Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

50. Đi phu mộ

Những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, quãng đầu ô các thành phố, các tỉnh thường thấy dán những tờ giấy như tờ giấy lệnh trong cái khung gỗ chằng dây thép mắt cáo.

Mỗi chữ to bằng nửa đốt ngón tay.

Thông cáo ai muốn đi Nam Kỳ và Cao Miên.

"Sở mộ phu Nam Kỳ và Cao Nguyên báo cáo để anh chị em ai muốn đi Nam Kỳ, Cao Nguyên biết.

Theo sắc lệnh năm 1927 và năm 1928 của ông Toàn Quyền Đông Dương, ông Thống Sứ, và ông Tổng trấn Bắc phần chuẩn y, bản ban sẽ được mộ phu đi Nam Kỳ trồng trọt.

1. Năm đồng một ngày, gạo phát, đồ dùng rẻ, như thịt bò 1,70 một cân. Đến chỗ làm, nếu không muốn thổi nấu lấy thì được ăn và Sở và phải trả 1,80 một ngày.

2. Lúc đi được lĩnh không mất tiền một bộ quần áo, chăn, áo tơi, nón, chiếu.

3. Có chỗ ở của Sở và nhỡ ốm đau có quan thầy thuốc trông nom không mất tiền.

4. Khi đã biết công việc lấy nhựa sẽ được hưởng thêm 0,50 một ngày.

5. Sở nhận nuôi ngay từ lúc ký giấy đi.

6. Gia đình có con nhỏ có thể đi được.

7. Tiền tàu đi về Sở chịu cả.

8. Giờ làm việc theo sắc lệnh của thanh tra lao động Việt Nam và Pháp.

Vậy ai bằng lòng đi xin đến bản Sở ở tại số nhà 1 Immobilière (phố Belgique Hải Phòng).

Buổi sáng từ 9 giờ đến 11 giờ. Buổi chiều từ 3 giờ đến 6 giờ".

Ở làng tôi xưa nay đã nhiều người đi phu mộ Nam Kỳ, Cao Miên, đi Tân Thế Giới - các đảo thuộc địa Pháp ở châu Đại Dương và Nam Mỹ. Mỗi phen hàng họ nghề giấy, nghề lụa ế ẩm, người ta bỏ làng đi là thường. Từ đời các cụ đã thế. Đến như khi tôi biết, rải rác lâu lâu lại có người đi. Lắm người đi nhất, ấy là mấy năm kém đói, từ quãng 1940 đổ về sau.

Các giấy thông báo kia dán khắp các tỉnh. Nhưng ai muốn đi thì phải xuống sở mộ ở Hải Phòng. Sở mộ đặt bàn giấy ở Hải Phòng. Nó nghĩ cũng đã đáo để cùng kiệt. Không chịu mất tiền đón người các nơi. Nhà mộ chỉ phải chở tàu thủy người từ Hải Phòng đi.

Mà không dễ dàng ai đi cũng được. Mày vào Sở mộ, lớ ngớ đưa thẻ thân ra. Người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, ở Vĩnh Yên, ở Yên Bái, thì đừng hòng bước ra không. Nghệ Tĩnh gốc cộng sản. Vĩnh Yên, quê ông Nguyễn Thái Học. Yên Bái đã nổi loạn. Quê mày ở đấy à? Vờ đi phu mộ để làm hội kín, làm loạn à? Đứng im. Tây chủ mộ sai loong toong thẳng cánh vụt mấy chặp roi mây vào lưng vào đít, lại cho thêm vài cái bạt tai, rồi đuổi ra. Thế là còn may.

Và những điều Sở mộ viết trên giấy chẳng giống chút nào với việc thực đi phu mộ. Tôi cũng đã mắt thấy tai nghe.

Tàu thủy cặp bến Sài Gòn. Phu lên ở tạm các nhà "Tân đáo" xóm Chiếu bên Khánh Hội. Lúc nào xóm Chiếu cũng nhong nhóng cả nghìn người đợi đi. Các sở cao su ở Dầu Tiếng, Quảng Lợi, Đất Đỏ, Lộc Ninh, ở Thủ Dầu Một, ở Tây Ninh và đồn điền Chúp bên Kông Pông Chàm xuống lấy người. Bấy giờ mới chia phu đi. Sở mộ nói "gia đình có con nhỏ có thể đem đi được" nhưng cái lúc giao phu, các đồn điền chọn từng người. Thật ra cái nhà mộ phu ở Hải Phòng chỉ là nơi đi mua người để ăn hỏa hồng của các đồn điền, khéo khoác lác bịp trên giấy thông báo thế. Đồn điền này có thể tuyển chồng, không tuyển vợ, và có cho đem con theo hay không, tùy người ta. Chồng đi Chúp lên Cao Miên, vợ đợi đi Đất Đỏ. Trong tay chủ hãng, người cu li như cá nằm trên thớt rồi.

Một dạo, tôi đã ở lâu vùng Dầu Tiếng đồn điền hãng Mi-sơ-lanh. Tôi được chứng kiến những điều ghi ở giấy thông báo, đến lúc thành việc thì thế này đây.

Đồn điền Dầu Tiếng là "nước" riêng của hãng. Giữa cánh rừng, từng lô nhà ở thành khu, gọi là làng, có đình chùa, nhà thờ - ngày nay vẫn còn lại những tên làng 1, làng 2, lô 5, lô 7 ở Bến Cát. Chỉ có phu ở Bắc vào. Sở cũng không mộ phu miền Nam. Các làng ở thành dãy nhà liền vách, từng gian một. Có gác dang Tây đen và người Khơ Me đi tuần đêm. Thị trấn Dầu Tiếng và chợ ở xã trong các lô cao su là đất của hãng, chợ của hãng có cách mua bán sinh sống riêng. Phu không có tiền lương, hãng phát phiếu tích kê hàng tháng. Cân gạo, tĩnh nước mắm, cả cái tay cầm, cái chã đất cũng mua bằng tích kê. Đến như phu cầm bán, đổi chác quần áo, đồ đạc và ăn uống, đánh bạc, cũng bằng tích kê với nhau.

Cái thẻ thân của phu thì Sở mộ thu từ Hải Phòng, giao thẳng cho chủ hãng giữ. Không có giấy tờ, phu không dám trốn. Một lần, tôi gặp trong một làng rừng ở Bến Rãy một ông đầu đã bạc, từng là phu cao su. Ông ấy nói trước quê ở Ngọc Hà ngoài Hà Đông. Đi phu mộ rồi trốn ra. Không có thẻ tùy thân, không dám thò mặt đến thành phố. Cứ quanh quẩn làm lực điền cho nhà giàu ở các làng. Đã ngoài hai mươi năm rồi. Nhiều nhà các ông hội đồng, ông hương quản, cả nhà các thầy su của hãng có dinh cơ vườn ruộng trong làng cũng được nhiều người phu trốn đến ở làm tôi tớ suốt đời, như thế.

Hãng bổ mỗi đầu phu phải trông nom, sửa sang, cạo mủ hai hàng chín trăm cây cao su. Đến mùa cạo, sáng sớm chạy hai lần đôi bên hơn bốn trăm cây. Một lần đặt chén và cạo. Một lần trút mủ vào xô, rồi xách ra xe ô tô đậu đầu rừng.

*

* *

Ở làng tôi, đã có người đi phu cao su rồi mất tích. Có người hết hạn công ta, xuống Sài Gòn làm ăn. Chẳng mấy người trở về. Nhưng cũng có những người vẫn xoay xỏa được trong cảnh khốn khó ấy. Người ngoại ô thường ranh ma giỏi bắt chước, xoay xỏa.

Một dạo, bỗng dưng thấy biến mất thằng Điều. Nghe ngóng các nơi, chúng tôi đoán không lẽ Điều đã bị bắt. Điều hoạt động hăng hái hồi phong trào ái hữu Hà Đông. Nhưng hỏi đâu cũng không ra tăm tích.

Đến khi nhận được thư, mới biết Điều đã đi phu mộ vào Dầu Tiếng. Ba năm sau, hết hạn công ta, Điều về làng. Tôi biết thêm về cái địa ngục cao su nhờ Điều kể.

Cuộc sống trong làng dạo này còn còm cõi hơn khi trước Điều ở nhà. Bước vào năm 1943, đói to đến nơi.

Điều nói:

- Tớ lại đi đây. Anh em bảo:

- Nghĩ cách nào khác hơn không? Khổ chết người, còn đi phu cao su làm gì!

- Tớ chỉ nhờ cái vé tàu của Sở mộ vào thôi, còn sau đi đâu thì tùy.

Điều kể cho chúng tôi nghe Điều sẽ đi thế nào. Rồi Điều làm đúng y như thế.

Đầu tiên, đến nhà lý trưởng mua cái thẻ thân giả một đồng bạc. Rồi xuống Phòng, vào Sở mộ. Đã thạo cung cách cả rồi, ở đấy vài ngày được lùa xuống tàu vào Sài Gòn. Lại lên "tân đáo" xóm Chiếu. Rồi luồn lách, được mộ lên Dầu Tiếng, nơi Điều đã thạo thung thổ.

Hãng phát quần áo cho phu đi làm. Một hôm, Điều đóng bộ quần áo mới rồi ra chợ. Đánh chén một trận, rồi đi thẳng. Hãng có đội xếp, mã tà canh gác cả ngả đường ra vào. Nhưng quần áo Điều còn trắng phẳng phiu, chưa dây mủ cao su. Lính chỉ chú ý bắt phu trốn quần áo có dính mủ. Điều mặc quần áo mới như người trong miệt rừng chở củi ra chợ và đi chơi chợ ăn nhậu nhân thể.

Về đến Thủ Dầu Một, trong mình đã sẵn cái thẻ thân thật, được nhờ gửi vào trước.

Năm sau, tôi vào Nam, lên Nam Vang, xuống đến Kam Pốt gặp lại Điều. Lần này, Điều trốn ở Dầu Tiếng về Sài Gòn cũng chẳng tìm ra việc. Rồi theo anh em đi Kam Pốt làm thợ dệt.

Điều lại cười, méo cả miệng:

- Khi nào về làng, muốn đi chơi Sài Gòn tớ lại xuống Phòng nhờ Sở mộ cái vé tàu. Thạo rồi mà.

Nhưng rồi chẳng bao giờ Điều còn trở về làng.

*

* *

Hồi làm ở sở Quảng Lợi, thỉnh thoảng Điều gửi thư về. Khi là tài liệu, khi là cái truyện ngắn hay bài thơ. Điều và tôi hồi ấy đương ham tập tành làm thơ. Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi có viết lại một cái truyện ngắn của Điều rồi đăng báo "Hồn Nước" cơ quan Trung ương đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam ở Hà Nội. Quên mất tên truyện, chỉ còn nhớ truyện miêu tả quang cảnh Nam Vang, phát xít Nhật trong chiến tranh, đã lấy thành phố Nam Vang làm trại tù giam giữ tù binh Anh bị bắt ở Singapo, Mã Lai, Miến Điện đem về đấy. Chiều chiều lính Nhật giải tù binh ra sông Mê Kông tắm.

Và nhiều tài liệu của Điều gửi cho tôi nói về đời sống làm phu cạo mủ cao su. Sổ tay tôi còn giữ được nguyên văn một đoạn những cái Điều đã ghi về vùng cao su thời ấy:

"Sở Quãng Lợi có 9 sở lẻ: Sốc Gôn, Phú Miêng, Sốc Chào, Sacô 1, Sacô 2, Sacô 3, Sốc Xim, Tắc Lít, Chà Thanh.

Công việc quanh năm từ sáng đến chiều - Sáng cũng như chiều làm các việc kể sau đây: Trong livê làm hằng ngày kê những công việc này làm cả ngày, tùy mùa và cả năm thay đổi theo 12 tháng, nhưng vẫn những công việc như thế:

1.Đào lỗ cuốc gianh, cắt cành đau. 2 - Trồng cây, đánh cây. 3 - Đắp đê, cuốc líp. 4 - Sặc cai. 5 - Làm đất, sửa sang quét dọn trong sở. 6 - Làm đất, làm đường. 7 - Đi trút mủ buổi chiều. 8 - Phát băng. 9 - Chặt lò ô (Khoán 1 người 50 cây). 10 - Chặt cóc biển. 11 - Quét lá, đốt lá. 12 - Nấu bát, chia phần cây.

Việc ăn uống từ đầu năm tới cuối: gạo đỏ như màu củ nâu của hãng Pháp, mà cũng không đủ ăn. Mỗi tháng 2 kỳ gạo. Thức ăn chỉ có cá khô. Thịt heo mỗi tháng mua hai kỳ, mỗi kỳ một kilô giá 0,50. Không phải thịt heo, mà chỉ có xương và da heo. Tranh nhau mua, hết không mua được thì thôi.

Mỗi tháng lĩnh 2 kỳ tiền rồi kẻ rượu, người chén thịt chó, một cắc (hào) một đĩa. Lĩnh tiền ra, kẻ lôi túm áo chửi rủa, trông ra thì đấy là các bà cai ông cai đương đi khua tóm từng người, bắt nợ.

Mỗi kỳ tiền, dân mủ được nghỉ 3 buổi chiều. Nhưng lại phải sửa phần cây hoặc bóc mủ đất chẳng hạn. Không đi làm thế thì ba dăng và cai nó cũng không để yên thân.

Các thảm họa 1) Chặt tay vì cai đánh đập quá. 2) Nhảy xuống suối tự tử. 3) Thắt cổ vì ốm không được nằm nhà thương.

Ở Phú Miêng có các ông cai 54, 53, 27, ba ông này đánh chết người là thường, đánh dập lá lách không có gì là can hệ, còn người chặt tay ngay trước mặt các ông cũng khá. Số những người trốn vào rừng bị hùm beo bắt ăn thịt uổng mạng thì luôn luôn.

Ở các nhà thương có ông huyện Đậy và thầy Sửu còn nhân đức hơn các ông cai kia. Người nào có chết đến bụng mới hòng nằm nhà thương, còn loàng xoàng năm bảy ngày không ăn được cơm thì đừng có hòng dò đến mà mất mạng.

Buyarô của thầy Sửu được coi là nhân đức mà oai vệ không sao nói xiết. Có những thứ sau đây: 2 cái bàn vả, 2 cái hèo với đôi mũi đồng của thầy rắn không khác một cục sắt để nguội để bốp vào ống chân xem những anh ma lát vờ hay thật. Còn những anh xem vẻ ốm loàng xoàng thầy dùng bàn vả và hèo đánh là thường. Xem ra không phải là ốm thì bắt về sở cúp ba ngày làm không công không gạo, sáng sớm ra sân điểm chạy, 5 hôm rồi đưa một lượt roi quất vào đầu óc mình mẩy rồi mới được đi làm, thực là một sự đau lòng cho ta.

Các thứ ăn chơi về ngày tết ra sao - 27 tháng chạp. Bao nhiêu làm ăn vất vả và đau khổ một năm đã quên hết. Chỉ thấy chỗ nào cũng bàn tán về sự ăn và chơi bời trong 10 ngày tết.

Đêm 28, ở trong rừng rậm còn nảy ra những ánh sáng lập lòe của những bó đuốc của những cu li vẫn đương cạo nhựa.

7 giờ sáng sớm, những cai la hét dân chút nhựa, hơn 7 giờ về tới nhà điểm nhựa, ăn uống xong ra lĩnh tiền, đi chợ mua đồ Tết, còn bao nhiêu đem đến đám lắc đĩa, hoặc là ăn hết. Người mua được cái quần cụt, người mua cái áo ngắn. Còn tiền thì mua tĩnh nước mắm kho cá để ra ngoài Tết sài.

Ngày Tết, thỉnh thoảng thấy năm ba người quần trắng áo thâm dắt nhau nhởn nhơ trong lô cao su, chẳng khác chim sổ lồng. Trong sở lẻ thì thế, trong sở chính có các thú vui như bịt mắt bắt dê, đánh vật, đập niêu, nhảy bao bố v.v.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com