18
- Thảo Anh! Thế mày cứ nằm ườn ở nhà thế này mãi à?
Tiếng bà Bích chát chúa vang lên cùng âm thanh cánh cửa phòng bị đẩy mạnh đến mức bản lề kêu lên một tiếng "két" chói tai. Ánh sáng ban ngày hắt qua khung cửa sổ, xuyên qua lớp rèm cửa mỏng, chiếu tia nhạt nhòa lên gương mặt đang vùi trong chăn của Thảo Anh.
Cô giật bắn mình, theo quán tính kéo chăn trùm kín từ đầu tới chân, mắt vẫn nhắm nghiền, miệng lầm bầm trong mơ màng:
- Mẹ vô duyên vừa thôi... Vào phòng con phải gõ cửa trước chứ...
- Ai phải gõ cửa? Nhà tao mà tao còn phải gõ cửa mày à?
Bà Bích hất hàm, giọng càng lúc càng lớn.
Từ trong đống chăn, tiếng Thảo Anh đáp lại:
- Gì chứ? Bố để tên chủ ngôi nhà là con rồi nhé!
Nghe con gái trả treo, máu nóng trong người bà Bích sôi lên tận đỉnh đầu. Bà đi thẳng lại giường, bàn tay không ngần ngại nhéo lấy vành tai con gái, xoắn một vòng như đang vặn núm chỉnh radio:
- Dậy! Lê cái thân mày ra ngoài kiếm việc cho tao. Muốn làm trâu làm bò hay làm bà hoàng ngoài kia cũng được, nhưng phải làm ra tiền. Con gái con đứa, suốt ngày ru rú trong cái phòng này, trông phát sợ. Người ngợm có khi dại đi mất rồi!
Thảo Anh nhăn nhó, mặt mày dúm dó như trái mơ héo bị ngâm nước lâu ngày. Cơn đau cắt đứt giấc mộng đang dang dở của cô. Thảo Anh hất tay mẹ theo bản năng, lồm cồm bò dậy, chân tay lóng ngóng như con gấu ngủ đông bị lôi dậy giữa mùa lạnh, rồi cắm đầu chạy biến vào nhà vệ sinh.
Tiếng nước chảy ào ào vang lên, kèm theo đó là giọng nói vọng ra, nghe vừa trách móc vừa hờn dỗi:
- Thì mẹ gọi con dậy từ từ cũng được... Sao phải dùng bạo lực gia đình thế? Hay sáng nay bố mẹ lại cãi nhau rồi trút giận lên con?
Bà Bích chống nạnh, hất mặt về phía nhà vệ sinh, giọng đanh lại:
- Bố mày mà dám cãi nhau với tao á? Tao thấy mày sắp ủ mắm trên cái giường đấy đến nơi rồi. Tao không gọi mày dậy thì người mày có mà chảy ra mắm.
- Eo... Mẹ nói nghe ghê chết đi được...
- Ghê gì? Cỡ mày tao nói thế còn nhẹ đấy. Mày soi lại cái phòng mày xem, ở nhà rúc mãi thành ổ chuột rồi còn gì. Dọn dẹp phòng riêng cũng lười, không chừng tới lúc đi vệ sinh cá nhân cũng bỏ luôn cho xem.
Ánh mắt bà Bích đảo một vòng quanh phòng, càng nhìn càng thấy bực. Gương mặt như ngọc như ngà của bà chau lại, môi mím chặt như muốn nuốt hết cơn giận đang dâng lên từng đợt.
Phòng Thảo Anh đúng nghĩa "ổ". Chiếc giường nằm giữa phòng, chăn ga gối màu xám bạc phếch, cáu bẩn loang lổ những vệt mồ hôi. Thảo Anh đã dùng bộ chăn ga gối này lâu ngày mà không giặt, đến mức vải xơ xác, nhàu nhĩ. Góc phòng, sọt rác cao như núi, không biết đã bao lần nén xuống cho gọn. Vỏ bánh, lon nước, giấy bẩn chen chúc chồng lớp lên nhau, chỉ thiếu điều lòi ra ngoài sọt rác.
Quần áo giắt đầy trên thành ghế, tay vịn cửa sổ, thậm chí cả trên giá treo tường. Tủ đồ mở toang, quần áo nhét vội vào trong chẳng buồn gấp, móc treo cũng chẳng thèm tháo. Tất cả lộn xộn, ngổn ngang như chính tâm trạng của đứa con gái thất nghiệp, chông chênh giữa lằn ranh "người lớn" và "trẻ con" của bà.
Bà Bích thở dài một hơi, ngán ngẩm tự hỏi không biết mình đang nuôi con gái hay nuôi lợn trong nhà nữa.
Từ trong nhà vệ sinh, Thảo Anh vừa thay đồ vừa làu bàu:
- Nghỉ có mấy hôm mà làm như con thất nghiệp mấy năm không bằng.
Bà Bích hừ một tiếng rõ dài, khoanh tay đứng chờ ngoài cửa phòng vệ sinh:
- Mày thất nghiệp cả tháng rồi chứ mấy hôm cái gì? Mày thử thất nghiệp mấy năm tao xem.
Một lúc sau, Thảo Anh ló đầu ra, tóc tai bù xù, mặt mũi ướt sũng nước. Cô chép miệng nhìn mẹ:
- Mẹ đuổi con đi làm suốt thế, mẹ có thương con không đấy? Ngoài kia nắng chang chang thế kia... Hay mẹ cho con tiền tiêu vặt vài bữa nữa đi, rồi con tính tiếp...
Bà Bích nheo mắt, giơ tay véo má con gái một cái rõ đau:
- Tiền tiêu vặt cái con khỉ. Mặt dày vừa thôi cái con này.
Thảo Anh la oai oái, ôm má né ra xa:
- Thôi thôi! Con đi! Được chưa...
Nói rồi, cô lạch bạch xỏ đôi dép lê, quăng cái túi vải lên vai, vừa đi vừa ngoái lại:
- Mẹ nhớ nấu cơm trưa nha... Con mà đói con về con ăn hết cả phần của mẹ đấy.
Bà Bích trừng mắt:
- Về tay không thì khỏi mơ có cơm ăn. Kiếm được việc rồi về tao đãi nguyên mâm đồ ăn.
Thảo Anh phụng phịu, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Mẹ gì mà như dì ghẻ... Được rồi, con đi!
Bóng dáng Thảo Anh khuất dần khỏi mắt bà Bích. Một thoáng sau, cô đã ở ngoài sân. Thảo Anh khép cánh cổng nhà lại, dáng lững thững vừa đi vừa đá mấy cục sỏi bên đường, miệng còn lầm rầm:
- Sao con người ta cứ phải nai lưng ra kiếm tiền thế không biết.
Bà Bích đứng trong nhìn theo, khóe mắt lại dịu hẳn đi, dù vẫn buông lời chê bai:
- Cái con ranh... Mồm miệng thì giỏi lắm... Xem mày bươn chải được bao lâu...
***
Chiều cuối đông, trời hanh hao ạ thường. Mặt trời treo lơ lửng giữa bầu trời như một khối lửa, rọi ánh nắng vàng chóe. Hàng cây trụi lá đứng im lìm hai bên đường, những cành khẳng khiu vươn lên trời cao như cầu xin một cơn gió lạnh đúng nghĩa mùa đông ghé qua. Nhưng gió đâu chẳng thấy, chỉ có cái oi nồng như mùa hạ tràn về, bức bối cả không gian thành phố.
Thảo Anh lững thững đi bộ từ phố nhà mình qua phố bên cạnh, chưa đầy năm trăm mét mà tóc mai đã chớm lấm tấm mồ hôi. Cô đưa tay quệt ngang trán, mặt cau có lẩm bẩm:
- Mùa đông mà cứ ngỡ mùa hè cơ chứ!
Nắng như này khiến cô khát nước. Chép miệng một cái, cô thò tay vào túi quần lôi ra mấy tờ tiền lẻ nhàu nát. Đếm đi đếm lại rồi cười nhạt:
- Ừ, cũng đủ mua hai ly trà sữa.
Thảo Anh là thế, ra đường là phải tiêu tiền. Tiêu cho khuây khỏa, cho đời bớt nhạt. Mà có lúc trong túi cạn sạch rồi, cô cũng không ngần ngại tiêu trước, nghĩ sau. Như thể đắm mình trong cái thú tiêu hoang ấy là cách để trốn chạy những điều tệ hại mà cuộc đời này bủa vây cô từng ngày. Chẳng hạn như chuyện bị mẹ đá đít ra khỏi nhà đi tìm việc.
Ánh mắt Thảo Anh lướt nhìn con phố nhỏ thân quen, dừng lại trước quán trà sữa nhỏ bé có tấm biển bắt đầu bạc màu treo bên hiên. Giá quán này rẻ bèo, toàn lũ học sinh cấp ba tụ tập. Nhưng với Thảo Anh, đó là góc trú ẩn đặc biệt mỗi khi cô hết tiền. Cô bước vào quán, hớn hở gọi một ly trà sữa kem cheese, miệng lầm bầm thêm câu "ít đá nhiều thạch".
Cô không hề hay biết cách đó vài bước chân, bên trong cửa hàng quần áo kế bên, Trang đang mải mê thử một chiếc váy trắng tinh. Tấm gương soi trong cửa hàng phản chiếu hình ảnh một cô gái có dáng vẻ ngông nghênh, đeo chiếc kính râm quá khổ, son môi đỏ chót đang thay hết bộ đồ nọ đến bộ đồ kia.
Mãi một lúc sau, ly trà sữa yêu thích mới tới tay Thảo Anh. Cô cầm lấy, mắt sáng lên như trẻ con được quà. Tung tăng chân sáo bước ra ngoài, vừa nhấp môi, vừa tận hưởng vị ngọt lan dần nơi đầu lưỡi.
Đúng khoảnh khắc ấy, Trang cũng vừa bước ra từ cửa hàng quần áo ra. Cô chỉnh lại mái tóc, vuốt nhẹ tà váy trắng. Hai người, một trước một sau, không hẹn mà gặp ngay đoạn vỉa hè chật hẹp. Cú va chạm đến đột ngột. Ly trà sữa trên tay Thảo Anh sóng sánh, trào lên nắp ly, vấy vào tà váy trắng tinh của Trang một vệt màu nâu nhạt.
Tiếng Trang gắt lên:
- Con điên này, không có mắt à?
Thảo Anh vội cúi đầu lí nhí:
- Em... em xin lỗi ạ... Em không cố ý...
Trang rút trong túi ra một gói khăn ướt, lau lau vết bẩn, miệng cằn nhằn:
- Cái ngày gì đâu, ra đường cái là gặp phải thứ đui mù!
Rồi Trang ngẩng lên, sững lại khi nhìn rõ khuôn mặt đối phương. Khóe môi cong lên một nụ cười nửa miệt thị, nửa đắc ý:
- Tưởng ai... hóa ra là mày à?
Thảo Anh nhận ra Trang, sắc mặt sầm xuống, giọng lạnh tanh:
- Ồ... Hóa ra là bé ba đó hả?
Trang giật mình trước cụm từ "bé ba". Đúng là người làm sai thì thường hay nhạy cảm. Cô đanh giọng lại:
- Mày gọi ai là bé ba?
- Không phải bé ba thì bé tư, bé năm à? - Thảo Anh nhếch môi - Cướp được một thằng lăng nhăng về, chị nghĩ mình sang lắm à? Người ta chỉ sợ mất người tử tế, chứ cái thứ bẩn thỉu, tam quan méo mó, tiêu chuẩn yêu đương vặn vẹo như thế... ai mà tiếc?
Trang đỏ bừng mặt, lao tới túm lấy cổ tay Thảo Anh. Cú giật mạnh khiến ly trà sữa trên tay Thảo Anh rơi xuống đất, đổ hết. Những hạt trân châu đen văng tung tóe.
Thảo Anh chết lặng nhìn ly trà sữa yêu thích nằm chỏng chơ dưới chân. Cảm giác cay xè trào lên sống mũi, cô chẳng còn giữ nổi bình tĩnh, gào lên giữa phố:
- Cái con khốn cướp người yêu của người khác kia! Tao im lặng cho chúng mày chim chuột, mày không biết điều thì đừng trách tao.
Trang cũng gào lên không kém phần chua ngoa:
- Cái loại nghèo rớt, ngu dốt, để trai coi như đồ chơi xong còn ở đó lên mặt à? Không đẹp, không tiền, không công ăn việc làm thì bị đá cũng đáng lắm con ạ! Mày tưởng tao không biết mày vẫn cố ý ve vãn thằng Quang à? Nó gửi cho mày chục tin nhắn, sao không dám mở ra đọc?
Thảo Anh nhíu mày. Cô khó hiểu trước lời của Trang:
- Tao chặn nó từ đời nào rồi con ngu ạ. Tao nghèo nhưng tao không hạ mình dây vào cái loại đàn ông bẩn thỉu như thế. Mày đừng có ăn nói hàm hồ.
Không ai chịu nhường ai. Hai bên lao vào túm tóc, đánh nhau giữa phố. Tiếng chửi bới, tiếng la hét vang dậy cả góc đường. Người đi đường vội vã dừng lại, kẻ can ngăn, người rút điện thoại quay chụp.
Vài người gần đó xì xầm:
- Đánh ghen à?
- Ừ, thấy bảo con váy trắng là người yêu mới của thằng người yêu cũ con kia...
- Ghê thật, yêu đương bây giờ cứ như giang hồ...
Đánh được một lúc, tóc tai cả hai rũ rượi, mặt ai cũng đỏ bừng bừng vì tức giận. Trang biết mình không trụ nổi, vội vàng buông tay, lùi lại, rít lên:
- Mày liệu hồn, đừng để tao thấy mày bén mảng tới gần thằng Quang nữa.
Thảo Anh cười khẩy, nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất:
- Tao thất nghiệp chứ tao không thất đức. Đồ ăn đã ôi thiu thì bỏ chứ ai giữ làm gì? Giữ lấy mà dùng dần, đừng kiếm tao gây chuyện nữa.
Trang tức đến mức cả người run lên bần bật, nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Cô biết, ở lại thêm chỉ khiến bản thân càng bẽ bàng hơn khi đám đông mỗi lúc một đông, ai cũng hau háu dõi theo như xem trò cười rẻ tiền giữa phố.
Trang vội chỉnh lại cặp kính râm đã xộc xệch trên sống mũi, che đi đôi mắt đỏ ngầu vì tức giận. Động tác lóng ngóng, vụng về đến đáng thương. Rồi cô kéo khẩu trang lên kín mặt, vẫy vội một chiếc taxi đang dừng xe ngay đó. Cửa xe đóng sập lại, giúp cô tách khỏi những ánh mắt soi mói, chế nhạo xung quanh.
Giữa đám đông đang rì rầm bàn tán, dáng vẻ bỏ chạy của Trang càng trở nên thảm hại. Bao kiêu hãnh, ngạo nghễ thường ngày phút chốc đổ sụp, chỉ còn lại cái bóng lầm lũi, hèn mọn.
Thảo Anh đứng lại, nhìn theo chiếc xe lăn bánh khuất dần. Đôi mắt ánh lên cái nhìn của kẻ chiến thắng. Phải. Trong cuộc tình này cô thắng, không phải vì giữ được thằng đàn ông tệ bạc ấy, mà vì cô đã đủ bản lĩnh vứt đi thứ chẳng đáng giữ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com