Chunghiahiensinh
Chủ nghĩa hiện sinh-Phó Thường Nhân
Nhân dịp năm mới mời các bác thưởng thức vài dòng của bác Phó Thường Nhân :
Jean Paul Sartre là một triết gia lớn của Pháp và Tây Âu, dù ở Vn người ta ít đề cập tới. Ông là người đề sướng ra thuyết hiện sinh. Phần lớn các học giả đều cho rằng, thuyết này có từ trước từ thế kỷ XVII với Pascal Blaise, qua Kiergaard rồi Nietzsche .. v..v.., tựu chung lại là hầu hết các tư tưởng triết học của Tây Âu chịu ảnh hưởng của đạo Thiên chúa , chính vì thế mà người ta phân biệt ra thuyết hiện sinh hữu thần rồi vô thần. Bài viết của U bu đưa lên là theo xu hướng này. Bản thân tôi không hiểu như thế. Học thuyết của Jean Paul Sartre là một học thuyết vô thần (phủ nhận sự tồn tại của Chúa), như vậy nó có một khoảng cách rất lớn so với các học thuyết hữu thần (chấp nhận Chúa là đấng tạo hoá). Nó gần với Mác hơn. Bản thân Sartre về sau cũng thiên về chủ nghĩa Mác. Vì thế ở phương Tây người ta chia học thuyết của ông này làm hai đoạn, chỉ lấy đoạn đầu mà bỏ đoạn sau. Với tôi thực ra nó chỉ là một học thuyết, và việc Sartre bắc cầu sang chủ nghĩa Mác chứng tỏ sự gần cận của hai học thuyết này. Ngược lại Sartre không chấp nhận Chúa bao giờ cả.
Chúa hay không Chúa đối với tôi cũng không phải là điều quan trọng, vì trong tư duy châu Á, ta không đặt ra câu hỏi này. Cao nhất trong triết học Đông phương người ta quan niệm có thiên lý (trong đạo Nho), nhưng đây không phải là ý chí một ông Chúa, mà chỉ là một quy luật điều tiết toàn bộ vũ trụ, mà con người là một bộ phận.Đây cũng là một lý do chủ quan khiến tôi quan niệm thuyết hiện sinh là của Sartre mà không liên quan tới các thuyết khác. Cùng lắm thì người ta có thể ngược dòng tới thuyết Hiện tượng của Husserl mà thôi.
Thuyết hiện sinh nguyên bản là existentialisme, bắt nguồn từ chữ existence nghĩa là tồn tại mà ra. Nhưng tại sao lại gọi là thế vì nó quan niệm sự tồn tại của con người có trước bản thể. Trong các nước Thiên chúa giáo, người ta quan niệm con người là do Chúa tạo ra. Chúa tạo ra con người theo ý Chúa. Đạo Thiên chúa gắn sự tồn tại của mỗi con người vào « cái ý của Chúa » này. Cái ý chung được thể hiện bằng giới luật, đạo đức,.. phải tuân theo. Nó chính là bản thể. Vì nó vừa có trong mỗi người vừa là mục đính mà Chúa đưa ra bắt con người làm theo. Như vậy con người sinh ra đã có mục đích., được quyết định bởi một quyền năng siêu phàm nằm ngoài vòng tay mình
Thuyết hiện sinh phủ nhận con người sinh ra bởi Chúa, như vậy nó phủ nhận cuộc sống bắt đầu bằng một chủ đích. Đây chính là điểm khác nhau quan trọng bậc nhất giữa con người và các vật vô tri vô giác khác. Nếu con người sinh ra hoàn toàn do một sự ngẫu nhiên, thì các vật vô tri vô giác khác lại được tạo ra từ chủ đích của con người. Ví dụ, trước khi cái cốc tồn tại thì nó phải được con người nghĩ ra cách nặn đất rồi nung lên(đây là sáng tạo) để dùng đựng nước (đây là mục đích). Như vậy cái cốc không thể tồn tại nếu không có ý định của con người. Ở đây ý định đi trước sự tồn tại. Ngược lại con người tồn tại rồi mới đi kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Ở đây theo tôi , Thuyết hiện sinh đã lý giải rất thông minh câu đố triết học « duy vật hay duy tâm » thường được ví dụ bằng chuyện « con gà có trước hay quả trứng có trước ». Đối với con người thì đây là « Duy vật có trước duy tâm », vì không ai tạo ra con người cả. Đối với các vật thể thì « Duy tâm có trước duy vật », vì con người không tạo ra cái gì mà không có mục đích. Những vật con người tạo ra, đều được làm theo các quy luật do con người tìm ra, tức là không phụ thuộc vào vật sẽ được tạo ra, cho nên những quy luật này được coi là khoa học, vì nó khách quan. Người ta có thể kiểm soát được nó 100%. Ngược lại quy luật con người tự tìm cho con người thì không thể khách quan được, vì nó còn phụ thuộc vào ý định của mỗi con người đặt ra cho mình, từ đó suy ra quy luật của xã hội loài người là hoàn toàn không thể xác định, mang yếu tố chủ quan. Nó phụ thuộc vào ý chí và sức sáng tạo của con người là chính. Quy luật của xã hội loài người mang tính quy ước, không phải là quy luật. Đây chính là sự khác nhau giữa khoa học xã hội và tự nhiên. Ở đây có một sự đảo ngược rất thú vị. Nếu sự tồn tại tự nhiên của con người là duy vật, thì ý nghĩa cuộc sống, xã hội loài người lại duy tâm. Sự tồn tại của sự vật là duy tâm, do được tạo tác, thì quy luật chi phối nó lại duy vật (Toán,Lý, Hoá). Ở đây cũng nên lưu ý là thuyết hiện sinh lấy con người, và các hoạt động của họ làm trung tâm. Cho nên những sự vật nói ở đây là những sự vật do con người tạo ra cho mình, hay tác động vào nó. Còn những hiện tượng hoàn toàn thiên nhiên khác, như sông suối núi non, thì hiển nhiên bị chi phối bởi « duy vật » rồi, không cần phải bàn nữa. :-X
Từ nhận thức con người sinh ra cũng như cây cỏ, không có mục đích gì, có khi còn là một "sự thừa" (une personne en trop), và quan niệm con người phải tự tạo cho mình ý nghĩa cuộc sống đã dẫn đến những hệ quả khá thú vị.
1. Hành động của Con người không thể hoàn toàn giải thích bằng duy lý, bằng lô gíc. Không thể lúc nào cũng suy diễn được. Ở đây phần cảm nhận khá lớn. Sartre còn đi tới kết luận là phần nhận thức (conscience perceptive), tức là phần cảm nhận từ ngoài vào còn đúng hơn phần ý thức (conscience imageant), tức là phần suy diễn, tạo dựng lô gíc của con người. Điều này không khỏi làm tôi nghĩ tới quan niệm "làm việc có lý có tình" ở Vn. Nói nôm na thì nhiều khi hành động của con người theo tình là chính, cho dù vô lý, nên không thể quy luật hoá được.
2. Một hệ quả nữa là Tự do, vì con người bắt buộc phải chọn lựa, tìm ý nghĩa cho cuộc sống. Nếu không thì chỉ tồn tại chứ không phải là sống. Cho nên Tự do gắn liền với số phận con người. Điều này được phương Tây coi như đỉnh điểm của thuyết hiện sinh.
3. Hẫng hụt, hoảng hốt. Đây là tôi dịch chữ la nausée (buồn nôn) ra. Tôi hiểu (không biết có chính xác không), thì Sartre dùng từ này chỉ thái độ khiếp sợ của con người trước sự Tự do, do bị "bắt buộc phải chọn lựa". Nó giống như kiểu người ta chóng mặt vì sợ độ cao, vì tự nhiên thấy mất tất cả chỗ dựa. Con người dù sao cũng có những thói quen do tập tục văn hoá, hệ tư tưởng tạo ra, nhưng khi không còn ở trong môi trường đó nữa sẽ có cảm giác bị "sụp đổ", "thế giới tiêu tan", "mất lòng tin", cũng chỉ do người ta tự nhiên nhận thấy sự tương đối của bao khái niệm mà trước đây tưởng là bất biến gây ra. Đây là hệ quả của sự Tự Do.
Những hệ quả này, phần lớn người ta hay cảm nhận, phân tích nó từ truyền thống phương Tây, tức là thiên chúa giáo từ hai chiều thuận và nghịch. Nhưng tôi lại cảm nhận nó từ Thiền mà ra. Phải nói ngay rằng đây chỉ là một cảm nhận của một người A ma tơ. Tôi không phải là Thiền sư chuyên nghiệp, cũng như không phải là triết gia hiện sinh.
Nhưng thử quy nó ra phạm trù (catégorie) Thiền xem sao. Cái hệ quả đầu nói về quy luật xã hội có thể quy ra phép vô ngôn của Thiền. Chỉ khác là Thiền còn vượt lên trên cả cảm nhận(Tình) và duy lý(Lý).
Hệ quả thứ 2 có thể quy ra Vô chấp. Nếu hiểu theo hướng mọi lý thuyết chỉ có tính tương đối, cho nên tuỳ từng thời điểm mà người ta sẽ phải chọn lựa những tư tưởng khác nhau, phù hợp tại thời điểm đó. Chỉ có điều khác là dù nhà Thiền nói vô chấp, nhưng những cái hiện hữu, tồn tại được chỉ được coi là hiện tượng. Đằng sau nó còn có một cái gì đó bất biến, luôn không đổi, được coi là phật tính. Đối với hiện sinh thì nó là hư vô (Néant) hiểu theo nghĩa không có gì.
Cái hệ quả thứ 3 chính là sự Giác ngộ của Thiền tông. Tôi còn nhớ được đại khái một công án khá ngộ của nhà Thiền. Một học trò trong một buổi vấn đáp hỏi một Thiền Tổ rằng "Phật là gì". Anh này lập tức bị Thầy véo một cái vào mũi, khá đau. Liền bật khóc hu hu và Ngộ. Sau ông cũng là một thiền sư nổi tiếng. :-X
Một hệ quả nữa cũng thú vị không kém, là không tồn tại định mệnh. Vì muốn có định mệnh, tức là cuộc sống phải có một chủ đích được tạo hoá bắt buộc. Thế cho nên Thuyết hiện sinh nói, chỉ đến lúc cuối đời, trước khi chết, con người mới có thể biết được định mệnh của mình. Hiểu như thế này, thì định mệnh là kết quả cuối cùng để lại của hành động con người xuyên qua suốt cuộc đời. Nó để lại cho người khác, chứ không phải cho mình. Thuyết hiện sinh không phải là thuyết duy nhất nói điều này. Trong đạo Nho, từ lâu đã có câu "Ngũ thập tri thiên mệnh", tức là người ta đến 50 tuổi mới có thể biết được mệnh trời. Mà 50 tuổi là tuổi bắt đầu về già, không kể ngày xưa, tuổi thọ của con người còn thấp hơn bây giờ, nên 50 tuổi đã là già lắm. Chỉ có khác là đạo Nho vẫn tin có thiên mệnh, nhưng người ta không thể biết được. Còn thuyết hiện sinh thì phủ nhận hoàn toàn nó. Nhưng kết quả thực tế cũng tương tự như nhau.
Thuyết hiện sinh coi trọng nhận thức chủ quan, cho nên Sartre phân tích nhận thức làm 3 thành phần.
1. Nhận thức tự nhiên (conscience en-soi). Đây là nhận thức cảm tính, gắn liền với 5 giác quan của con người. Nó có tính chất thu nhận. Sinh ra đã có.
2. Nhận thức tự nhận thức (Conscience pour-soi). Đây là nhận thức duy lý, lô gíc. Ở mức độ này nhận thức đã tự phân biệt được cái tôi chủ quan so với các cái tôi khách quan khác. Nói gọn lại là sự phân biệt, ý thức được cá nhân con người trong cái bể nhân loại.
4. Tồn tại trong hoàn cảnh (être en-situation), đây là nhưng điều kiện môi trường, cũng như quá khứ, lịch sử (ví dụ như hoàn cảnh gia đình, học vấn, kỉ niệm tuổi thơ...). Tóm lại là tất cả dấu ấn của không gian (môi trường), thời gian(Lịch sử) góp phần nhào nặn cái nhận thức tự nhận thức ở trên.
Người ta hay quan niệm rằng thuyết hiện sinh là học thuyết cá nhân chủ quan. Không hẳn là như vậy. Vì ngược lại với các học thuyết nhân vị của phương Tây khác, Sartre không coi cá nhân là Nguyên tử không thể chia cắt nhỏ hơn được của xã hội, và có thể tồn tại độc lập với xã hội. Ngược lại cá nhân tồn tại vì có đồng loại. Ông định nghĩa cá nhân là "hình ảnh của người khác nhìn mình". Nếu không có người khác (đồng loại), thì suy ra là không có cá nhân, vì không có cái nhận thức tự nhận thức. Định nghĩa này của Sartre so với "con người là tổng hợp các mối quan hệ" của Mác, hay định nghĩa con người của nhà Nho theo ràng buộc "Tam cương, ngũ thường", thực ra lại rất gần nhau. Tất cả đều phủ định sự tồn tại từ bản chất của cá nhân con người, mà chỉ coi nó là hệ quả của xã hội.
Cũng chính vì thế mà Sartre không có quan niệm chủ quan/khách quan. Ông nói muốn vượt lên trên nó. Nhưng do không công nhận một thực thể khách quan "cơ học", hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối của con người mà ông đã coi khách quan là tổng hợp của những chủ quan riêng lẻ, được gọi là intersubjetivité, như tôi đã nói ở phần trên.
Chính do Sartre quan niệm rằng chủ quan/ khách quan chỉ là tương đối. Cũng như sự tự nhận thức (conscience en soi) có trước nhận thức tự nhận thức (conscience pour soi), mà ông cho là nhận thức tới từ cảm giác quan trọng hơn nhận thức lô gíc, ý chí, cũng như thực tế quan trọng hơn lý thuyết. Cho nên lý thuyết phải "xuống đường" đi vào thực tế. Những điều này đã khiến ông gần lại với chủ nghĩa Mác, do chủ trương của Mác dùng triết học thay đổi LS (Luận thuyết về Phơ bách).
Nếu nhìn từ Phật giáo trở lại thì cách phân chia nhận thức của Sartre rất là dễ hiểu, tự nhiên. Ngược lại nó sẽ rất khó khi suy từ triết Thiên chúa.Tôi chỉ đưa ra ở đây một vài tương đương. Trong Phật giáo có thuyết "Ngũ uẩn" chia cấu trúc con người ra làm 5 thành phần gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong đó Sắc là hình thức bên ngoài, mà ta có thể tạm hiểu là sự tồn tại bằng xương bằng thịt(thực ra thì không hoàn toàn đúng như thế vì phật giáo là triết hiện tượng, nhưng cứ tạm coi thế cho dễ hiểu, vì đây không phải là bài nói về Triết học Phật giáo). Thọ là sự tiếp súc của 5 giác quan con người với bên ngoài. Tưởng là cảm nhận của 5 giác quan này được đưa vào nhận thức. Hành là sự hình thành các nhận thức, khái niệm đến từ cảm nhận. Còn lại Thức chính là nhận thức tư duy của một con người. Như vậy:
1. Cái tôi dịch là nhận thức tự nhiên (conscience en-soi) chính là tập hợp của Thọ,Tưởng,Hành.
2. Cái tôi dịch là nhận thức tự nhận thức (conscience pour-soi) chính là Thức
Vậy còn khái niệm "Tồn tại trong hoàn cảnh" (être en situation) sẽ là gì. Nó chính là khái niệm "Nghiệp" của Phật giáo. Tôi vẫn hiểu Nghiệp theo nghĩa một sự kế thừa. Mỗi con người sinh ra đều có một sự kế thừa từ truyền thống gia đinh, cách thức được đào tạo, quan hệ xã hội. Nó để lại dấu ấn trong nhận thức mỗi người, quyết định không nhỏ tới cách phán đoán, cách sử sự, cách tư duy dẫn tới hành động của con người ấy. Cái đấy là gì nếu không phải là Nghiệp. Còn tôi lại không tin vào "Nghiệp Báo", luân hồi từ kiếp này qua kiếp khác.Chỉ giữ lại nó như một "tồn nghi" cần chứng minh. Cách hiểu của tôi như vậy có phần hơi nghịch với Phật giáo nguyên thuỷ.
Bây giờ hãy xét xem, cái gì đã dẫn người ta tới sự chiêm nghiệm chủ nghĩa hiện sinh, hay đúng hơn cái gì đã là "cú đá ban đầu" khiến cho ta tìm tới nó. Có lẽ nó có mấy chủ điểm sau:
1. Sự mong manh của sự sống. Con người ta có thể biến đi rất dễ do một sự cố nào đó: ốm đau, bệnh tật, tai nạn...Giữ cuộc sống rất khó, huỷ cuộc sống rất dễ. Mà nhiều khi đó là những sự cố rất vô nghĩa, hoàn toàn không có chủ tâm.
2. Sự cô đơn của mỗi cá nhân trong cuộc đời cũng như những bí mật riêng, những nỗi đau riêng, hay những khoảng trời xanh riêng mà người ta không mang ra tâm sự bao giờ. Vì không phải điều gì cũng nói được.
3. Sự chán nản, nhiều khi là cảm giác vô nghĩa của cuộc đời.
Do những điều này mà trước đây người ta hay đả phá nó, coi nó là sự biểu hiện của sự bế tắc, có khi còn thêm chữ TB vào nữa cho nó sành điệu ;D. Nhưng thực chất đó là sự cô đơn của con người thành thị, cuộc sống thành thị, ở bất cứ nơi nào. Nơi mà các quan hệ xã hội ràng buộc chặt chẽ kiểu "làng xã", sống vì dư luận không còn nữa. Và điều chủ nghĩa hiện sinh muốn nói, là tự ta phải đưa cho ta một ý nghĩa cuộc sống. Cho nên thực chất nó rất HÙNG, bắt người ta phải tự tin vào mình, vì không còn giải pháp nào khác, không thể trông cậy vào ai. Sartre có một câu bất hủ "Con người bắt buộc phải tự do" là nghĩa như thế.
Thuyết Hiện sinh Jean-Paul Sartre đưa ra từ trước thế chiến thứ II, bắt đầu bằng quyển tiểu thuyết La Nausée (Buồn nôn) vào năm 1938 mà Hưng nói là có dịch ở Vn. Ông này còn viết nhiều cuốn tiểu thuyết nữa như cuốn Bức tường (Le Mur), đây chính là cuốn The Wall mà Longatum đọc. Cuốn này hình thức là sự tự sự của một người tù, trước khi bị xử tử thì phải. Nhưng thực ra Sartre mượn cơ hội để diễn giải một cách hình ảnh học thuyết của mình thôi. Ngoài ra còn có cuốn "Từ Ngữ" (Les Mots) rồi "Tồn tại và Hư vô" (être et le Néant). Về nghị luận thì Sartre có viết "Chủ nghĩa hiện sinh là chủ nghĩa nhân đạo" (Existentialisme est un Humainisme). Rồi còn "Phê phán duy vật biện chứng" (Critique de la raison dialectique). Không kể ông còn viết rất nhiều vở kịch, và rất nổi tiếng. Nhưng tôi không xem bao giờ Như tôi đã nói, tư tưởng của Sartre có thể chia làm hai thời kỳ. Từ năm 1938 đến khoảng đầu những năm 50. Có thể gọi đây là thời kỳ "vô thần cá nhân". Thời kỳ thứ 2 là lúc ông bắc cầu qua chủ nghĩa Mác, bằng cách vượt lên trên sự phân biệt chủ quan/khách quan, mà tôi gọi là chủ nghĩa Mác chủ quan, vì ông chỉ lấy nhận thức chủ quan tập thể làm trung tâm, mà không có phần "điều kiện khách quan" kiểu phương thức sản xuất, công cụ sản xuất như Mác. Đây cũng là thời kỳ Sartre hoạt động xã hội, tham gia biểu tình chống chiến tranh Vn, ủng hộ công nhân bãi công, thăm Liên xô, ...Đến gần cuối đời thì ông lại trở về với học thuật về phê bình văn học. Lần cuối cùng ông "dính đến chính trị" là cùng với một số trí thức Pháp ở tất cả các bên (Tả lẫn Hữu) ký đơn yêu cầu chính phủ Pháp mở của đón thuyền nhân Vn.
Hiện nay thì thuyết hiện sinh không còn là "thời thượng" ở Pháp nữa. Sau đó nó đã có chủ nghĩa Cấu trúc (Structuralisme) của Lewis Strauss, rồi Tâm lý của Lacan, phân tích ngôn ngữ của Jacque Derrida và mới nhất là thuyết "Cưỡng chế biểu tượng" (Violences symboliques) của Pierre Bourdieu. Ngoài trừ thuyết của Lacan tôi không mê lắm, vì đòi hỏi một kiến thức tâm lý khá lớn, do ông này phát triển Freud và thuyết của Derrida khó đọc, do liên quan tới ngôn ngữ. Hai thuyết kia, nếu có thời gian tôi sẽ trình làng, vì nó vừa gần với Mác và Phật (theo chủ quan của tôi), nên tôi cảm được hơn. ;D
Đương thời người ta đánh giá Sartre thế nào. Hãy xét thái độ của hai bên Phương Tây và Liên xô với thuyết hiện sinh và Hành động của Sartre.
Với Phương Tây thì thuyết hiện sinh được tiếp đón nồng nhiệt, nhất là phần đầu. Sartre đã chứng minh bằng triết học những điều mà phương Tây vẫn đề cao đó là tự do cá nhân, tự do hành động. Không kể đặc biệt ở Pháp, từ khi thành lập chế độ cộng hoà, nó luôn có tư tưởng chống lại thần quyền Thiên chúa giáo. Nên tư tưởng vô thần, khẳng định con người của Sartre càng tôn thêm sự hấp dẫn của học thuyết này.
Với Liên Xô và Đông Âu thì ngược lại, mặc dù thuyết của Sartre là vô thần, khẳng định con người ,nó lại bị phê phán gay gắt. Vì nó đã động chạm đến một điều "kỵ huý" của những người theo CN Mác kinh điển, đó là "tính khoa học" của CH Mác.
Chủ nghĩa Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX, là lúc mà phương Tây sùng bái khoa học tự nhiên nhất. Thời kỳ này có một sự lạc quan tuyệt đối, tin tưởng tuyệt đối vào khoa học tự nhiên. Người ta tin rằng, mọi chuyện sẽ được giải quyết không sớm thì muộn bằng khoa học. Nhưng qua cuộc thế chiến thứ nhất, rồi sự huỷ hoại môi trường thiên nhiên như ta thấy hiện tại, đã khiến phương Tây ngày nay không còn tin tưởng tuyệt đối vào khoa học nữa. Vì khoa học không có "đầu", không có "thẩm mỹ". Nó có thể tạo ra những công cụ đưa con người lên cung trăng, nhưng cũng có thể huỷ hoại tàn phá tận diệt loài người. Thế cho nên cần có một "ông chủ" cho khoa học.Cái đấy là gì nếu không phải là chủ quan. Chủ nghĩa Mác mang dấu ấn ấy của thế kỷ XIX, cho nên nó tự cho nó là học thuyết khoa học nhất, hiểu theo kiểu khoa học tự nhiên. Không phải Mác nói điều ấy, mà là nhưng người theo Mác nói điều ấy. Nếu nó đã là khoa học, thì bất chấp ý định con người muốn gì, cũng không thể chống lại được, vì khoa học đồng nghĩa với khách quan, quy luật. Người ta tuân theo quy luật ấy thì sống, chống lại thì chết. Cái hình ảnh "Bánh xe LS nghiền nát các thế lực phản động..." là như thế. Như vậy mỹ từ khoa học ở đây được dùng để củng cố niềm tin, và nó cũng khiến người ta tự bịt mắt. Vì tôi đã có cái quy luật to nhất rồi, thì các anh khác nói gì cũng .. là rác.
Còn trong hiện sinh, thì nó đã phân ra ngay là trong khoa học xã hội, những gì liên quan tới xã hội tới con người thì không thể có quy luật khách quan 100% được. Như vậy là nó ..láo , nó phủ nhận tiến bộ xã hội. Từ đó người ta mới quy cho nó là "vô đạo đức", "không phân biệt thiện ác" nên theo hiện sinh sẽ rơi vào "truỵ lạc".
Vì Hiện sinh rất coi trọng thái độ chủ quan của con người, nên ta hãy xét đến thái độ, hành động của chính Sartre. Ở đây thì lại ngược lại. Phương Tây phê phán thái độ thân Liên Xô, thân chủ nghĩa Mác của ông.
Thú vị là họ đã dùng ngay sự phê phán của các nhà Mác xít để nói Sartre, coi việc ông thân Liên Xô là không biết phân biệt thiện ác. Họ chỉ thêm một điều để giải thích sự không phân biệt thiện ác của ông là do ông "vô thần". Đây cũng là một lý do nữa để tôi không xếp ông vào dòng "nhân vị thiên chúa" mà người ta vẫn thường coi là "Hiện sinh hữu thân", như Koi đã trích từ Từ điển.
Ngược lại Liên Xô và Đông Âu lại rất khoái hành động của ông, vì điều này chứng tỏ tính ưu việt của CN Mác.
Như vậy chủ nghĩa hiện sinh đứng giữa hai dòng nước à. Bản thân tôi không tin điều này. Tôi vẫn nghĩ giữa Lý thuyết và Hành động của ông không trái ngược, do tất cả hành động của ông đều dựa trên sự nhận định chủ quan của ông, không bên nào ảnh hưởng được cả.
Vài lời cuối cùng để kết thúc về chủ nghĩa hiện sinh. Jean-Paul Sartre sinh ngày 21 tháng 6 năm 1905. Trúng tuyển vào trường sư phạm (Ecole Normal Superieure) năm 1924. Trường sư phạm Pháp là một trường đại học nổi tiếng, hầu hết các triết gia Pháp đều qua trường này. Ông tốt nghiệp tiến sĩ triết năm 1929, được bổ đi dậy học ở Lycée tại Le Hauvre (một thành phố ở eo biển Măng, gần Bỉ).
Ông sang Đức tu nghiệp vào năm 1933-1934, và bắt đầu nghiên cứu thuyết hiện tượng học của Edmund Husserl. Học thuyết này là khởi điểm cho thuyết hiện sinh của ông. Điều đặc biệt là ông ở Đức vào thời kỳ Đức Quốc xã lên nắm quyền. Tư tưởng thịnh hành của nó là "Trật tự xã hội", "con người siêu đăng", nhưng ông lại hoàn toàn không ảnh hưởng gì.
Năm 1939, Sartre bị tổng động viên vào quân đội Pháp.Nước Pháp bại trận,ông bị bắt làm tù binh năm 1940 ,được thả năm 1941. sau đó trở về sinh sống ở Paris. Ông hoạt động cho kháng chiến Pháp, nhưng vai trò không lớn. Sau đại chiến thế giới, ông thành lập tạp chí "Thời hiện đại" (Temps moderne). Đây là thời kỳ nổ ra cuộc tranh luận giữa Sartre và nhà triết học Vn Trần Đức Thảo. Đây là một cuộc tranh luận tương đối phức tạp, kỹ thuật, nói về thời điểm loài vượn trở thành loài người thì phải. Tôi chỉ nghe nói chứ chưa được đọc bao giờ. Sau đó Sartre có hẹn Trần Đức Thảo một cuộc "đấu bút" nữa, nhưng Sartre bỏ cuộc. Còn Trần Đức Thảo sau đó về Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com