Truyen2U.Net quay lại rồi đây! Các bạn truy cập Truyen2U.Com. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hồi thứ hai mươi lăm: Âu Binh đại chiến

Khi ấy bỗng nhiên mặt đất rung chuyển, tiếng rú gầm vọng lên khắp nơi, tử thi quay về phía Ngọc, nói:

- Đưa ta con dao.

Ngọc biết tình thế khẩn cấp, nguy hiểm vẫn còn cận kề liền rút ngay dao ra đưa cho tử thi. Tử thi cầm lấy tay Quyết, vốn vẫn đang bám trên cổ nó, nói:

- Con chịu đau một chút!

Quyết thấy tử thi cầm lấy tay mình thì hết sức xúc động, bởi vì cha hắn trước kia bàn tay bị tật ở ngón cái, cầm nắm bất cứ vật gì đều chỉ có thể cầm bằng bốn ngón tay. Bây giờ hắn thấy tử thi cầm vào tay mình, bốn ngón tay nắm chặt, ngón cái lại buông hờ, có lẽ là do thói quen khi còn sống thì chắc đến mười phần đây đúng là cha mình. Nghĩ đến việc cha chết thảm đến nông nỗi này, đau đớn khổ cực không biết bao nhiêu mà kể, bất giác nước mắt Quyết tuôn trào.

Tử thi dường như không để ý đến con xúc động của Quyết, nó lướt nhẹ lưỡi dao, lập tức máu từ tay Quyết chảy ra thành giọt. Ngọc cả kinh, chưa hiểu thế nào, chỉ thấy máu Quyết vừa chạm vào mặt đất, lập tức sáng rực.

Bấy giờ đang lúc giữa đêm, cô đảo trên hồ bao phủ trong ánh trăng mờ nhạt, bàng bạc. Đột nhiên thứ ánh sáng trên mặt đất ấy khiến cho cả một vùng đất sáng bừng lên, đỏ rực như máu tươi.

Ánh sáng ấy giúp cho Ngọc thấy rõ ba người đang đứng trong vòng tròn lớn, ở giữa chằng chịt những nét ngang dọc, mỗi nét đều tự phát sáng. Những giọt máu của Quyết vừa nhỏ xuống sáng hơn hẳn những nét viết nét vẽ thông thường, tưởng như khiến người ta nhức mắt váng đầu khi nhìn vào.

Nguyên là vừa rồi tử thi vừa vẽ ra "thủ công song tuyệt linh phù", chính là một tấm bùa. Tấm bùa này thực ra có rất nhiều điểm kỳ dị so với các tấm bùa thông thường, chỉ là Ngọc không hiểu biết về bùa chú nên không phân biệt được.

Luận về thành phần, các tấm bùa thông thường, bao giờ cũng bao gồm ba phần chính, một là hình vẽ, hai là chữ viết, ba là ấn triện. Tấm bùa này cũng có những thành phần ấy, có điều cả về chữ viết và ấn triện đều kỳ dị. Thường chữ viết trên linh phù được viết bằng Hán tự, bức linh phù này lại được viết bằng chữ khoa đầu, là thứ chữ Việt cổ, vốn đã bị thất truyền từ lâu, đến lúc này lại được tử thi sử dụng.

Luận về ấn triện trên linh phù, thường thì ấn triện được khắc thành con dấu, thể hiện người lập linh phù. Tử thi lấy máu của Quyết làm ấn triện, hiển nhiên hắn là người chủ của linh phù này, linh phù này mạnh hay yếu phụ thuộc trực tiếp vào ma lực của hắn.

Luận về cách cục, linh phù này có mấy điểm khác biệt. Tấm bùa thông thường lấy cấu trúc cơ thể người làm khung, lấy nhân tâm làm trung tâm, từ đó hình thành thân thể, tứ chi. Quy tắc ấy đôi khi rõ ràng, đôi khi ngụ ý, tuy người thường khó mà nhận ra được, nhưng với các vu nhân thì nhận ra tương đối dễ dàng. Tấm linh phù này có hình tròn nên cách cục của nó không phân trên dưới mà chỉ có hướng từ trong ra ngoài.

Thông thường một tấm bùa được viết trên giấy có thứ tự từ trên xuống dưới, bắt đầu là chữ "sắc phong", chính là sự tiếp nhận sắc phong từ các thế lực siêu nhiên, có khi lại ám chỉ việc nhận chỉ thị từ những thần thánh. Chữ "sắc phong" mặc dù đa dạng nhưng thông thường nhất là có hình hai con rắn chụm đầu hướng lên trên. Những kiểu chữ "sắc phong" khác không phải không có, nhưng chữ "sắc phong" trong linh phù này, lại viết một chữ "âm" bằng chữ khoa đầu, lồng vào đó hình ba con chim trĩ hội tụ tại tâm điểm.

Phía dưới "sắc phong", là các chữ "trấn", nghĩa là dùng để trấn yểm, chống lại các thế lực của đối phương. Chữ "trấn" đây cũng viết bằng chữ khoa đầu, nét bút vuông vức, cương nghị, trầm hùng, thể hiện uy nghiêm của người viết. Phần phía trong này chính là phần "thủ" của bức linh phù. Người đứng trong vòng thủ, một khi pháp lực còn áp đảo được đối phương thì không lo bị xâm hại.

Phía vòng tròn bên ngoài chính là phần "công", gồm có mười tám chữ "sát" được viết biến tấu nhìn rất lạ mắt, mỗi chữ lại được tô vẽ thêm nhiều đường ngang dọc, chính là thể hiện các hung khí tấn công đối phương. Mỗi chữ lại có năm chấm ba gạch, năm chấm biểu trưng cho ngũ hành, gồm có: kim, mộc thủy, hỏa, thổ, và ba gạch tức tam sát nghĩa là: trời đánh mày chết, đất đánh mày chết, tao đâm mày chết. Đây chính là các chữ sát quỷ, nghĩa là các chữ dùng để tấn công, hạ gục đối phương. Đến phần chữ viết này, các nét bút lại giống như những nét gạch rời rạc, đan xen vào nhau, mỗi nét đều mạnh mẽ vô cùng, thế như xẻ núi tát biển, mỗi đường, mỗi nét đều như nhắm vào đối phương mà công kích, sát thương.

Thứ tự như trên thường được viết từ trên xuống dưới, nhưng trong bức linh phù này, tất cả đều được vẽ từ trong ra ngoài, xoay quanh tâm bức đồ. Phía bên ngoài tấm phù, lại có năm cặp chữ bao gồm: "kim triệu", "mộc triệu", "thủy triệu", "hỏa triệu", "thổ triệu". Những chữ này được viết ngay ngắn, uy nghi, vừa oai nghiêm vừa mực thước, năm cặp chữ ấy điểm năm góc của hình tròn. Năm điểm này sáng lên sau cùng, mỗi vòng một màu, xanh - đỏ - vàng - trắng - lam ứng với mộc - thổ - hỏa - kim - thủy, rực rỡ tỏa sáng.

Chữ "triệu" vừa sáng lên, ngay lập tức nghe thấy thình thình mấy hồi trống lớn, tiếp đến lại có tiếng vó ngựa rầm rầm như có trăm ngàn quân kỵ kéo đến từ bốn phương tám hướng. Quyết và Ngọc nghe rõ cả tiếng giáp trụ bằng sắt thép va đập vào nhau leng keng loảng xoảng. Âm thanh hỗn tạp thế này, Quyết đã gặp phải mấy lần, một lần tại hố chôn xác, một lần nữa ở cẩu trận khi Nguyễn Trác gọi binh, gần đây nhất chính là lúc ở trên ngọn cây đa thần.

Quyết biết đây chính là tiếng âm binh được triệu về nghe lệnh. Có điều, lần này tiếng động cực kỳ hùng dũng, như thể có thiên binh vạn mã tiến về, tiếng động trước kia hắn được nghe qua, không bằng một phần nhỏ của âm thanh này.

Con thạch xà phía xa xa đột nhiên rít lên một tiếng dữ dội. Quyết đang nhìn về phía nó, đột nhiên la lên một tiếng "úi chao", hắn thấy con thạch xà tự nhiên rùng mình, phân thân thành ba bốn con khác, con nào con nấy giống hệt nhau.

Con thạch xà ngừng rít, lập tức mấy con thạch xà kia lại nhập vào thành một. Quyết nghĩ thầm:

- Thì ra tiếng rít kia làm rung chuyển cả mặt đất khiến cho mình nhầm tưởng là con thạch xà có tài phân thân. Tiếng rít thật là ghê gớm!

Bấy giờ Quyết nghe có tiếng khóc than rất thảm thiết, lại thấy từ phía ngoài hồ, một đội nhân mã đang tiến về phía đảo. Đội quân này số lượng rất đông, ít ra cũng phải đến vài nghìn. Đám binh lính ấy cứ một tốp binh lại mang một lá cờ hiệu màu vàng, trên cờ vẽ hình một con vật sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Con vật ấy chính là giống kỳ lân. Lại thấy có những cờ hiệu ghi một chữ khoa đầu, Quyết không rõ nghĩa của chữ này. Âm binh càng tiến đến gần tiếng khóc than nghe càng thảm thiết. Hắn giật mình thầm nghĩ:

- Tên Cao Tiến ngày ấy mới có năm trăm âm binh mà khí thế đã hùng mạnh vô cùng, nay nhìn đám âm binh kia, không xét về số lượng đông đảo hơn nhiều mà chỉ xem mỗi âm binh đều có tỏa ánh xanh, phát sáng hơn hẳn hợp binh của Cao Tiến, có thể thấy đội quân này mạnh mẽ thế nào.

Dẫn đầu đội binh mã này, là một soái vong có tỏa ra ánh tía rực rỡ. Ngoài ra, có một số soái vong đi theo cũng có sắc tía, có điều ánh sáng kém hơn. Số lượng vong tía này không nhiều, có lẽ một soái vong suất lĩnh một vài nghìn binh mã. Kỳ dị ở chỗ, các soái vong đều có hình dạng nữ nhân. Các ma nữ này, mặt mũi đẹp như tranh vẽ, mày mắt thanh tú, sắc mặt tươi hồng, da mịn như lụa, miệng đỏ như son, khác hẳn với ma nữ kinh dị bên cạnh Phạm Hữu Long.

Bọn họ mình vận giáp trụ, trường bào, thân mang vũ khí, roi ngựa. Cử động của họ dứt khoát mạnh mẽ. Cứ nhìn cung cách chỉ huy thì đủ biết đây là những tướng lĩnh dày dạn sa trường, nhưng nhìn cách nhún mình trên ngựa, lại thấy vẻ yêu kiều thướt tha của các soái vong. Tất thảy đều có vẻ yểu điệu uyển chuyển của nữ nhân, lại vừa mang khí khái oai hùng của võ tướng, hai phong thái trái ngược này đều thể hiện trong từng soái vong, giống như mu và lòng bàn tay, lưỡng tướng hợp nhất trong một thể.

Nguyên đội quân kia cầm cờ hiệu mang chữ Phạm, chính là đội âm binh của nhà Phạm Đình.

Đội quân này vốn được họ Phạm Đình thâu nạp từ đời này sang đời khác, dù tuyển chọn trăm nghìn mới lấy một nhưng thời gian lâu dài như vậy, nên số lượng lên đến con số hai vạn.

Nhà họ Phạm vốn được phong là Lạc Vu Điện Súy bởi trong tay có hơn hai vạn âm binh, trên đất Đại Việt, đây là đội quân âm binh hùng hậu và tinh nhuệ nhất. Đội quân này suốt mấy trăm năm nay làm nhiệm vụ thủ thành Thăng Long. Nó được thành lập từ thời Trần nên được tổ chức biên chế theo cách thức triều Trần vẫn thực hiện, cứ năm binh được xếp thành một ngũ, tám mươi binh hợp thành một đô.

Quân đội âm binh nói chung được chia thành Cấm quân, Lộ quân và Vương hầu quân. Cấm quân gồm năm nghìn nhân mã túc trực bảo vệ Long thành. Cấm quân thời Trần hoàn toàn có thể được điều động đến các địa phương để tham chiến nhưng Cấm quân âm binh thì trái lại, nhiệm vụ của họ là cố thủ bảo vệ kinh thành, vì thế họ có quân lệnh không bao giờ được phép rời khỏi Đông Kinh.

Lộ quân gồm gần hai trăm đô, tổng cộng hơn vạn rưỡi, được chia làm bốn đạo đóng tại các trấn quanh Long thành. Âm binh đang kéo về tham chiến chính là quân ở các lộ.

Cấm quân và lộ quân nằm dưới sự chỉ đạo của nhà họ Phạm. Ngoài ra, nó còn được giám sát bởi bốn vị thánh trấn kinh là: Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn, Trấn Vũ.

Quân vương hầu là quân của các đầu lĩnh trong hội tự thu nạp để sử dụng. Ẩm binh của Nguyễn Trác cũng được xếp vào hạng ấy. Trấn Quốc Hội không có hạn chế đối với loại quân này, vì thế có nhiều trường hợp các thành viên hội lập được những đạo âm binh rất lớn, ví như đội quân ba vạn hùng binh của Hoàng Tấn Hùng, Tả Đại Lạc Vu của hội. Người này sau theo nhà Nguyễn, lại trở thành một lực lượng đối kháng với họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Chính vì những cuộc đối đầu này, người ta mới lắc đầu than Trấn Quốc Hội đang trong cơn nồi da xáo thịt.

Bốn đạo Lộ quân được chia thành Bắc đạo Kinh Bắc, Nam đạo Sơn Nam, Tây đạo Sơn Tây và Đông đạo Hải Dương. Ngoài ra còn một đạo gồm năm nghìn người được gọi là Tâm đạo tuần vệ, chính là đội quân kỵ tuần tiễu, di chuyển giữa các địa phương để phối hợp khi có biến.

Họ Phạm được phong là Lạc Vu Điện Súy, đôi khi còn được gọi là Điện tiền chỉ huy sứ, hay gọi tắt là Điện Súy giống như cách gọi tướng chỉ huy Cấm quân. Hai chữ "hộ pháp" nhà họ Phạm Đình mấy đời được nhận chính là dùng để chỉ chức năng bảo vệ kinh thành.

Luận về Cấm quân, mỗi binh đều có ma lực cao thâm hơn hẳn lộ quân, lại được chia làm năm đạo nhỏ, mỗi đạo một nghìn binh mã. Bốn đạo thủ tại các đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh. Lại có một đội Cấm quân tuần vệ, về cơ bản đội binh này cũng giống như đội Tâm đạo tuần vệ, liên tục di chuyển kiểm soát nội thành Thăng Long. Đội Cấm quân tuần vệ là đạo quân tinh nhuệ nhất trong số mười đạo âm binh trong ngoài kinh.

Sở dĩ quân binh cả hai vòng trong ngoài Đông Kinh đều được chia làm năm đạo, là vì năm đạo này ứng với năm hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quân binh mỗi đạo, cứ luận theo các phương ứng với hành của mình mà đóng, kim, mộc, thủy, hỏa ứng với tây, đông, bắc, nam. Tỷ như Bắc đạo Kinh Bắc và Quán Thánh trấn quân đóng ở phương bắc mang mệnh thủy. Bạch Mã trấn quân và Đông đạo Hải Dương đóng ở phương đông mang mệnh mộc; Voi Phục trấn quân và Tây đạo Sơn Tây đóng phương tây mang mệnh kim; Kim Liên trấn quân và Nam đạo Sơn Nam đóng ở phương nam mang mệnh hỏa. Riêng Tâm đạo tuần vệ và Cấm quân tuần vệ ở nội thành là hai đạo mang mệnh thổ, ở vị trí trung tâm.

Xét về binh lực thì theo thứ tự, âm binh vòng ngoài kém âm binh vòng trong một bậc, hai đạo thổ binh mạnh hơn bốn đạo âm binh còn lại một bậc. Vậy nên xét về binh lực thì Cấm quân tuần vệ có sức mạnh lớn nhất.

Lại nói các soái vong dẫn đầu mỗi đạo từ trước đến nay, đều là các nữ vong. Trong số nữ vong này, vong mạnh nhất được xếp vào Cấm quân tuần vệ được gọi riêng là "Đệ nhất phụ vong".

Đệ nhất phụ vong có đặc ân được giao phối với Lạc Vu Điện Súy, sinh sản ra hậu duệ của gia tộc này, cho đến khi hậu duệ này đủ tuổi lập thân, được truyền cho các pháp thuật thì Đệ nhất phụ vong mới tự nhiên siêu thoát. Trải qua chín đời nhà họ Phạm, tất cả các chính thất của nhà ấy đều đảm nhiệm vị trí Đệ nhất phụ vong.

Khi xưa Cao Tiến mang theo Quyết về kinh thành, đã phải lén yểm Quyết bằng một lá bùa tàng hình do Phạm Hữu Long lập ra để không bị đội âm binh này nhận ra. Nếu không, gặp phải quân đội âm binh nhà họ Phạm, chỉ e âm binh của Cao Tiến chưa kịp đánh đã tan tành.

Lại nói đội âm binh Quyết nhìn thấy chính là đội Tâm đạo tuần vệ, mang sắc vàng đặc trưng, biểu tượng kỳ lân, thanh âm là tiếng khóc than. Đội binh này thuộc LỘ quân, là đội cơ động, hễ nghe lời chủ hiệu triệu, sẽ lập tức lên đường, đến trận địa sớm nhất.

Qua một tuần trà, Quyết lại thấy từ bốn phía có bốn đội binh rầm rập kéo tới, đây chính là Lộ quân thủ tại các trấn quanh Thăng Long. Bốn đạo quân này, mỗi đạo có màu sắc khác nhau, cờ hiệu khác nhau, âm thanh từ trong quân phát ra cũng khác nhau.

Đông đạo Hải Dương quân mang mệnh mộc, sắc quân màu xanh lá, cờ hiệu mang sắc trắng, trên có hình rồng xanh. Đạo này chưa đến, từ xa đã nghe tiếng gọi râm ran.

Tây đạo Sơn Tây quân mang mệnh kim, sắc quân màu trắng, cờ hiệu nền đen có hình hổ trắng, trong quân dậy vang tiếng la hét rất ồn ào.

Nam đạo Sơn Nam quân mang mệnh hỏa, sắc quân màu đỏ, cờ hiệu có hình sẻ đỏ, tiếng cười từ đạo quân này rộn ràng cả mặt hồ. Bắc đạo Kinh Bắc quân mang mệnh thủy, sắc quân màu đen tuyền, cờ hiệu có hình một con rùa đen mang đầu rắn, quân thanh là tiếng rên la như người bị đau đớn.

Chẳng mấy chốc, gần một vạn rưỡi quân binh hùng hậu được triệu tập. Khu vực hồ Thí Sĩ này tuy nói là thuộc Đông Kinh nhưng đã nằm ra ngoài phạm vi chiến đấu của đội Cấm quân. Quân pháp của đội âm binh rất nghiêm, năm nghìn tinh binh bảo vệ kinh thành không được phép tham chiến, lệ này được đặt ra từ mấy đời nay, bởi mục đích cuối cùng của đội Cấm quân ấy là bảo vệ kinh thành, không phải quân chinh phạt.

Trong Trấn Quốc Hội, người ta gọi lực lượng âm binh này là "binh thủ", một trong "Long thành tam thủ". Chử Cao Sơn chỉ huy lực lượng gọi là "phản yểm hãm thủ", chính là lực lượng chống lại việc hãm yểm. Ngoài ra, Nguyễn Trác chính là Kinh Sư Lạc Vu đứng đầu "vu thủ", có nhiệm vụ chỉ huy những vu nhân có mặt tại Thăng Long, những việc điều động người, giao nhiệm vụ cho từng người trong phân hội đều do gã một tay sắp đặt.

Từ khi Phạm Đình Sơn chết, tự nhiên đám quân hộ thành không có chủ, thành ra mới có chuyện Chử Cao Sơn phải đứng ra thủ thành, lực lượng không đủ lại gặp cường địch, mới lâm vào họa hổ binh kia.

Ba thế lực này, một chống lại tà ma, một chống lại hãm yểm, một cai quản vu nhân, tất cả đều nhằm mục đích giữ bình yên cho kinh thành, tạo thành thế chân vạc vô cùng vững chắc. Phạm Hữu Long biết hai nhà Phạm, Chử trung thành với nước lại thân thiết với nhau, khó bề lung lạc. Nếu hai nhà liên thủ lại thì là mối nguy lớn nên y mới thực hiện kế hoạch bước đầu mua chuộc Nguyễn Trác, bước tiếp theo là triệt hạ lần lượt hai nhà Phạm, Chử.

Quyết bấy giờ nhìn ma ngựa rợp trời, khí thế dời núi lấp biển, thì cũng thấy yên dạ mấy phần. Bỗng nhiên, hắn thấy một bóng đen chạy như tên bắn trên mình con thạch xà rồi dừng lại ở trên đỉnh đầu nó. Cái bóng này mang hình người nhưng bụng lại to như cái trống, trông rất dị thường. Nó vừa chạy vừa cất tiếng hú lớn, nghe như tiếng người thét lên lần cuối khi rơi xuống vực thẳm, rất thê lương. Cái bóng này, chính là của Đặng Mậu Lân.

Tử thi nói với Quyết:

- Con xem, tay chân của ngài Long đến rồi.

Ai cũng nghĩ Đặng Mậu Lân là kẻ dâm loạn đến điên cuồng, thực ra vào năm mười sáu tuổi, hắn đã bị Phạm Hữu Long yểm bằng một thứ tà thuật cổ xưa có tên là "dâm yểm". Phép yểm này có liên quan đến Cuồng Mã Dược, chính là thứ thuốc mà Chử Cao Sơn đem cho chúa Trịnh Sâm uống. Thế nhưng phép dâm yểm chỉ dùng Cuồng Mã Dược như một thứ thuốc dẫn, cốt lõi của nó là một loại bùa được vẽ bằng máu gà trống tơ chưa đạp mái, đem đốt thành tro,hòa với nước ninh của "ngũ thú kê", tức ngọc hành của năm loại gà, dê, bò, ngựa, chó. Ngũ thú kê lại được cô lại, hòa cùng Cuồng Mã Dược. Người bị yểm phải được uống nước ấy vào thời khắc một canh giờ trước lần giao hợp đầu tiên trong đời. Khi ấy kẻ yểm sẽ đọc một bài quyết bí truyền bao gồm ba thiên, tổng cộng bảy trăm sáu mươi ba chữ. Bài quyết này nhất thiết phải đọc xong trước khi cuộc ân ái kết thúc. Bài quyết thì dài, mà thời gian giao hợp lần đầu tiên trong đời của phái nam thường ngắn do hưng phấn quá độ, cho nên việc thực hiện đúng các yêu cầu khắt khe của phép yểm cần sắp xếp rất tỉ mỉ khéo léo.

Công dụng của phép yểm này chính là tận dụng dục vọng trong mỗi người nam mới trưởng thành để điều khiển hành vi của người ấy. Dục vọng càng cao, thì càng dễ bị sai khiến, cho nên nhất thiết phép yểm phải bao gồm Cuồng Mã Dược để kích phát dục vọng. Dâm yểm không thuộc vào loại thuốc kích dục như Cuồng Mã Dược mà được xếp vào loại tà thuật, chính là vì nó khiến cho người nam bị yểm suốt đời bức bí, day dứt, ám ảnh bởi dục vọng. Người bị yểm giống kẻ nghiện thuốc, luôn tìm mọi cơ hội thỏa mãn dục vọng nhưng chỉ có kẻ dùng tà thuật mới biết bí thuật để thỏa mãn dục vọng ấy.

Việc Đặng Mậu Lân bị dâm yểm, chịu sự điều khiển, sai khiến, rất có lợi cho Phạm Hữu Long vì Lân là em Thị Huệ, ra vào phủ liêu dễ dàng, hành sự không có ai dám tra xét ngăn cản. Từ khi Phạm Hữu Long có thể sai khiến được hắn, Đặng Mậu Lân đã trở thành tay sai đắc lực, vừa vượt qua vòng trấn yểm nghiêm mật trong phủ chúa để dò la tin tức, vừa điều động nhân lực vật lực theo ý đồ của Long.

Bấy giờ, âm binh nhà họ Phạm đã kéo tới đây bên mặt hồ, âm quang rực sáng một góc trời. Một vạn rưỡi âm binh sắp hàng đều tăm tắp, mỗi binh mỗi tốt đứng yên như tượng đợi lệnh, quân oai hùng dũng, khí thế ngút trời. Tưởng như chỉ cần lệnh trên phát ra, số âm binh này sẽ lập tức san phẳng hòn đảo nhỏ nơi Phạm Hữu Long đang ngụ.

Bỗng nghe thấy tiếng trống vang lên rộn rã. Tiếng trống này là của Đặng Mậu Lân đang đứng trên đầu con thạch xà. Hai tay hắn cầm hai cái dùi gỗ rất lớn đánh mạnh. Nhịp gõ ấy nhẹ nhàng thoải mái, hiển nhiên đã luyện tập rất thành thạo.

Kỳ dị ở chỗ, không thấy cái trống nào bên cạnh, mà Lân dùng dùi đánh vào cái bụng to tướng của hắn. Cái bụng bằng thịt này, dùi gõ vào lại phát ra tiếng vang rền như sấm dậy, tưởng như Mậu Lân đang đánh một cái trống lớn.

Tiếng trống vừa vang lên, lập tức thấy xung quanh đảo có năm dòng nước xoáy cuồn cuộn. Mỗi vòng xoáy bán kính đến một trượng, tạo thành một cái hố hình trôn ốc sâu hoắm trên mặt hồ.

Bên ngoài năm vòng xoáy ấy lại có năm vòng xoáy lớn hơn, bán kính đến ba trượng. Tổng cộng có mười vòng xoáy cả thảy.

Qua chừng mấy khắc, từ phía dưới dòng xoáy, một luồng nước vọt lên, cao đến ba trượng. Nhìn kỹ lại, thì ra mỗi luồng nước này là một con rắn lớn. Mỗi con rắn này trên miệng ngậm một đứa trẻ, đầu đứa trẻ còn lủng lẳng ngoài miệng rắn. Những đứa trẻ ấy giống như đang bị con rắn ăn thịt, nhưng mới chỉ có phần thân nằm trong miệng rắn, tay chân vẫn còn ở bên ngoài.

Thân thể bị rắn ngậm, bụng ỏng xám ngắt. Hình hài kinh dị này là của những đứa trẻ chừng hai ba tuổi.

Mười con rắn lớn, ngậm lấy mười cái xác này, tạo thành mười cái xà trụ bên ngoài, cách đảo chừng mười trượng. Trong ngoài tạo thành hai vòng ngũ hành.

Tử thi vừa trông thấy mười cái trụ này thì lẩm bẩm:

- Ấu nhi ngũ hành trận.

Ấu nhi ngũ hành trận là một trận yểm địa, xét về khả năng phòng thủ, đây là một trong những trận pháp phòng thủ mạnh mẽ nhất của các phù thủy.

Muốn luyện thành phép này, các ấu nhi phải chịu phép yểm sống rất dã man. Phàm là ấu nhi mang hành thổ, khi vẫn còn sống bị bắt nuốt một gói đất gồm năm loại, đất chợ, đất đường, đất sông, đất núi, đất nhà võ tướng, gọi là ngũ chủng thổ.

Ấu nhi mang hành kim bị ép phải nuốt năm thứ kim loại là đồng, thủy ngân, vàng, bạc, sắt, gọi là ngũ chủng kim.

Ấu nhi mang hành mộc thì phải nuốt năm loại gỗ quý là sưa, lim, sến, thị, chò chỉ, gọi là ngũ chủng mộc.

Ấu nhi mang hành thủy thì uống năm loại nước cất từ mộ phần của các nhà sĩ, nông, công, thương, binh, gọi là ngũ chủng thủy.

Ấu nhi mang hành hỏa thì phải chịu đựng sự giày vò nhiều nhất. Phạm Hữu Long dùng năm loại lửa là lửa từ nến, rơm, than, củi, thuốc súng thiêu đốt, gọi là ngũ chủng hỏa.

Tất cả việc yểm này đều phải thực hiện khi hài nhi vẫn còn sống, quá trình yểm này khiến cho hài nhi đau đớn khôn xiết kể. Sau khi yểm xong, ấu nhi phải được duy trì trạng thái sống dở chết dở ấy.

Trận pháp loại này là tà thuật cực kỳ ác độc và phải công phu thu thập. Vốn dĩ, trước nay chỉ thấy sách đề cập đến chứ chưa thấy nhiều người có đủ ác tâm và kiên trì để luyện thành.

Ấu nhi bị phép "ấu nhi ngũ hành yểm", sau khi được yểm lại cho rắn ngậm trong miệng. Những con rắn này không những không ăn thịt ấu nhi mà còn truyền một thứ nọc đặc biệt, nuôi dưỡng ấu nhi. Các ấu nhi này nhờ nọc rắn mà duy trì sự sống, mãi mãi không thể lớn lên được, chỉ có thể dở sống dở chết trong miệng rắn. Chính nhờ điều này, kẻ lập trận có thể một lúc tụ tập được các ấu nhi ở các mệnh khác nhau, sinh vào thiên can địa chỉ khác nhau.

Phép luyện bùa hài nhi của Cao Tiến thực ra có nguồn gốc từ ấu nhi ngũ hành yểm. Cũng giống như bùa hài nhi, ấu nhi ngũ hành yểm dựa trên nguyên lý về sức sinh tồn mãnh liệt của con trẻ, chỉ khác là bùa hài nhi chỉ dùng một đứa trẻ con làm vật hộ vệ thân thể, có thể đi lại tùy ý, rất thuận tiện, còn ấu nhi ngũ hành yểm lại lấy những đứa trẻ làm vật trấn địa. Những đứa trẻ bị bức cho chết dở sống dở khiến cho đau đớn kéo dài, bởi càng kéo dài, càng đau đớn, ham muốn sinh tồn càng cao thì ma lực của trận yểm càng mạnh mẽ.

Trận pháp này được gọi là ấu nhi ngũ hành trận vì trận được tạo thành bởi các ấu nhi. Các ấu nhi này tùy vào mệnh mà được chia thành các trụ tương ứng.

Thông thường, trận thế này lấy điểm cần bảo vệ làm trung tâm, trên hồ, các trụ đều bao bọc xung quanh hòn đảo nơi có con thạch xà. Từ hòn đảo ấy, theo năm hướng khác nhau, chia làm năm trụ ấu nhi. Thứ tự từ trái sang phải có hỏa, thổ, kim, thủy, mộc theo thứ tự tương sinh. Cuối cùng mộc lại đứng cạnh hỏa, từ đó, tạo thành một hình vành khăn bao quanh hòn đảo. Cứ theo thứ tự này, mỗi trụ đều được hỗ trợ bởi trụ bên trái, tỷ như hỏa sinh thổ, hiển nhiên khi chiến đấu, hành thổ được hành hỏa chi viện, bổ sung ma lực. Thổ lại sinh kim, khi lâm trận, hành kim lại được hành thổ hỗ trợ, cứ như thế tạo thành một vòng tròn khép kín.

Ấu nhi ngũ hành trận phân làm ba hạng, tiểu hạng, trung hạng, đại hạng. Trận tiểu hạng chỉ có năm ấu nhi hợp lại, ứng với nội quân. Trận này năm ấu nhi chống được trăm âm binh. Trận trung hạng gồm hai vòng ấu nhi trong ngoài hợp sức, ứng với nội quân và trung quân. Trận này mười ấu nhi chống được nghìn âm binh. Trận đại hạng gồm ba vòng ấu nhi trong ngoài, sức mạnh hơn hẳn trận trung hạng, có thể thủ thắng vạn âm binh. Nếu tạo thành thế vây có thể chống được mười vạn âm binh.

Trên hồ đang bày binh theo lối trung trận, nghĩa là có hai hình vành khăn, vòng trong vòng ngoài bao bọc lấy nhau. Trận kép có uy lực mạnh hơn trận đơn gấp bội, bởi vòng trong khi ấy là vòng nội quân, vòng ngoài là vòng trung quân. Vòng nội quân tuy không trực tiếp tham chiến, nhưng lại được bố trí để sao cho từ trong ra ngoài, trên cùng một hướng, trụ vòng nội quân trực tiếp bổ sung uy lực cho trụ vòng trung quân. Cứ theo lẽ sinh khắc, hành nội quân là ấn tinh của vòng trung quân. Thứ tự như sau:

Vòng mộc nội quân xếp sau vòng hỏa trung quân; Vòng hỏa nội quân xếp sau vòng thổ trung quân; Vòng thổ nội quân xếp sau vòng kim trung quân; Vòng kim nội quân xếp sau vòng thủy trung quân; Vòng thủy nội quân xếp sau vòng mộc trung quân.

Sắp xếp theo thứ tự như thế, mỗi hành được bổ trợ bởi hành tương sinh bên cạnh. Vòng ngoài vòng trong lại có thể tương hỗ cho nhau. Ví như vòng ngoài hỏa ứng với vòng trong mộc, mộc sinh hỏa, nên hành hỏa ở ngoài được hành mộc ở trong hỗ trợ.

Lại thêm, việc mỗi trụ mang hành nào đều phụ thuộc vào bản mệnh của ấu nhi, nếu kẻ lập trận khôn khéo chọn nạp âm thủ tượng mà hành vốn khắc lại không thể khắc được thì lại càng khó phá. Ví như ấu nhi mang mệnh Bạch lạp kim hay Kim bạch kim thì bị hỏa khắc, nhưng nếu là Hải trung kim hay Sa trung kim thì dù là địch nhân mang mệnh hỏa cũng khó khắc chế. Một khi Phạm Hữu Long chuẩn bị thế trận này, tất có cân nhắc đến điều đó.

Không gian khi ấy dù có vạn rưỡi âm binh nhưng lại im ắng, tuyệt nhiên không có một tiếng ồn ào nào. Chỉ có tiếng nước dãi nhỏ từ những cái đầu rắn xuống. Tiếng nước chảy tí tách này lại càng làm tăng thêm vẻ im ắng của hồ Thí Sĩ.

Oe oe oe...

Là hành sinh ra hành kia.

Bạch lạp kim; vàng trong sáp; Kim bạch kim: vàng pha bạch kim; Hải trung kim: vàng dưới đáy biển; Sa trung kim: vàng trong cát. Có nhiều nguồn tài liệu giải thích khác nhau về nạp âm thủ tướng và quy luật tương khắc, cách giải thích thường gặp là kim kỵ hỏa nhưng đối với kim trong nước biển hay trong cát thì khó bị hỏa khống chế.

Đột nhiên trên mười cái xà trụ, tiếng trẻ con khóc cất lên thảm

thương. Âm thanh này rõ ràng là tiếng khóc, nhưng méo mó kỳ dị, lại có cao độ chói lói, ai nghe thấy cũng đinh tai nhức óc. Ngọc và Quyết rùng mình, da gà nổi đầy người.

Tiếng khóc của những đứa trẻ này dường như làm mặt hồ phẳng lặng bỗng lăn tăn gợn sóng. Dần dần, những con sóng này lớn dần, sóng trước ôm lấy sóng sau, càng lúc càng gấp gáp dữ dội.

Lại thấy mặt hồ lô nhô nổi lên những bóng hình kỳ dị, đây chính là những ma nước trong hồ. Những bóng ma này vừa trồi lên khỏi mặt nước, đã cất tiếng khóc than rất thảm não, xen vào đó còn có tiếng kêu la râm ran, lại có cả tiếng chửi rủa rất tục tĩu và những âm thanh hỗn tạp khác. Chỉ có điều tiếng khóc trẻ con lúc lớn lúc bé dường như là chủ đạo còn tiếng ma nước thì nhịp nhàng hòa theo, lúc rên thì cùng rên, lúc khóc thì cùng khóc.

Chẳng mấy chốc, xung quanh các xoáy nước đã tụ tập đầy rẫy ma nước. Những con ma này, hình thù rất thê thảm, trong ánh ma quang nhờ nhờ, có thể thấy rõ tư thế mỗi con rất dị thường. Có con đưa tay quắt hẳn ra phía sau, có con chân vắt lên cổ, có con lại đưa tay đỡ lấy cái đầu đang ngửa ra... Đa phần chúng đều trương rữa, thối nát, chính là hình ảnh của các tử thi bị ngâm trong nước.

Tử thi nhìn những ma nước này, từ ánh sáng trên mỗi con, có thể nhận ra ma lực không mạnh. Nhưng nó biết ấu nhi ngũ hành trận này không phải sử dụng ma lực của từng con một, mà mỗi ấu nhi trong miệng rắn vừa giống như các tướng soái, vừa giống như vai trò của tướng quản lương, mỗi khi địch nhân công kích thì chính là nơi phát tiết ma lực tăng cường cho toàn đội, vậy nên không thể chỉ nhìn vào sắc ma quang mà đoán mạnh yếu được.

Tử thi thấy thế trận địch nhân bày ra sẵn, e ngại trong trận còn tàng ẩn cạm bẫy, nhất thời chưa lệnh quân xông lên.

Bấy giờ ở giữa đảo, con thạch và không ngừng lắc lư cái đầu lớn, chợt có tiếng cười hô hố rộ lên của Phạm Hữu Long:

- Ngươi sợ rồi phải không?

Đặng Mậu Lân khi ấy tay đánh một hồi trống dài, lập tức trên mặt hồ lại xôn xao tiếng rì rầm phụ họa của ma nước.

Tử thi thấy đối phương khích tướng như thế, lại càng ngờ trong trận có cạm bẫy, càng cẩn thận đề phòng hơn. Nó hô một tiếng, một đội âm binh mang hành thủy xông tới.

Đội âm binh này lướt vừa nhanh vừa nhẹ trên mặt hồ, phàm là những chỗ chúng đi qua, mặt hồ không hề có dấu vết chân ngựa, hiển nhiên chúng lướt như bay, vó ngựa không chạm mặt nước.

Đám binh này vốn mang hành thủy, từ trong quân vọng ra tiếng rên rỉ ai oán, tiếng rên này trầm ấm, rền vang, tựa như tiếng tù và. Trong đám âm binh của Phạm Hữu Long lại có tiếng khóc trẻ con ré lên cao vút. Hai âm thanh này trái ngược nhau, giống như một bên trên trời cao, một bên dưới vực thẳm, hòa quyện vào nhau tưởng như không dứt. Âm binh chưa giao chiến, mà tiếng quân đã lâm trận. Chẳng mấy chốc, âm binh chỉ còn cách ma nước mấy chục trượng. Soái vong suất lĩnh hành thủy binh này vươn người, chĩa mũi trường thương về phía xà trụ của đối phương. Mũi thương vừa chĩa tới, gió mạnh nổi lên, từ dưới mặt hồ, một dải nước nhỏ được hút lên, quấn lấy mũi thương giống như một con rắn quấn quanh ngọn giáo. Thốt nhiên dải nước này lao mạnh về phía trước, nhắm

ngay ấu nhi trong miệng con rắn lớn mà lao tới.

Dải nước này càng lao tới càng nhanh, càng lạnh. Chẳng mấy chốc đã biến thành một mũi tên bằng. Mũi tên này vụt qua trận địch, vun vút lao tới ấu nhi.

Khi ấy trong trận địch bỗng nghe "phùng" một tiếng, một ngọn lửa lớn bốc lên ngùn ngụt. Ngọn lửa cháy dữ dội trên mặt nước. Đám ma nước ở trong lửa lầm rầm hô vang, càng hô, lửa bốc càng lớn. Chẳng mấy chốc đã bốc lên đến mấy chục trượng, cả trận tiền của ấu nhi kia lập tức đã ẩn mình trong biển lửa ấy.

Tử thi thấy thế thì biết toán thủy binh của mình đã đánh tới đúng hành hỏa trụ của đối phương. Thủy khắc hỏa là lẽ đất trời, kèo này âm binh họ Phạm đang nắm thượng phong. Có điều, dù đòn tấn công ấy dùng thủy tính mà công kích hỏa trụ, nhưng cháy lớn thì nước khó dập, không biết có thể thành công hay không.

Bấy giờ mũi tên băng vẫn nhắm xà trụ mà lao vun vút tới.

Tử thi thấy tiên phong quân của mình xuất chiêu đầu, muốn giành thắng lợi ngay, miệng lầm rầm niệm mấy câu. Lập tức Quyết thấy tấm linh phù quay tròn, từ trong linh phù, có mấy ánh sáng màu xanh lam phát ra chói lòa, chiếu tới phía mũi tên. Mũi tên bằng được ánh sáng chiếu vào thì gia tăng tốc độ, băng qua biển lửa, lao tới ấu nhi.

Nghe "nhập" một tiếng, mũi băng tiễn đã cắm vào cổ rắn, tiếng khóc của ấu nhi chuyển thành tiếng thét kinh hoàng. Ngọn lửa đang cháy lớn đột nhiên tắt lịm. Con rắn đang ngậm ấu nhi chìm xuống, đám ma nước cũng theo mặt nước mà ẩn mình. Chẳng mấy chốc trận địch khuyết mất một hỏa trụ vòng trung quân.

Tử thi trải nhiều trận đánh, cơ mưu quyền biến, thấy mình đắc thế vẫn chưa vội thúc quân tới, sợ gặp bất trắc. Nó lại huýt thêm một tiếng, một tốp hỏa binh xông tới.

Đám hỏa binh này căn cứ theo vị trí vừa lộ ra mà tìm thủy trụ, sấn tới. Hỏa binh vừa xuất trận vừa cười lớn, tiếng cười rất ma quái, nhắm tới trận địch mà xông vào.

Soái binh thống lĩnh bỗng cười lớn một tràng, tự nhiên thấy âm quang rực phát như những ngọn đuốc sống. Vốn dĩ hỏa binh khi đánh trên nước rõ tất sẽ yếu thế, tử thi lo vừa rồi áp đảo được địch chẳng qua là do may mắn tìm đúng được hỏa binh của đối phương. Nó sợ một khi quân mình nhất tề xông lên, trận pháp địch biến chuyển thì không dễ giành thắng lợi, liền thử đưa hỏa binh là hành yếu nhất trong trận của mình mà tấn công địch. Khi ấy, ấu nhi địch mang hành thủy, thiên thời có mưa lớn, địa lợi có nước hồ. Về lý mà nói, đương nhiên hỏa binh trong trận này nên dùng làm hậu binh phòng giữ, nhưng đây là đòn thăm dò nên tử thì mới có cách khiến binh như thế.

Đám hỏa binh nhắm tới một trụ mé trái. Soái vong dẫn đầu đưa tay quạt mạnh một cái, một luồng hỏa phong lan tới rất nhanh.

Phía ấu nhi đã có chuẩn bị, vừa thấy đối phương động thủ liền có phản ứng. Âm một tiếng, một cơn sóng lớn dậy lên, cao vài trượng, di chuyển rất nhanh về phía hỏa binh.

Chẳng mấy chốc, hỏa phong và sóng lớn chạm nhau. Nước lớn nuốt lấy lửa dữ, ngọn hỏa phong đã bị triệt hạ.

Chứng kiến biến cố ấy, tử thi cũng không lấy làm lạ lùng. Nó biết rõ âm binh đối phương dù chỉ là các ma nước tầm thường, nhưng chủ soái lại là ấu nhi được yểm bùa kỹ lưỡng, ma lực rất lớn. Nó đang ngẫm nghĩ cách đối phó thì đột nhiên tại chỗ ngọn sóng, ngọn lửa bùng lên dữ dội. Lửa ấy lơ lửng một chút rồi lại phóng tới ấu nhi rất nhanh. Con rắn ngậm lấy ấu nhi lập tức hụp mình xuống nước tránh khỏi ngọn hỏa phong này.

Ngọn lửa đến đúng vị trí ấu nhi thì không tiến nữa mà bùng cháy. Từ trong hỏa binh, lại có tiếng cười vang dội. Mấy trăm hỏa binh nhất loạt hướng về phía ngọn lửa như muốn trợ lực. Càng lúc lửa cháy càng lớn. Quyết và Ngọc đúng cách đó mấy dặm vẫn thấy gió nóng thổi rát mặt, hiển nhiên uy lực của ngọn lửa này rất khủng khiếp.

Chỉ thấy sau khoảnh khắc, con rắn ngậm tử thi trồi lên khỏi mặt hồ, bốc cháy dữ dội, tiếng khóc của ấu nhi vang lên rất thê thảm. Sau thời gian độ một tuần trà, ấu nhi hành thủy từ từ chìm xuống. Kèo này âm binh họ Phạm lại thắng.

Tử thi cả mừng, thấy hỏa binh yếu nhất của mình mà còn áp đảo được cường binh hành thủy đối phương ngay trên mặt nước, bèn hô quân xông tới bao vây rất gấp. Chỉ trong chốc lát, hơn vạn rưỡi âm binh đã vây lấy hòn đảo nhỏ, chỉ chờ lệnh tử thi là lập tức phát động công kích.

Lại nói, vị trí tấn công của âm binh rất chuẩn xác, các soái vong cứ theo lẽ tương khắc mà tìm tài tinh. Ngay cả toán hỏa binh công kích địch vừa đắc thế cũng không ham đánh, tìm đúng vị trí hợp quân với cánh hỏa binh chủ lực của tử thi.

Âm binh họ Phạm dàn trận nhanh như chớp, chỉ loáng một cái đã thấy mặt hồ tràn ngập âm binh, vây lấy hai vòng ấu nhi trong ngoài. Cứ nhìn khí thế này, tưởng như âm binh có thể bóp nát trận ấu nhi trong chớp mắt.

Nào ngờ lúc ấy trong bụng Đặng Mậu Lân lại đánh vang. Lập tức bên ngoài vòng vây âm binh họ Phạm có mười trụ ấu nhi lớn trồi lên. Trong số mười trụ ấu nhi này, cứ hai ấu nhi một cặp được bố trí cách nhau chục trượng, tạo thành năm trụ lớn vây lấy âm binh họ Phạm.

Các nhóm ấu nhi ấy vốn được gọi là vòng ngoại quân. Chúng chia cặp thành năm lưỡng trụ, khi nổi lên thì tạo thành một vòng tròn rất rộng, vây lấy âm binh họ Phạm vào giữa vòng ngoại quân và vòng trung quân.

Vốn dĩ ấu nhi ngũ hành trận đạt được đến trung trận đã là rất kỳ công, xưa nay hiếm gặp. Lập được đại trận thì chưa có ai từng thấy. Một khi ba vòng nội, trung, ngoại quân đều đủ lưỡng hành, tức là mỗi vị trí đều có hai ấu nhi hợp thành một cặp, thì trận thế này về cơ bản không có đội quân nào có thể công kích.

Mỗi ấu nhi này không phải dễ dàng mà tìm được, phải thu thập rất công phu theo mệnh số, vậy nên tuổi của ấu nhi lớn nhỏ khác nhau. Về lý mà nói kẻ lập trận phải tìm trong vòng sáu mươi năm, đủ thiên can địa chỉ phù hợp mới thu thập được tròn trận. Phạm Hữu Long trong trận này không đủ mười lăm nhân hai là ba mươi ấu nhi, chỉ có hai mươi, nhưng cũng đã là vô cùng kỳ công rồi.

Bấy giờ âm binh của tử thi bị vây hãm trong đại trận ấu nhi ngũ hành, trước sau đều có địch. Tử thi than thầm là mắc mưu địch, muốn lui quân cũng đã muộn.

Đột nhiên, một cặp ấu nhi vòng ngoài nhất tề phóng một luồng nước lớn tới đội hỏa binh vừa đắc thủ của tử thi. Luồng nước này vừa lao tới vừa hiện hình một con cá dữ màu trắng bạc rất hùng dũng. Con cá vừa lao đến, đã nghe phục một tiếng, toàn bộ toán hỏa binh này đã biến mất.

Tử thi biết mình gặp phải kình địch, lại thấy đòn công kích lợi hại như thế, miệng lẩm bẩm:

- Lưỡng thủy thành giang!

Nguyên là trong cặp ấu nhi này, có một ấu nhi mang mệnh Thiên hà thủy, một ấu nhi mang mệnh Đại hải thủy, khi kết hợp với nhau thì ma lực được đẩy cao vô cùng. Vòng ngoài này, các ấu nhi được bố trí thành cặp chính là để tạo thành thế thuận cùng hành, tức là:

Lưỡng thủy thành giang; Lưỡng hỏa thành viêm; Lưỡng mộc thành lâm; Lưỡng thể thành sơn; Lưỡng kim thành khí.

Ấu nhi được phối hợp theo cặp như thế tự nhiên ma lực cộng hưởng, cao hơn rất nhiều.

Trận thế của Phạm Hữu Long từ thế thủ, chỉ dùng một chút tiểu xảo này, đã vây được âm binh của tử thi lại như vậy cá bằng lưới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Com