lòng đã thủng một lỗ mà mãi chưa khâu lại của mình.

Ban nãy lúc cậu đi qua, trên người còn thơm nước xả vải.

Trẻ con có mẹ đúng là thơm thật.

Tôi quan sát vở kịch của những học sinh đến từ nơi gọi là trường chuyên kia, cậu con trai hiệu trưởng cũng đóng một vai không có lời thoại, đại khái là đóng vai nhân viên y tế khiêng cáng cho người nghiện shock thuốc.

Cậu ta cao lớn bất thường, ai không biết lại tưởng cậu ta cũng là học sinh cấp 3.

- Bây giờ là phần giao lưu khán giả, có bạn nào muốn đặt câu hỏi không ạ?

Rõ ràng hỏi là thế, nhưng trên mặt cậu viết rõ mấy chữ Chúng mày tốt nhất ngậm hết mồm lại, có câu hỏi gì thì hãy sống để bụng chết mang theo.

Trong biển người im lặng lủng lẳng một cánh tay vẫy loạn xạ. Đúng rồi, là tay của tôi.

- Mình muốn hỏi ạ, có phải các bạn cho rằng những đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương cha mẹ thì sẽ dễ dàng sa chân vào tệ nạn hơn không? Vì nhân vật Kiên nghiện trong vở kịch của các bạn được xây dựng là một cậu bé mồ côi cha mẹ.

Hội trường xôn xao hết cả lên.

Khỏi cần nhìn thì tôi cũng biết người lớn đang bắn những ánh mắt hình viên đạn về phía tôi.

Nhưng chứng kiến ông kễnh hướng nội bị bố ép làm MC hoạt động ngoại khóa này, trả lời không khéo sẽ khiến người ngoài phật lòng, người nhà mất mặt, thôi thì phải công nhận là mọi người cũng tò mò đi.

Đám người sau cánh gà bắt đầu cãi nhau loạn xì ngầu, biết ngay là không đủ diễn viên nên mới cắt xén nhân vật trong kịch bản mà.

Chắc họ cũng không nghĩ lại động chạm như thế.

Nhưng chẳng quan trọng, quan trọng là MC xử lí câu hỏi như nào kìa.

- Dù có bố mẹ ở bên hay không, đều sẽ có ngày phải độc lập trưởng thành. Khi đó cuộc đời rẽ sang hướng nào là do bản thân lựa chọn. Người có bố mẹ ở bên chưa chắc đã có trọn vẹn tình thương, ngược lại cũng thế.

Cuộc sống có rất nhiều vị. Một vài người sinh ra đã phải nếm vị đắng, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận sự tồn tại vị ngọt.

Nếu không ai cho mình nếm vị ngọt thì phải tự nấu ra vị ngọt thôi.

Người tự bài trừ vị ngọt rồi bắt người khác tiêu cực theo thì sẽ trở thành người hay hỏi những câu vớ vẩn.

Cả hội trường ồ lên xôn xao. Câu trả lời vừa văn vở, vừa không đúng trọng tâm, đã thế còn nặc mùi thuốc súng. Nhưng ít ra cũng được coi là trả lời.

Một học sinh khác vội ra giật mic tiếp tục chương trình, không để cái thằng trời đánh này lại ăn nói linh tinh.

Tôi nhìn theo dáng người cao cao bị kéo vào cánh gà. Người vừa đá xoáy tôi là đứa tiêu cực chỉ biết cảm nhận vị đắng.

Nhưng mà sao tôi thấy ngọt ghê.

Có lẽ vì 14 năm nay, hoặc thương hại, hoặc coi thường, lần đầu tiên có người nhìn tôi với ánh mắt thật bình thường. Lần đầu tiên có người nói với tôi, có cha mẹ hay không, tôi mới là người làm chủ cuộc đời mình.

- Đằng ấy tên là gì? - Tôi hỏi ngay khi bữa cơm đãi khách bắt đầu.

-...

- Nghe bảo đằng ấy bằng tuổi đằng này đúng không?

-...

Cái thằng, bị câm thì vẫn có thể gật với lắc mà. Đã thế chị đơm cho mày ú ụ thịt, mặn chết mẹ mày luôn.

Có vẻ như cậu ta cũng không quen biết đám học sinh cấp 3 này. Cả bữa không ăn cũng không nói chuyện với ai.

Tôi chẳng quan tâm lắm, cắm đầu cắm cổ ăn.

Huých.

Phát đầu tiên, tôi suýt nghẹn.

Huých.

Tôi quay sang phải trừng mắt, cậu ta cố tình phải không?

Chưa kịp nổi quạu thì đã thấy dáng người cao cao nghiêng qua bên tôi. Góc hàm nhẹ xoay về, ở cự li gần thế này tôi thậm chí còn ngửi được mùi dầu gội bạc hà từ mái tóc mềm của cậu.

Khoảng khắc Hồ Anh Tuấn ghé môi sát tai tôi, tôi hình như còn nghe thấy tiếng tim mình đập:

-...

- Nhà vệ sinh ở đâu?

Tôi tròn mắt nhìn cậu chằm chằm.

Á à, hóa ra ngồi nghệt ra như vậy là do buồn ị chứ gì?

- Ra cổng rẽ trái rẽ phải rẽ trái hai lần gặp nhà khách rẽ phải rẽ trái thấy thư viện lên tầng hai rẽ phải.

-...

- Để chị dẫn chú đi vậy.

Tôi đi phía trước, cậu chàng lũn cũn đi sau, đúng là ăn uống thoải mái không bằng ỉa đái kịp thời.

Người buồn ỉa ngoan ngoãn hơn biết bao nhiêu.

Thi thoảng tôi lại quay về phía sau nhìn, mỗi lần như thế cậu lại trừng mắt lườm.

Đáng yêu thật đấy.

Thực ra nhà vệ sinh ở đây có nhiều, tôi cố tình chỉ cái xa nhất để trêu thôi. Ấy vậy mà tôi mới phát hiện ra, trí nhớ về đường đi của Hồ Anh Tuấn cực kì kém.

- Chú nhớ đường về chưa? Xong thì tự ra nhé, chị về ăn tiếp đây.

Hồ Anh Tuấn chưa cất bước vào thì tôi đã cất bước đi.

Nhưng đi được mấy bước thì có một tiếng kêu rất mỏng, rất nhẹ, tựa như chủ nhân giọng nói phải trút hết sức lực mới có thể thều thào ra hơi:

- Này.

- Hở? - Tôi vênh mặt, vẫn chưa xoay người lại.

Cậu ta im lặng một lúc nữa. Âm thanh lần này còn thều thào hơn lúc nãy:

- Đợi đằng này đi.

Trời đất ơi, cảm giác chiến thắng khiến tôi muốn rút cờ quốc khánh chạy bảy vòng quanh nhà.

Hắng giọng, tôi đáp lại rõ lớn:

- Ô sờ kê.

Chúng tôi quay về bàn ăn ngay sau khi cậu ta "xử lí" xong nỗi buồn.

Tôi lại cắm cổ ăn, cậu ta lại im lặng.

Tôi nghĩ nhìn chúng tôi bây giờ chắc hẳn buồn cười lắm, nam ăn như mèo, cao gầy lại ngồi thẳng lưng. Nữ hốc như hổ, mập lùn lại ngồi uốn éo như cây thước dẻo.

Huých.

Cái thằng này, có thù với Tào Tháo à?

Tôi quay sang định bụng chỉ cho cậu ta cái nhà vệ sinh gần nhất, lại thấy một cảnh tượng lạ lùng.

Hồ Anh Tuấn vẫn cúi đầu nhìn vào bát cơm, một tay buông thõng, một tay giơ lên chỉ ngón tay vào ngực mình.

- Lớp 9.

- Hả? - Tôi nhăn mặt, cậu quay sang nhìn tôi, gằn nhẹ từng chữ.

- Đây - Lớp - 9.

Ồhhh. Ra là hơn tôi một tuổi. Chắc ông kễnh để bụng vụ tôi xưng chị đây mà.

- Anh tên gì?

Không trả lời.

- Em tên Hứa Hạnh Ngân. Hồi bé em họ Cồ, nhưng sau này em được một nhà họ Hứa nhận nuôi nên em đổi tên, mà chưa đầy năm họ có con ruột nên họ trả em về đây nè. Các mẹ bảo thủ tục đổi tên lằng nhằng với tốn kém ghê lắm nên em giữ họ Hứa luôn. Trời mà anh biết sao không, cái nhà giàu đấy nó keo kẹt dữ lắm, em ăn có chút éc mà đã chê em ăn nhiều rồi. Nhưng thầy cúng đến nhà làm lễ là họ vung tiền không ghê tay luôn á anh. Ôi em kể anh nghe ...

Chả biết người ta có nghe không, nhưng tôi cứ thế thao thao bất tuyệt. Ở trường, tôi không có bạn, đi vệ sinh cũng phải vác cặp theo, nếu không sẽ bị người ta bỏ sâu róm vào cặp. Ở trại trẻ mồ côi cũng thế, chẳng có đứa trẻ nào thích tôi.

Tôi kể về những ngày mình đội mưa đi học, đến trường rồi mới phát hiện cô chủ nhiệm đã nhắn vào nhóm phụ huynh rằng hôm nay được nghỉ.

Những lần tôi đứng trên bục "học sinh nghèo vượt khó", hiệu trưởng nhấn mạnh tôi đáng thương ra sao. Cả trường nhìn tôi đầy thương hại.

- Haiz, em quen rồi, nhưng người ở đây đáng ghét anh ha? Em là còn dám đứng lên tẩn lại chúng nó á! Nhiều đứa bị bắt nạt thảm hơn nhiều!

Vẫn lại là tôi nói chuyện một mình. Không đáp thì thôi, tôi chỉ muốn nói ra cho nhẹ lòng.

- Môi trường Hà Nội tốt.

- Dạ? - Trời, ảnh đáp lại này. Hồ Anh Tuấn nhíu mày rất khẽ, bổ sung thêm như sợ tôi không hiểu:

- Thi lên Hà Nội đi.

Cuộc trò chuyện dừng lại ở đó. Anh trở về bàn của bố mẹ rồi chia tay mái ấm tình thương ngay trong đêm. Sáng mai họ còn phải tuyên truyền ở trường dân tộc nội trú.

Tôi ngồi trong nhà lớn, bên ngoài vẫn còn tiếng cười đùa của đoàn học sinh thủ đô.

Tôi... cũng sẽ được như họ sao? Ở kí túc xá, thoải mái tự do. Sẽ không bị coi thường, không bị bắt nạt. Được học những kiến thức mà cả đời này tôi cũng chưa mơ tới.

Đảo mắt một vòng nhà. Phải rồi, tôi muốn thoát khỏi nơi đây, đi đến một nơi rộng lớn hơn, tự do hơn.

Tiếng người dần khuất xa, tôi lao như bay ra khỏi phòng, gọi với:

- Ê! Anh tên là gì?

Anh quay đầu lại nhìn tôi không đáp, cất bước đi. Tôi chạy theo hét lớn:

- Anh tên là gì?

Lần này anh đứng lại, khó khăn lắm tôi mới chạy kịp đến chỗ anh:

- Tuấn - Anh ngừng lại một chút - Hồ Anh Tuấn.

Tôi mỉm cười ngờ nghệch, bị mẹ kéo về phòng, tôi ngả đầu bên cửa sổ nhìn đoàn xe khuất xa thành chấm nhỏ. Cả đêm ấy, tôi lẩm bẩm một mình: Hồ Anh Tuấn, Hồ Anh Tuấn...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com