Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

44. Hội Tây

Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp hàng năm vào ngày 14 tháng 7. Người ở phố cũng như ở làng quen gọi là hội cát tó[1], hội Tây. Mà hội Tây thật chứ không phải hội ta, không giống hội ta. Chẳng nhà nào cỗ bàn, thắp hương, như mọi ngày hội, ngày tết trong làng xóm, ở phố xá. Chẳng nhà nào rượu chè, ăn uống. Cả những nhà có máu mặt cũng im lìm. Người ta chỉ kéo ra phố xem mọi trò vè lạ mắt, mà hội làng không có.

[1] Cát tó (tiếng Pháp): mười bốn.

Nhà ông cai Mấu, ngày trước ông cai đã đi lính sang Tây. Chẳng biết ông đã đóng chức cai chưa "Ba năm đi lính trở về. Súng trả nhà nước, ắc ê hãy còn", ai đi lính về cũng cứ được gọi là ông cai, ông ách, bét ra cũng là ông binh, ông quyền, ông bếp. Làng nước rõ khéo đặt nịnh chức tước. Nhà ông cai Mấu có cái ao dài. Mỗi năm đến ngày hội Tây, ông cai mở trò chơi bắt vịt ở ao nhà ông. Lặn đuổi vịt, và phải tóm được chân vịt từ dưới nước. Có cả chục trai làng hụp xuống ao. Loạn xạ suốt. Năm nay lại thêm trò mới. Ông cai Mấu cầm cái cần câu đứng đầu cầu ao. Dây câu buộc chiếc mũ thổ công giấy vàng chóe. Người lặn xuống, thình lình nhô lên, đội trúng vào mũ, thế là có thưởng đồng "săng căng" kền năm xu.

Ông cai Mấu làm hội Tây ở nhà ông. Người xem cười đến tận chập tối. Nhưng chẳng ai lặn bắt được vịt và nhô lên trúng cái mũ thổ công. Tối rồi, ông cai sai anh Mấu bơi ra đuổi con vịt lên. Con vịt lặn hụp chạy người cả buổi, đầu ngấm nước tét lại bằng đầu con le. Và cái mũ thổ công treo đầu cần câu đã ướt tuột hết giấy, chỉ còn trơ nan.

Năm nào chúng tôi cũng ra ao dài xem hội Tây nhà ông cai Mấu. Chưa bao giờ thấy ông cai mất một con vịt hay đồng năm xu tiền thưởng. Nhưng người lặn bắt vịt và người xem vẫn đông.

Rồi kéo lên chợ. Các đám leo cột mỡ, liếm chảo, đập nồi, bịt mắt bắt dê, chạy bị. Những trò ấy quan đồn Tây bày ra.

Toàn trò chơi cù người ta cười. Ngoài phố, các chợ, các ngã tư, đâu cũng những trò vui như thế. Trước cửa tòa Đốc Lý có điểm binh. Buổi tối, nhà binh rước đèn từ trong thành ra đi vòng Bờ Hồ.

14 tháng bảy, quốc khánh nước Pháp. Nguyễn Công Hoan cũng đã kể một lần có đám rước đèn một ông đã tinh nghịch ném gạch vào. Nhưng trong quyển Xứ Bắc Kỳ ngày trước của Cờ-lốt Bua-ranh, một người Pháp đã đem một gánh kịch nói bên Tây sang diễn kiếm ăn ở Đông Dương, có tả một ngày điểm binh hội Tây kỳ quái như sau:

"Ngày 14 tháng 7 năm 1890 được đánh dấu bằng một cuộc diễu binh có quân kỵ mã tham gia. Các đoàn quân hùng dũng đi. Cuối cùng, tới một đám quan trọng, đội nhạc binh kèn đồng bóng nhoáng dàn đều đằng trước đại đội lính ngự lâm oai vệ, áo choàng đỏ, ủng cao ngang đầu gối, gươm dài chấm khoeo. Đoàn quân bước vuông như bàn cờ. Rồi đến những cỗ xe bốn ngựa kéo. Trong xe có quan năm, quan sáu võ, có cả ông bảy toàn quyền Đông Dương. Các quan ngồi, mặt nhìn thẳng cứng. Những cánh tay và cầu vai lon vàng, lon đỏ rực rỡ.

Chặp tối, có đoàn người cầm đèn lồng, đèn xếp, lại cả đuốc trong thành bước ra. Bây giờ mới tới chỗ vui hơn cả.

Vui nhất khi một tiểu đoàn trá hình diễu qua. Đấy là mấy trăm người lính tập An Nam mặc giả làm đàn bà da đen nước Đa-hô-mây bên châu Phi.

Để làm giả người phụ nữ Đa-hô-mây, các ông cai đã lột trần từng người lính An Nam ra, lấy cồn trộn bồ hóng trát đen nhóng nhánh khắp người, cả chân tay mặt mũi. Môi thì bôi đỏ. Hai mí mắt phiết kem trắng. Mắt cứ nhấp nháy đen trắng như ánh chớp trong cơn mưa. Mớ tóc giả quăn queo buông xuống đến lưng, bụng thì độn phồng một túi mạt cưa, phủ chiếc tạp dề vải xanh, trên cái váy xòe vẽ hình một mảnh mặt trăng khuyết như cái miệng ngậm đầu ngón tay. Ở ngực mỗi người buộc hai chiếc bong bóng lợn nhuộm đen thành hai cái vú giả thỗn thễn, chỏm vú chấm phẩm đỏ hây, mỗi bước đi lại bần bật nảy lên. Đầu mỗi người chụp một cái mũ chỏm loe cắm chiếc lông đuôi công dài hơn một thước. Thế là đã đầy đủ thành một ả da đen Đa-hô-mây chính cống.

Mấy trăm người lính tập An Nam đã biến ra những cô gái Đa-hô-mây đen bóng, hai cái vú bong bóng lợn cỡn lên, trăm người, trăm người đi đều bước giống nhau như đúc, mà đi rất nghiêm. Qua đến đâu, hai bên đường rầm rầm nổi lên những tràng vỗ tay và những cơn cười lăn ra".

Tôi cũng đã nhiều lần đi xem điểm binh, nhớ nhất một năm bị đội xếp đánh dẹp chỗ.

Phải đi từ gà gáy. Họa may mới tranh được chỗ đứng. Chỗ hay nhất là quãng trước cửa nhà Đốc Lý nhìn sang Bờ Hồ. Đứng đấy, trông rõ các quan tây quan ta ngồi ghế chéo sơn xanh trên bục gỗ. Lại được xem các đoàn lính, đoàn ngựa, các cỗ xe song mã, tứ mã. Diễu binh đến đấy, làm thế nào mà ngựa không hí, không đá nhau, không ỉa đái gì sất và ai cũng chào trợn mắt vênh nghiêng cằm oai nghi qua trước mặt các quan khách.

Chúng tôi chọn được một chỗ đứng dưới bóng cây. Chúng tôi đến từ lúc tờ mờ đất, người đi xem còn loáng thoáng, mặt hồ bốc sương mù mịt. Rồi trời sáng dần, người đông, rồi đông ngột lên. Chen ních vòng trong vòng ngoài, nhưng tôi vẫn bám được mép hè, mặc dầu bị đẩy lui đẩy lên túi bụi.

Ngoài đường, đội xếp đã tới dàn ra hai bên. Đoàn diễu binh sắp đến, sắp đến rồi. Hai bên đường càng nhộn nhạo khúc rồng rắn quẫy lên. Lớp ngoài cùng đẩy vào, ở trong tràn xuống.

Thế là bọn đội xếp vành ngoài quay lại. Chiếc dùi cui cao su trắng quật đôm đốp như mưa xuống đám người đương đun đẩy nhau.

Những người đằng trước bỗng lùi tùn tụt lại. Nhanh đến nỗi có người ngã ngửa. Một bọn đội xếp khác đã nhảy vào quật dùi cui xuống phía trong. Thế là người đứng ngoài cứ giãn ra.

Tôi đứng trong. Bốp, bốp, hai ba bốn phát dùi cui bỗng nhiên choảng xuống vai. Tôi ngã ngồi thụp. Những đứa đi cùng kéo tôi ra cho xung quanh khỏi dẫm lên. Tôi ngã xuống trên cái vệ rễ cây đa xù xì. Ngã xuống thì tỉnh ngay cơn choáng thôi. Cũng chẳng đứa nào biết mà để ý. Từ sáng chưa có cái lót bụng, nên lảo đảo như ngất đi. Ai nấy còn mãi nghển nhìn ra ngoài kia. Tôi lại ngoi ngóp nghển đầu, kiễng chân. Trong lòng đường, tiếng kèn đồng đã nổi lên rộn rã, tiếng chân giày "săng đá" loạt loạt kệt kệt đều bước.

Bây giờ đi qua Bờ Hồ, quãng trông sang xế cửa nhà máy điện, vẫn nhìn thấy cái chỗ gốc đa rễ vè uốn khúc rồng chầu ấy.

Ối giời ôi, hội Tây, hội Tây. Như bài thơ Hội Tây, của Nguyễn Khuyến (1835-1909) - cụ cười lỡm:

Kìa hội Thăng Bình, tiếng pháo reo

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo Bà quan lếch thếch xem bơi chải

Thằng bé lom khom nghé hát chèo

Cậy sức cây đu nhiều chị nhún

Tham tiền cột mỡ lắm anh leo

Khen ai khéo vẽ trò vui thế

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com