tham ong cu xin xuat vien; me toi
Thăm ông cụ xin xuất viện
TT - Chuyện đời tự kể “Những người xin xuất viện” (Tuổi Trẻ 23-1-2010) sau khi đăng đã nhận được nhiều phản hồi chia sẻ của bạn đọc. Tác giả - cô giáo Đỗ Thanh Thúy vừa gửi cho tòa soạn lá thư cho biết cô đã tìm được địa chỉ và đi thăm gia đình ông bà cụ Sua và “thằng Út” - những nhân vật trong bài viết của mình.
Cô Thúy cho biết gia đình ông bà cụ nghèo hơn cả sự hình dung của cô. Căn nhà (ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An) trống huơ trống hoác. Bà cụ làm công việc xỏ lông mi giả, một ngày chỉ được bốn cái, tiền công 1.200 đồng. Đến mùa bắp thì bà đi mót bắp về bán.
Một vài người bạn của cô Thúy sau khi đọc báo, gửi cô mang tặng ông cụ 2,5 triệu đồng. Cô Thúy cũng mua được một ít quần áo em bé cho vợ “thằng Út” sắp sinh. Cô cho biết mọi người trong nhà giấu ông cụ về căn bệnh nên ông không biết gì. Bà cụ kể: “Bác sĩ bảo nếu mổ mà không có tiền cũng sẽ mau chết hơn, thôi để vậy và ăn được gì thì ăn còn sống được khoảng hai năm...”, nên bây giờ ông cụ chỉ uống thuốc nam.
T.C
Mẹ tôi
TT - Mẹ kể năm tôi lên 4, nhà nấu bánh mừng thọ bà nội, tôi nghịch lửa làm cháy nhà kho chứa đậu. Không có dụng cụ chữa cháy nên mọi người chỉ biết đứng nhìn. Ba không chữa cháy, chỉ tìm tôi ném vào lửa cho chết luôn, mẹ ôm tôi nhảy qua hàng rào xương rồng cắm đầu chạy mãi không biết đi đâu, chỉ biết chạy cho thật xa vì ba tôi rất dữ.
Tìm không được tôi, trước ngọn lửa ba thề không nhìn tôi là con nữa và ông cắt đứt quan hệ với mẹ từ đó. Nhờ cô cho chỗ ở, mẹ đi làm mướn, ngày lặt đậu, làm cỏ, khuya 3 giờ phụ cân ở chợ Gia Huỳnh, rồi tôi cũng được cắp sách đến trường. Nghèo nên dép không có, nón cũng không, cặp đan bằng lác, viết cán cây cắm ngòi. Trường học là ngôi đình cổ, ngồi học mà dơi kêu chi chít trên nóc đình, thỉnh thoảng phân dơi rớt xuống bàn.
Tôi bắt đầu hiểu biết, mẹ đi bán xa 2-3 ngày về một lần, tôi ở nhà phụ chăn bò, cắt cỏ cho cô. Những đêm trời lạnh cuốn tròn trong tấm đệm, tôi thức giấc mấy lần nhớ mẹ vô cùng, khi nào được mẹ ôm vào lòng tôi mới có giấc ngủ yên lành.Sáng mẹ đi lúc nào không biết, để lại 5 đồng, sáng ăn bánh mì nhận gỏi đu đủ, trưa đi học hái nhãn lồng, nhãn chài mọc hoang ăn đến trường.
Hết lớp nhất tôi theo mẹ lên Sài Gòn mưu sinh, ngày đi học, chiều tối phụ mẹ đẩy gạo đi bán, vài năm dành dụm mẹ mua được căn nhà ở khu Cống Bà Xếp, quận 3. Nói là nhà chứ hai vách là của nhà bên cạnh, chỉ có cột và mái lá.
Xong lớp đệ tứ (lớp 9) tôi nghỉ học. Thấy dáng người ốm yếu của tôi, mẹ bảo học nghề điện tử. Tôi lên Trung tâm Bách khoa bình dân Gò Vấp, nơi dạy nghề cho con em lao động nghèo, học hai năm xin được vào công nhân quốc phòng.
Đất nước thống nhất tôi được tuyển dụng lại làm việc ở Nhà máy Thông tin điện tử Z755. Năm 1985, nhà máy giảm biên chế tôi xin nghỉ. Năm 1986, tôi xin vào làm cộng tác viên trạm số 5 dịch vụ truyền hình (Đài truyền hình TP.HCM).
Lúc này đài phát màu hệ secam. Tivi màu lác đác có mặt ở TP qua đường thủy thủ, thân nhân nước ngoài gửi về, đa số là hệ NTSC nên chỉ xem được trắng đen, muốn xem màu phải lắp thêm một mạch điện (gọi là chuyển hệ màu). Tôi được giao làm phần việc này, xem như yên tâm từ đây tôi có thêm nghề mới.
Hết hợp đồng tôi mở cửa hàng bán tivi màu chuyển hệ. Tìm hiểu, tôi thấy mạch chuyển hệ này chỉ kết hợp với máy Panacolor là tốt nhất, thế là tôi tìm các máy hiệu Pana về tự tay chuyển hệ bán cho khách, tìm được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Tôi sửa lại nhà cũ và mua được xe máy.
Đài truyền hình phát thêm màu hệ pal, cùng lúc với hệ secam. Khó khăn là làm thế nào xem được hệ Pal và cải tạo hệ secam. Ban ngày tất bật công việc, tôi dành thời gian từ 22 giờ để tìm cách giải quyết vấn đề trên. Suốt tuần lễ miệt mài, có bàn tay chăm sóc của mẹ rồi tôi cũng thành công.
Năm 1992, tivi màu nội địa Nhật, đầu máy video hifi đã qua sử dụng tràn ngập TP. Với kinh nghiệm sẵn có tôi chọn được ngay hiệu Sony, xem tivi, đầu máy đẹp không chê được. Mối lái các nơi, nhà hàng karaoke, trò chơi điện tử tìm đến đặt hàng làm không kịp, tivi trong cửa hàng lên đến hàng trăm.
Tôi xây lại cho mẹ căn nhà mới đủ tiện nghi, mua thêm xe máy và đất ở trên quê. Suốt đời mẹ khổ cực vì tôi, chỉ sung sướng bên tôi vỏn vẹn được hai năm mẹ đã ra đi vĩnh viễn sau cơn tai biến. Đưa mẹ về quê an nghỉ, cả tháng tôi thẫn thờ. Mẹ là chỗ dựa tinh thần của tôi những lúc cực kỳ khó khăn đã không còn nữa.
Năm 2003, khu vực Cống Bà Xếp giải tỏa để cải tạo hệ thống thoát nước Nhiêu Lộc, trong đó có nhà tôi, cùng thời gian này tivi màu chuyển hệ cũng nhường bước cho các tivi đẹp hiện đại hơn.
Hôm nay tôi đã về định cư trên vùng đất quê cũ, ngồi bên mộ mẹ, cạnh con đường đi học thời thơ ấu, tôi nguyện trong lòng sẽ ở mãi nơi này.
NGUYỄN VĂN ĐẨU (Tây Ninh)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com