Chương Bảy
Xếp gọn đồ trong nhà kho, Giao Long vừa ngồi tự kỷ vừa để mái tóc lo hết mấy chuyện quét dọn. Dù bình thường Hồng Ma sẽ lo hết, và mình chỉ việc ngồi chơi, hôm nay Giao Long bỗng nổi hứng đi dọn dẹp. Dĩ nhiên, Hồng Ma đồng ý. Có vẻ ả quỷ lửa ấy không muốn làm bạn nó mất vui. Mà Giao Long thì còn gì vui nữa? Thậm chí ngay lúc này, Giao Long tự hỏi, bao giờ thì cái chuyện này chấm dứt?
Khẽ chạm tay lên bờ má lạnh ngắt, Giao Long nén một tiếng thở dài. Còn tầm bảy tháng nữa là đúng hai mươi mốt năm từ khi cô thành cương thi. "Bán thi quỷ", cái từ chết tiệt ấy đã theo ám cô từ dạo ấy rồi. Người không ra người, thi không ra thi, Giao Long biết, mình chỉ là một mảnh tàn hồn mắc kẹt trong cái thân xác tạm bợ, chắp vá từ cơ thể cũ và máu Hồng Ma. Nhỏ đó nói đúng, dạo này cô hồi tưởng hơi nhiều, suy nghĩ cũng mông lung hơn hẳn. Mấy bữa trước lại còn cười nữa.
"Cười... à?"
Giao Long thậm chí đã quên mất nụ cười của mình là như thế nào. Tự bao giờ nhỉ, cô nghĩ thầm. Cái đêm hôm ấy chăng? Mà nó là đêm gì? Cô thở dài, chẳng là gì ngoài cái đêm mình chết cả. Chết dưới lưỡi dao và ánh mắt đầy ghê tởm của cha ruột. Thậm chí tận lúc đó, khi những người họ hàng mê tín, diên rồ vẫn còn hơi chùn tay, lão già đó đã thẳng thừng nói chưa từng coi Giao Long là "người" chứ đừng nói là con lão. Cô biết, trong mắt cha, mình không hơn gì cái nam châm hút ma quỷ. Nhưng lúc đó, trái tim cô đau lắm. Quặn thắt. Cho tới cuối cùng, cô chỉ muốn ông ấy gọi mình một tiếng "con" thôi mà. Nhưng có bao giờ được nữa đâu...
Thừ người ra trên sàn, vây quanh bởi những chiếc thùng và tủ gỗ cũ kỹ, Giao Long khẽ ngẩng lên, nhìn xung quanh như tìm cái gì đó. Nhưng là gì? Cô không nhớ. Mái tóc, thứ đã luôn theo Giao Long từ tấm bé, liên tục sục sạo vào từng ngóc ngách, mang theo mấy cái giẻ ướt để lau chùi cho bằng sạch hết. Cô cũng nhìn bằng tóc, nhìn qua những "con mắt" ẩn trong đó. Một kỹ thuật nhỏ học của Hồng Ma, nhưng cô chưa trình tới vậy. Tầm nhìn của Hồng ma bao quát toàn tàu, thậm chí cách xa vô cùng cũng thấy được. Con dở ấy, chẳng như cô, có thể trực tiếp nhìn xuyên không gian chứ chẳng cần vật trung gian gì cả. Nghĩ tới đó, Giao Long thấy hơi ghen tị. Hồng Ma, cô ta có mọi thứ mình muốn. Sắc đẹp, quyền năng, thậm chí là khả năng vô tư thể hiện cảm xúc, điều mà những cương thi dưới thi quỷ hoàn toàn không làm được.
Boong... Boong... Boong...
Chuông đổ. Nhìn cái đồng hồ quả lắc lớn treo trên vách, Giao Long thấy đã mười giờ sáng. Ngoài cửa, nắng vàng hắt qua những ô cửa sổ tròn, rọi vào hành lang dài dẫn lên đài chỉ huy. Ấy vậy mà trong kho, cái nơi được vây kín bởi bốn bức tường thép, hoàn toàn không có xíu nắng nào. Nguồn sáng duy nhất trong phòng là mấy cái đèn huỳnh quang ma thuật chạy bằng ma pháp xúc tác hơi nước và thủy ngân, thứ được vận chuyển khắp tàu qua các đường ống đặc biệt để tránh độc. Dù thế, Giao Long không quan tâm. Cơ thể này nhiễm độc thì có sao đâu chứ? Cô cũng chết rồi mà.
Ngưng tự kỷ chút, Giao Long tập trung điều khiển tóc mình. Hiện tại cô đã có thể khiến chúng làm mấy trò phức tạp như chơi đàn hay làm việc nhà, nhưng điều đó có nghĩa là phải đồng thời điều khiển hàng chục chi khác nhau. Thực sự rất mệt, Giao Long nghĩ. Vậy mà Hồng Ma chơi cả cái tàu to kềnh càng này mà chẳng chút nhọc công, lại vừa điều khiển vừa làm mấy trò tào lao nữa chứ. "Phân tách ý thức" thực sự là một trò rất tuyệt, và bây giờ Giao Long mới chỉ ở cái mức nhập môn thôi. Còn cả một chặng đường dài để học nữa.
Cạch!
Cái gì vừa ngã?
Quay sang, Giao Long nhìn vào cái thùng đồ cũ từ thời còn làm lính đánh thuê tận Valhöll. Chiếc hòm cũ mèm, màu sơn vàng đã xỉn đi nhiều nơi với lớp bụi dày phủ trên thực sự khiến chẳng ai muốn động vào cả. Bên cạnh nó, khẩu súng trường nạp đạn thoi vửa đổ. Lọn tóc lau dọn chỗ đó chắc hẳn đã vô tình đụng trúng nó. Bất thình lình, một cảm giác hối thúc mãnh liệt giục Giao Long đứng lên, tới xem chiếc thùng. Mà lười quá, chẳng muốn đứng nữa... Thành ra, cô không dậy mà vẫn ngồi khoanh chân, nhưng toàn thân lại lơ lửng giữa không trung và bay từ từ tới đó. Mái tóc cô dài dần ra, đảm bảo bản thân vẫn có thể lau dọn hết mà không bị khoảng cách cản trở.
Nhặt khẩu súng lên, Giao Long ngắm nó như thể gặp lại người bạn đã lâu xa cách. "Gewerh 1896", súng trường tiêu chuẩn của bộ binh Valhöll vào thời điểm diễn ra cuộc xung đột ở tuyến Siegfried. Làm chủ yếu từ gỗ thông ép với nòng thép dài có rãnh xoắn và hộp đạn cố định, nạp đạn bằng kẹp năm viên, nó đã từng là người chiến hữu không thể tách rời của Giao Long trong cái khu hào lầy lội, chuột cống tắm sình, bùn ngập quá gối ấy. Bắn tốt, đường đạn căng, lại có thể cho gấu mẹ vĩ đại banh sọ với một phát duy nhất, thứ này từng được gọi là "đại bác cầm tay" bởi cả hai phe khi ấy, và lính Valhöll cưng nó còn hơn người yêu nữa.
Cầm thứ vũ khí đã từng cùng mình vào sinh ra tử không biết bao lần, Giao Long tự nhiên buồn vui lẫn lộn. Cùng thứ này, cô đã xuyên táo kha khá mạo hiểm giả, đám đánh thuê mạt hạng của Gaullia, hay lắp lê và xiên ruột những tên gián điệp. Nhưng nó cũng khiến cô buồn nhiều. Những lần buộc phải bắn đồng đội đào ngũ thực sự là ký ức khó chịu nhất mà cô có. Điều kiện sống kham khổ và sự thất bại liên tiếp của quân ta khiến nhiều lính bỏ trốn, và cô luôn thực hiện việc xử tử họ. Nghĩ tới việc phải bắn mấy người mới ban nãy vẫn còn ngồi ăn, nói chuyện vui vẻ với mình, thực sự không phải điều ai cũng chấp nhận được.
Nâng khẩu súng lên đúng với cái tư thế mình từng cầm hồi đi lính, Giao Long thấy hơi mắc cười. Hồi đó cô vẫn dùng hình dạng con người, cao chỉ tầm mét bảy, khá lùn so với mấy ông Valhöll toàn cỡ mét tám. Khẩu súng làm theo tạng người họ cũng khó vừa với cô, do người Valhöll chủ yếu là Ein Nord khỏe như trâu, dễ dàng chịu được cái lực giật có thể nắn lại bả vai vừa trật do lực của phát bắn trước.
Đó cũng là lần đầu tiên Giao Long nhận ra sức mạnh cương thi thực sự rất hữu ích, kể cả trong dạng con người thì cô cũng chỉ hơi tê vai chứ chưa tới nỗi trật, dù tiếng súng bắn thì chắc sấm chớp cũng chào thua. Thậm chí nhiều người lính còn đùa rằng con nào, trừ golem và tàu chiến, bị cây này bắn mà không chết thì con đó... bất tử! Giao Long biết, và cũng từng chơi ngu nữa. Nếu cầm không chắc, có khi nó giật một pháp đập ngay mặt! Cô bị rồi, khoảng ba lần, và sau này chừa luôn không dám nhây nữa.
"So với mình giờ thì nó chả khác gì karabiner cả. Vậy mà hồi đó sưng mặt, ha.", cô nghĩ bụng.
Nâng súng bằng tay trái, Giao Long nắm lấy cái thoi nạp đạn bây giờ đã quá bé so với bàn tay mình. Nhẹ nhàng lật nó lên, cô kéo thẳng về sau. Bên trong, bụi đã đóng lớp rồi. Hai cái mấu nhỏ để cố định kẹp đạn vẫn còn đó, nhưng dơ quá, suýt chút nữa Giao Long đã không nhìn ra. Hộp đạn bên dưới vẫn y nguyên, chỉ là mấy chục năm không dùng, có vẻ nó đã bẩn nhiều rồi. Nàng nhẩm bụng, lát nữa đem ra ngoài rửa thôi. Rồi Giao Long đóng thoi lại, để súng sang bên. Cô tách thêm một đoạn tóc nữa, cho nó một chiếc khăn ướt nhỏ rồi bắt đầu lau súng, nhập hội với đám tóc đang lau dọn kia. Còn phần mình, Giao Long tự xử cái thùng cũ.
Phủi bay lớp bụi bám đầy trên nắp, Giao Long mở thùng. Một đóng bụi nữa xộc thẳng ra, phà ngay mặt Giao Long nhưng cô chẳng hề hấn gì. Bỗng "rắc!" một cái, cô nhìn lại thì hóa ra phần gỗ giữ bản lề đã mục nát từ lâu, nên cái nắp bị cô giật đứt ra luôn. Thôi kệ, không đáng quan tâm. Giao Long nghĩ thế, đoạn ném cái nắp gỗ sang một bên. Những thứ bên trong quan trọng hơn, mà có gì chứ? Bộ quân phục Lục quân màu đen cũ mèm, chiếc mũ cối, mặt nạ phòng độc mà cô chẳng bao giờ dùng tới. Hồi ấy Giao Long chỉ phục vụ dưới đất một thời gian ngắn trước khi chuyển sang quân chủng mới thành lập Luftflotte, tức "Hạm đội bay", để trinh sát và đồng thời chi viện hỏa lực cho phe ta. Vậy nên cô có rất ít cơ hội mặc đồ Lục quân, việc dùng súng cũng chỉ diễn ra vài tháng ngắn ngủi trước lúc chuyển đơn vị và dẹp chúng vào cái thùng này.
Lục xuống sâu hơn, Giao Long mừng ra mặt khi thấy cái "bằng lái" tàu bay cũ cô thi được chỉ vỏn vẹn mấy ngày trước khi xung đột Siegfired kết thúc. Hồi đó dân lái tàu bay, chỉ có mỗi loại zeppelin, muốn được công nhận trên toàn thế giới thì phải được bằng lái của chính quyền triều đình Brandenburg Valhöll, vì quốc gia này là cái nôi của tàu bay. Có ba cấp khác nhau: Thẻ đồng dành cho những phi công dân sự, thẻ bạc dành cho quân sự và thẻ vàng cho những người sở hữu tàu bay riêng.
Chỉ riêng thẻ vàng mới có quyền lái zeppelin tư nhân, thẻ bạc thuộc quân đội nên không tính, còn thẻ đồng thì bắt buộc phải đi làm công ăn lương. Do tất cả zeppelin dân sự hồi ấy đều đóng tại Valhöll và có số đăng ký của chính quyền nên Giao Long và Hồng Ma đã gặp kha khá khó khăn để được thi, chưa kể rào cản ngôn ngữ và Hồng Ma là tàu vũ trang nữa. Vậy mà cô vẫn xoay sở để lấy được chứ! Lúc ấy Giao Long mừng lắm, vì cả ba loại đều có hiệu lực vĩnh viễn và được thế giới ưng thuận nên có thẻ vàng cũng đồng nghĩa với việc hai người có thể bay tới bất cứ nơi nào mình muốn. Nó còn tiện hơn hộ chiếu nữa cơ mà!
Bỏ cái thẻ vào túi áo, Giao Long sướng muốn nhảy cẫng lên. Nhưng cô không nhảy, cái tình trạng cơ thể hiện giờ không cho phép mình thể hiện lắm cảm xúc thế. Tìm lại được cái bằng lái vàng rồi, bây giờ cô có thể bay thẳng vào vùng không phận bảy ngàn mét của bất cứ nước nào mà không lo bị không lực lên hỏi thăm. Theo luật quốc tế, muốn vào độ cao không phận một nước cần xuất trình được bằng lái hay giấy tờ tương đương chứng minh trình độ phi công, giấy sở hữu tàu và số đăng ký. Nếu không có thì buộc phải ở trên "độ cao quốc tế", từ bảy ngàn mét trở lên, và vì trần bay cao nhất của tàu bay thông thường chỉ tầm tám ngàn, nên Giao Long giống như tự kỷ luôn trên trời vậy.
"Ủa khoan, chả phải lần nào Hồng Ma cũng lôi được nó ra sao? Vậy mình mừng vì cái gì chứ?"
Nhẩm thế, Giao Long bỗng thấy mình như con ngốc vậy! Hồng Ma có thể dễ dàng lấy cái bằng lái ra mà? Mà khoan, có gì đó sai sai! A phải rồi! Giao Long vỡ lẽ, Hồng Ma được đặc cách trao "bằng lái" riêng vì những cống hiến trong cuộc chiến Siegfried, còn cô thì ngồi học tiếng Valhöll như điên chỉ để qua bài kiểm tra lý thuyết! Vì bằng lái vàng đều rất giống nhau, nếu nhìn sơ thì khó phân biệt được, lại thêm Giao Long thường không quan tâm chuyện này nên mấy lần Hồng Ma lấy cái "hộ chiếu" đó ra cô đều nghĩ đó là của mình. Mà chuyện này cũng có gì quan trọng đâu, lúc nào Hồng Ma cũng ở không phận quốc tế mà.
Nhưng thà có còn hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà.
Vẫn giữ tấm bằng lái bằng vàng cán mỏng ấy trong người, Giao Long tiếp tục lục lọi. Lần này thì hết đồ chơi rồi, ngoại trừ mấy quả lựu đạn chày lép mà lúc trước cô hay dùng làm cái chày dần thịt. Mà cũng lâu rồi cô không dùng chúng nữa, có lẽ là từ hồi rời đi chăng? Hồi đi lính xài chúng vui lắm, nhất là mấy hôm cho đơn vị mượn bếp để nấu cho "an toàn", không sợ địch nó ném khí mù tạc hay phân ngựa gì sang. Nhìn mặt mấy thanh niên tái mét khi thấy cảnh con nhóc Á Đông nhỏ thó, xanh xao lấy lựu đạn chày nện mấy tảng thịt mới vui làm sao ý!
Mà Giao Long cũng ít việc. Hồng Ma ban đầu được thiết kế để chở bốn ngàn người, còn nhà bếp phục vụ được những sáu ngàn phần ăn nếu hết công suất. Nhà ăn cũng đủ rộng cho hai lữ đoàn, trong khi đơn vị hồi đó chỉ ngót ngàn mạng có lẻ. Thành ra Giao Long, Hồng Ma và tổ hậu cần cứ vô tư mà làm. Đồ ăn nấu xong, đánh kẻng phát là cả đám chui vô tàu ăn, trong khi đám golem chiến đấu đứng canh ngoài. Đời nhàn hạ nó thế, Giao Long cười thầm.
Lục một hồi, Giao Long tìm thấy một tấm ảnh cũ chụp mình, Hồng Ma, vài sĩ quan Valhöll ngực đầy huân chương đứng với một toán quân ăn vận kín mít, đeo mặt nạ chống độc và đội mũ sắt. Phía sau cùng là hai con golem to to, khá cao, trang bị hai khẩu sáu nòng thủy lực. "Là đám lính của con dở hơi!", cô trố mắt.
Giao Long nhớ chúng nó vẫn nằm ở "gondola đổ bộ" nằm bên dưới gondola chính. Đó là nơi Hồng Ma chứa đội quân riêng của mình, với khoảng hai ngàn lính cương thi bất tử và tám con golem hạng nhẹ, loại cơ động cao và mang súng máy để đánh thọc sườn bộ binh. Đội quân ấy từng được triển khai trong chiến dịch phản công Guggenheim hè năm ngàn chín trăm lẻ một, trận đánh đã thay đổi cục diện tuyến Siegfried. Từ chỗ bị động, quân Valhöll trở thành chủ chiến trường và nhanh chóng đẩy lùi liên minh các Mạo hiểm giả. Nhớ lại cảnh nọ, Giao Long vẫn thấy rùng mình.
Từ làn khói vàng nhạt, nồng nặc cái mùi như trộn giữa tiêu và dứa của khí clo, cả một đạo cương thi xông lên như bão tố, tay cầm súng trường lắp lê và tiểu liên lao vào bắn, chém những tên đánh thuê hạng bét đang hoảng loạn vì vũ khí hóa học. Cương thi dưới quyền Hồng Ma không nhảy loi choi, thay vào đó chúng phóng đi vun vút, khi tới gần thì báng súng, xẻng, lê, mọi thứ đều dùng làm vũ khí được.
Trong khi ấy, lũ golem phóng băng băng trên chiến trường sình lầy, bộ bánh xích to tướng nghiền nát mọi kẻ xấu số lỡ ngã xuống vũng sình khổng lồ ấy. Lần đầu tiên thế giới biết đến sự đáng sợ của các cương thi quân sự, và chính trận chiến đó cũng khiến nhiều nước phải nhìn lại vấn đề dùng xác sống tấn công kết hợp với các golem hơi nước lớn thay cho golem tự động cũ.
"Cũng mười mấy năm rồi", Giao Long nghĩ. Tấm hình chụp đen trắng đã ố vàng, rách mất một phần. Nhưng hình chụp vẫn rõ lắm. Nhớ ra gì đó, Giao Long lật ngay ra sau. "A, nó còn đây!", cô reo thầm trong bụng. Mấy dòng lưu bút từ hàng chục năm trước, viết bằng mực Tây hẵng còn nguyên vẹn trên tấm hình đã gần hai chục năm tuổi. Toàn tiếng Valhöll, nhưng Giao Long đọc được.
"Trung đoàn Cương thi Xung kích 115, Sư đoàn 8, Tập đoàn quân 6, chụp ngày 13 tháng Tám năm 1901. Guggenheim, tuyến Siegfried. Vinh danh: Chỉ huy quân đánh thuê, thiếu tá P. H. Giao; phó chỉ huy Hong Ma; Chỉ huy Sư đoàn 8, Hoàng tử Friedrich Wilheim von Preußen và toàn đơn vị vì đã anh dũng chiến đấu, giúp thay đổi cục diện trận chiến. Ký tên: Tư lệnh Tập đoàn quân 6, Đại Công tước Sebastian von Wallenstein xứ Aesiria."
"Cũng lâu quá rồi, Fritz."
Nắm chặt bức ảnh cũ, Giao Long thoáng nở một nụ cười đầy chua xót. Cô gọi Hoàng tử bằng tên thân mật, điều mà có lẽ chẳng ai khác dám làm cả. Nhưng ai nghe thấy? Trong gian nhà này, ngoài Giao Long ra, còn ai khác ngoài những món đồ im lìm? Nhà kho lặng thinh đến kỳ dị, chỉ có tiếng giẻ lau chùi mấy món đồ cũ. Vài lọn tóc đưa đồ rơi rớt trên sàn về chỗ cũ, hay chỉnh ngay ngắn đống sách dạy chữ cổ lỗ lại. Rõ ràng Hồng Ma không đoái hoài mấy tới chúng, mà Giao Long thì hơn gì? Cô cũng có thèm ngó ngàng gì đâu? Tiếng Novgoroussiya, Albion, Valhöll, Gaullia,... đều phủ bụi cả. Có luôn sách học thuật, sách khoa học, sách luật, nhưng đều bị nhét kín trong mấy thùng cũ, không thì cũng đóng mốc trên kệ. Vẫn luôn là thế. Xung quanh cô là sự im lặng. Một sự im lặng tới ngột ngạt.
Để lại mọi thứ vào trong thùng, Giao Long cẩn thận xem xem mình có bỏ sót gì không. Một bức ảnh nữa rơi ra từ bộ quân phục Lục quân, chụp cô với quần áo bây giờ đứng cùng Hoàng tử Friedrich. Là lúc quân Valhöll vừa thành công đẩy lui địch trên toàn tuyến, và cũng là hai năm sau khi Giao Long có biệt danh "Ác quỷ Siegfried" vì sự tàn nhẫn trong chiến thuật của mình, chủ yếu là do các hành vi "khủng bố", ném bom dân thường. Cô không quan tâm, lính từ dân mà ra, phá hậu phương mới mong giật sập tiền tuyến. Thế là clo, clo nữa, clo mãi, clo tới mức kho clo của Đế quốc cạn luôn.
Suốt cuộc chiến, Hồng Ma, dưới quyền Giao Long, đã oanh kích và "clo" hơn ba triệu người, giết ít nhất một phần mười số đó và khiến phần còn lại mang vô số thương tật vĩnh viễn. Ba năm tham chiến, trung bình mỗi năm hai cô giết hơn bốn mươi ngàn người do khí độc. Nhiều nước đã muốn kiện Giao Long ra tòa án chiến tranh vì hành vi phản nhân loại, nhưng do luật chiến tranh khi ấy không cấm dùng vũ khí hóa học, cũng chẳng cấm đánh thường dân nên cô trắng án. Tới tận khi ấy, cô vẫn chả quan tâm, còn Hồng Ma thì muốn sục clo bất cứ ai đòi kiện. Rồi mọi chuyện chìm xuồng, và cô bắt đầu sáng tác nhạc.
"Như một trò đùa.", Giao Long nhẩm, "Mà thôi kệ."
Xếp ngay ngắn hết thảy mọi thứ vào trong, Giao Long lúc này mới tính tới chuyện sửa cái nắp thùng. Nhưng nghĩ thế nào, cô lại thôi. Đặt đại nó lên, cô để khẩu súng trường dựng đứng ngay trên đó, như thể cấm không cho ai mở vậy. Mà tàu này ngoài hai người thì còn ai chứ? Những kỷ niệm của một thời đi lính sẽ mãi nằm yên đó, bên trong chiếc hộp, tựa như cái quan tài sẽ đem hết chúng xuống mồ. "P. H. Giao", cái tên đó không còn tồn tại nữa. Người ấy đã chết rồi. Kẻ đang sống là Giao Long bán thi quỷ, là "Ác quỷ Siegfried", chứ chẳng còn là người thiếu nữ năm nào.
Boong... Boong... Boong...
Chuông lại đổ. Đã mười một giờ. Không còn thời gian cho mấy trò hồi tưởng nữa. Quay ra, Giao Long tiếp tục dọn dẹp. Trong ánh đèn leo lắt, hình ảnh người con gái tóc đen lẩn dần vào màn đêm, vào những nơi ánh sáng chẳng thể rọi tới, để lại phía sau chiếc thùng gỗ với khẩu súng nằm im lìm, gia nhập với những mảnh ký ức xưa cũ khác.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com