Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tài liệu: nhà nước Âu Lạc

Cuối thời Hồng Bàng, nhiều lần bị vua Thục sang đánh nhưng nhờ binh cường tướng giỏi nên đều thắng nên vua Hùng sinh ra kiêu ngạo, chểnh mảng võ bị, ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Năm 258 TCN, cháu vua Thục là Thục Phán sang đánh, vua còn mải mê uống rượu, khi quân Thục đến gần vua nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng. Thục Vương chiếm lấy nước, sát nhập và thành lập nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc có lãnh thổ từ phía nam sông Tả Giang (Quảng Tây-Trung Quốc) kéo xuống dãy Hoành Sơn (Hà Tĩnh).

Nước được chia thành 15 bộ, còn gọi là quận, bao gồm:

1. Giao Chỉ.
2. Chu Diên.
3. Vũ Ninh.
4. Phúc Lộc.
5. Việt Thường.
6. Ninh Hải.
7. Dương Tuyền.
8. Lục Hải.
9. Vũ Định.
10. Hoài Hoan.
11. Cửu Chân.
12. Bình Văn.
13. Tân Hưng.
14. Cửu Đức.
15. Văn Lang.

Dựa trên các cơ sở của nhà nước Văn Lang, An Dương Vương cũng để nguyên cơ cấu các bộ tộc như dưới thời các vua Hùng. Quan lại giúp việc cho An Dương Vương gồm lạc hầu (quan văn) và lạc tướng (quan võ) còn các quan nhỏ ở địa phương gọi là bồ chính. Con trai vua gọi là "quan lang", con gái vua gọi là "mỵ nương", nữ lệ gọi là "xảo xứng", trai lệ gọi là "triệu xứng". Nhưng theo "Lĩnh Nam chích quái", tôi tớ được gọi là "xao" nếu là nữ, và "xung" nếu là nam, kẻ bề dưới là "hôn". Xao có thể được gắn với "sao" trong tiếng Thái (con gái), "hôn" của tiếng Chăm và "ho hun" của tiếng Jarai và "côn huon" trong tiếng Thái là những từ dùng để gọi các nô lệ lo việc nhà. Vì vậy "xảo xứng" có thể không phải riêng nữ lệ mà nói chung cả nam và nữ lệ.

Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên như thần núi, thần sông, thần gió... Vào các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải. Xuất hiện tục nhuộm răng, ăn trầu, phong tục cưới xin, ma chay, phong tục lễ hội. Đặc biệt lễ hội thời kỳ này khá phong phú như hội mùa, hội cầu, hội nước,...Tín ngưỡng bái vật giáo, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Phụ nữ mặc váy dài chấm gót hoặc dài qua đầu gối chân. Áo có loại cọc tay hoặc dài tay, bó sát thân người, có loại áo cánh ngắn cổ vuông hở một phần vai và ngực. Những người giàu có thì trang phục đa dạng và hoàn chỉnh hơn với váy may hình ống hay váy mảnh; áo cánh xẻ ngực mặc ngoài, không cài khuy. Hoa văn được tạo bằng các thêu hay dệt trực tiếp từ sợi vải nhuộm màu. Cách mặc gần giống những phụ nữ Kinh, Mường gần đây. Các loại yếm buộc dây phía sau cổ và lưng cũng đã có từ thời này. Trong những ngày lễ hội, phụ nữ được hoá trang, chiếc váy vải thường ngày được thay bằng váy lông chim hay váy lá, váy sợi cây, trang trí hoa văn. Trước và sau váy có miếng vải đệm và cạp váy được dệt hoa văn tinh xảo. Các hình trên tượng tròn, cán dao... cho thấy có một loại khăn quấn hoặc mấn làm từ nhiều lắm vải, có gắn lông chim công hoặc chim trĩ. Các loại mũ trong dịp lễ hội xem xét qua các hình vẽ trên trống đồng cũng có nhiều loại, theo hình vẽ khảo sát được thì có khoảng 5 loại khác nhau: mũ toàn lông chim, nam đóng khố và mũ có tua, mũ có lông chim sau gáy và tua trước trán, mũ có lông chim trước trán, mũ có tua bó thành chùm.

Nam giới đóng khố quấn ngang hông, cởi trần là việc phổ biến trong các hoạt động như đi đồng, chài lưới, đánh trận, có áo chui đầu có hoa văn trang trí. Khố có hai loại: kiểu quấn đơn và kiểu quấn kép ít gặp hơn. Trong những dịp lễ hội trang phục nam cũng cầu kỳ hơn, có áo và tấm choàng được trang trí lông chim, bông lau. Các hình khắc trên mặt trống đồng mà nhà nghiên cứu cho là vũ công trong các dịp lễ hội vẽ một loại trang phục xẻ vạt trước và sau, cho nên đây có thể là sự thể hiện trang phục nam trong các dịp lễ hội.

Về văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật tạc tượng, nghệ thuật kiến trúc đã hình thành. Đặc biệt trống đồng Đông Sơn là sự phát triển vượt bậc, là 1 biểu tưởng văn hóa, cũng là 1 nghệ thuật giá trị đặc sắc.

Chữ viết nền văn hoá Đông Sơn được chạm khắc trên các công cụ, vũ khí đồng thau, các đường nét còn sơ lược nhưng khúc triết, rõ ràng. Ngoài ra, còn có các dạng văn tự khác viết trên đồ đá, đồ gốm. Trong đó có loại hình văn tự thắt nút dùng 1 số sợi dây có màu sắc khác nhau buộc lại thành các nút khác nhau để trao đổi thông tin.

Vũ khí rất phổ biến, đa dạng về loại hình, độc đáo về hình dáng, phong phú về số lượng. Có thành quách với các bức thành kiên cố với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy để bảo vệ phòng thủ. Điều này gắn liền với các thần thoại và truyền thuyết về truyền thống chống giặc ngoại xâm, giữ nước của dân tộc Việt, ví dụ như câu chuyện nỏ thần của vua Thục Phán An Dương Vương bắn mỗi phát ra hàng loạt mũi tên đồng làm cho tướng xâm lược Triệu Đà phải khiếp vía kinh hồn. Những cuộc khai quật ở thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) đã phát hiện ra kho chứa hàng vạn mũi tên đồng. Mũi tên Cỗ Loa có các loại hình cánh én, hình lao có họng hay có chuôi, loại 3 cánh có chuôi dài. Ngoài ra còn có giáo, lao, dao găm, kiếm, qua, rìu chiến... Rìu chiến có đến gần 10 loại: các loại rìu xéo (hình dao xéo, hình thuyền, hình hia, hình bàn chân) rìu lưỡi xoè cân, rìu hình chữ nhật, rìu hình dao phạng. Dao găm có các loại lưỡi hình lá tre đốc củ hành, đốc bầu dục hay có chuôi là một tượng hình người, có loại dao găm lưỡi hình tam giác, cán dẹt hay tròn. Khải giáp gồm có các tấm che ngực có hình vuông hay hình chữ nhật, áo giáp gồm các vảy đồng buộc lại với nhau, có hoa văn trang trí đúc nổi. Ở Hà Nam Ninh còn tìm thấy cả giáp che ngực và mũ chiến bằng đồng.

Tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư.
2. Lĩnh Nam chích quái.
3. Văn hoá Đông Sơn (Wikipedia).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com