Phần 3
Phần 3.
Cậu hai Sơn cảm thấy dạo này mình mắc bệnh rồi. Chẳng hiểu sao cứ nhìn thấy anh Thạch cười là tim lại đập rộn ràng. Cậu hai từ nhỏ đến lớn sống trong nhung lụa, nào đã phải lòng ai đâu mà biết cái cảm giác ấy là gì, cậu chỉ nghĩ mình bị bệnh, còn đi hẳn qua thầy y bắt mạch lẫn tới bệnh viện Grall khám thử, nhưng kết luận đều là "cơ thể khoẻ mạnh".
Sơn Thạch thấy cậu cứ ra vào mấy chỗ khám bèn lân la lại hỏi, mà cậu cứ thấy anh là tim lại đập nhanh, nên cứ nói mấy lời khách sáo rồi tìm cách tránh đi.
Anh Thạch dạo này cũng nhận ra cậu hai đang né mình, nhưng bản tính ngược ngạo lại càng khiến anh cứ xáp xáp lại gần, tiện ghẹo cho người ta giận thì thôi.
Anh Thạch không giống cậu hai Sơn, anh ta hiểu rõ về yêu đương hơn hẳn. Cậu hai sanh ở làng quê, không hiểu rõ, nhưng amh Thạch lại biết. Anh biết có nhiều lính Pháp thích những cậu trai nhỏ con thay vì những ả làng chơi, có nhiều phú ông còn muốn thử cảm giác lạ mà nuôi mấy người nam để thử, coi như là thú vui nho nhỏ của họ.
Nhưng nhìn người trước mặt, anh lại không có ý tưởng chơi đùa gì cả. Anh năm nay đã mười bảy, cha anh bằng tuổi này đã sanh đứa thứ hai, đâu còn nhỏ bé gì mà nghĩ đến chơi đùa. Nhưng anh Thạch cũng biết, cái loại tình cảm giữa đờn ông với đờn ông này đời nào được xã hội chấp nhận, mà chưa nói đến xã hội, chỉ riêng cái tánh cậu hai đã khó tiếp thu rồi.
Anh Thạch không có ngu ngơ, anh nhận ra mình có cảm giác lạ với cậu hai, nhưng cũng chỉ đành giấu nó sau những câu ghẹo đùa mà thôi. Ví như: "Hôm nay cậu đi đâu đấy, hay mình đi hẹn hò nhé, tôi mới biết có quán bánh kem ngon lắm, cậu mà ăn vô thì lên mây luôn đấy."
"Cảm ơn quý anh đã ngỏ lời mời, nhưng xin quý anh hãy dùng từ cho đúng. Hò hẹn là chuyện của nam nữ, chúng ta là bạn bè, cái từ này dùng không đặng. Hôm trước quý anh đã mời tôi đi cà phé, lần này xin hãy cho tôi có cơ hội mời quý anh một cái bánh, coi như lời cảm ơn quý anh chăm sóc tôi bây lâu." Cậu hai Sơn chắp tay vái.
Anh Thạch càng nhìn càng thấy cậu đáng yêu, cũng không có từ chối, chỉ nhắc cậu mặc thêm cái áo ấm rồi ra xe mình đèo đi: "Cậu việc gì phải cảm ơn, tôi chăm sóc cậu cả đời còn được nữa là..."
"Quý anh, cẩn thận lời nói." Cậu hai Sơn nghiêm mặt ngắt lời anh. Tuy trong lòng vui thì có vui, nhưng mấy câu cả đời này đâu có nói bậy được.
"Rồi rồi, nghe cậu nghe cậu, không nói bậy nữa. Lên xe tôi đèo đi ăn nhé."
"Vâng."
~~~~~
Phần 4.
Có người từng nói, tình cảm tuổi thanh xuân giống như cơn mưa mùa hạ, vội đến rồi cũng vội đi.
Ấy thế mà, cái rung động đầu đời của cậu hai Sơn với anh Thạch vẫn giữ nguyên vẹn sau hơn bốn năm sớm tối.
Vâng, bây giờ cậu hai Sơn đã biết cái gì gọi là rung động, cái gì gọi là yêu đương. Cậu đã qua nhiều năm đọc sách, không ngu ngơ đến nỗi không hiểu từng cách ám chỉ của anh Thạch, ví như vu vơ kể cậu nghe mối tình chia đào của một vị hoàng đế xứ Tàu, hay vài cái thú vui thầm kín thích nuôi đờn ông của một số hoàng đế, hoặc là cái thói thích xem đờn ông đóng "đào" của ông Khải Định... Cậu hai biết, anh Thạch đang cố ám chỉ rằng đờn ông cũng có thể yêu nhau đấy, nhưng ở cái thời đại này, ai dám công khai rằng tôi yêu đờn ông dù tôi không phải nữ, đến cả quan cả vua cũng chỉ dám len lén, thì cái rung động của cậu nào sẽ được người đời ưng thuận, thôi thì cứ như bây chừ, cậu với anh Thạch vẫn là anh em, là bạn bè, là tri kỷ, là gì cũng được miễn là cạnh nhau.
Nhưng thời gian nào có buông tha ai bao giờ. Cả cậu hai và anh Thạch cũng không còn là những chàng trai tuổi mười bảy, mà đã trở thành hai người đờn ông hai mươi hai tuổi, đã là người trưởng thành, chỉ còn cách cánh cửa nhà trường thêm vài đôi tháng rồi sẽ nói lời biệt ly, khép lại những trang sách và chuẩn bị hành trang cho quãng đường còn lại trong phần đời của mỗi người.
Những ngày cuối cùng của thời kỳ học sinh, cậu hai Sơn không còn thấy nụ cười vẫn thường hiện diện trên môi của anh Thạch, bởi nhà anh bị chính quyền lũ thực dân phán tội cấu kết với Tân Việt Cách Mạng Đảng nhằm chống phá chúng, vì thế đã bắt và khám xét nhà anh. Cha mẹ anh không chịu nổi sự tàn ác của chúng mà chết trong tù ngục, để lại anh bơ vơ giữa bầu trời rộng lớn.
"Cậu Sơn, cậu có từng nghĩ đến việc ra trường thì mình sẽ như thế nào không?" Anh Thạch gác tay lên trán, nhìn chăm chăm vào trần nhà tối om, nhỏ giọng hỏi.
"Tôi ấy à. Tôi thì không có mong ước chi xa, nhưng cha tôi thì mong tôi quay về nhà giúp ông ấy chăm sóc gia sản. Mà chắc tôi cũng sẽ về thật, bởi cha tôi già yếu rồi, cậu út hãy còn nhỏ, chưa gánh vác gì được, anh cả thì là con người của nghệ thuật, không thích gõ bàn tính. Tôi không có ước muốn gì nhiều, vừa hay lại biết mấy con chữ, thôi thì về giúp quán xuyến gia đình, sống bình an hết phần đời còn lại."
Cậu hai Sơn bình tĩnh nói, nhưng giọng vẫn tiếc nuối nhè nhẹ. Cái gọi là sống bình an, tức là cậu sống mà không thể cạnh người mình yêu, an phận thủ thường, nếu cha mẹ muốn thì cũng phải cưới vợ sanh con, rồi sống hết cho hết thọ...
Anh Thạch hít sâu một hơi, rồi lại nhẹ giọng hỏi tiếp: "Thế cậu có người mình thương chưa, cậu có muốn cưới vợ sanh con hay không?"
Hai người đều hiểu cái rung động của đối phương, nhưng chẳng ai chịu nói ra. Hai người họ như hai người tình, nhưng lại chịu ngăn cách bởi một bức bình phong mà không ai dám bước qua.
"Tôi không dám nói trước điều đấy, còn anh Thạch thì sao?"
"Tôi ấy à, có lẽ tôi sẽ bắt đầu một chuyến đi dài." Tiếng nói của Thạch dường như nhẹ hơn, không còn giống một câu nói, mà giống như tiếng thở dài cho tương lai của mình.
"Anh muốn đi đâu?" Cậu hai lo lắng hỏi.
"Cha mẹ tôi bị bọn Pháp hại chết. Tôi muốn báo thù cho họ." Lần này không còn tiếng thở dài, mà là ý chí sục sôi.
"Vậy.... anh tính làm thế nào?" Cậu hai ngập ngừng.
Dạo gần đây phong trào chống thực dân Pháp ngày càng nhiều, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nổ ra nhưng đều bị bọn nó đàn áp tàn bạo. Nói chi xa, một ít người cùng lớp cậu hai và anh Thạch cũng tham gia, kết cục đều không còn quay về được nữa. Trước đấy cậu chỉ khâm phục, cũng như thương xót, nhưng bây giờ nghe anh Thạch nói, trái tim của cậu lại đập mãnh liệt, lo sợ đến nỗi không dám thở. Cậu nói cậu muốn sống bình an, nhưng cậu không dám chắc, nếu anh Thạch có gì thì cậu còn giữ được chữ "an" đấy không..
"Tôi đã được đọc cuốn Đường kách mệnh* do một người thân gửi tặng. Tôi dự định sẽ tham gia vào Đảng An Nam Cộng Sản. Nhà tôi bị bắt là do một thằng quản công trước kia ăn cắp trong xưởng bị cha mẹ tôi đuổi nên sanh hận, đi theo bọn Pháp rồi trong lúc điều tra những người khởi nghĩa, báo tên cha mẹ tôi lên. Tôi từ nhỏ chỉ biết ăn biết chơi, giờ mới biết nợ nước thù nhà như thế nào, nên giờ tôi muốn đi lính, muốn trả thù cho gia đình, cũng như góp sức cho quê cha đất mẹ vậy."
"Nhưng... có an toàn không?"
"Tôi không biết, nào có ai biết trên chiến trường sẽ có gì, là đạn bay, là bom ném, tôi không biết. Nhưng mà, cậu hai Sơn này..." Anh Thạch bỗng trở nên ngập ngừng...
"Anh Dũng cứ nói, tôi vẫn đang lắng nghe."
"Nếu tôi trả xong nợ nước, báo thù cho gia đình xong, mà tôi vẫn còn sống sót, cậu vẫn chưa lập gia đình, thì cậu có thể chấp nhận một bí mật của tôi được không?"
"Tôi sẽ..."
~~~~~
*Đường Kách mệnh (hay Đường cách mệnh, tên cuốn sách trên bản gốc được viết là "Dường Kách mệnh") là tác phẩm ghi lại những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu do Bộ tuyên truyền của "Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông" phát hành vào đầu năm 1927. Cuốn sách này đánh dấu cho sự truyền bá Chủ nghĩa Marx – Lenin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX.
- Bối cảnh mình viết là từ 1925-1930, nên có tham khảo mấy sự kiện và những địa điểm trong thời gian này, từ trường học, bệnh viện...
*An Nam Cộng Sản Đảng : Tháng 11 năm 1929, Lâm thời chấp ủy (tức Ban chấp hành trung ương lâm thời) của An Nam cộng sản Đảng được thành lập tại Sài Gòn do Châu Văn Liêm làm Bí thư. Ban lâm thời chỉ đạo của Đảng có Châu Vǎn Liêm (tức Việt), Nguyễn Thiệu, Trần Não, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Sĩ Sách.
Từ đó đến trước khi hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, An Nam cộng sản Đảng đã có một hệ thống tổ chức vững mạnh và có tổ chức quần chúng rộng khắp ở các tỉnh Nam Kỳ.
-Bởi bối cảnh là Nam Kỳ, mà năm 1929 có :
Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ.
- Mùa Thu năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ.
- Ngày l-l-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.
=> Mình có tham khảo, nhưng vẫn mong mọi người không cần liên hệ thực tế ạ.
Còn vấn đề ngày xưa lính Pháp có qhe với trai thì ở trong đoạn này :
"Trong thời Pháp thuộc, một lính quân y người Pháp tên Jacobus X. đã miêu tả các hoạt động đồng tính tại Việt Nam. Ông cho rằng hiện tượng đồng tính luyến ái là do ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa và là một dấu hiệu của sự suy đồi đang dần dần biến mất do ảnh hưởng của Pháp.[2] Ông cho rằng nếu người Pháp có hành động đồng tính, chẳng qua là chỉ để tránh gái mại dâm bị bệnh giang mai.[2] Tuy nhiên, ông cũng miêu tả mại dâm nam giữa khách hàng là người Pháp hoặc người Trung Quốc và các trẻ em trai từ khoảng 7 đến 15 tuổi.
Thực ra thời đại này có rất nhiều điều hay, nhưng mình không phải là người tài năng, nên không thể hiện được :( vẫn hy vọng sau này sẽ có người viết về khoảng thời gian này. Còn mình chỉ viết được 1 đoản thôi :(
Phần 5.
Lại hơn một năm nữa trôi qua. Cậu hai Sơn đã thực hiện đúng như lời nói của mình, trở về quê giúp ông Lê quán xuyến nhà cửa, có điều nay nhà cậu đã không còn là phú hào năm xưa. Ở cái thời chiến loạn như này, nào ai có giữ được sự giàu sang mãi mãi? Ông Lê nghe lời cậu hai khuyên, hiến ruộng đất cho Đảng, chỉ giữ lại một phần nhỏ cho cả nhà sống thảnh thơi. Ông Lê dù sao cũng thuộc lớp xưa, không muốn con cháu ra chiến trường bởi sợ cảnh đầu bạc tiễn đầu xanh, nhưng cũng có lòng yêu nước vô bờ, nên chủ động dùng ruộng đất coi như góp một phần cho những anh hùng ngoài chiến tuyến chống lại lũ Tây kia, tự mình xoá đi hai chữ "phú hào", coi như đổi lại cuộc sống bình thường, không lo ăn mặc.
Cậu hai Sơn ngày nào nay đã cao lớn, chẳng còn trắng trẻo không còn mềm mại, mà từ bề ngoài đến tính cách đều đã trở nên rắn rỏi. Chỉ khác với lời nói của cậu, cậu sống bình an, nhưng không lập gia đình.
Ông Lê không phải chưa từng hối thúc cậu, nhưng trong thời chiến này, bản thân sống hôm nay chưa chắc đã có ngày mai, ông hối một vài lần không được cũng thôi. Ông lớn tuổi rồi, giờ chỉ thích cầm lồng chim dạo quanh ngắm làng ngắm xóm, sợ sau này chiến loạn kéo tới đây thì chẳng còn gì mà nhìn. Còn cưới sanh ấy thì mặc con cháu tự lo, ông đâu lo mãi được.
Cậu hai Sơn không muốn lập gia đình, bởi lời hứa sẽ chờ anh Thạch trở về. Cậu có linh cảm rằng cái bí mật của anh Thạch cũng giống cái bí mật của cậu, cậu sợ nếu cậu cưới vợ sanh con thì cái bí mật đấy sẽ bị anh Thạch giấu đi, mà cậu cũng hối hận suốt đời.
Nhưng nói là thế, chứ ngày này qua tháng nọ, gần hai năm mà anh Thạch vẫn chưa về. Mấy cuộc khởi nghĩa, mấy cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu, mỗi lần cậu nghe được tin báo chỗ này bị Pháp đánh giết, chỗ kia bị Pháp bắt đi thì lại lo đến mất ăn mất ngủ. Mỗi lần cậu hỏi thăm trên tỉnh lại không có nhận được tin tức gì của anh Thạch, mà chỉ có giấy báo tử của những người lính từ chiến trường, cậu lại bắt đầu khấn thần khấn trời rằng trong những tờ đó không có ai tên Sơn Thạch.
Bẵng đến gần cuối năm, anh Thạch trở về trong nước mắt của cậu hai Sơn, nhưng không phải là đi về, mà được khiêng về...
Anh Thạch bị thương nặng sau quãng thời gian bị bọn Pháp tra tấn...
Cái ngày gặp lại, ai cũng tưởng chừng như anh Thạch đã sắp không qua khỏi, vậy mà bằng cái sự kiên cường nào đó, anh lại có thể tiếp tục điều trị và bắt đầu hồi phục.
Những ngày đầu tiên, anh chỉ có thể lẳng lặng nhìn cậu hai Sơn, nhìn cậu dùng hai tay che lại để ngăn đi tiếng khóc, mãi đến vài tháng sau mới có thể mở miệng nói chuyện, nói những từ ngắt quãng, dưỡng thương hơn một năm trời mới có thể nói được bình thường, chập chững đi lại mà không cần ai đỡ tay.
Lại trôi qua vài tháng, cuối cùng anh Thạch cũng có thể hoạt động đi đứng như người thường, cậu hai Sơn cũng có thể trút được cái phiền não trong cả năm nay xuống, hai người lại có thể giống như ngày xưa, đèo nhau trên chiếc xe đạp, cảm nhận cơn gió mùa hạ nhẹ nhàng xuyên qua từng lọn tóc.
"Cậu Sơn có còn nhớ, lúc trước tôi bảo nếu tôi sống sót trở về sẽ nói cho cậu bí mật của tôi không?" Anh Thạch dừng xe lại gác qua một bên rồi chậm rãi đi bộ đến cái gốc cây đa đầu làng, phía sau anh là cậu hai Sơn.
"Tôi vẫn nhớ, chẳng hay anh Thạch có còn giữ?"
"Vẫn còn, và bây giờ tôi đang muốn nói cho cậu Sơn biết bí mật ấy đây."
Bỗng anh Thạch xoay người lại, nhìn thẳng vào mắt cậu hai Sơn, nhẹ nhàng nói: "Cậu hai Sơn, tôi dùng năm sáu năm nay để nghĩ và nhìn nhận về trái tim này, mà tôi không phải là người lý trí. Tôi vẫn chưa trả xong nợ nước, vẫn chưa báo thù cho gia đình, nhưng tôi sợ nếu không nói thì sau này tôi không còn cơ hội..."
Anh Thạch ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp: "Cậu Sơn này, mấy năm nay tôi không có suy nghĩ lấy vợ sanh con, bởi vì tôi không có cái sự thích thú giữa một người đờn ông với một người đờn bà. Điều khiến tôi kiên cường khi nhận đòn roi của lũ thực dân là Cậu Sơn đây. Cậu Sơn, cậu có thể chấp nhận lời thỉnh cầu của tôi, rằng tôi muốn chăm sóc cậu đời này, chăm sóc đến khi tóc cậu bạc trắng, đến khi chúng ta nằm yên trên chiếu không?"
Cậu hai Sơn đã từng mường tượng tới cái cảnh anh Thạch nói lời thương, cậu cũng từng nghĩ cảnh mình sẽ khóc ré lên như một đứa trẻ, hoặc là cười to trong sự vui sướng. Nhưng đến khi chuyện này xảy ra thật, thì cậu lại bình tĩnh đến lạ, mãi một lúc sau mới lên tiếng: "Sau này anh Thạch có tiếp tục đi kháng chiến không?"
"Có... Đảng An Nam Cộng Sản đã hợp nhất với mấy đảng khác thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục theo Đảng Cộng Sản mà chiến đấu..."
Nói đến đấy anh Thạch dừng lại. Anh không biết phải nói tiếp như thế nào. Mình vừa nói muốn chăm sóc người ta, vậy mà tiếp theo lại đi ra chiến trường, vậy thì chăm sóc kiểu gì?
"Tâm anh Thạch còn nặng nợ nước, nào có thể lưu lại mà chăm sóc tôi. Thôi thì thế này, lời nói anh Thạch tôi chấp thuận, nhưng cũng xin tạm lưu lại nơi này, đợi ngày anh hoàn thành tâm nguyện thì quay về đây, thực hiện lời nói hôm nay của anh, chăm sóc tôi đến hết đời. Anh Thạch thấy ý này thế nào?"
Anh Thạch không nói gì cả, bởi mắt anh đã hơi ươn ướt. Anh tiến lại gần cậu hai Sơn, không biết nói gì chỉ đành ôm cậu vào lòng, đôi bàn tay chai sạn vì những ngày tháng cầm súng khẽ luồn qua những ngón tay thon dài của người kia, nắm chặt lại.
"Vậy mong cậu Sơn giữ dùm tôi lời hứa, đợi kháng chiến thắng lợi tôi xin được quay về với cậu."
...
Một lần đợi, là đợi hơn hai mươi năm ròng rã. Cậu hai Sơn từ chàng trai trẻ trung nay tóc đã lấm chấm muối tiêu, đợi từ cái lúc cây mận còn non đến lúc nó to cao vững vàng, mà anh Thạch vẫn chưa quay về.
Có nhiều người ngỏ ý mai mối cho cậu hai Sơn, nhưng chẳng ai làm cậu vừa ý, không lý do này lại lý do kia, nhưng đa số mọi người đều hiểu là cậu đã có người thương, còn đang đợi người ta quay về, dần dần rồi không còn ai tới làm mai cho cậu nữa. Người ta vừa khen cậu chung tình, vừa thương cảm cậu số khổ. Sao mà không khổ khi đợi một người nào đó hơn hai mươi năm mà chẳng có tí tin tức gì, giờ đã qua tuổi xế chiều, có khi phải sống cô độc mãi đấy.
Nhưng chỉ có cậu hai biết rằng, bản thân cậu không có cô đơn. Cậu lâu lâu vẫn nhận được lá thư bình an do anh Thạch gửi về, đôi khi là kể chuyện chiến tuyến, lúc lại hỏi thăm sức khoẻ cậu, đôi hôm còn viết mấy dòng thư tình tỏ nỗi nhớ mong khiến cậu hai Sơn lúc nào cũng vui vẻ.
Chỉ có mấy năm gần đây, chiến dịch ngày càng căng thẳng, anh Thạch cũng không còn gửi thư về nữa. Ngày ngày cậu không biết làm gì, đành dùng con xe đạp được mua giống y con xe đạp cũ của anh Thạch, đạp vòng vòng quanh làng. Người trong làng bảo cậu đi hóng gió đấy, nhưng chỉ có cậu mới hiểu, cậu đạp thế hy vọng có ngày anh Thạch về, cậu có thể đón anh sớm hơn, tự mình chở anh về nhà.
Và như cậu ước nguyện, có một ngày, Anh Thạch - trong bộ đồ người lính - đã thực sự trở về. Anh không còn là trai tỉnh hay cười như trước, mà cũng như cậu hai Sơn, bị thời gian in hằn lên người những nếp nhăn, chỉ là nụ cười vẫn đẹp như thuở cả hai mới gặp nhau.
"Cậu Sơn, tôi đã về rồi."
Anh Thạch ngồi phía sau yên xe mỉm cười, đôi mắt in hằn dấu chân chim.
"Tôi biết mà, may mắn quá, thần Phật phù hộ anh bình an trở về."
"Cậu Sơn này, bây giờ chính quyền Pháp đã ký hiệp định Giơ - Ne - Vơ rồi, lũ hại cha mẹ tôi cũng đã bị tôi tự tay tiễn đi rồi. Bây giờ...."
Bỗng anh Thạch ngưng lại, rồi choàng hai tay qua ôm eo người trước mặt, dịu dàng nói: "Lời nói chăm sóc cậu lúc trước, bây giờ có thể cho tôi thực hiện không?"
Cậu hai Sơn mỉm cười nói: "Có thể."
Hình bóng hai người trên chiếc xe đạp ngày càng xa cái cổng đầu làng, chỉ để lại dư âm ngọt ngào, của một mối tình không cần nói rõ ra.
-hết truyện-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com