Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

42. Ông Ấm

Ông Ấm! Ông Ấm, chúng mày ơi! Rồi cả lũ kéo nhau chạy, như đuổi theo ông hai Tây làm xiếc, như ra xem cô đồng Bãi mặt đỏ phừng, xiền lình hai mép. Đằng này, ông Ấm trông lạ mắt vì ông thấp hủn hoẳn, mặt choắt hai ngón tay chéo, lại để bộ ria vểnh. Đi đằng sau trông thấy đuôi ria đen nhánh dài quá ra ngoài má, như ria chuột. Người ông "một mẩu", nhưng ông Ấm bước vung tay, lấy điệu trịnh trọng, trường khoát, khuỳnh tay ngai như trong buổi tế đương bước tiến tước ngoài đình. Mặt nghênh nhìn người hai bên, ra vẻ ta đây, trông càng buồn cười.

Đằng sau ông Ấm bước lủi thủi một người đàn bà, khăn vuông tùm hụp, váy chồi nhuộm vỏ dà - dáng khác lạ người vùng tôi.

Tên ông ấy không phải là Ấm. Mà đấy là cái "chức", gọi lên thì ai cũng hiểu đấy là người gần gũi nhà quan. Người nhà quan làm nên hoặc đỗ đạt, được gọi là ông tú, ông cử, ông thông, ông tham, quan huyện, quan thương, quan thượng. Cũng con cháu nhà quan, nhưng đi thi trượt, không làm nghề ngỗng gì, không có học, được gọi là cậu Ấm rồi đến già gọi là ông Ấm, cụ Ấm. Trong họ, nhiều nhà giàu, nhà quan cách nhưng cũng có chi họ nghèo, nhà nghèo, người nghèo.

Cái ông Ấm này, là ông Ấm như thế. Bên nội tôi có họ với bà Ấm. Cũng xa lắc, từ đời tám hoánh. Chúng tôi chẳng tưởng ông ấy họ Lê hay họ Nguyễn. Chỉ đoán chắc họ nhà ông Ấm phải lắm người làm quan.

Nhưng ông Ấm thì nghèo, đích xác là nghèo, nghèo xác nghèo xơ. Nhà ông Ấm dưới ô Cầu Dền. Chỉ có một gian trong sân sâu, tối ẩm ướt như hũ nút. Thỉnh thoảng, tôi được u tôi cho xuống nhà ông chơi. Dù sao, cũng là đến nhà họ hàng ở Kẻ Chợ. Được ăn phở. Bà Ấm đặt cái liễn con đậy vung, xách quang đi mua bát phở một xu rưỡi nhiều nước. Một xu phở không, thêm nửa xu, được phở thịt. Bà Ấm đổ cơm nguội trộn vào liễn phở. Rồi xẻ ra mấy bát chiết yêu. Thằng con bà Ấm và tôi, cả ông bà, cả u tôi cùng chén một liễn chia thành năm sáu bát phở cơm nguội như thế.

Mới đầu tôi không thể ngỡ nhà ông Ấm lại khốn khó. Cả ông bà lúc nào cũng ăn mặc oách lắm. Bà Ấm chững chạc cái áo đoạn thâm, lót sa-tanh cánh chả, giày mõm nhái. Khăn len tua nâu quấn rườm rà quanh cổ. Ông Ấm càng chỉnh tề hơn. Đôi giày ban đánh xì đạt đen nhánh. Quần là ống sớ thẳng tắp.

Đến lúc nghe ông ngoại tôi bình phẩm:

- Chẳng ra cái gì đâu, toàn là lộn kiếp người ta thải đấy mà. Nón dứa cụt mẹ nó cả cái núm chóp bạc kia kìa.

Tôi mới ngớ ra. Mọi khi, trông chiếc nón dứa bóng nhoáng, đã choáng mắt. Nhìn kỹ, quả là cái nón đã bị tháo mất chóp. Tun hút một lỗ xuống đỉnh đầu, thò ngón tay vào ngoáy được. Mép nón đã sờn, rủ tua mành mành. Nhưng khi vào nhà, ông Ấm gác nón cẩn thận lên cái dây mây dưới giọt gianh.

Rồi cứ mỗi lần lại tìm thêm ra những xấu xí trong cái choáng lộn ở người ông Ấm. Những vòng tròn hoa chữ triện to như cái trôn bát trên tấm áo gấm trần. Nhưng ở cuối vạt gần gấu chỉ còn phảng phất màu tím. Các hoa trên thân áo là những vết tròn mờ mờ. Hai bên bả vai. Mồ hôi muối đã ăn ra thành màu xỉn gỉ sắt.

Có đứa reo to:

- Chúng mày ơi, quần ông Ấm có lỗ dán giấy.

Quả nhiên, ống quần ông chỗ thủng đút lọt đồng xu đã dán bịt miếng giấy trắng. Ông Ấm hét:

- Xà! Láo nào!

Lũ trẻ đứng cả lại ngoài cổng. Tôi đã biết lệ mọi khi. Tôi cúi xuống gầm phản, lấy cái thau ra chum múc nước mưa. Tôi khệ nệ bưng đặt thau nước lên đầu hè. Rồi đem đến một đôi guốc mộc, để bên cạnh.

Thấy thế, ông Ấm vuốt ria cười khành khạch, vui hẳn, khác lúc ông vừa nhăn nhó quát.

Ông móc cái ví dạ cá da rắn ráo giắt ở cạp quần, thưởng cho tôi đồng chinh Khải Định nửa xu.

Lúc ông bà tôi ra chào mời ông Ấm vào nhà, ông Ấm nói khẽ với bà tôi:

- Bà lùa con cái Hai nó vào bếp cho tôi.

"Con cái Hai" vẫn đứng ngoài cổng. Bà tôi ra cổng, chen vào đám người trong xóm đã xúm xít đến. Rồi ông Ấm tụt đôi giày ban ra. Ông Ấm xỏ tạm đôi guốc mộc. Ông Ấm vỗ nước mấy cái lên mặt rồi lau mặt bằng vạt áo cánh trong. Ông Ấm cầm từng chiếc giày, giơ lên, té nước. Ông cọ mũi, má giày, miết ngón tay quanh đế, lại lau cả dưới gót. Ông Ấm rửa giày thong thả, kĩ lưỡng. Đôi giày ban cũng chẳng thấy bùn bẩn. Ông rửa chỉ vì đã quen rửa thế. Đôi giầy ướt thượt, bạc thếch như đôi guốc tre. Rồi ông dựng nghiêng từng chiếc giày lên cạnh bậc của.

Xong đâu đấy mới vào ngồi uống nước trong ghế tràng kỷ với ông tôi. Ông Ấm nói như cắt nghĩa cái việc cẩn thận rửa giày vừa rồi:

- Ấy, nhà quan cách người ta, cái xó luôn cũng sạch không một hạt bụi, mà nghĩ cho cùng nhẽ, các thứ trên người, bẩn nhất là cái thằng giày, suốt ngày xéo đất, phải thế không nào?

Ông Ấm cười, hai tay vuốt xoắn làn ria mép.

Mỗi lần lên nhà ông bà tôi buổi chiều, thế nào ông Ấm cũng ở lại. Hôm sau, khi đã đội nón cẩn thận, ông lấy trong ví ra một hào, có khi hai đồng kền năm xu, đã phong bao vào mảnh giấy điều, đưa cho bà tôi, và nói:

- Lấy may, lấy may nhé.

Ông cũng chỉ uống rượu ngữ, chưa đến nửa cút con hươu, mặt đã đỏ lựng. Nhắm có miếng đậu nướng chấm muối. Nhưng chuyện thì rôm rả toàn của ngon vật lạ từ trên rừng dưới bể những nhà ai nhà ai. Cỗ bàn la liệt ăn uống từ nhà ông thông phố Hàng Quạt lên ông phủ Quốc trên Sơn, ông phủ Lâm ở Hưng Hóa. Đến khuya chưa dứt chuyện.

Ngoài ngõ, chốc trẻ con lại reo à lên. Chị Hai vẫn ngồi nép trong xó cổng. Cái khăn nâu mỏ quạ chụp kín cả đầu, cả mặt. Đứa nào xúm lại gần, chị ấy lại giơ tay ra quào. Bàn tay khum lại như chân mèo. Không biết có phải chị Hai dọa dứ hay còn nghe tiếng chửi lẩm bẩm, rì rầm. Thế là trẻ con lại kêu ré lên.

Chị Hai lù lù theo bà tôi vào. Ông Ấm đương ngồi, quay ra, nói to:

- Bà cứ để nó ngoài ấy. Mặc xác nó!

Ông Ấm quên vừa bảo bà tôi lùa chị ấy vào bếp. Bà tôi cứ lẳng lặng. Ông Ấm thôi không nói nữa. Xóm giềng cũng đã quen thấy, đôi khi đến nhà tôi, ông Ấm đem người theo. Ông Ấm đi đưa người, chuyên làm mối người hầu hạ các nhà quan họ hàng ông. Đấy cũng là một việc kiếm ăn của ông Ấm, bà Ấm.

Chị Hai vào ngồi dúi cạnh bếp. Chẳng ai thóc mách, mà khắp xóm đã biết sự tình chị ấy ra sao. Mỗi khi tôi nhớ lại chuyện này, cứ vẩn vơ như nghe chuyện đứa trẻ lạc, đứa trẻ bị mẹ mìn dỗ đi. Không bao giờ thấy nữa, mà bao giờ cũng ngỡ sắp thấy. Người nghe chuyện cũng chung nỗi đau người mẹ phải chịu nhớ thương vật vã cả đời.

Năm trước, ông Ấm đã đưa chị Hai đến ở nhà quan án trên phủ Lạng. Không phải chị Hai vào làm kẻ ăn người ở nhà này như những cô nụ, cô nhài khác. Cũng không phải chị đi ẵm em, ở vú. Nguyên vì, ông án phủ Lạng có đến mấy phòng mà chỉ sinh một đống con gái. Bà án không ưng cho ông lấy vợ lẽ hẳn hoi nữa. Bà nói nuôi những đứa lẽ mọn chỉ tốn cơm tốn của, mà "chúng nó cãi nhau điếc tai". Nhưng bà bằng lòng thu xếp cho người vào cửa nhà bà ít lâu, ăn ở với ông cốt lấy con. Thế rồi chị Hai có mang. Ai cũng biết. Thầy đề, quan huyện tư pháp, nho lại, nhà ông trạm tráng, ông ký rượu ngoài phố, cả đến quan Tây giám binh trên đồn cũng biết chị Hai ở nhà quan án đã có mang. Chỉ những người ác khẩu thì thào, không ra tiếng mà như ai cũng nghe biết, rằng "Chẳng biết con mẹ ấy chửa với thằng tài xế, thằng cai vườn, thằng đội lệ hay là cả ba thằng cùng trèo lên bụng nó mà chóng thế, chứ cái lão mắt trắng môi thâm, nghiện oặt xà lai ấy thì ăn thua gì".

Rồi một ngày kia ông Ấm được tin quan nhắn lên phủ Lạng. Ông Ấm hí hửng tưởng được gọi lên thưởng công vì chị Hai đã đẻ con trai. Không ngờ bà án sai ông Ấm đem chị Hai trả về quê dưới Thái Bình. Đã mượn vú em có sữa tốt rồi, người ta đuổi mẹ đi cho mất hơi hướng.

Ông Ấm dắt chị Hai ra tàu từ lúc gà gáy. Phố xá chưa nhà nào mở cửa.

Nhiều người lúc nãy đứng xem ngoài ngõ lúc ấy đã vào cả cửa nhà dưới. Tiếng trẻ con bảo: Cười đi! Cười đi! Tiếng cười của chị Hai khanh khách rợn lên, tiếng cười của người hóa dại. Hàng xóm cứ chạy qua chạy lại túm tụm trước của. Bà tôi lên bảo:

- Cái Hai nó đi đâu rồi...

Từ nãy chị Hai nằm đắp chiếu ở xó bếp. Chị vừa trở dậy, bước ra. Tưởng chị ra ngoài sân.

Nhưng mãi không thấy vào.

Ông Ấm đã ngà ngà rượu. Ông phảy tay:

- Mặc xác nó!

- Ông ạ, hay là người ta uất quá người ta dại dột đâm liều. Xóm này cũng lắm ao chuôm... Ông Ấm lại gắt:

- Đã bảo thây kệ nó mà. Tội vạ đâu Ấm mỗ này chịu cả.

Nhưng bà tôi không thể bằng chân như vại. Bà tôi quanh ra gốc đa, gốc gạo, gốc nhãn rồi mò mẫm xuống bờ sông lại ra ngoài ao đền. Chẳng thấy tăm hơi.

Một lúc thật lâu, tư dưng chị Hai ở đâu lù lù về.

Cả đêm, văng vẳng tiếng khóc. Chị Hai khóc tức sữa. Hay chị Hai khóc nhớ con. Có lúc thấy bóng người như cái gốc chuối ngay đầu giọt gianh. Chị ra đứng đấy.

Sáng sớm, ông Ấm đã đội nón chóp, cắp đôi giày ban vào nách, ra đi. Chị Hai lùi lũi theo sau. Người trong xóm, ai cũng nói, cái nhà chị Hai này đến phát rồ mất rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com